Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
723
116.710.010
 
Cảm xúc cánh diều 2023
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

 

Tại xứ Trầm hương, trên thảm đỏ của một Nhà hát độc đáo - Nhà hát Đó & Vega City Nha Trang, đêm 9/9 đã diễn ra cuộc trao giải Cánh Diều long trọng và ấm cúng. Hơn ba trăm nghệ sĩ điện ảnh - truyền hình toàn quốc đã về đây tụ họp cùng hàng ngàn người dân Nha Trang và du khách tứ xứ trong "lễ hội truyền thống" của một hội nghề nghiệp bắt đầu có ảnh hưởng rộng khắp: Hội Điện ảnh Việt Nam.

Tôi được chứng kiến biết bao sự ngưỡng mộ say mê của người dân Thành phố biển Nha Trang trước đoàn nghệ sĩ điện ảnh - truyền hình bước vào Nhà hát… Và nhận thấy biết bao niềm tự hào vui sướng của nhiều thế hệ làm phim Việt trước sự nghênh đón chân thành nồng nhiệt của các tầng lớp người - từ một em bé quàng khăn đỏ tới vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Khánh Hòa đối với những người đã lao động nghệ thuật gian khổ để tạo ra tác phẩm cho màn ảnh lớn & màn ảnh nhỏ hôm qua và hôm nay…

 

Lễ trao Giải thưởng Cánh Diều năm nay cũng là kỳ giải thưởng điện ảnh đầu tiên do Hội Điện ảnh VN đứng ra tổ chức thực hiện dưới hình thức của một festival kết hợp giữa điện ảnh và du lịch - trong thời kỳ mà chiến lược Công nghiệp văn hóa lên ngôi đã mở rộng cánh cửa sáng tạo cho những người làm phim tâm huyết, đặng góp phần phục hồi & phát triển một nền điện ảnh đã bị chết lâm sàng từ hơn chục năm qua, với khát vọng: làm sao điện ảnh Việt Nam có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới!

 

Nơi chan hòa gió biển, khi sống giữa cảm xúc tràn ngập niềm hứng khởi của các thế hệ khán giả và các thế hệ làm phim, giữa hơn chục phút pháo hoa rực rỡ trên Nhà hát Đó, bỗng dưng tôi chợt nhớ đến cái nỗi buồn tê tái của mình ngót 10 năm trước, khi may mắn lạc vào vài địa điểm văn hóa của xứ Kim Chi… Cuối năm 2014, trong dịp tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Việt - Hàn chủ đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều” do Hội giao lưu văn hóa Việt Hàn & Hội Việt Nam Korea chủ trì tại Câu lạc bộ Mudeungsan của trường Đại học Chosun, thành phố Gwangju (mà trong đó có nội dung quan trọng là “So sánh Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương”), tôi đã cố gắng mò đến Bảo tàng Xuân Hương gắn với Công viên chủ đề Xuân Hương (Chunhyang Culture & Art Center) ở thành phố Namwon, tỉnh Jeollabuk-do nhằm tìm hiểu thêm về kinh nghiệm khai thác di sản văn học nghệ thuật cho một trung tâm Du lịch lớn của Hàn quốc: Từ tác phẩm “Xuân Hương truyện”, cuốn tiểu thuyết cổ điển dân gian có chủ đề tài tử giai nhân của Hàn quốc, đất nước họ đã xây dựng nên một địa điểm du lịch văn học nghệ thuật nổi tiếng nhất xứ Hàn, đó là Công viên chủ đề Xuân Hương (Chunhyang theme Park) với nhiều không gian kiến trúc và khung cảnh thiên nhiên độc đáo (Bảo tàng, Phòng tưởng niệm Xuân Hương, Quảng hàn lâu, sân khấu ngoài trời, những cây cầu Tình yêu, rồi các bối cảnh quan trọng gắn với năm giai đoạn của nhân vật chính Xuân Hương như “Gặp gỡ”, “Thề nguyền”, “Biệt ly”, “Khổ ải”, “Đoàn viên”… Và từ Công viên này như một trung tâm, Thành phố Namwon đã được xây dựng thành “Thành phố Tình yêu” nổi tiếng - giống như Verona bên Italy có những bối cảnh của câu chuyện Romeo & Juliet thu hút đông đảo du khách toàn thế giới và nhiều đoàn làm phim lớn! Cũng từ ý tưởng về Công viên này, bộ phim “Xuân Hương truyện” (Chunhyang) của đạo diễn Im Kwon-taek được xây dựng, sau đó được chọn tham dự Liên hoan Phim Cannes năm 2000 - tạo nền tảng cho điện ảnh xứ Hàn đoạt giải Oscar danh giá vào năm 2019: phim Parasite (Ký sinh trùng) đã giành được bốn giải thưởng quan trọng tại giải Oscar lần thứ 92, trở thành bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành được giải Oscar cho Phim truyện hay nhất… Sau đó, tôi đã cố gắng tìm đến đảo Jeju - được mệnh danh là “đảo tình yêu”, là phim trường (studio film) của rất nhiều bộ phim Hàn nổi tiếng làm say lòng khán giả khắp thế giới, như: Our Blues (2022), Something In The Rain (2018), Love Alarm (2019), Crash Landing On You (2019), When I Was The Most Beautiful (2020), More Than Friends (2020), Warm And Cozy (2015), Doom At Your Service (2021), v.v. Từ một hòn đảo hoang vu, sau khi biến thành một phim trường lớn, đảo Jeju đã trở thành “thương hiệu” về du lịch độc đáo, được du khách tứ xứ biết đến là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và thơ mộng. Sự kỳ diệu của tạo hóa trên đảo Jeju thật sự đã được nghệ thuật điện ảnh - truyền hình tô điểm, chắp cánh, giúp chúng bay cao trong nền công nghiệp văn hóa ngày một lớn mạnh của xứ Hàn!… Trong suốt thời gian tham quan mang tính “khảo sát chui” của tôi tại “Thành phố Tình yêu” và “Đảo Tình yêu” nọ, không chỉ một lần tôi đã ngậm ngùi nghĩ tới mơ ước của nhiều thế hệ người Việt về những Bảo tàng & Công viên văn hóa mang tên Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Văn Cao, mơ ước của nhiều thế hệ người làm phim Việt về những phim trường cần phải có nhưng bao năm nay vẫn “biệt tăm tích” trong nền công nghiệp điện ảnh - truyền hình nước ta!

 

Hôm nay, tại xứ Trầm hương tuyệt đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, phong phú về địa hình cảnh quan, giàu có về trầm tích văn hóa - lịch sử, tôi chợt nghĩ: Giải Cánh diều 2023 phải chăng là tín hiệu tốt lành cho sự xuất hiện của những Phim trường mang tầm vóc quốc tế, thu hút nhiều đoàn làm phim trong nước và nước ngoài tìm đến trong một tương lai rất gần?

Cánh diều 2023 có thể nói đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình 20 năm của Giải thưởng này do Hội Điện ảnh VN sáng lập, từng trải qua không ít khó khăn, sóng gió, thậm chí có năm Cánh Diều không thể bay được… Ban Chấp hành mới của Hội cùng tân Chủ tịch Đỗ Lệnh Hùng Tú đã xắn tay kiện toàn tổ chức Hội và đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn để Hội có thể thực sự trở thành “Nhà đỡ đầu” thông minh & hiệu quả cho các cơ sở sản xuất phim cũng như cá nhân nghệ sĩ điện ảnh cả nước; và một trong những hoạt động thiết thực có ý nghĩa đó là xây dựng Giải Cánh Diều thành một thương hiệu mạnh của điện ảnh quốc gia!

 

Từ nay, Giải thưởng Cánh Diều Vàng sẽ được tổ chức thường niên tại Nha Trang . Đây là một trong những nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa và Hội Điện ảnh Việt Nam nhằm phát triển TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thành “Thành phố của điện ảnh” trong tương lai, trong đó chắc chắn phải có những Phim trường! Địa điểm tổ chức lễ trao giải là Nhà hát Đó - một trung tâm văn hóa nghệ thuật đẳng cấp quốc tế. Đây sẽ là một trong những sự kiện nghệ thuật được chờ đợi nhất trong năm của Khánh Hòa, hứa hẹn không chỉ là ngày hội của các nghệ sĩ, người làm phim và công chúng yêu mến điện ảnh cả nước mà còn góp phần tích cực quảng bá tiềm năng du lịch xứ Trầm hương và thương hiệu của các đơn vị & doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng sự kiện… Đó cũng là con đường kết nối – kích cầu giữa Điện ảnh với Du lịch mà các nước như Hàn quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc đã thực hiện từ lâu nay…

 

 

Hà Nội, 12/9/2023

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 187
Ngày đăng: 20.09.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một mùa hè chưa xa... - Nguyễn Quốc Lãnh
Những thầy cô giáo không ngạch bậc - Nguyễn Quốc Lãnh
Dọc đường văn nghệ (Phần 89) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh với khung trời thi ca rất riêng - Trần Dzạ Lữ
Một chuyến hành hương núi Thị Vải - Phan Anh
Dọc đường văn nghệ (Phần 90) Phương Tấn – người khéo tận dụng thời gian cho thi ca - Trần Dzạ Lữ
Pompei, hình ảnh sống trên một thành phố chết - Trương Văn Dân
Tưởng như bâng quơ... - Nguyễn Quốc Lãnh
Ký ức củ mài - Hoàng Xuân
Phú Quốc, âm vang và hào khí phố biển - Nhiều Tác Giả
Cô Hai Sâm - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)