Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
831
116.526.190
 
Người làm phim cần biết "sợ" điện ảnh
Nguyễn Anh Tuấn

 

            (Nhân xem bộ phim "Bi, đừng sợ")

Điện ảnh là một vũ khí nguy hiểm, nhưng cũng tuyệt vời biết bao trong tay của các nhà thơ.

( Jean Cocteau - đạo diễn, nhà thơ Pháp )

 

Bộ phim "Bi, đừng sợ" đã làm dấy lên những luồng dư luận cực kỳ đa dạng và trái chiều đến đối cực mà chưa từng thấy ở bất kỳ bộ phim Việt nào trước đó.

    Thành công về mặt nghề nghiệp của bộ phim này cùng những bất cập của nó về nội dung tư tưởng đã được nhiều cây bút phê bình chuyên và không chuyên, của không ít người trong nghề lẫn đông đảo khán giả vạch ra khá cụ thể. Khen nhiều, và chê cũng lắm. Có thể nói: hầu hết những ý kiến đánh giá, khen chê tràn ngập công luận kể từ lúc phim ra đời tới nay- thậm chí kể cả những ý kiến có động cơ tô vẽ quảng cáo hoặc có động cơ trù ghét đố kị, xét cho cùng, đều chứa đựng hạt nhân sự thật. Thế nhưng, đâu mới là chân lý cuối cùng? Cần nhận định thế nào cho thật khách quan về tác phẩm này?

    Điều trước tiên, tôi muốn khẳng định ngay là: bộ phim "Bi, đừng sợ", đứng về mặt đẳng cấp nghề nghiệp đã vượt trội so với nhiều phim Việt từng giành giải Bông sen vàng Quốc gia hoặc gặt hái những giải thưởng Quốc tế (Tôi không muốn so sánh với những phim đang "hot"và lấy được nhiều nước mắt khán giả gần đây, ví như "Cánh đồng bất tận"- một bộ phim làm theo kiểu mélodram hạng tồi nhất!)

    Một người bạn đạo diễn trẻ của tôi từng học qua trường điện ảnh của Pháp (INDEX) từng kể cho tôi nghe: ở bên đó, những đạo diễn trẻ có dự án hay ý tưởng sáng tác độc đáo đều được nhà nước ủng hộ, họ đều có thể có điều kiện quay lên tất cả những gì họ nghĩ ra. Song, đến khâu hậu kỳ- nghĩa là dính dáng tới guồng máy kinh doanh điện ảnh thì số phim được hình thành chỉ dưới 10%! Như vậy, trường hợp của Phan Đăng Di- một nhà làm phim độc lập nước ta là rất đáng nể, vì chỉ với số tiền thưởng LHP quốc tế Pusan về kịch bản và chạy vạy tìm thêm nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ trong - ngoài nước, đạo diễn Phan Đăng Di đã đã thực hiện được một phim hoàn chỉnh, lại được gửi tới tham dự LHP Cannes lần thứ 63 và mang về cho điện ảnh Việt Nam giải thưởng Kịch bản hay nhất tại LHP này.

    Nhưng, phim chỉ được giải về kịch bản mà không được giải về phim hoặc về đạo diễn! Đó chính là điều đã không được nói đến. Chưa kể, như một nhà lý luận & biên kịch điện ảnh có uy tín là Đoàn Tuấn đã cho biết: “Các phim tố cáo hiện thực nêu lên những mặt trái của xã hội, những nghiệt ngã của con người lại rất thường được phương Tây trao giải. Các phim dạng này cũng không hiếm ở nhiều nước: Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech... Nhưng sẽ khó mà thấy được tương lai của đạo diễn nếu như mải theo đuổi dạng phim kiểu này”. Còn khi đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Vinh Sơn nhận xét: "Có thể thấy Phan Đăng Di nhập vào dòng phim hiện thực với những chuẩn mực của nó", thì bất chợt chúng ta phải đặt câu hỏi: đó là dòng phim hiện thực nào? Theo kiểu Tân hiện thực Ý hay Làn sóng mới của Pháp? Hay Hiện thực XHCN mà người ta đã nói tới nhàm và thực ra cũng chẳng còn nội dung nghiêm túc thực sự? Và cái chuẩn mực đó là gì? Lấy gì làm thước đo, làm tiêu chuẩn? Đã trót đả động tới cái gọi là "chuẩn mực" thì không nên lửng lơ như vậy!

    Đạo diễn Michelangelo Antonioni- một trong những nhà cách tân sáng giá của điện ảnh Italia giữa thế kỷ trước, trong bộ phim "Sa mạc đỏ" nổi tiếng (năm 1964) đã mổ xẻ một cách thấm thía sự cô đơn trong tâm hồn con người, sự tách rời giữa tâm hồn và trí tuệ, giữa cá nhân con người với quan hệ ruột thịt và cội rễ gia đình- khi các giai tầng xã hội phân chia sâu sắc và nền văn minh kỹ trị bắt đầu thống trị tất cả; cùng hàng loạt các phim của ông đều tỏ rõ thái độ bênh vực những con người nghèo khổ bất hạnh, căm thù tội ác và sự thối nát xã hội. Chính thái độ dứt khoát trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa nhân văn và phi tính người đã khiến sự nghiệp nghệ thuật của ông chói sáng trong nền điện ảnh thế giới.

    Ingmar Bergman, đạo diễn Thụy Điển tài ba là người ưa dùng hình thức ngụ ngôn giàu bản sắc vùng Bắc Âu để thể hiện những vấn đề thời đại cấp bách, mà cấp bách nhất đối với ông chính là phải bảo vệ con người và môi trường sinh thái- văn hóa xung quanh con người, giữa khi tràn ngập chứng ngủ lịm về đạo đức, sự lên ngôi của bản chất giáo điều, thói nhẫn tâm, khi sự dửng dưng nguội lạnh trước thân phận con người được che đậy bằng các thứ mặt nạ. Trong bộ phim được trao giải Oscar: "Fanni và Alekxandr", những nhân vật nhỏ tuổi có tâm hồn đẹp đẽ nhiều mơ ước của ông cuối cùng đã buộc phải chấp nhận cuộc đấu tranh không cân sức với những con quỷ tồn tại trong tâm hồn của tên giáo chủ độc ác Vergơrut để bảo vệ lý trí, nghị lực và những tình cảm tốt đẹp của mình...

    Cũng nên nhắc tới "người khổng lồ" của điện ảnh Tây Ban Nha: Louis Bunuel- người được phong danh hiệu "Nhà điện ảnh bậc thầy" tại LHPQT Venise 1969, đoạt giải Oscar phim "Ước muốn mơ hồ" năm 1977. Ông là người đạo diễn luôn luôn bị trục xuất khỏi Tổ quốc mình, nhưng trái tim mãi mãi thuộc về Tây Ban Nha bởi trong tất cả các tác phẩm của mình, ông đã kiên trì say mê khám phá nội tâm đích thực của nhân vật, chúng mang tính nhân loại nên cũng liên quan đến Tổ quốc đau thương của ông- những nhân vật mang bản chất khổ đau bởi niềm tin mù quáng, giáo điều, bởi tàn nhẫn và bất công xã hội đã ngăn cản họ làm điều thiện, đã phá hủy nguyên tắc nhân đạo mà họ lựa chọn...

    Cả cuộc đời hoạt động điện ảnh của nghệ sĩ thiên tài Charlie Chaplin chỉ để nhằm chứng tỏ: "Hơn hết thảy mọi điều, đối với tôi, giá trị cao đẹp nhất chính là nhân phẩm con người." Marcel Carné- một chủ soái của trường phái điện ảnh hiện thực lãng mạn Pháp đã tuyên bố hùng hồn: "Bộ phim phải là tấm gương phản ánh thời đại mình." Đạo diễn Palesine Elia Suleiman tâm niệm: "Tôi tin điện ảnh có thể làm cuộc sống của chúng ta ít khó khăn hơn, nếu như mỗi người nghệ sĩ biết tự vấn và biết quan tâm đến số phận con người." Đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodovar khẳng định: "Tôi tin rằng nếu chúng ta mang hiện thực đặt vào phim thì cũng có nghĩa là chúng ta đang tham gia cải tạo cuộc sống và giúp chúng trở nên tốt đẹp hơn." Bài học thất bại của đạo diễn danh tiếng Pháp René Clair cũng đáng để suy ngẫm: rời xa hiện thực để say mê với những công thức máy móc của tư tưởng thuần túy, ảo tưởng, ông đã dần đánh mất bầu nhiệt huyết của người nghệ sĩ, những phim của ông giai đoạn sau cùng mất hẳn đi sức sống và cuốn hút thời trai trẻ nên bị rơi vào quên lãng...

    Qua một vài tên tuổi lớn của điện ảnh của thế giới, chúng ta có thể nhận thấy điểm chung nhất: tài năng bậc thầy được tôn vinh ở họ chính là cái chủ nghĩa nhân văn được nung lên tới độ cháy bỏng và được thể hiện một cách kỳ lạ trong những hình thức có một không hai; và tôi chỉ muốn lưu ý thêm cái điều hiển nhiên này: người nghệ sĩ cần sự độc đáo, cần vươn tới sự hoàn thiện về nghệ thuật của riêng mình, song tất cả sẽ là vô nghĩa, nếu như chúng không hướng tới một cái đích cao cả là bênh vực, bảo vệ, cổ vũ con người. Đạo diễn điện ảnh thường được coi là "thầy phù thủy" nắm trong tay biết bao số phận, mảng đời, triết lý, cảm xúc, sắp xếp chúng một cách nghệ thuật nhất, ấn tượng nhất rồi trưng lên màn ảnh khiến người xem trực tiếp khóc, cười, sau đó còn tiếp tục suy ngẫm... Nhưng cũng thực là tai hại nếu người đạo diễn tung ra những "âm binh" làm nhiễu loạn thêm cái cuộc sống vốn đang bị đảo lộn các giá trị, càng nguy hiểm hơn nữa khi người đạo diễn đó có tài! Thực tế đã cho thấy, những tác phẩm điện ảnh có giá trị và có sức sống lâu bền trong lòng người là những tác phẩm mang nặng những suy tư về cuộc sống, về số phận con người, về giá trị con người trong đời sống xã hội...

     Xin trở lại với phim "Bi, đừng sợ".

    Phải công nhận rằng Phan Đăng Di là một đạo diễn có nhiều công phu suy nghĩ tìm tòi về thủ pháp điện ảnh, và có "gu" thẩm mỹ tốt trong cách lựa chọn khuôn hình, ánh sáng, động tác máy, chi tiết nghệ thuật... Ấn tượng nhất, và có khả năng gợi suy nghĩ nhiều nhất là các chi tiết về chiếc lá phong, quả táo đỏ bị đông cứng trong nước đá. Rồi cảnh người ông nôn ra máu sau khi ngửi một bông hoa đồng nội, cảnh hai đứa trẻ cào bới ruột quả dứa hấu một cách hoang dã sau nhiều ngày chúng nâng niu bảo vệ nó trong bụi kín… Tôi cho rằng đó là những cảnh phim, chi tiết phim có thể trở thành kinh điển trong các bài giảng ở trường điện ảnh. Cái thế giới trẻ thơ được đạo diễn khá dày công chăm chút xây dựng, và nếu diễn viên Bi được thay bằng chú bé khác chứ không nhạt nhòa gần như vô cảm trên màn ảnh thì hiệu quả còn mạnh hơn nữa. Song, cái thế giới trẻ thơ đó dường như lạc lõng trong phim, và chúng có mối liên hệ lắp ghép về dựng phim bên ngoài hơn là mối quan hệ nội tại với tổng thể.

    Một trong những cây bút ca ngợi phim hết lời đã viết:"Lấy bối cảnh mùa hè HN và hình tượng viên đá xuyên suốt câu chuyện, phim truyện dài đầu tay của đạo diễn Phan Đăng Di dẫn dắt khán giả bước vào cuộc hành trình khám phá những bí mật sâu kín tồn tại trong mỗi con người." Những bí mật nào đây? Trong phim, người xem rồi cuối cùng cũng đã hiểu: những bí mật đó thực ra chỉ là những ẩn ức dục vọng sinh lý bị kìm nén cần được giải tỏa- cái điều mà nhà phân tâm học Sigmund Freud đã lý giải từ lâu và nó đã được khai thác đến nhàm chán, đến "trơ khố tải" trong văn học nghệ thuật phương Tây đến cả một thế kỷ và hẳn chúng chẳng còn khả năng gây bất kỳ xúc động thẩm mỹ nào nữa! Tình tiết người cô của Bi thủ dâm bằng cục nước đá khiến ta liên tưởng đến hình ảnh cô gái thuyền chài móc cả chùm lưỡi câu vào cửa mình trong phim "Hòn đảo" của đạo diễn tài ba Hàn Quốc Kimkiduk. Song, với kiểu phim luận đề quen thuộc được sử dụng một cách cao tay, Kimkiduk đã phanh phui ra mặt trái đáng ghê tởm, phi nhân tính của xã hội thông qua những hình ảnh giàu tính triết lý, và tình tiết trên đã vượt qua được chủ nghĩa tự nhiên để cài cắm vào tâm trí người xem nỗi nhức nhối về những vấn đề toàn xã hội, thậm chí ở tầm vóc nhân loại. Còn tình tiết "mô phỏng" đó của "Bi, đừng sợ", cùng những cảnh làm tình thô thiển (và nhơ nhớp theo kiểu porno) trong phim chỉ khiến rất nhiều khán giả các tầng lớp thấy bức bối phản cảm - và họ có lý!

    "Bi, đừng sợ" cũng khiến người xem trăn trở về mối quan hệ từ gia đình tới xã hội đã "đóng băng" một cách thê thảm, và đó cũng có thể là hồi chuông cảnh tỉnh xã hội mà những người làm phim muốn gióng lên. Có điều, hồi chuông cần thiết đó lại được bật ra từ những hình bóng vật vờ như bóng ma, tựa những nét vẽ phúng dụ mà đời sống tinh thần trong đó sao mà méo mó, thảm hại, bé nhỏ, không có chút âm hưởng nào của đời sống thực tại đang cộm lên bao điều gay gắt nóng bỏng! Cuộc đời thực có thể còn tồi tệ ảm đạm hơn thế nhiều, song nếu chỉ làm cái việc mô phỏng nó một cách nghệ thuật, tỉa tót nhấm nháp nó thì cần gì đến sứ mệnh của người nghệ sĩ?! Ngoài một chút ngậm ngùi, có đượm chua xót và mỉa mai của tác giả, người xem thèm biết bao thái độ uất hận đầy dũng khí của người làm phim trước sự tha hóa của tâm hồn - nhân cách mà thực ra phim cũng đã hé lộ được phần nào, song tác giả lại không đủ dũng cảm và bản lĩnh nghệ thuật để đi tới tận cùng sự cảnh tỉnh, vì vậy, tác phẩm hóa ra "Chơi vơi"- như tên một bộ phim mà Phan Đăng Di tham gia với tư cách tác giả kịch bản! Người xem đông đảo sẽ thu nhận được điều gì, ngoài sự xuýt xoa về những tiểu xảo, những chi tiết điện ảnh có tính nghệ thuật song xét cho cùng chỉ là những đóa hoa dại mọc trên một bãi cát khô cằn của tư tưởng tình cảm? Đó có phải là hướng đi lâu dài cho một đạo diễn trẻ khá tài hoa và chịu khó lao động nghệ thuật? Đó có phải là con đường lớn của điện ảnh Việt Nam? Đó có phải là tác phẩm chứa đựng trong nó những giá trị để xứng đáng gia nhập vào kho tàng điện ảnh nhân loại? Nếu soi vào cái "chuẩn mực" của hiện thực trong nghệ thuật, qua sự nghiệp và tuyên ngôn của một vài nghệ sĩ điện ảnh thế giới đã nêu trên, phần đông người xem phim cũng có thể tự trả lời; và bản thân tôi buộc phải tự nhủ mình: "Người làm phim cần biết "sợ" điện ảnh!"

    Nếu cắt "Bi, đừng sợ" ra làm những trích đoạn bài tập về đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, xử lý âm thanh... để sinh viên điện ảnh nghiên cứu, học tập, thì sẽ có khá nhiều bài tập thật xuất sắc; cũng giống như trường hợp của nhiều đạo diễn trẻ ở Pháp đã được thỏa sức thể nghiệm về nghề nghiệp mà tôi kể ở trên... Nhưng, để tạo ra một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh có tác dụng đích thực đối với xã hội, rõ ràng là Phan Đăng Di- cũng như các nhà điện ảnh nước ta còn phải tự vượt lên trên mình nhiều lắm - không chỉ là vấn đề nghệ thuật thuần túy, kỹ thuật thuần túy mà bất cứ giáo trình điện ảnh nào của Mỹ cũng nhấn mạnh để giúp người làm nghề bước vào một công nghệ càng ngày càng đậm chất thương mại có cơ hội mau chóng chộp được thành công - mà cái chính là thái độ của người nghệ sĩ điện ảnh trước thời cuộc, là một tầm vóc văn hóa - tư tưởng cần thiết.

    Một bậc đàn anh trong nghề của tôi- nhà văn Tô Hoàng, xuất thân là một đạo diễn phim tài liệu thuộc "trường phái VGIK" (đại học điện ảnh quốc gia Liên Xô) đã bổ sung cho bài viết này như sau, xin được lấy làm kết: "Trong thời buổi điện ảnh đang bị "truyền hình hóa", người ta cố tình quên hết mảng miếng, góc quay, ngôn ngữ, thủ pháp dàn dựng... thì "Bi ơi, đừng sợ" giúp không ít người làm nghề có lương tâm giật mình để nhớ lại. Còn kiểu phim này, tạng cảm xúc này, cách nhìn này cũng chỉ là dẫm vào bước chân của những người đã đi trước chúng ta nửa thế kỷ hoặc hơn nữa...Tôi nhiệt liệt đồng tình với bạn đồng nghiệp về cái đích cần tới, phải tới của nghệ thuật. Dữ dội, tàn nhẫn, phanh phui cuộc sống không thương xót như ông già Đốt xứ Nga (Dostoievski) cũng luôn biết nâng niu, che chở, bênh vực CON NGƯỜI. Mà chính dưới góc nhìn này, hiện thực Việt Nam qua hơn nửa thế kỷ vừa rồi- theo thiển nghĩ của tôi, thiếu gì điều khiến thiên hạ phải sửng sốt!" (Thư điện tử).

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 3505
Ngày đăng: 22.04.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện Kiều dưới góc nhìn điện ảnh - Nguyễn Anh Tuấn
'Dòng máu anh hùng' điểm sáng của phim hành động Việt Nam - Lê Đình Tiến
Kịch bản phim truyện “Hàm Nghi Hoàng Đế” - Sâm Thương
Thấy gì qua phim đồng tính của Thái Lan ? - Lê Đình Tiến
Phim ‘Forrest Gump’: Tình Yêu Như Một Kỳ Tích Vượt Số Phận - Phạm Nga
Bàn về chất thơ trong Điện Ảnh Việt Nam - Lê Đình Tiến
Thiên Nga Đen " Một bản hòa âm hoàn hảo" - Lê Đình Tiến
Vấn đề thể hiện cảnh nóng trong điện ảnh Việt Nam hiện nay - Lê Đình Tiến
Tính dân tộc trong điện ảnh là một thứ xa sỉ phẩm? - Nguyễn Anh Tuấn
Hà Nội, trong mắt một người mù - Nam Dao
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)