Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
747
116.713.240
 
Đôi dòng về sex trong điện ảnh và những cảnh “nóng” trong phim Kiều
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Vấn đề “SEX - tình dục trong văn hóa nhân loại” đã được đề cập, nghiên cứu, tổng kết trong không ít công trình khoa học của thế giới (tiêu biểu là của nhà khoa học đa ngành Zbigniewlew Starowicz, hay của nữ văn sĩ Pearl S.Buck, v.v), và trong nước, nhà khoa học giáo dục Hồ Ngọc Đại có cả một cuốn sách dày: “Chuyện ấy…”. Có dịp, Tuấn cận tôi xin hầu chuyện bạn cộng đồng mạng vấn đề rộng lớn và lý thú này bằng cách “đọc sách hộ”. Ở đây, xin nói qua “Chuyện ấy…” trong phim ảnh, nhân có bao “gạch đá” ném vào cảnh “nóng” của phim KIỀU mới trình làng.

 

Chắc hẳn nhiều người đã sống qua một thời xem phim nước ngoài và phim Việt, cứ tới những đoạn trai gái “hôn hít” thì bị kiểm duyệt cắt bỏ, hoặc không bị cắt bỏ trong hộp phim thì đạo diễn đã hô cắt cảnh trước khi “đối tượng” chạm môi nhau… Không chỉ ở VN, mà ở nhiều nước phương Tây cũng thế. (Xin nhớ lại phim Cinema Paradiso - “Rạp chiếu bóng thiên đường” của Ý, ông chủ rạp chiếu đã duyệt trước khi chiếu phim và đánh dấu những chỗ “nhạy cảm” cần cắt bỏ, sau đó, một chú bé học nghề của rạp đã bí mật lấy những đoạn phim bị cắt đó dán lại với nhau thành “bộ sưu tập phim hôn hít” người lớn…) Điều đó xuất phát từ tâm lý, tập quán rơi rớt của thời Trung cổ - khi mà quan hệ luyến ái bị coi là nguồn gốc của cái Ác, nên người ta tìm cách hạn chế nó, thậm chí đời sống tình dục bị khinh rẻ, bị đàn áp… Thời ấu trĩ đó đã qua từ rất lâu, và ở đâu cũng thế, cảnh vốn là “cấm kỵ“ đó của điện ảnh được dán nhãn an toàn là phim 18+.

 

Thế là, vấn đề ở đây đã không còn là sự cấm đoán phi lý nữa, mà là vấn đề văn hóa, vấn đề nghệ thuật khi đưa cảnh “nóng” lên phim. Mấy chục năm qua, cho tới gần đây nhất, phim thương mại VN bị kêu nhiều nhất lại chính ở những cảnh loại này. Người xem có cảm giác rằng: bí quyết hàng đầu và hữu hiệu số một của những nhà sản xuất phim & phát hành phim để câu khách đến rạp chính là khoe cảnh “nóng”, khoe vô tội vạ, như một thứ “bửu bối” có phép lạ thần kỳ, bất chấp sự cảm thụ của người xem, bất chấp nó có cần thiết cho nội dung, tính cách, xung đột phim hay không! Người ta còn đưa cả trẻ em 13 tuổi dóng cảnh sex - dù chỉ là sex hở vai, cũng là điều tối kỵ, đáng lên án, đáng giận. Có phim, không cần đến loại cảnh đó cũng vẫn hay, thậm chí sẽ hay hơn, nhưng họ “cố đấm ăn xôi” đưa vào bằng được, thậm chí bằng những cảnh “nóng” giống loại phim Porno - như một cuộc đua sống còn về giá trị nghệ thuật và tranh giành khán giả!

 

 Tôi không phải là người làm phim cổ hủ, phản đối việc đưa cảnh “nóng” vào phim khi cần thiết. Thử xem lại phim “Sắc giới” (Trung Quốc), mà sau khi phim phát hành, nữ diễn viên đã bị tẩy chay, lên án bởi nhiều cảnh sex nặng. Nhưng, nếu không có những cảnh đó, với liều lượng tưởng làm “ngộp thở” khán giả như thế, thì bộ phim sẽ giảm đi đáng kể sự xót xa và tính chất phê phán sâu cay: các đồng chí của nữ nhân vật - trong đó có người yêu của cô, đã nhẫn tâm biến cô thành thứ mồi nhử xác thịt tên Hán gian để khử hắn, và đâu ngờ, sau những ngày quan hệ với hắn, cô đã yêu kẻ thù, giải thoát cho hắn; và kết cục bị hắn và đồng bọn giết chết…

 

 Với phim KIỀU của đạo diễn Mai Thu Huyền, tôi thấy: việc lựa chọn nội dung - tư tưởng của những người làm phim là mối tình tay ba, là khát vọng tình yêu và quyền sống, đã buộc phải có những cảnh “nóng”, với một liều lượng theo tôi thế là vừa phải. Và những cảnh quay về sự ân ái của các nhân vật có thể khẳng định là không hề có gì thô thiển, dung tục như dư luận đã phán. Tình yêu trai gái say sưa bộc lộ một cách hồn nhiên, giữa một không gian tràn ngập ánh nắng và cỏ hoa đã được nhà quay phim giàu kinh nghiệm thể hiện khá thành công, điện ảnh ta ít có! Còn các diễn viên, ít nhất là trong những cảnh “nóng” đó đã nhập vai khá nhuần nhị, với tâm hồn trong trẻo, với trải nghiệm tình yêu tuổi trẻ và thấm nhuần nội dung kịch bản đã vạch ra, diễn xuất khá tinh tế trong những khuôn hình điện ảnh có thể nói là kiểu mẫu… Phải chăng, cái ấn tượng phim KIỀU đã “phá” Truyện Kiều khiến nảy sinh cái ác cảm có thể nói là bất công đối với những cảnh “nóng” rất nghệ thuật đó của phim?

 

Về việc “phá” Truyện Kiều để tạo ra một hình hài nghệ thuật riêng trong phim KIỀU, là người đang ấp ủ chuyển thể trọn vẹn Truyện Kiều lên màn ảnh tôi cũng xin có ý kiến như sau: Nếu trong tiểu thuyết lịch sử, đã có nhiều tác giả đã mượn “sáng kiến” của A.Duma, tức là đóng một cái “đinh” lịch sử để treo ý tưởng của bản thân, thì trong điện ảnh, người làm phim sao không có quyền đóng một cái “đinh” của văn học gốc để treo những sáng tạo riêng mình? Việc đó thành công tới đâu, lại là chuyện khác, ra ngoài phạm vi bài viết nhỏ này.

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1028
Ngày đăng: 20.04.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xem phim “Đại thi hào Nguyễn Du” và đôi điều suy ngẫm - Nguyễn Cảnh Thụy
Kiều Và hồn ma Đạm Tiên (phần II) - Nguyễn Anh Tuấn
Kiều và hồn ma Đạm Tiên (phần I) - Nguyễn Anh Tuấn
Phút giây định mệnh (hay cuộc đời chiến đấu của Vua Thành Thái) - Sâm Thương
Kiếm lửa - Sâm Thương
"Khi hoa anh đào nở" Kịch bản Điện ảnh của Sâm Thương - Sâm Thương
Người làm phim cần biết "sợ" điện ảnh - Nguyễn Anh Tuấn
Truyện Kiều dưới góc nhìn điện ảnh - Nguyễn Anh Tuấn
'Dòng máu anh hùng' điểm sáng của phim hành động Việt Nam - Lê Đình Tiến
Kịch bản phim truyện “Hàm Nghi Hoàng Đế” - Sâm Thương
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)