Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
730
116.602.182
 
Sơn La Ký Sự 4
Nguyễn Khôi

 

Bài 19:

NHÀ SÀN BẾP LỬA

 

 

Ta lại về với nhà sàn bếp lửa

Một mùa đông ăn củ sắn lùi

Vó ngựa phi qua đèo Khau Cả

Ngắm sông Đà đổ thác réo sôi

 

Em vẫn đợi ở bên rừng vắng

Dải khăn Piêu tung cách bướm hội xòe

Ta đi giữa cánh rừng Ban trắng

Tiếng chim Tăng Ló vọng hồn quê

 

Từ em đi, anh không về nữa

Đầu hồi nhà “khau cút” ngóng chờ ai

Đêm mơ về nhà sàn bếp lửa

Nghe gió mùa thương nhớ tháng giêng hai.

NK-

 

 

Bài 20:

SÔNG ĐÀ HÙNG VĨ

 

 

* “Nặm Té hảnh to thú chắng lứm

Sông Đà cạn bằng chiếc đũa, hãy quên”

* Chúng thủy giai đông tẩu

Đà giang độc bắc lưu.

 

Sông Đà (Nậm Te), còn gọi là Sông Bờ hay Đà Giang, Hắc Giang là phụ lưu lớn nhất của Sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam (TQ) chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông Đà dài 910 km (có tài liệu ghi 983km), bên TQ gọi là Lý Tiên Giang do 2 nhánh Bả biên Giang và A Mặc Giang hợp thành…được dịch ra tiếng Châu Âu là sông Đen: Black Rive (Ave), Rivière Noire (Pháp).

 

Đoạn bên TQ dài 400km từ núi Ngụy Bào, ở huyện tự trị người Di, người Hồi Nguy Sơn phía Nam Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý chạy theo hướng Đông Nam qua Phổ Nhĩ.

 

Đoạn bên ở Việt Nam dài 527km (có tài liệu ghi 543km), bắt đầu từ huyện Mường Tè (Lai Châu) qua Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình tới huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) bên kia là Ba Vì (Hà Tây cũ). Điểm cuối là ngã ba sông Hồng  Đà ở huyện Tam Nông (Phú Thọ). Sông Đà cung cấp 31% nước cho sông Hồng.

 

- 1994 - nhà máy thủy điện Hòa Bình, có công suất 1920 MW (8 tổ máy).

 

- 2005 - khởi công thủy điện Sơn La 2400 MW - xong vào 2012, sẽ tiếp ở Lai Châu. Hồ Sơn La dung tích 9,26 tỉ mét khối nước.

 

Sự hùng vĩ của sông Đà, đó là những ghềnh thác dữ dằn gầm thét âm vang giữa 2 bờ vách đá dựng đứng, như nỗi thù hận nghìn đời giữa trời và đất để hung dữ, để tàn phá, để nhấn chìm tất cả.

 

Năm 1958 Nhà văn Nguyễn Tuân đi thực tế đến với sông Đà, Ông đã ghi lại những cái tên và tính nết của một số thác trong số 73 cái thác có tên trên sông Đà về từ biên giới Việt Trung tới thác Bờ (Hòa Bình):

“Cách biên giới TQ phía Vân Nam khoảng mười cây số là thác kẻnh mỏ trên”. Rồi đến thác La Sa, Hát Vá, Mằn hi, Mằn Lay. Rồi thác Hát Nhạt, Mằn thẳm, Hát No Héo, Kẻng mỏ dưới. Rồi đến Hát Lai ở trên thị xã Lai Châu (Mường Lay) độ 9km.

 

Thuộc thủy phận Sơn La là các thác: Hát pi, hát soong pút, hát soong mon, hát pố, hát kếnh, hát chan, hát moong, hát tiếu; qua hát tiếu (tiếng Thái chữ hát = thác) “qua hát tiếu, rải chiếu mà nằm” coi như về cơ bản đã qua những chỗ nguy hiểm.

 

Từ Vạn Yên tới Hòa Bình lại xuất hiện một số thác tuy có bớt hùng dữ hơn ở phía trên Lai Châu, Sơn La…đó là những “ga” nước trên sông Đà:

 

Thác Ẻn, Thác Giăng, Bãi chuối, Mó sách, Bãi lời, Bãi lành, mó tôm, mó nàng, Nánh kẹp, Quai chuông, Tà phù, Bãi nai, Ba hòn gươm, phố khủa, gềnh đồng, suối bạc, ổ gà, bái nhạp, cánh cuốn, mèo quen, hang miếng, quần cóc, suối trong, bãi ban, riềm, thác rút, thác mẹ, bãi thằng rồ, mó tuần, suối hoa, hót gió, thác Bờ…

 

Sau khi các đập thủy điện hoàn thành, tất cả các gềnh thác được nhấn chìm xuống đáy hồ sông Đà mênh mông chia 3 khúc: hồ Hòa Bình (từ thác bờ - Hòa Bình tớ tạ bú - Sơn La) rồi từ đập Pả Vinh - Ít ong (Mường La) tới Nậm nhứn Mường Nhé - Mường Tè - Lai Châu…

 

Từ thời Lê, trong “kiến văn Tiểu Lục”.Bảng nhản Lê Qúy Đôn (1723 - 1872) đã viết: “Thác Bờ ở địa phận Động Dĩ Lý và Hào Tráng thuộc Mộc Châu”,như 1 ngọn núi đứng sừng sững giữa dòng là sông Đà, đá lớn lởm chởm, hàng năm cứ đến ngày 8 - 4 từng đàn cá ngược dòng nước bơi lên, chỉ có vài con cá chép khỏe là vượt được thác bờ (cá vượt vũ môn).

 

Sách “Giao Châu ký” của Tăng Cổn (cuối thế kỷ 9) nhà Đường đô hộ Giao Châu (Tiết độ sứ) - có ghi về sông Đà “có Long Môn”, nước sâu trăm tầm, cá lớn vượt lên được chỗ này sẽ hóa rồng.

Trong sách “Sơn đường tứ khảo” gồm 228 quyển và bổ di 12 quyển … Bành Đại Dực (nhà Minh) biên soạn có chép “sông Long môn ở huyện Mông (Yên Lập - Phú Thọ) phủ Gia Hưng, nước An Nam phát nguyện từ Châu Minh Viễn (Vân Nam), nước sông chảy đến đây, 2 bên bờ cao vót, hiểm trở, tảng đá lớn chắn giữa sông chia làm 3 dòng, sức nước vọt lên cao đến vài trượng, nghe ầm ầm như sấm, thuyền đến đây phải kéo lên bờ mới qua được”.

Sườn núi động Hào Tráng ở về phía bờ trái, có khắc 2 bài thơ (ngự thơ) của vua Lê Thái Tổ đi đánh Đèo Cát Hãn:

 

Lê Quý Đôn dịch:

 

“Gập gềnh đường hiểm chẳng e xa,

Dạ sắt khăng khăng mãi đến già

Lẽ phải quét quang mây phủ tối,

Lòng son san phẳng núi bao la.

Biên cương cần tính mưu phòng thủ

Xã tắc sao cho vững thái hòa

(Hư đạo nguy than tam bách khúc

Như kim chỉ tác thuận lưu khan)

“Ghềnh thác ba trăm” lời cổ ngữ

Từ nay xem chẳng nổi phong ba”.

 

Viết tại ngày tốt, tháng mạnh hạ (tháng tư) năm Thuận Thiên thứ 2 (1429).

“Đường lên mường Lễ (Lai Châu) bao xa 170 thác, 130 ghềnh”

 

- Ca dao

Cử nhân, thượng thư Phạm Thuận Duật (1825 - 1885) năm 1855 làm tri châu Tuần giáo (lúc ấy thuộc Sơn La, tỉnh Hưng Hóa trong sách “Hưng Hóa ký lược” có chép).

“Châu Đà Bắc ở xã Hào Tráng có bến Vạn Bờ tức sông Long Môn, cùng gọi là “đê long thủy”. Tục truyền rằng đây là nơi “cá vượt vũ môn” hóa Rồng.

Hai bên đá chốc đứng, chặn ngang cửa sông, ở giữa có một chỗ đá bị đục thủy (do nước xói mòn) gọi là Ao Vua, đó là nơi vua  Lê Thái Tổ đề thơ (1429).

 

Theo tác giả Anh Đức trong bài “xuôi dòng Đà giang trước lúc ngăn sông”, tạp chí Suối Reo - Sơn La 5/2004 thì:

 

“Từ thị xã Lai Châu cũ (Mường Lay) muốn xuôi xuống Quỳnh Nhai, ít nhất phải ngồi thuyền trên 200km, vượt qua trên 10 thác hung dữ với những cái tên hãi  hùng như thác Ba Bố, ghềnh Ba Cô, thác Bà Đái, hòn Chông, ghềnh chém sóng… thử thách đầu tiên là thác Ba Bố mùa lũ. Tuy các dải đá ngầm có bớt nguy hiểm nhưng những con sóng lại cực lớn, dập từng cơn táp mạnh vào mạn thuyền, con thuyền liên tục xô nghiêng chao đảo. Người chưa quen đi sông nước bao giờ thì lúc đó coi mặc cho số phận, còn những người từng trải thì thêm 1 lần trải nghiệm. Qua hết nghềnh thác, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Đi từ sáng tới hơn 2 giờ chiều đến được bản Huổi Ca, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu).

 

Rồi tiếp tục xuôi qua: Nậm Lốt, Pờ răng ky của đồng bào Dao, xã Nậm Hăn (Sìn Hồ), rồi tới Pắc Phạ, Pắc Na của đồng bào Hà Nhì, Thái trắng xã Tủa Thàng (Tủa chùa)…

 

Vào đất Sơn La là bản cũ xã Cà Nang (Quỳnh Nhai) của đồng bào La Há hiện dưới cánh rừng ven suối. Qua huyện lỵ Quỳnh Nhai: Thuyền ghé qua các bến Pá Uôn (nay có cầu), Chiếng Bằng, Văn Pán, Nậm Giôn, Nậm Mu, Liệp Tè…

 

Thác Pá Mu hung dữ mùa cạn, khi nước dâng thì hiền lành là bến đò đưa khách qua sông.

Tại Pá Vinh - nơi xây Thủy Điện Sơn La có cây cầu cứng qua sông để thi công… Sau 5 ngày lênh đênh sóng nước, thuyền cập bến Tạ Bú an toàn.!.!.

 

 

Bài 21:

BẾN TẠ BÚ

(Tặng: Nguyễn Văn Huân)


 

Bến Tạ Bú một sớm mai mình đến

Nước sông sâu xanh biếc tự đáy lòng

Hòn cuội trắng soi hồn ta tỏa nắng

Theo ngựa thồ sang tận Ít Ong

 

Ơi thác Chiến, có xuôi thuyền đuôi Én

Bản Pha Khinh ai đó hẹn ta về

Đêm nay “lẩu xiêu” vui cạn chén

Bếp nhà sàn tiếng “Pí” thổi say mê

 

Bến Ta Bú nào có ai ra tắm

Để vừng trăng đắm đuối giữa dòng

Mình là trai bản Phiêng Ngùa lạ lẫm

Đến bến thuyền xuống ngựa ngẩn ngơ trông.

 

Nguyễn Khôi

“Nước Sơn La ma Tạ Bú” (cũng có người nói ma Hòa Bình)

 

 

 

Bài 22:

CÂY ĐÀO TÔ HIỆU - AI TRỒNG?

 

 

Ở khu di tích bảo tàng “nhà tù Sơn La” trên đồi Khau Cả, áp sát dinh Công Sứ (thời Pháp thuộc) nay là trụ sở UBND khu tự trị Tây Bắc, rồi tiếp là trụ sở UBND tỉnh Sơn La.

 

Ở cách cổng nhà tù xưa một quãng có một ô nhỏ “Izôlê” (Isolé – nơi cách ly)rộng khoảng 4m2, hình tam giác vuông - xưa có cửa là một phiến gỗ lim dày, vừa để 1 người lọt ra vào. “I đôlê” ở ngay bức tường sau khu thường phạm, bước chân ra là đường hành lang tròn (đường Rông - Ronde).

 

Năm 1940, nơi đây nhốt 1 người tù Cộng Sản: Anh Tô Hiệu (30 tuổi) nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đảng Cộng sản Đông Dương - quê Xuân Cầu, Văn Giang, Bắc Ninh. Sau những trận đòn thù của thực dân Pháp ở các nhà tù như Côn Đảo, Hỏa Lò… anh Tô Hiệu đã bị “lao” nặng nên bị nhốt cách ly ở “I zôlê”- lúc này anh Tô Hiệu là Bí thư chi bộ nhà tù, tuy bị đau nặng, lại phải nằm bệ ci ment, nhưng anh vẫn làm việc hết mình… đến ngày 16/7/1944 thì anh trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay các đồng chí của anh.

 

Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây để nhốt tù chính trị, tường cao, sàn sân láng ci ment, 1 ngọn cỏ không thể mọc được, tường và sân, kể cả đường “nông” đều dầm đá dăm + ci ment (bê tông) dày hàng nửa mét (để đề phòng tù nhân đào hầm tẩu thoát). Luật lệ canh gác nghiêm ngặt, thường có lính gác đi lại liên tục ngày đêm nên không ai có thể đào bới trồng cây trong sân nhà tù.

 

Sau Cách mạng tháng 8, khoảng năm 1948 (do các  đ/c ở đây kể lại) khu di tích nhà tù bị bom Pháp đánh sập, bị bỏ hoang…

 

Sau năm 1954 (hòa bình lập lại) thủ phủ khu tự trị Thái Mèo đặt ở Chiềng Ly (Thị trấn Thuận Châu), tỉnh lỵ Sơn La cũ (Chiềng Lê là một thành phố chết và đổ nát)… thuộc 2 xã Chiềng An, Chiềng Cơi, huyện Mường La (Châu Mường La)… mãi tới năm 1962 mới thành lập thị xã Sơn La: Các cơ quan của khu và tỉnh mới chuyển từ Thuận Châu về thị xã , nhà cửa mới được xây dựng, khu nhà tù vẫn là một phế tích, nay là Thành phố.

 

Năm 1958, nhà văn Nguyễn Tuân đi thực tế ở Sơn La, trong tùy bút “Sông Đà” nổi tiếng, ở trang 129 - 134, ông có viết thiên “Đào cộng sản” nhân sau khi đến thăm khu phế tích nhà tù Sơn La xưa “tôi dạo hết sân ngoài sân trong, nhìn tường đá, nhìn xi măng cốt sắt, nhìn cây. Có những cây hao hao cây Xoan, và mấy gốc muỗm. Thế thôi. Tôi biết. Ở đây còn có cây đào, cây đào ông Tô Hiệu”… Rồi nhà văn xuống khu vườn ổi chân đồi Khau Cả viếng mộ anh Tô Hiệu:

 

“Đứng trước mộ đ/c Tô Hiệu nơi rừng ổi, tôi bảo tôi “nơi nghĩa trang tiễn biệt này, cần có đào”….

 

Đối với bậc lãng mạn cách mạng, lấy hoa đào để thực hiện lên cái vui hoa quả XHCN của Sơn La - Thủ phủ Tây Bắc ngày nay, thấy cần có bóng hoa ấy trên chữ vàng bia đá”.

 

Nhà văn Hoàng Công Khanh (1921 - 2010). Một bạn tù của anh Tô Hiệu, trong cuốn “Hoa nhạn lại hồng” NXB Văn Học 1992, trang 157 có viết “sau các trận bom Pháp, nhà tù Sơn La chỉ còn cái cổng và cái hầm sâu. Trên quảng đường “rông” gần “I đôlê” bỗng xuất hiện một cây đào rừng (đào phai không ăn quả được) nó lớn nhanh và hoa phớt hồng, sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân nhân một dịp lên thăm qua thăm vết tích nhà tù thấy cây đào mọc bên cạnh phòng giam (xưa) anh Tô Hiệu đã vui miệng nói đó là cây đào Tô Hiệu”.

 

Rồi truyền miệng, báo chí  đăng tải, rồi Bảo tàng Sơn La gắn biển “cây đào Tô Hiệu” một huyền thoại thành hiện thực ca ngợi một chiến sỹ cộng sản.

 

Năm 1980 - 1981 tỉnh mới tu bổ lại thành khu di tích bảo tàng cách mạng.

 

Nguyễn Khôi tôi lên công tác Sơn La 21 năm (1963 - 1984) có cái may mắn: Hồi 1966 - 1970 công tác ở Ban Nông nghiệp tỉnh ủy Sơn La, 1978 - 1984 làm thư ký ở văn phòng UBND tỉnh Sơn La, nơi ở và nơi làm việc cách 1 bức tường là sang khu di tích nhà tù, cách chỗ gọi là “cây đào Tô Hiệu” vài chục mét.

 

Nguyễn Khôi tôi cũng có cái may mắn đã từng được đưa các bác Trần Huy Liệu, Văn Tân đi thăm lại nhà tù… và được nghe các bác kể chuyện đủ thứ về nhà tù. Năm 1984 tôi về công tác ở VPQH và HĐNN, có điều kiện cận kề bác Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy… lại thường xuyên giúp việc bác Lê Thanh Nghị nên có điều kiện hỏi về chuyện nhà tù Sơn La (vì bác Nghị hồi trước 1945 cũng bị tù ở đây 5 năm cùng các bác Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Trần Huy Liệu, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy… bác Xuân Thủy, hồi sau làm Phó chủ tịch Quốc Hội).

 

Qua câu chuyện về cây đào “Tô Hiệu” thì bác Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy đều bảo thời trước 1945, nhà tù chưa bị phá thì không thể trồng cây gì ở trong đó được. Sau này, đó là chuyện của Nhà Văn Nguyễn Tuân trong tùy bút Sông Đà với mấy câu lấp lửng “Cây đào ông Tô Hiệu”, rồi sau đó được báo chí “môđiphê”(modifier-làm thay đổi) như khẳng định… câu chuyện thực là thế, và có lẽ cũng chỉ nên nói là “cây đào bên buồng giam Tô Hiệu”. Cây đào này (bên cạnh còn nhiều cây đào khác) hiện nay  được Bảo tàng Sơn La gắn biển “cây đào Tô Hiệu”… vậy thực là do ai trồng? Đó là do chim rừng, gió núi đem những quả đào dại (đào rừng) mọc đầy trên đồi Khau Cả gieo vào các khe nứt trên sân nhà tù xưa đã vỡ nát, rồi nảy mầm mọc lên thành cây… tất cả đào Sơn La hầu hết là “trời trồng” (mọc tự nhiên) không phải ai tưới tắm gì cả. Hậu thế, do quá yêu tấm gương hy sinh của người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu nên đã gán cho anh thêm cái “tình”: Ho lao rũ rượi chết đến nơi rồi mà vẫn gieo hạt, trồng đào nở hoa cho các thế hệ mai sau. Từ văn học (tùy bút) rồi thành huyền thoại, âu cũng là một tấm lòng, không nên bàn cãi qúa nhiều. Vấn đề là cất cái biển đã ghi tên kia đi… (Rendez  César ce qui appartient à césar)./.

 

Nguyễn Khôi
Số lần đọc: 2938
Ngày đăng: 25.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghe Kinh - Phạm Thanh Chương
Cơm Mo Cau Giữa Lòng Thành Phố - Lê Ký Thương
Sơn La Ký Sự 3 - Nguyễn Khôi
Nhân cách lớn làm nên một con người - Trần Ngọc Trác
Cha Tôi - Ngô Nhật Đăng
Ký (vô tích) sự vòng Bờ Hồ - Nam Dao
Xem Bóng Rỗi Hát Tế, Múa MâmVàng - Phạm Nga
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở - Minh Nguyễn
Sắc Màu Vùng Cao Nguyên Đá - Nguyễn Thị Hậu
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)