Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
854
116.685.559
 
Giấc Mơ Trên Bãi Ngàn Sao
Vương Hà

Cả bản Phiêng Đao ồn ào, kháo nhau bởi chuyện ông Hom quyết định nhận nuôi bé Nhủm: Con bé thật tội nghiệp, bố mẹ chết vì đi đãi vàng bị sập hầm, họ hàng lại chẳng còn ai. Thân hình Nhủm gầy còm nhom, người ngợm lem luốc, duy chỉ có đôi mắt là đẹp như mắt thiên thần, con ngươi tựa viên ngọc trong veo,

 

Phong cảnh Phiêng Đao vô cùng quyến rũ, đẹp như một ngôi sao sa xuống mặt đất và mãi mãi không muốn trở về bầu trời. Vì thế, những người đầu tiên đến đây lập bản đã đặt tên bản là Phiêng Đao với ý nghĩa là bãi sao. Bãi ngàn sao.

 

Nhưng dân bản Phiêng Đao nghèo lắm, họ vẫn thường nửa đùa, nửa thật nói với nhau: "Bản ta nghèo đến mức con Bọ hung không chịu được, chỉ muốn chuyển tổ đi nơi khác". Vậy mà nhà ông Hom lại còn nằm trong số những người nghèo nhất bản Phiêng Đao, cho nên mọi người mới bàn tán, ái ngại cho chuyện ông đón bé Nhủm về nuôi.

 

Tuổi ông Hom đã ngoài sáu mươi, da nâu, tóc bạc, khuôn mặt gầy cùng với rất nhiều nếp nhăn. Vợ ông đã mất từ lâu, có đứa con trai duy nhất thì lại mắc căn bệnh hiểm nghèo rồi cũng vĩnh viễn bỏ ông mà đi. Giờ đây ông sống cùng Hạnh cô con dâu và đứa cháu nội: Thằng Đức.

 

Ông Hom hiểu vì sao mọi người lại ồn ào, bàn tán. Dân bản thương ông, lo cho ông: Ông biết. Ông cũng do dự, nhưng khi nhìn Nhủm ngồi thu lu, run rẩy như con thú non lạc mẹ, lòng ông đau như ngày mất vợ, mất con.

 

Ông bàn với Hạnh chuyện nhận nuôi Nhủm,  cô con dâu của ông không đồng ý.

- Nhà mình còn bữa no, bữa đói thì làm sao có thể nuôi thêm được nó hả bố? - Hạnh gàn.

 

Nghe nói vậy, Nhủm cúi đầu, đôi mắt buồn như một lỗ hổng không có đáy. Nhủm không khóc, nhưng dáng vẻ nom thất vọng đến tột cùng. Thà Nhủm cứ khóc thì người chứng kiến sẽ thấy dễ chịu hơn.

 

Ông Hom thở dài, trên khuôn mặt gầy lại có thêm những nếp nhăn. Ông suy nghĩ mung lung lắm.

- Cháu cứ ở lại đây với ông. Từ nay ông sẽ đặt lại tên cháu là Đao, là một ngôi sao để sau này cháu gặp được những điều may mắn. - Ông nói với Nhủm như thế và kiên quyết không thay đổi ý định.

 

Gia đình ông Hom sống chủ yếu nhờ nghề đan lồng gà đem bán hoặc đổi chác. Bãi vườn nhà ông trồng đủ các loại tre: Tre đắng; tre ngọt; tre bương; tre "mợi"; tre gai... Dưới bàn tay chăm sóc của ông Hom, tre mọc san sát nhưng đều thành hàng, thành lối. Những bụi tre lên cao thẳng, không bao giờ chịu gục đổ trư­ớc gió bão chính là tất cả tài sản quý giá nhất mà gia đình ông Hom có. Măng trên rừng thường mọc theo mùa, nhưng vườn tre nhà ông thì măng mọc quanh năm. Ngon nhất là măng tre ngọt, chiếc nào cũng bụ mập to như­ bắp vế, ăn sống ngọt tựa khoai lang trồng trên đất cát pha.

 

Nhà ông Hom, bữa cơm nào hầu như cũng có măng. Ông thư­ờng nói: "Nhà mình sẽ không bao giờ lo bị chết đói vì có măng". Nhưng măng thì không thể cứ ăn mãi một món. Vậy là ông làm rất nhiều kiểu món để ăn cho đỡ chán: Măng chua; măng gio; măng khô; măng ngâm ớt;... măng nướng; măng xào; măng ỏm; măng nấu canh chảo; măng kho cá suối... Ông Hom hết sức tự hào: Nếu mỗi bữa chỉ ăn một món thì mất cả tháng cũng không thể nếm hết những món măng của ông. Có lẽ vì thế mà quần áo ông quanh năm bốc lên mùi măng chua hăng hăng, trái hẳn với cái tên Cha, Mẹ đã đặt cho ông: Hom có nghĩa là hương thơm.

 

Đao quấn quít bên ông Hom như hình bóng, bé theo ông ra ngoài bãi vườn chọn tre bư­ơng về đan lồng gà.  Những thân tre mềm mại uốn theo làn gió hiu hiu.  Lớp lá tre khô phủ dầy trên mặt đất thực sự là một tấm thảm êm. Khi chọn tre, bao giờ ông Hom cũng trở đằng sống dao gõ lên thân cây tre bương rồi dỏng tai nghe. Thân cây nào nghe gọn gàng tiếng cốc cốc là có thể hạ được, còn nếu nghe bộp bộp là tre chưa đủ độ, mang về đan lồng gà sẽ nhanh mọt hỏng.

- Đao, cháu xem, cây như thế này là chặt được! - Ông Hom chỉ tay vào cây bương trước mặt.

 

Bé Đao nhìn ngước lên ngọn bương, đôi mắt thiên thần thấy ở đó có một tổ chim. Ngoài tiếng gió xua cành tre đập vào nhau, bé còn nghe thấy cả tiếng chim non kêu rất khẽ. Chắc là lũ chim non đang đói và mong đợi bố, mẹ. Chim cũng như người, trẻ con khi khát sữa bao giờ cũng khóc.

- Ông ơi! Đừng hạ cây này, trên cây đang có tổ chim. Để cho chim non thành chim lớn đã hãy hạ ông ạ! - Bé khẩn khoản.

 

Ông Hom nheo mắt, nhìn vút lên tổ chim rồi nở nụ cười đôn hậu. Dân Phiêng Đao vẫn có tục lệ: Khi vào rừng đi săn, không bao giờ được bắn, giết thú đang có mang hoặc đang nuôi con. Vì vậy, lẽ nào ông lại có thể hạ cây, phá tổ chim non. Ông bước từng bước khoan thai chuyển sang bụi tre khác, tiếp tục trở sống dao gõ thử lên từng thân tre. Đao vui lắm vì tổ chim đã được an toàn. Bé nhìn lại tổ chim lần nữa rồi đi theo sau ông. Gió thổi lá tre reo như khúc hát ru khiến Đao lúc nãy chân còn nhảy tưng tưng, nay mắt bỗng buồn díp lại, muốn ngả mình lên thảm lá tre khô  ngủ một giấc thật êm đềm.

 

Đao là đứa trẻ chẳng lúc nào chịu ngồi yên: Bao giờ bé cũng nghĩ rằng mình cần phải giúp ông, giúp cô Hạnh làm một việc gì đó. Thế là trong nhà có mấy chiếc nồi đen sì, cáu bẩn muội bám, bé mang ra cạo sạch bong. Mình còn có thể giúp ông làm gì nữa nhỉ? À! Vẫn còn những mảnh giẻ ông thường dùng quấn các ngón tay khi chuốt nan đan lồng gà. Đao nghĩ: Cần phải đem chúng đi giặt thật sạch, nếu không lỡ bị đứt khi chuốt nan, tay ông lại nhiễm trùng thì khổ. Đao mang giẻ ra suối ra sức vò thật kỹ, lòng bàn tay của bé đỏ ửng vì bị cọ xát, những ngón tay con con thì trắng hồng lên. Sau đó bé thử xem giẻ có thật sạch không bằng cách hái lá khoai môn đặt lên hõm đá, rồi vắt nước vào đó để xem đã trong bằng nước suối hay chưa? Đao vô cùng hài lòng: Sạch quá rồi đấy! Thế giới trong tâm hồn Đao thật hết sức đơn giản: Bé yêu quý mọi người trong gia đình và luôn muốn được làm việc để giúp mọi người.

 

Đưa Đao về ở cùng được một thời gian, ông Hom nghĩ đến việc cho Đao đi học. So với độ tuổi bắt đầu vào lớp 1 thì Đao đã muộn mất 2 năm. Hạnh làm căng, bảo là lấy tiền đâu cho con bé đi học. Không thể để cho con trẻ phải thất học vì cuộc sống khốn khổ, rồi sẽ lại phải sống khốn khổ vì thất học, ông Hom quyết tâm đến nhà trường xin cho bé Đao được đi học.

 

Đến lớp thì phải có túi đựng sách. Ông Hom ngắm nghía chiếc quần dài của mình, ông chắt lưỡi: Ống quần mặc dẫu có ngắn đi một chút cũng chẳng sao. Vậy là ông cắt bớt hai cái ống quần dài, chập lại để khâu thành túi đựng sách cho Đao. Đàn ông khâu vá bao giờ cũng vụng về, không khéo như đàn bà. Mắt ông Hom kém, lại không có kính, kim đâm phải tay ông chảy cả máu. Ông không dám nhờ Hạnh. Bây giờ con dâu đang giận, nhờ nó làm khác nào chất thêm củi, thổi thêm gió vào đám cháy. Sẵn còn có ít chỉ màu, ông nghĩ cần phải thêu thêm hình mây và núi làm đẹp cho chiếc túi. Đao chăm chú nhìn ông kiên nhẫn vắt từng mũi chỉ. Đường thêu rất vụng, nhưng chiếc túi nom cũng có vẻ đẹp hơn. Ông không tự tin lắm, ngượng ngập nói với Đao là ông thêu núi, thêu mây. Còn Đao sau khi ngắm nghía lại quả quyết rằng những hình đó chính là măng và nấm.

 

Buổi đầu tiên Đao đến lớp, ông Hom hồi hộp chẳng khác gì ông mới là người đi học. Ông ngồi đan lồng gà, nhưng chốc chốc lại dừng tay, ngóng ra cổng. Đao tan học vừa về đến nhà, ông đã sốt ruột lấy ngay vở của bé giở ra xem. Nhìn chữ Đao viết, dù không biết đọc nhưng ông Hom vẫn cười nghiêng ngả, bởi chữ nét như  tóc rối, nét như giun oằn, nét lại xiên dọc, xiên ngang giống những cành tre gai tấp ngoài bờ rào. Nói tóm lại, đám chữ cứ búi vào nhau không gỡ ra được. Cười xong, sợ Đao xấu hổ, ông động viên: " Làm cái gì lúc mới bắt đầu mà chẳng khó. Cháu cố gắng thì thể nào cũng sẽ học được hết các con chữ".

 

Đao học rất chăm. Nhờ được đi học mà Đao nhận thấy mọi thứ xung quanh mình thật tuyệt vời: Đường đến lớp có rất nhiều hoa dại và bướm, mặt đất thì hiền hoà và xanh rợn cỏ non. Đao học giỏi nhất lớp, ông Hom vui không biết để đâu cho hết. Ông sung sướng trào nước mắt khi nhìn Đao trực tiếp nắn nót viết hai chữ: Ông Hom. Nước mắt vui của người già cũng trong như nước mắt của con trẻ và nhẹ như bông.

 

Nhưng cô Hạnh thì không vui. Cô cho rằng: Nuôi Đao ăn thôi cũng đã là quá sức lắm rồi, nay còn bày vẽ chuyện đi học. Trong Hạnh như có nuôi một tổ ong đất. Đừng bao giờ đùa với ong đất, những con trâu to khoẻ nhất cũng có thể chết khi đã sa phải vào tổ ong.

 

 

Sự căng thẳng trong nhà ông Hom ngày càng trở nên tồi tệ, lũ ong đất xui Hạnh làm những điều không nên làm: Cô rắc cát vào gạo rồi nấu cơm. Cơm chín, cô dọn lên bình thường coi như không có việc gì xảy ra.

Nhai miếng cơm, ông Hom nhăn mặt:

- Sao cơm hôm nay ăn lại có nhiều sạn cát thế này?

- Nhà tự nhiên nuôi thêm người, phải độn thêm cát mới đủ ăn! Không ăn được thì đem đổ đi! - Hạnh nói, đồng thời hai tay chống nạnh với tư thế sẵn sàng thả đàn ong đất.

 

Ông Hom tê tái, cố và thêm miếng nữa. Nhưng cơm độn cát, ăn sao nổi. Vậy là cả nhà cùng nhịn đói. Thương nhất thằng Đức, bị đói oan bởi cái tội của người lớn. Đôi mắt nó đặt những dấu hỏi: Tại sao???. Không còn biết phải làm gì, ông Hom ngồi lặng như người câm, mặc kệ nước mắt chảy. Nước mắt buồn của người già, đùng đục và nặng như đá.

 

Mọi chuyện còn tiếp tục tệ hơn nữa, bắt đầu từ việc Hạnh hỏi:

- Tiền bán lồng gà dạo này đi đâu? Sao ông không đưa cho con?

Ông Hom dè dặt:

- Tiền lồng gà bán được, bố đã cho bé Đao đem mua hết sách vở rồi con ạ!

 

Hạnh quắc mắt, đá mạnh vào chiếc lồng gà phơi trên sân. Không tin nổi,  chiếc lồng gà bay lên mắc vào bờ rào dựng bằng những cành tre gai.

- Đã bảo đừng cho nó đi học mà ông không chịu nghe. Người dưng như con khỉ trên rừng thì ông thương. Cháu nội ruột già máu mủ ông lại coi là cục đất. Gà không cần học cũng đẻ ra trứng. Nếu người nhờ đi học mà đẻ được ra trứng thì hãy cho đi - Hạnh vừa nói, tay vừa tự đấm thùm thụp vào lồng ngực.

- Con dâu à! - Tiếng ông Hom nhẹ nhàng - Con trách Bố không thương thằng Đức là không đúng. Bố chỉ nghĩ,  nhà mình nghèo nhưng vẫn cố gắng nuôi thêm cái Đao được con ạ! Nếu mình đuổi đi thì nó biết cậy nhờ vào ai?

- Ông đã nói như thế thì từ ngày mai con với thằng Đức sẽ khắc nấu ăn riêng! Còn ông muốn làm gì thì làm, con mặc kệ! - Giọng Hạnh nặng nề, tưởng như không thể bay thoát được lên khỏi mặt đất.

 

Ông Hom ngồi lặng thừ, thở dài. Ông vô thức vớ lấy cái điếu ục, nhồi một mồi thuốc lào thật to, châm lửa rít lấy, rít để. Thứ thuốc lào được trộn thêm râu ngô phơi khô, mùi khét át đi cả mùi thuốc lào. Miệng ống điếu rộng, ông phải nghiêng hẳn một bên má để bịt cho kín miệng ống. Khi rít, má ông tóp lại nom thật tội nghiệp. Nhưng thuốc lào cũng không giúp gì hơn được cho ông. Ông tủi thân. Ông buồn. Ông hy vọng: Chắc tại con dâu nóng giận nên mới nói thế thôi, chứ thực ra nó vẫn là đứa con dâu tốt. Từ khi chồng nó mất, đã có mấy đám đến hỏi, vậy mà nó từ chối ở vậy nuôi con, nuôi bố chồng. Tính khí con dâu nay trở thành như vậy, cũng là do cái đói, cái nghèo đưa đẩy, khiến người ta phải ích kỷ, tính toán chi ly - Nghĩ thế, ông thấy đỡ tủi thân đi một chút.

 

Bếp lửa nhỏ nhà ông Hom đã phải chia ra làm đôi. Ông Hom chỉ nhận lấy hai chiếc nồi: một chiếc còn khá tốt, một chiếc hết sức méo mó. Chiếc nồi còn khá tốt ông dùng nấu cơm, chiếc méo mó ông để đun thức ăn.

Bữa nay, ông Hom dùng chiếc nồi méo luộc hai quả trứng gà, một quả ông mang cho bé Đức: Dù có chia ra ăn riêng thì Đức vẫn là đứa trẻ, là cháu nội ông. Một quả ông bóc sẵn bỏ vào bát cho bé Đao. Còn phần ông là bát ớt tuơi giã muối và đĩa măng luộc. Màu măng luộc cũng trắng tinh như màu lòng trắng trứng. Nhưng ở bản Phiêng Đao, một quả trứng có thể đổi được mười đĩa măng luộc.

- Cháu ăn đi! - Ông Hom cầm bát cơm có quả trứng đặt vào tay Đao.

 

Đao ngần ngừ, không nỡ nào ăn quả trứng, bé muốn nhường lại cho ông.

- Cháu không ăn trứng đâu! - Đao cười, chỉ vào đĩa măng luộc - Cháu thích ăn măng này cơ ông ạ!

Ông Hom dùng đũa ấn quả trứng sâu vào trong lòng bát cơm.

- Không, cháu phải ăn! - Ông nói dịu dàng nhưng kiên quyết - Trẻ con ăn trứng gà mới mau lớn chứ!

Đôi mắt Đao nhìn quả trứng gà. Miệng lưỡi Đao có nước bọt tiết ra. Quả trứng này không phải là trứng vàng trứng bạc. Lòng đỏ và lòng trắng của nó cũng như mọi quả trứng khác. Nhưng mình không thể ăn! Ông đã vất vả nhiều, cái gì ngon cũng đều nhường cho mình. Mình không thể ăn! Mình phải làm thế nào bây giờ nhỉ? Trí óc non nớt của Đao chợt nghĩ ra một cách mà bé cho là tốt nhất. Đao đưa hai tay ôm lấy bụng, khuôn mặt giả vờ nhăn nhó, rên rỉ:

- Ối, ông ơi! Cháu đau bụng quá, không ăn cơm nữa đâu!

 

Đao chạy lên nằm trên giường, úp mặt xuống gối. Ông Hom lo lắng chạy theo. Thấy Đao nằm úp sấp, rên khe khẽ, thỉnh thoảng lại quằn quại sang hai bên, ông nghĩ bé đang đau lắm.

- Cháu cứ nằm im đây nhé! Để ông đi hái búp ổi non cho cháu nhai xem có đỡ đau không - Ông nói.

Đao vẫn nằm úp, sấp mặt xuống gối, chẳng dám ngẩng lên bởi xấu hổ vì đã trót nói dối. Bé thì thầm trong miệng không để ông Hom nghe: "Ông ơi! Cháu chỉ giả vờ để nhường ông quả trứng. Ông ăn quả trứng đi là cháu sẽ hết đau bụng ngay thôi!". Ôi! Không phải tất cả mọi lời nói dối đều xấu xa. Đôi lúc vẫn có những lời nói dối xứng đáng được tha thứ.

 

Phải sống và lớn lên trong điều kiện khó khăn thì chuyện mắc bệnh cũng không có gì lạ. Bệnh suyễn lúc đầu còn chầm chậm rồi sau đó ngang nhiên chặn bàn tay lên ngực thằng Đức. Cứ cách vài ngày, thằng Đức lại lên cơn hen. Lúc đó, mặt Đức tái ngắt, thân thể mềm oặt như cụm rêu trong lòng suối. Đao thương lắm, nó rất muốn được xoa giúp cho em Đức bớt khó thở. Nhưng Đao không dám đến gần em vì sợ cô Hạnh, bé chỉ dám đứng nem nép ở sau khe cửa để ngó vào. Ngồi bên cạnh em Đức, cô Hạnh xù lên như con gà mái bảo vệ con trước lũ quạ. Nhưng cô Hạnh không phải là gà. Cô Hạnh là Người nên cô khóc, nước mắt ướt hết hai vạt áo đằng trước. Đứng ở sau khe cửa, nhìn thấy vậy Đao cũng trộm khóc theo. Nếu Mẹ còn sống, mình bị ốm chắc chắn Mẹ cũng sẽ thương mình như thế!

 

Không ai bảo, nhưng Đao luôn để ý xem có ai biết cách chữa bệnh của em Đức. Ngay cả trong giấc ngủ Đao cũng thường hay mơ thấy em Đức khoẻ mạnh, rồi hai chị em được cô Hạnh dắt tay cùng đi hái sim trên bãi ngàn sao. Đao tin mãnh liệt: Một ngày nào đó chắc chắn sẽ có người chữa khỏi được bệnh cho em Đức!

 

Một buổi, Đao được ông bảo đem măng đến biếu bà Pòm, bà sống độc thân không con cháu trong một căn lều dựng ven chân đồi. Căn lều của người sống cô độc không cần có cửa. Vừa mới bước vào trong Đao đã cảm thấy mùi nồng của bã trầu xộc lên hăng mũi. Mùi này có chút gì đó hơi giống mùi măng chua mà Đao chưa nghĩ ra.

 

Bà Pòm giữ Đao ở lại ngồi chơi.

- Cháu phải về ngay thôi bà ạ! Lúc này ở nhà em Đức đang lên cơn hen. - Đao lễ phép từ chối.

- Ôi dào! Tưởng gì, bệnh hen suyễn thì chỉ cần bắt lấy 1000 con "Đuổng khem", đem nướng lên ăn là sẽ khỏi! - Bà Pòm vừa nhai trầu vừa nói, đồng thời nhổ toẹt xuống đất một bãi nước bã trầu đỏ quạch.

 

Chính Bà Pòm cũng không ngờ rằng mình đã vô tình mở toang cho Đao biết một điều bí mật. Đôi mắt thiên thần sáng rực. Đao mừng quýnh, nhảy cẫng lên. Hay quá! Hóa ra chỉ cần ăn 1000 con sâu chít là chữa khỏi bệnh hen suyễn. Chủ nhật này được nghỉ học cả ngày, mình sẽ đi bắt 1000 con sâu chít chữa bệnh cho em Đức.

 

Nghĩ là làm. Tinh mơ chủ nhật, Đao nhẹ nhàng rút then cửa, rồi rón rén ra khỏi nhà. Đao nhằm hướng núi đá tai mèo mà đi. Chỉ có chỗ núi đá tai mèo mới mọc nhiều cây chít.

 

Chít mọc thành từng bụi, Đao chặt, rồi lễ mễ ôm dồn thành đống, và sau đấy chẻ chúng tìm sâu. Thoạt đầu, Đao nghĩ mỗi cây chít sẽ đều có một con sâu. Nào ngờ, chẻ tước cả  đống may mới được 1, 2 con. Nhưng Đao không nản: Mình sẽ chặt thật nhiều để kiếm đủ 1000 con.

 

Trưa, nắng rọi đúng đỉnh đầu, Đao đổ lũ sâu chít kiếm được ra đếm: 100, 100,... lại 100 con nữa. Bao nhiêu 100 thì được 1000 nhỉ? Đao đã đi học nhưng mới chỉ biết đếm đến con số 100, chưa biết thế nào là 1000. Đao nhìn chỗ sâu chít: Ít như thế này chắc là vẫn chưa đủ. Đao nhìn kỹ xung quanh, những bụi chít dễ lấy thì Đao đã chặt hết, chỉ còn lại những bụi mọc cheo leo trên vách đá. Đao bặm môi trèo lên, đá tai mèo nhọn và sắc đâm vào chân trần buốt đến tận đỉnh óc. Đao nghiến răng cho khỏi bật tiếng kêu. Để chữa khỏi bệnh cho em Đức, dù đau hơn nữa mình vẫn chịu được.

 

Trong lúc Đao đang vật lộn, leo lên những vách đá tai mèo thì ông Hom lại lo lắng đi tìm cháu. Từ trước đến nay, chưa bao giờ con bé đi đâu mà không nói cho  ông biết. Ông đến từng nhà để hỏi. Sau khi hỏi hết nhưng không ai nhìn thấy Đao, ông Hom liền trèo lên ngọn đồi cao chắn trước bản. Đứng từ trên đỉnh đồi, ông khum lòng hai bàn tay vào nhau, vòng trước miệng rồi ra sức hú dài, mong nếu bị lạc thì Đao cũng sẽ nghe thấy, theo tiếng hú mà về. Mỗi lần ông cất tiếng hú, dưới lớp da nhăn nheo, gân cổ nổi lên chằng chịt như đám rễ cây. Ông chợt nghĩ: Hay là sáng nay con bé ra suối, sau đấy bị ngã trượt chân...

 

Ông rùng mình không dám nghĩ tiếp, rồi cuống cuồng đi mượn ngay chiếc thuyền độc mộc của hàng xóm vẫn dùng đánh cá. Mình trần, mặc mỗi chiếc quần đùi, ông tất tưởi chống thuyền xuôi theo dòng nước tìm Đao.

 

Chiều chạng vạng, Đao mới về đến nhà, bụng đói, mặt bê bết mồ hôi và tái xanh vì mệt, nhưng tay thì vẫn giữ chặt miệng túi đựng những con sâu chít. Vừa nhìn thấy Đao, không thèm để ý đến những điều đó, Hạnh vơ ngay lấy chiếc chổi đập chan chát vào vách tường, bức vách được trát bằng bùn rơm bong ra từng mảng.

- Khốn nạn! Mày đi chết dấm, chết dúi đâu cả ngày nay bây giờ mới thấy mặt? - Thái độ Hạnh hung dữ đến mức Đao nghĩ rằng trời sắp sập.

 

Đao co rúm người lại, khuôn mặt đã tái xanh lại càng tái thêm. Hạnh nhào tới, giằng lấy chiếc túi thái bé đang khoác trên người ném mạnh xuống chân. Từ trong túi rơi ra một gói sâu chít trắng ngà và béo nẫn, chúng tung toé lên mặt đất. Hạnh lấy mũi bàn chân di lên từng con cho hả cơn tức. Sâu chít nát bét, chảy ra một thứ nước trắng nhờ như sữa.

 

Đao quỳ xuống, mếu máo:

- Cô ơi! Cháu xin cô đừng đánh cháu! Cháu biết lỗi rồi. Chỉ tại cháu nghe thấy người ta bảo nếu ăn 1000 con sâu chít nướng thì sẽ chữa khỏi được bệnh hen suyễn, nên... nên cháu đi kiếm để mang về nướng cho em Đức ăn. Cháu... cháu sợ cô mắng nên không dám nói.

 

Chiếc chổi giật mình, cứng đờ, nó chỉ muốn được rời khỏi tay Hạnh, trốn vào một góc nhà nào đấy đứng yên tĩnh một mình để suy nghĩ.

 

Cũng vừa đúng lúc ấy ông Hom trở về, từ ngoài cửa ông đã nghe hết những lời Đao nói. Ông ôm chầm lấy bé và nghẹn ngào thốt lên hai tiếng "cháu tôi". Mùi măng chua bốc lên từ quần áo của ông đem lại cho Đao cảm giác an lành. Chỉ có những đứa trẻ như Đao mới cảm nhận được rằng mùi măng chua cũng là một thứ hương thơm thân thiết. Ôi, hương thơm... mùi măng chua. Ông Hom bật khóc. Chiếc chổi thẳng đuỗn, vì không kịp lẩn tránh vào bất kỳ một xó xỉnh nào đó, nó đành phải lặng lẽ chứng kiến những giọt nước mắt buồn của người già: Đó là những giọt nước mắt đùng đục và nặng như đá.

 

Cả đêm hôm đấy, Hạnh nằm trằn trọc mãi không tài nào ngủ được. Chốc chốc cô lại trở mình, chiếc giường tre dưới lưng kêu rin rít như hơi thở khó nhọc. Chính vì không ngủ được mà Hạnh mới phát hiện ra rằng giường có rệp. Những đêm khác, làm việc quần quật suốt ngày mệt lử, nằm xuống là lập tức ngủ ngay nên rệp đốt cô cũng không biết. Hạnh ngồi dậy, thức soi đèn bắt rệp, được con nào cô đều đặt lên viên đá nghiền cho đến khi không còn nhìn thấy tí dấu vết nào nữa. Vừa bắt rệp, cô vừa tự trách mình cũng ác không khác gì con rệp. Gần sáng, mệt quá Hạnh ngồi bệt xuống đất, đầu gục vào thành giường rồi thiếp đi. Cũng vẫn trên chiếc giường đó, thằng Đức đang ngủ ngon lành say sưa, hơi thở đều đều, nhẹ nhàng. Đêm nay nó không lên cơn hen.

 

Hạnh thức dậy muộn hơn mọi khi. Cô mở toang cánh cửa để ngắm mặt trời mọc. Nắng bình minh tô hồng lên khuôn mặt mất ngủ của cô. Rồi đây thằng Đức sẽ có một người chị tốt và biết yêu thương nó - Hạnh nghĩ như thế. Cô rút mớ tiền lẻ nhàu nhĩ từ trong túi ra, rồi vuốt cho thật phẳng phiu. Hạnh quyết định: Chiều nay sẽ đi chợ mua món gì đó ngon ngon về nấu cơm cho cả nhà cùng ăn. Cũng khá lâu rồi, Mẹ con cô, ông Hom, bé Đao đã không ngồi ăn cơm cùng nhau.

 

Hạnh đến chỗ ông Hom đang ngồi giữa đám lồng gà ngổn ngang.

- Chiều nay ông đừng thổi cơm. Con sẽ đi chợ mua thức ăn về nấu cho cả nhà. - Cô nói mà mặt cúi gằm xuống đất,  mắt không dám nhìn thẳng.

 

Ông Hom sốt sắng nhận lời. Vậy là con dâu ông đã thông. Ông vẫn luôn luôn cầu mong điều này, nay thì  nó đã đến. Ông thở phào: Cơn mưa bão nào dù dữ dội đến mấy cũng có lúc phải tạnh.

 

Ông còn dặn Hạnh:

- Con dâu nhớ gánh theo chục chiếc lồng gà đi bán. Nếu bán được, con dâu mua thêm cho bố cút rượu!

Hạnh đi bộ hơn chục cây số đường rừng để đến chợ, có bao nhiêu tiền trong túi cô bỏ ra mua thức ăn bằng hết. Hạnh dường như đã phá bỏ, thoát khỏi được tổ ong đất, cả buổi chiều cô dành thời gian để chuẩn bị cho bữa cơm. Cô đi ra, đi vào, tất bật nấu nấu, nướng nướng. Bữa cơm chiều hôm nay phải thật ngon.

- Mẹ ơi! Hôm nay nhà mình có khách quý à? - Bé Đức hỏi.

 

Hạnh không trả lời, chỉ nghĩ: Còn quý hơn gấp nhiều lần khách quý!

Cả nhà ông Hom ngồi cùng nhau ăn một bữa cơm không có món măng. Thằng Đức là người vui nhất, bởi nó rất yêu quý ông nội và chị Đao. Hạnh tuy vẫn còn ngượng ngập nhưng vẫn luôn tay gắp những miếng ngon cho bố chồng và Đao. Ông Hom mỉm nụ cười nhẹ nhõm: Ông bao giờ cũng nghĩ con dâu là người tốt.

 

Ăn cơm xong, Đao cùng với Hạnh ngồi ngoài sân rửa bát. Bé kể cho Hạnh nghe những chuyện ngộ nghĩnh khiến cô phải bật cười. Đến tận hôm nay Hạnh mới ngắm nhìn Đao thật kỹ. Con bé thật nhanh nhẹn và xinh xắn. Tại sao mình không nhận thấy điều này sớm hơn nhỉ?

- Cháu có ra suối tắm cùng cô không? - Hạnh hỏi, giọng trìu mến.

 

Đao đưa mắt nhìn ông Hom như muốn hỏi ý kiến. Ông gật đầu. Đao phấn chấn chạy vụt ngay vào nhà lấy quần áo, gió tung mớ tóc dài mượt của bé vẽ vào không gian hình một suối sao băng.

 

Đây là lần đầu Đao đi tắm cùng cô Hạnh. Chắc chắn cô không còn giận mình và ông nữa. Đao hát líu lo, giọng bay lên cùng những giọt nắng cuối của một buổi chiều vàng rất đẹp, đàn suối hoà theo những âm thanh trầm bổng. Hạnh vui lây, lòng cô đã rũ bỏ được tổ ong đất, giờ đây nó như dòng mương được khơi thông, êm êm trôi chở nước cho những chân ruộng bậc thang.

 

Hai cô cháu cùng tắm khoả thân. Nước suối thượng nguồn vô cùng trong sạch và mát, tắm mình dưới làn nước ấy bao giờ cũng có cảm giác bình yên và thanh thản. Bàn tay Hạnh nhẹ nhàng kỳ cọ lên tấm lưng gầy gò của bé Đao, nơi xương sống nổi gồ lên như những gióng trúc cằn. Lòng cô dâng lên cảm xúc kỳ lạ: Trẻ con, bất kể chúng là đứa nào cũng đều hết sức đáng yêu! Hạnh xoay bé Đao quay mặt về phía mình rồi nhìn sâu vào đôi mắt đó. Đôi mắt thiên thần, con ngươi như viên ngọc trong veo.

 

Chợt Bé Đao rụt rè cất tiếng:

- Cô ơi! Từ nay cô cho cháu gọi cô là Mẹ, cô nhé!

 

Mũi Hạnh cay như sặc nước, cô choàng ôm lấy cơ thể bé Đao đang ướt sũng  và thốt giọng nghèn nghẹn:

- Ừ! Ngay ngày mai Mẹ sẽ mua cho con bộ quần áo mới để con đi học. Con phải cố gắng học thật giỏi để mai kia có thể trở thành Cô giáo dạy chữ cho người dân trong bản Phiêng Đao.

 

Bé Đao "vâng" thật ngoan rồi dụi đầu vào bầu ngực Hạnh. Bầu ngực của những người mẹ bao giờ cũng rất ấm và êm ái. Chiều không còn nắng. Và lúc này, bầy côn trùng hoạt động về đêm đã bắt đầu tấu lên những thanh âm huyền diệu của sự sống. Trên trời cao lấp lánh đầy ánh sáng của muôn vì tinh tú, soi mênh mang xuống bãi ngàn sao.

 

Rất có thể về sau này, bản Phiêng Đao sẽ có một cô giáo chính là bé Đao ngày nào vẫn đến lớp với chiếc túi sách được khâu từ 2 mảnh ống quần thấm đẫm mùi măng chua./.

 

 

Vương Hà
Số lần đọc: 1365
Ngày đăng: 08.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cây đào quỳ ở Tân Cương - Đặng Quang Tình
Quán vắng - Lê Văn Thiện
Sanh ra trên tấm thớt - Lưu Thuỷ Hương
Trong Cõi U Minh - Dương Nghiễm Mậu
Kẻ tự vẫn - Lưu Thuỷ Hương
Phượng Hoàng Bay Về Đâu - Vương Hà
Giang Hồ - Hà Thúc Sinh
Kêu ai - Lê Văn Thiện
Freud Lắc Đầu - Tiêu Đình
Tượng Than - Kinh Dương Vương
Cùng một tác giả
Kẻ Cầu Mưa (truyện ngắn)
Ám Ảnh Đất (truyện ngắn)
Cỏ Hát Tìm Nhau (truyện ngắn)
Đêm Sương Trôi Rơi (truyện ngắn)
Hoa Núi Biên Thùy (truyện ngắn)