Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
754
116.516.511
 
Nhịp thơ như nhịp thở [ Đọc "Huyễn Hoặc Ngày em" - thơ Trần Nhã My - NXB Hội Nhà Văn 2017]
Nguyễn Thánh Ngã


 

   Trên tay tôi là bản thảo tập thơ "Huyễn Hoặc Ngày Em" - tập thơ thứ ba của Trần Nhã My. 2 tập thơ trước (“Dỗi” - 2012 và “Mảnh vỡ không lời” - 2015) chị đều đạt giải cao. “Dỗi” đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam dành cho các tác giả Trẻ; “Mảnh vỡ không lời” đạt giải B cũng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và giải Nhì (không có giải Nhất) giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Hồng của UBND tỉnh Tây Ninh (năm 2016). Trong một thời gian ngắn, chị xuất hiện và ra mắt 2 tập thơ, cả hai tập đều giành được giải cao kể cũng là một hiện tượng. Không biết bản thảo tập thơ mới này sao đây?

  Tôi đã đọc một mạch. Ngập ngừng rồi mạnh mẽ. Đúng là như ngọn gió mát lành từ núi Bà Đen thổi tới, nhịp thơ nồng nàn như nhịp thở, từng câu, từng chữ đã cuốn hút tôi hơn cả hai tập thơ trước.

   Thơ Trần Nhã My vốn đầy nữ tính, đầy cảm xúc. Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn vẫn là "tính lặn", tức chiều sâu của thơ. Nhất là thơ nghiêng về nỗi buồn, một nỗi buồn thuần khiết như từng con chữ rưng rưng thở :

                 Se sợi buồn luồn từng ký tự

                 Phơi vào đêm

                 ................................

                 Đêm nay, anh ơi!

                 Buồn trèo lên cao chất ngất...

                               (Chất buồn lên mây)

Đúng vậy, trong từng ký tự đã xâu chuỗi nỗi buồn. Đã thế, buồn còn biết "trèo" lên cao mãi. Tôi chợt nhớ câu nói của Alfred de Muset: " Hãy đập vào trái tim mình, thiên tài là ở đó". Trần Nhã My với một trái tim biết buồn, và nàng đang "đập" vào nó mà thành thơ. Ta hãy nghe nhà thơ nói với từng con chữ của mình:           

                 Vần chữ ơi,

                 Xếp nhẹ nhàng kẻo vỡ

                 Nhịp thơ như nhịp thở

                 Ý tứ cứ tròn căng

                              (Chỉ mình anh thôi)

Khi coi thơ là hơi thở của mình, tức đã có ý thức sống. Sống như từng con chữ đang thở, đứt hơi thở là thơ chết. Tôi đọc được sự "tròn căng" sức thanh xuân trong thơ của chị, sự tròn căng của ý thức bứt phá trong cuộc maratong với chính mình. Ở đó có cuộc chia ly độc đáo, mà chỉ có Trần Nhã My mới có:

                 Giản đơn cho đến nỗi khó ai tin

                 Em làm cuộc chia ly chỉ có một mình

                                (Giản đơn)

Giản đơn chỉ là cuộc chia tay với cuộc tình cũ, cũng chính là cách viết cũ. Từ đó, nàng thơ được sinh ra trong cung cách của người phụ nữ trở dạ:

                 Người đàn bà chịu đựng lặng thinh

                 Sau phút chuyển dạ

                 Em sinh ra

                 Nỗi đau xé toạc thịt da tan biến tự thuở nào

                                 (Cho ngày sinh em)

Vâng, sau phút những con chữ chuyển dạ, đã sinh ra nàng thơ Trần Nhã My với cung buồn trên từng phím tóc:

                 Em hỏi sợi tóc

                 Sợi buồn dài thừa thải vào nhau

                                   (Hỏi)

Câu thơ như là thân phận trên dòng kẽ cuộc đời. Nghe xót. Buồn và cô đơn đến cùng tuyệt. Đến đây, thơ Trần Nhã My đã phát lộ những phút lóe sáng. Có thể nói chân dung thơ của nàng từ sợi tóc đến đôi mắt đều có cách khác lạ:

                 Nghe sóng mệt nhòa tìm bãi bờ yên

                 Và thấy mình đôi mắt thuyền không ngủ

                                   (Em về với biển)

Với "đôi mắt thuyền không ngủ", Trần Nhã My đau đáu nhìn vào cõi thơ, để rồi lạc vào giấc mơ lạ:

                 Đêm qua anh ngủ trong giấc mơ em

                 Tất cả đều quen

                 Chỉ thêm

                 Người đàn bà lạ...

                                   (Giấc mơ lạ)

Đó là phong cách thơ đầy ấn tượng, vừa tỉnh táo vừa hôn mê; để cuối cùng trong "huyễn hoặc ngày em", nàng sực tỉnh. Giống như một sự "bừng ngộ" chỉ bằng cái kéo tay của thơ ca trên bước nhân sinh:

                 Nhạt nhòa ảo thực xưa nay

                 Kéo về thực tại cái nắm tay

                                    (Huyễn hoặc ngày em)

Cái nắm tay của thơ ca lại chính là cuộc sống. Đi vào cuộc sống nhiều cung bậc, nhiều màu sắc hay trần trụi cũng vậy, chỉ cần cái kéo tay chân thành đã khiến ta nhìn ra cuộc đời vốn đáng sống với những phút giây bình lặng và sóng gió đã qua. Biết vậy nên có lúc nhà thơ chối từ sóng:

                 Anh đừng về nơi có con đò đón đợi

                 Bởi cuối cùng

                 ...em không làm sóng nữa đâu!

                                   (Em không làm sóng nữa đâu)

Nhưng oái oăm, nếu cuộc đời không có sóng gió thì không còn là cuộc đời. Ở chỗ này Trần Nhã My lại "mắc cạn" cuộc thơ, và còn nợ cuộc thơ nhiều lắm, nên dù có "tắt nguồn", nàng vẫn không ra khỏi vùng phủ sóng của thơ đâu. Vì vậy, nàng thơ của chúng ta phải đòi phen vất vã cõng thơ qua dốc trần tục lụy:

                 Em ôm mình

                 Nghe tiếng thở trên lưng

                                  (Hoang mang mùa)

Đây là câu thơ tuyệt hay. Không có nỗi cô độc nào bằng cô độc này, tự vác mình và nghe tiếng mình thở trên lưng mình như thế cả. Hơn nữa, thơ là nơi nàng được sinh, cũng chính là huyệt mộ:

                 Anh hãy quay về

                 Vì em là huyệt mộ của anh đây...

                                  (Người đi tìm huyệt mộ)

Từ tri kiến này đến tri kiến khác, nhà thơ nữ Trần Nhã My đã viết tự khúc cho mình, và trao gởi nó cho những nỗi buồn lấp lánh. Dĩ nhiên, tôi không tham lam đọc hết những câu thơ hay như thế, còn để dành cho độc giả thưởng thức...

Viết tới đây tôi rất tâm đắc câu nói của ai đó, dẫu có viết gì cũng là viết cho mình mà thôi, như Nguyễn Du viết truyện Kiều chẳng hạn. Cho nên nữ sĩ Trần Nhã My cảm tác khi đối cảnh, cũng chính là cảm tác cho mình.

   Thơ là vậy. Bởi những ám ảnh khôn nguôi. Và quan trọng hơn cả là nó nhập vào bút pháp, làm thành một tên tuổi như Trần Nhã My. Chợt nhớ nhà thơ Mỹ Agar Allan Poe, từng viết đại ý là khi cái đẹp đạt đến cực độ, thì bao giờ cũng từ những nỗi buồn, và đó là bản chất của thơ ca. Tôi thiển nghĩ, thơ Trần Nhã My cũng vừa chạm những nỗi buồn sâu thẳm...

 

 

         Sài Gòn rong chơi tháng hạ 2017

                                         

                                             

Nguyễn Thánh Ngã
Số lần đọc: 1804
Ngày đăng: 21.09.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Lữ Quỳnh viết truyện phản chiến ở vị trí và bối cảnh nào? - Trần Văn Nam
Quê nghèo - xót xa những tiếng lòng ! - Đặng Xuân Xuyến
Thường quán, tiếng nói từ bên trong - Nguyễn Đức Tùng
Nhạc bolero lên ngôi, dân trí đi xuống ? - Hồng Anh
Một bữa cơm chiều, - Mang Viên Long
Nguyễn Thy Phương – Thầm lặng duyên quê và lóe sáng một nỗi niềm triết lý - Mai Bá Ấn
Khuynh hướng lý luận - phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Đinh Lê Vũ và bài thơ tình già... - Phan Nam
Tính khái quát trong kịch Của tác giả Thanh Hương - Tuấn Giang
Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại - Cao Thị Hồng
Cùng một tác giả
Co (thơ)
...Mưa (thơ)
Ảo (thơ)
Mở (thơ)
Pleiku (thơ)