Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
822
116.678.492
 
Sợi buồn trói chặt cô đơn
Nguyễn Thánh Ngã

 

 

   Thơ là sự tái hiện ký ức. Nói như Robert Frost :"Thơ ca là những gì đã thất lạc trong quá trình chuyển đổi". Thơ Hoài Ân là những gì đã thất lạc ấy. Và anh đang làm kẻ "đi tìm ký ức" hoàng kim, nơi những giọt mưa tâm tưởng xuất hiện như một tín hiệu, làm ướt đẫm những câu thơ nóng hổi nhất của một thời trai trẻ.

   Vụng dại, ngây thơ, yêu thương, cay đắng là những gì mà tuổi trẻ Hoài Ân vừa nếm trải, để cuối cùng anh chợt nhận ra:

            Xuân gởi hương hoa vào trong gió

            Để lại trong ta

            Một chút tình...

   Thi sĩ là kẻ rong ruổi, lấy chút tình làm hành trang, tôi gọi đấy là tình tri ngộ với duyên thơ. Đúng vậy, thơ là thứ tiềm ẩn như quặng mỏ, phải dày công khai thác mới hiển lộ, phơi bày. Nhà thơ là kẻ khai thác tâm hồn mình, quặng mỏ ấy là cung bậc thánh thót, ngân âm:

           Ta tìm nhau trong hơi thở mùa xuân

           Điệu valse tình hòa nhau trong ánh mắt...

                           (Khúc tình xuân)

Đây là hai câu thơ khá hay, nó là nhịp điệu của khúc valse hào hoa mà chàng thi sĩ Hoài Ân sở hữu. Rồi trong tình xuân lắng đọng giữa dòng đời miên viễn, anh nghiệm ra:

           Ta chỉ là sân ga nhỏ

           Em là con tàu

           Đi ngang qua đời ta

                          ( Con tàu ngang sân ga)

Có chút gì đó hơi cổ điển, nhưng bằng cách này nhà thơ đã vắt cạn cô đơn hiện đại để tỏ bày. Có thể nói, đó là những sợi buồn trong khúc dạo đầu của điệu valse "Đi tìm ký ức". Chúng ta thử nghe trong dòng lục bát quen thuộc, nhà thơ bộc bạch:

           Ta về nhặt những ngày xưa

           Bâng khuâng nỗi nhớ chiều mưa ngại ngùng

           Xa rồi áo trắng mông lung

           Phượng hồng điểm đỏ một vùng yêu thương

                            (Xa rồi)

Xa rồi, những "chiều mưa ngại ngùng" ấy, lãng tử bâng khuâng tìm về vùng yêu thương của tuổi học trò. Chàng "tìm trong mưa chút nắng / Sưởi ấm cõi lòng nhau". Thật ra, mưa từ lâu đã thấm ướt tâm hồn lãng mạn, nên mưa là mưa hoài niệm, mưa tình nhân:

            Mưa gợi bao ký ức

            Của những ngày còn thơ

            Mưa trên lối ai chờ

            Để lạnh buồn vai áo

                     (Mưa)

Và mưa.

Mưa là tín hiệu, là cấu trúc ngôn ngữ trong thơ Hoài Ân thành dòng chảy mang tính motif, và motif ấy trở nên chiếc chìa khóa mở ra thế giới thơ đầy chất mộng:

            Chiều nay hờ hững cơn mưa

            Nước xuôi dòng chảy đong đưa đợi tình

                                  (Dáng xưa)

            Chạnh lòng nghe tiếng mưa rơi

            Nhớ người em nhỏ phương trời xa xôi

                                  (Nỗi niềm)

Để rồi:

            Em đi

            Ta chẳng thể níu giữ

            Nghiêng giọt tình len lén mưa bay

                                  (Em đi 1)

Thế đấy, thơ Hoài Ân có những giọt mưa tình hờ hững, xa xôi. Giọt tình ấy len lén mưa bay, làm thấm đẫm những hoài niệm chôn trong ngăn ký ức. Có thao thức vì yêu, Hoài Ân mới viết được những câu thơ ướt mềm như thế:

            Ai về dưới những cơn mưa

            Thương sao ký ức tuổi vừa chớm yêu

                                   (Ăn năn)

Như tôi đã nói, thơ Hoài Ân như khúc valse hào hoa, rộn rã miền dư âm của xuân tình, của tiếng ve sôi, phượng nở, nên có lúc chạm vào sự tài hoa của trải nghiệm:

           Vô tư ngọn cỏ trong mắt biếc

           Bến tương tư khe khẽ tiếng ai đàn

                                   (Tìm)

Hình ảnh hồn nhiên và tuyệt đẹp. Từ ngọn cỏ vô tư trong đôi mắt biếc, đã mơ về một bến tương tư và tiếng đàn trữ tình. Có thể nói, mỗi bài thơ của Hoài Ân là một tiếng đàn rung ngân, làm xuyến xao ký ức của một thời hoàng kim đầy mơ mộng.

   Tuy nhiên, cái đáng quý của Hoài Ân là không dừng lại ở đó. Anh lao vào kiếm tìm như một khát vọng trải nghiệm:

            Đêm dường như dài thêm

            Những nỗi buồn huyễn hoặc

                           (Đâu rồi ngày xưa)

Và thật thà nhận rằng:

            Có những nỗi niềm bỏ ngỏ

            Mấy mùa trăng vẫy gọi

            Vẫn dửng dưng hoang phế một tâm hồn

                           (Huyễn hoặc đêm)

Trong những hoang phế và kiếm tìm đã xuất hiện những câu thơ hay, tôi mừng cho Hoài Ân, một người thơ trẻ đã sớm có tia hy vọng về một ngày thơ khác:

            Đối diện đêm

            Nghe sền sệt nỗi buồn

                       (Đối diện đêm)

Nghe sền sệt nỗi buồn ư?

Ôi tiếng Việt, tôi đọc câu thơ tuyệt đẹp này mà nghe nỗi buồn hóa lỏng không gian. Hóa ra với thơ, nỗi buồn là một thế giới. Bước vào thế giới ấy, loài người mới dám uống những nỗi buồn của mình, và của nhân thế.

Lại nữa, câu thơ đã khiến tôi bừng tỉnh:

             Con sâu cuộn mình trong phiến lá

             Giấu tị hiềm trong tổ kén xanh xao

                         (Mộng vô thường)

Con sâu cuộn mình đã có người nói, nhưng giấu tị hiềm là một nghĩ khác. Nó thuộc về tính cách, và làm bật ngộ đời sống, khiến trường liên tưởng có chiều kích sâu sắc hơn.

Quả thật, thơ Hoài Ân vừa chớm nở, nói đúng hơn là đã có những lóe sáng. Điều đó mở ra một chờ đợi mới trong dòng chảy truyền thống và đổi mới. Thơ Hoài Ân chưa đổi mới lắm, nhưng tín hiệu thì đã có, chỉ còn chờ ở thời gian, mà thời gian thì Hoài Ân quan niệm:

            Ai cũng biết một điều

            Thời gian đi qua chẳng bao giờ trở lại

            Dại khờ nào rồi cũng sẽ lớn khôn

            Nhưng với ta có những dại khờ không bao giờ lớn

            Nên cứ rong ruổi đi tìm một ký ức đã xa...

                             (Đi tìm ký ức)

Dại khờ không bao giờ lớn?

Đây là tâm thơ của Hoài Ân chăng? Anh rong ruổi đi tìm, chính là tìm cái dại khờ hồn nhiên, thánh thiện nhất của tuổi học trò. Hoài Ân thật có lý khi anh lý giải điều này, nó khiến anh đặt chân vào một tâm thế thơ khác, không dẵm chân người trước, không lặp lại người nay. Và cuộc đi tìm ấy trở thành thơ! Thơ của những cơn mưa:

            Cơn mưa bất chợt

            Thấm ướt vào nỗi nhớ

            Có chiếc lá rùng mình

            Tìm về cõi an nhiên...

                          (Trôi)

Cái hay của "Trôi" là "có chiếc lá rùng mình"! Tôi cũng giật mình nhận ra thơ Hoài Ân có những khoảnh khắc bất chợt như thế. Bài thơ để lại một dư chấn lắng sâu của sự chiêm nghiệm về cõi an tĩnh. Tôi biết thơ hay không dễ tìm, nhưng với Hoài Ân - một người trẻ, thơ chưa thể định hình mà có những tín hiệu của tài hoa là một điều đáng mừng.

   Tôi chợt nghĩ, chất liệu thơ là gì? Phải chăng là những nỗi buồn, buồn lãng mạn, buồn u tối, buồn trong sáng vv...

Có ai như Hoài Ân trải cô đơn ra đếm ngày buồn:

               Trải những nỗi cô đơn ra đếm

               Hỏi có bao nhiêu ngày buồn?

                              (Lạc về phía cô đơn)

Vâng, ngày buồn thì không đếm xuể. Và nó đã hóa từng sợi buồn trói vào niềm tâm cảm của chúng ta:

               Ngoài kia ai đếm từng nỗi nhớ

               Mà sợi buồn trói chặt cô đơn...?

                               (Phố chiều)

Đó là miêu tả nỗi cô đơn cùng tột của con người, mà Hoài Ân thể hiện qua bút pháp tinh tế nhất. Mang tâm thức kiếm tìm chìm đắm trong cõi buồn, nhưng Hoài Ân luôn biết vượt lên chính mình để mang về ngọn gió mới, ngọn gió của mùa xuân:

               Tia nắng rục rịch trở mình

               Mang yêu thương về

               Theo ngọn gió mùa xuân

                               (Chiều cuối năm)

Dù sao trong những sáng tạo của mình, Hoài Ân đang có bước khởi đầu "rục rịch trở mình". Người đọc có quyền hy vọng về một Hoài Ân theo ngọn gió mùa xuân, sẽ mang về những tín hiệu của một mùa thơ lộng gió...

                               Mùa hạ rong chơi 2018

                                     

                           

             

            

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Thánh Ngã
Số lần đọc: 1516
Ngày đăng: 11.09.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trao đổi với Ông Hà Văn Thùy về bản dịch bài thơ”Khiến Hoài” của Cụ Trần Trọng Kim - Mai Văn Hoan
Miền thao thức trong thơ Võ Văn Luyến - Hoàng Thị Thu Thủy
Di tích tuổi thơ - Nguyễn Thánh Ngã
Cảm nhận bài thơ “Lỡ” của Đặng Xuân Xuyến - Hà Nguyên
Áo em mùa lụa mỏng – khúc tự tình của nhà thơ Bùi Đức Ánh - Hoàng Thị Thu Thủy
Cõi trần ai và dòng sữa ngọt lành trong tập truyện ngắn “Vàng trên biển đá đen” - Nguyễn thị Liên Tâm
Trao đổi từ cuộc hội thảo kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ - Tuấn Giang
Yêu thương trao lời… - Phan Nam
Khái quát văn học Bình Định 43 năm (1975 – 2018) Diện mạo & Thành tựu. - Mang Viên Long
Người thức qua cuộc đời nhìn tình yêu. Một kỷ niệm với nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Co (thơ)
...Mưa (thơ)
Ảo (thơ)
Mở (thơ)
Pleiku (thơ)