Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
853
116.619.957
 
Sơn La Ký Sự 7
Nguyễn Khôi

 

Bài 32:

 

XỬA CỎM

 

ÁO NGẮN PHỤ NỮ THÁI

 

 

Trong trang phục Thái thì cái áo ngắn (Xửa cỏm, xửa cóm) là độc đáo và đặc sắc nổi bật ít dân tộc tạo hình được đẹp như thế.

 

Áo phụ nữ Thái có nhiều kiểu dáng: Áo dài (xửa hí), áo ngắn dài tay có cúc bướm bạc (mắc pém) gọi là xửa cỏm, áo ngắn hở nách là “xửa khép”…

 

“Xửa cỏm” cổ truyền vừa là lễ phục vừa là thường phục, chỉ khác là về chất liệu vải (vải thường hay tơ lụa, cát bá, sa tanh) khi đi lễ thì quàng thêm tấm thổ cẩm rộng chừng ba bốn mươi phân hơi lệch chéo sang một bên, cách điệu một chút nghệ thuật ở phần hạ bán thân, chỗ ngay thắt lưng “xửa eo” xuống.

 

Màu sắc xửa cỏm tùy thị hiếu từng người có thể giữ nguyên màu vàng óng của tơ tằm hay nhuộm hồng nhạt hoa đào, xanh thanh thiên, màu tím hay màu nõn chuối… đó là những màu sắc được ưa chuộng (vải tự dệt) mua của người Kinh, người Hán…, còn Váy thì màu đen, đen nhánh, váy lụa thì nhuộm chàm, tím thẫm rồi nhúng bùn ao cho thật đen, thật mượt.

 

Xửa cỏm may thân áo bó sát người, tay áo rộng, từ nách khâu hẹp dần xuống. Gấu áo khâu lót thêm 2 lần vải, rộng chừng ba phân, khâu đột nịt chặt ôm lấy vòng eo thắt đúng lưng long, phần trên đủ ôm lấy bộ ngực nở nang khít khao gây ấn tượng. Mép gấu áo chỉ đủ chấm tới mép cạp váy, ngang thắt lưng nên khi cử động (cúi xuống hở tí eo lưng, dướn mình hay ngã về phía sau thì hơi hở nude (nuy) chỗ rốn khá gợi cảm. Trước ngực từ tới Rốn là 2 hàng cúc bạc “mắc pém” như một đàn bướm bay dọc trên 2 nẹp tà áo.

 

Về số cúc bướm (mắc pém) có 2 ý kiến:

 

1. Hàng mắc pém với số lẻ 11 cặp được bố trí khéo léo dày đặc lấp lánh trên ngực phụ nữ Thái - Số lẻ ở đây tượng trưng cho sự vận động, phát triển đi lên (số chẵn tượng trưng cho sự yên tĩnh, không động, không phát triển - những sản phẩm dùng cho phụ nữ đang sống thường  thiết kế với số lẻ, còn để cho thế giới hư vô “phi” là số chẵn).

Bậc cầu thang để lên xuống nhà này hàng ngày có số lẻ, chỉ làm chẵn khi đưa ma.

 

2. Hai là: Màu nền tà áo không trùng với màu áo và cúc bạc. Số cúc bao giờ cũng “số chẵn” với ý nghĩa đầy đặn, trọn vẹn dành cho chồng con - khác với những số lẻ trong kiến trúc nhà ở, “lẻ” là sự sinh sôi phát triển.

 

Hai ý kiến trên đều có lý lẻ… Thực tế ở mỗi vùng, mỗi chi (ngành) Thái có quan niệm khác nhau đôi chút - có lẽ là:

 

* Với con gái chưa chồng thì Xửa Cỏm có số hàng Mắc phém số lẻ.

* Khi có chồng con rồi thì xửa cỏm có số hàng cúc bướm số chẵn.

Cũng có thể số hàng chẵn hay lẻ phụ thuộc vào chiều dài của áo (áo người cao hay thấp) miễn sao cho nó cân đối hợp lý là đẹp.

 

Xửa cỏm của  phụ nữ Thái đen: Cổ áo cạp hai lần vải, khâu đột, cổ đứng có phần gò bó cứng nhắc thì xửa cỏm của chị em Thái trắng lại bẻ tai, chiết giấu mép, vòng cổ rộng hình trái tim mở dài hở đến trước ngực rất mềm mại duyên dáng.

 

Các cô gái rất ưa kiểu xửa cỏm này, còn các “bà xã” khi vẻ đẹp lý tưởng “eo kíu meng nhay” lưng eo con tò vò không còn nữa, thì các chị rất ý tứ khi mặc xửa cỏm đã khéo léo dùng các móng tay ém đẩy lớp mỡ bụng lên (đã qua nhiều lần sinh đẻ) rồi vừa cài cúc bướm nên vẫn tạo được hình dáng thon thả gọn gang.

 

 

VÁY THÁI:

 

 

Có nhà thơ đã cảm:

                                   

“Váy em sắm lệch, nhiều khi cũng tình”

 

Váy (xỉn) của phụ nữ Thái màu đen, khâu kín mép kiểu váy ống, vòng ống rộng gấp đôi vòng eo, cạp váy màu trắng, còn độ dài tùy theo cao thấp của người mặc và thường là chùng quá bắp chân. Ở trong gấu váy, chị em cạp thêm một đường viền vải màu đỏ thắm rất cách điệu gợi cảm:

 

Ai đó hát ngất ngư Phố Bản

Lũ nghé tơ nhảy giỡn rộn bờ khe

Ngọn gió quẩn thổi tung viền váy đỏ

Làm ngả nghiêng lơi lả cánh rừng tre.

 

Váy mặc bó sát vào mông, tạo 1 đường cong thật đúng như một nhà Văn Trung Hoa đã khắc họa cái đẹp “phong nhũ phi đồn” (vú nở, mông to) của người phụ nữ đang thì của thời hoạt động tình dục mạnh mẽ, sinh con đẻ cái để nòi giống phát triển và trường tồn.

 

Khi mặc váy nếp phần thừa quấn vào một bên hông rồi gấp bẻ trở lại đằng trước thành một đường chiết ly thẳng từ eo xuống gấu váy. Tuy thế, nếp gấp này không làm mất đi nét uốn lượn ở phần hạ bán thân của người phụ nữ Thái.

 

Thắt lưng được làm bằng lụa tơ tằm dài gấp 2 lần rưỡi vòng eo, rộng chừng bốn năm phân, màu hoa lý hoặc màu xanh nõn chuối. Hai đầu chính nối thêm 2 mẩu vải màu đỏ chói gây chú ý.

Từ nhỏ các bà, các mẹ đã dạy con cách thắt khăn nơi thắt lưng (xài yêu) để sao “Eo kíu manh po” (thắt đáy lưng con tò vò).

 

Khi thắt lưng thì thắt ngay dưới cạp váy trên hông, mối đằng trước hơi chếch về phía bên hông một chút. Ngày nay, nhiều cô gái đã “cải tiến” dùng dây thắt lưng hoa nhiều màu gấp nếp - không thắt mà quấn giấu mối, trông khá điệu đàng, mảnh dẻ, kiêu sa. (Theo Phan Kiến Giang)

 

 

Khách quan mà chiêm ngường: Ngắm phụ nữ Thái với trang phục xửa cỏm ta ngỡ đó là một nàng vệ nữ rất cổ điển mà vẫn hiện đại, bó sát tạo eo, nổi bật các đường cong lý tưởng (như thi hoa hậu)… chị em Thái đã rất táo bạo trong sắp xếp đường nét (gây gợi cảm). Cái váy dài tha thướt xúng xính như muốn kéo dài thêm cho phận hạ bán thân, làm sao chân dài thêm; còn cái xửa cỏm thì cứ như hơi quá ngắn lại ôm xít thân thể vùng trên như dồn nén chật chội, căng phồng như muốn bung ra “bong ra” hiến dâng cho người tình “của em của anh đây mà” rất gần gũi thân thương đầy chất nhục cảm.

 

Khi may mặc bộ “xửa cỏm”, chị em rất chú ý bố trí phối hợp màu sắc (các tông màu) không diêm dúa, lộng lẫy mà vẫn giản dị, ấm cúng.

 

Váy đen nhánh thêm viền phía trong đỏ ở gấu váy, khi bước đi xao động cùng khăn piêu trên đầu, bộ xà tích bạc ở thắt lưng thật là vừa tạo hình, vừa tạo sắc (hai cái màu nóng tương phản): Màu đỏ ẩn hiện làm cho màu đen thăm thẳm, sâu hơn như ẩn sau đó là vùng “âm” của tình ái…

Sự tương phản lung linh sống động ấy trong một tồn tại ở một chỉnh thể thấp nhất, sự hài hòa cân bằng âm dương như “ải cắp êm” (bố với mẹ) đời đời bền vững hội nhập với áo sơ mi, quần Jin hiện đại vẫn không lạc mốt.

 

 

KHĂN PIÊU

 

 

“Piêu” tiếng Thái nghĩa là “khăn”. Đó là một tấm vải thổ cẩm tự dệt rộng chừng hai gang tay và dài một sải tay, mặt vải sợi dệt thô nhuộm chàm kỹ ngả màu xanh đen, còn nhấn thêm nước vỏ cây Ban cho đen nhánh bóng.

 

Khăn tuy dài nhưng khi đội thì chỉ một đầu khăn vắt trên đỉnh đầu rủ xuống trán và một đầu thả xuống sau lưng dưới gáy, chỉ những phần hở ngoài mới thêu trang trí hai đầu khăn, còn đoạn giữa để nguyên vải chàm thô.

 

Hai mép đầu Piêu được viền một diềm vải đỏ (hay vải ngũ sắc) kéo sang 2 bên mép cạnh bên bằng một đoạn bằng một nửa chiều rộng khăn, các góc khăn trên mép vải viền được tết chỉ màu thành các “cút Piêu” bằng chỉ nhiều màu thành các vòng tròn nhỏ mỗi đoạn vòng một màu. Tùy loại Piêu mà tết thành từng nhóm 3 hay 5 hay 7 cút.

 

“Cút Piêu”; hình tượng cây guột ở đoạn chồi là non xoắn hình trôn ốc nó cũng như 2 cái khău cút trên đỉnh đầu hồi nhà.

 

Ô vải vuông ở hai đầu khăn là gương mặt của Piêu, là nơi trổ tài thêu thùa của chị em… Bố cục vuông gấm, vải đỏ thành những ô vuông đồng tâm hay lệch 45o so với ô bao ngoài gần mép đầu khăn gây cảm giác chuyển động như bánh xe quay. Cũng có khi bao quanh vuông gấm là các ô vuông nhỡ xếp cạnh nhau thành 4 băng dọc theo các cạnh hình vuông, mảng vuông bên trong mới bố cục thành các ô vuông đồng tâm. Ở lối bố cục tất cả đều là những hình vuông được thêu thành các dải hồi văn các hình móc câu hay tam giác đồi đỉnh, hình răng cưa, hình ô trám, hình đàn khỉ, đàn ngựa đuổi nhau chạy vòng quanh các hình vuông, còn mặt hình vuông trong cùng thì thường thêu những ngôi sao ở cánh hay nhiều cách biến thể. Những hoa văn ấy đều phản ánh hiện thực, song không sao chép tự nhiên mà đã được cách điệu thật khái quát và hình học hóa, số kiểu hoa văn tuy không nhiều, song nhờ kết hợp khéo léo ở từng bàn tay vàng và theo tập quán từng vùng mà vừa mới lạ vừa quen thuộc lại như mở ra vô hạn (theo TS Chu Quang Trứ).

 

Về  màu sắc chỉ thêu thường là màu tươi cơ bản. Piêu Yên Châu sặc sỡ, ưa dùng các màu gốc đối chọi mạnh: Trên nền khăn xanh chàm đen, nổi bật lên là những màu sáng mạnh như đỏ rực, vàng nghệ, vàng chanh, trắng, xanh lá cây, xanh lơ tạo thành sự phối hợp màu khá mạnh bạo. Piêu Điện Biên ít màu hơn thiên về đằm thắm.

 

Khăn Piêu do các cô gái Thái làm ra để dùng, để tặng bạn tình làm quà kỷ niệm, tặng cha mẹ, cô bác, anh chị bên nhà chồng. Khăn Piêu rất tiện dụng: Dùng đội đầu, quấn cổ và khi cần thì buộc làm “địu” để địu con nhỏ.  Nó đẹp như câu hát:

 

“Chiếc khăn Piêu

Thêu chỉ hồng

Theo gió cuốn

Bay về đây

Dâng trên tay…”

           

Nó chính là nơi lắng đọng tâm hồn (tình yêu) và phẩm chất cao đẹp của người con gái Thái.

                                                                                                               

8/3/2012

 

 

Bài 34:

                                   

QUẮM TỐ MƯƠNG

 

“Truyện kể bản Mường” là một bộ thông sử của tộc người Thái, ngành Thái đen trình bày những sự kiện nửa hư (truyền thuyết) nửa thực qua cuộc “mang gươm đi mở cõi” cách đây khoảng gần nghìn năm của chúa đất Thái đen ở Mường Lò (Nghĩa Lộ).

 

Qua phần huyền thoại … đến lúc Then (trời) cho tạo Tum Hoàng xuống làm chủ vùng đầu sông Nậm Lài, Ao Xe, Nậm Tè (Sông Đà), Nậm Tào (Sông Thao)… rồi tạo Tum Hoàng cho hai em là Tạo Xuông, Tạo Ngần xuống ăn đất Mường Ôm, Mường Ai ngoài vòm trời, rồi tới dựng Mường Lò Luông, cùng theo có các tay chân họ Lò, Lương, Quàng, Tòng, Lèo… tôn họ Lò làm chủ. Lúc đó đất Mường Lò đã có người. Mọi (Mường), người Mang cư trú. Xây dựng theo Mường Lò thì Tạo Xuông ở lại lấy vợ sinh ra Tạo Lò, cho Khun Lường làm mo, Tạo Lò làm chúa. Về sau Tạo Xuông cũng trở về quê cũ Mường Ôm, Mường Ai.

 

Tạo Lò lấy vợ sinh ra 7 con trai: Ta Đúc, Ta Đẩu, Lặp  Li, Lò Li, Lạng Ngang, Lạng Quang và Lạng Chượng… các con khôn lớn, Tạo Lò chia cho các con đi làm chúa các mường: Tạo Đúc “ăn” Lò Luông, Ta Đẩu “ăn” Lò cha, Lặp Li “ăn” Lò Gia, Lò Li “ăn” Mường Min, Lạng Ngạng “ăn” Mương Vân, Lạng Quang “ăn” Xí Xam, Bản Lọm. Ngoài ra Tạo còn cho bô lão già bản Xửa Cang Ho “ăn” Mường Pục, Mường Mẻng… Rồi các cháu nội được chia đi làm chúa miền đất đầu sông Thao nước đỏ.

 

Riêng con út Lạng Chượng không có Mường để “ăn” - “con út không có ngựa, con út không có Mường” (giàu con út khó con út là thế). Lạng Chượng mới bàn với các tay chân giúp việc là các ông ho hé, ông mo, ông nghe… triệu tập binh tướng, dân chúng mở lối đi tìm Mường. Quân đi đến Khau cả, Khau Pục, Mường Min thì tiến thoái lưỡng nan, chúa bèn cúng “pang cha đáp” cầu hồn ông nội là Tạo Xuông, Tạo Ngần xuống phù hộ.

 

Chọn ngày lành, quân Lạng Chượng đến Mường Lùng - dốc Khau Phạ nhìn thấy cánh đồng rộng (xã Ngọc Chiến bây giờ) bèn dốc quân vượt dốc Xam xíp vào Mường Chiến. Tạo Mường Chiến khiếp sợ xin gả con gái, Lạng Chượng ưng ý nhận đất Mường Chiến là Mường họ ngoại.

 

Tới Mường Chai, Tạo ở đây sợ phải dâng nhiều trâu.

 

Binh Chúa vượt rừng rậm, qua cầu mây Vạn Tọ, không thuyền bắc cây qua Nậm Tè (Sông Đà)… đến đây vấp phải sự chống cự của người “Xá Cắm Ca” (Khơ Mú) do Tù trưởng Khun Quàng cầm đầu. Mác Chúa ngắn nên chúa phải chạy, mác Quàng dài nên đuổi Chúa xuống Nậm Tè, bị bắt cạo trọc đầu phơi nắng, binh Chúa chết 800 người gan dạ… Rồi chúa rút binh về Ít Ong (Thủy điện Mường La hôm nay) để tang đồng đội.

 

Rồi sau một thời gian nghỉ dưỡng rút kinh nghiệm chúa Lạng Chượng thắng Khun Quàng chiếm được đất Mường La từ Nặm Bú qua Khau Pha, Kéo Tèo, qua Nặm Cá (Chiềng An), Chiềng Căm (Thị xã), Cọ, Kẹ qua núi Khau Hào lên Mường Muổi (Thuận Châu)… gặp quân Xá của Khun AmPoi ở núi Khau Tù, Khau Cả, quân chúa đánh nhiều lần bị thua… rồi chúa lập mưu “Mỵ Châu - Trọng Thủy”xưa, xin làm rể ĂmPoi… chọn ngày lành chúa mở tiệc chuốc rượu say cho Bố vợ, rồi giết chết đoạt đất Mường Muổi.

 

Quân Chúa tiến lên Mường Quài (Thiên Giáo) chê đất ở đây ẩm ướt tanh hôi, bé nhỏ, qua Mường Húa, Mường Ẳng tới Mường Phăng chế đất bé trũng như vũng trâu đằm, chim cuốc chạy qua, chim đa đa chạy lại cũng thấy. Quân chúa tiến vào Mường Thanh, đất này thật tốt “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (4 cánh đồng rộng ở Tây Bắc) ở đây Mường rộng lớn, tròn như cạp nong, cong như sừng trâu, cho quân lính phá rừng khai hoang làm ruộng, chia đất thành hai vùng “Xoong Thanh” cho già Nà Lếch làm mo.

 

Lạng Chượng làm chúa Mường Thanh lấy vợ bản Pe sinh ra Khum Pe, rồi lấy vợ sinh ra Khun Mứn. Khun Pe mất sớm, ông nội đem cháu về nuôi, sau Khun Mứn sinh Tạo Pàn. Chúa Lạng Chượng già rồi mất… cháu tiếp là Tạo Chiêu lên “ăn” đất Mường Lay, Tạo Cằm về Mường Muổi.

 

Cứ tiếp là Tạo Chông, Tạo Thâng, Tạo Quá Lạn, Tạo Chương, Tạo Quạ, Tạo Quạ lấy nàng An Phấư ở Mường Lay làm vợ cả, và Nàng Xơ (người Xá dòng dõi Khun Quàng, ĂmPoi) làm vợ hai. Nàng Xơ sinh ra chúa Lò Lẹt.

 

Lò Lẹt lấy tên hiệu là Ngu Háu (rắn hổ mang) làm chủ đất Mường Muội nhiều năm vào đất triều cống Đại Việt từ đấy.

Cứ thế, cứ thế… ghi chép kéo dài cho tới năm Mầng Cậu (Đinh Hợi -Đồng Khánh nhà Nguyễn năm thứ 2) quân Pháp lên đánh chiếm Mường La (Thị xã). Thời đó Tây tiến lên Pa Tần bị Tạo Điêu Văn Tri đánh cho phải lui về - Mường Lay - Mường La, mãi sau Quan 6 ở Hà Nội sai Pa Vi lên dụ Tạo Tri hàng phục - Thế là 16 châu Thái bị Tây cai trị từ đấy cho đến 7/5/1954 chiến thắng Điện Biên…

* Bản Mường Thái dưới thời thực dân Pháp đô hộ (Thành Thái thứ 2: 1890 - 1954):

- Cầm Văn Oai làm chủ Mường Mụa (Mai Sơn)

- Ở Mường La: Tây đóng trụ sở (kiểu tỉnh lỵ ở Tạ Bú gọi là Vạn Bú)

- Cầm Văn Hoan làm Tuần phủ cai quản 9 châu Thái đen.

Cầm Văn Oai ở Mường Mụa kiêm chức Quản đạo Thái đen.

Điêu Văn Tri quản đạo vùng Thái trắng.

Bạc Cầm Hạc làm tri châu Mường Muổi

Hoàng Văn Cấp làm tri châu Mường Vạt

Xa Văn Cả làm tri châu Mường Xang.

 

1/2/1917 Chánh xứ Lô Mét mở trường dạy chữ Quốc ngữ và chữ Tây ở Sơn La. Cũng năm đó chủ Mường La là Cầm Văn Quế lên thay cha là Hoan vừa mất, Hoan làm chủ Mường La 33 năm, khi chết, làm ma mổ 32 trâu và trồng 36 cây heo ở mộ.

 

Năm 1919, Quế làm nhà ngói bắt dân mỗi “xổng” nộp 100 đồng bạc trắng.

 

Năm 1922 Tây bắt dân đổi tiền “cống chảy” lấy tiền “hua cỏm” hẹn một năm phải xong, cứ 3 đồng cống chảy được 1 đồng hua cỏm. Dân mường thời đó túng tiền lắm, họ phải bán gạo, trâu với giá rẻ mạt (trâu mộng 12 đồng/1 con và mua hàng với giá cắt cổ như sợi vải, thuốc lào, 1 kg muối giá 5 hào).

 

Năm 1931 Tây xây nhà tù Sơn La mở đường cái ô tô đi Tạ Khoa (qua đèo Chẹn), năm 1932 Tây lại mở đường đi Thượng Lào qua rẻo Pa Háng, rồi mở tiếp đoạn Mộc Châu về Suối Rút (đường 41) người Thái gọi đó là đường Pha Lỉ, Pha Tổ… dân phải đi phụ đục núi phá đá nhiều người bị chết - con gái phải gả bán sớm (lấy tiền) Bản mường không yên vui.

 

 

Bài 35:

 

LỜI ĂN TIẾNG NÓI

 

Lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hàng ngày bộc lộ nhân cách, lối sống (tính cách) của một dân tộc. Nhiều khi chỉ một hiện tượng (một hành xử) cũng đã để người ta có cảm tình hay khó chịu về dân tộc đó. Ví dụ có người nhận xét:

           

Tính cách người Hàn Quốc qua hiện tượng lặng lẽ xếp hàng cả tiếng đồng hồ trước giờ lên máy bay (còn người Nhật thì qua vụ sóng thần và thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fucưxima hồi  11/3/2011 từ người dân tới ông Thủ tướng đã hành động, ứng xử như thế nào (qua màn hình ti vi) đủ cho cả thế giới kính phục người xứ mặt trời mọc.

           

- Người Tàu (Trung Hoa) có  một nền văn minh rực rỡ cỡ 5000 năm lịch sử, nhưng khi tiếp cận với số đông cụ thể thì lại thấy như bước vào xã hội thiếu trật tự như “vào đến phòng đợi ở sân bay, đã thấy rất đông người ngồi la liệt trên ghế hoặc dưới đất, nói chuyện ồn ả hoặc ăn uống nhồm nhoàm. Nét nổi bật của người Trung Quốc là ăn to, nói lớn… khi lên máy bay thì xô đẩy chen lấn, la hét chửi bới nhau, rồi giành giật chỗ để hành lý. Khi đã vào ghế ngồi yên vị rồi là họ bắt đầu mở miệng để chuyện trò, tranh luận to tiếng như một cái chợ”.

           

Hai tính cách nổi bật là: Chen lấn và sẵn sang xâm phạm vào sự riêng tư của người khác.

           

Về đi lại hình như người ta không bao giờ chú ý (nhường đường) hoặc có nhường họ thì cũng không có lời cảm ơn. Về sinh hoạt thì hở cái gì ra là mất cắp, tính vùng miền cục bộ (như ở ta là dân Nghệ Tĩnh) rất mạnh mẽ.

           

Việc khạc nhổ thì người Tàu đứng số một thế giới đến nỗi khi tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh (2008…), lãnh đạo phải có chỉ thị cấm khạc nhổ ngoài đường phố Thủ Đô.

           

- Người Hà Nội: Xưa nổi tiếng là thanh lịch, hào hoa phong nhã, thì nay xuống cấp đáng báo động: Ra đường thấy bất cứ cái gì lạ (như tai nạn xe máy, cãi nhau) là xúm đông xúm đỏ gây tắc nghẽn giao thông. Ăn tục, nói tục thì chắc Tàu cũng phải chào thua: Xô đẩy chen lấn, nói to, trộm cắp…, đái bậy thì thôi rồi.

           

Tính khoe mẽ, trưởng giả, học làm sang (kể cả tham nhũng) đang trỗi dậy, hoành hành đáng sợ, sự coi thường kỷ cương, luật pháp diễn ra khá phức tạp.

           

Còn về người Thái, qua nhiều năm “cắm bản” Nguyễn Khôi tôi thấy có hai điều nổi bật: Chất phác thật thà (không nói dối = ba vẹo), không trộm cắp (kin lắc); nếu ai mắc phải thì bị cộng đồng dân bản tẩy chay, xua đuổi.

           

Đặc biệt trong sinh hoạt thường ngày của người Thái là nhẹ nhàng, dịu dàng, rất ít khi to tiếng (vợ chồng ít khi cãi nhau), không đánh mắng trẻ con, phụ nữ (phụ nữ được tôn trọng, yêu quý), trong các bữa liên hoan tiệc tùng diễn ra khá lớp lang, trật tự - khi vui là “hát” (khắp) là xòe (xe) là hút hai sừng trâu rượu cần, là cụng ly vài ba chén rượu cất (lẩu xiêu). Không đồng ý thì nói “đồng ý thôi” một cách nhẹ nhàng

         

Nói năng vào thưa ra gửi (xo phép), gặp nhau có lời chào “khẳn qua, xiểng qua” cho tặng nhau có lời cảm ơn chân thành và còn hẹn gặp lại. Dân bản sống với nhau kiểu công xã thị tộc nông thôn “tắt lửa, tối đèn”có nhau, chia ngọt sẻ bùi, tình nghĩa thủy chung.

        

Lời ăn tiếng nói của người Thái được bộc bạch trong “Quăm son Côn” (lòi khuyên răn người). Đó là những câu rất đạo lý đời thường nhưng khá minh triết:

 

- Về mặt “xưng hô” thì:

Thẩu hịa me/ Ké hịa lua

(Già gọi Mẹ/ vừa gọi Thím)

 

- Ăn xem nồi, ngồi trông hướng, có ý tứ:

 

Năng hảu bấng thí

Ní hảu bấng bón

(Ngồi phải xem chổ/ đi phải xem nơi)

 

Nung sửa bang nha ngoi táng

Nung xỉn hang nha ngoi tu

(Mặc áo mỏng (nữ) đừng đứng trước cửa sổ

Mặc váy mỏng đừng đứng trước cửa vào ra)

Au mia bấng me nai

Sự quai bấng me tổn lang

(Lấy vợ xem mẹ vợ/mua trâu xem trâu đầu đàn)

Thốm nặm sa lai hảu bấng chong

(nhổ nước miếng phải xem khe dát)

Khong xáu ca đi ca panh nha chăm xảu

(thấy người có của quí giá đừng sán đến gần)

Cốn tai pợ sốp/cốp tai pợ o

(người chết vì cái miệng/ ếch chết do lắm tiếng kêu)

Phua mia cu mưng nha va

(tình vợ chồng chớ gọi mày tao)

Quăm đi phăng cảu sok

Quăm hại hí cảu na

(chớ lời lành chôn chín tấc

Chở lời xấu dài chín xải)

Xép khẩu é kin nốt háy

Quây khanh né xỉ nột bản

(Đói bụng tưởng ăn hết cả chõ (xôi)

Buồi cương cứng tưởng địt được (nữ) cả bản.

Nha chằm díp nha khịt ton

(Khi cầm nắm xôi chấm chớ có

Kẹp thêm miếng thức ăn (cá thịt) - tức là đừng ăn tham - xấu.

Nhay pay đón mưa đăm

(Đừng có đi trắng về đen - ăn ở hai lòng).

Nha du chăm nưa xiêu

(Đừng có xán vào vợ người khác)

Chẩu bái ngắm xiêu ngăm

(Mình không nghĩ ngợi, ý tứ gì (vô tư) thì sẽ có người khác nghĩ (nhớ) đến mình).

 

Xin trích một số câu đã trích ra tiếng phố thông:

 

* Người Thái có luật Mường, lệ bản.

Có thấp có cao/ biết cao biết thấp.

 

* Nhiều người đắp thành bờ.

Một người phá thành thác.

 

* Không được ba hoa

Không được nói phét

Không được sợ việc

Không được lười biếng

Không được ngủ sớm

Không được dậy trưa…

 

* Không được nhai chộp choạp

Không được cái không bảo có

Không được kề cà say rượu

Không được đánh vợ

Không được ăn trộm

Không được nói dối

 

* Ăn cơm trước khi nuốt phải nhai

Giơ dao ba lần mới chém

Nghĩ ba lần mới nói

 

* Bố mẹ nuôi không bằng thầy dạy

Thầy dậy không bằng tự mình làm nên

 

* Đông con cháu, thiếu gạo ăn

Sướng con cu, mù con mắt.

 

Những cái buồn của người Thái:

 

“Con dại, vợ chết, bố mẹ mất sớm, anh em ở xa”

Vợ chồng xa nhau, bỏ nhau, thiếu cơm, thiếu muối

Đi thuyền không có mái chèo

Lạc rừng trời tối/ cơm không, chẳng có thức ăn. Đêm nằm không có vợ để ôm. Dằm (gai) chọc móng tay / ve cắn lỗ tai.

Mắt mù, tai điếc

Đào con dúi hang sâu / nói chuyện tình với gái nặng tai.

Đắp bờ phải bùn nhão.

Ăn không có bạn

Ở chẳng có phường

Đau bụng không có thuốc

Đau mắt, đói chữ chẳng có thầy.

Anh em ghét chẳng ai thương.

                

*

 

Lai côn đi/ lai phi pương cáy / lai mạy pên hươn chăn

(Nhiều người thì tốt / nhiều ma thì tốn gà - phải cúng / nhiều cây thành nhà đẹp).

Đông luông báư mi mạy

Chí au săng pên pá

(núi rừng to không có cây

Thì lấy đâu thành rừng)

 

Lời ăn tiếng nói (tư cách đạo đức Thái) được đúc kết thành tục ngữ, thành luật Mường lệ bản để giáo dục mọi người sống, lao động trở thành những con người tốt, có kỷ cương, có tình nghĩa xây dựng bản mường - đất nước ngày một giàu đẹp.

                                                                       

Góc thành Nam Hà Nội 19/4/2011

 

Nguyễn Khôi
Số lần đọc: 3861
Ngày đăng: 02.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nốt Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Sơn La Ký Sự 6 - Nguyễn Khôi
Trường Sa Của Tôi - Nguyễn Thị Hậu
Nước Mắt Lâm Tặc - Nguyễn Hàng Tình
Một vài kỷ niệm sống động - Nguyễn Đăng Trúc
Sơn La Ký Sự 5 - Nguyễn Khôi
Sơn La Ký Sự 4 - Nguyễn Khôi
Dốc Mơ - Phạm Văn Nhàn
Nghe Kinh - Phạm Thanh Chương
Cơm Mo Cau Giữa Lòng Thành Phố - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)