Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
377
117.050.841

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hé mở "Cổ vật đặc sắc văn hóa Óc Eo"
Ngày 27-4, hơn 300 "Cổ vật đặc sắc văn hoá Óc Eo được tuyển chọn từ 11 bảo tàng các tỉnh, thành phố phía nam đã "ra mắt" tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đây sẽ là dịp để giúp người xem hiểu biết rộng hơn về nền văn hóa Óc Eo - một nền văn hóa lớn phát triển ở khu vực phía nam tồn tại từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 8.

Thực ra những di tích văn hóa Óc Eo đã được biết đến từ năm 1944 thuộc xã Vọng Thê (Thoại Sơn, An Giang) bởi một nhà khảo cổ học người Pháp có tên L.Malleret. Các cổ vật tìm thấy qua những đợt khai quật này cũng đã được đưa về Bảo tàng Blanchad de la Brose (nay tà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

 

Tuy nhiên phải đợi đến sau năm 1975, việc nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo mới được các nhà khảo cổ Việt Nam tiếp tục điều tra,  khảo sát và đánh giá lại một cách hệ thống hơn. Bắt đầu từ đây nhiều cuộc khai quật quy mô lớn đã được tiến hành trên khắp các tỉnh thành từ Đồng Nai tới Kiên Giang.

 

Kết quả từ các cuộc khai quật này đã mang về cho các bảo tàng ở Nam Bộ hàng vạn hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa, đa dạng về chất liệu cũng như nguồn gốc mà một phần tiêu biểu trong số đó sẽ được trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

 

Với hơn 300 hiện vật gốc được tuyển chọn từ 11 bảo tàng, phản ánh sự phong phú về chất liệu (gỗ, đá, đồng, đất nung, mã não...) và đa dạng về loại hình (bình, tượng, phù điêu, tiền kim loại, bùa đeo). Phòng trưng bày sẽ giúp người xem hiểu biết sâu rộng hơn về diện mạo về nền văn hóa cổ Óc Eo cùng những giá trị của nó trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

 

Trong đó, riêng đồ gốm thôi cũng đã rất phong phú gồm các vật dụng để đun nấu, đồ đựng, chai gốm, gốm hình chuông, dọi xe sợi... Những chiếc ấm có vòi với nhiều loại nắp và những hoa văn khắc vạch được vẽ bằng loại bút nhiều răng được trưng bày tại triển lãm phần nào cho thấy những phong cách rất riêng và độc đáo của văn hóa Óc Eo.

 

Tượng nghệ thuật và tượng thờ thuộc nền văn hóa Óc Eo được trưng bày tại triển lãm cũng cho thấy sự đa dạng về chất liệu (điêu khắc đá, đồng, gỗ...) và nét tinh xảo trong hình thức thể hiện. Qua những tác phẩm nghệ thuật này, người xem sẽ nhận thấy triết lý Phương Đông và nghệ thuật Đông Nam Á hiện hữu qua những hình ảnh của các thần linh: tượng Balamôn, tượng Phật, thần Ganesa, thần Pan... Chẳng hạn tượng Visnu ở Đồng Nai, đầu tượng Brama ở Óc Eo, tượng đồng nhỏ ở Gò Cây Thị (Óc Eo) và đặc biệt là tượng Phật bằng gỗ có niên đại rất sớm từ thế kỷ 4.

 

Đặc biệt, tại lần "hé mở" những "Cổ vật đặc sắc văn hóa Óc Eo" này còn giới thiệu tới người xem rất nhiều đồ trang sức có từ thế kỷ 2-6 được làm từ đá quý, thiếc, thuỷ tinh, vàng thuộc các loại nhẫn, hoa tai, hạt chuỗi... Sự tinh xảo trên những đồ trang sức đó thể hiện rõ nét tài hoa của những người thợ kim hoàn đương thời. Qua đó, phần nào nói lên sự phồn thịnh của tầng lớp trên trong xã hội thời bấy giờ.

Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày những đồng tiền với nhiều loại chất liệu (bạc, đồng, kẽm...) có những đồng được cắt làm tư, làm tám để làm tiền lẻ tìm thấy ở Óc Eo cũng khá phổ biến ở nhiều di tích ven vịnh Thái-lan, bán đảo Mã Lai và Myanmar. Điều này cho thấy cả một dòng thương nghiệp nối liền Óc Eo với Ấn Độ Dương bằng đường biển thông qua Vịnh Thái-lan và có thể bằng cả đường bộ theo đường nội địa. Ngoài ra, những quả cân nhỏ bằng kẽm và những con dấu (kiểu bản địa, Ấn Độ, Mã Lai và cả Hy Lạp)... được trưng bày tại triển lãm còn cho thấy một nền thương mại mang tính quốc tế đã hình thành trong xã hội thời kỳ đó.

 

Hơn 300 hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại triển lãm chỉ là số nhỏ trong số hàng nghìn hiện vật mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy từ những nghiên cứu khảo cổ trong 30 năm qua sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, chừng đó cũng đủ giúp người xem cảm nhận được phần nào sự phong phú tiềm tàng cũng như những giá trị lớn về vật chất, tinh thần, về khoa học- kỹ thuật, về kinh tế xã hội của nền văn hóa Óc Eo trong diễn trình lịch sử Việt Nam.

 

 Hình ảnh :-Tượng thần Visnu bằng đá, thế kỷ 7.

http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=43&sub=80&article=30330
ND -