Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
380
116.739.065
 
Mùa hương
Trần hữu Lục

Lên hết con dốc, Thượng đã nhìn thấy những vườn mận nằm thoai thoải. Và khi vô tới căn nhà đầu ấp, anh bắt gặp lại một cảm giác thân quen… Trước mắt anh, lúc lỉu trên cành hằng hà trái mận chín. Màu mận chín như đang vàng mọng hơn, đỏ thẫm hơn. Những trái mận đầu mùa căng đầy hơn. Thượng đứng lặng yên, xao xuyến, anh đã có nhiều lần đi về các vùng ven trong thời tạm chiến, những thôn ấp nổi tiếng về mận. Trong những chuyến công tác vào nội thành giữa đêm mù sương, anh đã lần theo hương mận để đi, tránh được những đoạn bị phục kích. Chính vào những giây phút đó, anh đón nhận một mùi hương dìu dịu vương nhẹ quanh mình và sau đó như thấm dần và đọng lại nơi những giọt sương đêm. Anh đã thầm biết ơn những người trồng mận, thương những vườn cây che chở…

- Xin lỗi, ông tìm ai?

 

Thượng vội quay lại, chào người đàn bà đứng tuổi, bối rối và ngập ngừng thưa: - Thưa má, tụi con…

Và anh vội đưa tay về phía đoàn thu mua đang kéo nhau đi vào, người đàn bà kêu lên:

- Có mô mà sớm rứa, cũng phải cuối tháng mới hái được.

- Nhưng má ơi, xí nghiệp tụi con hết sạch mận rồi, má đã thương thì…

- Mô được. Rứa đứa mô thương chuyện má phải bán mận non lỗ sạch vốn đây? Cái o chi đã tới ký hợp đồng mô rồi?

 

Bà lấy cái nón vừa quạt vừa như muốn xua mọi người đi ra khỏi vườn nhưng nét mặt thì hồn hậu và tươi cười. Thượng hỏi làm quen.

- Năm nay, mận được mùa hả má?

- Được vô kể. Nhưng cái o chi của đoàn thu mua bữa trước thì cũng khôn đáo để.

 

Một người trong đoàn bất chợt reo lên:

- Thôi đúng là cái o Hương rồi. Bữa nay o Hương đi hướng khác mà má. Có gì má cứ nhắn với cái anh này này…

 

Mấy người trong đoàn thu mua đều quay lại nhìn Thượng cười tinh nghịch. Người đàn bà cũng vội quay lại ngó anh một chập và cười hiền lành hỏi anh:

- Hồi mô rứa, răng không nghe hắn mời cau trầu chi cả. Nhà o nớ ở bên kia nhà ga xe lửa. Rứa mấy đứa bây tính răng chừ?

- Má đã thương thì thương cho trót.

- Con trai chi bây mà miệng dẻo quẹo. Thôi đi theo tau!

 

Bà cầm cái nón che nắng, đi ra vườn. Đoàn thu mua đi theo sau. Vườn mận đầu mùa chín chưa được đều trái. Thượng lần ra cuối vườn nơi có thể đứng nhìn thấy vùng quê của Hương. Những ngôi nhà mái tôn hoen rỉ, nằm bên ga xe lửa bỏ phế, hư nát. Đường rây chạy hun hút qua những đồi trọc. Chơ vơ nằm trên khu đồi là ngôi chùa cổ mái ngói đỏ vươn lên. Và xa hơn là những vườn cây mận rải rác dọc theo con đường đất đỏ.

 

Suốt buổi hái mận, người đàn bà vẫn lén nhìn anh, rồi như chợt nhớ ra điều gì, đến bên anh hỏi:

- Tau nói ri cũng kỳ nhưng bỏ lỗi nghe. Rứa hai đứa bây quen nhau hồi phong trào phải không? Và con đã về ngang đây mấy lần rồi phải không?

- Dạ có.

- Đúng mà, má nhớ có sai mô. Hồi nớ, mấy đứa bây không có cơ sở chỗ ni thì làm răng mà vào trong thành được. Rứa hai đứa bây cưới hỏi hồi mô?

- Dạ…

- Chắc là cơ quan lo hết. Tụi bây tệ bạc dữ. Khó khăn thì tìm đến, khi vui lại quên luôn. Mà thôi nói rứa chứ tau mừng lắm.

- Thưa má tụi con chỉ mới quen nhau thôi. Anh em họ nói đùa chơi. Cái o Hương cũng cùng quê với má đó.

Bà gật đầu kéo Thượng vào trong nhà uống nước. Bà đã kể cho anh nghe về gia đình của Hương.

Theo lời kể thì Hương làm giao liên, vừa cắp sách tới trường đại học. Cô thường mặc áo dài xanh da trời, đội nón bài thơ, tay ôm cặp sách, má lúc nào cũng ửng hồng như màu hoa đào. Cô đã vào ra thành như con chim én, dịu dàng, ngây thơ, dễ thương… cô đã qua mặt được nhiều trạm gác để đưa tài liệu vào cho cơ sở. Cho đến ngày giải phóng, cô là một trong những người may cờ đem treo lên khu phố sớm nhất.

 

Câu chuyện người đàn bà cùng quê với Hương kể lại trở nên một nỗi ám ảnh dịu dàng, một niềm hy vọng tha thiết. Thượng nhớ là khi ra về, anh có nói với bà má “vườn mận” ấy: “Vùng này là quê hương của con, quê hương một đời, má đã thương thì…” Nhưng rồi anh đã bỏ lửng câu nói, khi nghĩ đến Hương, nhớ cái cánh mũi nhíu lại và cái nhìn “dễ ghét” của cô ấy…

*

Từng ngày, nhìn thấy những trái mận nằm ngổn ngang trên sân phơi, Thượng càng mong chuyến xe thu mua cuối cùng của xí nghiệp trở về. Những trái mận thân thiết kia gợi cho anh những ý nghĩ dở dang, một tình yêu thầm lặng và một sự gắn bó nghề nghiệp lạ lùng… Trước mắt anh, chen lẫn những trái mận địa phương, là những trái mận pomme, mận Vân Nam, đã được một số bà con dày công lai giống. Đợi thêm một lát nữa vẫn chưa thấy chuyến xe trở về, anh vô phòng pha chế. Anh đi vòng quanh cái xi-tẹc bằng kim loại đầy cồn, không biết đã mấy lượt. Sau cùng anh dừng lại trước một bình thủy tinh. Phải nói với Hương những điều cần phải nói không? Có thật cái quá khứ không quan trọng bằng những việc làm bây giờ? Mấy hôm nay mình là kẻ bị thừa ra trong xí nghiệp. Cả tấm lòng yêu thương và say mê nữa sao? Cơn giận lại ùa đến làm cho anh run cả người. Một chút buồn tủi, cay cú mang lại cho anh cái cảm giác hụt hẫng. Và anh nhớ lại, nhớ lại tất cả…

- Tôi đề nghị các anh, chị nghiên cứu lại phương pháp xúc tác và kích thích để tạo ra một loại men bảo quản. Với cách làm này ta có hy vọng rút ngắn thời hạn hoàn thành chỉ tiêu…

- Chúng ta không có đủ thời gian để làm thí nghiệm. Vả lại, anh Thượng cũng có làm thử rồi… -

 

Bác tổ trưởng tổ pha chế bỏ lửng câu nói.

Nhưng Thượng chỉ nhìn cái môi mỏng và con mắt nhỏ của ông ta, cũng biết ông có ý đồ gì rồi. Anh nghĩ trong đầu: “Ừ, tôi đã làm hỏng của xí nghiệp hàng trăm lít cồn đấy”.

- Tôi nghĩ đây chỉ là một cách sao chế lại cách pha chế của các hãng rượu nước ngoài. Trong điều kiện còn thiếu các thiết bị tinh luyện hiện đại, cái sáng kiến của anh Thượng không thể vận dụng được. Cho dù cứ gọi là sáng kiến đi nữa! – Ông trưởng phòng nghiệp vụ phát biểu một cách cao ngạo.

 

Một ý nghĩ khác lại đến với Thượng: “Cả ông nữa đấy, từ trước đến nay chỉ biết đi trên một lối mòn, không dám công nhận bất cứ tìm tòi khám phá của ai vì sợ họ sẽ hơn mình chứ gì?”

- Nhiệt tình, say mê thôi chưa đủ đâu, tốt hơn hãy biết dừng lại. Đừng buộc người khác làm theo ý chí của mình. – Một chị ngồi gần anh nói nhỏ nhưng cũng đủ cho mọi người ngồi họp nghe rõ.

Nhưng Thượng vẫn bướng bỉnh nghĩ: “Làm theo cái lý của khoa học chứ? Thôi xin các người đừng làm tình làm tội một sáng kiến nhỏ ấy nữa. Chị đang xúc phạm đến tôi, chị có biết không? Các người nghĩ một đường mà nói thì một nẻo. Không phải thế đâu! Tôi nghĩ thế đấy”.

Còn Hương thì trước sau vẫn ngồi nhìn cánh mũi rất điệu. Không có ai lên tiếng bảo vệ cái sáng kiến ấy. Cả Hương cũng im lặng khó hiểu. Những ý nghĩ lại ồ ạt hiện ra trong đầu anh: “Các người toa rập phủ nhận một tài năng vì các người sợ thay đổi nếp suy nghĩ và cách làm cũ. Tôi không chấp nhận sự đánh giá này. Các người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về năng suất và chất lượng khi mà ông giám đốc còn đang phải nằm viện”.

 

Anh nghĩ là phải nói những ý nghĩ thầm kín ấy với Hương. Sự im lặng lúc này là sự quay lưng, ngoảnh mặt lại với tấm lòng của anh. Rằng tuổi trẻ phải nhạy bén với cái mới, không lẽ ai cũng muốn vùi dập kẻ khác sao?

 

Tiếng còi xe ngoài cổng cơ quan cắt đứt ý nghĩ của Thượng. Chiếc xe thu mua cuối cùng đã về. Rời khỏi xe, Hương đỏ bừng mặt vì nắng, hay vì thẹn, nhưng sao cô gặp anh không chào hỏi một câu. Còn giận sao? Hay là vì con gái vẫn thế? Không chào hỏi một câu mà ánh mắt lại đang reo lên, long lanh. Anh nghe trái tim mình đập mạnh, anh đi theo cô một đoạn, mới nói nhỏ:

- Anh gặp Hương một chút. Một chút thôi, được không? – Hương vẫn tỉnh bơ: - Gặp chuyện riêng hay chuyện cơ quan.

- Cả hai.

- Xin lỗi, vậy mai thì tiện hơn.

- Một chút thôi mà, anh đợi… đã ba bốn hôm…

 

Hương đỏ mặt, bối rối nhìn anh, ánh mắt hấp háy như có ý nói gì với anh.

Thượng đã qua hết lúc bối rối, nhưng vẫn thấy hồi hộp. Một sự im lặng đáng ghét có khả năng kéo dài, anh vụt hỏi:

- Tại sao lại im lặng?

- Anh nói sao, em đang chờ nghe anh đây.

- Không, anh muốn nói đến sự im lặng của em trong buổi họp. Cả em cũng nghĩ rằng quá khứ một người không là cái gì nữa sao?

 

Giọng nói của Thượng như có vẻ trách móc, cay cú lẫn lộn. Hương nói nhẹ nhàng: - Anh chỉ biết trách người khác thôi, còn anh lúc nào cũng chực chờ để chống lại. Anh chỉ muốn người khác hiểu và ủng hộ anh, nhưng anh thì không chịu hiểu và chờ đợi. Hình như cả cơ quan ai cũng cho rằng anh “công thần” nhưng trong lĩnh vực khoa học…

 

Hương bỏ lửng câu nói, đưa mắt nhìn con dốc, Thượng cũng đưa mắt nhìn theo và nghĩ: “Có thể mình đang trượt dài trên con dốc…”, nhưng anh lại nói ngược lại với ý nghĩ vừa chợt đến như thế:

- Nhưng chuyện ấy không có gì mới mẻ, anh sẽ đi cho tới tận cùng của lẽ phải và chân lý. Em nên ủng hộ việc làm của anh. Không lẽ anh có những ngày hoạt động phong trào, có hiểu biết về cây trái, hương hoa trên vùng đất này, anh lại không được tiếp tục với sáng kiến và những tìm tòi của anh?

- Cây trái nào cũng có một loại men riêng của nó. Còn lại là ở chính anh. Em phải về nhà. Một chút của anh mà sao lâu thế. Em về nghe. Anh nên sống như mọi người trong cơ quan.

- Vâng em về, cám ơn em… anh vẫn sống như những ngày phong trào mà! – Và anh kêu thầm: “Ôi thật đáo để, nhưng dù em chưa tỏ thái độ dứt khoát anh đã nhìn thấy loại men tự nhiên ấy rồi…”

 

Hương ra về đã lâu, nắng trên đỉnh cây cũng đã vàng nhạt. Thượng mới rời khỏi phòng pha chế, đi lững thững trên những con dốc nở đầy hoa ngũ sắc. Mùa này, gió hú buồn trên các ngọn cây, hình như trong gió có nhiều loài hương họp lại. Thiên nhiên vẫn đẹp như ngày nào. Trăng đầu tháng soi bóng anh lả lơi trên đường. Giàn hoa giấy nhà ai đã lờ mờ chìm vào màu trăng nhàn nhạt. Anh nghe lòng chùng lại, ấm ức và giận hờn, xa xôi mà ấm áp. Anh nhớ lại những chi tiết của lần gặp gỡ vừa qua, mà thấy thương, thấy giận mình quá. Như cái vụ anh làm hỏng mấy trăm lít cồn trong phòng thí nghiệm, cả cơ quan đều tin rằng anh sẽ không còn cơ hội để tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm bất cứ một loại đề tài nào. Riêng anh lại có cảm giác là mình hình như đã thừa ra, cả cơ quan đang lao vào kế hoạch, chạy đua với thời gian, nhưng anh lại vật vờ như chiếc bóng. Có thể nào sống mãi như thế sao? Mình đang trượt dài vì chủ quan, dốt nát vì bướng bỉnh và liều lĩnh? Ai trong cơ quan đã gán cho mình là “thằng cha công thần ấy”. Anh dừng lại, đốt một điếu thuốc, đốm lửa lập lòe trong mù sương giăng đầy lối đi, anh vội quay về nhà.

 

Suốt đêm, anh chong mắt ngồi nhìn trăng tà và đợi bình minh lên. Trong nỗi riêng, anh lại hình dung những gian khổ của những ngày hoạt động, những đêm vượt qua những vườn mận chín, những lúc bị đói cơm lạt muối, những anh em đã hy sinh, những ngày lao tù, những lần cơ sở bị vỡ, nhưng tất cả vẫn đứng vững. Còn bây giờ, vì những tự ái vớ vẩn mà mình không vượt qua được. Hay vì ở lãnh vực công tác mới này, mình bị bứt đi chăng? Anh nghe nhói trong tim khi dừng lại với ý nghĩ sau cùng.

*

Sau nhiều lần tìm thăm một vài người quen đã am hiểu về một loại men tự nhiên trong trái cây, nhiều buổi đến thư viện tìm đọc một số tài liệu của các hãng rượu nước ngoài, anh muốn được tiếp tục công việc dở dang của anh. Cái say nghề nghiệp lại đến với anh, thôi thúc canh cánh bên lòng. Hội nghị liên tịch của cơ quan coi như có ý kiến và xếp cái sáng kiến của anh vào một góc tủ nào đó rồi. Cả Hương cũng lững lờ và nhíu cánh mũi rất điệu của cô. Chỉ còn lại là ông giám đốc là chưa có ý kiến. Anh nghĩ là không nên làm thế dù sao ông ấy đang nằm viện, vả lại anh ngại phải tranh thủ như vậy. Nhưng chẳng còn cách nào khác tốt hơn. Anh đã tìm đến thăm ông tại bệnh viện. Ông Hà tiếp anh với những dè dặt:

- Cậu vẫn khỏe chứ, tôi vẫn thường được nghe báo cáo công việc của cơ quan.

Một ý nghĩ lại thoáng đến với anh: “Tôi biết mà, chắc họ nói xấu tôi với ông chứ gì. Không sao, cái giá trị của một người là ở tấm lòng và công việc…” nhưng anh lại nói khác đi:

- Tôi đến thăm anh là chủ yếu, nhìn thấy anh được phục hồi sức khỏe, tôi rất mừng.

- Cám ơn cậu. – Ông Hà cười hồn hậu và cởi mở.

- Thưa anh, có ý kiến cho rằng…

- Cậu cứ tự nhiên, tôi rất vui được nghe cậu nói. – Ông Hà đang hiểu nhầm những lời anh sắp nói ra.

- Vâng, rằng trái cây vốn có một loại men tự nhiên để tránh những vi khuẩn làm chua.

- Đó là về mặt lý thuyết.

- Và có thể dùng nồng độ thật cao rồi dùng phương pháp xúc tác và kích thích để tạo ra một loại men bảo quản.

- Đúng, nhưng sao cậu biết được điều ấy, tôi thú vị quá, tôi vẫn ấp ủ những điều mới mẻ trong sản xuất, cậu cứ nói hết những trăn trở của mình. Tôi sẽ giúp gì cậu đây?

- Nhưng điều tôi đang báo cáo với anh lại là điều đã bị gạt bỏ rồi.

- Có lẽ nào…

 

Anh kêu thầm: “Ôi cái sáng kiến của tôi bị vùi dập mà ông không biết sao? Những người của ông đang đi theo lối mòn, tôi không có ý chế giễu họ đâu”. Nhưng anh lại nói thong thả:

- Vâng đúng thế, thật đáng tiếc.

- Tôi chưa được báo cáo về việc này. Ồ, mà cậu cũng biết đấy, nhiều lúc, nhiều nơi tôi cũng có quan liêu thật, mà thôi, vấn đề còn lại là cậu có tiếp tục với những dự ước của mình không nào?

- Rất cám ơn anh. Khi đến xin ý kiến của anh, tôi vẫn nghĩ là tôi sẽ tiếp tục, dù trong hoàn cảnh nào. Đây cũng là một thái độ của tuổi trẻ chúng tôi trước cuộc sống.

- Tốt quá, cậu cũng phải thông cảm với anh em, người ta chỉ dễ dàng tha thứ một khuyết điểm nào đó, hay phải tiếp nhận một cái mới khi có thời gian và sự thuyết phục của nó. Tôi sẽ bàn lại.

- Thưa anh, sáng kiến này sẽ góp phần tăng năng suất và chất lượng của cơ quan ta vì nó sẽ rút ngắn thời gian và quy trình sản xuất.

- Anh có hơi lạc quan không đấy. – Ông Hà cười vui vẻ.

 

Thượng hơi lúng túng vì biết mình vừa nói quá lời, anh kêu thầm: “Tại cái tính tự cao của mình cả, kết quả của công việc làm sao mà dám khẳng định trước được”. Và anh nói như tự dặn mình:

- Tôi hứa là sẽ cố gắng hết sức mình.

Từ bệnh viện ra về, anh trở lại với những hăm hở ban đầu, anh vui thật sự. Anh muốn san sẻ niềm vui này với Hương ngay lúc này. Khi anh đến cơ quan tìm Hương thì cô đã theo đoàn thu mua đi thêm một chuyến nữa. Một số anh em trong tổ pha chế cũng đã theo đoàn thu mua hương liệu trái cây đặc sản của địa phương. Anh bắt tay vào công việc một mình. Các phản ứng hóa học không diễn ra đúng như tính toán, anh lại phải làm lại từ đầu. Thời gian thì qua nhanh, nỗi lo âu chồng chất, niềm hy vọng trở nên mong manh. Trong những ngày đơn độc ấy, hình ảnh một vườn quê thơm lừng hương mận, giọng nói ngọt mềm lại đến với anh, xoắn xuýt và đằm thắm hơn bao giờ hết. Anh thường nán lại sau giờ hành chánh, để làm thêm, xem xét các phản ứng cần thiết. Và sau những buổi như thế, anh có linh cảm là anh không ở lại một mình trong phòng pha chế. Một đôi lần anh phát hiện có một vài thay đổi nhỏ nào đó, chẳng hạn vị trí của cái phễu bị dời đi, một mẩu giấy ghi các biến ứng nằm lại trên bàn… Anh vẫn nghĩ các anh ở phòng kỹ thuật cũng đang tiến hành một thí nghiệm nào đó, thú vị mà khó hiểu quá. Anh cũng không hiểu nổi cú điện thoại của ông giám đốc từ bệnh viện gọi về nhắc anh cần phải điều chỉnh lại nồng độ.

 

Trước những ống thủy tinh và mùi vị của các hóa chất, anh đang tiếp cận với nỗi sâu thẳm của tâm hồn anh. Rồi cả những kích thích và xúc tác trong cuộc sống, trong tình yêu cũng phức tạp như trong thí nghiệm. Cái màu trong suốt của thành thủy tinh dễ gợi cho anh một đoạn đời trong sáng, những chuyến đi về trong vườn mận chín, cái nhíu mũi rất điệu của Hương, loáng thoáng sau những ý nghĩ ấy, là cảm giác lạnh lạnh, đau nhói trong tim.

 

Một buổi chiều cuối tuần, Thượng ở nán lâu hơn để theo dõi một chất mới vừa xuất hiện trên thành thủy tinh thì Hương từ ngoài phòng đi vào nhẹ nhàng, tự nhiên, dáng điệu tinh nghịch, bất chợt thấy anh còn ở lại trong phòng, cô luống cuống muốn quay trở lại. Anh sững sờ, ngạc nhiên, nhưng ánh mắt như đang reo lên, mừng rỡ, anh cất giọng hỏi: - Hương về hồi nào?

Hương lúng túng, chỉ biết đưa mắt nhìn thành thủy tinh, đôi mắt ấy muốn nói với anh rằng: “Ừ, về hồi nào thì anh biết rồi, còn hỏi, người chi mà vô tâm…”

- Sao chẳng có ai nói với anh một lời.

- Ơ hay!

 

Hương kêu lên, có vẻ tiếc nuối và thoáng một vẻ ngạc nhiên. Cánh mũi rất điệu, má ửng hồng màu hoa đào, Hương quay vội ra khỏi phòng pha chế. Lúc đầu Hương bước đi thoăn thoắt, về sau thì Hương đi như chạy… Hương lao về phía vườn mận, Thượng chạy đuổi theo. Anh cảm động và vui sướng quá. Hạnh phúc đang ở trong tầm tay. Bấy giờ, chỉ còn lại một mùi hương mận chín đang tỏa nhẹ khắp vườn…

Trần hữu Lục
Số lần đọc: 2325
Ngày đăng: 29.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
chị, và em , và … - Nguyễn Thị Hậu
Vườn xưa mắt mẹ - Lê Huỳnh Lâm
Em cũng không biết nữa...! - Bùi Thạc Chuyên
Chạnh nhớ Nguyễn Xuân Hoàng : Không thể nào quên Huế... - Hoa Ngõ Hạnh
Café một mình - Nguyễn Thị Hậu
Đặc Sản U Minh Hạ Quê Tôi - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Viết nhân ngày giỗ cha - Nguyễn Thị Hậu
Hồi kết - Bích Ngân
Văn nghệ mùa Vu Lan 2007 : Bên mẹ - Trần Kiêm Ðoàn
Ngày con đi thi… - Hội An