Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
695
116.714.803
 
Cha Tôi
Ngô Nhật Đăng

 

Kỷ niệm ngày mất 02.6 của nhà thơ Xuân Sách

 

1

Hôm nay tròn 30 ngày cha tôi rời cõi tạm, tôi vẫn giật mình vì cứ ngỡ ông vẫn còn đâu đây. Dù rằng những ngày cuối cùng ông nằm trên giường bệnh tôi biết không thể níu kéo ông ở lại thêm nữa. Mười ngày cuối cùng ông không chịu tiêm, uống thuốc, không chịu ăn (phải dỗ dành rất lâu ông mới ăn một chút) và nhất định không chịu nói gì nữa, chỉ cười và giả vờ ngủ. Khi chúng tôi đưa ông vào bệnh viện với ý định kiểm tra phổi thì ông bị hôn mê luôn, bác sỹ nói với tôi: “Hỏng hết rồi anh ạ tim, gan, phổi, thận vv… tức là lục phủ ngũ tạng không còn gì nữa”. Tôi choáng váng, nó ngược hoàn toàn với kết quả khi bố tôi ra viện trước đó một tháng. Anh ta còn nói thêm: “Em không hiểu tại sao lượng Natri trong người cụ nhiều thế, anh có thể đưa cho em xem tất cả các đơn thuốc và phác đồ điều trị của cụ từ trước đến giờ được không?”. Để mà làm gì, tôi nghĩ. Ngay đêm đó bố tôi qua đời. Hôm sau khi làm thủ tục tôi phải viết một tờ giấy đại ý: Cám ơn bệnh viện đã tận tình cứu chữa và xin không khám nghiệm tử thi. Họ còn nói thêm anh khai chính xác ngày sinh, hộ khẩu cho cụ để còn làm chế độ vì “Giấy chứng tử” chỉ cấp một lần.

Để mà làm gì, tôi lại nghĩ.

 

Khi quay về nhà anh em tôi thấy một tờ giấy ném qua khe cửa của anh bác sỹ vẫn đến chăm sóc cho ông vào mỗi buổi tối. Anh viết “Các em ơi¸các em mang ông đi đâu mà không báo cho anh biết”. 

Ngày bé tôi có được nghe câu thơ:

 

“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người

Sên bò nát óc lệ thầm rơi

Chiều nay một dấu than buông xuống!

Đinh đóng vào săng tiếng trả lời.’’

Vũ Hoàng Chương : “Thôi Hết Băn Khoăn”

 

Sau này biết câu thơ trên không giống hoàn toàn với câu thơ của Vũ Hoàng Chương nhưng tôi vẫn thích hơn vì tính “hội họa” của nó như ông anh (học ở Tổng hợp Văn) khi đọc cho tôi nghe có nói “Em thấy dấu hỏi (?) có giống con sên đang bò quanh giọt máu và dấu chấm than (!) có giống cái đinh đang đóng vào cỗ quan tài không?” .

 

Lớn thêm một chút biết câu “Cái quan định luận” chỉ cảm nghĩ sống trên đời cho đúng thật khó. Đi học Tử Vi thày dạy loại người chia làm 6 lọai:

Hiền, Lương, Anh, Hùng, Tuấn, Kiệt. Một lần ngồi với bác Nguyễn Hữu Đang bác nói: Bác chia loài người làm 3 loại:

 

1 - Toàn danh và toàn thân như Trương Lương, Phạm Lãi

2 - Toàn danh mà không toàn thân như Hàn Tín, Ngũ Viên

3 - Toàn thân mà không toàn danh thì là loại vứt đi.

 

Bác còn nói “Bác là loại hai, Hàn Tín thôi, bố cháu mới là loại một, bác phục bố cháu ở điểm đó.

Khi đi học vẽ để cho đủ “Cầm, Kỳ, Thi, Họa, Lý số” (rút cuộc biết rất nhiều thứ mà thật ra chẳng biết gì).Thầy dạy vẽ lại dạy: Bác chia loài người làm hai loại, số đông và số ít và nói thêm cháu chọn đứng ở phía nào là tùy cháu. Va đập với cuộc đời tơi tả, lấy vợ, đẻ con, kiếm tiền… có những lúc “ngồi trên đống tiền” có những lúc không một xu dính túi, nợ nần ngập mặt vợ lo cho từng điếu thuốc. Bốc một quẻ Dịch thì kết quả lại là: “Người quân tử bị hại đến nơi giường chiếu ”tức là đến mất nơi cư trú. Kỳ lạ, không hiểu “ma xui, quỷ khiến”  thế nào đùng đùng bán nhà đưa tiền cho người khác dắt díu vợ con đi xuống Kim Mã thuê nhà ở. Cũng chỉ mong vợ con sẽ đỡ khổ hơn, vào Sài Gòn với điều kiện “Tao sẽ giải quyết mọi việc cho bọn mày và chúng mày phải lo cuộc sống tối thiểu cho vợ con tao ngoài Hà nội” “OK, no problem”. Khi đi Hà Nội còn là đầu hè quay ra đã cuối thu, từ sân bay về đến Quang Trung vợ con ra đón trông như hình nhân.

- Anh ơi không có tiền chủ nhà đuổi, bạn em đón ba mẹ con về ở, bây giờ mình về đấy.

- Chúng nó đâu, những thằng em, thằng bạn anh ấy?

- Làm gì có ai

Giận đời,giận mình, thương vợ con, mình là lọai người gì đây trong bảng xếp hạng. Nhớ bố, có lần ông nói “Sống là người lương thiện mới là điều đáng kể con ạ”.

Muốn kêu lên như Chí Phèo “Ai cho tao làm người lương thiện”.

 

Hôm bố mất sau khi đưa ông xuống “nhà lạnh” hai vợ chồng về nhà, bật laptop đọc Chân dung tự họa của ông, rùng mình thấy sự đáng sợ của chữ nghĩa. Tự nhiên khóc tu tu như trẻ con, vợ bảo anh ơi cứng rắn lên để còn lo cho bố.

 

Chúng tôi đưa ông về quê cho ông được ở gần ông bà, nhìn dòng người dài dằng dặc đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, những giọt nước mắt chân thành của những người nông dân ăn mặc tồi tàn, họ đâu cần biết ông là người nổi tiếng và ông đã bỏ quê ra đi từ ngày còn trẻ. Ông không kể nhưng tôi biết khi ra đi ông đã thề sẽ không quay trở lại và một sự thật nữa là ông lại tha thiết muốn được về nằm vĩnh viễn ở mảnh đất này. Tôi tự nhủ : Bố ơi con có thể khắc trên bia mộ bố dòng chữ “Nơi đây an nghỉ một người lương thiện”.

 

Khi ra về vợ tôi nói:

- Anh nhìn kìa, mấy chục ngôi mộ đều xếp hàng dọc, một mình mộ bố lại nằm ngang, ông “ngang” cho đến lúc chết.

Rồi cô ấy thì thầm:

- Anh Ái đưa em hai triệu và bảo cả làng lo cho đám ma của bố em, không có người nấu cơm, anh đã đặt cơm ở một nhà hàng ngoài thành phố Thanh Hóa rồi. Về đó chỉ mất nửa tiếng em cầm tiền này để thanh toán.

 

Chao ôi, họ sợ rằng những người ở Hà Nội về sẽ không nuốt nổi những món ăn nhà quê. Tôi ứa nước mắt, bố tôi là người thế nào, chúng tôi là người thế nào có xứng đáng nhận những tấm lòng như vậy không?

 

Tôi về đến bến sông xưa

Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò

Nhìn theo ngọn khói vu vơ

Nhớ thương thì có đợi chờ thì không

(Thơ bố tôi )

 

*

Mấy hôm trước chú Trần Hoàng Bách phone cho tôi:

- Cháu đọc chưa, chú ức quá bọn nó viết về bố mày có nhiều bịa tạc ẩu tả lắm.

Ồ! Tôi thoáng nghĩ bây giờ thiếu gì lọai kên kên chuyên nghiệp ăn nhuận bút. Nhưng rồi tôi tò mò vào google, kiên nhẫn đọc hàng trăm bài viết về bố tôi. Chân thành có, sâu sắc có, hời hợt có, hiểu đến gan ruột ông cũng có và tất nhiên giả dối cũng có. Thậm chí có người còn gọi ông là “lương tri thời đại”, là “người cõi khác”… 

 

Hôm nay cô Nam gọi điện “Đăng ơi đến nhà cô nhé” khi tôi đến cô nói sắp 49 ngày của bố cô muốn viết một bài về bố, rồi cô đưa tôi xem lá thư cuối cùng bố tôi gửi cho cô, tôi cảm động khi nhìn nét chữ quen thuộc của ông đề ngày 25-10-2007, nội dung chỉ là thăm hỏi bình thường và thậm chí vẫn hài hước “anh bây giờ hàng ngày vẫn hát câu: Những binh đoàn nối nhau ra tiền - liệt -  tuyến” và hẹn khi nào vào Sài Gòn nhớ gọi cho ông. Nhưng dòng cuối cùng ông viết ra giữa trang:

 

Nhớ không được vào chậm em nhé.

Hôm ở nhà tang lễ cô ôm tôi khóc: Vô duyên quá Đăng ơi, cô hẹn gặp bố ở Sài Gòn thì lại gặp ở bệnh viện Hà Nội và hôm nay lại là ở đây.

 

Cả buổi sáng hai cô cháu chỉ ngồi nói về ông, cô bảo sao cháu không ghi lại những chuyện này của bố,để lâu quên mất Đăng à.

Thì viết, đơn giản chỉ là cố hiểu ông là người thế nào.

 

2

Dân mình háo danh một cách kỳ lạ, tôi đã đi khắp nuớc “Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau” sống gần đủ hết với 50 “dân tộc anh em”, nước ngoài cũng từng đi, nhưng cũng chưa dám nói con người là giống háo danh mà chỉ dám nhận thuộc tính ấy là của đồng bào mình (tất nhiên là có cả tôi). Trong một, hai thập niên gần đây nước ta có phong trào họ họ làm gia phả và cố moi ra trong họ mình phải có ông quan nào đó (dù là quan hạng bét). Họ nhà tôi cũng vậy, mở cuốn gia phả dày cộp ra dòng đầu ghi: Cụ viễn tổ tên là Ngô Nhật Đại từ Châu Ái (tức Thanh Hóa) sau bao nhiêu đời không rõ di ra Đường Lâm Sơn Tây đến đời ông Ngô Đình Mân thì lấy con gái ông Phùng Hải mở ngoặc tức là cháu gái vua Phùng Hưng (kinh chưa) đến năm 40 tuổi đẻ ra Ngô Quyền (khiếp chưa) và họ nhà tôi chọn Ngô Quyền làm ông tổ. 

 

Vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu sẽ lấy ngày giỗ vua Ngô Quyền là ngày giỗ tổ và tính từ đó đến tôi là đời thứ 47. Tôi không dám hỏi nếu ông Ngô Quyền không làm vua thì có được chọn làm ông tổ không vì sợ các cụ đánh cho bỏ mẹ. Lại nhớ một lần ở Budapest đứng trên quảng trường Anh hùng nơi đặt tượng các vị vua của đế quốc Áo Hung. Ông bạn Hungary bảo tôi : dòng họ tao vinh dự được đóng góp 7 vị vua cho đất nước này.Tôi bảo dòng họ tao cũng cống hiến được hai ông vua một bà hoàng hậu và một ngài tổng thống, rồi cũng vênh mặt lên trước con mắt khiếp đảm và ghen tỵ của mấy ông bạn Việt Nam đi cùng, nhưng trong đầu tôi thì nhớ đến câu chuyện trong Trung Hoa xú lậu nhân à quên Người Trung Quốc xấu xí chứ, hay là tạp văn Giả Bình Ao nhỉ? Đại khái có một thằng ăn mày chỉ vào nhà một ông quan lớn và gào to : Hồi ông nội tao làm tể tướng thì ông nội mày còn đi ăn mày.

 

Chi họ nhà tôi được gọi là dòng Ngô Trảo Nha (nanh vuốt) do câu nói của chúa Trịnh Tùng: “Khanh là trảo nha của xã tắc”. Ông tổ được gọi là “trảo nha” đó là một quận công (lại quận công) tôi nhớ ông chỉ vì trong gia phả ghi (lại gia phả) ông có 9 bà trong đó có bà chính thất là quận chúa con Trịnh Tùng, nhưng ông lại mê bà giúp việc hơn ông 11 tuổi và cưới luôn làm thiếp, bà quận chúa ghen tuông nên ông đem bà trả lại phủ Chúa, chúa Trịnh tức giận cách chức ông và tước quyền được mang họ Ngô. Nhưng vì tiếc tài của ông nên một thời gian lại đuợc phục chức, lấy lại họ và vào trấn thủ bờ bắc sông Gianh. Kể ra Trịnh Tùng cũng là người liên tài, chứ tội ấy thì dễ “tru di tam tộc” lắm (Nhân vật này được đánh giá như Tào Tháo của Việt Nam). Một chi di cư vào Đồng Hới và sinh ra gia đình khét tiếng đó là nhà ông Ngô Đình Khả cha đẻ của Tổng thống Ngô Đình Diệm (ông Ngô Đình Khôi và con là Ngô Đình Huân bị xử bắn năm 1945). Còn chi nhà tôi do một ông quận công (lại quận công nữa) quay về Yên Lai nay là xã Trường Giang, huyện Nông Cống Thanh Hóa lập nghiệp. Dòng họ bắt đầu suy vi theo nghĩa không còn ông quan lớn nào nữa vì cả quãng thời gian dài dằng dặc (đến tôi là đời thứ 11) chỉ có một người mà tôi gọi là cụ cố ngũ đại làm đến chức “án sát” Ninh Bình rồi Bố chánh tỉnh Quảng Bình và sau đó vào Huế làm chức tương đương “cục, vụ, viện” gì đó trong Bộ giáo dục theo cách gọi như bây giờ. Có lẽ do phẫn chí ông bỏ về theo phong trào Cần vương phò vua Hàm Nghi. Tôi kính phục về cái chết của ông, sau khi thất bại, học trò yêu bị giết, con trai bị bắt, ông lên chiếc thuyền trên con sông cạnh làng uống rượu, đọc thơ, đến ngày thứ ba khi không nghe thấy tiếng, dân làng ra thì thấy ông đã chết. Một ông bác tôi đã bỏ ra hàng 10 năm chạy vạy khắp nơi chỉ để xin cho cụ được cái “Bằng” chứng nhận là Danh nhân lịch sử “cấp tỉnh” rồi mới yên lòng nhắm mắt. Nhưng dòng nhà tôi học giỏi khét tiếng, bác ruột tôi đã từng được Công sứ Pháp công kênh trên vai chụp ảnh vì “can tội” học giỏi nhất xứ Trung Kỳ, bố tôi cũng được gọi là “thần đồng”. Còn giáo sư, tiến sĩ cả ở Anh, Pháp, Úc thì nhiều vô kể. Ở quê thì cứ đứa nào đi thi đại học là đỗ,chỉ riêng nhà tôi ngoài một cô em gái còn lại chả có đứa nào học qua đại học dù nổi tiếng học giỏi. Có lần một bà tiến sĩ người Đức hỏi tôi : Anh là tiến sĩ ngành gì ? Tôi trả lời : tôi là tiến sĩ ngành lang thang.

 

Không ai được lựa chọn quê hương và cha mẹ, với tôi hồi còn trẻ khái niệm quê thật mơ hồ, năm 12 tuổi được về quê lần đầu tiên, lần thứ hai thì đã ngoài 40 mà lại do vợ dẫn về. Vợ tôi kể: hôm cưới con o Can (em bố tôi ở Hải Phòng) em nói với các o các chú, cháu lấy chồng hơn 10 năm mà chưa biết quê chồng ở đâu. Thế là các bà cô phải tổ chức một chuyến cho vợ tôi về quê nhận họ hàng.

 

Chưa ai giải thích được nguyên do sự kỳ thị vùng miền ở nước ta, ngày nhỏ đi học thì sách giáo khoa đổ lỗi cho chính sách chia để trị của “thực dân Pháp” bây giờ thực dân đã không còn tồn tại gần thế kỷ trên đất nước ta mà sự kỳ thị ấy còn nặng nề gấp bội. Như quê tôi chẳng hạn nào là “ăn rau má, phá đường tàu” rồi “cờ bạc Thanh Hóa” thậm chí trong cộng đồng xuất khẩu lao động ở các nước Đông Âu thời XHCN còn có câu đối :

 

Trâu toi bò dại trai Thanh Hóa

Lợn sề chó cái gái tỉnh Thanh

 

Bây giờ cứ rảnh rỗi là vợ chồng con cái lại kéo nhau về quê, thấy ấm lòng nhưng cũng day dứt.

 

3

Ông bà nội tôi có 6 người con, sau khi sinh bác tôi ông sang Pháp 4 năm, khi quay về đẻ liền tù tì bố tôi và 4 người em nữa chỉ cách nhau chỉ một và hai năm. 

 

Ông tôi chắc là đi lính vì được gọi là ông Đội và còn được thưởng cả huân chương nữa. Dân làng kể có lần một tốp lính Pháp vào làng, có người báo ông tôi, ông ăn mặc chỉnh tề đeo huân chương đi ra, viên chỉ huy nhìn thấy đứng nghiêm giơ tay chào rồi rút thẳng. Một ông anh họ của tôi giờ cũng đã gần 70 tuổi khốn khổ vì hồi cải cách ruộng đất bị “đội” tra hỏi xem huân chương của ông tôi và sắc phong của cụ cố giấu ở đâu. Bảng sắc phong của cố tôi giờ vẫn còn nhưng huân chương của ông tôi đã mất nên không biết là loại gì. Một ông anh họ khác của tôi khẳng định với tôi là Bắc Đẩu Bội Tinh, tôi nói em nghe đó là Huân chương cao quý nhất của nước Pháp nếu người Việt Nam mình có được thưởng thì chắc phải cỡ “Đại Việt gian” như cụ Thượng Phạm Quỳnh chẳng hạn, chỉ có thế mà ông ấy giận tôi mãi.

 

Bố tôi rất ít kể về ông nội ngoài chuyện có lần còn bé đánh cờ với ông bị xách 2 chân ném ra ngoài sân vì tội bố bị mất xe xin hoãn mà ông con không chịu và thói quen đi ngủ là phải sờ dái tai bố. Bà bác họ tôi kể có lần ông tôi mải chơi tổ tôm đến giờ bố tôi đi ngủ ông phải nhờ người khác giả vờ là ông tôi nằm cạnh để cho bố tôi sờ tai, phát hiện không phải bố tôi hét ầm lên thế là lại bị ăn đòn. Ông còn một thói quen kỳ cục nữa là sau khi đi ỉa là ông nội tôi phải chùi đít, một lần ông nội tôi đang có khách, bố tôi đi xong cứ đứng đòi ông tôi phải chùi đít không chịu cho ai thay thế và lại ăn thêm 1 trận đòn. Bà bác ấy là người chăm sóc bố tôi từ bé, cho bố tôi bú vì bà nội không có sữa, khi bố tôi đi học xa nhà bà là người gánh gạo theo ông để chăm sóc. Có lần bà kể với tôi : Ba cháu răng mà ăn khỏe rứa, mỗi bữa phải 3 bát “ôtô” cơm và 6 con cá kho thật to, nó đo cá bằng cách để lên miệng bát nếu đầu đuôi không thừa ra ngoài là dứt khoát không ăn. Ông tôi mất sớm từ năm 1948, chú tôi kể đám ma ông to lắm cả 4 xã gọi là Tứ Trường đi đưa ông. Bà tôi một mình nuôi đàn con nhỏ trừ bác tôi đã lớn và đi học xa, ông học Trường Cao Đẳng Sư Phạm ở Hà Nội, ngày đó sinh viên trường Thuốc và Sư phạm có giá lắm. Các thiếu nữ con nhà giàu Hà Nội có tiêu chuẩn kén chồng : “Phi Cao đẳng bất thành phu phụ”. Nhưng ông về quê lấy vợ cũng là con một gia đình nổi tiếng, bố vợ bác tôi bị bắt hồi cải cách ruộng đất vì bị quy là đại địa chủ cường hào ác bá, ông bị chết tại trại giam và đến bây giờ vẫn chưa tìm được mộ.

 

Con trai lớn của ông là một cán bộ cách mạng uất ức treo cổ tự vẫn. Một lần về quê, tôi có đi qua làng ông. Nhiều người vẫn kể về những việc ông đã làm như mở xưởng dệt, xưởng nấu “xà phòng” bằng dầu dừa vv…Cơ ngơi của ông qua các đợt cải cách ruộng đất rồi “sửa sai” chẳng còn lại gì, thậm chí những người được chia “quả thực” cũng dỡ đến từng viên gạch ra bán. Chỉ còn lại cây cầu bắc ngang con sông vào làng gọi là cầu “Ông Hội đồng Thận”. Bác dâu tôi kể hồi xây cây cầu đó ông thuê mấy trăm lính công binh từ miền Nam ra làm ròng rã mấy tháng trời. Thế hệ tôi không biết gì về cải cách ruộng đất và đến bây giờ đó vẫn là một khoảng trắng trong lịch sử. Chưa có một đánh giá nào về những đau thương mất mát đó. Nhớ ngày tôi còn nhỏ cứ mỗi năm vào ngày 26 -10 Âm lịch lại thấy bố tôi tìm một chỗ kín đáo trong nhà thắp một nén hương và khóc, ngày đó đảng viên cộng sản mà thắp hương là phiền phức lắm. Khi tôi đi bộ đội, một lần về phép tôi có hỏi bố tôi về chuyện này mới biết đó là ngày giỗ của bà nội. Ông im lặng một lúc lâu rồi buột mồm nói với tôi: “Bà nội của con bị chết đói trong cải cách ruộng đất”.Tôi bàng hoàng một điều như thế mà sao ông giữ im lặng lâu vậy sao. Một tuần sau khi bố mất, đến nhà ông chú út tôi mới được biết tường tận cái chết của bà. Chú tôi kể : Bà nội không chết đói đâu mà bà tự tử vì quá uất ức. Chú nhỏ nhất nên suốt ngày chỉ ở nhà quanh quẩn bên mẹ, hôm đó thấy bà ra vườn sau hái một nắm lá ngón, chú cũng không nghĩ được bà hái làm gì, sau đó bà tắm rửa sạch sẽ nấu cơm cho chú ăn và nói mẹ đi ngủ đây. Đến chiều không thấy bà dậy chú vào buồng gọi thì bà đã đi rồi. Hơn tháng sau bố mày về phép, vào đến nhà câu đầu tiên là “Mẹ đâu?”. Chú khóc chỉ lên bàn thờ, bố mày đổ vật xuống giường nằm lì 7 ngày không ra khỏi nhà, đến ngày thứ 8 vùng dậy lôi trong ba lô ra một cái áo bông và một cái áo len mua về cho mẹ lấy dao chặt nhỏ, châm lửa đốt rồi đi thẳng. Đến năm mày 12 tuổi mới quay về đấy. Tôi hỏi : Bố cháu có biết bà chết như vậy không?

- Không. Cả nhà không ai biết ngoài chú và bây giờ chú mới kể với mày.

Trời ơi cái gì thế này, bố tôi và chú tôi được cấu tạo bằng cái chất gì vậy?

 

Trong cuốn “Phía núi bên kia” của bố tôi có đọan : “Con đê ngăn nước mặn của làng tôi có trồng một loại cây gọi là cây uốp, quả rất độc ăn chết người, những người làng tôi muốn thoát cảnh đời cơ cực thường ăn quả uốp tự tử.”

 

Bố tôi kể năm 16 tuổi đã tham gia họat động, làm phó bí thư Tỉnh đoàn, 17 tuối kết nạp Đảng, đến năm 18 tuổi học xong Thành Chung thì được giới thiệu đi bộ đội và đi học luôn Trường Sĩ quan Pháo binh. Đoạn đời này của ông tôi chỉ biết vậy. Mẹ tôi là một cô “văn công”. Bố mẹ tôi lấy nhau khi vẫn ở trong quân đội, khi có mang tôi mẹ phải về quê, lúc ấy bà nội tôi đã mất. Nhưng khi đẻ tôi được khoảng hai tháng, không chịu nổi khổ cực bà cho tôi vào ba lô trốn thẳng một mạch ra Hà Nội.

 

 

4

Tôi được sống với bố rất ít, năm 1964 lên 6 tuổi bắt đầu có nhận thức thì đi sơ tán. Ba anh em tôi lên bà ngọai ở một thị trấn nhỏ ở Bắc Giang, được môt thời gian thì Mỹ ném bom xuống kho lương thực của thị trấn. Bà tôi sợ hãi mang tôi vào gửi nhà người quen ở một làng cách thị trấn hơn 10 cây số, bà bảo hai em còn nhỏ thì ở với bà, còn cháu ở đây nhỡ chết đứa này thì vẫn còn đứa khác. Bà đưa tôi cái lọ đựng thuốc cảm APC đầy vàng (về sau lớn tôi mới biết đó là vàng) và dặn: “nếu bà chết thì mỗi tháng cháu lấy ra một lá đưa cho cụ Phó, cụ ấy sẽ lo nuôi 3 anh em, cháu nhớ giấu kỹ đừng để ai biết”. Nhưng rồi tôi cũng không bao giờ phải làm việc đó. Sau 4 năm khi Mỹ ngừng ném bom Miền Bắc tôi lại đưa bà nguyên vẹn lọ vàng. Bà ngoại tôi là một người khá đặc biệt, tôi nhớ cứ mỗi buổi trưa ngồi nhổ tóc bạc cho bà (mỗi cái 2 xu) bà lại đọc truyện Kiều, Hòang Trừu, cả thơ Nguyễn Bính nữa (mà bà không biết chữ). Chuyện ngày bà còn trẻ đi buôn bằng thuyền lớn từ Hải Phòng (bà quê Hải Phòng) vào Nghệ An ra Móng Cái rồi Hồng Kông. Bà kể có ông trùm cướp biển ở Móng Cái quý bà lắm, mỗi lần thuyền của bà ra ông lại đi áp tải. Giương cánh buồm đen lên thì kể cả nhà Đoan cũng không dám chặn lại.

 

Bà tôi bị cắt một bên lá lách, một quả thận, khi ra viện bác sĩ nói chỉ sống được một năm. Có một ông em nuôi của bà là người dân tộc ở Cao Bằng về đón bà lên nuôi một năm, không hiểu dùng thuốc gì mà bà sống được trên 20 năm đến tận năm 1979 bà tôi mới mất. Cả tuổi thơ tôi được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của bà. Bà dạy tôi từng ly từng tý, từ cách dọn mâm cơm, cách cầm đũa, cách để cái muôi múc canh như thế nào, cách ăn uống từ tốn ra sao, ăn cá thì phải gắp phần đầu trước, sau đó đến đuôi, còn phần giữa ngon nhất phải nhường người khác. Mỗi lần thịt gà tôi ngồi giữ cho bà cắt tiết bà đều nói câu “Hóa kiếp cho mày làm kiếp khác nhé, đừng làm kiếp gà nữa nhé”. Cứ khoảng 4 giờ sáng là bà dậy việc đầu tiên là thắp hương trên bàn thờ khấn vái rất lâu tôi chỉ nhớ được mỗi câu : “Con ăn ở có quỷ thần hai vai chứng giám”. Bà quý bố tôi lắm, toàn gọi là con và xưng là “Đẻ” rất ngọt ngào.

 

Tôi nhớ năm 1967 trước khi đi B bố lên ở với chúng tôi mấy ngày, bà bảo “Con cứ yên tâm ra đi, đẻ sẽ nuôi các cháu, đẻ có chết thì các cháu mới phải khổ”. Lúc này bố tôi lấy bút hiệu là Lê Hoài Đăng (tên 3 anh em tôi). Bố bảo nếu con nghe đài hay đọc báo thấy có tên Lê Hoài Đăng thì là bố đó. Suốt thời gian đó bố tôi chỉ lên thăm chúng tôi được một lần vì ông phải đi suốt từ Hàm Rồng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Cuối năm 1968 khi đi B ra ông lên đón tôi về Hà Nội, thấy tôi đội nón mê cầm cây sào tre buộc túm lá chuối chăn vịt trên đồng, ông ngồi trên bờ ruộng khóc rưng rức.

 

5

Người ôm chí lớn đi tìm bạn

Ngồi hát bâng quơ chợ vãn người

Bướm ong xiêm áo chiều chạng vạng

Gặp khách tri âm khúc khích cười

(Thơ bố tôi)

 

Bố tôi có khi cả ngày chả nói câu nào, nhưng cũng có khi nói cả ngày không cần nghỉ. Nhiều lúc tôi cũng ngạc nhiên trước khối kiến thức đồ sộ của ông, giấu sau vẻ ngoài hiền lành, đôn hậu là một tính cách rất quyết liệt. Ông cũng rất hài hước, có những chuyện ông kể sau này tôi mới hiểu còn lúc đó chỉ thấy buồn cười. Ví dụ ông kể : Có buổi tối bố cùng bác Xuân Thiều đi dọc phố Phan Đình Phùng qua nhà ông Tố Hữu, bác Thiều nói: Sách này! có bao giờ mày nghĩ được ở trong những ngôi nhà này không? Bố tôi trả lời mình mới là úy quèn, mơ đến bao giờ mới lên tướng, họa có mà đảo chính. Vậy mà bác ấy về báo cáo, bố bị mang ra chi bộ kiểm điểm. Chuyện năm 1972 khi bố tôi phụ trách đoàn thanh niên các lực lượng vũ trang đi dự Festival thanh niên sinh viên thế giới ở Đức. Trong đoàn có anh hùng Thái Văn A, bố tôi hỏi: Cậu cũng gan đấy nhỉ đứng đếm bom nổ chậm như vậy mà không sợ à? Anh A trả lời : “Anh giấu đừng nói nhé, ngay loạt bom đầu đã bay mẹ nó mất thang rồi, sợ bỏ mẹ nhưng xuống thế đếch nào được, bọn ở đơn vị cũng sợ còn bom nổ chậm có dám vào cứu em đâu. Mấy ngày sau mới đưa em xuống, đổ nước cháo vào mồm mới sống lại được, không thì cũng chết đói.”

 

Bố tôi cũng tự nhận mình chỉ là người viết chuyện chứ chưa phải viết văn, trong đời văn của ông có hai tác phẩm là Đội du kích thiếu niên Đình Bảng Mặt trời quê hương là ông coi là có giá trị, không phải về mặt nghệ thuật mà là đã “chiêu tuyết” cho những người có công lao mà bị quên lãng. Về Đội du kích Đình Bảng tôi chỉ nghe nói khi cuốn sách ra đời thì lúc đó Nhà nước mới nhớ tới công lao và khôi phục cho những thiếu niên đó. Hôm bố tôi mất các ông cũng sang đưa tiễn, toàn những ông lão đã xấp xỉ 70 cả. Làng Đình Bảng coi bố tôi như là công dân danh dự của làng, nhiều người nói nhờ ông mà làng nổi tiếng nhưng ông lại nói ngược lại, nhờ có làng Đình Bảng mà ông được nhiều người biết. Có lần ông nói khi chết đi mà vẫn còn được dân làng nhớ tới là mãn nguyện lắm rồi. Còn Phạm Ngọc Đa thì nỗi oan khiên còn lớn hơn nhiều, anh bị tra tấn đến chết mà không khai nơi trú ẩn của các cán bộ. Vậy mà sau khi hòa bình người anh hùng bỗng hóa thành tên phản bội. Gia đình người chị của anh (anh mồ côi nhà chỉ có hai chị em) sống thật khốn khó, không được chia ruộng trong cải cách ruộng đất, không được vào Hợp tác xã sau này, con cái không được học hành. Năm 1970 khi bố tôi về vùng đó được một linh mục coi sóc xứ đạo cung cấp những bằng chứng minh oan cho anh, trong khi một trong những người cán bộ được anh bảo vệ lúc đó đang là Bí thư Huyện ủy mà không có một lời nào giải nỗi oan tày trời đó. Khi cuốn Mặt trời quê hương ra đời, anh được phong anh hùng, được dựng tượng ở trung tâm huyện. Xã,huyện được tặng Huân chương v.v…

 

Một lần tôi đi Lào Cai, trong lúc chờ tàu ở ga Phố Lu vào ăn cơm ở một quán bụi, chủ quán là một người đàn bà lam lũ, khi biết chị quê ở Tiên Lãng Hải Phòng, tôi hỏi chị có biết Phạm Ngọc Đa không? Thật tình cờ hóa ra chị gọi anh Đa là cậu ruột. Khi biết tôi là con của bố, chị dắt hai đứa con ra quỳ xuống lạy tôi và nói “Xin chuyển lời tới ông, gia đình con đội ơn ông nhiều lắm, ông như người đã sinh ra gia đình con lần thứ hai”.

 

Mấy anh em tôi cũng được bố dẫn đến mộ anh Đa một lần.

 

Tôi thì lại thích cuốn Cuộc hôn nhân bị đánh tráo viết về chuyện con của một người đánh xe bò lấy con gái một vị bộ trưởng. Chuyện này có thật, xảy ra ở nơi ba anh em tôi sơ tán. Tôi thích thú vì khi đọc thấy gặp rất nhiều nguyên mẫu mà tôi có quen trong đời thật.

 

Tác phẩm mang lại sự nổi tiếng và cũng nhiều hệ lụy nhất cho cha tôi là Chân dung nhà văn. Ông viết từng bài và chép vào cuốn sổ tay nhỏ loại bỏ túi. Ngày còn nhỏ tôi thường lén đọc mỗi khi ông đi vắng, một lần bị bắt gặp ông nói con chưa nên đọc cái này và đem cất kỹ. Các nhà văn hiện lên chỉ bằng vài câu thơ, những tượng đài văn học mà chúng tôi phải ra rả đọc suốt ngày trên lớp bỗng hiện ra dưới hình ảnh khác. Tôi còn nhớ kỷ niệm về bài học phân tích lão Am trong Cái sân gạch, vì nhớ tới chân dung Đào Vũ mà tôi đã làm cho cô giáo dạy văn ngơ ngác. Một lần nữa năm học lớp 10 phải phân tích Chí Phèo tôi lười nên nhờ ông viết hộ, thầy giáo đã phê : “Vì em quá hiểu rộng biết nhiều nên câu văn có nhiều ẩn ý làm người đọc không phát hiện ra” và thầy cho …2 điểm. Khi tôi kể lại với bố, ông cười lớn có vẻ thú vị lắm ông bảo: “Bác Nguyễn Khải làm văn hộ thằng Huỳnh cũng được 1 điểm”. Con gái lớn của tôi hồi đi học cũng là học sinh giỏi văn Thành phố có lần làm bài dám chê thơ của một “nhà thơ lớn” là thơ “con cóc” cô giáo vội nói Con ơi biết vậy nhưng đừng nói với ai, cả hai thầy trò mình đều chết. Khi nó kể chuyện này với ông nội, ông khoái lắm và kể ngày nhỏ ông cũng phải làm bài luận tả đức Kim Thượng (tức vua Bảo Đại) lúc này dư luận đang xôn xao vì vụ Ngài lên Đà Lạt đi “mò” bà đầm bị ông Tây bắn què chân, bố tôi đưa luôn sự kiện này vào bài luận. Thày xé đi và bảo đầu tiên là con chết sau đó là thầy cũng chết.

 

6

Cung Thê trong Tử Vi của bố tôi có sao Cự Môn. “Cự Môn cư Thê đa hoài bất mãn ”. Biết làm sao, Thày Khổng Tử là người dạy lễ giáo cho đời mà cũng phải thay đến 7 đời vợ, chỉ vì ông Cự Môn quái ác đóng giữa cung Thê.

 

Bố tôi có hai người vợ, mẹ tôi là một cô “văn công”xinh đẹp hát hay. Hai người yêu nhau lắm, mẹ kể ngày còn ở đơn vị ông tiểu đoàn trưởng mê bà, ông ta ra điều kiện hoặc là phải lấy ông ta hoặc là xuất ngũ, khi bố tôi nghe tin chạy lên thấy mẹ đang khóc thu dọn ba lô quần áo, ông xông vào tiểu đoàn bộ tát ông tiểu đoàn trưởng hai cái. Nhưng rồi cũng êm đẹp cả, mẹ kể đám cưới vui lắm do chính bác Phùng Thế Tài làm chủ hôn. Năm 1968 khi bố tôi ở chiến trường ra thì hai người đổ vỡ, chúng tôi còn nhỏ chỉ biết ngơ ngác nhìn mẹ khóc còn bố thì lầm lỳ không nói câu nào. Tôi nhớ một buổi chiều ở nhà số 4 Lý Nam Đế khi cô cấp dưỡng của Tạp chí lên gọi hai bố con xuống ăn cơm thì bố tôi khóc và nói “Bưởi ơi chị bỏ anh rồi”. Sau đó anh em tôi theo mẹ lên Bắc Giang, mẹ tôi vào làm y tá ở Bệnh viện Huyện gần nhà bà ngọai nơi ba anh em ở hồi sơ tán. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa tôi tìm thấy trong đống sách có quyển nhật ký của mẹ ghi lại những kỷ niệm tình yêu của hai người, rất nhiều bài thơ bố làm tặng mẹ và tờ Đơn xin ly hôn trong đó có ghi rõ lý do vì sao hai người bỏ nhau. Chỉ cảm thấy tê dại, cảm giác đầu tiên là thương bố và hận mẹ. Sau này lớn lên hiểu chuyện đời, thấy thông cảm cho mẹ và vẫn kính trọng nhưng tình yêu phải có của đứa con đối với mẹ thì không thể lấy lại được. Thế mới biết có những ấn tượng thời thơ ấu sẽ theo người ta suốt cuộc đời là sự thật chứ không phải mấy ông nhà văn bịa ra.

 

Do vậy, tuy phải ở Bắc Giang nhưng cứ thứ bảy, chủ nhật và ba tháng hè là tôi chuồn về Hà Nội với bố, mới hơn 10 tuổi đầu mà tuần nào tôi cũng đạp xe gần 40 cây số từ nơi sơ tán về Hà Nội. Có lần bố nói với tôi : “Bố là người ích kỷ, không làm tròn trách nhiệm với con cái, ngày bố mẹ định ly hôn, bố nghĩ bố phải nuôi cả ba anh em, không để các con ở với mẹ được. Nhưng nếu thế thì bố phải bỏ sự nghiệp của mình. Do vậy bố đồng ý với mẹ không bỏ nhau nhưng hai người phải sống xa nhau một thời gian. Đã trót theo nghiệp này bố cũng mong con cái chịu một chút hy sinh”. Lúc đó tôi định nói có bao giờ bố thử tính một chút đó nó ghê gớm thế nào không, nhưng rồi tôi kìm lại được, lờ mờ cảm thấy sự đáng sợ của nghiệp văn chương. Năm 1972 đứa em út của tôi ra đời giữa những ngày sơ tán tránh B52, tôi vui mừng vô cùng vì nghĩ rằng những rạn vỡ trong quan hệ của bố mẹ cuối cùng cũng đã được hàn gắn. Tôi học khá hẳn lên còn được đi thi học sinh giỏi Toán toàn Miền Bắc. Lại còn học đòi học tiếng Pháp, người dạy tôi là bác Minh Việt, bác là người thường trực của Bệnh viện, ngày mấy lần làm nhiệm vụ đánh kẻng báo giờ làm và giờ nghỉ. Tiếc rằng sau vài tháng bác chuyển đi đâu không rõ. Về sau tôi mới biết bác chính là Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Thật kỳ lạ nhiều lúc tôi không thể hiểu nổi một thằng bé vớ vẩn như tôi chả hiểu vì lý do gì mà trên những ngã năm, ngã bảy của đường đời tôi may mắn được gặp toàn những người thật đáng kính trọng.

Nhưng ở đời những sự bất đắc ý thường nhiều hơn, năm 1980 khi đang ở bộ đội tôi nhận được thư bố tôi báo tin hai ông bà chính thức ly dị, cũng chẳng có lý do gì đặc biệt, nhiều người (trong đó có mẹ tôi) cho rằng ông đã có người đàn bà khác nhưng tôi biết chắc rằng không có điều đó.

 

Trong “Với Xuân Sách” của anh Phạm Lưu Vũ (bố tôi rất thích bài này) có câu “Cách đây hơn hai chục năm, văn nhân thi sĩ Xuân Sách hăm hở xách vợ con hành phương Nam”. Nhiều người phản ứng, thậm chí có bạn đọc còn viết: “PLV sai rồi không phải XS xách vợ con hành phương Nam mà là ông bỏ tất cả để đi với người đàn bà ông yêu”.

 

Tôi kể những chuyện này chỉ để chứng minh rằng bố tôi là người “bất hạnh” trong tình trường. Dù rằng có rất nhiều phụ nữ thầm yêu ông, có chị còn nói với tôi: Người như bố em, phụ nữ gặp mà không yêu mới là chuyện lạ. Hồi ông mới ở Đồng Nai về Vũng Tàu, một lần tôi đến thăm và hỏi thẳng ông, ông trả lời “Không phải bố bỏ tất cả vì một tình yêu lớn, bố không may mắn có được “diễm phúc” như vậy, nhưng cô ấy được hơn là những điều bố nghĩ về cô”. Đến tận bây giờ thật tâm tôi vẫn biết ơn cô vì những tháng ngày ấy dù nó thật ngắn ngủi. Và tôi cũng khó có thể tha thứ nổi cho bà vì những gì bà đã gây ra cho bố tôi. Tôi biết tính ông, cái gì cũng lẳng lặng chịu đựng một mình. Năm ngoái khi tôi thật sự lo lắng muốn đón ông ra Hà Nội, khi hai bố con gặp nhau ở Sài Gòn ông vẫn bảo “Con yên tâm,vẫn còn nhiều người yêu bố và bảo vệ bố lắm”. Ông cười: Con nhớ không, chú Trần Quốc Vượng tính cho bố sống đến năm 83 tuổi cơ mà. Rồi ông hạ giọng: “Đợi một, hai năm nữa con đỡ khó khăn thì bố sẽ ra Hà Nội, bố hứa”. Tôi tự xỉ vả mình thậm tệ bao nhiêu đi nữa cũng không thấy nguôi ngoai, giá như lúc đó tôi cứ kiên quyết đưa ông ra Hà Nội thì đâu đến nỗi,mọi sự muộn mất rồi. Hôm đưa ông ra Hà Nội vào Bệnh viện Hòe Nhai, câu đầu tiên ông hỏi tôi: Đây là đâu hả con? Hà Nội bố ạ! Ông đòi tôi đỡ dậy để ông nhìn qua cửa sổ. Tôi chỉ con phố và nói: Bố nhìn đi, chợ Hòe Nhai này. Bố còn nhớ ngày xưa hai bố con thuờng ra đây mua thức ăn về nấu cơm không. Ông gật đầu rồi mới yên lòng nằm xuống giường.

 

7

Ngày còn nhỏ tôi lăn lóc trong căn nhà số 4 Lý Nam Đế (Tạp chí Văn nghệ Quân đội - sau năm 1975 chú Thu Bồn đổi thành “Văn đội quân Nghệ” vì lúc này chuyển về Tạp chí có nhiều người Nghệ An) thuộc từng góc cầu thang, chỗ phồng lên của sàn gỗ lim trên tầng 2 gần cửa phòng bác Thanh Tịnh.Tôi biết hết các bác, các chú, có một bài vè kể tên từng người mà lũ trẻ bọn tôi thường nghêu ngao (xin trích 1 đọan) :

 

Cô Hoài xấu ghê

Ngồi lê đôi mách

Con ông Xuân Sách

Cháu bà Xuân Quỳnh

Nghiên cứu phê bình

Là cô Minh Mẫn

Lẩn thà lẩn thẩn

Là chú Thanh Tâm

Cám hấp cám hâm

Là ông Minh Tước

Quên sau quên trước

Là bác Minh Châu

Không đâu vào đâu

Là cô Hồng Điệp

Gan vàng dạ thép

Là chú Thảo Nguyên

Ăn nói huyên thuyên

Chú Phạm Tiến Duật

Lật đà lật đật

Là chú Hà Trì

Hay thở phì phì

Là bác Thanh Tịnh

………………

 

Một lần tôi đang nghêu ngao bài vè “Nhất hạt mít nhì khoai lang” thì bác Xuân Thiều bắt gặp đúng đoạn có tên bác, bác trừng mắt quát “ Bố mày là thằng ngu còn chú mày là thằng dại”.

 

Ở dãy nhà cấp 4 phía sau Tạp chí có kê một bàn bóng bàn, buổi chiều và buổi tối là nơi tập trung mọi người, nhất là hôm nào có tổ chức thi đấu giữa Tạp chí và Báo Quân đội nhân dân hay Điện ảnh quân đội. Bọn nhóc chúng tôi làm nhiệm vụ reo hò cổ vũ và đi nhặt bóng. Một lần sau trận đấu bác Thanh Tịnh đứng lên kể chuyện (đây là tiết mục thường xuyên của bác) bác nói : “Xuân Thiều à thơ của bộ đội bây giờ chẳng có vần vèo gì cả hôm rồi ở dưới đơn vị gửi lên bài thơ có câu :

Xuân Thiều lững thững dọc đường thôn

Bỗng phát hiện ra một cái…….

Bác ngừng một chút rồi đọc tiếp : QUẠT

Trời ơi nghe bác đọc câu thơ đó bằng giọng Huế, tôi đố ai nhịn được cười.

 

Sau này khi đọc “chân dung” bác Xuân Thiều tôi đoán bố tôi đã dùng ý câu thơ này của bác Thanh Tịnh để viết. Ở “Nhà số 4” còn có một cây cù nữa là chú Quốc Viễn. Tôi chưa thấy ai có kiểu cười như chú và bác Vũ Cao, nó ấn tượng đến nỗi đến tận bây giờ tôi cho rằng đàn ông phải cười như hai người đó. Cứ buổi trưa sau bữa cơm chú lại gọi bọn nhóc chúng tôi “Lại đây chú hát cô đầu cho mà nghe”. Chú nằm trên chiếc ghế dài vén áo để lộ cái bụng phệ, mồm ư ử : Hồng hồng tuyết tuyết … tay vỗ bụng kêu chát chát tom tom. Chú sợ nhất là đi viếng đám ma, hồi bà ngoại tôi mất chú cũng lên nhưng rủ tôi ra đứng ngoài đường, chú bảo “Ở trong đó nhỡ tao buột miệng cười ông ổng thì bỏ mẹ. Hôm đám tang ông Hoài Thanh (Lúc này bác Vũ Cao và bố tôi đã ra Nhà Xuất bản Hà Nội) khi đoàn của Nhà Xuất bản vào viếng đột nhiên ông trưởng phòng Hành chính hô to: “Nghiêm, một phút mặc niệm bắt đẩu” rôi ông dõng dạc“Hôm nay là ngày cụ hai năm mươi…” Đột nhiên một tràng cười không thể lẫn rộ lên. Tôi ngó sang đúng là chú Quốc Viễn.

 

Hôm sau cô Minh Tâm (cô là con dâu ông Hoài Thanh và là biên tập viên của Nhà Xuất bản Hà Nội) kể: “Bà chị dâu hỏi cô cơ quan nào đấy? cô chối bay chối biến, em cũng không biết”. Còn bố tôi thì bảo ông trưởng phòng: Từ nay tôi cấm anh không được thay mặt cơ quan đi viếng đám ma. Tôi mà có tài thế nào cũng đưa ông này làm một nhân vật tiểu thuyết. Một lần đi làm về tôi thấy bố đang quát tháo ông ta rất dữ, ít khi thấy ông giận như vậy. Khi ông trưởng phòng ra về, vẫn chưa hết giận bố chỉ cái phong bì vứt trên bàn và bảo tôi “con mở ra mà xem”, tôi mở phong bì và đọc :

Kính thưa anh !

Sáng nay vào hồi 9h20 phút có một người đến hỏi anh tôi nói anh đi vắng. Vậy kính báo việc này để anh biết.

Hà Nội ngày….

Dưới chữ ký bay bướm là dấu mộc đỏ chói với dòng chữ rất đẹp :

“Trưởng phòng hành chính”.

Khi bố tôi vào Nam ông ta là người hăng hái nhất trong việc viết đơn kiện bố.

 

Tôi rất hay lê la hóng chuyện giữa bố tôi và các nhà văn mà các ông thì để ý làm gì thằng nhóc con hỉ mũi chưa sạch. Và thế là tôi cứ lặng lẽ quan sát từng người, có hai người để lại ấn tượng cho tôi nhất là bác Thanh Tịnh và bác Nguyễn Khải.

Chú Vương Trí Nhàn viết: Ở VNQĐ, Xuân Sách là người hiểu Nguyễn Khải đến chân tơ kẽ tóc. Còn bác Khải thì nói đại ý: “Sở dĩ tôi và ông Sách chơi được với nhau lâu và có vẻ thân thiết là vì chúng tôi biết giữ một khoảng cách”. Khi bố tôi in Chân dung nhà văn bác còn viết “Không ngờ Xuân Sách khôn ngoan mà về già lại có những toan tính lẩm cẩm cho in những đoạn thơ “diễu” một thời thành tác phẩm văn học chủ chốt của đời mình. Và bác còn thấy “xấu hổ quá, xấu hổ cho mình, cho bạn bè và cho cả giới”.

Hồi đó tôi thấy bác Khải và bố tôi thân nhau thật, khi chỉ có hai người họ toàn gọi nhau là “mày, tao”. Một buổi tối tôi chứng kiến bác Khải bước vào phòng bố tôi nói gì đó tôi không để ý, chợt tôi thấy bố nói : Không hiểu sao tao thấy mệt quá mày ạ, mồ hôi cứ vã ra. Rồi ông nói to : Bỏ mẹ, từ sáng đến giờ chưa ăn gì. Bác Khải gắt : Bỏ đấy, tao còn tiền đây cầm lấy mà đi ăn phở. Ông móc các túi rồi ngẩn người, còn mỗi...một đồng, ông thở dài rồi buông một câu : “Khốn nạn,hai thằng nhà văn” (lúc này phở ngon Hà Nội đã lên giá 1,5 đồng một bát). Có một lần bố tôi lên Bắc Giang thăm mấy mẹ con, hôm đó rất đông người đến, các bác sĩ chỗ bệnh viện của mẹ tôi, một số thày giáo dạy văn ở trường cấp 3 huyện, mẹ tôi bận rộn nấu nướng với nét mặt sung sướng. Mọi người ngồi từ sáng đến tối chỉ nghe bố tôi nói về vở kịch Cách mạng của bác Khải. Lúc này bố tôi mới hoàn thành “chân dung” Nguyễn Khải sau bao lần viết đi viết lại mà không ưng ý. Tôi còn nhớ mấy câu ông đã viết về bác Khải rồi lại bỏ đi :

Anh đi anh lại về ngay

Hòa Vang chính ở ngoài này đó em

Hay:

Em đừng tính quẩn lo quanh

Họ chiến đấu chứ phải anh đâu mà

Lúc này tôi đã lớn, nên có nhiều chuyện bố cũng nói với tôi. Tôi đọc câu kết:

“Muốn làm cách mạng nhưng lại…nhát”

rồi nhìn bố, ông thở dài : Bố mong là mình viết sai.

 

Nguyễn Khải là người cực kỳ thông minh và tỉnh táo, điều này không cần phải bàn cãi. Tôi hay được gặp ông nhưng vẫn khó thấy gần gũi như với bác Thanh Tịnh. Kỷ niệm tôi nhớ mãi là một lần gặp ông ngoài phố, tôi chào ông nhưng ông không trả lời chỉ liếc nhìn rồi đi thẳng. Tôi cũng quên ngay nếu như mấy hôm sau bố tôi không nói : Bác Khải bảo bố nói với con “Đừng giận chú, hôm trước chú không trả lời Đăng là vì nhìn Đăng thì chú lại nhớ tới thằng Huỳnh, không cầm nổi nước mắt” (Huỳnh là con trai lớn của ông bằng tuổi tôi, bị chết đuối ở sông Hồng năm 1973, ông còn giữ lại cả cốc nước chanh mà Huỳnh uống dở suốt bao nhiêu năm). Thú thật lúc ấy tôi chẳng thấy cảm động gì cả. Sao ông không nói với tôi mà lại nói với bố? Hơn nữa với Huỳnh ngoài những trò nghịch ngợm hồi còn bé tí như cởi truồng nhảy vào tắm trong bể nước ăn to đùng của Tạp chí (sợ nhất là bị bác Chính Hữu bắt được, uống no nước ngay) hay trèo tường sang nhà số 2 ăn trộm nhãn, lớn lên mỗi thằng một ngả có chơi với nhau nữa đâu. Hôm được tin bố tôi báo Huỳnh chết tôi lao lên xe đạp chạy như điên suốt buổi tối,cũng chỉ vì câu nói của bố : “Ngoan như thằng Huỳnh thì chết, còn…”. Sau này đọc Đi tìm cái tôi đã mất của bác Khải và Giải mã chân dung của bố “Đóng thêm khung cho những bức tranh chân dung” như bố tôi nói, tôi càng hiểu bác hơn. Tiếc thật, tính toán kỹ lưỡng từng việc nhỏ nên khi tính việc lớn lại thường nhầm. Ôi, tiếc thật. “Một tài năng lỡ tàu”.

Bác Thanh Tịnh khai trong “lý lịch cá nhân” :

Trải qua mấy chục năm trường

Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân

Một ông tiên nhân hậu ôm nỗi buồn man mác suốt cuộc đời như xứ Huế quê ông. Có lần ông nói “Tiếng hò Huế quê bác nó dài như…. một tiếng thở dài”

 

Lần in cuốn “Đi từ giữa một mùa sen” ông tặng tôi với dòng chữ “Rất thân yêu tặng cháu Nhật Đăng”. Hình như ngoài những tác phẩm ông viết trước cách mạng đó là tập thơ duy nhất của ông được in thành sách khi còn sống. Kỷ niệm về ông thì thật nhiều nhưng có lẽ để một dịp nào đó tôi sẽ kể. Một buổi tối em gái tôi gọi điện “Anh ơi bác Thanh Tịnh mất rồi”. Tôi bàng hoàng, mới cách đó ít ngày tôi còn nhìn thấy ông, hôm đó tôi đang ngồi ở quán nước chè vỉa hè góc đường Hòe Nhai thì nhìn thấy ông đi dọc phố về phía bờ sông, có lẽ ông từ nhà người em kết nghĩa ở ngõ Yên Ninh đi ra. Tôi chỉ ngồi im nhìn ông, dáng người cao lớn, mái tóc dài trắng xóa như cước, đôi giày da cao cổ quá cỡ không bao giờ buộc dây…ông lặng lẽ đi, liêu xiêu trong ánh nắng quái chiều hôm và làn gió từ sông Hồng thổi lại.

 

 

8

Bố tôi có phải là người nổi tiếng không? Có lần tôi hỏi ông đại khái như vậy, ông nghếch mặt lên nheo mắt cười “Thằng này coi thường bố” rồi ông kể:

- Có một ông người Nhật đến Vũng Tàu thăm bố, ông ta nói đã từng dạy học ở Hà Nội 3 năm, tự coi mình là người hiểu khá rõ Việt Nam. Ông ta kể: Một lần khi dự một Hội nghị quốc tế ông ta gặp mộ tngười bạn cũng từng ở Việt Nam, người đó hỏi: Ông đã gặp Xuân Sách chưa? /Chưa./ Vậy là coi như ông chưa tới Việt Nam. Nên hôm nay tôi đến tìm ông.

Khi còn nhỏ tôi hay bị giới thiệu “Đây là con nhà văn Xuân Sách, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” thờigian gần đây thì là “con ông Việt Nam trên đường chúng ta đi”. Khi bài hát này ra đời tôi được bố đưa đến nhà hàng Phú Gia cùng bác Huy Du, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món “cá bỏ lò” và uống rượu vang Pháp.

Tôi còn nhớ bữa ăn đó hết có 2 đồng, khi về bố nói “Nhuận bút được 20 đồng, bố được chia phần nhiều hơn nên bố khao”. Một lần mấy tên đàn em mời tôi đi Karaoke, có lẽ muốn “nịnh” tôi nên chúng nó chọn bài đầu tiên là Đường chúng ta đi, cô tiếp viên hỏi : Chắc các anh là con nuôi ông Xuân Sách? Cô giải thích : Có mấy anh hay vào đây, lần nào chọn bài này cũng tranh nhau hát và bảo để tao hát bài của bố nuôi tao. Tôi cười :

- Lần sau chúng nó đến, em cứ bảo không được hát bài này nữa, vì đã có anh là con nuôi của ông Huy Du hát rồi.

Lần bác Huy Du lên Tivi nhận giải thưởng và nói về bài hát này, tôi có gọi điện cho bố, ông trả lời : Bố có biết, bác Huy Du cũng gọi cho bố, bác nói: “Sách ơi, xin lỗi mày tao hèn”

Bố cũng kể :

- Một lần bố đi Karaoke cô bé tiếp viên chọn bài Đường chúng ta đi, bố phảy tay “không hát bài này” cô ta chọn tiếp bài Cùng anh tiến quân trên đường dài, bố hơi ngạc nhiên, thì cô ta nói tiếp “anh tưởng em không biết anh là ai à? anh đưa bàn tay đây” khi bố xòe tay ra cô ấy viết vào lòng bàn tay bố hai chữ “XS”. Bố vội vàng đứng dậy chắp tay : “Lạy em, anh định trốn vợ thử đi hư một lần trong đời mà không được.”

Hôm tôi lên cửa hàng phục vụ tang lễ ở phố Phùng Hưng để chuẩn bị lo cho bố, khi nghe tên ông cô chủ nói “Em có nghe tên cụ, anh yên tâm cứ về đi em sẽ cho chở đầy đủ mọi thứ xuống Nhà tang lễ, thứ nào dùng không hết thì trả lại sau” cô nói thêm : cho phép chúng em làm hoa trang trí trên quan tài của cụ và đây là tấm lòng của bọn em kính viếng cụ. Mấy ngày sau tang lễ, vợ chồng tôi lên thanh toán, cỗ quan tài giá 8 triệu đồng mà cô chỉ tính 3 triệu. Ông anh vợ tôi cũng kể : Khi anh lên Hàng Mắm làm bia cho ông, ông chủ cửa hàng nói “Ông này là người của quần chúng, bao giờ “sang cát” tôi xin làm cho ông một tấm bia thật đẹp”.

Hôm vừa rồi ngồi uống café với anh Nguyễn Hòa trong Sài Gòn, anh bảo :

- Bố em là người mà cả chính đạo, tà đạo, lục lâm giang hồ thảo khấu (tất nhiên tôi hiểu anh chỉ nói tới giới văn chương) đều tâm phục khẩu phục. Không biết em có học được bố chút nào không.

 

Tôi có học được chút gì từ bố không? Tôi cứ băn khoăn về câu hỏi của anh Nguyễn Hòa. Ngày còn bé tôi hay được ông đưa đi theo các buổi nói chuyện thơ ở các đơn vị bộ đội, các buổi liên hoan thịt chó khi có chú bác nhà văn nào đó được đi nước ngoài, các buổi “trà dư tửu hậu” bàn chuyện văn chương các buổi này được cô Nguyễn Thị Như Trang nhận xét “thứ văn chương salon”. Tôi tự nhận thấy mình chả có chút năng khiếu văn chương nào, có lẽ bố tôi cũng nhận thấy như vậy dù khi nào ngồi riêng hai bố con ông toàn nói chuyện văn chương, kể cho tôi nghe ông đang viết gì. Có lẽ tôi học được ông cái nguyên tắc sống. Tôi rất thích câu nói của người Trung Hoa “Đầu gối của người đàn ông làm bằng vàng, chỉ quỳ trước trời đất và cha mẹ.”

Khi bố tôi còn đang nằm ở bệnh viện Thống Nhất - Sài Gòn hội VHNT Bà Rịa-Vũng Tàu lên thăm có mang theo một cuốn Tạp chí của Tập đoàn Dầu khí trong đó có bài kể về những kỷ niệm vui về bố tôi như : không bao giờ đi giày, không biết sử dụng điện thọai di động, quên đường về nhà, sợ cảnh sát giao thông vv… Tôi đọc mà thấy ngạc nhiên, nói như người Nam Bộ là “má ruột còn hổng nhận ra”. Ngày xưa khi bác San vợ bác Xuân Thiều là nhân viên bán hàng của Bách hóa Tổng hợp Hà Nội, ai từng sống ở Hà Nội những năm đó đều biết hàng năm khi sắp đến ngày 2-9 Bách hóa Tổng hợp đều có bán những mặt hàng mà ngày thường không có. Lần nào mà có giày “Da bò đế kếp” bác San đều nhắn cho bố tôi và tôi là người ra cửa hàng để nhận.

 

Ngày tôi mới đi bộ đội một lần được “tranh thủ” về Hà Nội mua bột màu để lên vẽ cho phòng Truyền thống của Trung đòan, khi trở lại đơn vị tôi được bố chở đi bằng xe máy. Đến thị xã Bắc Ninh hai bố con vào nghỉ chân ở một hàng giải khát thì một anh công an đến kiểm tra giấy tờ, sau khi xem đủ các loại giấy như : Đăng ký xe, Bằng lái, Sổ xăng…anh chỉ cái balô của tôi hất hàm :

- Mở ra.

Tôi mở ra, anh nhìn và gắt :

- Sao mua nhiều hương thế này

- Vì bà con chỗ tôi đóng quân rất thích thắp hương của Hà Nội nên tôi mua lên để biếu họ.

Anh thò tay vào balô cầm lên một hộp sắt rất đẹp (Đấy là cái hộp đựng sâm Triều Tiên bố tôi được phát hồi đi B, sâm ông biếu bà ngoại tôi còn vỏ hộp giữ lại để đựng chè) ngắm nghía rồi hỏi:

- Cái gì đây

- Dạ chè

- Chè mà phải để kỹ thế này à?

Tôi nghe thấy bố khịt khịt mũi (dấu hiệu khi ông sắp nổi giận), tôi nén cười quay mặt ra chỗ khác. Quả nhiên bố tôi quát to :

- Ở trường chúng nó dạy dỗ mày ra đường nói chuyện với nhân dân như thế hả?

Rồi ông nói thêm :

- Tao đã đi nhiều nước mà chưa thấy ở đâu cảnh sát mất dạy như mày.

Những người xung quanh tò mò theo dõi từ đầu có vẻ thích thú lắm, một anh công an khác đeo quân hàm Trung úy từ phía bên kia đường vội chạy sang nói với bố tôi :

- Bác thông cảm, cậu này mới ra trường nên còn chưa có kinh nghiệm.

Hai bố con không nói gì lặng lẽ lên xe đi tiếp, ông im lặng suốt chặng đường, khi dừng xe để hút thuốc ông chỉ tay ra cánh đồng trước mặt nói :

- Con nhìn kìa, lúa chín đẹp thế kia mà không có một người nông dân nào đi gặt, con biết vì sao không?

- Dạ biết, đi gặt cả ngày “công điểm” chỉ được 3 lạng thóc.

Ông thở dài :

- Khi người nông dân không còn quý hạt thóc là nguy rồi con ạ.

Chiếc xe máy của bố tôi cũng có một “kỷ niệm”, có lần nó bị mất cắp dù để tận gầm cầu thang “Nhà số 4”. Sau một thời gian có anh công an đến nhà báo cho bố tôi là đã tìm lại được và mời ông đến nhận, anh nói thêm :

- Xin bác “bồi dưỡng”một chút cho mấy anh em hình sự đã vất vả đêm hôm đi tìm xe cho bác.

Ông trả lời :

- Một là các anh bán cái xe đó đi lấy tiền chia nhau, hai là trả lại tôi, đó là nguyên tắc sống của tôi, anh thông cảm.

Dĩ nhiên là chiếc xe được trả lại nhưng nó sinh ra đủ thứ bệnh không chữa được bố tôi đành bán đi để mua một cái xe đạp, ông nói “Thế là mèo lại hoàn mèo”.

 

9

Có một người bạn “vong niên” nói với tôi :

- Bố cháu là người giáo dục con cái theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa” cứ lao xuống dòng sông đời mà vùng vẫy đi, lúc nào thấy nguy hiểm sẽ ném cho một cái phao.

Bác ấy nói hơi quá, bố tôi rất chú ý đến anh em chúng tôi, nhưng không bao giờ áp đặt một khuôn mẫu cứng nhắc, không bao giờ quát mắng. Khi tôi chuẩn bị vào lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ), ông nói với tôi:

- Năm nay con phải tập trung vào việc học, vì phải thức khuya nên bố cho con được hút thuốc lá, cho tiền tiêu vặt vì thỉnh thoảng bạn bè mời mình thì mình phải mời lại. Nhưng có một việc tuyệt đối cấm là dính vào chuyện yêu đương.

Không hiểu sao tôi lại dính vào chuyện bị tuyệt đối cấm, một hôm ông bảo tôi : Ăn cơm xong bố muốn nói chuyện với con. Tôi run lắm vì biết mình “phạm tội”gì rồi. Buổi tối khi hai bố con ngồi với nhau ông hỏi :

- Con biết bố muốn nói chuyện với con vì việc gì không ?

Tôi im lặng, ông nói tiếp với giọng dịu dàng hơn:

- Yêu đương ở tuổi con là sớm, nhưng bố mẹ cũng thấy rất mừng, như vậy là con đã trưởng thành, hai đứa đừng làm gì để cho bố mẹ phải xấu hổ là được. Bảo nó cứ đến nhà chơi, bố cũng coi nó như con.

Trời ơi, tôi sướng như là được lên thiên đường. Khi tôi bị mẹ mách bố tội vì ngang bướng mà không được vào Đoàn, ông hỏi rõ nguyên do rồi cũng không nói gì. Hồi đó có quy định một số trường Đại học phải là Đoàn viên mới được dự thi. Chuyện tôi không được vào Đoàn cũng thật “lãng xẹt”. Hôm đó trong buổi học “cảm tình” Đoàn thầy giáo dạy Địa lý kiêm Bí thư Đoàn trường khi nói về việc có tài mà không có đức liền lấy tôi ra làm ví dụ.

 

Chuyện yêu đương của tôi đã nổi tiếng toàn trường, thày giáo dạy Sử của chúng tôi nhà ở phố Hàng Đào (gia đình thày chính là hiệu vải Ích Phong mà nhà văn Nguyễn Đình Thi lấy làm nguyên mẫu trong tiểu thuyết Vỡ bờ) trong một lần lên lớp sau khi gọi cả hai đứa chúng tôi kiểm tra bài thày nói: “Hôm qua họp Ban giám hiệu có nêu trường hợp của hai anh chị, nhưng học như thế này thì tôi ủng hộ chuyện yêu đương cả hai tay”.

 

Thày Bí thư Đoàn còn nói thêm:

- Anh đừng cậy mình là con ông nọ, ông kia mà không coi ai ra gì, tôi còn làm Bí thư Đoàn thì anh đừng nghĩ tới chuyện vào Đoàn.

Tôi đứng lên:

- Thưa thày nếu thày còn làm Bí thư thì em cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện vào Đoàn.

Hồi mới lấy nhau vài năm vợ chồng tôi có chuyện, các em tôi bức xúc lắm, cô em gái bảo : “Anh mà không bỏ bà ấy thì mất anh em”, cậu em rể thì bảo “Em xem Kinh Dịch, anh bỏ vợ thì sự nghiệp sẽ chóng thành công”. Bố tôi lo lắm, ông gọi điện “Nếu căng thẳng quá thì con vào đây xem bóng đá với bố một tháng rồi lại về” nhưng vài ngày sau ông bay ra Hà Nội, ở nhà tôi đến ngày thứ hai ông nói :

- Bố thấy nó cũng được đấy chứ.

- Thì con có nói là cô ấy không được đâu

Ông cười khì khì :

- Nhiều thằng đàn ông cứ ngộ nhận là “cải tạo” được vợ, ngược lại thì có, học bố đây này “ngoan” đi là vừa.

Mỗi lần ra Hà Nội, chúng tôi chia ra ông ở nhà mỗi đứa vài ngày, khi ở nhà tôi ông bảo : “Nhà này là “vô kỷ luật” nhất nhưng ở đây là sướng nhất”.

Những ngày bố tôi nằm viện, những việc như cho ông đi vệ sinh hay tắm rửa toàn một tay vợ tôi làm, mỗi tối cô ấy đều xách thùng nước lá thơm nấu ở nhà mang lên bệnh viện để tắm cho ông. Câu cửa miệng là :

- Để con tắm cho “đại ca” nào, con dùng xà phòng “đàn ông đích thực” đấy nhé .

Thấy tôi cho bố ăn cô ấy gắt :

- Để em, anh cho bố ăn mà chân tay cứ lóng nga lóng ngóng.

Tôi không nói gì, cô ấy biết đâu rằng mỗi lần cho bố ăn tôi lại nhớ tới câu đối của bác Thanh Tịnh:

Bố đút con ăn, con cười bố cười

Con đút bố ăn, bố khóc con khóc

 

Bức xúc về những thông tin sai lạc về bố tôi trên các trang mạng (đến nỗi chú Trần Hoàng Bách phải viết một loạt entry “Nỗi oan Xuân Sách” trên blog của mình) tôi gửi Du Nam cho anh Nguyễn Hòa vcv chỉ để cải chính vài thông tin.

 

Vậy mà trên “lethieunhon.com” copy lại, kèm theo thông tin “Những năm cuối đời nhà thơ Xuân Sách cặm cụi viết hồi ký”. Gần 300 trang mà anh Nhơn nói đã được đọc có lẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông (năm 2007 ông đã tìm cách để in nhưng chưa được) nhưng đó lại là chuyện khác, chẳng hề liên quan gì đến Chân dung nhà văn.Tôi có gửi một comment cho anh Nhơn nhưng không được post lên.Tôi xin khẳng định bố tôi chưa bao giờ viết hồi ký. Du Nam chỉ là một trong vài cái mà bố tôi gọi là “Những mảnh vụn ký ức”.

 

Viết về người sinh thành ra mình làm sao tránh được chuyện thiên vị, có một bạn gửi comment cho tôi “Có lẽ anh quá yêu Xuân Sách nên mới nói vậy” cô ấy còn viết thêm : “Anh Đăng ơi,có phải anh là con của nhà thơ XS không? vì em nghe nói ông có một người con tên Đăng”.

 

Tôi lại nhớ lời bố :

“Có những nỗi oan khuất tày trời cả một đời không giải nổi, mất mát của mình có đáng kể gì con”.

Đại hạn 10 năm cuối trong Tử Vi của bố tôi có sao Tuyệt, xin mượn câu phú đoán về vì sao này thay lời kết:

 

“Khôn dại nông vùi ba thước đất, là chỗ hết của muôn đời. Nắm xương trắng, nấm cỏ xanh cũng tan thành mây khói  chăng chỉ còn lại chút tiếng thơm nếu ai là một vĩ nhân”

 

Hà Nội 11-2008 – Bản có bổ sung 01-5-2012

 

 

Ngô Nhật Đăng
Số lần đọc: 2449
Ngày đăng: 02.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký (vô tích) sự vòng Bờ Hồ - Nam Dao
Xem Bóng Rỗi Hát Tế, Múa MâmVàng - Phạm Nga
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở - Minh Nguyễn
Sắc Màu Vùng Cao Nguyên Đá - Nguyễn Thị Hậu
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga
Người tù đặc biệt - Lữ Giang
Bình Tuy những ngày Tháng Tư nghẹt thở - Phan Chính
Nhớ nhà văn - Nguyễn Anh Tuấn
Gặp hai ông tướng tại New York - Trần Hoài Thư
Mẩu Chuyện Đứt Quãng Sau 30 – 4 Về Dân Học Văn Khoa - Phạm Nga
Cùng một tác giả