Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
674
116.001.233
 
Chạm Vào Giấc Mơ
Văn Công Mỹ

 

Mới tám giờ tối mà cái phòng trà nhỏ xíu đã đông nghẹt khách. Không còn một chỗ trống. Thằng quản lý đang lăng xăng chỉ đạo đám phục vụ bày thêm mấy cái ghế xếp ở những khoảng không còn sót lại trong các góc phòng. Trên gác lửng từng cặp đôi cũng đã chiếm lĩnh hết mười mấy bộ sô- pha bày sát rạt với nhau. Sàn nhà lót thảm nên không nhiều tiếng ồn khi xê dịch bàn ghế và triệt tiêu luôn tiếng cọc cạch của những đôi giày da bóng lộn, đắt tiền. Không có sự cộng hưởng của những tạp âm nên mọi người bỗng tự điều chỉnh âm thanh phát ra từ miệng của mình. Những tiếng suýt xoa trầm trồ trang phục của nhau, những nụ cười thật tươi nhưng không thành tiếng, những lời thăm hỏi…tất đều cố gắng giữ một âm lượng nhỏ nhất, trông giống như cái  hoạt cảnh của một vở kịch nói về giới thượng lưu hồi xưa.

 

Lúc Doãn bước vào là thấy xa lạ ngay lập tức, biết  sẽ không gặp ai quen nhưng chàng vẫn đảo mắt nhìn quanh với một hy vọng nhỏ nhoi. Chàng thấy ngợp giữa cái mùi thuốc lá thơm nồng nặc và mùi nước hoa đủ các loại quánh đặc trong cái không gian ngột ngạt này. Chẳng ai nhìn đến bộ dạng Doãn một khắc, cho dù lúc này trên người chàng chỉnh chu một bộ veston màu đen mới cứng vừa mang từ tiệm giặt ủi về. Tay vuốt vuốt đầu, Doãn ân hận là không mua chai gel để chải tóc, có mấy ngàn bạc cũng tiếc, để rồi sau khi gội đầu mái tóc khô rang lung bung, lòa xòa soi trong cái kính treo tường trông như thằng ngố. Bộ dạng Doãn trông lớ ngớ, hai tay khư khư giữa cái túi rỗng quàng vai. Vừa ngồi xuống ở cái ghế trống trước mặt nghe có tiếng thằng phục vụ: “ Bàn đó reserved rồi !” lại lật đật đứng dậy dạt vô đứng cạnh quầy bar, cười ngô nghê nói với cô bé pha chế: “ Cho anh ly…trà đá”. Con nhỏ chọc quê  bằng cách nói to, kéo dài giọng: “ Cho một ly trà đá…đi” làm Doãn muốn độn thổ. Nhưng khi nghe Doãn trả lời đang chờ ông chủ thì con bé cười hì hì chỉ ly trà đá nói: “ Cái này free đó nghen”.

 

Khi nãy ngồi sau lưng gã xe ôm chạy vút vút qua mấy con đường đèn xanh đỏ nhấp nháy, khoái trá nghe gã trầm trồ: “Thiệt sao ? Chú em chơi ở đó hả ? Dữ à nghen. Chỗ đó giờ nổi tiếng nhất thành phố đó!” Rồi hăm hở tò mò: “ Mà kiếm được nhiêu vậy, chú?” Doãn cụt hứng, ngượng ngịu: “ Ờ, thì cũng vừa…đủ xài”. Kỳ thực Doãn đâu đã thấy mặt mũi cái phòng trà mà chàng đang trên đường đến. Doãn suy nghĩ thật chậm để cố nhớ hết mọi thứ diễn ra trong cái đêm mùa hè nóng nực vào tuần trước và chàng nhớ như in khuôn mặt hiền hiền của người đàn ông đó khi chú Vĩnh Thụy giới thiệu: “ Đây là anh Tuấn mới ở trỏng ra. Còn đây, thằng này coi được nhất ở đây, Quang Doãn”. Hơi thở Doãn  như muốn ngắt quãng, chàng đã nghe chú Thụy với cô Nụ nói nhiều về ông Tuấn. Họ là bạn thân nhau từ nhỏ. Ở chốn quê nhà nhỏ bé này vợ chồng chú Thụy mỗi tuần miệt mài tập dợt cho đám ca sĩ phố thị chỉ để có mỗi  một đêm thứ bảy hát hò phục vụ trong cái quán cà phê cà tàng mang tên cô chủ: Thu Trầm. May thay tuần nào khách kín hết mấy chục chỗ thì mỗi đứa ca sĩ cũng được mươi ngàn để khuya lắc tụ lại cái quán bún bò, bún chả cá ăn uống tán dóc vung trời. Có lúc cao hứng chú Thụy hứa: “ Tụi bay ráng đi. Biết đâu trời độ nay mai tao giới thiệu hát ở Đồng Hương thì…chắc nụi !” Nghĩ cũng tội mấy đứa nhỏ, lao xao chỉ Doãn: “ Chú, chú giới thiệu anh Doãn đi. Ảnh…đẹp trai nhất đó!” Chú Thụy cười hề hề : “ Ờ…ờ để coi ”.Doãn có nghe chú Thụy nói ông Tuấn vào thành phố đã sáu năm nay, dường như ổng đang làm ăn phát đạt, có đến mấy cái quán cà phê to đùng. Cách đây mấy tháng ông Tuấn mở phòng trà, hàng đêm có ca sĩ hát, mà nghe đâu toàn ca sĩ thứ dữ không ! Cô Nụ trả lời thắc mắc của Doãn : “ Ừ thì giống như quán cà phê vậy đó. Nhưng nay gọi phòng trà cho…sang”. Doãn hồi hộp cũng phải, gần đây những đêm trong giấc ngủ chập chờn chàng thường mơ những giấc mơ nhỏ. Cảm giác khao khát được hát trong cái thành phố hừng hực sức sống đó xâm chiếm, âm ỉ, chậm chạp dày vò Doãn lâu nay. Năm ngoái chàng có vào thử giọng Tiếng Hát Trẻ ở đài truyền thanh thành phố này đến nay cũng không thấy cú a lô nào của ông trưởng ban tổ chức. Tranh thủ mấy ngày dự thi, tối tối Doãn có đến ngồi chầu ở mấy cái tụ điểm ca nhạc, có thằng bầu không thèm liếc chàng một cái, thằng khác thì hỗn: “ Em, tối nay về nhà anh nói chuyện, nghen” Miệng nói cười nhăn nhở, tay nó sờ soạng trên người Doãn làm như sợ chàng mang…dao găm không bằng. Rồi mấy triệu mang theo cũng cạn, chàng quay về quê nhà như một tất yếu. Nhưng cái thứ không tốn tiền mà muốn bao nhiêu cũng có là mơ ước thì Doãn ngày càng vơ vào không biết mệt. Nhớ lại đêm đó, tháng sáu tỉnh lẻ nóng như lò lửa mà Doãn hát cho ông Tuấn nghe bài hát nói về chàng lữ thứ nhớ về quê mẹ trong đêm đông dài giá buốt. Không tin ở tai mình lòng chàng như mở hội  khi nghe ông Tuấn nói với chú Thụy: “ Thôi được, để tao đem “con gà” này vô cho nó hát ở Đồng Hương. Dân quê mình phải có một đứa chớ !” Cánh mũi phập phồng, khóe mắt cay cay khi Doãn nhớ lại buổi nhậu chia tay ngày nọ, thằng Quốc Phương lè nhè: “ Đ.m, đừng quên anh em nghen mậy!” Rồi tiếng con ca sĩ mới mười lăm tuổi Ánh Hương cứ thầm thì, thầm thì: “ Vào, nhớ biên thư thiệt dài cho em nghen” Còn cô chủ quán Thu Trầm thì cầm tay chàng lắc lắc : “ Mỗi lần về nhớ ghé chị kể chuyện, nghe”.

 

Doãn nhoài người ra khỏi chỗ tối để chào ông Tuấn và quay sang cúi đầu chào ông to con bên cạnh, khi ông Tuấn nói: “ Anh Mập, bạn anh. Xếp sòng ca sĩ ở đây đó!” Rồi ổng nói với Lão Mập: “ Thằng này là gà tui, mới đem ở ngoải vô. Chút cho nó thử cựa nghen”. Lão Mập bảo Doãn: “ Lên ngồi gần thằng Quân Đui đi, chừng nào tao bảo lên thì lên, tự giới thiệu bài hát luôn nghe”. Doãn lóng ngóng móc ra từ cái túi xách gói thuốc rút ra một điếu hai tay mời Quân Đui, xong rón rén để lại cả gói trên cây đàn piano. Tuy không hút thuốc nhưng Doãn đã chuẩn bị sẵn cái hộp quẹt gas bật lên nhanh chóng mồi thuốc cho thằng nhạc công mà nãy giờ cứ khinh khỉnh ngó lên trần nhà chứ không thèm ngó chàng một miếng. Phải dè chừng, và lấy lòng gã nhạc sĩ này, Doãn thầm nghĩ. Nghe nói ngay mấy đứa ca sĩ hạng A cũng phải biết điều thuốc lá, cà phê, ăn sáng…lâu lâu cũng bữa nhậu ra trò. Gã này nghiệt, trong giới vũ trường, cà phê ca nhạc ở thành phố này đều biết tiếng. Chơi piano như xiếc kèm theo cái tính nết mưa nắng khôn lường. Đòn độc mà hắn thường sử dụng những đêm trái gió trở trời là khi ca sĩ báo tông, Quân Đui nhẹ nhàng bỏ những hợp âm, du dương từng nốt đợi khi ca sĩ hả miệng để hớp hồn khán giả thì ngay lúc đó  hắn thả vô một nốt lạ hoắc làm em bé ngắc ngứ ngớ người ngượng ngịu đứng trơ trên sân khấu  coi phô chịu không nổi.

 

Nãy giờ ngồi sát bên Quân Đui, Doãn chăm chú theo dõi đám ca sĩ tài danh biểu diễn mà giật mình choáng váng. Đúng là nhờ đêm nào cũng hát và chạy đến hai, ba chỗ mà mỗi cái quán hát hai, ba bài cho nên giọng mấy anh chị  ngọt xớt, bà con nghe xong vỗ tay rần rần. Mà trang phục của họ cũng lạ nữa, trong khi Doãn đóng trên người bộ veston đen thùi lùi, thì ca sĩ Đức Mạnh chơi cái áo màu đỏ chói có gắn kim tuyến lóng la lóng lánh, rồi choàng thêm trên cổ một giải khăn lụa  buộc thành cái nơ trông giống như diễn viên điện ảnh thứ thiệt. Nhìn Hoàng Tùng, với áo lụa vàng bỏ ngoài quần, đi đôi giày da trắng toát nhảy như điên với Phi Yến song ca một bài hát gì đó có đoạn hai đứa gào lên: “ Sài Gòn ơi ! Sài Gòn ơi…” Doãn bỗng thấy mình như nhỏ lại. Người lâng lâng, tai ù đi nghe loáng thoáng tiếng lào xào của những vị khách ngồi sát sân khấu khi Doãn hồi hộp nghiêng mình: “ Quang Doãn xin kính chào quí khách…”. Nỗi lo âu, sợ hãi đến với chàng lúc hát vừa xong, một không gian yên tĩnh lạ thường, chỉ trong một thoáng chốc Doãn muốn bỏ chạy thật nhanh nhưng còn kịp nở một nụ cười, cúi chào khi nghe có vài tiếng vỗ tay rời rạc bên dưới. Lão Mập thì biến mất lúc Doãn mới hát mấy câu. Ông Tuấn đang nhìn Doãn cười cười vỗ tay nhỏ dần. Cảm giác tủi thân, muốn khóc khi chàng nghe loáng thoáng: “ Nhưng thằng này…đẹp trai”.

 

Đám ca sĩ còn ngồi lại rất đông, uống nước và nói chuyện ồn ào náo nhiệt. Đêm nay, cuối tuần là ngày lĩnh lương của một tuần ca hát. Những khuôn mặt hớn hở khi cầm những phong bì dày cộm. Cả bọn lục tục kéo nhau đi ăn khuya. Còn lại mình Doãn lặng lẽ đến bên quầy thu ngân, người kế toán lạnh lùng: “ Em hát mỗi đêm ba chục. Tuần này coi như tính một đêm, há!”. Cầm những tờ tiền trên tay, Doãn cảm giác có chút vui mừng như đã chạm vào, đã nắm được cái giấc mơ, nhưng sao miệng môi đắng ngắt, bụng dạ lo lắng bất thường. Vô định, Doãn đi chênh vênh chậm chạp, tai nghe tiếng cửa sắt kéo sập sau lưng. Giấc mơ cả đời ngủ thấy mà chàng mới vừa chạm đến, cầm lấy có thực hay không? Tiếng chổi của người công nhân xát mạnh xuống mặt đường làm Doãn giật mình ôm chặc cái túi không. Rồi mệt mỏi chàng hỏi ông xe ôm đang rà rà nãy giờ: “ Bao nhiêu, chú?”.

 

Văn Công Mỹ
Số lần đọc: 1577
Ngày đăng: 04.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cầm Đồ - Phan Ngọc Danh
Thung Lam - Hồ Thị Ngọc Hoài
Câu Chuyện Ở Lạc Dương - Võ Anh Cương
Nhân vật không biết nói dối II - Hòa Văn
Không là truyện cổ tích - Hòa Văn
Bước Ngoặt - Văn Công Mỹ
Bọt Biển - Diệp Hồng Phương
Lời Thú Nhận Cuối Cùng - Đặng Hồng Quang
Bọn Bốn Đứa - Võ Xuân Phương
Nhân vật không biết nói dối - Hòa Văn