Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
733
116.718.753
 
Thúc Sinh và Nguyễn Du
Lê Vũ

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

 

Đã đến gần hạn kỳ ba trăm năm lẽ nhưng Tố Như còn đó nỗi lòng đau đáu khi thiên hạ hà nhân vẫn chưa thực sự chia sẽ trọn vẹn tâm tình của tiên sinh. Tố Hữu, Phạm Thiên Thư đã khóc cùng Tố Như mà lệ chảy quanh thân Kiều. Tuy nhiên còn đó bao nhiêu tình ý thâm tàng bất lộ, còn nhiều nhiều nhân vật dường như lờ mờ dấu phủ xanh rêu theo lớp sóng thời gian xanh cỏ. Nhân vật rêu xanh đóng mốc tôi muốn đề cập trong bài viết ở đây, đích thị là…Thúc Sinh.

 

Ngoài Kiều,Thúc Sinh là nhân vật được Nguyễn Du dành cho những thước phim dài nhất : 752 câu thơ (từ 1275 đến 2027) trong khi mối tình Kiều (ở giai đoạn đầu) chỉ 452 câu (từ 133 đến 565) và Từ Hải là 398 câu (từ 2165 đến 2563). Nhưng đến hôm nay, trong mùa mở hội kỷ niệm 240 năm sinh nhật Nguyễn Du, Thúc Sinh vẫn là một nhân vật mờ nhạt, đại diện cho hạng người râu quặp nhưng thích tìm hương hoa trái ngọt, đôi khi lại bị đánh đồng một giuộc với đám Tú Bà, Sở Khanh… “Oan” cho Thúc mà cũng quá tội cho Tố Như …Đành rằng không thể lấy số lượng câu chữ để cân kí nhân vật, để đặt vấn đề khinh trọng…nhưng tôi tin rằng Tố Như đã vô cùng đau lòng khi hậu thế của chúng ta ơ thờ để cho ¼ tác phẩm của tiên sinh trôi qua trong lặng lờ quên lãng.. Thúc Sinh không chỉ là cái cầu phao trên bước đoạn trường của Kiều, mà là người tình , là Thúc Lang của Kiều, mang mang ẩn tàng những suy tư trĩu nặng của Nguyễn Du về thân phận, về cuộc đời.

Thử nhìn lại chân dung Thúc Sinh:

 

Khách du bỗng có một người

Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương

Vốn người huyện Tích Châu Thường

Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

 

Nguyễn Du đã giới thiệu Kim (18 câu) rất văn vẻ không giấu giọng điệu ngợi ca vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa, lại viết lời tán tụng Từ Hải bằng những vần thơ hào sảng gươm đàn nửa gánh non sông một chèo trong khi chỉ dành cho họ Thúc 4 câu, giọng điệu có phần lạnh lùng : khách du, ngôi hàng Lâm Tri…Có vẻ như dòng dõi xuất thân cũng nòi thư hương và cái vỏ thương nhân mua bán của Thúc không được Nguyễn Du mấy quan tâm . Nhưng không, chỉ là một ngón  giấu bài. Tài hoa của Thúc chằng cần quảng cáo, dần dần hiện lộ vì hữu xạ tự nhiên hương. Trước vẻ trong ngọc trắng ngà của Kiều, Thúc đã ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường và đó là lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu đến nổi đệ nhất tài tử như Thúy Kiều phải cúi đầu ngưỡng mộ: Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay. Học vấn của Thúc Sinh liệu rằng có thua một Kim Trọng văn chương nết đất, thông minh tính trời ? Bên cạnh là tâm tính, phong độ .Nếu Từ Hải tiền trăm cứ việc nguyên ngân phát hoàn không hề tính toan mặc cả thì chàng Thúc của chúng ta cũng sẵn sàng trăm nghìn đổ một trận cười như không.

 

*

Có thể cụ Tiên Điền đã mĩm cười độ lượng, thông cảm thói quen bốc rời của Thúc nhưng liền sau đó, lại nhỏ lệ thương chàng hiếu tử,quá hiền lành đến thành yếu đuối,quá si tình mà đành ngoãnh mặt làm ngơ…Thương chàng, Nguyễn Du đã giúp chàng nhưng lời lẽ van xin cảm động đến đất trời, đến cả lòng người. Trước cha già, van xin nhận chịu hình phạt :

Dẫu rằng sấm sét búa ríu cũng cam

 

Trước phủ đường, nằn nỉ nhận lỗi về mình :

Taị tôi hứng lấy một tay

Để nàng cho đến nỗi này vì tôi

 

Trước Thúy Kiều, cắn răng giục nàng trốn chạy mà giọt châu tầm tã:

Ái ân ta có ngần này mà thôi

 

Đặc biệt vì những nỗi bời bời đớn đau của Thúc, Nguyễn Du đã tạo tác cả một kho từ diễn tả tâm tư tình cảm – dần dà trở thành vốn ngôn ngữ dân gian – khi là tơ tình dứt ruột, lửa phiền cháy gan, khi thì phách lạc hồn xiêu, như dại như ngây, nát ruột tan hồn, khi lại gan héo ruột đầy…Không thể phủ nhận cái tình của Nguyễn Du cũng như mối quan  hệ của tiên sinh với Thúc trong tơ tóc hoàn cảnh, trong mưa sa bão táp cuộc đời .Tiên sinh đã chia bùi sẻ ngọt với Thúc và càng trân trọng hơn mối tình của chàng với Thúy Kiều . Ai đó có thể cho Thúc là hạng người nguyệt hoa sớm đào tối mận đến khi đụng trận lại bỏ của chạy lấy người? Không, không, cả hai, Thúy Kiều và Thúc Sinh, dù không là đôi lứa  trời sinh ,đã gắn bó với nhau bằng một mối thâm tình. Bước đầu có thể là trăng gió nhưng về sau đích thực là nghĩa đá vàng. Thúc đã vựợt lên bao nhiêu trở ngại để giải phóng Kiều thoát vòng trần ai và để một nhà sum họp trúc mai. Kiều cũng vì Thúc mà chịu đòn roi nơi cửa công, thân làm hoa nô nơi nhà họ Hoạn, trăm điều tủi nhục vì cô tiểu thư Hoạn Thư tinh ma, lửa ghen càng dập càng nồng. Thế nhưng, buổi gặp lại, Kiều không hề nửa lời nặng nhẹ với Thúc Lang : tại ai há dám phụ lòng cố nhân.

 

Với Kim Trọng, Kiều có những lời tình tự, có đêm đàn ca, có cả tóc mây một món dao vàng chia đôi nhưng xét cho cùng chỉ là chút tình đầu năm tháng mộng mơ. Với Từ Hải, Kiều có nửa năm hương lửa đương nồng, có những ngày xênh xang quyền lực nhưng thực chất đã là người đàn bà âm thầm toan tính thiệt hơn. Kiều gặp Thúc Sinh ở tuổi xuân phơi phới nhưng là người phụ nữ chín dạn phong trần, cũng chín chắn tình cảm. Nàng gắn bó với Thúc từ những bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn, từ những ngày thong dong trướng hồng tắm hoa, những đêm xuân hoa nguyệt não nùng. Nửa năm làm người tình, nửa năm là chồng vợ lại từng cay đắng nên  mặn mà hơn xưa…Năm tháng đoạn trường của nàng đã có một khoảng lặng để vui sướng, hạnh phúc yêu thương nên buổi Thúc khăn gói về quê, Kiều bỗng nhói nhói vầng trăng ai xẻ làm đôi/ nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường- Đây là đoạn thơ thuộc loại hay nhất trong Truyện Kiều vì Nguyễn Du đã đau lòng với nỗi chia biệt rụng rời -  Đối lại, Thúc Sinh cũng dành cho Kiều tất cả thiết tha nồng nàn : chia với nàng khúc vui rượu sớm trà trưa, gieo mình vật vã trước linh sàng tử biệt, như ngây như dại khi đối mặt mà đất thấp trời cao, giọt châu tầm tã khi nói lời vĩnh biệt . Không, Thúc Sinh, chưa bao giờ là kẻ bạc tình mà đường đường là Thúc lang chuyên chính của Kiều bên trong chăn gối, bên ngoài cầm thơ, phân biệt với một Từ Công đường bệ, cũng khác với Kim Trọng bên ngoài đôi lứa bên trong bạn bầy.

 

Nỗi oan khuất lớn nhất của Thúc là nể vợ, nhưng ở đây còn bao nhiêu hư thực thị phi. Thúc trái lời dặn của Kiều, e ấp dùng dằng không nói thực cũng là tâm lý đời thường rút dây sợ động rừng lại thôi. Chàng đã có khi cùng toan sống thác với tình cho xong nhưng lại đội một chữ hiếu trên đầu: Tông đường chút chửa cam lòng nên đành khuyên Kiều cao chạy xa bay dù trong lòng chàng con tằm đến thác cũng còn vương tơ. Cái tội tình của chàng là phải thú nhận sự bất lực đầu hàng của mình một cách thật thà, cay đắng mà đáng thương :

 

Thấp cơ thua trí đàn bà

Trông vào đau ruột nói ra ngại lời

 

Phải chăng Tố Như cũng phải cúi đầu đau ruột, ngại lời nói ra ?

 

*

Thế đó, Thúc Sinh, gã đàn ông tài hoa mà mê mãi tình si, người con hiếu thảo nhưng yếu đuối, người chồng nể vợ mà thành nhút nhát. Thúc Sinh có công hay có tội với Kiều, là kẻ đáng phục hay là đáng ghét? Thái độ nhút nhát sợ hãi cả sự bất lực của chàng phải chăng còn có nguyên nhân ? Trả lời những câu hỏi đó rõ ràng chính là chia sẻ với niềm đau sâu kín của Tố Như, là khóc với tiên sinh. Xin mời xem lại những thước phim đã qua.

 

Thúc Sinh, từ trang thơ bước vào cuộc đời, rất đời thường, rất thực, không nhuộm chút sắc màu cường điệu. Chàng si tình Kiều vì nàng vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa, và cũng vì thanh khí lẽ hằng. Chàng hiếu thảo nên sợ nghiêm đường phong lôi nỗi trận bời bời đành để Kiều đến cửa công mà chịu gia hình. Là thương nhân, chàng nào dám tơ hào đối địch với danh gia vọng tộc. Mãi ham vui, chàng phải e sợ Hoạn Thư. Không dám vứt áo ra đi và cũng không đành lòng để cha già vì mình mà liên lụy. Búa rìu của giai cấp phong kiến, những sợi dây huyết thống dòng họ ràng buộc, thế lực chênh lệch giữa hai bên …Tất cả đã dồn chàng tài tử vào chân tường, đáng thương hơn đáng ghét. Sự bất lực của chàng là tất yếu của lịch sử, xã hội ( giai cấp thương nhân, tiểu tư sản vẫn phải cúi đầu trước bọn thống trị phong kiến đương thời…)

 

Khoác cho Thúc Sinh lớp vỏ thương nhân, tiểu tư sản trí thức, lại để chàng si tình mà bất lực, phải chăng Nguyễn Du dã tự biện hộ cho sự bất lực của mình khi hoài vọng Lê Triều vẫn còn đó sâu thẳm? Có thể nói, Thúc Sinh là hiện thân của tiên sinh trong bất lựcmặc cảm hổ thẹn. Từ Thúc Sinh, dường như Nguyễn Du đã cố gắng vươn lên đối kháng bằng cách xây dựng một hình tượng mới : một Từ Hải anh hùng đội trời đạp đất…

 

Nhận diện như thế, Thúc Sinh không thể bị bỏ quên bằng con niêm sợ vợ. Chúng ta, nên chăng, và một cách khách quan đúng đắn, xem lại vai trò của Thúc Sinh, cũng là nhìn chàng với một quan điểm mới nhân bản hơn?. Xin gởi Thúc Sinh một vần thơ :

 

Thúc Sinh cõi ấy vọng về

Ngỡ ngàng năm tháng cơn mê đoạn trường

 

Cam Ranh 20/07/2005

Lê Vũ
Số lần đọc: 3247
Ngày đăng: 31.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phan Nhiên Hạo lưu vong chuyên nghiệp ở thiên đàng bằng nhựa - Inrasara
Nhà Thơ MAI THÌN với Lặng Lẽ Xanh : Khúc ca bi tráng của dòng đời đang xanh - Mang Viên Long
Nguyệt Phạm – chấm hết phận ngựa trời - Inrasara
Đôi điều sau cùng với nhà thơ Inrasara ! - Mang Viên Long
Lê Ngọc Thuận : làm thơ và không làm thơ… - Võ Quê
Đôi điều phúc đáp nhà thơ Inrasara - Mang Viên Long
ĐÍNH CHÍNH ĐỌC NHANH RỒI… QUÊN. Về bài “Đôi điều phúc đáp…” của Mang Viên Long, - Inrasara
Tôi chỉ viết để trả nợ - Lý Đợi
Đọc Trần Dần qua thơ* - Đặng Huy Giang
Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng - Phạm Ngọc Hiền
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)