Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
780
116.612.098
 
những linh hồn đứng
Nguyên Minh

Mãi đến năm mười tám tuổi tôi mới trở về sống ở quê nội. Bao nhiêu năm tôi cứ mơ tưởng đến hình ảnh một dòng sông. Một chiếc cầu bắc ngang. Những con đò lờ đờ trên con nước xanh không chảy. Cùng cái nắng chát chúa đến nứt cả đất. Cùng những cơn mưa dầm liên miên, ngày này sang ngày khác, cứ rỉ rả, rỉ rả. Còn cái lạnh mùa đông như kim châm buốt thấu xương, người già phải ôm trong lòng trả lửa than phủ trên lớp tro mỏng. Phái nữ từ tuổi dậy thì đến bà cụ già lom khom, từ giới quí tộc, hoàng thân quốc thích, đến người dân lao động cùng cực, ra đường cũng mặc cho được chiếc áo dài thướt tha. Nghèo thì chấp vá chỗ đã rách. Giàu thì lụa là gấm vóc. Chân mang guốc vông nhẹ nhàng hay guốc gỗ đã mòn cả gót. Đó là những gì mẹ kế tôi từ Huế vào thường kể cho tôi nghe. Khi mẹ tôi cho tôi chọn lựa một trong hai nơi, Sài Gòn hay Huế, để học tiếp đệ nhị cấp, không chần chừ, tôi chọn ngay quê nội mình. Mẹ tôi vui vẻ nói: “Con ra ngoài đó ở với chị Chi cho có chị có em cũng hay. Mẹ yên tâm hơn.” Chị Chi hơn tuổi tôi một giáp. Chị lấy chồng đã sáu bảy năm rồi. Anh rể tôi làm việc ngoài Huế. Chị Chi phải theo chồng. Được tin ngày tôi đến, chị Chi cùng chồng ra tận phi trường đón tôi về nhà.

 

Ngôi nhà anh chị tôi đang ở là một ngôi biệt thự trên một con đường nhựa láng bóng. Con đường ngắn, hai bên lề đường cỏ mọc xanh um, và sừng sững hai hàng cây tròn như cột đình, sần sùi, đen đúa, tỏa ra những tàu lá như những mái tóc, bồng bềnh theo gió. Cây này cách cây kia những khoảng bằng nhau, chỉ vài bước chân, thẳng hàng. Sau này tôi mới biết ngoài cái tên đường gắn nơi cột điện: Đống Đa, còn mang tên truyền miệng: Hàng Đoát, chỉ cái tên của loài cây lạ đó.

 

Từ nhỏ, tôi đã nghe quen giọng Huế từ những người thân sống trong nhà như ba tôi, chú tôi, anh chị tôi, nên tôi không lạ lẫm gì những từ “mi, mô, ri, răng, rứa” của các bạn học mới quen từ ngôi trường nổi tiếng cả nước: Quốc Học. Ngược lại nghe giọng nói khác lạ của tôi, họ không biết gì về nơi tôi đã từng sống, chỉ kêu tôi  “thằng Quảng ”. Tôi sinh ra trong một tỉnh nhỏ nhất nước. Thị xã bé bỏng này không có gì đặc biệt ngoài gió cát và khí hậu khô cằn, nóng bỏng, ran cả người. Tôi kể với các bạn mới quen về tháp Chàm, về những ngày lễ katê cùng những điệu múa quạt, nhảy trên đống lửa của các nghệ nhân người Chăm. Tôi không ngờ những người bạn này đã gắn bó suốt cả cuộc đời tôi, bằng một nỗi say mê. Đó là văn chương. Dạo ấy, ở Huế thường có những nhóm văn thơ, sinh hoạt với nhau, những đêm đọc thơ, những tờ báo viết tay. Tên nhóm tôi vẫn nhớ. Thiên Thanh. Bông trắng. Tuổi Hai Mươi. Còn nhóm chúng tôi: Gió Mai. Những chàng học sinh, tuổi mười sáu, mười bảy, đang theo học lớp đệ tam trường Quốc Học đều người Huế, riêng tôi là “Huế lai”. Trong số các bạn ấy, Phan là người gần gũi tôi nhất, anh đã từng sống chung với tôi một khoảng thời gian dài dưới một mái nhà. Số 9 Đống Đa. Số 9 Hàng Đoát.

Những ngôi nhà biệt thự ở Hàng Đoát cất theo kiểu Tây, vì đó là của người Pháp để lại sau khi hiệp định Giơ neo ký kết. Công chức người Việt được phân phối đến ở. Biệt thự hai tầng. Gia đình anh chị tôi ở tầng trên. Hai phòng ngủ. Một phòng khách. Sàn nhà bằng gỗ bóng láng. Ở một góc phòng khách là chiếc lò sưởi. Trong những đêm lạnh mùa đông bập bùng những ánh lửa cùng tiếng nổ lốp bốp, như tiếng bắp rang, từ những khúc củi khô bốc cháy.

 

Từ ngôi nhà cao, mái lợp ngói đỏ chúc xuống, dốc nghiêng, đến dãy nhà phụ, nhỏ nhắn nằm sát phía sau cạnh bờ tường rào, được nối lại làm thành một hành lang có mái ngói che nắng mưa. Ngày trước nó là nhà kho, nhà bếp. Tôi dành một căn phòng. Để có bạn cùng học, tôi rủ Phan về ở chung cho vui. Anh em bạn bè trong nhóm thường tụ họp nơi đây, say mê nói chuyện văn chương.

 

Phan gốc người Mỹ Lợi, cách Huế gần 50 cây số đường bộ và phải qua một chuyến đò máy. Anh cũng bỏ quê lên thành phố học tiếp bậc trung học. Trước kia anh ở trọ nhà người quen. Theo lời mời chân thành của tôi và sự đồng ý của anh chị tôi, Phan mới dọn về căn phòng bé nhỏ nhưng đầy ấm cúng của tôi.  Nhớ lại ngày đầu tiên tôi quen với Phan, trong một buổi họp nhóm, ngồi bên cạnh tôi, Phan hay cười nhưng không thành tiếng. Phan ít nói, không như Hữu huyên thuyên tràng giang đại hải về một vấn đề văn chương nào đó. Anh cầm tay tôi. Bàn tay anh dài những ngón thon thả, như bàn tay của con gái, anh truyền hơi ấm cho tôi. Phan nói nhỏ: “Tụi mình còn rất trẻ, mới tập tễnh làm thơ viết văn. Còn một khoảng đời dài phải sống. Đời sẽ cho mình biết bao nỗi đau khổ và niềm vui hạnh phúc. Sau này, mặc sức mà diễn đạt.” Lời nói chân thành đó của Phan, từ tuổi mới lớn, vẫn là một lời khuyên đối với tôi mỗi lần cầm bút viết văn.

 

Thuở ấy, Phan là một chàng trai ốm yếu, người cao lêu nghêu. Phan cao hơn tôi cả một cái đầu. Bước chân anh dài và gấp gáp, lúc nào như cũng vội vàng, ngay cả những lúc rảo bộ trên con đường trước mặt nhà, vào những đêm trăng tỏ, bỏ mặc tôi lẽo đẽo theo sau. Mỗi đứa thả hồn mình theo áng mây bay, theo ánh trăng, theo vài vì sao mờ nhạt. Con đường thật vắng vẻ, không một người qua lại. Vắng tiếng người. Rỉ rả tiếng côn trùng, ếch nhái, từ những đám ruộng sau nhà vọng lại, tưởng như mình đang ở chốn nông thôn. Mỏi cả chân, sau khi đi từ đầu đến cuối đường, rồi quay lại. Cứ thế, tiếp tục. Đêm đã khuya trời vẫn nóng nực, không một chút gió. Thả người ngồi xuống giữa lòng đường nhựa, nhìn những cây đoát vẫn trơ trơ, bất động giữa trời đất, Phan thốt lên rất khẽ nhưng cũng đủ cho tôi nghe: “Như những linh hồn từ đâu đó vất vưởng nhập vào những hàng đoát này đứng sững sờ giữa đêm trăng.” Tôi rợn cả người, như có một luồng khí lạnh buốt xuyên thấu vào tim. Hình như tôi cũng cảm nhận như Phan nói, có một bóng người trùm áo dài trắng mỏng dính, khuôn mặt người đàn bà sao tôi thấy quá quen thuộc, chân lướt đi không chạm mặt đất, cứ thẳng đến gốc cây đoát đầu đường, và chạm vào đó rồi tan biến mất. Tôi nhận ra bóng dáng của mẹ tôi. Còn Phan linh cảm điều gì? Sau một đêm thao thức, trên bàn viết ở một góc phòng của chúng tôi, Phan xếp đầy những trang bản thảo của một truyện ngắn. Phan đưa cho tôi đọc. Bấy giờ tôi mới hiểu, cũng như tôi Phan mơ hồ chợt nhận ra cái bóng người đàn ông mặc một bộ đồ bà ba đen vất vưởng từng bước chập choạng nhập vào thân cây đoát và tan lẫn mất. Phan không nhận được khuôn mặt đó quen hay lạ vì nơi màng tang người đó tuôn ra một giòng máu chảy. Loang lỗ một màu đỏ cả châu thân. Nhưng Phan lại nghĩ bóng ma đó là cha của mình. Phan không kể cho tôi về cái chết của cha anh, nhưng tôi đọc bài tùy bút anh viết lấy tựa “Linh hồn đứng” tôi hiểu một phần nào nỗi buồn của một cậu bé lên năm ngẩn ngơ thấy mẹ mình ấm ức khóc trong đêm giao thừa, trời tối đen như mực, tay cầm chiếc ảnh đã hoen ố của một người đàn ông mặc bộ đồ bà ba đen, đầu đội bê rê nâu, dựa mình vào một thân cây cao,  chân đạp trên lá vàng khô. Ánh nắng ban mai chiếu rọi thành từng luồng chiếu lên khuôn mặt khôi ngô của một thanh niên tràn đầy sức sống, đôi mắt mở to nhìn về một phương trời xa. Nơi đó có người vợ trẻ và đứa con thơ đợi chờ ngày trở về khi đất nước vắng mặt quân thù. Ba Phan theo kháng chiến vào những ngày đầu tiên, một trong những người chứng kiến cảnh trao ấn kiếm của vua Bảo Đại cho Việt Minh. Và ông lại gục ngã trên đường về thăm gia đình. Một viên đạn từ đâu bay đến xuyên qua đầu ông. Đó là những gì mà Phan biết được. Mẹ con Phan chỉ nuốt nước mắt khi nhận được tin từ một người đồng chí xa lạ của ba Phan vào một đêm tối trời lén về cho hay. Mẹ con Phan không dám bịt khăn tang vì lúc ấy quê Phan nằm trong vùng Pháp tạm chiếm. Phan không hình dung ra nổi cái vẻ oai hùng Vệ Quốc Quân của cha anh, anh chỉ mường tượng ra một thanh niên, cao lêu nghêu như cây tre, thất tha thất thểu lang thang trong rừng vắng có suối reo. Như một lời ca. “Chiều nay nơi chiến khu trong rừng chiều, bên đèo lắng suối reo, hồn thông réo…” Đó là cảm nhận của Phan lúc anh còn nhỏ. Anh không nhớ được vài kỷ niệm cha anh đã để lại. Anh thành trẻ mồ côi cha quá sớm. Sau đó mẹ anh lại bước thêm bước nữa, anh có thêm vài người em khác cha.

 

Tôi cũng mồ côi như Phan. Phan mất cha từ thuở nhỏ. Tôi mất mẹ lúc tuổi mới thành niên. Tôi vẫn hình dung được khuôn mặt, dáng đi, giọng nói rặt Phú Yên, nụ cười đôn hậu của mẹ tôi trong những tháng năm mẹ con tôi sống gần nhau. Trong đời chỉ một lần tôi bị mẹ tôi đánh đòn. Mặc dầu tôi đã là thằng con trai mười bảy tuổi, mẹ tôi vẫn bắt tôi nằm xuống, úp mặt lên tấm phản bằng gỗ gõ bóng láng, mẹ tôi cầm chiếc roi nhỏ nhịp nhịp vào mông tôi rồi đánh mạnh, tôi ngơ ngác không biết lý do mình phạm lỗi nên không kịp nhận ra cái đau về thân xác. Tôi chỉ biết tấm tức khóc, mãi khi mẹ tôi từ tốn nói: “Là đàn ông không nên làm kẻ phụ tình.” Tôi vẫn chưa hiểu nguyên nhân nên vẫn ấm ức trong lòng. Mãi đến chiều hôm đó, mẹ tôi kể: “Khi sáng, con bé Hân có qua nhà tìm con. Thấy nó buồn và khóc, mẹ hỏi mãi nhưng nó không nói gì rồi bỏ chạy. Ngàn cho mẹ biết là con đã ruồng rẫy nó.” Tôi không phân bua làm gì. Tình cảm tôi đối với cô bé Hân như tình anh em. Thuở ấy tôi mới mười bảy tuổi, ngây ngô, khờ dại. Hân thua tôi một tuổi đã ra con gái nhưng ranh ma và quỉ quái. Tôi hứa với mẹ là suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ phụ bạc ai. Như lời mẹ dạy. Tiếc là mẹ tôi lại chết sau một cơn bệnh khắc nghiệt: ung thư, lúc tôi còn học ở Huế. Chị em tôi về không kịp lúc động quan. Ngàn kể lại trước khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ tôi chỉ lẩm bẩm gọi tên tôi mà đôi mắt vẫn nhìn trừng trừng về một nơi nào xa xôi. Mẹ tôi như muốn trối lại một điều gì nữa với tôi chăng? Tôi vẫn thắc mắc và tự hỏi. Có phải mẹ tôi đoán được cái vụng về, vô tâm của tôi trong việc đối xử với người khác nên bà muốn nhắc nhở. Tôi nhận rõ điều này khi thấy cảnh mẹ của Phan ra thăm con trai. Một buổi sáng mùa đông trời rét căm căm. Mặt trời đã lên cao nhưng hai đứa tôi vẫn còn trùm chăn kín cả đầu, có tiếng chó sủa dồn dập rồi thưa dần, ngay trước cửa phòng tôi. Biết có người đến, tôi cùng Phan vội vã ngồi dậy, tôi mở cửa. Trước mặt tôi là một người đàn bà cao lớn, mặc chiếc áo dài nâu, tay vẫn còn mang chiếc giỏ lác. Bà vừa cất tiếng nói, trọ trẹ giọng Quảng thì Phan ló đầu ra, bước vội đến, cầm lấy tay bà định dẫn ra ngoài sân. Tôi chỉ nghe anh nói rất nhỏ: “Mẹ, sao mẹ biết con ở đây mà tìm. Mẹ về đi”. Tôi vui vẻ cầm tay bà dẫn vào phòng nhưng cũng nhận ra vẻ khó chịu, ngượng ngập của Phan. Mẹ Phan nói nhỏ như đủ để cho anh nghe: “Lo quá, lâu rồi không có tin con, mẹ đến nhà cũ họ chỉ đến đây. Con khoẻ không?” Phan cằn nhằn: “Mẹ làm như con còn con nít.” Tôi nghĩ giá như người đàn bà đó là mẹ tôi chắc tôi đã sà vào lòng mà làm nũng như những ngày mình còn thơ ấu.

 

Khi Mẹ Phan về rồi tôi mới thấy Phan ngẩn ngơ. Từng bước chân anh rảo khắp khu vườn chỉ trồng toàn những cây sứ đại cao lớn đầy hoa trắng, và tỏa hương thơm ngát. Anh che dấu tình cảm đối với gia đình của mình. Anh muốn làm một người đàn ông tự lập. Phan chỉ bộc lộ tình cảm riêng tư, dấu kín trong lòng qua những tùy bút, truyện ngắn của anh đăng trên những tạp chí văn học ở Sài Gòn cũng như trang văn nghệ của tờ nhật báo duy nhất ở Huế.

 

Vào những năm sau hiệp định Giơ neo, từ năm 1954 đến năm 1960, ở Huế cũng như những nơi khác trên mảnh đất quê hương miền Nam, chúng tôi được sống trong cảnh thanh bình. Khuôn mặt chiến tranh của chín năm kháng chiến chống Pháp bị đẩy lùi vào dĩ vãng, chỉ còn trong tâm tưởng. Sau những biến động của lịch sử, tan tành một triều đại vua chúa, chúng tôi là những thanh niên tuổi mới đôi mươi đầy mộng tưởng. Không khí mới mẻ của một nền văn học sáng tạo mà các nhà văn nhà thơ trẻ từ miền bắc di cư vào, sinh sôi nẩy mầm tại miền Nam. Nhưng ấn tượng để lại trong tôi là những hình ảnh đẹp như thật như hư về cuộc đời của nhà thơ Quách Thoại vừa mới chết trẻ vì bệnh lao. Chúng tôi đã biến danh từ riêng Quách Thoại thành động từ để chỉ những điều mà tôi cho là Phan đã phịa khi kể cho tôi nghe, nhất là về hình ảnh một người con gái mang tên Phương. Những đêm đông lạnh lẽo, mưa dầm dề, trong căn phòng bé nhỏ, hai đứa con trai mới lớn, ngồi trên giường, dựa lưng vào vách tường, bên ly cà phê đen bốc khói, phì phà điếu thuốc casptan, thỉnh thoảng nói vài câu về hình bóng những người con gái đi qua đời mình.

 

Mùa hè, Phan rủ tôi về thăm làng quê anh. Vẻ thanh bình, êm ấm tràn ngập làng quê sau bao nhiêu năm chiến tranh chống Pháp. Những hàng cau cao lêu nghêu, vươn lên không gian, lất phất theo chiều gió. Những đàn hạc trắng bay ngang qua bỏ lại tiếng kêu trầm buồn. Phan dẫn tôi ra bãi biển, cách nhà mẹ Phan vài trăm mét. Nhìn thấy khoảng trời xanh bao la. Tiếng sóng vỗ ầm ầm vào bờ, tung tóe bọt nước trắng phêu, màu xanh chỗ đậm chỗ nhạt của biển cả mênh mông làm tôi dịu lòng. Tôi chạy dọc theo vòng cung của bãi biển, trên cát vàng mịn, êm ái dưới bàn chân, đưa tôi vào những vùng mơ tưởng. Tôi hét thật to, tên một người con gái, mà tôi không còn hình dung ra khuôn mặt. Nga. Bãi biển không một bóng người. Đến một ghềnh đá, tôi mới hỏi Phan về dấu vết kỷ niệm của Phương để lại. Phan cười, chỉ những vết chân  chúng tôi vừa để lại trên cát ướt bị cơn sóng vỗ vào bờ cuốn mất. Trở về nhà, nằm đu đưa trên chiếc võng bắc từ hai thân cau, gió hiu hiu thổi, Phan mới kể cho tôi nghe về người con gái tên Phương.

 

Trong dịp trở về thăm nhà, vào một buổi sáng tinh mơ, Phan nhớ đến biển, chạy vội ra nhìn ngắm mặt trời mọc, tình cờ Phan bắt gặp bóng dáng một người con gái đang lang thang dạo trên bãi cát vàng. Cả hai người đều nghĩ không có ai ra biển giờ này để nhìn cảnh mặt trời mọc. Mặt trời to như cái nia, tròn trịa và đỏ tươi như màu máu, từ từ nơi lằn ranh giữa biển và mây, tất cả đều màu xanh lơ, trồi lên, rồi nhỏ dần như trái banh và đổi thành màu trắng, sáng rực, chiếu những tia nắng đầu tiên lên mặt biển xanh. Anh sáng đã lan rộng. Bấy giờ Phan mới nhận ra dáng dấp mảnh khảnh của cô gái. Mái tóc dài quá vai, đen nhánh, bay lất phất theo chiều gió lồng lộng từ biển thổi vào. Cô gái vẫn tự nhiên xem như không có ai bên cạnh. Cô bước chân xuống nước, dẫm lên con sóng đang vỗ nhẹ vào bờ, bọt nước tóe lên trắng xóa, bắn vào đôi bàn chân nhỏ nhắn, rồi cô cười khúc khích. Phan biết ngay là cô gái này từ một nơi nào đến chơi ở quê Phan. Khi Phan hỏi tên cô để làm quen. Cô gái không nói mà chỉ sắp những vỏ ốc vò lóng lánh màu xà cừ lên bãi cát chữ Phương. Cô gái bỏ chạy về phía làng xóm khi một con sóng vỗ vào người cô làm ướt cả quần áo. Nước làm cho làn vải trắng mỏng dính vào thân hình cô. Đôi ngực nhỏ nhú lên hai cái núm vú nhỏ, biết rằng Phan bất chợt nhìn thấy, cô gái ngượng ngùng, luống cuống, đưa đôi mắt có hàng lông mi dài và cong nhìn lên trời cao. Cô gái biến mất như một nàng tiên cá. Mấy võ sò khắc tên cô cũng bị cơn sóng cuốn đi. Mấy ngày sau, sáng nào Phan cũng ra bãi biển thật sớm mong gặp lại cô gái ấy, nhưng bãi biển vắng tanh. Chắc là cô gái đã về lại thành phố.

 

Vài năm sau, tình cờ Phan gặp lại cô gái, nhưng Phan không chắc có phải người ấy hay không, Phan chỉ mang máng trong trí nhớ mơ hồ của mình lúc tuổi mới lớn. Trước mặt Phan là một cô gái trong chiếc áo dài màu tím đang đi ngược chiều với Phan, bước từng bước nhẹ nhàng trên con đường nhựa rợp bóng mát của hai hàng me cao vòi vọi. Vẫn đôi mắt ấy. Vẫn nụ cười tươi như hoa. Vẫn mái tóc buông dài quá vai. Gặp Phan cô gái hình như ngạc nhiên nhận ra người quen. Phan quay người lại, nhìn theo cho đến khi cô gái khuất sau cánh cổng một ngôi nhà xưa cũ có giàn hoa giấy màu tím. Những buổi tối mặc dù trời rét lạnh Phan cũng đi ngang qua ngôi nhà ấy, nhìn qua khung cửa sổ như để tìm lại hình bóng người con gái mang tên Phương. Rồi cũng bặt tăm. Phan nói với tôi là Phan chỉ nhìn được từ xa, dưới ánh đèn lờ mờ, khuôn mặt quen thuộc đó đang cúi xuống nơi bàn học. Một vài tuần sau, Phan không tìm ra được tung tích cô gái ấy nữa. Hình như gia đình nàng không còn ở chỗ cũ.

 

Cũng như Phan, trong tâm hồn tôi có hình ảnh một cô gái mang tên Hoàng Nga. Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, suốt ba tháng hè tôi nằm trên giường bệnh, bóng tối bao phủ quanh tôi, căn phòng nhỏ được đóng kín cửa. Sau khi bớt bệnh tôi đi khập khểnh, mở từ từ cánh cửa sổ, ánh sáng ùa vào làm tôi choáng váng một lúc, và cơn gió hiu hiu thổi vào làm tôi ngộp ngàng. Nhưng hình ảnh làm tôi xúc động là trước mặt tôi, ngoài sân nhà, một giò phong lan trên giàn mới trổ bông. Những chiếc hoa nhỏ li ti, màu tím hoa cà, màu trắng, màu vàng chen lẫn vào nhau. Nước mắt tôi chảy dài vì sung sướng như đón nhận một niềm hạnh phúc đang bước nhẹ vào đời mình. Tôi thấy đời đẹp quá.

 

Tôi đi học lại. Đến trường bao giờ cũng đội chiếc mũ bê rê nâu để che đi chiếc đầu trọc lóc vì tóc đã rụng hầu hết. Trên đường về nhà, tôi thường đi ngang qua con đường đầy bóng mát của hai hàng cây me tây, có ngôi biệt thự nguy nga trong khu vườn trồng rất nhiều hoa. Trước cổng dinh thự lúc nào cũng có lính bảo vệ. Đó là dinh Tỉnh trưởng. Khu vườn trước mặt đó, thường ngày vắng bóng người, nhưng hôm ấy tôi lại nghe thoang thoáng có tiếng hát làm tôi bước chân chậm lại. Giọng hát khi nhỏ khi to, khi rõ khi không, nhưng tôi cũng nhận ra lời của bài hát tôi vẫn thường nghe em tôi hát. “Nhớ đến đêm đầy ánh sáng…” Bài Giáo đường im bóng của Nguyễn Thiện Tơ. Tiếng hát vụt tắt, nhường lại cho tiếng cười khúc khích. Thấp thoáng sau những thân cây me cổ thụ là bóng dáng của mấy cô gái đang chơi đùa. Ngoài đường, tôi hứng chí huýt gió tiếp theo bài hát mà người con gái bỏ dở. Cô bé từ từ đi tới. Kẻ ở trong, người ở ngoài, cách nhau một thành tường rào, đối diện nhau mà làm quen nhau. Cô bé tên Hoàng Nga, vừa từ Huế theo cha vào. Hoàng Nga học sau tôi một lớp, cùng một trường. Cả hai chúng tôi đều vào ban đồng ca của ban văn nghệ nhà trường. Tôi có dịp cầm đàn ghi ta vào khu vườn nhà Nga, ngồi nơi hành lang, nhìn vườn hoa đua sắc, khẩy từng tiếng đàn để Nga hát theo. Nga như đoá hoa phong lan mà tôi đã nhìn được sau cơn bệnh vừa qua. Tâm hồn của thằng con trai bước vào tuổi thanh niên đang lao xao, khác lạ khi đi bên cạnh người con gái tuổi mới dậy thì. Nga e thẹn, ít nói nhưng cười để lộ chiếc răng khểnh dể thương. Tóc Nga đen tuyền xỏa đến vai, thỉnh thoảng gió thổi bay phất phới. Chúng tôi thường dạo quanh vườn và nói chuyện bâng quơ.

 

Nga đến với tôi như một nàng tiên trong giấc mơ rồi Nga cũng tan đi như một cơn gió thoảng. Mùa hè năm đó Nga lại theo gia đình vào Sài Gòn. Còn tôi ra Huế học tiếp. Chúng tôi có liên lạc qua thư từ vài ba lá, Nga báo tin đã vào học nội trú một trường dòng. Vài năm sau tôi nghe một cô bạn cùng quê đang học tại Sàigòn cho hay tình cờ gặp Hoàng Nga trong áo nữ tu. Hính ảnh Nga để lại sâu kín trong tâm hồn tôi là một cô gái trong chiếc áo dài trắng đang cầu nguyện trong ngôi nhà thờ. Một buổi sáng chủ nhật tôi lén leo lên gác chuông nhà thờ nhìn xuống. Đôi mắt Nga nhìn lên tượng Đức Mẹ, như đang xin khấn xin một điều gì.

 

Cả tôi và Phan theo năm tháng đều già đi, bây giờ tóc đã bạc phơ, và những cơn bệnh ập đến rồi đi, nhưng Nga trong tôi vẫn là cô bé tuổi 15, trong sáng, hồn nhiên. Phương của Phan vẫn lờ mờ không rõ nét. Hè năm học cuối cùng đã đến. Chúng tôi phải chia tay, mỗi đứa mỗi nơi cách biệt. Phan bị động viên. Tôi bỏ Huế vào Sài Gòn làm báo. Các bạn trong nhóm văn nghệ tản mác. Trước khi chia tay nhau, chúng tôi tụ họp nhau lại trong căn phòng nhỏ của ngôi nhà đường Hàng Đoát, cùng uống rượu, say túy lúy , bước nghiêng bước ngả trên con đường có hai hàng cây đoát, đưa tay chào những linh hồn đứng.

 

Năm tháng trôi qua. Bao nhiêu biến cố lịch sử đã cuốn hút chúng tôi vào những cơn lốc kinh hoàng đó. Năm 1960 tiếng súng bắt đầu trở lại, nhưng cuộc chiến chỉ thấp thoáng ở xóm làng hẻo lánh. Trong lớp học đã mất tích vài ba thằng bạn, vào núi theo Mặt trận Giải phóng. Năm 1963 chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, chúng tôi cũng mất vài ba đứa bạn trong cuộc xô xát giữa sinh viên và bọn mật vụ. Tiếp đến năm 1965 lại thêm hai ba đứa cạo trọc đầu, mặc áo nhà sư, đi trong đoàn quân quyết tử của Phật giáo chống Thiệu Kỳ, thất bại, bị chết trong tù đày. Tết Mậu Thân trong anh em bạn bè chúng tôi lại  chia hai, đối nghịch nhau. Từ hai phía, chúng tôi cũng mất hẳn đi vài đứa, đứa còn sống cũng bị cưa chân, mù lòa. Mùa hè đỏ lửa 1972, nơi cổ thành Quảng Trị, có đứa vừa gục ngã. Sau cùng, năm 1975, chúng tôi tan tành, rã đám.

 

Bao nhiêu năm qua tôi vẫn tự hỏi: “Tại sao Phan lại đặt cái tên Những linh hồn đứng cho một con đường nên thơ. Những linh hồn đứng đó là ai? Tại sao lại đứng. Có phải đó là những linh hồn của những người thân yêu chết tức tưởi trong cuộc chiến tranh thế hệ chúng tôi phải gánh chịu.”

 

Bây giờ Phan và vợ con đã ra đi, cư ngụ ở Mỹ. Thỉnh thoảng anh có về Việt Nam. Tôi và Phan gặp nhau, nhắc lại kỷ niệm xưa, về ngôi nhà số 9, về con đường Hàng Đoát mang tên Những linh hồn đứng.

 

Từ lúc chúng tôi từ giã ngôi nhà đó để dọn vào Sài Gòn. Sau đó, một vài lần có dịp về Huế, tôi có trở lại nhìn ngôi nhà xưa, vẫn còn đó, những cây đoát đứng sững sờ.

 

Nhưng sau năm 75, hai hàng đoát đã biến mất, không hiểu có phải vì thời gian đã làm cây chết đi, hay những người chủ mới đã đốn nó xuống. Hai lề đường ngày xưa xanh mơn mởn những thảm cỏ, đã lấp lên bằng phẳng một nền xi măng. Những ngôi nhà cổ, thời Tây để lại, được thay thế bằng biệt thự tân thời. Như thế hệ chiến tranh buồn bã của chúng tôi đã qua đi. Một thế hệ thanh bình của con cháu chúng tôi đang bắt đầu.

 

Cả Phan và tôi khi nhớ lại thuở thanh niên đều ngậm ngùi. Những ngày tuổi già cận kề, nghĩ đến một ngày mình lìa xa cõi đời, xót xa. Con đường Những linh hồn đứng chỉ còn trong tâm tưởng. Những linh hồn đứng ngày xưa chuẩn bị đón tiếp chúng tôi một ngày gần đây./.

 

 

 

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1825
Ngày đăng: 01.08.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhật ký Bá Linh 1 - Trần Vũ
Câu chuyện tháng Hai - Nguyễn Hồng Nhung
Chuyện Làng Bờ Kinh - Dương Đức Khánh
Ngẩu pín - Huỳnh Văn Úc
Cái chết của một vị tổng thống - Phạm Nguyên Trường
Cắm sừng - Đỗ Ngọc Thạch
Chàng Cần Một Cây Bút. Bây Giờ. Ngay Lập Tức. - Lê Minh Phong
Chuyện cổ tích của người bạn vong niên - Vinh Anh
Những Con Người Gian Dối Đáng Thương. - Đặng thị Thanh Liễu
Tam Thập Lục Kế - Đỗ Ngọc Thạch