Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
651
116.495.366
 
Bình Tuy những ngày Tháng Tư nghẹt thở
Phan Chính

 

Đã qua 37 năm kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đất nước thống nhất, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Trong đó, thị xã La Gi ngày nay là trung tâm bộ máy đầu não của chính quyền Bình Tuy dưới chế độ Sài Gòn. Nhưng còn  có những điều mà nhiều người chưa biết, trong cơn hoảng loạn, tháo chạy những ngày ấy như thế nào….Bài viết dưới đây như một hé lộ sự thực đó.

 

 

Cho đến bây giờ nhiều người vẫn còn ám ảnh cái không khí loạn lạc hải hùng đã diễn ra trên phần đất La Gi là trung tâm tỉnh lỵ Bình Tuy cách đây 37 năm. Cuộc tiến công của đại quân giải phóng từ đầu tháng 4/1975 lần lượt đánh chiếm và giải phóng các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Báo chí đưa tin tàn quân, lẫn lộn cùng đủ loại bất hảo, tội phạm hung hăng giết người cướp của, cướp xe hoành hành ở các thành phố Phan Rang, Phan Thiết đã báo động cho Bình Tuy về nguy cơ bị tàn phá sẽ khủng khiếp hơn. Bởi vì lúc này mặt trận Xuân Lộc đang tranh chấp quyết liệt, lại là nút chặn chiến lược của quân đội Sài Gòn, đường quốc lộ 1A bị khóa chặt. Những đơn vị quân sự, hành chánh di tản có tổ chức từ các tỉnh Tây nguyên, miền Trung và dân lánh cư, chỉ còn con đường duy nhất để về Sài Gòn phải từ Cảng cá La Gi bằng thuyền vào biển Long Hải, Vũng Tàu. Hai con đường từ quốc lộ 1A, từ cây số 30 ngã Tân Thuận, Tân Hải và từ ngã ba 46 theo tỉnh lộ 2 (QL.55) để đến La Gi. Ngoài một số tàu há mồm của Hải quân vào được gần bờ, còn lại là sử dụng hết các loại ghe thuyền của ngư dân càng ngày càng thêm quá tải. Nhiều chủ thuyền ở Tân Long, Phước Lộc phải giấu ghe thuyền để không xuất bến vì bị cưỡng ép. Ở Đồi Dương, cửa biển La Gi ngổn ngang từng nhóm người phờ phạc, đói ăn nằm chờ tàu, thuyền một cách tuyệt vọng…Ngoài khơi vài chiếc dương vận hạm lớn LST cho tàu há mồm LCM vào sát bờ để chuyển tàn quân ra. Tại Bộ chỉ huy tiểu khu Bình Tuy có nhiều tướng tá thuộc Quân đoàn II, các trường huấn luyện sĩ quan Võ bị Đà Lạt, trường Đồng Đế bàn tính chuyện bảo vệ, di tản cho khoảng 2 ngàn sinh viên sĩ quan. Ngày 12/4 bộ sậu đầu não Sư đoàn 22 Bộ binh từ Chu Lai vào Bình Tuy giờ phải quay ngược ra Phan Rang để tăng cường cho Bộ tư lệnh Tiền phương Quân đoàn III mới thành lập.

 

Nhưng đến ngày 16/4 Phan Rang bị thất thủ, chuẩn tướng tư lệnh Trần Văn Nhựt phải chạy vào Bình Tuy cùng các sĩ quan tham mưu Sư đoàn 22/BB để chờ lệnh bộ Tổng tham mưu Sài Gòn. Lúc này các con đường từ Quốc lộ 1A đổ về La Gi lũ lượt từng đoàn bằng các loại xe ô tô và xe quân sự. Thấy rõ tình hình hỗn loạn, cướp bóc của tàn quân vẫn còn trang bị vũ khí đầy mình đang liều lĩnh dồn về cửa biển La Gi, đại tá Trần Bá Thành tỉnh trưởng Bình Tuy và tướng Nhật bàn phương án điều 2 tiểu đoàn 344/ĐPQ và 341/ĐPQ chọn cao điểm để hỗ trợ cho lực lượng Quân cảnh chốt tại ngã Ba 46 Quốc lộ 1A, tước hết vũ khí tàn quân di tản. Lệnh được thông báo bất kể là ai đều phải buông vũ khí nếu không sẽ bắn hạ tại chỗ. Cùng lúc tại La Gi cũng có vài tàn quân hung hăng đi hù dọa trấn lột và có một nghĩa quân bị xử bắn tại Tân Long… Ước tính số lượng người bị ứ đọng tại La Gi hàng ngày khoảng 300 ngàn người. Để tránh tình trạng cướp giật do không có lương thực, thực phẩm chính quyền Bình Tuy phải xuất kho gạo dự trữ trong mấy ngày đã hết sạch, thông thường kho này dự phòng khi bị cô lập sẽ đủ dùng trong 3 tháng, bắt buộc phải xin tiếp tế bánh mì, mì tôm từ Sài Gòn chở bằng máy bay ra.. Lúc này tuy còn 4 tiểu đoàn ĐPQ, 1 đại đội Trinh sát và một bộ phận quân thuộc Sư đòan 22/BB di tản nhưng tinh thần binh lính đang suy sụp trầm trọng. Lực lượng này phải co cụm bảo vệ vành đai Bộ chỉ huy Tiểu khu, Tòa tỉnh trưởng và sân bay Láng Gòn. Mất liên lạc với Bộ tư lệnh Quân đoàn III (Biên Hòa) là cấp chỉ huy trực tiếp nhưng đại tá Thành đến ngày 21/4 mới biết là mặt trận Xuân Lộc đã vỡ và đều bỏ chạy, có nghĩa Bình Tuy không còn biết dựa vào đâu. Bộ máy đầu não quân sự Bình Tuy mới nhận ra số phận của chính quyền đã đến hồi kết liễu nên tính đến kế hoạch rút lui được lập từ trước.

 

Ngày 22/4 quân giải phóng theo đường tỉnh lộ 2 tiến vào địa bàn xã Bà Giêng (Tân Xuân) và áp sát sân bay Láng Gòn nên lực lượng trinh sát Bình Tuy phải rút lui và gài mìn giựt sập cấu Láng Gòn. Đến 20 giờ pháo kích rót xuống BCH Tiểu khu và Tòa tỉnh trưởng cùng lúc có trên chục chiếc tăng T54 thuộc đơn vị Duyên Hải chọc thẳng vào bộ máy đầu não tỉnh và một mũi chạy thẳng xuống cửa biển La Gi. Đây là một bộ phận của Quân đoàn II sau khi giải phóng Bình Thuận theo quốc lộ 1A tiến thẳng về Sài Gòn và đang dừng quân tại Ngã ba Ông Đồn (Xuân Lộc) thì có lệnh quay lại hỗ trợ Trung đoàn 812 cùng lực lượng địa phương giải phóng Bình Tuy. Theo tự thuật của cựu đại tá Thành, trong lúc tàu hải quân LCM cặp bờ để đón đại tá Thành và bộ chỉ huy rút chạy theo kế hoạch A thì bị xe tăng trờ tới đã bắn trúng đài chỉ huy tàu và hạm trưởng tử thương. Kế hoạch A bằng tàu hải quân bị thất bại, đành quay sang kế hoạch B, chạy theo đường bộ dọc biển về Bình Châu-Xuyên Mộc. Trong khi đó, chi khu Hàm Tân (Tân Hải) cũng bị tấn công và binh lính bỏ chạy tán loạn, trung tá quận trưởng Trần Hữu Giao phải giả dạng thường dân, trà trộn trong đám đông di tản bị phát hiện và bị bắt ở Đồi Dương. Nhớ lại ngày ấy, cựu thiếu tá LPO, chỉ huy Tiểu đoàn 344/ĐPQ hiện ở Mỹ kể lại: “Đại đội chỉ huy tan rã, BCH Tiểu đoàn gồm có tôi, các trưởng ban và một số anh em cận vệ tất cả 12 người chỉ còn sống sót 3 người. Những người may mắn đó là tôi, một anh truyền tin và một anh cận vệ nhờ vào những rãnh sâu do nước mưa xói mòn chúng tôi nằm dưới rãnh khi xe tăng cán qua…”. Cờ Mặt trận giải phóng tung bay ở dinh Tòa hành chánh tỉnh Bình Tuy vào sáng ngày 23 tháng 4 năm 1975.

 

La Gi trong những ngày ấy nằm vào vị trí cửa ngõ duy nhất của dòng người di tản và tàn quân chạy về Sài Gòn. Tất nhiên nguy cơ bị tàn phá, bạo động, chết chốc sẽ gấp nhiều lần so các nơi đã xảy ra. Tỉnh trưởng và bộ máy chỉ huy tỉnh Bình Tuy không phải thương cho sinh mạng của người dân và vì sự bình yên cho mảnh đất La Gi. Động cơ lớn nhất lúc đó, kể cả tướng Nhựt tư lệnh Sư đoàn 22/BB cũng phải chờ lệnh của BTL.Quân đoàn III và Bộ tổng tham mưu Sài Gòn, dù có muốn rút chạy cũng không dám hành động vì đàng nào cũng phải về Sài Gòn. Lúc ấy Tổng thống Thiệu cho phép thi hành quân lệnh rất nghiêm khắc đối với tướng tá, binh lính bỏ ngũ, đào nhiệm. Thêm nữa họ vẫn còn ngây thơ hy vọng về một giải pháp chính trị nào đó sẽ cứu vãn tình thế như bộ máy tuyên truyền của Sài Gòn rêu rao. Do vậy trong tình trạng chờ đợi, phải bằng mọi giá bảo đảm sự ổn định buộc phải có các biện pháp cứng rắn để đối phó với đám tàn quân, cũng là cách bảo vệ sự an toàn cho mình. Việc dàn quân đưa đại pháo 105 ly với cấp tiểu đoàn cách xa tỉnh lỵ trên 20 cây số, buộc hạ vũ khí, sẳn sàng bắn bỏ đã làm cho đám tàn quân hung hãn phải ngoan ngoãn tuân theo. Và điều không ngờ nữa là cuộc tiến công của lực lượng quân cách mạng quá dũng mảnh, thần tốc và bất ngờ trước sự tính toán của chính quyền Bình Tuy bấy giờ.

 

Phan Chính
Số lần đọc: 3177
Ngày đăng: 03.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ nhà văn - Nguyễn Anh Tuấn
Gặp hai ông tướng tại New York - Trần Hoài Thư
Mẩu Chuyện Đứt Quãng Sau 30 – 4 Về Dân Học Văn Khoa - Phạm Nga
Những Ngày Cuối Cùng Của Tướng Nguyễn Khoa Nam - Lê Ngọc Danh
Kỷ Niệm Tháng Tư - Nguyễn Hồng Nhung
Bàu Trắng lung linh sắc nắng - Phan Chính
Ký ức Tam Kỳ - Nguyễn Quang Chơn
Sơn La Ký Sự 2 - Nguyễn Khôi
Ngồi lại với ký ức về An Phú - Nguyễn Hùng
Sơn La Ký Sự 1 - Nguyễn Khôi
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)