Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
665
116.773.509
 
Đi sẽ đến , tìm sẽ gặp
Trần hữu Lục

Có một dòng sông Hương chảy bên ngoài Tổ quốc: ý tưởng ấy thôi thúc tôi đi đến, tìm gặp “dòng-sông-tâm-thức” này. Và rồi tôi đã có dịp đến với Những ngày văn hóa Việt Nam tại Đức vào cuối năm 2002. Đã đi thì sẽ đến.

 

Từ sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh Bangkok, sau đó bay đến Frankfurt, rồi chuyển sang máy bay khác tiếp tục đến Muenchen (Đức). Một chuyến bay xa xôi và lạ lẫm. Hầu như con người và cảnh vật nơi xứ người đều rất trật tự và bắt mắt. Ấn tượng đầu tiên là sân bay quốc tế Frankfurt, cứ một phút là có một chiếc máy bay cất cánh hoặc đáp xuống đường băng. Ấn tượng tiếp sau là con đường dẫn từ sân bay Muenchen về phố Franendorfertragte, hai bên đường trồng nhiều loại cây leo và loại hoa rực rỡ sắc màu. Những ngày văn hóa Việt Nam tại Muenchen (Đức) đã diễn ra với nhiều loại hình hoạt động nghệ thuật như biểu diễn tuồng Đông Lộ Địch, Chương trình ẩm thực văn hóa Huế, giao lưu văn nghệ giữa đoàn và bà con đồng hương… đã thành công ngoài dự kiến. Những tập sách đã thay tôi nói được rất nhiều điều về Huế đẹp. Khi đi, tôi có mang theo một số tập sách Nhớ Huế và các tác phẩm của riêng mình…

 

Với người Huế xưa thì miếng trầu làm đầu câu chuyện, còn với tôi chính là những tập sách Huế thơ, về hương sen, chùa, làng, trường học…, về áo dài, món ăn Huế, về tình đồng hương, về mùa xuân, mùa thu, giọt mưa Huế… nơi quê nhà. Dường như con đường “đi và đến” không có cản ngại nào, mà trái lại thật tự nhiên, cởi mở và thân tình. Dưới bầu trời xám, mưa lất phất và lành lạnh trên những con đường xao xác lá vàng, hay trong khán phòng, hội trường hoặc ở ngoài hành lang, trên phố đi bộ, một số người Việt mà tôi chưa hề quen biết, đã tìm gặp tôi và vài người trong đoàn. Và rồi những tập Nhớ Huế là món quà mà bà con xa quê rất yêu thích. Họ mỗi người có một hoàn cảnh sống. Ái Vân là nghệ sĩ múa ba lê, đang sinh sống tại Muenchen bằng nghề múa của mình, chị Thanh Tùng làm công nhân của hãng, anh Đ. làm ở một công ty điện tử, anh chị L. thì mở cửa hàng bán buôn. Có người lấy vợ Đức, chồng Tây… Họ sống bươn bả và tất bật. Các thành phố Muenchen, Frankfurt, Saarbruicken, Berlin… mà tôi đã đến thì số người Huế xa xứ thường sống rải rác, ít có cơ hội gặp nhau. Hầu hết là “dân” đi Tây Đức du học trước năm 1975, số còn lại là “dân” đi hợp tác lao động ở Đông Đức sau năm 1975.

 

Gặp lại đồng hương thì họ cởi mở và thân thiện. Nghệ sĩ múa ba-lê Ái Vân sau một buổi chiều đọc Nhớ Huế, hôm sau gặp lại đã nhận xét: “Em đọc và có cảm giác như đang uống từng ngụm nước sông Hương” và gợi ý: “Em có thể múa trên nền giọng đọc thơ của anh và tiếng đàn bầu vào hôm giao lưu văn nghệ giữa đoàn và bà con đồng hương!”. Tôi đồng ý. Và tôi đã đọc bài thơ Một ngày cuối đông với câu mở đầu: “Nơi xa ấy, sông vẫn chảy một đời trong. Khi em còn là hạt bụi” làm nền cho Ái Vân múa rất uyển chuyển, điêu luyện và đầy ngẫu hứng, tài hoa. Cuối buổi giao lưu, chị H. tìm gặp tôi để tặng một món quà lưu niệm mang dấu ấn của Muenchen, rồi nói: “Anh biết không, em đọc say sưa quên cả giấc ngủ. Xin được hỏi anh, làm răng mà các anh chị bên nớ viết hay rứa?”. Tôi nói với chị H. cũng như đã từng trao đổi với các cộng tác viên khác ở Huế, rằng: “Các anh các chị bên nhà đã viết với tất cả tấm lòng, còn người đọc thì đón nhận cũng hết lòng. Nhớ Huế đã đi từ trái tim đến trái tim!”. Tôi sẽ còn giữ lại hình ảnh của người phụ nữ lưu lạc, đôi mắt rưng rưng nhớ Huế đến nao lòng.

 

Từ nước Thụy Sĩ lân cận, anh Vĩnh Quân là một bác sĩ tự lái ô tô sang Muenchen để xem tuồng, nghe ca Huế. Anh là cháu gọi nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương bằng cô ruột. Anh gắn bó với đoàn suốt thời gian gặp gỡ giao lưu. Anh đọc các tập Nhớ Huế tại nhà nghỉ. Và câu nói của anh làm cho anh chị em trong đoàn rất vui: “Tôi đọc tập Hương vị Huế, biết thêm các món ăn cung đình và dân dã. Phong phú và hấp dẫn quá chừng! Từ nay, tôi có thể nói trạng về món ăn Huế ở bên Tây mà chưa chắc có ai qua mặt được tôi”.

 

Một người phụ nữ rất Huế ở Muenchen, không ai khác là Thái Kim Lan, chị du học và định cư tại Đức trước năm 1975. Chị là một người Huế có học vị tiến sĩ, đang là giáo sư triết học tại các trường đại học ở Muenchen. Chị đón đoàn sang giao lưu và biểu diễn. GS-TS Trần Văn Khê bay từ Pháp sang Muenchen tham dự nói với mọi người: “Ở bên Tây, chỉ có một mình Thái Kim Lan là làm được như vậy. Một mình làm được nhiều thứ hơn cả một tổ chức hẳn hoi. Từ văn bản, các thủ tục nhập cảnh để đón đoàn sang, rồi bố trí nhà nghỉ, nơi ăn ở, tổ chức giao lưu biểu diễn và còn làm M.C phiên dịch (từ tiếng Việt sang tiếng Đức và từ tiếng Đức sang tiếng Việt) thật “bảnh” và linh hoạt”. Nhà của anh chị Tài - Kim Lan ở phố Franendorferta 64 (Muenchen). Nó như cái nhà Huế tại Đức vậy. Từ cách bài trí đồ đạc đều mang dấu ấn Huế, đặc biệt là khu vườn có cổng tre la ngà, sân vườn trồng các loại tre trúc, các hoa cúc, hồng, hải đường. Bức tượng đặt hướng về quê cũ… và Thái Kim Lan đã viết văn từ ngôi nhà này. Chị đã gắn bó với Nhớ Huế và trở thành một cây bút chủ lực với nhiều bút ký thật tài hoa và ấn tượng. Với những ngày văn hóa Việt Nam tại Muenchen, chị đã thiết kế các chương trình giao lưu biểu diễn mang đậm sắc thái Huế. Chị là một người Nhớ Huế thành đạt và tài hoa nơi xứ người.

 

Sau những ngày gặp gỡ giao lưu ở Đức, tôi tiếp tục đi đến một vài nước khác. Tôi đã ghé qua nước Áo chỉ vài giờ để tận mắt ngắm nhìn dòng sông Danube, tận tai nghe và thấy điệu valse bất hủ của nhà nhạc sĩ thiên tài J. Strauss viết về dòng sông này. Ở Áo, tôi đã không may mắn gặp một người Huế nào cả.

*

Hai ngày sau, tôi tiếp tục đến với những người Huế ở Paris (Pháp). Nơi ấy có những người Huế sống và nổi tiếng trước năm 1975. Trong sổ tay của tôi có địa chỉ của những người Huế và yêu Huế mà tôi từng biết đến như GS-TS Trần Văn Khê và nhà quay phim “tài tử” Huỳnh Văn Tươi thì tôi đã được gặp ở Muenchen, còn có nhiều vị rất nổi tiếng mà tôi chưa được gặp. TS Võ Quang Yến, GS Cao Huy Thuần, Họa sĩ Lê Bá Đảng, Nhạc sĩ Thanh Hải, TS Thu Trang, TS Diệm My (cựu hoa khôi trường Đồng Khánh đầu thập niên 60), bác Lê Văn Lâu, Đại đức Thích Thiện Niệm (chùa Khuông Việt), nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, anh Lê Huy Cận…

 

Suốt một buổi chiều và cả ngày hôm sau, tôi “tranh thủ” đi thăm thú các danh lam, thắng tích tại Paris như Bảo tàng Louvre, Lâu đài Versailles, đại lộ Champs Elysées, tháp Eiffel, đi du thuyền trên sông Seine, đến nhà thờ Notre Dame de Paris… Buổi tối, anh Tươi cùng tôi lên Monmartre, để nhìn ngắm toàn cảnh Paris về đêm, dạo vòng quanh đường đồi để xem những họa sĩ vẽ “dạo” chân dung người vãng lai. Monmartre về đêm rét ngọt. Phố nhà lô xô. Nhà thờ Sacré Coeur cao nghệu. Nam nữ đi dạo dập dìu. Bất chợt câu thơ ùa đến: “Sài Gòn bây chừ chiều hay tối. Trời còn mưa hay đã vào thu?”. Và dường như sông Hương vẫn thầm thì bên tôi. Cái rét như vừa đủ nhớ quê nhà.

 

Trời Paris có rất nhiều mây tím. Phố đã xao xác lá phong vàng. Và tôi đến thăm anh Võ Quang Yến trong một ngày Paris có mây tím và xao xác lá phong vàng rơi trên vỉa hè. Nhà anh ở Sceaux (như anh vẫn thường ghi ở cuối bài viết của anh là Xô Thành). Nói là đến thăm nhưng chính xác là đến gặp. Tôi đã từng biết đến bút danh (cũng là họ và tên anh) trên báo Phổ Thông (xuất bản ở Sài Gòn trước 1975). Anh Yến đã có gửi bài về đăng trên Nhớ Huế nhưng anh và tôi thì chưa hề gặp mặt nhau. Anh Yến hơi bị “bất ngờ” khi chúng tôi đến nhà anh. Nhưng sau đó, câu chuyện Nhớ Huế đã làm cho chúng tôi dễ thân thiện và gần gũi như đã gặp, đã quen thân từ trước. Tôi gửi tặng anh mấy tập Nhớ Huế, tập thơ Sài Gòn Nhớ Huế và tập truyện Xa xứ (là hai phụ bản của Nhớ Huế). Trong câu chuyện, anh vẫn còn trách cứ bên nhà, than phiền về nhũng nhiễu ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, rằng sự làm khó dễ và theo dõi Việt kiều về nước như thế là không cần thiết. Anh buồn lòng lắm, nhưng không thể không trở về thăm quê hương. Anh nhắc đến Hội người yêu Huế mà nhiều năm trước anh đã từng làm chủ tịch hội này. Anh giới thiệu chùa Khuông Việt, nơi gặp gỡ cuối tuần của nhiều người Huế tha phương. Anh hứa sẽ trở thành một cộng tác viên thường xuyên của Nhớ Huế. Và rất nhiệt tình, anh gửi cho tôi một bài viết mới cho Nhớ Huế. Đấy là bài Vua Duy Tân ở đảo La Réunion (sau này được chọn in trong tập bút ký Tượng đài Sông Hương - 20040. Tôi tự nhủ “Mình đến thăm anh chỉ có tấm lòng, và thật cảm động là tôi đã được anh đáp trả lại bằng chính tấm lòng yêu Huế”. Anh còn nói vui: “Anh Lục đã qua bên ni, tìm gặp tôi như một “sứ giả” của Huế, thật là vất vả và quý hóa”. Chia tay anh chị Yến - Liliane, “được lời như cởi tấm lòng”, chúng tôi tiếp tục chuyến thăm GS Cao Huy Thuần. Nhà anh ở quận 13 Paris. Anh Cao Huy Thuần trước năm 1975 là giảng viên Trường Đại học Huế, từng làm Tổng thư ký báo Lập Trường (tờ báo đấu tranh nổi tiếng tại Huế). Anh Thuần đã có các chuyến đi - về với Huế, rất rõ chuyện Huế, chuyện thời tiết khí hậu chính trị bên nhà. Anh hỏi tôi về những tình tiết của đám tang cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà báo chí trong nước chưa nói đến. Anh cho biết các anh bên này đã làm lễ truy điệu bằng một chương trình văn nghệ rất đặc sắc và chính anh đã có một bài nói chuyện rất ấn tượng về âm nhạc Trịnh Công Sơn tại chương trình này. Tôi đã nhắc lại một hình ảnh cảm động hiếm thấy tại nhà anh Sơn. Cả đoàn Thiền sư áo vàng trên 60 người, sau khi hành lễ trước quan tài, đã cùng đồng ca bài “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một tình tiết có một không hai của đám tang nhạc sĩ tài hoa này. Trước đó, anh Thuần đã gửi về bài Hai trăm năm ấy để in trên Nhớ Huế - tập 2), sau này được chọn in trong tập bút ký Tượng đài sông Hương (phụ bản của Nhớ Huế - ấn hành 2004). Những chuyện khá đau lòng của người ra đi sau 1975 cùng những câu chuyện còn bất cập trong việc đãi ngộ trí thức tại chỗ và cả những HuHuế kiều là trí thức và có tấm lòng muốn đóng góp, xây dựng cho quê hương… dường như làm cho anh giảm bớt hứng thú và mong đợi. Tôi nói với anh là khi tôi đến Paris thì người đầu tiên mà tôi mong muốn gửi gắm và hy vọng là anh, rằng bên nhà các anh Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân… từng giới thiệu anh với tôi như một người rất nhớ Huế. Anh hứa rồi sẽ gửi tiếp bài về cho Nhớ Huế, nhưng còn bây giờ thì đang quá bận với công tác giảng dạy tại Trường ĐH Paris 7.

 

Những cuộc gặp gỡ như thế thường để lại những dư âm. Và dư âm thì vô hình và lan tỏa… Tôi không muốn làm “sứ giả”, cũng không ưa có các chuyến thăm để từ đó nổ ra tranh luận, mà tôi chỉ muốn được như ngụm nước sông Hương làm mát lòng người xa xứ. Chỉ cần gõ vào cánh cửa của Huế thì Huế sẽ mở lòng ra. Chỉ cần trao tặng nhau một cuốn Nhớ Huế thì cộng đồng sẽ xích lại gần hơn… Cuộc đi tìm còn ở phía trước. Và bất chợt tôi nhớ TS Trần Kiêm Đoàn ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Một cú phôn đường dài nối chúng tôi lại chỉ trong giây lát. Đoàn rất vui khi biết tôi đã có mặt ở Đức và nay đang ở Pháp. Đoàn cho biết tháng trước anh đã sang Pháp. Đoàn nói “Ở đâu cũng thế, tại Mỹ hay Pháp, Đức, cộng đồng người Huế không chỉ là một, tuy nhiên nếu cứ đi tìm thì sẽ gặp”. Tôi báo cho Đoàn biết về diễn biến và hiệu quả của Những ngày văn hóa Việt Nam tại Muenchen, nhắc đến một “sứ giả” Nhớ Huế thứ thiệt là GS-TS Thái Kim Lan.

 

Đôi khi trong cuộc sống, có người không tìm mà vẫn thấy, chưa đi mà đã đến, đã gặp. Tôi đã gặp trong tình cảnh như thế với Hoàng Hy (Mỹ), Nguyễn Hữu Vinh (Đài Loan), Bùi Minh Đức (Mỹ), Hồng Lê Thọ (Nhật Bản), Võ Tá Hân (Singapore), Nguyễn Tường Bách (Đức), Phong Vũ (Canada). Sau khi trở về nước Nhớ Huế vẫn tiếp tục làm “cầu nối” với rất nhiều tấm lòng. Cùng với năm tháng tôi đã may mắn được nhận nhiều tấm lòng xa xứ. Dường như những người đang ở bên ngoài Tổ quốc đã tìm thấy được tín hiệu “từ trái tim đến trái tim” của Nhớ Huế.

Trần hữu Lục
Số lần đọc: 2552
Ngày đăng: 21.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Canh Bạc - Võ Ðắc Danh
Mái chùa che chở hồn dân tộc… Đêm qua sân trước một cành mai - Trần Kiêm Ðoàn
Paris , Mùa thu tím… - Nguyễn Thị Hậu
Thời Của Ngựa - Võ Ðắc Danh
Người H.Mông hôm nay . - Nguyễn Thị Thu Hiền
Hai bên cửa khẩu Mộc Bài - Huỳnh Kim
Mẹ - Mặt Đất Bao Dung - Nguyễn Nguyên An
Làm gì…. cho những người vô gia cư - Nguyễn Nguyên An
Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư - Lê Phú Khải
Biên giới Tây Nam, mùa nước nổi - Huỳnh Kim