Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
683
116.700.771
 
Hoa Núi Biên Thùy
Vương Hà

Nàng Ỏ, Nàng Anh là người Mường Mít. Nàng Ỏ là chị, Nàng Anh là em, cả hai đều được cha truyền dạy võ nghệ cho từ tấm bé nên rất giỏi võ nghệ. Nhắc tới hai nàng thể nào người dân Mường Mít cũng thốt lên những lời tự hào. Ổ, nhịnh[1] Ỏ, nhịnh Anh xinh gái lắm, đẹp tựa như hoa rừng, trai bản nhìn thấy hai chị em, chẳng uống rượu thì cũng đỏ mặt ngất ngây say.

 

Không chỉ nổi tiếng về sắc đẹp và giỏi võ, Nàng Ỏ và Nàng Anh còn múa hát hay, cấy hái tài, nấu ăn ngon, thêu thùa khéo, nên tiếng tăm đồn vang sang đến tận Mường Chiên, Mường La, lên tới tận Chiềng Xa, Chiềng Ban.

 

Ải Hịa cũng là người Mường Mít. Nhắc tới Ải Hịa, thể nào dân Mường Mít cũng thốt ra những lời thán phục. Ổ, chại Hịa sức khoẻ hơn người, có thể vác được cả con ngựa đực trên vai lội đi qua bãi lầy, ghìm được sừng con trâu mộng to dữ khiến nó không thể nhúc nhích. Các con chữ của người xưa để lại, Hịa đọc làu làu, giảng giải lưu loát, giương cung bắn nỏ thì mũi tên có thể xuyên lá ở cách xa hàng trăm bước.

 

Dân Mường Mít đều biết, Ỏ và Hịa thương nhau đã được một mùa cây thay lá. Trai tài gặp gái sắc, họ quấn quýt bên nhau không thể thiếu rời. Nếu như Hịa là con cá bống pắn pảu đỏ đuôi, thì Ỏ là cây rau xanh cuộng tím mọc trong nước cho cá bống nằm nghỉ. Nếu như Ỏ là con chim phượng thì Hịa là cây cao tán rộng cho phượng đậu. Nếu như Hịa là ruộng, thì Ỏ là cây lúa cấy trong đó. Nếu như Ỏ là mặt trăng, thì Hịa là cây đa mặt trăng…

 

Ỏ và Hịa đã thề với nhau: Chỉ khi nào trâu đực biết đẻ ra trâu nghé thì mới thôi yêu; Chỉ khi nào con gà luộc biết vỗ cánh gáy vang thì mới thôi thương.

 

Rồi Ỏ và Hịa đem chuyện thưa với hai bên cha mẹ, xin cho được làm cây chung một vườn, làm người chung một nhà. Gia đình họ hàng hai bên đều ưng ý. Họ ngồi lại cùng bàn bạc và hẹn với nhau, cuối năm nay, đúng vào mùa hoa lau chín, mùa con chim én vội vã bay về phương nam tránh rét là sẽ chọn ngày đẹp tháng lành để rót rượu ra chum, mổ trâu kin đoong[2] cho hai con trẻ.

 

Ỏ háo hức chuẩn bị sẵn chăn gối đệm cho đám cưới sắp tới. Đống gối, đống chăn đệm Ỏ làm xếp đã chật hết nửa gian buồng. Con gái nết na khi về nhà chồng không thể thiếu của hồi môn. Đôi đệm này dành biếu Pú, Dá; chăn kia đem biếu Lụng ók, Po ao; gối đây sẽ biếu Ý pả, Ý a, Nạng pặư[3];…

 

Để làm được số chăn gối đệm này, Nàng Anh cũng góp công rất nhiều. Từ việc đi hái lau chín trên rừng đem về ủ, cho tới việc chằm đệm, thêu gối,… đều có công của Nàng Anh.

 

Cha của Ỏ bảo với Hịa và Ỏ: Chỉ bắt Hịa ở rể không quá ba năm. Khi nào Ỏ và Hịa sinh con nhỏ thì cha sẽ chia trâu, chia ruộng rồi giúp dựng nhà cho hai người ra ở riêng.

Nhưng đúng vào lúc này, xớc cợ lơng[4] từ bên kia biên giới lại kéo sang đất ta giết người cướp của.

 

Nguy to rồi! Gay to rồi! Mường loạn mường đổ đến nơi rồi! Dân bản Mường Mít hoảng hốt báo tin cho nhau: Xớc cợ lơng đã kéo quân qua biên thuỳ tới tận vùng Chiềng On, Chiềng Xa[5]. Chúng đi đến đâu là cướp của giết người tới đó.

 

Người này nói:

- Xớc cợ lơng tàn ác lắm, hễ nhìn thấy người là vung đao chém giết. Chúng còn ác hơn cả hùm beo.

Người kia kể:

- Xớc cợ lơng tham lam lắm, bất kể thứ gì cũng đều bị chúng cướp lấy đi hết. Chúng tham lam còn hơn cả chó sói.

 

Nghe kể như thế về xớc cợ lơng, mọi người dân trong bản đều căm chúng lắm. Tạo Mường Mít cho họp tất cả mọi người lại.

 

Mọi người khoanh chân ngồi lên sàn để nghe lời Tạo.

Tạo bảo:

- Nếu không ai đứng lên chống lại xớc cợ lơng, thì sau này chúng cũng sẽ kéo quân tới tận mường ta đang ở để giết người cướp của.

 

Rồi Tạo hỏi:

- Đất đai bản mường, ruộng nương ngô lúa ở nơi đây có phải là của chúng ta không?

Mọi người đồng thanh đáp:

- Là của chúng ta!

 

Âm thanh của hàng ngàn con người thốt ra cùng một lúc làm nhà sàn rung lên bần bật.

Tạo tiếp tục hỏi:

- Những ngôi nhà sàn đẹp đẽ xinh xắn này có phải là của chúng ta không?

Tiếng đáp lại lần nữa làm rung nhà sàn:

- Là của chúng ta!

 

Tạo chỉ tay về phía đám trẻ con tóc chỏm đang đứng thập thò phía sau lưng người lớn.

- Những đứa trẻ kia có phải là con cháu của chúng ta không?

Nhà sàn lại tiếp tục rung lên.

- Là con cháu của chúng ta!

 

Tạo nói:

- Đúng vậy! Bản mường này, nhà cửa này, con cháu này đều là của chúng ta. Chúng ta không thể để xớc cợ lơng tới đây phá hoại, giết người, cướp của lấy đi hết mọi thứ. Vì vậy, chúng ta phải lập nghĩa quân, đi lên tận Chiềng Ban, Chiềng Xa đánh xớc cợ lơng, bảo vệ bản cũ mường xưa của tổ tiên để lại, bảo vệ con cháu của chúng ta.

Cái lý của Tạo nói quá đúng. Bản mường muốn được thanh bình thì phải ngăn chặn giặc từ xa, đánh cho chúng bỏ chạy trở về nơi chúng ở, không để chúng kéo đến tận đây giết người cướp của.

 

Một già bản râu tóc trắng như mây trời đứng lên xin được phép nói.

Già nói:

- Chúng ta cần phải mở cuộc thi để chọn ra một người tài làm tướng chỉ huy chung tất cả nghĩa quân.

Tạo nghe già bản nói xong liền hỏi:

- Mọi người có ưng ý như vậy không?

Tất cả đồng lòng hô:

- Ưng ý!

 

*

 

Được sự đồng lòng của dân trong mường, Tạo Mường Mít sai người đi tới tận các thôn bản gần xa kêu gọi tất cả mọi trai tráng hãy cùng tập hợp tham gia nghĩa quân để lên đường đánh xớc cợ lơng, giữ gìn bản cũ mường xưa.

 

Ỏ nói với Hịa:

- Em cũng sẽ vào nghĩa quân đi đánh xớc cợ lơng, Hịa à!

Hịa bảo:

- Không được đâu!

Ỏ cắn mạnh môi tưởng như bật máu.

- Tại sao không?

- Vì từ xưa tới nay, bản mường ta chưa có lệ cho đàn bà cầm kiếm cầm giáo ra trận đánh giặc.

Ỏ hỏi vặn:

- Vậy khi xớc cợ lơng tới đây thì chúng chỉ giết đàn ông, mà không giết đàn bà à?

 

Rồi Ỏ mắt nhìn Hịa không chớp, bướng bỉnh nói tiếp:

- Đàn bà con gái không được tham gia nghĩa quân thì Ỏ sẽ cải trang làm con trai. Sức của Ỏ có thể không thật khỏe, tay bắn nỏ của Ỏ có thể chưa thật giỏi, đường kiếm của Ỏ có thể chưa thật khéo. Nhưng đánh giặc thì lúc nào cũng phải cần tới cái trí. Có cái trí thì mới thắng được giặc. Ỏ tin mình sẽ góp được cái trí cho nghĩa quân. Hịa phải giúp Ỏ được vào nghĩa quân.

Nghe Ỏ nói tới đây, Hịa thoáng nghĩ. Ỏ khiêm tốn nói vậy thôi, chứ Hịa biết từ nhỏ Ỏ cùng em gái là Nàng Anh đã được cha truyền dạy cho võ nghệ nên võ nghệ của hai chị em rất giỏi. Trai tráng quanh vùng từng nhiều lần thách đấu, nhưng nào đã ai địch nổi. Nhưng đã là luật lệ xưa nay của bản mường không để đàn bà con gái tham gia nghĩa quân thì nhất định phải tuân theo, không thể phá lệ. Hịa là đàn ông, có thể tận hiến hy sinh tính mạng vì bản mường. Còn Ỏ là đàn bà. Mà đàn bà sinh ra là để làm mẹ, làm hơi khói bếp giữ ấm cho nóc nhà, không thể đem tính mạng ra trận đối mặt với giặc được.

 

Hịa khuyên Ỏ:

- Ỏ à, em hãy nghe lời Hịa, ở lại nhà chăm sóc cha mẹ già và em gái, đợi Hịa về.

Ỏ khe khẽ lắc đầu.

- Nhưng Ỏ…

Ôi, may sao nói tới đây thì Ỏ kìm lại được, chứ suýt nữa là Ỏ nói lộ cả ra, còn một lý do nữa để Ỏ kiên quyết vào nghĩa quân là vì muốn được ở bên Hịa, sát cánh cùng Hịa chia sẻ hiểm nguy, sống chết có nhau.

 

*

 

Mọi người trong nhà đều đi vắng, còn lại mỗi mình Ỏ.

 

Ỏ vào buồng, tập cải trang giả làm trai. Ỏ cởi bỏ váy khăn áo cóm cúc bạc, rồi mặc lên người quần ống xéo áo xẻ tà nút vải. Ỏ vấn lên đầu chiếc khăn đàn ông. Cải trang xong, Ỏ thử soi nhìn mình trong thau nước. Ôi, nom giống đàn ông con trai quá. Như thế này, người ngoài chắc chắn sẽ không ai phát hiện được Ỏ là con gái.

 

Ỏ đang ngắm nhìn mình trong thau nước thì bất chợt Nàng Anh chạy ào nhanh vào buồng. Ối! Nàng Anh mở to tròn mắt ngạc nhiên nhìn chị Ỏ.

- Sao chị lại mặc giống như con trai thế này? - Nàng Anh hỏi.

Ỏ thật thà nói:

- Chị đang tập cải trang giống con trai để được vào nghĩa quân đi đánh xớc cợ lơng!

Nàng Anh vỗ tay, reo:

- Ô, hay quá! Vậy em cũng tham gia nghĩa quân đi đánh giặc.

Ỏ nghiêm mặt.

- Em đúng là trẻ con. Đi đánh giặc thì có gì vui để mà vỗ tay. Chị đi rồi, em phải ở nhà thay chị chăm sóc cha mẹ!

Nàng Anh phụng phịu.

- Không! Em cũng sẽ đi đánh giặc. Nếu chị không đồng ý cho em đi cùng thì em sẽ kể cho mọi người biết chuyện chị giả trai. Mọi người biết sẽ không cho chị đi nữa.

 

Ỏ cốc nhẹ lên đầu em gái.

- Em ngoan hãy nghe lời chị, đừng có bướng!

Nàng Anh kiên quyết.

- Không, em cũng sẽ ăn mặc giả trai như chị để được tham gia vào nghĩa quân.

 

Ỏ đành nhượng bộ.

- Thôi được rồi! Nhưng em phải hứa với chị là sẽ không tham gia cuộc thi tuyển tướng. Và nếu được vào nghĩa quân thì em phải luôn ở bên cạnh chị, nghe lời chị, không được bướng như lúc ở nhà.

Nàng Anh nở nụ cười tươi rói rồi ôm chầm lấy chị, ghé ngả đầu vào ngực chị.

- Vâng! Em sẽ ngoan nghe lời chị mà.

 

*

 

Mường Mít chính thức mở cuộc thi tuyển người tài làm tướng chỉ huy nghĩa quân. Người nào tài nhất sẽ được làm tướng chỉ huy chung. Ỏ cải trang giả trai tới tham dự cuộc thi. Ngoài Ải Hịa và Nàng Anh ra, không một ai trong số thân quen nhận ra Ỏ.

 

Các cuộc thi bắt đầu.

Cuộc thi thứ nhất, bắn tên nỏ. Đích là bù nhìn rơm. Muốn thắng, người bắn nỏ phải giỏi. Hịa bắn phát nào cũng trúng. Cuộc thi này không ai địch nổi Hịa.

 

Cuộc thi thứ hai, cưỡi ngựa phi nhanh phóng lao. Đích cũng là bù nhìn rơm. Muốn thắng, người phóng lao phải khéo. Ỏ phóng lao không lần nào trượt. Cuộc thi này không ai qua nổi Ỏ.

Cuộc thi thứ ba, đấu võ. Hịa và Ỏ đều lọt đến vòng đấu tay đôi cuối cùng. Ai thắng trong trận này sẽ được chọn làm tướng chỉ huy chung.

 

Ỏ và Hịa ra giữa bãi đấu. Mọi người vây xung quanh, kẻ đứng người ngồi cùng vỗ tay reo hò cổ vũ. Hai người chắp vòng tay, cúi đầu chào nhau trước khi tỉ đấu.

Ỏ nói nhỏ chỉ đủ để Hịa nghe:

- Em sẽ đỡ Hịa đủ ba chiêu, rồi để thua ở chiêu thứ tư. Hịa rất xứng đáng làm tướng chỉ huy.

 

Hịa ngẩn người, chưa kịp tỏ thái độ phản ứng thì Ỏ đã lập tức xuất chiêu. Hịa đành phải ra chiêu chống đỡ. Đúng tới chiêu thứ tư thì Ỏ bị Hịa đánh bật ra khỏi bãi đấu. Ỏ thua. Tạo mường trao chiếc tù và sừng trâu cho Hịa, tuyên bố Hịa là người thắng cuộc và được chọn làm tướng chỉ huy cao nhất. Ỏ được chọn làm phó tướng cho Hịa.

 

*

 

Chọn được tướng tài rồi, nghĩa quân bắt đầu được tập hợp lại.

Trong số nghĩa quân có cả người Mèo.

 

Người Mèo bảo:

- Phải góp sức đánh xớc cợ lơng!

Bảo như vậy quá đúng! Nếu không biết đoàn kết, góp sức mạnh cùng nhau thì làm sao đánh được xớc cợ lơng. Đạo lý người xưa để lại đã dạy rồi, "đoàn kết nhiều dân tộc mới tốt[6]". Biết đoàn kết, biết góp sức cùng nhau thì việc khó đến mấy cũng thành công.

 

Trong số nghĩa quân có cả người Mán.

Người Mán nói:

- Phải chung tay đuổi xớc cợ lơng!

Nói như vậy quá hay! Nếu không có sự chung tay của tất cả mọi người thì làm sao đuổi được xớc cợ lơng. Đạo lý người xưa để lại đã dạy rồi, "vỗ tay cần tới nhiều ngón[7]". Con người ta muốn làm nên những việc lớn thì cần phải biết dựa vào sức mạnh của đông người…

Nghĩa quân bắt tay vào luyện binh và chuẩn bị vũ khí quân lương. Hịa dạy nghĩa quân cách bắn nỏ. Ỏ dạy nghĩa quân cách phóng lao. Căm thù lũ giặc, nghĩa quân luyện tập rất hăng say.

 

Ban đêm cũng thắp đuốc sáng trưng để luyện tập.

Tạo Mường Mít hỏi Hịa:

- Số mũi tên cần tới vót đã đủ chưa?

Hịa cúi đầu đáp lễ phép:

- Thưa Tạo, tên đã vót đủ!

Tạo Mường Mít hỏi Ỏ:

- Người đi lên bản Mán lấy vỏ bầu khô để làm bầu đựng nước đã về chưa?

 

Ỏ chắp vòng tay, thưa:

- Bẩm thưa Tạo, người đi lấy vỏ bầu khô đã về rồi ạ!

Tạo hỏi tiếp:

- Thế còn số kiếm, giáo rèn trên bản Mèo đã lấy hết về chưa?

Hịa và Ỏ cùng lễ phép chắp vòng tay, thưa:

- Dạ thưa Tạo, kiếm và giáo cũng đã được lấy về đầy đủ.

Tạo Mường Mít vuốt râu, cười.

- Khà khà. Khà khà khà. Vậy là tốt rồi! Ta chỉ còn đợi đàn bà con gái trong mường làm nốt số bánh dày đem làm lương ăn đi đường nữa là xong. Mọi người đồng sức đồng lòng thế này, chuyện đánh xớc cợ lơng chắc chắn sẽ thắng.

 

*

 

Đã tới ngày nghĩa quân lên đường.

 

Nghĩa quân cùng dân Mường Mít tập trung đông đủ ở chỗ gốc cây cổ thụ dành để thờ tú tỉ[8].

Mo lớn, mo Da Ngan[9] đứng ra làm lễ xuất quân. Mâm lễ bày nguyên cả con lợn rừng nặng hơn tạ được thui bằng rơm nếp. Hai thanh kiếm sắc dài bắt chéo để ngay phía trước thủ lợn rừng, chén đựng rượu bày thành một hàng ngang mười hai chiếc. Mọi người quỳ ở phía sau lưng mo Da Ngan. Mo Da Ngan rót rượu vào chén, tưới máu chó lên thủ lợn rừng, bôi máu dê lên lưỡi kiếm sắc.

 

Mo bắt đầu khấn:

 

"Ma rừng đừng dẫn đi lạc lối

"Ma núi đừng dẫn đi lạc đường

"Đầu người cứng như gang

"Thân người cứng như sắt

"Đánh giặc, giặc phải chết

"Kéo mây, mây phải đứt"[10].

 

Thế rồi mo Da Ngan tung mạy khẳm hai[11] để đoán xem điềm tốt xấu. Một que sấp, một que ngửa. Đấy là sự báo điềm tốt.

 

Mo dõng dạc phán:

- Ma trời, ma dòng họ, ma núi, ma rừng, ma nước, ma cây đều bằng lòng giúp chúng ta đánh giặc!

 

Mo thực hiện xong lễ. Các mẹ già bắt đầu đi buộc chỉ cổ tay chúc may mắn cho từng nghĩa quân. Có người còn buộc chỉ đỏ lên cả chuôi kiếm và cán giáo để giết giặc cho thiêng. Nghĩa quân người nào cũng xỏ dưới chân một đôi giày vải mới. Các bà, các mẹ, các chị, các em đã thức rất nhiều đêm để khâu tặng cho họ.

Nghĩa quân đi đánh giặc hiểm nguy không biết có còn sống sót trở về. Nhiều người khóc lắm. Tạo mường lo: "Không biết khóc nhiều như thế, liệu có làm mềm lòng nghĩa quân lên đường đánh giặc?".

 

Tạo ra lệnh:

- Mọi người không khóc nữa! Mà hãy nổi muôn hồi trống chiêng để tiễn nghĩa quân lên đường.

Tiếng trống tiếng chiêng rền vang đầy khí thế. Nghĩa quân và tất cả dân mường cùng thét lớn:

- Đánh đuổi xớc cợ lơng!

Hịa làm tướng chỉ huy đứng đầu đoàn quân, trỏ thẳng kiếm về phía biên thuỳ, gầm giọng thét:

- Lên đường!

 

*

 

Từ Mường Mít muốn đi lên mường Chiềng Ban, Chiềng Xa, nghĩa quân phải vượt qua một dãy núi cao chất ngất. Chưa cần nói tới đỉnh núi, chỉ nhắc tới lưng chừng núi thôi cũng đã cao hiểm rợn tóc gáy, sương mây thường giăng trùng điệp tới tận buổi trưa có nắng mới tan dần.

Nghĩa quân ra khỏi Mường Mít, mải miết đi suốt ngày, đi cho tới khi trời bắt đầu tối mới dừng lại nghỉ, hôm sau, trời vừa tỏ sớm mong manh lại tiếp tục lên đường.

 

Họ hành quân men theo lưng sườn núi, đi giữa đại ngàn mênh mông rợn ngợp, đi xuyên qua những rừng cây pơ mu, sa mu, đi luồn qua những rừng cây đỗ quyên đỏ nở hoa dầy đặc, vượt qua những vạt xanh mọc chỉ toàn giống cây trúc lùn.

 

Đi xuyên và vượt qua hết những rừng cây pơ mu, sa mu, rừng cây đỗ quyên, vạt xanh trúc lùn, nghĩa quân lại tiếp tục đi xuyên qua những rừng cây dổi, rừng cây nghiến cổ thụ rồi mới tới được lòng thung lũng Mường Lự, một nơi khá bằng phẳng.

 

Tới Mường Lự, Hịa và Ỏ ra lệnh cho nghĩa quân nghỉ một ngày để lấy lại sức. Trong khi nghĩa quân hạ trại nghỉ ngơi thì hai người tập trung các tướng dưới lại cùng bàn kế hoạch phá xớc cợ lơng.

Ỏ bàn:

- Phải chia quân ra làm hai hướng giống như chiếc càng cua mới có thể kẹp chết được xớc cợ lơng. Một hướng đánh xuống từ phía Chiềng On, một hướng đánh lên từ phía Chiềng Ban. Như thế, xớc cợ lơng bị kẹp ở giữa sẽ khó chống đỡ, tất bị phá.

Hịa và các tướng dưới đều nhất trí theo kế hoạch của Ỏ. Nghĩa quân được chia ra làm hai. Một nửa do Hịa chỉ huy sẽ đi vòng từ mạn Chiềng On đánh xuống. Một nửa do Ỏ chỉ huy sẽ tiến thẳng từ phía Chiềng Ban đánh lên.

 

*

 

Nghĩa quân do Ỏ chỉ huy đã tới Chiềng Ban. Ỏ ra lệnh hạ trại đóng quân ngay bên cạnh con suối Nặm Pạt. Dân Chiềng Ban cho người đem tới tặng Ỏ một con ngựa cái màu đỏ tía. Họ cầu mong, con ngựa tía này sẽ đem lại may mắn giúp nàng đánh tan xớc cợ lơng cứu dân.

Ỏ điều quân xuất quỷ nhập thần, khiến xớc cợ lơng lúng túng không biết đằng nào chống đỡ. Mỗi lần hai bên xông trận, dân các bản xung quanh đều nghe rõ tiếng rú thất thanh của xớc cợ lơng.

 

Chống đỡ lại không nổi nghĩa quân, xớc cợ lơng đành bỏ chạy. Chúng kéo nhau từ trong Chiềng Ban ra đóng quân co cụm ở ngoài Chiềng Xa. Ỏ chỉ huy nghĩa quân truy đuổi quyết liệt và gặp giặc ở cánh đồng Túng Xo.

 

Nghĩa quân và xớc cợ lơng giáp mặt, quyết chiến một trận sống còn ngay tại cánh đồng Túng Xo. Hai bên đánh nhau đã rất nhiều ngày chưa phân thắng bại. Ban ngày. Quạ kêu, cú rúc rùng rợn ở trên không. Buổi đêm. Sói tru, cầy hú kinh sợ nơi mặt đất. Xác quân lính chết nằm phơi nắng sương phả nồng nặc mùi tử khí. Máu tanh chảy loang lổ thấm đen ngòm mặt đất.

Vào lúc này, nghĩa quân do Hịa chỉ huy cũng đang phá giặc ở trên mạn Chiềng On.

 

Đánh nhau tới ngày thứ mười, xớc cợ lơng không trụ được nữa, đành tiếp tục rút chạy về phía Chiềng On. Nghĩa quân Nàng Ỏ thắng trận. Trống giong, cờ mở tưng bừng.

Ỏ bảo Nàng Anh:

- Em hãy chọn lấy thêm hai người nữa, cưỡi ngựa đi trước về Mường Mít báo tin thắng trận. Chị ở lại chờ anh Hịa, rồi sẽ cùng nghĩa quân về sau. Hẹn với dân bản, khi nào nghĩa quân trở về đến nơi, sẽ mở hội khao nghĩa quân, uống rượu và múa xoè suốt ba ngày ba đêm mừng thắng trận.

 

Thế rồi để cho xớc cợ lơng không kịp trở tay, Ỏ lập tức cưỡi ngựa đỏ chỉ huy nghĩa quân tiếp tục truy kích. Giặc chạy đến Chiềng On thì phía trước gặp phải nghĩa quân Ải Hịa chỉ huy đánh chặn. Phía sau là nghĩa quân Nàng Ỏ đuổi tới. Xớc cợ lơng bị đánh kìm kẹp từ hai phía, trở nên thất điên bát đảo, không còn hồn vía chống cự, chết như ngả rạ. Số còn sống sót thì vứt bỏ gươm giáo, cuống cuồng tháo chạy, giẫm đạp lên nhau, gào kêu tuyệt vọng…

Xớc cợ lơng đã bị đánh bại hoàn toàn.

Hai cánh nghĩa quân gặp nhau.

Nhìn thấy Hịa, Ỏ xuống ngựa rồi chạy lại. Hịa cũng chạy lại. Dường như không còn xác giặc. Dường như không còn mùi máu tanh. Chỉ dăm, bảy bước chân nữa thôi là Hịa sẽ được ôm Ỏ trong tay.

 

Bỗng. Một mũi tên tẩm thuốc độc xé gió lướt tới cắm trúng vào ngực Ỏ. Phập. Ỏ chỉ kịp thảng thốt kêu lên đúng một tiếng, "hự", rồi hai tay ôm lấy ngực, người ngã gục xuống. Hịa chạy lao tới đỡ nhưng không kịp. Ỏ ngã xuống, người nằm nghiêng trên đất, máu chảy rỉ ra theo mũi tên, hai mắt nhắm nghiền.

 

Hịa khẽ khàng đặt mái đầu Ỏ nằm gối lên đùi mình, rồi lay gọi, giọng đầy đau đớn:

- Tỉnh lại đi, mở mắt ra nhìn Hịa đi, Ỏ ơi!

Ỏ khe khẽ mở mắt, nói giọng đứt quãng:

- Hịa… hãy đỡ em ngồi dậy, để… em được nhìn đất trời… bản cũ mường xưa lần cuối.

Hịa nghẹn ngào khóc nấc, hai tay ôm nhẹ nhàng đỡ Ỏ ngồi dậy.

- Ỏ ơi, em hãy mở mắt nhìn đi! Đất trời xung quanh ta đẹp lắm! Ỏ không được chết! Ỏ phải sống để cùng Hịa trở về Mường Mít. Rồi sau này, Hịa sẽ dựng nhà cao hai mươi tầng lầu đón

 

Ỏ đến ở chung. Mọi người ở quê hương bản cũ mường xưa đang đợi chúng ta trở về đấy Ỏ à!

Ỏ gắng mở to đôi mắt nhìn cánh đồng Túng Xo lồng lộng gió vẫn còn đang chất đầy xác, nhuộm đầy máu xớc cợ lơng. Lòng Ỏ thanh thản. Xớc cợ lơng bị đánh bại rồi, bản mường ta yên bình rồi. Nàng cố hết sức gọi một lần cuối. Hịa ơi! Nước mắt Ải Hịa nhỏ từng giọt lên má nàng. Môi hồng của Ỏ xám dần, thân thể của Ỏ lạnh dần, hơi thở của Ỏ nhẹ dần đi rồi ngưng hẳn. Hỡi ôi! Nắng đã vỡ. Gió đã tan. Đất ven bờ suối đã lở. Đá núi đã bở thành vôi. Sợi chỉ tơ vàng khâu áo đã đứt. Bông hoa rừng đã rơi rụng.

 

Ải Hịa đớn đau, thét gầm vang một tiếng thấu trời.

Tính cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, tuổi của Nàng Ỏ mới trải qua được mười tám mùa lúa chín.

 

*

 

Hịa cùng với dân Chiềng On, Chiềng Ban, Chiềng Xa an táng Nàng Ỏ ở cạnh ven con suối Nậm Lùm chảy suốt dọc Chiềng On. Ngày hôm đó, cả một rừng khăn tang trắng vây xung quanh nơi Nàng Ỏ an nghỉ.

Sau khi an táng Nàng Ỏ xong, ở ngay nơi nàng bị giặc bắn lén bỗng nhiên xuất hiện một mó nước trong lành, ngọt, mát. Dân cả ba mường đều cho rằng đó là do hồn vía linh thiêng của Nàng Ỏ muốn ở lại giúp dân. Họ cùng suy tôn nàng làm nữ anh hùng Nàng Han, và lập ngay tại gần bên mó nước một ngôi đền nhỏ làm nơi hương khói thờ phụng tưởng nhớ nàng.

 

Dân mường hát:

"Đánh giặc cưỡi ngựa cái

"Phá thành có Nàng Han".[12]

 

Hịa nghe được tin này, liền tới ngay chỗ mó nước ngọt để thắp hương cho Ỏ. Hịa nhìn mó nước, tưởng tượng lại khuôn mặt thương yêu của Ỏ. Nước mắt Hịa chảy rơi xuống nước không hề tan ra, mà hoá thành những hạt rắn như ngọc chìm vào trong mó nước.

 

Trước khi trở về Mường Mít, Hịa múc lấy đầy một bầu nước từ mó. Bầu nước này Hịa không uống, mà là để đem theo về Mường Mít, Hịa sẽ để bầu nước đó ở bên mình suốt đời. Mãi mãi.[13]

 



[1] Nhịnh, chại: Trong tiếng Thái, nhịnh được dùng để chỉ đàn bà con gái, chại dùng để chỉ đàn ông con trai.

[2] Kin đoong: Đám cưới.

[3] Pú, Dá: Bố mẹ chồng; Lụng ók, Po ao: bác và chú bên chồng; Ý pả, Ý a, Nạng pặư: bá, cô, nàng dâu bên nhà chồng.

[4] Xớc cợ lơng: Theo nghĩa tiếng phổ thông có nghĩa là "giặc cờ vàng".

[5] Chiềng Xa, Chiềng Ban, Chiềng On: Là tên gọi cũ của Mường Xo, Bản Mấn, Bản Lang (Huyện Phong Thổ, Lai Châu) ngày nay.

[6] Nguyên văn phiên âm, "Khạt xan mẳn lai phặn tẹn tứn vẹn đi".

[7] Nguyên văn phiên âm, "tốp mự ha lai nịu".

[8] Tú tỉ: Thần thổ địa.

[9] Da Ngan: Được sử dụng để chỉ những thầy mo, thầy một giỏi nghề, cao tay và có lòng dũng cảm.

[10] Nguyên văn phiên âm tiếng Thái: "Phi pá nà on pay tạng lung/ Phi đung nà on pay tạng khảng/ Hô lụk cụn pék khang/ Đang lụk cụn  xợng lêếc/ Tặp xớc, xớc chọ tai/ Chặc vai, vai khát đổn".

[11] Người Thái có một kiểu tung que sấp ngửa (tọt mạy khẳm hai) để đoán xem điềm tốt xấu. Mẩu que để tung sấp ngửa thường được làm bằng cây mạy đải (một loại cây thuộc họ cây thầu dầu). Người ta chặt lấy một mẩu cành dài khoảng 10 - 15cm, to cỡ ngón tay cái rồi chẻ đôi để làm que tung xem quẻ. Khi tung lên rồi rơi xuống, nếu một que sấp, một que ngửa thì là điềm tốt lành. Nếu cả hai đều ngửa là điềm xấu hại. Còn nếu cả hai que đều nằm sấp thì là thậm xấu hại.

[12] Nguyên văn phiên âm tiếng Thái:"Tặp xớc au mạ mé/ Phá ché au nạng Han".

                [13] Người Thái có truyền thuyết về Nàng Ỏ, Nàng Anh. Truyện trên được viết dựa theo câu chuyện truyền thuyết đó.

 

Vương Hà
Số lần đọc: 1422
Ngày đăng: 16.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nam Hải Đại Tướng Quân - Nguyễn Thanh Sơn
Diễn Viên - Lê Văn Thiện
Cảm Giác - Trần Minh Nguyệt
Cà Phê Sân Bay - Lê Nguyệt Minh
Chuyện xảy ra ở bệnh viện - Trương Văn Dân
Chuyện Tình Nghe Kể - Mang Viên Long
Thằng Tít-rằn - Từ Sâm
Âm Bản Chiến Tranh - Xuân Tuynh
Chuyện Đi Không Hẹn - Song Thao
Bên Tách Trà Khuya - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Kẻ Cầu Mưa (truyện ngắn)
Ám Ảnh Đất (truyện ngắn)
Cỏ Hát Tìm Nhau (truyện ngắn)
Đêm Sương Trôi Rơi (truyện ngắn)
Hoa Núi Biên Thùy (truyện ngắn)