Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
922
116.651.697
 
Trần Phong Giao, người gác cổng văn học, tạp chí Văn
Du Tử Lê

 

Trần Phong Giao

 

Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, đưa tới sự chia đôi đất nước, tôi nghĩ, không chỉ là một dấu mốc lịch sử quan trọng mà, nó cũng là một dấu mốc lớn của nền văn học Việt Nam nữa.

 

Ở lãnh vực văn học, tính từ thời điểm đó, tới biến cố tháng 4-1975, sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Bắc gần như khép kín. Theo cách nói, của nhà văn miền Bắc, Nguyên Ngọc (1) thì, nó chỉ là một nền “văn chương minh hoạ;” phục vụ chế độ tuỳ nhu cầu mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ. Chính vì vậy mà sự xuất hiện (dù rất ngắn ngủi,) của mấy số báo Nhân Văn, Giai Phẩm ở Hà Nội, đã trở thành một biến cố văn học lớn, gây xao xác, chấn động văn giới cũng như chính quyền Hà Nội. Dư âm của biến cố được gọi chung là “Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm” đó, đến nay, còn được nhắc nhở, cào, xới như một vết thương chưa hề mọc da non, chưa hề liền mặt.

 

Trong khi đó, tại miền Nam, sau giai đoạn mở đường, gieo những hạt mầm văn học vạm vỡ của các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Văn Nghệ, Thế Kỷ 20..., là giai đoạn trồng, gặt những mùa gặt văn học sung mãn, bội thu, với các tạp chí Bách Khoa, Văn Học và Văn (tính từ thời điểm đầu thấp niên 1960 tới tháng 4 năm 1975.) (2)     

 

Trong số 3 tạp chí văn chương vừa kể, thì tạp chí Bách Khoa có niên kỷ cao nhất. Bách Khoa do nhà văn Huỳnh Văn Lang sáng lập. Sau, họ Huỳnh giao toàn quyền việc điều hành cho ông Lê Ngộ Châu. Ông Lê Ngộ Châu không phải là nhà văn, cũng không hề là nhà báo. Ông chưa từng viết một bài báo nào trong suốt thời gian trông nom tờ Bách Khoa. Nhưng theo người sáng lập, nhà văn Huỳnh Văn Lang, thì ông Lê Ngô Châu là người có khả năng điều hành và, dung hoà mọi phe phái (3.)

 

Phụ trách phần nội dung cho Bách Khoa (toà soạn ở đường Phan Đình Phùng,) có thể kể các nhân vật chính như Võ Phiến, lo văn xuôi; Xuân Hiến, chọn thơ, Nguiễn Ngu Í lo phỏng vấn, phóng sự.

 

Tạp chí Văn học, (toà soạn ở đường Lê Văn Duyệt, cũng là nhà in của ông Dương Cự) do ông Phan Kim Thịnh đứng tên chủ nhiệm, có được sự tiếp tay tích cực về phương diện bài vở của nhà thơ Dương Kiền.

 

Tạp chí Văn (toà soạn ở đường Phạm Ngũ Lão, cũng là nhà in Nguyễn Đình Vượng,) do ông Nguyễn Đình Vượng đứng tên chủ nhiệm. Phần nội dung, bài vở được giao do nhà văn Trần Phong Giao toàn quyền, trách nhiệm.

 

Phong cách hay nếp sinh hoạt của ba tạp chí có tuổi thọ đáng kể kia, trong sinh hoạt 20 năm văn chương miền Nam Việt Nam, có nhiều điểm khác biệt. 

 

Nếu toà soạn Bách Khoa là nơi lui tới của những nhà văn, nhà thơ đa số lớn tuổi, nghiêm túc, nặng tinh thần công chức, lễ giáo, như các ông Nguyễn Hiến Lê, Tạ Tỵ, Đoàn Thêm, Trần Ngọc Ninh..; thì, sinh hoạt tại hai toà soạn Văn HọcVăn, có phần trẻ trung hơn.

 

Là phụ tá, phụ trách bài vở cho Văn Học, nhưng nhà thơ Dương Kiền, vì công việc tại văn phòng luật sư riêng của mình, hiếm khi có mặt tại toà soạn. Chủ nhiệm Phan Kim Thịnh lại thường xuyên...chạy ngoài, nên toà soạn cũng... thường xuyên vắng người. Khách biên đình, anh em văn nghệ phương xa về Saigòn, ghé thăm Văn Học, nhiều khi đi tới, lui cả chục lần, không gặp ai, ngoài mấy chiếc bàn phía ngoài và, nhóm thợ in với máy móc, bên trong. Lại nữa, họ Phan vốn hiếu khách, nên anh chị em văn nghệ nào gặp hên, “tóm” được chủ nhiệm; thì, ông thường kéo khách qua mấy ngôi quán gần toà soạn, uống nước.

 

Ngược với toà soạn Văn Học, toà soạn Văn không những luôn luôn có...người mà, còn có tới hai, ba người một lúc.

 

Ở Việt Nam trước đây, tất cả các cơ sở thương mại, văn phòng không có thói quen treo bảng ghi giờ mở / đóng cửa. Do đó, tôi không biết giờ mở / đóng cửa của tạp chí Văn. Nhưng kinh nghiệm cá nhân cho thấy, nếu có việc phải ghé lại toà soạn trong khoảng thời gian từ 8 tới 11 giờ sáng thì, từ ngoài nhìn vào, tôi luôn thấy Thầy Cò Gia Tuấn, ngồi nơi chiếc bàn thứ nhất, với cặp kính trắng dày cui, hiếm khi rời mắt khỏi xấp bản vỗ (4.) Kế tiếp, cũng cùng một cung cách cúi xuống, cặm cụi trước đống bản thảo, hoặc dán mắt vào chiếc máy chữ to đùng, là Thư ký toà soạn Trần Phong Giao. (Nếu Gia Tuấn “mảnh khảnh” vóc dáng con...cò bao nhiêu, thì họ Trần chắc chắn, đậm người bấy nhiêu.) Nơi bàn thứ ba, cũng là chiếc bàn trong cùng, trước khi chạm tấm vách ngăn phần ấn loát bên trong, là chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng. Ông là một thứ “bon papa” của nhiều cộng tác viên Văn.

 

Tứ thời áo len (do suyễn kinh niên) với nụ cười không bao giờ biến mất trên gương mặt phúc hậu, cởi mở, Chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng là mặt khác của Thư ký toà soạn Trần Phong Giao. Nếu “Papa” Vượng tỏ ra nhân từ, dễ thương bao nhiêu, thì với những ai mới gặp “Trần Phóng” tức Trần Phong Giao lần đầu, sẽ thấy ông là hiện thân của một thứ... “Cùng hung, cực ác” bấy nhiêu (5.)

 

Tôi mượn hình ảnh một nhân vật “Cùng hung cực ác” trong chuyện Chưởng của Kim Dung, để thậm xưng về “ngoại hình” của nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký  toà soạn đầu tiên và, lâu đời nhất của Tạp chí Văn, Saigòn, những năm đầu thập niên 1960. Lý do, với bất cứ anh chị em văn nghệ nào, không biết mặt ông, dù ở đâu về, hỏi gặp ông, ông đều chối ông không phải là Trần Phong Giao. Chẳng những lạnh lùng, đôi khi, ông còn sẵng giọng nữa! Tuy nhiên, một khi đã quen biết, Trần Phong Giao lại cho thấy ông là người rất quý bạn và, quan tâm tới những buồn, vui riêng của mỗi người.

 

Giải thích cung cách ứng xử lạnh lùng của mình, ông nói, nếu không thế, ông không có đủ thì giờ hoàn tất công việc của thư ký toà soạn một tạp chí văn chương có số lượng phát hành lớn nhất miền Nam Việt thời đó.

 

Công việc của họ Trần, không đơn giản trong phạm vi nội dung bài vở, chủ đề  (cho mỗi số). Nó cũng không chỉ là công việc liên lạc xin bài, đi lấy bài của những tác giả Văn muốn có mà; cùng lúc, mỗi ngày, ông phải đọc hàng trăm thư độc giả; hàng trăm sáng tác, biên khảo, dịch thuật của các tác giả khắp nơi, để quyết định sẽ đăng hay, loại bỏ. Có nên giới thiệu hay không! (6)

 

Mỗi số, với bút hiệu Thư Trung, ông phải viết tin sinh hoạt văn học nghệ thuật, tường trình cùng độc giả. Lại nữa, ở lãnh vực sách xuất bản, với bút hiệu Mõ Làng Văn, ông cũng phải chọn ra để điểm, một số tác phẩm tiêu biểu.

 

Công việc cực nhọc, tế nhị nhất (cho thấy khó có một thư ký toà soạn nào, có thể làm được một cách bền bỉ, kiên nhẫn hơn), đó là việc trả lời thư độc giả, thư văn hữu. Tôi cho việc làm này của Trần Phong Giao, là sợi giây liên kết thân ái nhất, chặt chẽ nhất giữa toà soạn Văn và, bạn văn, độc giả.

 

Khi báo in xong, chiếu theo danh sách, Trần Phong Giao cũng là người viết tên, đề địa chỉ, bỏ báo biếu vào những phong bì lớn, in sẵn logo, gửi cho các cộng tác viên. Với những tác giả có bài đăng tải trong số báo mới đó, họ Trần chia thành 2 loại.

 

Loại thứ nhất, những tác giả được trả tiền nhuận bút, dù thơ hay văn. Loại thứ nhì, những tác giả chỉ được biếu báo. (7)

 

Nếu cư ngụ tại Saigòn, bạn có thể đến thẳng toà soạn vào những ngày 1 và 15 mỗi tháng, để nhận tiền và báo, mà, không cần phải báo trước. Suốt bao nhiêu năm ở vai trò Thư ký toà soạn Văn của Trần Phong Giao, tôi chưa thấy một bạn văn nào than phiền, chất vấn ông, về tác quyền của họ.

 

Song song với 2 số báo Văn, mỗi tháng, Trần Phong Giao còn trông nom nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng và, tủ sách Văn Uyển, sau đổi thành Tân Văn. (8)  

 

Với bề ngoài lạnh lùng, thường xuyên gây bất mãn cho những người tìm kiếm mình tại toà soạn, nhưng khó ai có thể phủ nhận tấm lòng ưu ái đặc biệt của nhà văn Trần Phong Giao với lớp người viết trẻ, (nhất là những cây bút miền Trung).

 

Rất nhiều cây bút trẻ thời đó, sau này thành danh, nhờ / hoặc từ ngôi nhà tạp chí Văn mà, người canh cửa chính là ông “mặt sắt, đen xì” Trần Phong Giao.

 

Trong danh sách dầy đặc gồm những người hiện ở hải ngoại, hay quê nhà; những người còn sống, hoặc đã chết, thành danh từ tạp chí Văn, chúng tôi xin kể một số tên tuổi tượng trưng như: Trần Hoài Thư, Hà Thúc Sinh, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Mường Mán, Nguỵ Ngữ, Cao Thoại Châu, Lâm Chương, Huy Tưởng, Đynh Trầm Ca, Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, Lâm Hảo Dũng, Vũ Hữu Định, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Thị Minh Ngọc, vân vân...

 

Dù đã trên dưới bốn mươi năm, kể từ ngày nhà văn Trần Phong Giao rời khỏi vai trò Thư ký Toà soạn bán nguyệt san Văn và, 4 năm sau ngày chết của ông (9,) nhà văn Trần Hoài Thư (10,) trong một bài viết nhan đề “Trần Phong Giao và những người viết trẻ,” in trong tạp chí Thư Quán Bản Thảo (11,) tập thứ 35, đề tháng 2 năm 2009, đã viết như sau:

 

“Thời ấy, thời những năm 60, nói đến văn học miền Nam là nói đến nhóm, là phải nhắc đến Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ 20 v.v...Những đề tài thì quanh quẩn những hiện sinh, nôn mửa, làm mới văn học, hay viết về những kinh nghiệm bản thân về một chủ nghĩa là Cộng sản mà họ đã trải qua...Họ sống ở thủ đô, ít hiểu, ít chất liệu để nói về con quái vật chiến tranh và những hệ luỵ của nó (...)

 

“Riêng những người viết trẻ thì không những lãnh phần đánh giặc, chết thế mà còn tự nguyện lãnh thêm những sấp giấy nhét trong ba lô hay túi áo trận có khi dính đầy máu. Và khác với những quan chức văn nghệ phòng trà, mang bộ đồng phục mà viết về ca sĩ, vũ nữ v.v...thì các người viết trẻ phải viết trong điều kiện:

 

“‘Viết thư thăm ông sau cuộc hành quân biên phòng, kéo dài suốt 20 ngày trong rừng đầy muỗi, lạnh và vắt rừng.

 

“Ở đây thiếu thốn nhiều phương diện. Ngay như báo chí. Đôi khi tờ báo hàng ngày xuất bản ngày 10 thì đến 20 chúng tôi mới được đọc. Còn nói gì đến những tập san văn học nghệ thuật?’ ”

(Tư. Liệu,  thư từ Dakto ngày 12 tháng 12 – 1970. Vấn Đề số 45 tháng 4-71.) 

 

“May mắn trong thế giới ấy, chúng ta có một Trần Phong Giao của Văn.

“Có thể nói, trong thời chiến, không một người viết trẻ nào lại không nhớ đến cái công tìm tòi, khai phá những tài năng mới của tạp chí Văn, mà thơ ký toà soạn Trần Phong Giao (TPG) là người đầu tầu.”

 

“Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một đức tính hiếm quý mà chúng tôi đã tìm thấy ở ông, dù ít khi chúng tôi có dịp gần gũi với ông.

 

“Nhớ lại trong vài lần từ vùng hai về phép, ghé ngang toà soạn Văn, thăm ông, thấy ông với gương mặt lạnh lùng, hoạ hoằn lắm mới thốt vài câu thăm hỏi, sau đó, lại tiếp tục cúi xuống bàn máy chữ, thì thấy lòng hơi bất mãn.

 

“Vậy mà trên tạp chí Văn, ở mục trang Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật, dưới bút hiệu Thư Trung, ông luôn viết về chúng tôi, đề cập đến chúng tôi, và cất lời thống thiết vì chúng tôi. Thật khó tìm một tạp chí có người thơ ký toà soạn lại chú tâm về cuộc hành trình của những người mang màu áo đồng phục như chúng tôi như thế. Nhờ Văn mà chúng tôi tìm đến nhau, và biết tin nhau dù chúng tôi luân lạc tứ phương...”    

 

Tôi nghĩ, các nhà văn trẻ thời đó, không chỉ quý hay, biết ơn nhà văn Trần Phong Giao vì tấm lòng của ông dành cho họ, những người mặc áo lính mà; còn vì tạp chí Văn, nhìn ở một góc độ nào đó, đã là thước đo giá trị văn chương của những cây bút mới nữa.

 

Vì số lượng sáng tác gửi về Văn quá nhiều, nên Trần Phong Giao và “Ban Tuyển đọc Tác phẩm” (3 người cho mỗi bộ môn) của ông, đã rất khó khăn trong việc chọn bài. Nên, một tác giả mới, khi có bài được đăng trên Văn, là cả một vinh dự. Điển hình, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ hiện cư ngụ tại miền Nam Cali, tới bây giờ, còn hãnh diện về việc ông được báo Văn chọn đăng lần đầu tiên, một bài thơ của ông, khi ông mới 17 tuổi, gửi từ Đà Nẵng.

 

Mới đây, trong một lần vui chuyện với bằng hữu, tác giả “Huyết Âm” nói đùa rằng:

Thời đó, ai có bài đăng trên tạp chí Văn thì, có thể ví như ‘cá vượt vũ môn’ vậy.” (12) Ngược lại, một số tác giả trẻ khác, kém may mắn hơn chỉ ước mong một lần, được thấy tên mình trên diễn đàn ấy (…)

 

Trường hợp cá nhân chúng tôi cũng không “hoành tráng” gì! Trước khi trở thành cộng tác viên gần như thường trực của Văn, và được trả nhuận bút khá hậu hĩ, tôi cũng trải qua một thời gian dài, chỉ thấy tên mình mỗi tháng hai lần, trong mục... “Bài nhận được” với lời nhắn chung: “Cám ơn, xin gửi cho bài khác...”

 

Tôi nhớ, Văn số 4, đăng bài thơ đầu tiên của tôi, nhan đề “Thư cho em.” Nhưng mãi tới số 18, tức 12 số sau, mới đăng cho tôi bài thứ hai. Tuy không quen biết ai trong toà soạn Văn, cũng như không có người đỡ đầu, mặc dù hồi đó, tôi cũng đã có nhiều bài đăng ở một số tạp chí khác.

Một chuyện nhỏ, bên lề, xin kể lại là ngay khi Văn số 4 phát hành, ca, nhạc sĩ Mai Trường (vốn là chỗ quen biết với ông Trần Phóng) liên lạc với Trần Phong Giao, xin địa chỉ của tôi, để xin phép phổ nhạc bài thơ ấy với nhan mới là “Mai em lấy chồng” - Ca khúc này, một thời đựơc đám đông ưa thích. Tôi muốn nói, bài thơ của tôi được độc giả chú ý ít, nhiều. Nhưng điều đó, không gây một “ấn tượng” gì nơi Trần Phong Giao cả!  

 

Cách khác, tạp chí Văn thời đó, được những người cầm bút mới nhìn nó, như một nơi chốn để ấn chứng  “võ công” của mình. Ngay những tác giả đã thành danh, hoặc là trụ cột của tạp chí Sáng Tạo trước đó, như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Lê Huy Oanh...cũng cộng tác thường xuyên với Văn, từ những số báo thứ nhất.  

Nhưng Trần Phong Giao là ai? Hay ai là Trần Phong Giao? 

 

Nhà văn Trần Phong Giao tên thật là Trần Đình Tĩnh, sinh năm 1932 tại Nam Định. (Một số tài liệu khác, ghi năm 1935. Nhà báo Lê Phương Chi, bạn tâm giao với Trần Phong Giao thì cho biết, họ Trần sinh năm 1929.) Ngoài bút hiệu chính, Trần Phong Giao, ông còn những bút hiệu khác, như Trần Phong, Thư Trung, Mõ Làng Văn.

 

Thời trẻ tuổi, trước khi chính thức bước vào con đường văn chương, có dễ ít người biết rằng, ông bị động viên khoá 4 Trừ Bị Thủ Đức. (Cùng khoá với nhà văn Văn Quang / Nguyễn Quang Tuyến, và một số đồng đội nổi tiếng khác, như Tướng Ngô Quang Trưởng, Bùi Thế Lân, Lê Quang Lưỡng...) (*)

 

Theo lời kể của nhà văn Văn Quang thì, khoá 4 mãn khoá vào thời gian hiệp định Geneve đựơc ký kết. Trước khi nhận đơn vị, các tân sĩ quan có được mấy tuần phép. Mười người trong số những người ở miền Bắc, bị động viên, đưa vào Thủ Đức thụ huấn, trở về Hà Nội thăm gia đình, có nhà văn Văn Quang và, Trần Phong Giao tức Trần Đình Tĩnh. Trước ngày phải trở lại miền Nam, để nhận đơn vị, có 5 người chọn ở lại Hà Nội. Những người này được một sĩ quan đại diện phía chính quyền Cộng sản móc nối. Người đó hứa hẹn cho các tân sĩ quan này chọn lựa giữa hai giải pháp: Giữ nguyên cấp bậc thiếu uý, hoặc không phải đi lính nữa. Trong 5 người chọn ở lại Hà Nội, có nhà văn Trần Phong Giao.

 

Nhà văn Văn Quang cho biết thêm, dù rất thân với Trần Phong Giao, trong thời gian bị động viên ở trường bộ binh Thủ Đức, nhưng khi gặp lại họ Trần ở Vũng Tàu, rồi Saigòn, Trần Phong Giao không hề tiết lộ những năm, tháng chọn ở lại Hà Nội của ông ra sao, thế nào! (13)

 

Chỉ biết, từ năm 1960 đến năm 1963, Trần Phong Giao là Thư Ký Toà Soạn Tin Sách, do Trung Tâm Văn Bút Việt Nam chủ trương. Thời gian này, ông cũng bắt tay vào việc dịch một số tác phẩm văn chương, triết học của các nhà văn nổi tiếng thế giới, như Albert Camus, Jean Paul Sartre... Cùng với dịch giả Hoàng Ưng, ông dịch cuốn tiểu thuyết “Con Chim Trốn Tuyết” của Paul Gallico, cũng được nhiều độc giả yêu thích. Về sáng tác, ông có cuốn truyện “Ngồi lại bên cầu.”

 

Cuối năm 1963, ông Nguyễn Đình Vượng mời Trần Phong Giao về trông nom bán nguyệt san Văn, và nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ở đường Phạm Ngũ Lão.   

 

Năm 1971, Trần Phong Giao rời khỏi chức vụ Thư Ký Toà Soạn. Ông xuất bản tạp chí Giao Điểm (cũng là tên nhà xuất bản của riêng ông) được ít số thì đình bản. Sau đó, ông có thực hiện một vài giai phẩm khác nữa, nhưng không thành công. Cuối cùng ông trở lại công việc dịch sách và, làm Quản thủ thư viện Đại Học Cửu Long, tính tới ngày 30 tháng 4-1975.

 

Ông từ trần ngày 13 tháng 4 năm 2005 vì bệnh ung thư đại tràng tại nhà riêng ở khu Bình Phú, Quận 8, thành phố Saigòn. Sau lễ hoả táng, tro cốt của ông được gửi tại chùa Tuyền Lâm, thuộc khu Bình Hưng Hoà.

 

Một đời tận tuỵ, hy sinh cho nền văn học miền Nam, 20 năm, nhưng tính từ năm 1971 (năm rời khỏi vai trò Thư ký toà soạn tạp chí Văn) tới năm 2005 (năm từ trần) trong suốt hơn 30 năm còn lại của mình, dường như định mệnh chưa một lần ngoái đầu, mỉm cười với Trần Phong Giao. (14) Tuy nhiên, tôi nghĩ, cách gì, thì ông cũng sẽ còn được tưởng nhớ, trân trọng, chí ít, cũng như sự tưởng nhớ của nhà văn Trần Hoài Thư và, một số những cây bút trẻ, thời văn chương miền Nam, thập niên 1960, 1970.

 

Tôi cho, định mệnh có thể vùi dập, xé nát một cá nhân trong đời thường, nhưng nó vẫn bất lực trước những đóng góp trí tuệ, nếu có, của một người nào đó.

 

(4-2009) 

 

Chú thích:

(1)Nhà văn Nguyên Ngọc, trong thời gian giữ vai trò Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ, tiếng nói của Hội Nhà Văn Việt Nam, ở Hà Nội, là người phát hiện, giới thiệu với độc giả nhiều cây bút mới, sau này nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị  Hoài...

(2) Tôi không nhắc tới vài tạp chí văn chương khác, như Nghệ Thuật, Vấn Đề, Văn Chương...(dù những tạp chí này cũng xuất hiện trong thập niên 1960 ở miền Nam,) vì thời gian hiện diện ngắn ngủi; hoặc không gây được một chú ý đáng kể nào. Tạp chí Văn Hữu (cơ quan ngôn luận của Hội Văn Hoá Á Châu, cũng vậy.

(3) Sinh thời, Thi sĩ Nguyên Sa từng kể, cũng như từng viết xuống rằng, toà soạn Bách Khoa là nơi gặp gỡ một cách “vui vẻ, thoải mái” của các nhân vật chính trị như Phạm Ngọc Thảo, Vũ Hạnh..., khuynh hướng cộng sản. Trần Ngọc Ninh, Đoàn Thêm..., khuynh hướng quốc gia. Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung..., khuynh hướng trung lập...

(4) Trước khi máy computer ra đời, công việc in ấn rất nhiêu khê! Thoạt tiên, người thợ sắp chữ phải gắp từng mẫu tự đúc chì, to nhỏ tuỳ size chữ, xếp ngược, rồi đánh đai hay khuôn lại theo khổ ấn định, gọi là bát chữ. Sau đó, người thợ phải dùng những tấm giấy ẩm nước, đập vào bát chữ đã lăn mực, để những dòng chữ hiện ra, xuôi chiều. Những tấm giấy có chữ này, gọi là bản vỗ. Thầy Cò sẽ sửa lỗi chính tả trên những bản vỗ đó. Những công đoạn ấy, tái diễn nhiều lần, tới khi bản vỗ không còn lỗi chính tả.

(5) Ngoài bút hiệu Trần Phong Giao, Thư ký toà soạn đầu tiên của tạp chí Văn, còn có bút hiệu thứ hai, là Trần Phong. Thời gian Văn ra đời, cũng là thịnh thời của phong trào đọc chuyện chưởng Kim Dung. Một trong những dịch giả được ưa thích là ông Tiền Phong - Từ Khánh Phụng. Ông này gốc người Hoa. Tên ông đọc theo âm Trung Hoa là “Sìn Phóong.” Và, “Trần Phóong” mau chóng trở thành “nickname” của Trần Phong Giao, được một số anh em văn nghệ thân thiết với họ Trần gọi...sau lưng ông.

(6) Bút hiệu Mõ Làng Văn là bút hiệu chung của một số cộng tác viên mật thiết với Văn, khi Trần Phong Giao nhờ những nguời này, làm công việc điểm sách thay ông. Nhưng ông luôn thêm, bớt, trước khi đăng tải.        

(7) Dù thơ hay văn, tiền nhuận bút được tính theo trang. Dĩ nhiên, nhuận bút mỗi trang bài, sai biệt tuỳ theo tên tuổi từng tác giả. Sự trân trọng đối với thi ca của tạp chí Văn, ngày xưa, là một điểm son lớn - - Ngược hẳn với tình trạng hôm nay, ở hải ngoại. Thơ đăng tải, chẳng những không được trả nhuận bút mà, nhiều tác giả còn phải tốn tiền cho chủ nhiệm (kiêm chủ bút!) dưới hình thức này hay hình thức khác!   

(8) Sự khác biệt giữa nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng và tủ sách Tân Văn ở chỗ: Sách của nhà Nguyễn Đình Vượng được in trên giấy trắng, bìa dầy, bất định kỳ - - Trong khi sách của tủ sách Tân Văn bìa mỏng, ruột in giấy báo, xuất bản hàng tháng, sách dầy trên dưới 100 trang. Mục đích bán với giá rẻ; cho thợ in có thêm việc làm.   

(9) Nhà văn Trần Phong Giao từ trần tại Saigòn, ngày 13 tháng 4-2005, thọ 70 tuổi, nếu tính theo năm sinh 1935. 

(10) Nhà văn Trần Hoài Thư hiện cư ngụ tại tiểu bang New Jersey. Cùng với Phạm Văn Nhàn, ông chủ trương tạp chí văn học nghệ thuật Thứ Quán Bản Thảo. Từ năm 2006 đến 2007, sau khi về hưu, có thì giờ, ông đã sưu tập, chủ biên “Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam.” Tới nay, tủ sách này đã ấn hành những bộ sách đáng kể như “Thơ miền Nam trong thời chiến,” tập 1 và 2 - - Cộng chung dầy trên 1,500 trang quy tụ trên 400 tác giả. Riêng năm 2008, ông sưu tầm và ấn hành các bộ “Thơ Tự Do Miền Nam,” “Thơ Tình Miền Nam,” “Lục bát một thời Việt Nam.” Tất cả những bộ này đều dày trên 600 trang, quy tụ hàng trăm tác giả miền Nam. Có thể đặt mua qua Tòa soạn Thư Ấn Quán.   

(11) Tạp chí Thư Quán Bản Thảo xuất bản 2 tháng 1 lần. Không bán. Muốn có, xin vui lòng liên lạc qua địa chỉ: Thứ Ấn Quán, P.O.Box 58, South Bound Brook, NJ 08880; hoặc E-mail: tranhoaithu@verizon.net

(12) Tình cảnh này trái ngược hẳn với sinh hoạt văn chương hôm nay, ở hải ngoại cũng như trong nước. Chúng ta rất khó tìm được gia đình nào...không có ít nhất một người là...nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà “truyền thông” hoặc, ca sĩ tài tử, mc...!!!       

(13) Phải chăng vì thế mà sau này, nhiều tài liệu ghi tên thật của ông là Trần Đình Phong, sinh năm 1935?  

(14) Nhà văn Lữ Quỳnh kể, năm 2000, ông và người bạn gái cất công tìm thăm Trần Phong Giao. Sau nhiều khó khăn, vất vả vì họ Trần không còn ở căn nhà trong hẻm gần cầu Kiệu nữa. (Căn nhà đó bị cháy, theo lời kể của nhà văn Văn Quang.) Khi tìm được tác giả  “Ngồi lại bên cầu” đang ở trần ngồi trước hiên nhà, vì Sài Gòn đang mùa nắng nóng. Lữ Quỳnh giới thiệu người bạn gái ở xa về muốn đến thăm anh. Anh nói cám ơn và định đứng dậy lấy áo mặc, nhưng Lữ Quỳnh đưa tay cản vì thấy anh di chuyển khó khăn. Sau những lời thăm hỏi, người bạn gái đặt món quà nhỏ xuống cạnh giường biếu anh và chúc anh chóng bình phục. Anh buồn bã, không nói gì, nhìn hai bạn ra về, ánh mắt xa xăm.

 

(*) Ngay khi bài này được phổ biến, nhà thơ Ngọc Hoài Phương bổ túc rằng, tốt nghiệp khoá 4 Thủ Đức còn có cựu Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu. Ông là sĩ quan QLVNCH đầu tiên, cùng một trung đội dưới quyền, đồn trú tại đảo Hoàng Sa...

 

Du Tử Lê
Số lần đọc: 1937
Ngày đăng: 15.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đinh Hùng ( 1920-1967), Giải Quán Quân Thơ ” Văn Chương Toàn Quốc 1961 ”( miền Nam ). - Thế Phong
Vũ Hoàng Chương: ” …Thơ Ta Chẳng Viết Cho Đời… “ - Thế Phong
Quà xuân của nhà văn hoá Hữu Ngọc - Vân Long
Trăn trở về danh cầm họ Nguyễn - Lâm Bích Thủy
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Văn Cao, Mùa Xuân Cuối Cùng - Phạm Đình Trọng
Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh - 1 - Thụy Khuê
Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh - 2 - Thụy Khuê
Đoàn Chuẩn với giọt thu cuối cùng - Vân Long