Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
734
116.668.742
 
Sống Chụ Son Sao 1
Nguyễn Khôi

truyện thơ từ tiếng Thái sang tiếng Kinh thành “TIỄN DẶN NGƯỜI YÊU”.

 

NGUYỄN KHÔI - NGƯỜI SÁNG TÁC LẠI “SỐNG CHỤ SON SAO”

 

Thơ ca là hồn cốt và linh khí của một dân tộc, cái làm nên chiều kích diện mạo văn hoá tinh thần của dân tộc đó, làm cho dân tộc đó trường tồn, không bị huỷ diệt trước biến thiên nghiệt ngã của lịch sử tiến hoá nhân loại. “Mất văn hoá là nguy cơ hàng đầu tạo nên sự diệt vong của dân tộc” - đó là sự khẳng định như “cây đời mãi mãi tươi xanh”. Mà thi ca lại chính là cốt khí của văn hoá. Bởi vậy, việc chuyển ngữ một tác phẩm thơ ca của dân tộc này sang dân tộc khác là công việc cực kỳ khó khăn, hoàn toàn không dễ dàng. Nó đòi hỏi một sự sáng tạo đặc biệt nghiêm khắc - sự sáng tạo trong việc biểu đạt trung thành cả phần nổi (chữ nghĩa) và phần chìm (hồn cốt) của nguyên tác. Nhà thơ Nguyễn Khôi đã làm được việc đó khi anh chuyển ngữ thành công “SỐNG CHỤ SON SAO”, truyện thơ từ tiếng Thái sang tiếng Kinh thành “TIỄN DẶN NGƯỜI YÊU”.

“SỐNG CHỤ SON SAO” đã trải qua nhiều bản dịch khác nhau, trong đó đáng kể là bản dịch nghĩa của Cầm Cường và hai bản dịch thơ của Điêu Chính Ngâu (1914-1958) và của Mạc Phi (1928-1996). Bản dịch của Nguyễn Khôi là sự kế thừa và phát triển các bản dịch trên nhưng bằng sự sáng tạo hoàn toàn mới mẻ. Thể thơ song thất lục bát - một thể thơ được khẳng định vị thế của nó gắn liền với sự ra đời của “Chinh phụ ngâm” qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm và của “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều từ thế kỷ XVII được Nguyễn Khôi “thôi xao” để chuyển ngữ tác phẩm là một sáng tạo đáng kể. Nhưng sự sáng tạo trong lột tả hồn cốt tác phẩm mới chính là điều làm cho chúng ta cảm nhận đầy đủ sự dụng công của anh. Tôi đồ rằng, phải bằng 21 năm gắn bó với Tây Bắc, thấu hiểu tâm tính, cách nghĩ, cách cảm cùng các phong tục tập quán của người Thái đen vùng Tây Bắc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn với tâm hồn thi sĩ của một người Trai Đình Bảng vùng quê Quan họ nổi tiếng, Nguyễn Khôi mới có thể chuyển ngữ thành công khúc bi tình đau đớn và đẫm nước mắt về sự trắc trở tình duyên của đôi trai gái Thái trong truyện thơ này.

Bạn thân mến, bạn hãy đọc bản dịch của Nguyễn Khôi và cảm nhận “SỐNG CHỤ SON SAO” bằng chính tâm hồn bạn. Những vui buồn, xa xót, đắng cay, khổ đau và hạnh phúc, những tập tục bao đời chi phối nhân duyên, chia lìa đôi lứa sẽ dẫn dụ bạn trở về với bản thể người - một cõi đi về đầy bất trắc và đáng yêu biết bao! Nếu được như vậy, tôi dám chắc Nguyễn Khôi sẽ rất lấy làm hạnh phúc, bởi anh đã tâm huyết bỏ ra gần nửa đời người say mê biên dịch và khảo cứu tác phẩm này, một tác phẩm vốn được anh nâng niu và trân trọng ngay từ thời còn trai trẻ lần đầu tiên tiếp cận với nó.

Và tôi hoàn toàn đồng tình với Thái Doãn Hiểu - người phát hiện và đưa Nguyễn Khôi vào bộ “THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI”, khi ông khẳng định: “… Lòng quê Quan họ thắm đượm hương sắc Mường bản, Nguyễn Khôi (Trai Đình Bảng) đã hoá thân vào chàng trai Thái để dịch, chuyển thề song thất lục bát tập đại thành của văn học Thái ra tiếng Việt… Chất thi sĩ của người Kinh Nguyễn Khôi đã nhập vào hồn những câu thơ Thái rất đẹp và duyên dáng… Có thể nói Nguyễn Khôi đã gần như sáng tác lại trên nền tảng của nguyên tác trứ danh này”.

 

Hà Nội, 27-9-2011

QUANG HOÀI

(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

 

 

 
 

 

Phần Một

SỐNG CHỤ SON SAO

(TIỄN DẶN NGƯỜI YÊU)

 

 

1. Kể chuyện cũ lại bù chuyện tới
Thuở đôi ta còn mới hoài thai
Mẹ yêu đã tính từng ngày
Em nằm bên trái “cựa” hoài lớn mau
 

5. Mẹ anh yêu nhói đau bên phải(*)
Đều thèm ăn món gỏi cá chua
Bé xinh hai tháng có thừa
Mẹ thèm ăn dở me chua bên vườn
Chửa ba tháng gỏi lườn cá Diếc
 

10. Trắm nấu măng ngỡ tiệc tháng tư
Tháng năm cá Pộc đã chờ
Cá Chày… sáu tháng mẹ sờ thấy con
Tháng thứ bảy cá Mương làm gỏi
Cá Vũ ngon quẫy đợi tháng sau

15. Bé xinh mẹ nặng mang bầu
Đợi chờ chín tháng qua cầu nở sinh
Máng nước xối lanh tanh róc rách
Chú thím mừng, mẹ mệt vẫn cười
Mười ngày, chín tháng, đủ đôi
 

20. Hai ta cùng lúc chào đời khóc oe
Anh rơi sấp bà chìa tay đỡ
Mẹ đẻ ra rơi ngửa thành em(*)
Nâng niu bú mớm lớn lên
Cùng phi ngựa trúc chơi liền bên nhau
 

25. Mười ba tuổi em đâu còn nhỏ
Óng ả lên nhóm lửa trên sàn
Đàn môi, sáo thổi chứa chan

Đôi ta như gốc cải làn tươi xanh

Công cha mẹ sinh thành cùng lớn

 

30. Tuổi ấu thơ duyên ướm từ xưa
Đến ngày gặp chốn sàn hoa
Ngồi bên bếp lửa mặn mà trao duyên
Có đêm chuyện chừng quên gà gáy
Đeo mộng về trăng rải như mơ
 

35. Mù dâng sương toả mịt mờ
Tơ duyên se lối hẹn hò bền lâu
Chỉ sợ chặt “vầu” (*) không thuận mé(1)
Trời không thương, cha mẹ không ưng
Thương ai khác bản khác mường
 

40. Không yêu mẹ ép buộc lòng phải yêu
Ôi thương quá chim kêu mùa hạ
Lòng nhớ mong không ngả tìm sang
Tương tư những muốn tới gần
Lại e người quở, bần thần ốm o

 

45. Mẹ anh xót mới nhờ người bói
Quẻ này “hung” người nói thầm thì
Đã yêu anh chẳng sợ gì
Đã thương quyết lấy, quyết đi đến cùng
Anh đi gặt lúa đồng ngoài nội
 

50. Anh đi đánh cá lưới ngoài sông
Cá to anh đổ tràn “cong”
Lợn gà nuôi đã đầy sân đợi ngày
Tìm mua đĩa, đi ngay Tạ Bú
Ra Tà Hè mua lụa, mua tơ
55. Buồng cau Tà Sại đang chờ (*)
Trầu xanh muôn lá để nhờ”dạm” em

Tìm bà Mai biết têm trầu tiếp
Lựa lời thưa duyên đẹp không phai

Lễ to lại đã chọn ngày

 

60. Sang nhà xin lạy mẹ thầy ưng cho
Cha em ngồi cùng “Mo” (*) chẳng đáp
Mẹ em ngồi giường thấp lặng thinh
Hồi lâu mới nói lạnh tanh:
- Người kia cái mặt khó nhìn làm sao!
 

65. Nón làng Chuông có đâu đáng đội
Rể chi anh đòi tối đan chài
Về đi chốn khác mối mai
Về đi, nội ngoại trong ngoài trình thưa
Anh đã lo mà lo không đủ

 

70. Tính chi ly lẫn lú tính sai
Tay ôm cau những rã rời
Tay xách giỏ cá lệ rơi thẹn thùng
Anh đau đớn về buồng nằm khóc
Tấm thân trai héo hắt phòng không

 

75. Khi con người ấy ra đồng
Cũng đi kiếm cá ngoài sông, học đòi
Chài quăng đấy cá toi cả mẻ
Người mang về ướp ché măng chua
Đĩa mua Tạ Bú cũng chờ
 

80. Cau mua Tà Sại, tơ mua Tà Hè
Cau Tà Sại chưa lìa đã héo
Trầu Mường Chai lá méo mùi hôi
Lá dong người cắt gói xôi
Thuốc lào bọc lá nhờ người mối manh

 

85. Lễ to chọn ngày lành tháng tốt
Sang nhà xin cho được dâu hiền
Cha em vừa thấy ưng liền
Mẹ vui lời tựa tấm chiên(*) ấm nồng

Em còn ở trên nương, nào biết

 

90. Trời hoàng hôn nắng khép cửa rừng
Mặt trời rơi xuống tầng tầng
Từ mặt “phai” (*) tràn sang sàn người thương
Mặt trời quấn ngọn giang sắp lặn
Mặt trời treo ngọn sắn sắp rơi
95. Trời im không một tiếng lời
Trời đi chẳng đợi chân người theo đi
Trời khuất núi mây che sập tối
Em vội vàng ra lối bìa rừng
Sương chiều đã đổ đầy thung

 

100. Em còn chặt củi nai lưng gánh về
Bó to mẹ chẳng chê nấu rượu
Lửa sàn hoa hơ áo anh yêu
- Về đi, em gọi vía theo

Vía anh yêu chớ ngủ liều búi lau

 

 



(*) Người Thái xưa quan niệm “thai” nằm bên trái đẻ con gái, bên phải đẻ con trai.

(*) Người Thái có tập quán đẻ ngồi cho rằng hễ là con trai thì đứa bé rơi sấp, là con gái thì đứa bé rơi ngửa.

(*) Một loại cây tre.

(*) Các địa danh Tạ Bú, Tà Hè, Tà Sại ở bên bờ sông Đà- Sơn La.

(*) Mo - thầy cúng.

(*) Chiên - tấm chăn chiên.

(*) Phai - đập bằng tre gỗ ngăn dòng suối.

 

Nguyễn Khôi
Số lần đọc: 3719
Ngày đăng: 15.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miếu Ông Út /Ngủ Chợ - Đặng Phú Quốc
Cô Gái Đẹp Trong Ngôi Nhà Hoang /Đua Với Quỷ - Đặng Phú Quốc
Tìm Hiểu Tri Thức Dân Gian Của Người Việt Vùng U Minh Qua Cách Ứng Xử Môi Trướng Tứ Nhiên Trong Đời Sống Vật Chất - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lỗ Lường - Lễ Tục Độc Đáo Ở Hòn Đỏ - Nguyễn Man Nhiên
Tập Quán Dân Gian Khi Các Bà Mẹ Mang Thai Và Sanh Đẻ Ở Ngã Năm – Sóc Trăng - Trần Minh Thương
Nghi Thức Cất Nhà Ở Ngã Năm – Sóc Trăng - Trần Minh Thương
Đặc Trưng Múa Rối - Tuấn Giang
Nghệ Thuật Sử Dụng Điển Cố Trung Hoa Trong Ca Dao Đồng Bằng Sông Cửu Long - Trầm Thanh Tuấn
Hoàng Sa Tiếu Ngạo Phú - Kha Tiệm Ly
Hệ Thống Làn Điệu Dân Ca Các Dân Tộc. - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)