Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
828
116.682.334
 
Cuối Năm Đọc Thơ Bằng Hữu
Hồ Chí Bửu

Người làm kinh tế, cuối năm tổng kết tài chánh. Người làm chính trị cuối năm kiểm tra thành tích. Mình làm văn nghệ, cuối năm đọc thơ bằng hữu cho đở buồn…Khách qua đường, khách vãng lai tiện chân mời ngồi lại, nhăm nhi vài ly của buổi chiều cuối năm..

 

Mấy câu thơ huề trớt..của Lưu Vân (*):

 

bay đi chim mỏi cánh rồi

đá không biết khổ - đá ngồi trơ trơ

(về núi)

 

ta không về tắm ao nhà

đục trong nào biết vì ta tắm rồi.

(tắm ao)

           

Vừa hào sảng vừa ngậm ngùi, nhưng đọc nghe nỗi nóng với mấy câu :

 

gã du côn chiều nay buồn uống rượu

nâng niu nỗi muộn phiền ru ngủ sự cô đơn….

(chiều này đang đẹp sao mùa vội đi)

           

Đọc mấy câu nầy tôi chắc mẽm nhà thơ ta thế nào cũng có người yêu mang tên của một loài chim..yến.

 

bâng khuâng chợt biết yêu người

khi chim còn mãi liệng trời thu không

xuân ta én chẳng về cùng

đông ta em vẫn lúc gần lúc xa

đời nào một kiếp phù hoa

chim xa khuất núi lòng ta tối buồn.

(chim bay về núi một tối ta buồn)

           

Như một phân trần với bạn bè về nỗi khổ thân phận lênh đênh của mình, lời thơ buồn nhưng không kém phần ‘khí phách’ :

 

ừ, thì sông cứ trôi đi

khi ta cũng cạn một ly cuối cùng

quanh ta tứ xứ anh hùng

ở đây chỉ một gã khùng là ta

bèo trôi mặt nước không nhà

ta trôi một kiếp hay ba, bảy lần.

(khi ngồi ở quán m’ nhung- tặng hcb)

 

Nói gì thì nói, tôi vẫn khoái 6 – 8 của Lưu Vân :

 

chút gì đọng giấc mơ xưa

ta phù vân muộn thuở chưa vợ chồng

mai em tay bế tay bồng

ta mang một túi tang bồng ngược xuôi.

(lan man chiều phù vân)

           

Và tứ tuyệt, nghe cũng êm lắm..

 

mai ta lên ngựa về quê cũ

có kịp thương người xa xứ kia

một hôm còn đứng nhìn sông vắng

không sóng mà sao nặng chuyến phà

(ở bến phà Phú Cường) -(*) trích trong Ngựa Hoang Lạc Nẻo Vô Thường- thơ Lưu Vân 2007)

           

Mỗi dòng thơ của mỗi nhà thơ đều có cái khác thường - Nếu thơ Lưu Vân “xả láng sáng về sớm” thì thơ của Ngô Nguyên Nghiểm điềm đạm hơn, triết lý hữu hạn mà vô hạn :

 

Có phải hồn ta là tháp cổ

Ngàn năm phơi bóng dưới trăng nghiêng ?

bỗng nghe gạch rụng giang hồ quá

động lá vàng rơi xuống gió đêm

 

gió thổi thênh thang suốt bãi đời

hình như lối cũ có sương bay

cuối vườn thấp thoáng nhà ai đó

tiếng hót hoàng oanh rót góc đời

 

thánh thót trên đường xuôi cố xứ

dập dồn trống giục báo điềm sang

âm thanh vỡ vụn từng hơi thở

lạ bước hành hương, chảy đá vàng

 

khách vẫn trôi dài theo bóng quế

ôm đời hiu hắt lối sơn khê

vết thương ma quái như hư thực

nhức buốt từng cơn gió thổi về

 

ai đứng bên đường như cố nhân

chờ cho trăng mọc đến trăng tàn

tháng năm âm ấp canh trường mộng

lặng lẽ vơi đầy bụi thế gian

………………..

thiên địa ngủ vùi đêm nguyệt tận

cháy lang thang đóm lửa chiêu hồn

lửng lơ như bóng ngân hà nhỏ

cô độc bay vào tận khoảng không

……………….

thôi cũng ngàn năm làm ánh lửa

vô tình treo ngược suốt năm canh

cố soi trọn nẻo đường thiên lý

hoá thạch nằm xuyên giấc tử sinh.

(hoá thạch nằm nghiêng giấc tử sinh- trích trong tập thơ Trăm Năm Ngàn Năm – Ngô Nguyên Nghiểm 2008)

           

Với Chu Ngạn Thư nói theo cách nhìn của Trần Bình Dương “ chất thơ lạ, ý tứ đẹp,  cạnh sắc đôi lúc tỏ ra dị thường như khúc biến tấu . Một cách hiểu khác, thơ anh là một tỏ bày nộ khí bằng ngôn ngữ nhưng lại nồng ấm, hiền hoà và dung dị trong ý tưởng, ước mơ…”

 

Có phải ta cuồng dâm đạo đức

Hành hạ ngôn từ thoả mãn niềm riêng ?

Khi nỗi đời dễ đâm phẫn nộ

tụng ca thành viên thuốc an thần

 

đời ta treo miệng vực

khi chưa kịp sợ miệng đời !

 

có phải ta thủ dâm thi ca

hòng chạy trốn nỗi sợ trong đầu ?

tô vẽ đời dưới nét hào hoa

che bản thể vốn màu đĩ thoả

 

chòi đẩy trong văn chương

nửa đời ta ngập ngụa

 

suy tưởng vốn lặng câm

ghì siết chúng

đẻ non bầy chữ nghĩa

vạ gió ở câu thơ

tai bay ngay lời nói !

 

ngày,

có khi đi trên đường

thấy tứ phía

lồng lộng kính chiếu yêu

ta là ai, trong ấy ?

 

đêm,

ta ngồi sám hối

(chẳng phải cầu kinh

thốt từng lời thú tội

 

thần thánh những lúc nầy

cũng cần đi chỗ khác !)

 

thòng lọng trên giá treo

thay cho lời cảnh tỉnh)

( trích trong tập thơ Sau Lưng Đời Thường ,  thơ Chu Ngạn Thư – 2000)

           

Những điều muốn quên lại không thể quên, những điều muốn nhớ lại không thể nhớ…Nhưng cuộc tình đi qua, thì hằn sâu. Phù Sa Lộc với :

 

cuộc tình như vệt son môi

in lên ngực áo giặt rồi chẳng phai

đi qua tháng rộng năm dài

vệt son đã mất tình dai dẳng tình !

(dấu tình)

……

bực cái mình ta mò hũ rượu

ngâm kravan đã rất lâu ngày

hũ đã cạn chỉ còn chút cốt

vắt hết hơi lưng lửng xị đầy

 

chiều mưa rơi bão rớt rồi đây

hơi lạnh phả thong dong như vào nhà trống

ta nâng cốc và ta cứ uống

lồng lộng cô đơn - lồng lộng xót xa..

…….

(tình bạn – trích trong tập  Ngọn Khói thơ Phù Sa Lộc – 1995 )

           

Tiễn bạn đi Pleiku tại bến đò Cần Thơ

Trường giang trường thuỷ trường ly biệt

Trường mộng còn đâu trang hào kiệt

Cây xanh bờ kia mưa che mù

Đời ta, bằng hữu thề bất tuyệt

 

Hãy cạn chén đi người bạn thiết

Ly nầy ly nữa say cho chết

Chiều thu mưa bay lạnh thấu trời

Nỗi niềm của ta nào ai biết ?

 

Gió lên sóng vỗ bờ da diết

Thiếu nữ nhà bên đưa mắt liết

Hồn gởi đâu đâu tận cuối trời

Mưa rơi như lệ trào khôn siết.

Phù sa lộc

           

Dòng chảy sông Vàm vẫn êm đềm như thơ Trần Ngọc Hưởng, tha thiết, từ tốn là cách thể hiện của một nhà giáo  :

 

Vàm cỏ Tây ! Vàm cỏ Tây ơi !

dòng sông khép kín mộng chân trời

ba mươi năm chẳn người xa xứ

một ngọn đèn thầm bóng lẻ soi..

(vàm cỏ tây ơi )

 

chiều xuống bên bờ Vàm cỏ tây

một mình nâng chén nhớ ai đây ?

men nồng chuếch choáng ngùi thân thế

ngước mắt trông vời..khói trắng bay.

(trích tập Suối nguồn xanh thơ Trần Ngọc Hưởng-2006)

           

Có người bảo thơ Vũ Trọng Quang khó nhớ, nhiều tính triết lý hơn tính nhạc. Nhưng tôi vẫn thấy ngọt ngào ở 6 – 8 của anh :

 

người ngồi đan tóc cho em

nắng trưa đứng bóng bên thềm vàng hoa

đôi bím quấn quít đôi tà

tóc xuân thiếu nữ vừa xa một thời

 

em ngồi lựa tóc thưa - Người

nắng chiều nghiêng bóng bên trời vàng thu

gió lay những sợi sương mù

một thời thiếu nữ bay vù tóc xuân

(mẹ & em )

 

rượu pha xá xị đầy nón sắt

dăm thằng thay nhau uống vòng vòng

đuổi bắt nhau như ngày với tháng

như khoanh tròn như một số không.

(hồi ấy – trích trong hôm qua hôm nay và hôm sau thơ Vũ Trọng Quang -2006)

           

Nói theo Ngô Nguyên Nghiểm về cách nhìn của anh qua thơ Trịnh Bửu Hoài “  thế giới thơ Trịnh Bửu hoài như sương khói, càng lúc lan rộng giữa vùng tịnh yên. Cũng như, càng lúc, người ta miệt mài đi tìm dòng thơ mới . Thật giả lẩn khuất chưa định hình, thì Trịnh Bửu Hoài ôm cả trời thơ lãng bạt, tràn đầy trách nhiệm, có cội có nguồn” :

 

bạn cùng ta ngược dòng lên Tứ sở

chiều cuối đông lau trắng quét ngang trời

ngã ba sông mây che đầu sóng vỗ

xuồng như cánh lá bập bềnh trôi

 

trời cao rộng người thì bé nhỏ

đời trăm năm chỉ chớp mắt mà thôi

bạn đăm chiêu dấu hằn khắc khổ

nhân gian đông tri kỷ có bao người

………

(trích trong Thơ Trịnh Bửu Hoài-NXB/ĐN 2006)

           

Nhưng với tôi, nếu nói thích thơ TBH thì là bài nầy :

 

Ta như mây trắng qua cầu lạnh

Tóc bay xưa theo gió đã không về

Nhớ em bổng lả đời hiu quạnh

Rót hồn vào bóng tối cơn mê

 

Ta như sợi nắng qua cầu muộn

Mắt huyền xưa phiêu dạt nơi nào

Chút tà huy không làm ta ấm nổi

Nỗi đợi chờ trắng tóc chiêm bao

 

Ta như hạt cát qua cầu rộng

Gót chân xưa giẫm chết thuở ban đầu

Ta vẫn đi giữa dòng đời cuộn chảy

Sao tìm hoài chẳng thấy bóng em đâu !

Trịnh Bửu Hoài

           

Trong không khí mùa xuân-Ta thử nghe Tự tình xuân của cô bé nhà thơ dễ thương nầy :

 

em dễ cười dễ khóc

sao giữ được lòng mình trước sóng trước xuân ?

em khát xuân

xuân khát em phủ kín bốn mùa

bình minh về trang sức cho yêu.

(trích trong tập Rơi Ngược của Ngô Thị Hạnh)

           

Để kết thúc bài nầy, xin mượn Quán trọ chiều cuối năm của Lưu Vân, thay cho lời tâm sự của một người xa quê khi mùa xuân về :

 

Trời đã Tết mà Đông chưa qua hết

một chút lạnh còn chao lượn cánh chim bay

cô gái xa quê

Tết chẳng kịp về

chiều cuối năm

rưng rưng lòng quán trọ

 

Cũng chè, mứt

dưa hành, thịt mỡ

bánh chưng xanh

nhưng thiếu cành đào

thì có chút xuân nào gói gửi ra quê ?

 

Anh cũng đến từ một miền xa lắc

đất ấm phương nam

chim di trú bay về

quán trọ mở lòng cho những kẻ xa quê

đôi bạn đồng hương

một tấm lòng tri kỷ

 

Chiều cuối năm

Hai kẻ xa quê ngồi bên khung cửa

cắn hột dưa cho môi nhỏ thêm hồng

để thấy lòng mình

mai sẽ mùa xuân.

(trích trong Rót nắng qua mưa-tập thơ của Lưu Vân-2006)

                                                                       

Hồ Chí Bửu
Số lần đọc: 2205
Ngày đăng: 14.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lễ đặt viên đá Nhà Thờ Mépu - Nguyễn Hữu An
Lộng lẫy Caracas - Lê Khánh Mai
Một hội thảo dưới tầm cuộc sống - Hà văn Thùy
Xa rồi ..còn đâu ! - Vũ Trà My
Ôm hôn các chàng hậu vệ - Võ Đăng Bình
Tết trên vỉa hè Sàigon năm Nhâm Ngọ (1942) - Khổng Ðức
Khi danh dự lên tiếng - Khaly Chàm
Vỉa phố lan rừng - Trần Hạ Tháp
Tản mạn cuối năm - Trương Quang
Gia tài của mẹ - Phạm Ngọc Tú