Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
869
116.625.963
 
Khi danh dự lên tiếng
Khaly Chàm

Viết theo truyện”Chết không nhắm mắt của Trần Vọng Ngư”

Riêng tặng thầy T dạy hóa

 

Làm sao có thể quên được câu nói của lão hiệu trưởng: “Quý vị sống ở trường này không được, ra khỏi trường này sống ở đâu?!”

 

Ngày tháng thấm thoát qua mau như chớp mắt, mà cứ ngỡ mới hôm nào gần đây thôi. Hơn một năm rồi, còn lại những gì hay đã mất mát những gì? Nhớ một buổi sáng, bầu trời mưa bụi, tập thể giáo viên và học sinh trường THPT Dân Lập…  lặng lẽ theo sau xe tang, có thể họ đang ngậm ngùi tiễn đưa lão hiệu trưởng về nơi an nghỉ cuối cùng. [cứ nghĩ là như vậy] Nghĩa tử là nghĩa tận. Dù thế nào cũng là đồng loại, người VN dễ quên hận thù đối với người đã chết. Đến thời điểm này học sinh các cấp toàn quốc đã thi xong học kỳ I năm học 2008-2009. Mỗi khi nhắc đến lão hiệu trưởng có người làm thinh, họ không muốn nhắc lại những “trận bão” từ bàn tay một tên hung thần có nhiều phép phù “hô phong-hoán vũ”. Có người lại nhớ đến lão rồi thốt ra một câu nói không hằn học nhưng cũng không mang âm hưởng tiếc thương:

- Thằng cha đó biến mất, chứ nếu còn tồn tại trên thế gian này thì có ai mà dạy với học!

Đó chính là một trong những câu nói để “ca tụng công đức” vị Hiệu trưởng vang danh ở trường cấp III duy nhất trong cả nước.

 

Chuyện trên đời này mặc nhiên liên tục xuất hiện, con người có quyền bàn tán quanh năm thoải mái. Nhưng ít ra cũng phải cho mọi người biết được sự thật hoặc hành vi của đối tượng [khi nói đến kẻ khác]. Như thế mới chính là những người được mệnh danh thuộc thành phần trí thức và xã hội đang công nhận? Kể từ ngày lão nhận chức hiệu trưởng cho đến ngày cùng tận “trời không tha, đất không dung” lão vẫn còn mở mắt, thời gian hơn tám năm chứ ít ỏi gì đâu. Nếu nói về cái đầu của lão hiệu trưởng, thì tầm cỡ như Khổng Minh thời Tam Quốc gặp may mà lai sinh quay trở lại thế kỷ 21 này, chắc sẽ phải quỳ xuống trước mặt lão hiệu trưởng rồi lạy ba lạy xin được làm đệ tử. Tin chắc 100% ngài Khổng Minh luôn miệt mài kinh sử học cách làm sao để người hại người hoàn hảo nhất, ví như loài chồn, cáo đang nhìn bầy gà con thương hại đến nỗi phải rơi nước mắt.

 

Bước đầu tiên lão hiệu trưởng trang bị một hệ thống phòng thủ, là đặt những “antena thu sóng” trong nhà trường để phát hiện thông tin, nội dung sẽ được giải mã: lão cần phải biết người nào nói xấu về lão. Lão sẽ có biện pháp tối ưu khi hành động. Những công cụ gần như vô hình đó chính là con, cháu và không ít giáo viên thân cận của lão. Tất nhiên là phải có kẻ thù, nhưng con số “địch quân” đang bị khống chế đành phải im lặng giữa vòng vây, thế rồi dần dần bị tiêu diệt bằng một thứ vũ khí rất lợi hại. Đó chính là cái lưỡi của lão hiệu trưởng. [nhân viên, giáo viên nghỉ việc rời khỏi trường DL với nhiều lý do… họ chỉ còn có cách, chỉ biết ngửa mặt kêu trời!] Không có một tiếng vọng nào từ hư không. Vì là trường tư nhân, chỉ ký hợp đồng thử việc.

 

Còn nhớ một buổi họp hội đồng giáo viên do ngài tiến sĩ [dỏm] chủ tịch HĐQT chủ trì. Buổi họp này không có hiệu trưởng và hiệu phó. Không tài nào hiểu được không gian và thời gian có đồng tình với nhiều chủ thuyết viển vông có pha đậm tư tưởng giáo điều mà ngài chủ tịch HĐQT đang rao giảng? Quan trọng nhất là những “con chiên” đang lắng nghe từng lời của một vị “linh mục” đang truyền đạo.

- Hôm nay với tư cách là người sáng lập ra ngôi trường Dân Lập… Trước tiên tôi trân trọng cám ơn quý thầy, cô và anh, chị, em nhân viên đã nhiệt tình đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Trong thời gian qua, nếu có xảy ra những vụ việc gì như: Ban giám hiệu nhà trường áp chế quý vị, hoặc bè phái  gây chia rẽ làm mất tình đoàn kết nội bộ, mức lương không  thể giải quyết được đời sống khó khăn, cần phải định hướng giảng dạy… Hôm nay tôi xin hứa trước quý vị, là tôi không trù dập hoặc buộc thôi việc người nào khi đang cộng tác với tôi, một khi người đó dám nói ra sự thật. Tay trưởng phòng hành chánh  đứng dậy phát cho từng người một phong bì, trong đó có hai tờ giấy, trang một có in rõ bên góc trái: Họ & tên người góp ý, giữa trang: NỘI DUNG GÓP Ý

-  Những góp ý chân tình, thẳng thẳng của quý vị hãy mạnh dạn viết vào giấy, tôi tuyệt đối giữ bí mật. Quý vị đừng ngại hay lo sợ một ai, vì tôi là người  có thẩm quyền cao nhất trường Dân Lập… này. Buổi họp kết thúc với tràng pháo tay của tập thể sau lời cám ơn của ngài tiến sĩ “dỏm”. Họ ra về với vẻ mặt vô cùng phấn khởi.

 

Đa số quý thầy, cô, nhân viên được khen thưởng. Nhiều nội dung góp ý: ca ngợi tán dương tài năng lão hiệu trưởng đang từng ngày đưa trường Dân lập… đi lên. Lão rất thương yêu và trọng dụng quý thầy, cô cùng nhân viên đang có mặt dưới quyền của lão. Thành tích hoạt động của đám tay chân bộ hạ mà lão luôn nâng niu, điểm thi đua được bình chấm qua cuối học kỳ II [ê kíp này, một dạ hai thưa và đi bằng hai đầu gối]. Còn lại số ít thư góp ý đều bị sa vào bẫy của tên “lưu manh trí thức” và lão hiệu trưởng có nhiều “mưu thần-chước quỷ” đang làm trợ lý cho ngài chủ tịch HĐQT. Nội dung những thư góp ý của thành phần ngầm đối kháng với lão hiệu trưởng. Họ luôn tin tưởng vào lời nói “tứ mã nan y” của ngài tiến sĩ “dỏm”  chủ tịch HĐQT. Họ đã viết  nhiều điều rất thiết thực, tin rằng sẽ có một cuộc cách mạng toàn diện… Nhưng họ đã lầm to như một con cá trong ao đói mồi, đến khi biết là mình đang nằm trên thớt bên cạnh có một con dao.

 

Trong văn phòng hiệu Trưởng dường như bị thiếu không khí. Lão hiệu trưởng ngồi gần bên ngài tiến sĩ trên ghế salon dài. Ngài tiến sĩ cầm chiếc khăn tay chậm những giọt mồ hôi trên trán. Một nhân viên nam bước vô văn phòng rồi gật đầu chào hai người:

- Thầy ngồi xuống đi. Theo đề nghị của thầy viết trong thư góp ý, tôi đã đọc rồi, xin cám ơn những ý tưởng quý báu của thầy. Nhưng rất tiếc, nhà trường không thể thực hiện được! Tôi mong rằng thầy sẽ tự biết?! Ngài tiến sỉ “dỏm” nói với thầy giám thị H Lúc bấy giờ thầy giám thị H vẫn đứng chứ không dám ngồi.

 - Bây giờ thầy có muốn nói gì không? Tôi là người rất tiết kiệm thời gian, sẵn dịp lên trên này xin đất để xây trường đại học, nay tôi cũng báo cho thầy biết, kể từ sáng ngày mai nhà trường chấm dứt hợp đồng với thầy!

Mặt thầy giám thị H không còn một chút máu, thầy Gt đứng chết trân, mắt nhìn lão hiệu trưởng như muốn cầu cứu, van xin một điều gì… Một sự im lặng đến rợn người. Ngài tiến sĩ đứng dậy rời khỏi văn phòng, xe du lịch đang chờ ngài ngoài cổng trường.

 

Lần lượt những địch thủ đã dám phê bình lão hiệu trưởng và ngài chủ tịch đều phải ra đi như: Thầy D dạy môn sinh, với tội danh “rò rỉ thông tin bịp bợm của ngài tiến sĩ ra dư luận”. Thầy T quản nhiệm lớp 10 nội trú “dám đề nghị phải trả tiền trực ngày lễ 30 tháng 4 & Quốc tế lao động 1 tháng 5”. Thầy Q…quản nhiệm lớp 12 nội trú “đề nghị tăng 10% lương”. Đang đứng lớp dạy văn bị “đì” xuống giữ thư viện, tội danh “chê ông tiến sĩ không dám thay đổi hiệu trưởng có năng lực”, cô giáo B thua buồn làm đơn xin nghỉ việc… [còn nhiều người đã bị đuổi].

 

Lúc bấy giờ báo chí tỉnh… đăng nhiều kỳ: việc ngài tiến “dỏm” “mướn được nhiều mẫu đất công đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay tiền”. Đối tượng mướn được đất công sử dụng vào việc “xã hội hóa giáo dục”, số tiền mướn rất thấp gần như cho không [báo bán chạy như tôm tươi]. Để thực hiện vụ lừa đảo “tinh ma” này, đều có bàn tay của lão hiệu trưởng phụ họa vào để hun đúc tinh thần ngài tiến sĩ thêm vững mạnh [số tiền vay được hàng tỉ VNđồng để làm gì ?] Chỉ có trời mới biết! Còn việc xây dựng trường Dân Lập… chỉ là những giấc mơ của phụ huynh học sinh. Tội nghiệp cho ngôi trường thấp lè tè này, mùa nắng học sinh cùng với giáo viên phải chui vào “lò bánh mì”, mùa mưa được tình khúc “Mưa rừng” ru ngủ. Ngày thứ hai miễn sinh hoạt dưới cờ, bởi vì sân trường đang nuôi cá rô Phi. Nếu ai có buồn thì cứ việc buồn “luật không cấm” nhưng không được than vãn. Nếu có dám tự vận thì chết một mình, xin đừng níu kéo ai theo!!! Thỉnh thoảng cóp nhặt được vài câu chí lý, liền save vào khối “tàu hủ” trong đầu: “con ngựa có chết, xác của nó vẫn lớn hơn con chó”. Thợ săn bắt được cọp, bộ xương đem nấu cao “cao hổ cốt”, đố cha thằng nào dám đốt bộ da?!

 

Chuyện như vậy đó, cho đến bây giờ nếu nghĩ tới, có người sợ đến nỗi phải dựng đứng những sợi chân lông. Giáo viên và nhân viên, kẻ trước người sau đành phải cuốn gói ra đứng trước cổng trường [có cần phải nhỏ vài giọt nước mắt?] nhìn một lần cuối cùng trước khi quay lưng.

 

ngày cuối năm 2008           

 

Khaly Chàm
Số lần đọc: 3321
Ngày đăng: 02.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn cuối năm - Trương Quang
Gia tài của mẹ - Phạm Ngọc Tú
Xa xăm trường cũ - Nguyễn Hải Triều
Biết đâu nguồn cội - Ban Mai
Bến trầu của mẹ - Ngô Văn Tuấn
Chăn Trâu khổ Lắm - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Thư gửi anh biên tập - Vũ Trà My
Hà Nội Bốn Mùa - Lê Hiền
Lặng lẽ mùa đông - Nguyệt Quế
Mùa sim - Nguyễn Hải Triều
Cùng một tác giả
đi là chơi… (truyện ngắn)
Chuyện đời thường (truyện ngắn)
Tình người (truyện ngắn)
Thi ca & cảm tính (tiểu luận)
Chuyện trồng rừng (truyện ngắn)
Chuyện trồng rừng (truyện ngắn)