Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
704
116.714.672
 
Ngực cỏ và những dự báo không bất thường
Vĩnh Phúc

( Đọc tập thơ Ngực Cỏ của Lam Hạnh-NXB Hội nhà văn 6/2008)

 

Đếm là diệu tuởng, đo là nghi tâm(1) . Vâng, “Ngực cỏ” là một thế giới đa chiều, không hề phẳng và lặng với những lớp sóng xô mênh mang diệu tưởng với nghi tâm. Giữa dòng xiết chảy của thơ trẻ ngổn ngang tình dục với cô đơn, “Ngực Cỏ nhô lên một màu xanh không cần cơ may/ những gợi ý về cỏ là bầu trời(2), cũng hé lộ những dự báo không bất thường trên chiếc đu quay của thời kỹ trị.

 

Cầm tinh Quý Hợi, tác giả trẻ Lam Hạnh, khởi đi từ một Giải thưởng nhỏ của Thị xã Cam Ranh biển nắng năm 2006 đến Tặng thưởng Thơ Sông Hương 2007, đã có sự lựa chọn của riêng mình khi gửi đến chúng ta tập thơ “Ngực Cỏ”. Ba mươi bốn bài thơ trộn lẫn những tình khúc, tự sự và những câu chuyện nhân sinh mở ra nhiều tầng lớp nghĩ suy, đớn đau và hy vọng. Những câu thơ phỏng rộp dung nham cháy đỏ tuôn trào từ bản năng sinh tồn và hủy diệt (Eros & Thanatos), từ cái nhìn hiện sinh mang dấu ấn Phương Đông làm nên một cái tôi (ego) Lam Hạnh có chủ kiến, và phóng dật.

 

*

Với Mười ba bài thơ tình nguyên chất- không nhiều đối với một tác giả 8x- Lam Hạnh đã gói trọn những khoảnh khắc tình, có khi cởi toan bạo loạn, có khi dịu dàng như thể trong mơ. Giá như, Mornington, bình minh dậm dật…,Phách đêm giông, Hụt hẩng của một con ngốc, Cỏ em xanh, Ngày thứ 22 trong chừng mực, là ý tưởng chăn gối sau cuộc làm tình, những đêm trắng và những chiếc miệng khát khao (Lawrence Ferlinghetti), bày ra một mâm cỗ trần tục mê đắm đớn đau nghi hoặc của thế hệ a còng. Này đây là một khúc hân hoan :

Tình si tình si/em tháo tung diễm lệ/ ngực hân hoan / anh không về

( Khúc tháng chạp ).

Trong nỗi hân hoan chờ tình về, nàng đã sẵn sàng tháo tung diễm lệ cho một hiến dâng. Nàng cũng giải phóng tư duy phong kiến cũ nhàm khi đầu vú cứng căng nỗi phong ba tóc bão, chấp nhận yêu và hành yêu chẳng cần phải về nhà dối mẹ, cũng sẵn sàng :

 

Chạy vòng vòng thiếu nữ bò cái chạy vòng vòng

quẳng tất cả lễ nghĩa đúm đùm một gói bên đường

không cần quá nhiều trí tuệ phẩm chất để yêu và

làm tình  (Mornington - bình minh dậm dật những đôi chân ).

 

Cởi trói tình dục, ý thức phá tung những “taboo” cấm kỵ giới tính là hiện tượng khá đậm đặc trong thơ trẻ hiện nay, không có gì mới. Vấn đề ở đây bắt đầu từ một ngớ ngấn u mê :  

 

tênh hênh ngực /em/giấu mặt

mùa đông phương trinh tiết/ hỏi ai? ( Mùa đông phương trinh tiết )

 

Hỏi ai ? Câu hỏi treo lên với những ngại ngùng cảm thức phương Đông, câu hỏi mình đối mặt mình . Cũng hỏi ngay sự thể, trực diện :

 

Tình ư hay sex/lá phổi tràn ứ dịch/vỏ não chớm khối u mãn tính                

không thể ngủ quên để anh cứ  chăm chắm mắt ( Hụt hẫng một con ngốc ).

 

Không, thơ tình Lam Hạnh không đề cao tình dục, mà phơi mở những thắc thỏm rối bời âu lo trong quan hệ tính dục. Tình ư hay sex. Một câu thơ đầy chất khẩu ngữ, mang hơi thở văn xuôi vì mang trong mình cái trở trăn của tư duy, cái mong manh của một giới hạn,  độ chông chênh của một nghĩ suy. Ý thức về sự phân mảnh, Lam Hạnh cũng thấu suốt với đầy ắp diệu tưởng hoang mang :

 

Tôi thấy tôi trong hình cô sinh viên tình mất

Thả mình bóng tối ngày thứ bảy

Từng trải đàn bà /Sáng mai ra ngực trần chào gã đàn ông đêm qua

Lạ lẫm, hỏi tên ( Trên những ô cửa phân mảnh ).

 

Một mặt nào đó, những con chữ của Lam Hạnh đầy vẻ tục lụy, phơi ra không giấu diếm thực tại những “over night” trần truồng nhục cảm, những cuộc tình hoang đàng và cả hoang tưởng tính dục. Tưởng chừng như Lam Hạnh đang tung hê tung tẩy cái nhãn mác nữ quyền luận, tụng ca tự do phá giới, tự do make love nhưng không, tứ thơ bao giờ cũng khép lại một nghi hoặc- một vấn nạn như là dự báo của bế tắc trong mối tuơng quan còn  mỏng hơn sợi tóc giữa tình yêu và tính dục. 

 

giá như thân xác đừng thắp lên ngọn lửa/và ngôn ngữ trần tục

có thể băng bó được vết thương/em không cần phải đợi chết

mỗi ngày…(Giá như )

Và đây là đoạn kết của Mornington- Bình minh dậm dật của đôi chân :

nhị nguyên viên thành nhất nguyên khi đàn bò yêu nhau

trên căn bản của hai chân sau

đủ sinh thành

bình minh trên Mornington dậm dật những đôi chân…

 

Kiểu câu ở thể khẳng định nhưng lại mang tính phủ định khi thơ pha một chút giễu nhại: nhị nguyên viên thành nhất nguyên! Bình minh có thực sự sinh thành đẹp đẽ khi dậm dật những đôi chân? Câu thơ ngân lên một nghi vấn, dành cho người đọc một khoảng trống tự biện !

 

Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục ? Đây là lựa chọn thứ nhất. Tuổi trẻ xông xáo đã thúc Lam Hạnh xông vào trận tuyến tình dục và chính giữa lầy lụa nhục cảm không thiếu tiết tấu man rợ và âm thanh liếm láp, Lam Hạnh cất tiếng nói của mình, những dự báo về hụt hẫng, về cái chết, những hoang tưởng, về sự kết thúc tắc tị của nguồn cơn khát dục …

 

Thế giới tình yêu của Lam Hạnh, ở góc độ khác, lại cháy lên, nóng bỏng mà  đầy vẻ dịu dàng mê hoặc và lãng mạn cổ điển, không nhuốm màu sắc dục tính.  

 

Không phải đám mây vừa rụng /là tóc em diễu hành từng sợi thơm óng ả

phố xuân/rứt ruột anh rứt ruột trời xanh ( Hơn hớn Ngực cỏ ).

Xuân về, mắt ô lưới với nụ hôn vụng trộm rước tình về ngọn tinh mơ, không hề trần tục :

líu ríu khuôn mắt em ô lưới/ níu đời tôi im lặng đến vô bờ

ngấn trăng xưa nụ hôn đầu hàng hiên vụng trộm

mảng tóc thề quấn chặt ngọn tinh mơ ( Những hạt lép …)

Và bài ca về những sợi tóc nhớ còn mềm xốp hơn tóc  :

Mấy hôm nay /mưa dầm rát mặt môi em nhiệt đới

gầy cơn mơ yếu đuối ngực hoa/ không tìm thấy anh                                  

lặn lội mùa màng hạt lép /buồn mi em khép ngủ nửa chiều.

 

Tóc em diễu hành- rứt ruột anh- Mắt ô lưới-  gầy cơn mơ yếu đuối ngực hoa… Thơ đã chuyển điệu, chuyển giọng. Hình tượng đẹp, tình yêu đẹp và những con âm thơm phức, không vặn vẹo, không tắc tị, không mù mờ ấm ớ . Đặc biệt trên mâm cỗ tình, Lam Hạnh đã gieo trồng và xáo trộn chủ thể trữ tình như là những giác độ cảm nhận. Đó là tôi, em, những tình nhân bò, là cô sinh viên, người đàn bà da nâu, cả con rắn, ngọn cỏ, chàng trâu mộng, cánh chuồn chuồn đỏ, chị ong nâu…Thông qua những nhân vật này, Lam Hạnh chia sẻ với chúng ta những trăn trở từ bên trong vô thức hay gọi mời tham dự vào mùa tình phơi phới dậy mà Chào sông Hồng mùa xuân tắm gội là một tiêu biểu :

 

Này nhé /anh chuồn chuồn cánh đỏ

chị nho nhỏ ong nâu /đập cánh đi mùa yêu vừa chín dâu đầu bãi

mùa yêu lênh láng mùa yêu nồng nàn .

Này  khúc cỏ lau này sương đậm hạt

sao không chảy vào nhau cho ngày nở vội

cho mắt ướt mùa xuân đỏ nụ hôn .

 

Thơ, có khi cháy phỏng tính dục, có khi lại “yễu điệu thục nữ” . Đây là tính hai mặt trong cuộc đấu tranh bản năng hình thành cái tôi theo quan điểm của S. Freud. Những câu thơ vụt hiện nóng rẫy dấy lên từ bản năng khát yêu, thèm sống, từ vô thức với những giấc mơ và nỗi đợi chờ thắp lửa, phần nào đó đã chạm đến bề sâu của tâm thức giới trẻ đương đại, hấp dẫn người đọc với những cơn quặn thắt rùng mình ( frissons). Nhưng cũng còn đó, một Lam Hạnh nữ tính đằm thắm, một hồn Đông phương thấm đẫm. Cho nên, dù còn dẫm chân ai đó với ngực trần, vú nóng, chín hực, no tròn, cơn khát dục, nước chấm tình, rốn hở da căng, nhịp không anh, địa đàng mộng mị…và có/không dụng ý gây sốt bằng những sự cố tình dục, thơ tình Lam Hạnh có màu riêng, khá lạ lẫm, mang hơi thở nhân văn vì tứ thơ ẩn giấu những dự báo, và mạch thơ thường động chuyển đi về những ngày hoa bướm lạ mang mang nụ cười em vẽ lên ngực cỏ/ngọn mi xanh/đất mộng du và trời anh mộng du.

 

Lựa chọn thứ hai của Ngực cỏ là những câu chuyện nhân sinh, là những nghiệm sinh về một thế giới đa chiều. Ở đây phơi mở mảng sáng tối của tâm linh, loang loáng những tia chớp ngang dọc của đất trời và đậm đậm buồn vui những phận người. Đây chính là thế mạnh của “Ngực cỏ”, phân biệt rõ nét với thơ trẻ thời thượng chỉ có mỗi duy nhất cái tôi của mình gào khóc cô đơn, và loay hoay bất lực. Có thể nói, câu chuyện dòng sông (3)đã chảy tràn bờ ngực cỏ. Này là một bờ sóng xô vào cuộc bể dâu, này là một khúc lũ cuốn phăng mặt người, một bến tìm chồng với những móng tay gọt tỉa đen xanh lam tía nắc nõm, một vùng cát phơi ngực nhú ban mai, mấy bờ đá rêu phong Tháp cổ, cả một Tam đảo mù sương trắng vây…Còn kia là cánh đồng trưa chang nắng mồ hôi của ông, là nụ hồng lễ vật tâm linh, là mái lá lạc điệu của quê nhà và tấm lưng trần của Hoa hậu

 

Âm giọng chủ đạo ở đây giảm một phần hồn nhiên tươi mát mà mặn, chát,

                                                                                                                    

đắng của cuộc nhân sinh lấm lem nước mắt; thi thoảng khô khốc, sắc lạnh trong cảm thức bi phẩn về một phố thị nhân nghĩa mỏng tang, về một đại dương đục ngầu thiện ác.                                                                             

Máu, một biểu tượng đa nghĩa, chảy ra trên bề mặt thế giới đa chiều, lăn đi trên bánh xe lịch sử như niềm tin cứu chuộc, sự mất mát, đức hy sinh, một khát cuồng, một dâng hiến cũng là tuyệt vọng cuối cùng . Một nhát cắt nóng tô đậm hoài nghi và lòng phẩn nộ:  

 

Máu đỏ đất máu nhuộm mặt trời/hừng hực chân mây

đại dương ngầu thiện ác/biến dạng trắng đen thành đỏ sậm, đỏ lửa. đỏ chín

đỏ tái, đỏ vàng đỏ… huyết ( Máu )

 

Cường độ của gam màu cứ nâng cấp từ sậm- chín- tái –vàng- huyết mở ra một ám thị về thế giới bạo lực rồi sẽ bung vỡ tan tành vì những mặt đường quyền lực, vì những mưu toan biến dạng trắng đen.

Mùa xuân là một biểu tượng khác -được lập lại ở tần số cao trong nhiều bài- viên thành niềm hy vọng, sức bật của thanh xuân, khái quát cái nhìn lạc quan xuyên suốt từ tăm tối đến ánh ngày rung vỡ, từ hủy diệt đến sinh sôi, từ nước mắt đến nụ cười.

 

Cái Tôi hiện hữu không thể như một chiếc bóng mờ nhạt đi qua năm tháng vì, cả những hạt lép cũng sẽ thức dậy mùa xuân :

 

Mùa xuân /bản đa âm khúc điệu đất trời

và dòng sông lũ mọc lên từ mùa đông ẩn ức

tuột vào miền quên /những hạt lép sẽ thức dậy mùa xuân…

 

Trong cảm thức tôi ơi đừng tuyệt vọng(4), Lam Hạnh đã nhắn nhủ với người yêu dấu quay về với chân chất mùa quê, bỏ mặc phố thị với dối lừa bội phản  Về thôi anh về thôi anh

mùa xuân ấm dong đất cày ải ( Có hạt giống nào trong lòng phố thị ).

 

Các nhà thơ nữ trẻ đương đại gần như chạy trốn hiện thực, tìm thăng hoa thơ trong nỗi cô đơn chính mình . Mặc dầu có những hạn chế nhỏ khi bộc lộ cái tôi cá nhân cô đơn, buồn bã, nhưng thơ nữ trẻ đương đại đã có những khoảnh khắc thăng hoa của cái tôi cô đơn.( Trần Hoàng Thiên Kim). Lam Hạnh đã không tìm những phút thăng hoa của cô đơn mà bắt mình đối diện với hiện thực để buồn vui. Một tin báo bão, một cuộc thi nhan sắc, một áng mây trắng… đã đi vào thơ phấp phỏng phập phồng cảm xúc .

 

Trước mặt là bão/sau lưng là lũ

trên chênh vênh sống chết /Em chỉ chưa đánh mất chính mình!

( Sóng xô vào cuộc bể dâu ).

  :

Nàng đi qua, sau cuộc thi, trên phố đông xa lạ

Lưng trần dán lên mắt khát thèm

Hoang tưởng với vinh quang tự hào về lộng lẫy /Nàng không biết

Mình chỉ là cái nhãn quảng cáo /con cờ của những cuộc chơi…!( Hoa hậu )

 

Cái nhãn quảng cáo dán lên lưng trần của hoa hậu, lên cái vương miện của nhan sắc, là biểu tượng của chủ nghĩa thực dụng trình diễn múa may như con sâu rúc rỉa ăn mòn thân xác và trí tuệ. Con người đang bán thân xác và cả linh hồn cho đồng tiền. Đồng tiền lên ngôi và người thành công cụ, bị biến làm con cờ nhưng đau đớn nhất chính là người- công cụ lại hoang tưởng về vị thế của mình! Trong một ý nghĩa tương tự, những cô gái tìm chồng ngoại đang khoe nhan sắc khi miền Trung bão tràn nước cuốn, cũng tự hiến mình làm nô lệ đồng tiền, không khác :

 

Nước lên nước lên váy áo ngắn dần

tóc 53* kiểu vàng hung vàng chóe vàng bạc vàng trăng mơ                       

ngọn chỉa lên trời/ ngóng

106 bàn tay móng nhọn móng vuông

gọt tỉa đen xanh lam tía nắc nõm/ đổi đời ( Nuớc vẫn lên )

 

Nước lên đối lập với váy áo ngắn dần đã gợi lên một trường liên tưởng về những biến thiên của cuộc bể dâu, về giọt lệ điệu cười của nhân thế!

Và, tôi cũng chạm được những giọt lấm lem rơi từ nỗi buồn Lam Hạnh  :

 

Đảo Hồng Lam lem mắt trẻ thơ

Những cơn mơ/rách tươm

cây chuối sau vườn từng bẹ /xé bình minh xanh lét.( Nỗi buồn tôi không trôi)

 

Bình minh xanh lét, từng bẹ chuối xé rời. Đã có những khoảng trốngdấu lặng giữa những hàng chữ. Những khoảng trống kêu vang khàn đục tiễn nỗi buồn Lam Hạnh về một cõi rỗng mơ hồ, cũng vang âm nghi tâm diệu tưởng đằng  sau phơ phất mây trắng :    

 

Đằng sau mây trắng không có những trần truồng cơn cớ lặng im hoang tàn ngôi làng sau cơn lũ quét, lặng im bơ vơ giải yếm tháo tung rổi bỏ vào cơn gió chênh chao trông ngóng, lặng im đêm cờ phướn rưng rưng giọt mẹ chết điếng xác con tàn hơi, lặng im chân kiến kiếm tìm loay quanh đáy cốc trơn trợt…( Đằng sau mây trắng ).

 

Câu thơ âm âm lời kinh tụng niệm, đều đặn, nhỏ xuống cuộc thế bi ai. Hiện thực trộn với cảm xúc, kết dính những liên tưởng đã hình thành những vần thơ chếnh choáng buồn, thăm thẳm đau, làm thành ngọn hải đăng hướng chiếc loa phóng thanh của nó về ngàn khơi (Ferlinghetti).

 

Khi dâu bể không mấy vui, và cuộc bon chen cơm áo còn tức tưởi mồ hôi, Lam Hạnh quay về với quê nhà như nguồn cội, quay về với góc riêng u ẩn để lấp đầy nỗi buồn, cũng mở vào ngõ tâm linh để rạng ngời những khúc khuỷu. 

 

Anh trụ vào đất, một chữ Tâm như nhiên để không

buông mình xuôi theo cơn lốc dối lừa ảo tưởng

Anh là núi, không che mặt trời chẳng theo về biển

tự nách mầm xanh sẽ nhú, hương thơm ( Cảm xúc từ cuộc nhậu của anh ).

 

Chữ Tâm không cần lớn tiếng, cũng không biện minh với biện hộ vì tự nách mầm xanh sẽ nhú, hương thơm. Huơng tâm linh sẽ thơm tràn, thắp ngày ánh sáng và Lam Hạnh nhận ra mình trong nỗi buồn kiêu hãnh (5):

 

Ngày không cờ phướn hội hè, không shopping tắm trắng

Ngày gù lưng gánh hàng rong khản giọng

Tiếng chim mắc cạn rốn lồi ngày ôi ( Tự họa)

 

Đêm Bến cảng không yên tĩnh của quê nhà, vì thế, lại âm vang nao nức một nhịp điệu tương lai khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa:

Bến Cảng /đêm rất sâu

những chú cá quậy/vang âm hụ còi đào xới ( Đêm Cam Ranh ).

 

*

                                                                                                                    

Trong chừng mực nhất định, “Ngực cỏ” đã có những  thể nghiệm bước đầu thành công trong việc tạo ra những hình tượng gợi tả đồng thời với việc làm mới những con chữ, tạo ra hồn vía cho câu thơ. Tiếng chim mắc cạn rốn lồi ngày ôi – con rắn không xống áo- Những trang trí hoa văn bơm căng tròng mắt – tóc diễu hành- tênh hênh gió- bình minh vân mây- hạt lép thức dậy-

tóc hương nở hạt phì nhiêu… - Ở đây , những trùng phức ẩn dụ đã phát huy tác dụng và những con chữ không hề làm dáng hay cau có . Nhiều câu mang hơi thở của văn xuôi  khi ngầm ý phát biểu nội dung tư duy đậm chất lý tính còn đa phần vẫn giàu nhạc tính. Nhịp điệu nội tại ( cảm xúc thơ ) đuợc kết hợp nhuần nhị theo hình tượng và tư duy là đặc điểm nổi trội trong thi pháp, làm nên một phong cách Lam Hạnh .

 

Thử nhận diện nhịp điệu và hình ảnh trong mấy khổ thơ cụ thể .

 

a/ Mấy hôm nay /mưa dầm rát mặt môi em nhiệt đới

gầy cơn mơ yếu đuối ngực hoa.

không tìm thấy anh/ lặn lội mùa màng hạt lép

buồn mi em khép ngủ nửa chiều ( Tóc nhớ )

 

b/ anh ngồi như đá /trong đáy vực những lớp sáng vô minh

rực lớp lớp vàng mặt trời tâm thức chảy đỏ

và tiếng chim hú vang trên miếng đậu phụ

gạch ngói vỡ - không vu vơ/ không.( Cảm xúc từ cuộc nhậu…)

c/ Ẩn trong lòng ánh sáng thời công nghiệp hóa

không có mùa lũ cơn nước đen tanh tưởi

chỉ có bãi lầy ẩm thực cống rãnh ứ gian ngoa

thừa mứa card  visit lừng nước hoa ngoại ( Có hạt giống nào …)

 

Ba khổ thơ, ba nội dung đề tài nên hình ảnh và nhịp điệu gần như tương phản . Khổ a, âm nhạc trôi đi mềm mại trầm bổng  đốí lập hoàn toàn với khổ c trúc trắc phẩn nộ mang tính văn xuôi, còn khổ b lửng lơ như không như có pha chất thiền học với  từng cặp hình ảnh đối chiếu : mặt trời vàng- tâm thức đỏ , tiếng chim hú- miếng đậu phụ- gạch ngói vỡ…

 

*

Viết, muốn hay không, là một động thái dấn thân ( J P. Sartre). “Ngực cỏ” là tập thơ đầu tay và Lam Hạnh đã làm một cuộc dấn thân . Tứ thơ chặt chẽ, mạch thơ đột biến, kết hợp  những hiệu ứng về nhịp điệu và phái nghĩa khiến “Ngực cỏ” có khuôn mặt riêng.Với “Rắn, Cảm xúc từ cuộc nhậu, Mornington- bình minh…,Tự họa, Trên những ô cửa phân mảnh, Máu, Hoa hậu, Khúc ruột…”, Lam Hạnh buớc đầu đã tổ chức những mô hình diễn ngôn trên diện hẹp, và tư duy không chỉ đậu hờ lên mặt nổi của hiện thực mà đâm xuống chiều sâu của nghiệm sinh. Ít nhiều, “Ngực cỏ” đã đưa ra ánh sáng những trá ngụy và nỗi hoang mang đồng thời phóng vào khí quyển thời đại công nghiệp những dự báo không bất thường. Nói như Inrasara trong bài giới thiệu tập thơ, chúng ta có quyền hy vọng ở Lam Hạnh một mùa bội thu thơ thứ thiệt, không phải hàng giả …

                                                                            

Cam Ranh 6/2008

 

1.Thơ Bùi Giáng

2.Thơ Lê Vĩnh Tài

3.Tác phẩm của Herman Hess

4.Ca khúc Trịnh Công Sơn

5.Lời Bạt  của Inrasara

                                                                                                                     

Phụ lục :

 

CHÙM THƠ LAM HẠNH

  ( Trích “Ngực cỏ”)

 

TRÊN NHỮNG Ô CỬA PHÂN MẢNH

Tôi thấy tôi trong bóng con ngựa chứng tóc xù mang tên Ly
Nhà bỏ, đi hoang
Phi vào cái quầng sáng chớp lóa vàng tím
Xập xình vũ trường đêm saxo man dại
Lưng trần đẫm mồ hôi, chân hồng bít tất
Ngầy ngật hoang tưởng trong khói cần sa
Bầm môi nâu ly rum cay xé

Tôi thấy tôi trong hình cô sinh viên tình mất
Thả mình bóng tối ngày thứ bảy
Từng trải đàn bà
Sáng mai ra ngực trần chào gã đàn ông đêm qua
Lạ lẫm, hỏi tên

Tôi thấy tôi tốc váy tóc gió loạn cuồng trên xa lộ
Mây rất xa mà tử thần thật gần, chầm chậm
Hoang mang mộ huyệt
Và nghi hoặc đốt cháy tôi đỏ phỏng mặt trời

Tôi thấy tôi trên những ô cửa kính 8x
Phân mảnh.

 

Máu

Máu chảy vào cơn địa chấn hút vào lòng sâu hoắm
đêm
Máu loãng vào sóng thần vút lên mây một ngày
chết đuối
Máu xổ tung mặt đường quyền lực
Máu lênh loang cao tốc nối dài lục địa thở
ngữ ngôn nền văn minh công nghiệp

Máu đêm Golgotha nách sườn chảy ra
cứu chuộc
Máu Sodom rưới tàn tro thành quách
Máu nguời Kitô dưới bóng quyền vương Nero
tuôn
Máu đại bi đại từ Bồ tát chúng sinh
cứu khổ

Máu đỏ đất máu nhuộm mặt trời
hừng hực chân mây
đại dương ngầu thiện ác
biến dạng trắng đen thành đỏ sậm, đỏ lửa. đỏ chín
đỏ tái, đỏ vàng đỏ... huyết

Máu khát cuồng còn em khát anh
mấy giọt
hiến lễ tình...

 

Đọc thêm    http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacgia.asp?TGID=1349&LOAIID=1&LOAIREF=1

Vĩnh Phúc
Số lần đọc: 2786
Ngày đăng: 11.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc LẠC ĐỊA Thơ HOÀNG LỘC : Suốt đời luôn trân quý một chữ tình! - Mang Viên Long
Đổi mới tư duy từ một triết thuyết cổ - Vũ Ngọc Tiến
Thúc Sinh và Nguyễn Du - Lê Vũ
Phan Nhiên Hạo lưu vong chuyên nghiệp ở thiên đàng bằng nhựa - Inrasara
Nhà Thơ MAI THÌN với Lặng Lẽ Xanh : Khúc ca bi tráng của dòng đời đang xanh - Mang Viên Long
Nguyệt Phạm – chấm hết phận ngựa trời - Inrasara
Đôi điều sau cùng với nhà thơ Inrasara ! - Mang Viên Long
Lê Ngọc Thuận : làm thơ và không làm thơ… - Võ Quê
Đôi điều phúc đáp nhà thơ Inrasara - Mang Viên Long
ĐÍNH CHÍNH ĐỌC NHANH RỒI… QUÊN. Về bài “Đôi điều phúc đáp…” của Mang Viên Long, - Inrasara