Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
840
116.682.983
 
Nhà văn Ngô Thảo, sống và viết hết mình vì đồng đội
Minh Tứ

Nhà văn Ngô Thảo

 

 

Tôi biết nhà văn Ngô Thảo đã lâu, nhưng được gặp, trò chuyện với ông thì mãi đến sau này. Tác phẩm của Ngô Thảo thì có nhiều, trải dài trong khoảng thời gian hàng chục năm sáng tác, nghiên cứu phê bình, trong đó có hai tác phẩm “Nhà văn bàn về nghề văn”“Đời người đời văn” được trao Giải thưởng Nhà nước. Trong các tập sách mới đây của Ngô Thảo, tôi có ấn tượng với cuốn “Bốn nhà văn nhà số 4” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, vì đó là tập hợp những bài viết về các nhà văn mặc áo lính một thời ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4, Lý Nam Đế, Hà Nội. Nhưng trước hết, theo tôi Ngô Thảo là người dấn thân trong cuộc sống, đời quân ngũ, lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, sân khấu. Ngẫm nghĩ, người ta gọi ông là “người hiền gom dĩ vãng”, hay “một nốt trầm xao xuyến” quả không sai.

 

Nhiều người nói rằng Ngô Thảo là người ham vui.Tôi nghĩ nói đúng hơn ông là người dấn thân. Bởi khi mới tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, được phân công về Viện Văn học, một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của đất nước về văn học thời đó là mơ ước của bao người, nhưng vì trách nhiệm của một người trai đất thép Vĩnh Linh (Quảng Trị), ông dấn thân vào quân ngũ. Sau bao lần vào sinh ra tử, từ chiến trường Trị Thiên khói lửa trở về, Ngô Thảo được tổ chức cho đi học (Học viện Chính trị - năm 1971), rồi được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm biên tập viên chuyên ngành lý luận phê bình. Tại đây ông trở thành cây bút phê bình văn học với nhiều đóng góp quan trọng. Nhưng rồi không thể dừng chân mãi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, Ngô Thảo lại tự làm mới mình bằng cách chuyển sang lĩnh vực sân khấu. Ở địa hạt sân khấu, Ngô Thảo có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này với vai trò là Thường trực Ban Thư ký, rồi Phó Tổng thư ký Thường trực  Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, kiêm Tổng biên tập tạp chí Sân khấu, giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu. Ở góc độ văn chương mà nói,dù công tác ở nhiều nơi, nhưng có lẽ những năm tháng ở Văn nghệ Quân đội (khi đó mang hàm trung tá) Ngô Thảo có nhiều thành tựu về nghiệp văn.

 

Từ những trang viết của Ngô Thảo, bạn đọc tìm thấy tư liệu về vùng đất,con người, sử liệu về chiến tranh; lần theo những bước chân của những nhà văn mặc áo lính, cùng các binh đoàn vượt qua bao đồng bốt, hàng rào kẻm gai, lưỡi lê họng súng của đối phương, từ đảo Cồn Cỏ “chiến hạm không thể đánh chìm”; vùng đất nóng bỏng Khe Sanh từng làm đau đầu của những bộ óc ở Lầu Năm Góc; hay đường Trường Sơn huyền thoại, chiến trường Trị Thiên khói lửa đến Tây Nguyên bất khuất, Sài Gòn ngày toàn thắng, khi giang san quy về một mối, toàn dân bắt tay xây dựng một cuộc sống mới trong hòa bình.Sáng tác đầu tay của Ngô Thảo là tập sách “Từ cuộc đời chiến sĩ” (1978), thể hiện tình cảm yêu thương đồng đội, người thân, những người dân từng gặp trên đường hành quân thời ông rời Viện Văn học lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trị Thiên. Sau này khi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội,  Ngô Thảo có thêm nhiều tác phẩm phê bình văn học như: Đời người, đời văn, Văn học với đời sống, đời sống văn học, Văn học về người lính, Thao thức với phần đời chiến trận, Thư chiến trường, Dĩ vãng phía trước

 

Đọc tác phẩm của Ngô Thảo, có thể thấy đối tượng ông dành nhiều tâm sức nghiên cứu là sáng tác của những nhà văn quân đội, tập trung nhất ở trong tập sách “Bốn nhà văn ở nhà số 4” gồm các nhà văn: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn - cả bốn nhà văn đều đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là những tên tuổi lớn trong văn học cách mạng và kháng chiến. Cũng cần nói thêm khi viết về những nhà văn quân đội, Ngô Thảo sử dụng một văn phong gần gũi với ghi chép chân dung, ít trích dẫn kiến thức đông - tây - kim - cổ “làm phiền” người đọc như một số nhà lý luận phê bình thường làm; thay vào đó đan cài giữa lý luận, phê bình văn học là những câu chuyện sống động đời thường của nhân vật (chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau). Bởi vậy nên đọc phê bình văn học của Ngô Thảo, cảm giác không có ranh giới giữa nhà văn với nhà lý luận phê bình.Nói một cách hình ảnh là họ vẫn song hành bên nhau trong mỗi chặng đường.

 

Như lời kể của Ngô Thảo thì ban đầu công trình viết về những tác phẩm văn học của Nguyễn Thi là do nhà phê bình đàn anh Nhị Ca thực hiện. Công việc, dở dang thì Nhị Ca bị bạo bệnh rồi mất, nên sau đó Ngô Thảo mới tiếp tục thực hiện, để sau này có được một bộ “Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập”. Đọc những tác phẩm của Ngô Thảo viết về nhà văn Nguyễn Thi (bút danh Nguyễn Thi là tên con trai của nhà văn), người đọc mới biết nhà văn này có một cuộc đời gian nan, oanh liệt. Ông thuộc thế hệ những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, rồi được bồi dưỡng trở thành lớp nhà văn quân đội đầu tiên. Hai tập truyện “Trăng sáng” (1960) và “Đôi bạn” (1962) là những tác phẩm mang dấu ấn đầu tiên của Nguyễn Thi, mặc dù trước đó năm 1952, những bài thơ đầu tiên của ông được tập hợp trong tập “Hương đồng nội” được tặng Giải thưởng Cửu Long.

 

Sau một thời gian tập kết ra Bắc, khi có chủ trương của cấp trên điều các nhà văn vào Nam, Nguyễn Thi dù không phải trong diện đi nhưng vẫn tha thiết xin được trở lại chiến trường với bầu nhiệt huyết của một nhà văn năng nổ, tâm huyết. Vào Nam Bộ, Nguyễn Thi làm cán bộ chính trị và tham gia viết báo, viết văn cho tờ báo Quân Giải phóng, tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Nhà văn Nguyễn Thi hy sinh trong đợt tổng tấn công năm 1968. Gia tài để lại của ông là những tác phẩm như: Người mẹ cầm súng, Những sự tích ở đất thép, Ước mơ của đất, Cô gái đất Ba Dừa, Sen trong đồng, Chuyện ở xã Trung Nghĩa…Đặc biệt trước lúc hy sinh, ông nhờ đồng đội chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội 24 cuốn sổ tay ghi chép. Qua công trình “Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập”, bạn đọc có có thể hình dung được chân dung một nhà văn xông xáo, vừa tham gia chiến đấu, vừa sáng tác và thực tế đấu tranh quyết liệt từ những năm tháng chiến trường Nam Bộ nóng bỏng, sục sôi trong kháng chiến chống ngoại xâm. Trong sổ tay ghi chép của nhà văn Nguyễn Thi, có những điều mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Mai ngày giải phóng, đất nước thống nhất, công việc đầu tiên chưa phải là xây dựng những tượng đài ghi công to lớn mà là chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người dân đã hết lòng vì cách mạng những năm tháng này”.

 

Trong tập sách “Bốn nhà văn nhà số 4”, Ngô Thảo ghi thể loại là Tư liệu văn học. Nếu hiểu theo nghĩa văn học tư liệu (phi hư cấu) thì nhờ những tư liệu này mà bạn đọc hôm nay có thể hiểu sâu hơn về một thế hệ nhà văn và thời đại họ đã sống. Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hai mươi năm ròng rã. Chẳng hạn như qua những tiểu luận, phê bình của Ngô Thảo về nhà văn Nguyễn Khải, bạn đọc thấy được một nhà văn sắc sảo, thông minh trong cảm quan nghệ thuật. Nguyễn Khải có những tác phẩm có dấu ấn trong nền văn học kháng chiến thời chống Mỹ, hầu hết là truyện ngắn, ký sự, tiểu thuyết như: Xung kích, Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa, Chủ tịch huyện, Họ đã sống và chiến đấu, Đường trong mây, Ra đảo, Chiến sĩ, Tháng Ba ở Tây Nguyên. Sau này về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh ông có nhiều sáng tác là tiểu thuyết, truyện, kịch bản phim, như: Gặp  gỡ cuối  năm, Khoảnh khắc đang sống, Thời gian của Người, Điều tra về một cái chết, Vòng sóng đến vô cùng, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu, Một thời gió bụi, Hà Nội trong mắt tôi, Chút hương phấn của đời, Thượng đế thì cười, Vòng trong trống rỗng…Ngô Thảo cho rằng tác phẩm nào của Nguyễn Khải cũng nổi bật bởi nội dung gần gũi cuộc sống, nói được nhiều điều về vấn đề đang làm nhiều người lo nghĩ, quan tâm, băn khăn muốn biết cụ thể và muốn tìm lời giải đáp. Khi đời sống có những sự kiện mới, người đọc lại đợi chờ sáng tác của ông. Lối viết của Nguyễn Khải luôn ở đường biên của văn học với báo chí.Tính chính luận, tính thông tấn lắm khi nổi bật hơn phần miêu tả, biểu hiện. Cũng vì thế mà phân định, gọi tên thể loại sáng tác Nguyễn Khải không phải bao giờ cũng dễ dàng. “Thật hiếm có nhà văn nào mà tác phẩm lại gắn bó chặt chẽ với những chuyến đi như vậy. Nhưng không ở đâu thấy dấu vết của việc ăn sống nuốt tươi, sử dụng tài liệu một cách sống sượng. Anh có một cái dạ dày khỏe để tiêu hóa mọi tài liệu đời sống, nên những sáng tác kịp thời, gần như cùng lúc với những sự kiện vừa xảy ra lại không bị rơi rụng theo những bản tin thông tấn. Chất ký trong tác phẩm Nguyễn Khải một phần có nguồn gốc từ đó”, Ngô Thảo nhấn mạnh.

 

Đối với nhà văn Nguyễn Minh Châu, có thể nói đây là bạn văn gần gũi với Ngô Thảo. Nguyễn Minh Châu từng trải lòng về văn chương, thời cuộc và có ý giao cho Ngô Thảo và nhà thơ Nguyễn Trung Thu làm giúp phần sổ tay ghi chép - di bút của nhà văn, nhưng theo Ngô Thảo, rất tiếc vì một số lý do cụ thể nên không thực hiện được. Theo dõi quá trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu, chúng ta thấy cuộc đời nhà văn chưa đầy 60 năm (1930-1989) thì đã gần 40 năm mặc áo lính với cấp hàm đại tá. Suốt cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Minh Châu có nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến trang cách mạng được bạn đọc yêu mến, như các truyện vừa, truyện ngắn: Cửa sông, Những vùng trời khác nhau, Chiếc thuyền ngoài khơi, Cỏ lau, Những người từ trong rừng ra,Người đàn bà trên chuyếnn tàu tốc hành; các tập tiểu thuyết: Dấu chân người lính, Lửa từ những ngôi nhà, Miền cháy, Miền đất thân yêu, Phiên chợ Giát… Trong sáng tác của mình, đề tài chiến tranh, vùng đất Trị Thiên luôn là niềm quan tâm của Nguyễn Minh Châu. Trước sau nhà văn vẫn thủy chung với một hướng tìm tòi. Có mặt trong chiến tranh, nhà văn chú ý tới một chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tập thể, của số đông, được xác định bởi những chiến công, những kỳ tích chói lọi. Nay trong các truyện ngắn, nhà văn thử một bước, dò tìm phân tích tâm thế của con người đi qua chiến tranh. Với những sáng tác thời gian sau này, có thể thấy nhà văn tài hoa này vẫn giữ được sức làm việc cần cù, có hiệu quả, tác phẩm mang tới cho bạn đọc niềm tin vào con người và một thái độ sống có trách nhiệm. Ngô Thảo cho rằng, sau cái giản dị của chữ nghĩa, cuộc sống người lính và những mảnh đời của đất nước trong chiến tranh cứ hiện ra xao động, lung linh, nhiều chiều. Thấm đượm trong các trang viết, các suy nghĩ của Nguyễn Minh Châu là một nỗi đau nhân thế triền miên, mênh mông và dai dẳng. Đọc những trang viết của Nguyễn Minh Châu, rất khó nhớ nhà văn đã dùng từ ngữ, cú pháp như thế nào. Nhưng cái ấn tượng về sự kiện tác giả nói tới, dù đó là những làn sương mù Tà Cơn, bếp lửa trong trạm giao liên đêm mưa, ánh trăng rừng kỳ ảo, hay cuộc hành quân rộn rịp, hối hả cùng đi tới phía trước còn có những dòng hồi ức chảy về từ một chỗ quá khứ chưa xa, trong đám đông vẫn có những nét mặt cụ thể. Cái ấn tượng đó thật là ám ảnh, khó quên. Có lần Nguyễn Minh Châu thổ lộ với Ngô Thảo rằng không hiểu vì sao anh lại có niềm đam mê kỳ lạ với cái mảnh đất Quảng Trị nghèo xác nghèo xơ và bị chiến tranh chà xát đến không còn sót lại một đọt tre, mỗi nhà chết 5, 7 người là thường, người chết đông, người chết tây, người chết trên rừng, người chết dưới biển. Trong một bức thư, Nguyễn Minh Châu tâm sự: “Cái mảnh đất Quảng Trị gần như tôi si mê nó, hình như trong con người tôi và mảnh đất ấy có chung một sợi dây thần kinh mà hễ cứ chạm đến đấy thì cả con người tôi rung lên. Tôi đã gắn bó với nó - cái vùng quê hương của chiến tranh và khổ ải ấy- hơn cả với quê mình. Bây giờ nhìn lại, không những cái mớ tiểu thuyết mà cho đến cả cái đám truyện ngắn đông đúc có mấy cái là không phải chuyện ở đây đâu, kể cả cái “Cỏ lau” gầy đấy nhất hay cái “Mảnh đất tình yêu” cũng vậy. Có lẽ tôi nhìn thấy từ lâu ở đấy cái chỗ biểu đạt rõ nhất đời sống con người của đất này chăng”. Rất tiếc giữa những bản thảo dở dang mà Nguyễn Minh Châu để lại, có những trang phác thảo đề cương cuốn tiểu thuyết “Chân trời vỏ đạn” viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 chưa thực hiện được thì nhà văn đã ra đi với căn bệnh quái ác hành hạ ông trong những năm tháng cuối đời trên gường bệnh (ông mất ngày 23/1/1989, lúc mới 59 tuổi). Trong những ngày cuối đời, Nguyễn Minh Châu có nhiều trăn trở về nghề văn, về sự đổi mới trong văn hóa văn nghệ. Nhà văn từng giải bày: “Một ngôn ngữ mới mẻ, sinh động, một cách nhìn cuộc sống sắc sảo, thể hiện trong tả cảnh, tả người mới mẻ, đẹp đẽ. Đó là dấu hiệu đầu tiên của một người viết văn.Nhưng dừng lại ở đó lâu cũng không được. Phải biết đi xa, vươn tới những vấn đề sâu sắc, quan trọng của cuộc cuộc sống… Là những nhà văn hiền lành, vô sự, chỉ biết ca ngợi, cả đời chúng ta không làm hại ai, không làm điều ác với ai. Nhưng cái lỗi lớn nhất của mỗi người chúng ta là đã khiếp hãi trước cái xấu và cái ác, nhất là khi cái xấu và cái ác đã nắm quyền lực. Và lâu dần, dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó, cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất…”.

 

Có thể nói cách viết phê bình văn học của Ngô Thảo có chiều sâu về tác giả. Trong số bốn nhà văn nhà số 4, có một sự gặp gỡ chung trong khai thác đề tài ở cùng một vùng đất. Nếu như nhà văn Nguyễn Thi từ Hà Nội đi thẳng vào chiến trường Nam Bộ, thì ba nhà văn còn lại đều có những chuyến đi dài ngày ở chiến trường Quảng Trị và đã có những tiểu thuyết ấn tượng về mảnh đất này. Đó là “Dấu chân người lính”, “Cỏ lau” của Nguyễn Minh Châu, “Chiến sĩ”, “Ra đảo” “Họ sống và chiến đấu” của Nguyễn Khải và “Dưới đám mây màu cánh vạc”, “Vùng sáng hỏa châu” của Thu Bồn. Ngô Thảo viết về các nhà văn quân đội một cách gần gũi, hiểu biết, tôn trọng sức lao động nghệ thuật của mỗi người, từ đó khái quát chân dung, từ tác phẩm đến nhân cách nhà văn. Thông thường trong thể loại phê bình văn học người ta viết từ ngoài viết vào, tức là đọc tác phẩm của nhà văn rồi đánh giá, nhận xét; còn Ngô Thảo thì viết từ trong viết ra, tức là ông viết về các nhà văn từ cách nhìn từ bên trong, quan sát từ cuộc sống đời thường của nhà văn, quá trình lao động nghệ thuật, thai nghén tác phẩm, từ đó mới hình thành chân dung của từng nhân vật. Giữa nhà phê bình văn học với nhà văn không có giới hạn; họ sống với nhau như những người lính, ngay thẳng, chân tình, sát cánh bên nhau, yêu thương và tràn đầy sự cảm thông. Ngô Thảo còn là người rất ân cần, chu đáo với bạn văn, kể cả sau khi họ đã qua đời, như ông là người lập hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Thu Bồn; có mặt bên giường bệnh khi nhà văn Nguyễn Minh Châu qua đời...

 

Trong cuốn sách “Bốn nhà văn nhà số 4”, Ngô Thảo đã dựng chân dung các nhân vật khá tài tình, từ tác phẩm, cách kể chuyện tự nhiên. Từ một lần ghé đất mũi Cà Mau, hay những lần về miền Trung, ông nhớ đến người các nhà văn, rồi cứ thế là viết, viết như là chuyện kể hằng ngày về những người bạn văn. Cùng với các nhà văn Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu đã định hình trong lịch sử văn học cách mạng ở mảng ký, tiểu thuyết, bạn đọc còn được tiếp cận nhiều hơn về nhà thơ Thu Bồn, một người con tài hoa của đất Quảng. Thu Bồn là nhà văn tham gia cách mạng sớm, từ khi mới mười hai tuổi và ông luôn có mặt trên các chiến trường quyết liệt, từ Khu V, Tây Nguyên, Quảng Trị 1972, biên giới phía Bắc, Tây Nam Bộ, nước bạn Campuchia. Nhân chuyến về dự ngày giỗ và đêm tưởng niệm Thu Bồn do chị Đỗ Thanh Thu (vợ nhà thơ) và con trai Hồ Băng Ngàn đứng ra tổ chức nhân Thu Bồn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với sự tham dự của cả ngàn quan khách, bạn bè, người thân và bà con quê nhà tham dự, Ngô Thảo đã liên tưởng đến tính cách và tầm vóc, sự gắn bó của Thu Bồn với đất nước, quê hương. Ông nói: “Chỉ có thể là tài năng Thu Bồn mới có sức tập hợp tự nguyện ấy từ bạn bè và người hâm mộ”.

 

Nói đến nhà thơ Thu Bồn (1936-2003)là nói đến sức sáng tạo không ngừng nghỉ. Ngô Thảo nhấn mạnh: “Người ta thường ví nhà văn, nhà thơ lớn với cây đại thụ, nhưng sự nghiệp sáng tác đồ sộ, gồm nhiều thể loại của Thu Bồn gợi người đọc liên tưởng đến một cánh rừng nguyên sinh, bởi sự phóng khoáng, hoang dã, gắn bó với núi rừng Tây Nguyên đầy bí ẩn và kỳ lạ. Còn hơn cả một cánh rừng! Bởi đất rừng mất cây là mất vĩnh viễn.Cánh rừng nguyên sinh được sinh thành từ tâm huyết, trí tuệ, tình cảm, sự từng trải, tài năng, sức lao động của Thu Bồn chắc sẽ còn mãi”. Lần theo từng tác phẩm, từ những tiểu thuyết, trường ca nổi tiếng (10 trường ca, 10 tiểu thuyết), Thu Bồn còn có nhiều tập thơ được bạn đọc đón nhận như: Tre xanh, Mặt đất không quên, Một trăm bài thơ thơ tình nhờ em đặt tên, Tôi nhớ mưa nguồn, Đánh đu cùng dâu bể…, từ đó hiện lên một nhà văn với tầm vóc cao lớn, một sức làm việc đángnể, một tài năng nhiều mặt, và quan trọng là một cảm hứng sáng tạo thường trực, mãnh liệt. Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh, cùng với tiểu thuyết “Vùng sáng hỏa châu”, tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc” gồm 2 tập, 800 trang Thu Bồn viết về cuộc chiến tranh ác liệt ở Quảng Trị vào hồi ác liệt năm 1972. Trong “Dưới đám mây màu cánh vạc”, Thu Bồn đã có những trang viết hào hùng về cuộc đời ngắn ngủi mà trải nhiều thử thách và lập nên kỳ tích anh hùng của Trần Thị Tâm, người đội trưởng du kích kiên cường, gan góc của đội du lích Mỹ Thủy. Thu Bồn đã dày công miêu tả về cuộc chiến với một lực lượng quân sự áp đảo, với những hành động cực kỳ tàn bạo, quân địch đã tàn sát hàng trăm người hòng tận diệt lực lượng và cơ cở cách mạng, dùng máu để dập ngọn lửa cách mạng vẫn được ấp ủ, nhen nhóm trong xóm làng từ sau Tổng tấn công Mậu Thân. Cuộc chiến đấu kiên cường, đầy tài trí thông minh, từng bước tiến công kẻ thù, diệt địch để bám dân diệt địch, đánh tan sự kìm kẹp của địch, giành một thế đứng mới của đội du kích và dân làng Mỹ Thủy đã được thể hiện bằng một bút pháp hiện thực rất giàu chất thơ; chất sử thi, chân thực đến từng chi tiết mà vẫn đầy sức lãng mạn, bay bổng của người anh hùng, có đủ sức khái quát, có ý nghĩa tiêu biểu cho cả một thời kỳ thử thách khó khăn. Trong tác phẩm của Thu Bồn, Trần Thị Tâm được thể hiện  một cách hấp dẫn về phẩm chất người anh hùng, vừa có sức sống, một nghị lực phi thường, vừa rất gần gũi, rất đáng yêu. Phải chăng đó vẫn là điều chúng ta hằng mong đợi đối với những tác phẩm viết về anh hùng.

Qua ngòi bút của Ngô Thảo, người đọc còn biết thêm nhiều thông tin về đời tư của các nhà văn mặc áo lính. Như cuộc đời của nhà văn Nguyễn Thi là một cuộc đời lao đao, lận đận, tự nỗ lực vươn lên để trở thành nhà văn. Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Ngọc Tấn (sinh năm 1928), quê ở làng Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Lên 9 tuổi, cha ông mất bị bệnh lao, mấy năm sau mẹ đi bước nữa, học hành dở dang, sớm phải sống tự lập. Năm 15 tuổi Nguyễn Ngọc Tấn vào Sài Gòn ở nhờ nhà người anh cùng cha, từ đây được chuẩn bị thêm vốn liếng về văn hóa cũng như chút kiến thức nhạc, họa.Chàng trai 17 tuổi đón Cách mạng Tháng Tám - 1945 như đến với một giấc mơ. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, Nguyễn Ngọc Tấn tham gia lực lượng kháng chiến trong đội du kích cảm tử mang tên vị tướng huyền thoại Nguyễn Bình, rồi chuyển vào bộ đội chiến đấu, nhờ chút năng khiếu văn nghệ ông được cử đi học rồi làm Chính trị viên trung đội. Ông lập gia đình với người vợ là nữ sinh Sài Gòn hoạt động bị lộ phải ra vùng kháng chiến.Được tổ chức đồng ý, hai người kết hôn rồi hai người dựng chòi làm mái ấm ở rừng Tha La, Tây Ninh. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ - 1954, Nguyễn Ngọc Tấntheo đơn vị tập kết ra Bắc, còn người vợ ở lại miền Nam. Ngày ông lên tàu ra Bắc, vợ ông sinh con gái (tên là Nguyễn Trang Thu). Miền Nam trước và sau năm 1960, cách mạng và những người yêu nước bị đàn áp dữ dội.Trong những ngày phải lẩn tránh sự truy đuổi ráo riết của kẻ thù, vợ ông phải đóng giả vợ chồng, rồi lỡ có con với một người cùng hoạt động.Ở miền Bắc Nguyễn Ngọc Tấn được điều về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.Trở về quê nhà ở miền Bắc gặp lại mẹ và các anh em một thời ly tán.Khi được tin người vợ ở miền Nam có con với người khác, Nguyễn Ngọc Tấn đã xây dựng gia đình mới và có một con trai với người vợ vốn không được học hành đầy đủ, khác xa với người với trước là một trí thức đô thị lên rừng tham gia cách mạng. Nhưng khi con trai mới được 6 tháng thì Nguyễn Ngọc Tấn nằng nặc xin tổ chức cho vào chiến trường, ngoài trách nhiệm của một  nhà văn quân đội ông còn mong có dịp gặp lại người con gái được sinh ra mà chưa một lần được gặp. Cho đến ngày nhà văn hy sinh trong cuộc Tổng tấn công năm Mậu Thân- 1968, mong ước đó vẫn không thành.

 

Còn nhà văn Nguyễn Khải trong góc nhìn của Ngô Thảo là một nhà văn sắc sảo, thông minh, thẳng băng. Có lần Nguyễn Khải cũng đã tự bạch về những trang viết của mình: “Tôi luôn luôn bị thôi thúc nôn nóng nói những điều mình nghĩ cho mọi người, rất có thể những điều mình nghĩ cũng như điều mình nói không đến nơi đến chốn, nhưng ít ra nó cũng gợi cho người đọc suy ngẫm thêm. Tôi tin người đọc.Người đọc của chúng ta bây giờ thông minh lắm.Họ thừa tri thức để đẩy lên cao hơn đến mức cần thiết những gì người viết chỉ mới gợi ra”.Người ta kháo nhau vì thông minh, sắc sảo quá nên thời trẻ ông không có người yêu. Trong tác phẩm của Nguyễn Khải hầu như vắng bóng lao động quá khứ, chỉ thấy toàn hiện tại. Ông viết nhanh, ào ạt về những cái mới; có khi trong truyện lấy nguyên mẫu là người thật việc thật ngoài đời, có hư cấu thêm (như truyện ngắn Sức vượt) nên trong cuộc sống cũng bị nhiều hệ lụy; nhà văn gặp phải sự kiện tụng của một số người rất phiền hà liên quan đến tác phẩm văn học đã xuất bản.

 

Riêng nhà văn Nguyễn Minh Châu thì có một đời sống gia đình đặc biệt, và Ngô Thảo cũng đã công bố câu chuyện này qua ký ức của nhà văn Thái Bá Lợi. Thời cải cách ruộng đất, bố nhà văn Nguyễn Minh Châu bị đấu tố là địa chủ, cường hào ác bá.Nhà ông có khoảng 20 mẫu ruộng, 10 chiếc thuyền đánh cá và ông cụ có làm lý trưởng.Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cụ đã từng khao một tiểu đoàn nhiều bữa trong nhà để chiến sĩ lên đường chiến đấu. Có một nhạc sĩ nghiệp dư của tiểu đoàn đã sáng tác bài hát ca ngợi cụ, mở đầu là câu: “Làng ta có ông Lý Bích…” (chị Bích là con đầu trong gia đình). Trong cải cách ruộng đất ông bị đấu tố và tòa tuyên án: “Tên Nguyễn Huy P. đáng bị tử hình, nhưng vì có 5 người con đi bộ đội nên hạ xuống chung thân”. Ông cụ chết trong tù. Nhà văn Nguyễn Minh Châu là em út trong 5 người con của gia đình đi bộ đội. Ngô Thảo viết: “Chuyện đau lòng đó trong cả ngàn trang truyện, chưa thấy nhà văn động đến bao giờ”.

 

Hay như cuộc đời của Thu Bồn qua tư liệu của Ngô Thảo cũng hiện lên lắm nỗi truân chuyên. Ngô Thảo thốt lên: “Có lẽ không có thời nào, không có một đất nước nào như ở nước ta, bao nhiêu tình yêu đẹp đẻ lại sản sinh ra những sinh linh không hoàn chỉnh”. Đó là Ngô Thảo kể về chuyện tình của Thu Bồn với người vợ đầu -  nữ biệt động Sài Gòn Đỗ Thị Thanh Thu, là bạn học cũ của Thu Bồn từ nhỏ ở quê. Quý mến tác giả Trường ca “Bài ca chim Ch’rao”, đích thân Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công liên hệ với Thành ủy Sài Gòn xin cô y tá Đỗ Thanh Thu ra Khu V công tác. Kết quả mối tình nồng thắm của họ là sự ra đời của hai đứa con, nhưng đều bị nhiễm chất độc da cam, một đứa mất, một đứa bị bệnh thần kinh. Bởi thế sau này có thêm mấy đời vợ nhưng Thu Bồn cũng không dám sinh con vì sợ sẽ sinh ra những đứa con tật nguyền. Âm thầm nén nỗi đau, có lẽ niềm vui còn lại của Thu Bồn là chuyên tâm đi và viết, cho đến khi ông đột quỵ trong một lần nói chuyện về văn chương ở Kon Tum. Ngô Thảo cho biết, những năm cuối đời, sau khi về hưu, Thu Bồn muốn tìm một nơi cứ trú ở thành phố quê nhà (Đà Nẵng),nơi từng gắn bó nhiều năm trong chiến tranh và cả thời kỳ đầu xây dựng, nhưng không thể. “Hộ khẩu tôi nhập cuộc với tình yêu/ Thành phố hỡi!Đừng gọi tôi là “tạm trú”.Sau một đời chiến trận, nhà thơ- người lính đã không tìm được hộ khẩu ngay trên quê hương của mình.

 

Ngô Thảo cũng đã lưu lại tư liệu bài thơ “Bởi vì em” của Thu Bồn mà ông viết sau một đêm mất ngũ, đề tặng Minh Châu - nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Huế, nay định cư ở Pháp - mà sau này khi in lấy tựa đề là “Tạm biệt Huế”.Bài thơ chép taynày do chính nghệ sĩ Minh Châu trao cho Ngô Thảo trong một chuyến chị về Việt Nam. So sánh hai văn bản, chúng ta thấy bài “Bởi vì em”có nhiều câu khác với bài “Tạm biệt Huế”lưu hành sau này. Nguyên bản bài thơ:

“Bởi vì em dẫn anh lên những ngôi đền cổ/ Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu/Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng/ Mặt trời vàng và mắt em nâu/ Xin chào Huế một lần anh đến/ Để ngàn lần anh nhớ hư vô/ Em rất thực nắng thì mờ ảo/ Xin đừng nhầm em với Cố đô/ Tạm biệt Huế với Châu là vĩnh biệt/ Hải Vân ơi xin Người đừng tắt ngọn sao khuya/ Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng/ Anh trở về hóa đá phía bên kia/Anh chẳng phải người đi niệm Phật/ Lần đầu ăn bữa cơm chay/ Rau quả Kim Long, đậu tương Hoài Đức/ Môi anh gần giống vị ớt cay/ Nhịp cầu cong và tà áo lụa/ Một đời anh đi mãi chẳng về đâu/ Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Con sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu/ Áo trắng hỡi anh tìm em đâu thấy/ Nắng minh mang mấy nhịp Trường Tiền/ Nón rất Huế mà đời không phải thế/ Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”.

Như đã đề cập, là nhà phê bình văn học chuyên viết về những nhà văn quân đội, ngòi bút của Ngô Thảo thể hiện sự dày công thu thập tư liệu, quan sát, ghi chép một cách cẩn trọng, nâng niu. Văn phong những bài phê bình, tiểu luận của ông trong “Bốn nhà văn nhà số 4” được thể hiện trong sáng, gần gũi đời thường. Qua lăng kính của Ngô Thảo đã đem đến cho bạn đọc cảm giác thêm yêu quý, kính trọng những nhà văn mặc áo lính và không khí sáng tạo văn học sôi nổi của một thời kháng chiến gian lao nhưng hào hùng. Ngày ấy tay cầm súng tay cầm bút, họ đã đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với sự cống hiến, hy sinh vô điều kiện. Trong số họ, phần nhiều đã ra đi về cõi thiên thu nhưng tác phẩm của họ vẫn còn ở lại với đời sống văn học hôm nay và mai sau. Ngô Thảo là một trong những nhà nghiên cứu phê bình văn học sắc sảo, chân tình, thẳng thắn, khách quan, sống và viết hết mình vì đồng đội, góp phần làm cho tác phẩm của thế hệ nhà văn mặc áo lính ngày ấy trở nên bất tử.

*

Xin nói thêm một chi tiết đời thường ngoài tác phẩm. Năm ngoái khi về thăm quê nhà văn Ngô Thảo có ghé Đông Hà. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng có một số anh chị em văn nghệ, báo chí đến chơi, đàm đạo. Khi thấy Ngô Thảo cầm chai rượu rót cho mọi người và cùng nâng cốc trăm phần trăm với những người trẻ, nhà báo Lê Đức Dục ghé tai tôi bảo:“Ngô Thảo từng ốm thập tử nhất sinh mà bây giờ như thế đó”. Tôi biết bạn nhắc đến sự cố cách đây mười năm (năm 2011). Hồi đó Ngô Thảo ốm nặng, tưởng không qua được, gia đình phải đưa ông sang Singapore chữa trị. Và điềuthần kỳ đến, ông đã sống, trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè. Cũng như những lần vào sinh ra tử ở chiến trường Trị Thiên khói lửa những năm chiến tranh ác liệt, lần này ông trở về để tri ân bạn đọc, tri ân cuộc đời. Ông lại lặng lẽ làm người gom nhặt “dĩ vãng phía trước” của anh em đồng đội, những nhà văn mặc áo lính một thời. Có lẽ Ngô Thảo là một trong số không nhiều những nhà văn Việt Nam được bạn đọc yêu mến, đến mức một người định cư ở nước ngoài - nhà thơ Võ Thị Như Mai gọi ông là “một nốt trầm xao xuyến” và lập một trang web để bạn đọc có thể đọc và hiểu về ông (https://nvngothao.wixsite.com/llpb). Và tôi cũng rất vui khi mình có một bài viết nhỏ viết về ông được đăng ở trang này.

Ở tuổi ngoài tám mươi, phong cách Ngô Thảo còn hoạt bát, chất giọng Quảng Trị vẫn đặc sệt dù ông ra Bắc từ thuở nhỏ. Với nghề văn, Ngô Thảo vẫntràn đầy nhiệt huyết; với bạn hữu luôn ân cần, hiền hậu. Ông dành thời gian đi đây đi đó gặp gỡ anh em bạn bè và không ngừng sáng tạo. Trời cho nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học Ngô Thảo sức khỏe thì bạn đọc còn hy vọng đón đọc thêm nhiều tác phẩm mới của ông, trong nay mai.

 

Tháng 10/2021

 

 

 

 

Minh Tứ
Số lần đọc: 611
Ngày đăng: 29.10.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1912 Gerhart Hauptmann (Đức, 1862 – 1946) - Lê Ký Thương
1911 Maurice Maeterlinck (Bỉ, 1862 – Pháp, 1949) - Lê Ký Thương
Văn Khoa ngày ấy - Nhớ Thầy Bửu Cầm - Phan Văn Thạnh
1910 Paul Von Heyse (Đức, 1830 –1914) - Lê Ký Thương
1909 Selma Lagerlof (Thụy Điển, 1858 - 1940) - Lê Ký Thương
1908 Rudolf Eucken (Đức, 1846 - 1926) - Lê Ký Thương
1907 Rudyard Kipling (Anh, 1865 – 1936) - Lê Ký Thương
Minh Nguyễn: sống và viết - Trần Dzạ Lữ
NĂM 1906 Giosué Carducci (Ý, 1835-1907) - Lê Ký Thương
NĂM 1905 Henryk Sienkiewicz (Ba Lan, 1846 – 1916) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)