Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
614
115.981.313
 
Ám Ảnh Đất
Vương Hà

Ở bản Huổi Thẳm có lão Ón thật lạ, ngày nào ít nhất cũng phải một bận đảo qua ruộng nương nhà mình, nếu không là người lão cứ bần thần như ốm. Với lão, những nét màu nâu, màu đỏ, màu xám, màu vàng, màu đen của đất pha trộn vào nhau là mảng màu tuyệt đẹp nhất. Lúc nói chuyện với người khác, dù chuyện xa chuyện gần, nói lâu hay chóng thì cuối cùng lão cũng phải lái bằng được về chuyện đất đai, chuyện ruộng, chuyện nương. Người bản Huổi Thẳm, từ trẻ đến già, đàn ông hay đàn bà, ai cũng bảo lão là kẻ "nghiện" đất. Hà hà. Lão cười hiền lành. Họ bêu lão nghiện thuốc phiện, nghiện rượu, nghiện cờ bạc,… tóm lại là nghiện mọi tật xấu mà con người phải tránh mới sợ, chứ bảo lão "nghiện" đất thì, hà hà, lão thấy vui. Nói thẳng, nói thật, lão nghĩ thế này: Làm nông dân mà không mê đất, hiểu đất, ham công, tiếc việc thì vứt đi, chỉ có mà chết đói.

 

Đám ruộng bậc thang nhà lão Ón cũng là cả một kỳ tích, nó nằm tách riêng một chỗ, không cùng với những đám ruộng khác của dân bản. Chỗ ấy, đất xốp tơi bời bời, dễ cuốc, dễ đào, nhưng dân bản không ai khai phá làm ruộng bởi một điều, rất xa nguồn nước. Lão Ón thì khác, nhìn đất nơi đây mỡ màng, lão mê mẩn như bị quỷ ám, vợ can không nghe, ai gàn cũng không nghe, lão quyết khai phá đám đất màu mỡ này làm ruộng, quyết đào mương dẫn nước về. Thế là lão với con dao phát, cán cuốc trong tay, đi làm sớm, về nhà muộn, thi gan với trời nắng, trời mưa, với đá cản, gai cào,…

 

Sau hai năm, thời gian dài đủ để thử thách bản lĩnh của những người kiên nhẫn, thì đất đồi thật sự biến thành ruộng bậc thang, lúa mọc lên đẹp chằn chặn, lão Ón đã hoàn thành giấc mơ khai hoang đất. Vụ đầu tiên bội thu, tạ ơn thần ruộng, lão mổ lợn to đãi cả bản.

 

Năm nay, vừa mới chớm vào vụ cày lão Ón đã nhẩm tính toán, số thóc thu được sẽ bán lấy tiền lo đám cưới cho thằng Tỏn, con trai lão. Thẳng Tỏn mà có vợ, lão sẽ giao tất ruộng cho vợ chồng nó. Giờ gân lão còn săn, xương lão còn chắc, răng chưa rụng, chứ hồi sau này già yếu mọi chuyện đều phải trông mong vào thằng Tỏn cả thôi.

 

Nghĩ thế, lão Ón càng ra sức lao động cật lực, ngày ăn cơm nắm uống nước lã, trưa tạm ngả lưng trên bờ cỏ ruộng mật. Cho đến lúc lúa cứng cáp lên xanh, lão mới chịu nghỉ ngơi thong dong chút ít.

 

Kỳ vọng là vậy, nhưng mọi chuyện không đơn giản. Một buổi, lão Ón ra thăm ruộng. Ối giời ơi, trên ruộng xuất hiện mẹng kẹng híp - bọ xít lúa! Lũ bọ xít này hút nhựa chỉ vài hôm là lúa chết khô. Để chắc chắn, buổi tối lão cầm đèn pin đi kiểm tra lại lần nữa. Quả thật, lũ bọ xít ban ngày trốn xuống gốc lúa nay mới bò lên đậu đen thửa ruộng, có con say ánh sáng, lao bộp cả vào đèn pin trên tay lão Ón. Để lũ bọ này hành hoành thì cám cũng chẳng có mà ăn. Nhưng nhặt bắt từng con thì đến bao giờ cho hết. Lão Ón tức tốc về làm ngay đèn bẫy. Đèn lão đặt vào giữa chậu nước, bọ xít thích ánh sáng, lao đến, rơi xuống chậu nước, hết đường bay.

 

Lão Ón đặt vài chục cái bẫy đèn, rải đều trên bờ ruộng. Bọ xít nhiều, đêm, mỗi bẫy lão phải lui cui dậy thu đến mấy lần. Bao nhiêu bọ xít thu được, lão đem dồn đựng vào trong chiếc túi thái thổ cẩm. Mệt, nhưng vẻ mặt lão lại mãn nguyện, cứ đà này chắc sẽ diệt được hết lũ bọ xít.

 

Đừng tưởng lão Ón sẽ mang túi bọ xít lúa đem vứt đi. Không thể bỏ phí, bọ xít lúa, món ngon đấy. Lão đem bọ xít về ngâm vào nước muối, sau đó tiếp tục ngâm nước vo gạo, lượt cuối cùng lão ngâm nước măng chua.

 

Bọ xít lúa sau khi ngâm sạch hết mùi, lão Ón mới mang ướp với nước ép gừng tỏi và một số gia vị khác vừa đủ. Hà hà. Cảm ơn người xưa đã truyền đời để lại cho con cháu bí quyết làm món bọ xít này. Hà hà. Vừa cứu được lúa, lại có thêm món ngon, đúng là lợi đôi đằng. Đến bữa, vợ lão chỉ còn mỗi việc rang giòn, lão được món mồi nhắm rượu khoái khẩu, vợ con lão cũng được bữa xúc tốn thêm bát cơm. Không những thế, vợ lão còn mang bọ xít lúa đã rang giòn đem giã mịn, trộn với nước mák có, một loại quả chua thành món nặm chẻo chấm rau, chẳng hiểu bà nêm nếm ra sao mà tuyệt ngon, ăn rồi muốn ăn nữa. Chỉ hơi tiếc, bọ xít lúa mình mỏng như thóc lép, không dầy mình, ngon bằng bọ xít trên cây nhãn, cây vải…

 

Vất vả ba đêm, bọ xít lúa ruộng nhà lão Ón gần như sạch hẳn. Còn lại số ít, lão cùng vợ và con trai, thằng Tỏn lội ruộng nhặt bắt nốt. Lão lội phía trước, vợ con lão cần mẫn lội phía sau. Đội trên đầu là nắng dữ. Nhưng may, đã có non ngàn cao, rừng xanh gửi tặng gió. Gió thân thương vuốt ve ngọn lúa mềm, lau bớt mồ hôi cho người nhà lão Ón, cho tay đỡ mỏi, cho bàn chân lội ruộng đỡ nhọc. Lúa ơi, chớ phụ công người, hết nạn bọ xít thì cứ thế mà thênh thang lên xanh lúa nhé.

 

Ngày đẹp, đứa cháu họ của lão Ón làm đám cưới. Cũng vừa khéo là nhà lão đã diệt xong lũ bọ xít, chứ nếu không làm gì còn lòng dạ nào mà vui đám cưới. Đám cưới ở bản bầy biện hết sức giản tiện, không cần bàn ghế, cũng chẳng cần chiếu. Mâm cỗ được đặt trên lá chuối rừng, bầy ngay xuống sàn, toàn món đặc trưng rừng núi, cá nướng, cá boong, thịt lạp, thịt trộn lá xủm phát, thịt cỏi… và không thể thiếu món xôi nhuộm lá nếp. Rượu thì đổ đầy sẵn trong chum, hết lại múc. Đông vui phấn chấn.

 

Lão Ón được trịnh trọng mời ngồi cỗ đầu. Vừa vào cuộc, bạn già cùng mâm vốn quá hiểu tính lão, nên nói trêu:

- Hôm nay ngày vui, chỉ uống rượu, ăn thịt, kể chuyện cổ ngày xửa ngày xưa của tổ tiên, không kể chuyện ruộng nương.

 

Nói vậy thôi, chứ trong tất cả mọi buổi vui, ngày vui ở bản, mọi người đều mong được nghe lão Ón hát. Giọng của lão hát hay như tiếng ve sầu y liếng, không cần tính tẩu đệm nhạc mà nghe vẫn cuốn hút, mê say đến lạ. Dường như biết thế, nên lão Ón nâng chén rượu ngang mày, nheo nheo mắt, đùa lại:

- Hà hà! Không có ruộng có nương làm ra lúa ra ngô thì có xôi thơm nhuộm lá nếp để ăn, có chén rượu ngon này để uống à? Hà Hà!

 

Đến khi, thịt cá trên mâm vơi, rượu trong chén đã qua vài mươi lần đầy cạn, chuyển hết vào các mạch máu thớ gân, thấm đến tận từng chân tơ kẽ tóc, đủ để lâng lâng, ngà ngà, lão Ón ta bắt đầu ư hừm giọng say, ngân nga: "Đất đen dành trồng dưa/ đất đỏ trồng bông vải"1. Người xung quanh ồ lên vỗ tay tán thưởng. Bạn già thủng thẳng, nhỏ nhẹ buông lời: "Biết trước sẽ vậy mà, lại chỉ hát về đất về ruộng về nương thôi".

 

Lão Ón là thế đấy. Đám cưới quan trọng, đông vui vậy nhưng lão vẫn chẳng thể quên chuyện ruộng chuyện nương. Hát xong một bài, lão lại véo một cục xôi nhuộm lá nếp, vê tròn như trứng chim, thong thả nhón bỏ vào miệng, thong thả nhai, mắt lim dim tận hưởng. Lão còn xắn quần ngang tận vế đùi, tay vê xôi xong lại xoa lên đấy. Bạn già cùng mâm cũng ngà ngà rượu, vỗ đét vào vế đùi lão thật đau, nhắc: "Xấu thói!". Lão chẳng giận, lại còn cười: "Hà Hà. Quen rổi! Thói xấu đấy, nhưng chẳng làm chết ai". Bạn già đành lắc đầu, cười mủm mỉm: "Chịu trời, chịu đất. chịu lão Ón". Ờ, lúc nào lão Ón mà chả hà hà cười hiền lành như thế, ai đó có muốn ghét cũng chẳng được, muốn tức cũng chẳng nổi.

 

Thế rồi, được men rượu khích lệ, càng lúc, lão Ón càng bốc tợn, trong cơn cao hứng, lão vỗ cả hai tay lên vế đùi trần làm nhịp, thơ, văn vần, dân ca về lúa ngô ruộng nương, về đất từ miệng lão cứ thế ào ào tuôn ra. Lão hát đúng như những gì người xưa đã hát. Mà lão cũng thật tài, có thể hát mãi không lời nào lặp lại lần thứ hai, hát đam mê, hát say hồn, câu êm đềm mượt mà neo lại nơi đầu nguồn xanh mênh mang bóng lá, câu dạt dào phóng khoáng thì theo nước trôi vạn dặm xa, xuôi về nơi suối gặp sông,… xuôi ra đến tận vùng cửa bể...

 

Vừa hát, lão vừa nghĩ đến đám cưới sắp tới của thằng Tỏn.

 

*      

 

Hạt lúa bắt đầu chớm già đỏ đuôi. Bông nặng mẩy, cong vít cần câu, đòi chạm đất. Lão Ón vừa mừng vừa lo. Lúa tốt, cọng mập thế này là bội thu, là sẽ sắm được thêm nhiều thứ cho thằng Tỏn sau đám cưới. Nhưng lúa nhà lão năm nay lại lẻ loi chín sớm, lũ nôộc pít - chim sẻ rừng mà kéo đến ăn, thì chỉ vài ba buổi là ruộng nhà lão trơ rơm, và như thế tức là vợ lão, con lão sẽ phải lên non đào mák pảu - gần giống củ nâu, củ mài, hái rau rừng, nõn chuối, quả dại về ăn thay cơm, lấy gì mà làm đám cưới cho thằng Tỏn. Lo lắm. Lúc ấy, dù là mák pảu đồ lên xám xỉn, hay nõn chuối rừng nuột nà trắng thì ăn đều chát sịt, nghẹn cổ họng. Lão lẩm bẩm. Chim rừng đừng hòng đánh cắp những hạt thóc thơm của nhà lão. Cả nhà lão thức khuya dậy sớm, đổ trăm gánh mồ hôi xuống ruộng mới có được hạt thóc, sao chim nỡ cướp. Chim thử nếm chút đất mà xem. Có vị mặn phải không? Mặn mồ hôi đấy. Phải nghĩ cách xua đuổi lũ chim thôi. Vậy là, lão thúc vợ con cùng chặt nứa, cắt thành từng ống làm mõ giăng quanh ruộng. Có gió, chỉ cần rất nhẹ cũng đủ để mõ nứa vang những tiếng lốc cốc xua chim. Nhưng như thế chưa thể yên tâm, lão Ón còn lấy cỏ tóc tiên bện bù nhìn doạ chúng. Lão bện thật khéo, trông bù nhìn cỏ giống y người thật, đầu đội nón rách, thân khoác áo tưa sờn, tay cầm sào canh ruộng. Lũ chim rừng nghe thấy tiếng mõ, nhìn thấy bù nhìn thì sợ, chẳng còn dám sà xuống ruộng nhà lão.

 

Hết nạn bọ xít hại lúa, cũng chẳng còn phải lo chim sẻ rừng cướp trộm thóc, lão Ón tưởng rồi cứ thế yên tâm mà đợi gặt. Nào ngờ, trời đổi tiết xấu bất thường. Mưa dai dẳng, mưa bạo liệt dữ dội. Mạch đất đứt, long từng tảng, bục từng tảng lở trôi ầm ầm theo nước, thành bùn đổ ập xuống những ruộng bậc thang. Lúa sắp được gặt, chới với vô vọng ngập trong bùn. Gió, bốn bề gió. Gió thốc, gió xoay, gió giật, gió lật, gió lồng. Căn nhà sàn của lão Ón rung bần bật. Lão hết cào lại đấm hai tay lên ngực trái. Chỗ ấy tim lão đang đau. Gió càng lúc càng ngang tàng, bặm trợn. Lão Ón ngửi, trời ơi là trời, hơi nước trong gió còn nhiều thế này, hỏi mưa biết bao giờ mới tạnh? Nhà nông, cả đời sống nhờ thóc gạo, nay phải chống mắt lên nhìn thóc gạo mất trắng, chịu sao thấu. Lão như nổi cơn điên, vớ lấy chiếc cuốc, mình trần quần cộc, không mũ, không áo mưa chạy ra ngoài. Phải cứu ruộng, phải cứu lúa mới được!

- Ông ra ruộng bây giờ không được đâu. Nguy lắm! - Vợ lão gào thất thanh, giục con trai - Thằng Tỏn, kéo bố mày lại!

 

Vợ lão và con, cả hai hoảng hồn cố gắng lôi giữ lão.

 

Lão Ón nông dân khoẻ như vâm, vung tay một cái, vợ con lão ngã chổng soài ra đất. Lão chạy như bay, dưới mưa, về phía những mảnh ruộng bậc thang đang cần cứu. Vợ con lão lúp xúp chạy đuổi theo sau.

 

Lão Ón chạy không biết mệt, bỏ vợ con tụt lại. Đến nơi, lão trèo lên đầu con nước bùn, dũng mãnh bổ cuốc, khơi cho luồng bùn đỏ chảy quặt sang hướng khác. Lão trụ tấn hai chân, hiên ngang như Ải Hẹng Luông2 đang đắp đất đắp đá dựng mường, tỏ gan góc, tỏ kiên cường, tỏ quyết tâm, toả chí khí bản anh hùng ca chinh phục đất.

 

Bỗng, như có tiếng sấm nổ vang âm từ trong mạch đồi. Cả mảng đồi dưới chân lão Ón mềm nhuyễn ra như bùn. Đất chảy. Thường theo lẽ thuận chỉ có nước mới chảy. Còn đất chảy là nghịch lẽ tự nhiên, là hoạ thiên tai khủng khiếp. Lão Ón như chiếc lá, ngọn cỏ yếu đuối bị cuốn trôi theo đất chảy. Trong chớp mắt, lão rơi vào vùng tối đen, cảm giác nặng ngàn cân ép chặt lên lồng ngực. Trôi nhanh qua đầu lão, chợt nhoà, chợt hiện bóng vợ con, bóng căn nhà sàn, bóng cây ngô, cây lúa cả đời quen thân bên lão. Rồi lão lịm đi, bị cưỡng chìm sâu vào cơn ngủ tàn bạo.

 

Lão Ón ơi! Cả đời lão vất vả vật lộn với đất, vắt kiệt sức mình vun trồng, chăm bón mầu xanh no ấm, đã lập kỳ tích san đồi thành ruộng, bắt nước chảy vào, đã diệt được lũ bọ xít phá lúa, đã xua được bầy sẻ rừng cướp thóc,… nhưng lão không thắng nổi bão mưa đất chảy…

 

Vợ con lão Ón vừa chạy kịp đến nơi, thấy thế cùng lúc thét vọng lên trời. Tưởng rằng, vợ lão rồi sẽ ngất đi, hoặc khuỵu xuống. Nhưng không, bà cùng con trai lao thẳng dòng đất bùn đang chảy, ra sức cào, bới, kéo bằng được lão Ón ra. Lão lúc này dường như chỉ còn là cái xác.

 

Thằng Tỏn xốc lão Ón trên lưng, cố gắng đi nhanh nhất với khả năng có thể. Về đến bản, nó cùng mẹ mượn ngựa đưa lão ra ngay bệnh viện.

 

Bệnh viện tiếp nhận lão Ón trong tình trạng mười phần sống chỉ còn một. Sau cấp cứu, dây thở ô-xy, dây truyền dưỡng chấp lằng nhằng vây quanh, duy trì cho lão sự sống. Chập chờn trong cơn hôn mê, giấc mơ đất, giấc mơ mùa gặt, giấc mơ lúa hát, giấc mơ no ấm của lão tan vỡ, gặp chỉ toàn ác mộng. Lão mơ thấy cọng rơm nhà lão mùa này đớn gầy, rơm đớn gầy tức là thóc lép, là mất mùa, là người đói,… và rồi lão còn mơ thấy nhiều điều đáng sợ hơn nữa, những con bọ xít lúa to kỳ dị, cây lúa bị chúng hút hết nhựa, khô xác xơ như táp phải đám cháy, chim sẻ rừng to tựa đại bàng núi kéo nhau về phá, ruộng lúa chín trong chốc nhát tan hoang thành cỏ rác,… Ôi, toàn là những cơn mơ khủng khiếp…

 

Rất may, tử thần không làm gì được lão Ón. Ác mộng giảm dần, nguy hiểm tính mạng qua đi, lão tỉnh lại. Người đầu tiên lão nhận ra là thằng Tỏn. Sao nom nó hốc hác, bơ phờ thế nhỉ? Còn kia là vợ lão. Vợ lão sao trông cũng tiều tụy quá? Tâm trí lão dường như vẫn lang thang giữa hai bờ hư thực. Lão tưởng mình đang nằm ở nhà, lồng ngực thèm khát được hít thở thứ không khí pha mùi lúa rơm.

 

Lão gọi con, giọng thều thào đứt quãng:

- Tỏn, mày theo…  bố đi ngay ra ... ruộng!

 

Không cầm lòng được, hai mẹ con thằng Tỏn cùng bật khóc. Khóc vì mừng. Vậy là họ chưa mất lão Ón. Còn sống, chắc chắn lão vẫn sẽ tiếp tục hát những lời ca về đất, tiếp tục cùng vợ con khai phá nên những mảnh ruộng bậc thang mới, gieo trồng nên những vụ mùa lúa mới./.

 

 

Chú thích:

 

1. "Đất đen dành trồng dưa/ đất đỏ trồng bông vải", nguyên văn tiếng Thái là: "Đin đăm púk mák teng/ Đin đeng púk phải".

2. Ải Hẹng Luông: Theo truyền thuyết dân tộc Thái thì Ải Hẹng Luông là người khổng lồ, sức khoẻ phi thường, đã có công đắp đất, đắp đá dựng nên bản mường.

Vương Hà
Số lần đọc: 1325
Ngày đăng: 25.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khúc Tâm Du - Văn Chấn Ngọc
Mạt lộ - Lưu Thuỷ Hương
Bào Tỷ Ông Nghị - Phùng Hi
Mây trắng, nước xanh, người tử-tù - Doãn Quốc Sỹ
phòng x khu nội trú - Bùi Hoằng Vị
Sống - Lưu Thuỷ Hương
Kẻ Cầu Mưa - Vương Hà
Người Giữ Nhà Thờ Họ. 2 - Khuất Đẩu
Góc Khuất Của Trái Tim - Trần Minh Nguyệt
Nơi Không Có Mặt Trời - Xuân Tuynh
Cùng một tác giả
Kẻ Cầu Mưa (truyện ngắn)
Ám Ảnh Đất (truyện ngắn)
Cỏ Hát Tìm Nhau (truyện ngắn)
Đêm Sương Trôi Rơi (truyện ngắn)
Hoa Núi Biên Thùy (truyện ngắn)