Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
480
115.868.843
 
VĂN MẪU hay VĂN DỎM ?
Trần Mạnh Hảo

Cuốn sách "217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN " dày 627 trang, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản nhiều lần với số lượng lớn vào các năm 2000, 2001, 2002 dành cho học sinh trung học học tủ đi thi, là tập bài văn mẫu của 4 tác giả : GS. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên ), TS. Đỗ Ngọc Thống, TS. Hà Bình Trị, và Chu Văn Sơn; đây là cuốn sách còn khá nhiều điều chưa chuẩn xác phải đưa ra trao đổi, trong đó việc tung ra hàng trăm bài văn mẫu thế này có đúng phương pháp sư phạm không, có cản trở tinh thần độc lập suy nghĩ và khả năng sáng tạo của học sinh trong tiếp nhận thẩm mỹ văn chương không ? Ở bài viết này, chúng tôi chỉ bàn tới bài văn mẫu từ trang 518 đến trang 522, với đề văn như sau :" Dựa vào những hiểu biết của mình về con người và sáng tác của Nguyễn Tuân, anh (chị) hãy phân tích và miêu tả trên nét lớn cá tính và phong cách nghệ thuật của nhà văn".

Đã gọi là bài văn mẫu, bài văn của các giáo sư và tiến sĩ hàng đầu ngành sư phạm vừa ra đề, vừa viết bài làm gương cho học sinh thì dĩ nhiên phải hết sức mẫu mực. Đề văn như trên là một câu văn lủng củng, rườm rà, do ba lần lặp từ "của", ba lần lặp từ "và". Chúng tôi xin sửa lại câu của đề bài trên cho trong sáng, bằng cách bỏ đi từ "của mình", bỏ tiếp hai từ "và", thay bằng một dấu phảy. Ta có một câu văn ra đề đúng tu từ tiếng Việt như sau :" Dựa vào những hiểu biết về con người và sáng tác của Nguyễn Tuân, anh (chị) hãy phân tích, miêu tả trên nét lớn cá tính, phong cách nghệ thuật của nhà văn ".

Mở đầu bài văn mẫu, tác giả viết :" Nguyễn Tuân bước vào nghề văn dường như là để minh hoạ cho hai câu thơ ngông của Nguyễn Công Trứ :" Trời đất cho ta một cái tài / Giắt lưng dành để tháng ngày chơi ". Cuộc đời có gì nghiêm túc đâu mà phải nghiêm trang đạo mạo : hồi ấy, Nguyễn Tuân coi sống chỉ là cuộc dong chơi. Có điều thú chơi của ông là chơi tài, chơi nghệ thuật. Thực ra muốn chơi ngông, nhất thiết phải có tài. Bất tài mà chơi ngông, người ta gọi là gì gì đó chứ không gọi là ngông. Vì xét đến cùng, chơi ngông là đứng ở đỉnh cao của tài hoa và trí thức mà trêu ghẹo thiên hạ". ( Những chữ nghiêng đậm trong bài do TMH nhấn mạnh ). Chỉ một đoạn văn mở đầu bài văn mẫu viết về đời và văn Nguyễn Tuân đã có mấy cái sai không nhỏ. Cái sai thứ nhất là khi tác giả bài văn mẫu dám dạy học sinh quan niệm và lối sống hư vô chủ nghĩa, coi thường mọi chuẩn mực luân thường đạo lý của con người, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của giáo dục, của những chuẩn mực sư phạm mang tính chất nền tảng :" Cuộc đời có gì nghiêm túc đâu mà phải nghiêm trang đạo mạo ". Việc dạy và học văn có nghiêm túc không, việc giáo dục cho hàng triệu con em thành những công dân có tài có đức, việc xây dựng cho chúng có lý tưởng, có lòng tin vào chân lý, vào lẽ phải, có tình cảm kính yêu đối với Tổ Quốc, với cha mẹ, với đồng bào, khi cần dám hi sinh tính mạng để bảo vệ những giá trị thiêng liêng của dân tộc và nhân loại đều là những vấn đề cực kỳ nghiêm túc cả. Thật là kinh ngạc, mượn chuyện văn mẫu để đưa ra kết luận phủ nhận mọi giá trị nhân văn, phủ nhận những nguyên lý căn bản làm nên xã hội loài người, coi " Cuộc đời có gì nghiêm túc đâu..." trước hết, tác giả chừng như muốn xoá sổ cơ sở của môn văn là học làm người-nhân học. Cái sai thứ hai là việc thẩm thơ của tác giả bài văn mẫu không chuẩn. Hai câu thơ dẫn trên không phải nói về cái ngông của Nguyễn Công Trứ. Nó bao hàm nhiều nghĩa, hoặc về thú tiêu dao, hay chí ít cũng bóng gió nói về việc vua chúa chưa có mắt xanh dùng người, hoặc diễn tả cái ung dung tự tại của một con người tự tin, khẳng định mình hiện hữu giữa vũ trụ...Cái sai thứ ba của đoạn văn mẫu trên là việc tác giả cho:" Nguyễn Tuân bước vào nghề văn dường như là để minh hoạ cho hai câu thơ ngông ...". Hoá ra toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Tuân, một nhà văn được giải Hồ Chí Minh đợt đầu tiên chỉ gói trong một chữ "ngông " ư ? Cái sai thứ tư của đoạn văn trên là việc tác giả bài văn mẫu đưa ra những định đề không chuẩn về chữ "ngông", chữ "chơi". Bảo Nguyễn Tuân "chơi nghệ thuật" còn có lý và có nghĩa chứ bảo ông "chơi tài" là chơi cái gì đây ? Nguyễn Du dạy : "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài". Văn cốt ở tâm trước, rồi mới đến tài sau. Bảo Nguyễn Tuân "chơi tài" vừa vô nghĩa vừa sai. Hoá ra cụ Tuân có tài không dùng làm việc ích nước lợi dân mà dùng để chơi, để duy tài chủ nghĩa bất kể chữ "tâm" ư ? Tác giả bài văn mẫu còn định nghĩa về "ngông" rất lạ tai như sau :" Muốn chơi ngông, nhất thiết phải có tài". Trong đời sống xã hội, chán vạn gì những kẻ vô tài bất tướng vẫn tỏ ra ngông, ngông cuồng, ngông nghênh, ngông ngạo...đó sao ? Tác giả bài văn mẫu quả tình không chịu khó truy tìm nghĩa chữ "ngông" trong tự điển và trong đời sống, nên định nghĩa về "ngông" hết sức sai :"Chơi ngông là đứng ở đỉnh cao của tài hoa và trí thức mà trêu ghẹo thiên hạ ". Ở giữa bài văn mẫu, tác giả còn viết rất cảm tính, tuỳ tiện rằng :" Cái ngông xưa nay bao giờ cũng có cơ sở lý luận vững chắc của nó ". Nhà ngông học này muốn đưa Nguyễn Tuân lên làm "ngông giáo chủ " chắc ? Mở bài văn mẫu, tác giả đã lập ngôn và lập thuyết sai lạc đến mức đánh tráo mọi khái niệm thông thường, đẩy cuộc đời, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân vào mấy chữ rất không xứng đáng, nếu như không nói là hạ thấp nhà văn xuống chỗ dung tục tầm thường theo công thức : Văn Nguyễn Tuân = ngông = không nghiêm túc = chơi tài = trêu ghẹo thiên hạ ? ( Chữ nghiêng đậm trong bài do THM nhấn mạnh).

 

Chưa hết, phần thân bài, tác giả văn mẫu còn "tương" vào văn nghiệp Nguyễn Tuân những món rất khó nghe của lòng yêu mến, đến mức chúng tôi bàng hoàng, không còn dám tin vào những đánh giá như thế này là của một bài văn mẫu :"Vậy thì văn Nguyễn Tuân là thứ văn chơi, văn đùa, cố tình khoe tài, khoe chữ một cách khinh bạc và gai góc để gây sự, trêu ghẹo người ta. Một lối văn suy tôn chính cái tôi ngông ngạo của mình, và trở đi trở lại chỉ đem cái tôi ấy ra mà "độc tấu" giữa thiên hạ. Một thứ văn nghênh ngang và lan man, ngòi bút cứ chạy theo những dòng cảm nghĩ  lông bông, tài tử, với những liên tưởng ngẫu hứng tạt ngang hay cóc nhảy, lắm lúc muốn đưa người ta vào những bát quái trận đồ. Một cách lựa chọn đề tài cố tình coi khinh những gì người đời cho là quan trọng và đề lên rất cao, thậm chí thiêng liêng hoá những gì người đời cho là tầm thường xoàng xĩnh như cái ăn uống...". Với những "đặc tính" văn Nguyễn Tuân do tác giả bài văn mẫu tung ra ào ạt trên, cộng cả trước và sau, ta có một hằng thức về Nguyễn Tuân và văn chương của ông dễ sợ như sau :

Văn Nguyễn Tuân = ngông = không nghiêm túc = chơi tài = trêu ghẹo thiên hạ = văn chơi = văn đùa = khoe tài = khoe chữ = khinh bạc = gây sự = ghẹo người ta = suy tôn cái tôi = ngông ngạo = nghênh ngang = lan man = lông bông = tài tử = coi khinh những gì quan trọng = thiêng liêng hoá những tầm thường, xoàng xĩnh ...

Ném vào văn nghiệp đồ sộ của Nguyễn Tuân bằng ấy "món" rác rưởi trên là ca ngợi hay phủ nhận ông ? Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, người được giải thưởng Hồ Chí Minh lần đầu, lẽ nào lại "bị dạy", "bị đề cao" như trên ? Sau khi "ném "toàn bộ văn nghiệp lớn lao của Nguyễn Tuân vào bãi thải của những ngôn từ kinh hãi trên, tác giả bài văn mẫu ở phần kết lại coi ông là "định nghĩa chuẩn mực về người nghệ sĩ", một định nghĩa về nghề văn, một tấm gương soi cho tất cả các nhà văn, theo kiểu " Sự có mặt của Nguyễn Tuân trên đời làm ta cảm thấy nghề văn cũng sang trọng lắm chứ " thì quá lạ lùng!

Một bài viết hết sức thiếu trách nhiệm về Nguyễn Tuân trên sao có thể là một bài văn mẫu ? Thảo nào, tác giả ngay từ đầu đã nêu gương cho học sinh bằng một kết luận phi giáo dục của mình rằng :"Cuộc đời có gì nghiêm túc đâu... ". Chính tác giả đã thể hiện định nghĩa trên bằng bài bình văn Nguyễn Tuân một cách hết sức thiếu nghiêm túc, mà lại là văn mẫu để học trò học thuộc lòng đi thi tốt nghiệp trung học hay thi vào đại học. Viết bài báo này, chúng tôi xin lần thứ một trăm báo động với dư luận xã hội rằng : ai, những ai là người có trách nhiệm để sách vở của ngành giáo dục xảy ra những hiện tượng thiếu nghiêm túc một cách hệ thống này mãi như vậy ?

 

 

Trần Mạnh Hảo
Số lần đọc: 4593
Ngày đăng: 25.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một bài văn VĂN MẪU LÀM GƯƠNG XẤU - Trần Mạnh Hảo
Một số đề văn KHÔNG CHUẨN XÁC - Trần Mạnh Hảo
Hội chứng “ VĂN MẪU " :SOS (!) - Trần Mạnh Hảo
Có thật :" VĂN CHƯƠNG LÀ VẬT VÔ TRI " ? - Trần Mạnh Hảo
Lang thang cùng - Võ Tấn Cường
Nhân chuyện NGUYỄN PHI THANH phản ứng BÀI GIẢNG " VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC"- NGHĨ VỀ VẤN NẠN CỦA MÔN VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY - Trần Mạnh Hảo
Sau đồi vọng cảnh. - Trần Kiêm Ðoàn
Một bài thơ - Dấu ấn của thời đổi mới. - Triệu Xuân
C. G. Jung và lý thuyết phân tích văn hóa. - C.G.Jung
Nghệ thuật múa cung đình Huế - Võ Quê
Cùng một tác giả