Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
441
115.986.506
 
Du Tử Lê, Tôi Cũng Như Chiều, Tôi Mồ Côi.
Du Tử Lê

“làm sao em biết khi xa bạn,

“tôi cũng như chiều, tôi mồ côi.”

(thơ dtl.)

 

Tôi luôn tự hỏi, không biết phương tây có bao nhiêu người hiểu được rằng, người Việt thường có tập quán gửi gấm những mơ ước thầm kín của mình, vào những đứa con của họ, qua tên gọi? Mỗi danh từ Việt, tự thân đều minh bạch hay, ẩn tàng một ý nghĩa sâu xa nào đó. Ngay cả những đứa trẻ được cha mẹ chọn những tên gọi đơn giản, bình dị, hoặc theo vần tên của người vợ hay chồng, để bày tỏ lòng thương yêu, biết ơn người bạn đời của mình… Thì, chúng vẫn là những hy vọng, khao khát, bày tỏ, mặc nhiên đặt lên đôi vai nhỏ bé, mỏng manh của những đứa trẻ ngay tự thuở nằm nôi. (Mặc dù, thực tế rất thường, đã phũ phàng, đánh tráo những mơ ước thầm kín kia, bằng khá nhiều bẽ bàng, hờn tủi!)

 

Câu hỏi, càng lúc càng trở nên thao thiết hơn trong tôi, khi tình thân, cũng như những điều tôi nghe được về cuộc đời chông chênh, lênh đênh gập ghềnh, bất trắc của C. Lập, bạn tôi.

 

Tôi không biết khi song thân bạn tôi, đặt tên cho bạn tôi là Lập, chỉ hàm ý muốn đứa con trai họ, mai sau, có được một đời sống tự lập, độc lập? Hay họ còn thầm kín mơ ước khi trưởng thành, bạn tôi sẽ thiết lập được những khế ước cao cả, ý nghĩa với xã hội, đất nước?

 

Hẳn nhiên, đó là điều tôi không biết. Thậm chí, tôi nghĩ, có thể bạn tôi cũng không biết! Vì, hiếm khi những đứa con dám cất tiếng hỏi cặn kẽ mơ ước, ý nghĩa sâu xa mà, đấng sinh thành đã kín đáo đặt để lên vai chúng.

 

Điều duy nhất tôi biết, khi còn là sinh viên, rất sớm, bạn tôi đã có xu hướng tranh đấu cho quyền làm người, cho tự do, dân chủ một đất nước, bằng những cuộc xuống đường, biểu tình. Chính những tỏ bày này, cũng đã rất sớm, đưa bạn tôi vào vòng lao lý!

 

Sợi dây buộc chặt chúng tôi với nhau, là văn chương, nghệ thuật - - Với những mơ mộng, lãng mạn chấp chới không chỉ trong ánh mắt mà, trong cả nụ cười của bạn tôi, mỗi khi chúng tôi có cơ hội gặp nhau. Nhưng chưa bao giờ bạn tôi kể tôi nghe, về những năm tháng tù tội ấy…

 

Làm như bạn tôi cho, đó là một công việc tự nhiên. Tựa mỗi con người, trước khi ra đời, đã được Thượng đế định sẵn cho họ một công việc. Một phần vụ. Dù lớn hay bé. Đơn giản, nhẹ nhàng hay, khó khăn phức tạp. Nó là một thứ định mệnh khởi kiếp. Muốn hay không, con người khó thể né tránh. Thí dụ, bạn tôi có những người bạn viết nhạc như Phúc, như Sơn. Làm thơ như Thái, như Quân. Lại phim như Điền, như Dũng…

 

Tôi sẽ không biết mảng quá khứ bầm dập kể trên của C. Lập, nếu một người bạn chung của chúng tôi là Vỵ, không vô tình, hào hứng, phấn khích kể tôi nghe phần bóng tối thanh niên đó. Tôi cũng sẽ không hay biết một chút gì, về cái mà C. Lập cho rằng “nó cũng bình thường, cũng tự nhiên thôi…!” Nếu Thái không kể tôi nghe, những cuộc xuống đường, biểu tình đòi chủ quyền cho đất nước, của Thái, Đằng, Lập…giữa Saigon hôm nay. Lãnh vực tôi hoàn toàn bù trớt!

 

Tôi không biết song thân bạn tôi nghĩ gì, cảm nhận gì, trước những việc làm của bạn tôi, mang tính thiết lập những khế ước cao cả, ý nghĩa với xã hội, đất nước? Nhưng tôi không hỏi và, sẽ không bao giờ hỏi bạn tôi, chuyện ấy.

 

Tôi luôn nghĩ, trong tình bạn, dù ở mức độ thân thiết nào, vẫn có những giới hạn, những vạch phấn ta nên dừng lại. Tôi muốn nói, trừ phi bạn tự ý tâm sự, phần riêng, tôi tôn trọng mơ ước song thân bạn tôi, đã sớm đặt lên đôi vai nhỏ bé, mỏng manh của bạn, từ thuở nằm nôi. Tôi tôn trọng xu hướng, như một thứ trách nhiệm, bạn tôi sớm nhận lãnh từ khao khát thầm kín của đấng sinh thành ra bạn.

 

Cũng vậy, chưa bao giờ C. Lập hỏi tôi về công việc tôi đã đeo đẳng gần hết đời mình. (Mặc dù đó không hề là mơ ước, khát khao thầm kín của thầy, me tôi, khi tôi được sinh ra. Nếu không muốn nói, ngược lại!)

Thật thế! Chưa bao giờ tôi hé lộ cho bạn biết, công việc, đúng hơn, đam mê phù phiếm từ thuở thơ dại của tôi, tới hôm nay; vốn là niềm kinh hoàng, nỗi hãi sợ tương tự một bất hạnh, một hình phạt ghê gớm mà, ông trời đã giáng xuống đời tôi, trong cảm nhận của mẹ tôi. Vẫn trong mắt nhìn của bà, trước khi biết tôi bị vướng vào cái nghiệp “chữ nghĩa vớ vẩn!” (cách nói quê mùa của mẹ tôi,) thì tôi, chính tôi, chứ không phải bà(?) đã sớm phải nhận lãnh một tai họa không thể to lớn hơn! Không thể bất hạnh hơn! Đó là sự kiện thầy tôi mất, khi ông còn rất trẻ! Và tôi, chỉ mới lên ba!

 

C. Lập cũng chưa bao giờ hỏi tôi về mặt trái, của thế giới gọi là sinh hoạt văn học, nghệ thuật.

 

Mỗi lần có cơ hội gặp C. Lập, dù ở đâu, ngoài hay trong đất nước (Cali hay Saigon,) tôi chỉ thích được nhìn sâu, nhìn thấu phía sau ánh mắt tinh anh (thấp thoáng chút giễu cợt) và, nụ cười (cũng như tiếng cười) lúng liếng niềm vui của bạn - - Kẻ thiết tha với đời sống. Đắm đuối với lý tưởng (hạnh phúc?) cống hiến phần tim, óc mình cho bằng hữu. Đám đông. Mọi người.

 

Cụ thể, tôi thích lắm, khi biết bạn tôi là người biến khu Bình Quới, Văn Thánh, thành hai quần-thể giải trí. Kết hợp được khá nhiều những nét tiêu biểu truyền thống văn hóa Việt.

 

Tôi cũng vui lắm (hãnh diện nữa,) khi biết bạn tôi, có nhiều năm là linh hồn của khu Chợ Hoa đường Nguyễn Huệ, mỗi dịp xuân về.

 

Tôi cũng không che dấu hân hoan, khi biết liên tiếp mười năm qua, bạn tôi và bằng hữu, đã tổ chức ngày giỗ T. C. Sơn. Cho những người yêu ca khúc của tác giả này. Cho cả Saigon, một thời khuất, lấp.

 

Tôi cũng cảm kích lắm, khi biết bạn tôi, bằng vào tình yêu thiên nhiên, hoa cỏ, đã thiết lập những chuyến xe hoa / tang, cho những người bạn như Sơn, rồi Phương Thảo, Bảo Phúc, Huỳnh Phúc Điền, đến nơi an nghỉ cuối cùng của họ!…

 

Tôi biết, bạn tôi không viết văn, làm thơ. Bạn tôi cũng không soạn nhạc. Nhưng tôi nghĩ, bất cứ ai, một khi biết rõ C. Lập, đều có thể nói mà, không sợ quá lời rằng, đó là một người viết nhiều ca khúc tuyệt vời, không ca từ. Không nốt nhạc.

 

Bất cứ ai, một khi biết rõ C. Lập, theo tôi, đều có thể nói mà, không sợ quá lời rằng, đó là tác giả của những bài thơ…không chữ. Viết cho thiêng liêng, tình bạn.

 

Bây giờ là buổi chiều, nơi tôi ở. Bé đã chở T. đi công việc. Tôi, một mình, đứng trước hai chuồng chim do Thuần…“thiết kế” giùm, trên mảnh đất giữa vườn sau. Trước đây, vốn là căn nhà gỗ, trống. Nơi một trong bốn vách ván, trên, dưới mười năm trước, một buổi chiều, tôi đã nguệch ngoạc viết: “Làm sao em biết khi xa bạn / tôi cũng như chiều, tôi mồ côi.”

 

Nhớ lại này, dẫn độ tôi đối diện với sự thật rằng, tôi đã hết lâu rồi, những chiều lề đường Trương Định. Những sáng vỉa hè Lê Thánh Tôn. Những tối nhập nhoạng với Tâm, Lập, Hãn, Minh, cùng mũ "bảo hiểm," những củ lạc, những hạt đậu phụng luộc mà, mỗi tẽ ra, lại thấy một chứa chan ánh mắt tinh anh (thấp thoáng chút giễu cợt) của bạn. Hay, một chớm khuya với Thắng, Dung, Hãn, Tuấn “Mềm” và, những ly café đá, góc đường Lê Anh Xuân - - Đối diện cây xăng nghỉ bán, lặng lẽ, âm thầm bốc hơi cùng Saigon, mờ, tỏ nỗi niềm mà, trong mỗi hớp café, tôi lại thấy lúng liếng niềm vui của bạn, trước chia tay.

 

bây giờ, nơi tôi ở, chiều đã tắt hẳn. T. chưa về. vẫn đứng trước chuồng chim, phần riêng, trong nỗi nhớ bạn, tôi hiểu, thể tạng tôi không hợp lắm, với cách thế yêu đất nước của C. Lập. Nhưng tôi vẫn yêu (yêu lắm,) việc làm của bạn. Bởi vì, với tôi, tự thân đời sống bạn tôi, đã là một trường khúc:

- Bài thơ dài của một trong những người, thương yêu biết bao, đất nước mình!

 

(Mar. 2012.)

 

Du Tử Lê
Số lần đọc: 1887
Ngày đăng: 05.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bùi Chí Vinh: Nhà thơ Lương Sơn Bạc - Lan Hương
Hơn Là Tình Yêu – Sự Cứu Rỗi - Trần Thanh Hà
Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ - Trần Thanh Hà
Ruồi Cũng Thất Tình - Huỳnh Văn Úc
Vần ca dao bất hủ về nỗi buồn “giá như ngày ấy” - Đặng Hồng Quang
Này đệ tử của ta... - Huỳnh Văn Úc
81 Quán Của Những Người Phiêu Bạt - Nguyễn Tấn Cứ
Ta đi tìm Mình - Vũ Ngọc Anh
Balatonfüred. 2012-02-05 - Nguyễn Hồng Nhung
Đám Mây Và Cồn Cát - Cao Thu Cúc