Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
770
116.470.084
 
Mảnh đời
Nguyên Minh

Không như mọi ngày, tôi thường thức dậy thật sớm. Uống một tách cà phê sữa tự pha, nghe vài bản nhạc của Trịnh Công Sơn do Vô Thường đàn ghi-ta. Ngồi vào bàn làm việc gỏ vài trang chữ cho một truyện ngắn đang hình thành trong trí óc, hoặc vài bài thơ, đoản văn của bạn bè cho những số báo tới. Sáng nay, tôi có hẹn đến uống cà phê và ăn sáng với anh chị Trần Thiện Hiệp ở Thủ Đức. Trong thời gian chờ Hồ Thanh Ngạn đến chở tôi đi, bỗng nhiên tôi nghĩ đến Từ Thế Mộng, người bạn văn chương mà gần đây tôi mới giáp mặt chỉ hai lần. Lần đầu vào năm 2005. Lần cuối năm 2007. Trước ngày anh vĩnh biệt cuộc đời chỉ hơn nửa tháng. Mặc dầu chúng tôi ít gặp nhau nhưng qua TQBT, tôi đọc thơ anh, văn anh, tôi thích lắm. Và ngược lại, anh cũng cảm nhận được những tình cảm thiết tha và chân thành của tôi qua những truyện ngắn của tôi về một người tình cũ. Ngồi cạnh bên anh Trần Thiện Hiệp và trước mặt vài người bạn văn nghệ khác, tôi nói lên ý nghĩ vừa chợt đến trong tâm trí tôi. Phải chăng, bút hiệu đã khẳng định tính cách văn chương và cuộc đời của người ấy. Như Từ Thế Mộng. Khởi đầu: Từ là đến. Đến từ thế giới mộng mơ, anh đem thế giới mộng mơ đó đến với cuộc đời, với văn chương. Kết thúc: Từ là từ biệt. Từ biệt thế giới mộng mơ đó trở về với cát bụi.

 

Những ngày anh vào Sài Gòn chữa bệnh, Lê Ký Thương chở tôi đến thăm anh. Lúc đó anh ốm hẳn và nước da đã ngã vàng. Khác hẳn với lần gặp mặt đầu, cách đây hai năm trong quán cà phê Vô Thường với Lê Ký Thương, Lữ Kiều, anh có cái vẻ đẹp lão, hồng hào, và nhất là nụ cười rất tươi, yêu đời. Gặp tôi, anh quên mình là bệnh nhân, anh chỉ hỏi tôi có mang đến TQBT số mới nhất không. Khi tôi hỏi thăm, anh chỉ trả lời qua loa về căn bệnh của anh, xem như không đáng quan tâm. Anh và tôi lại nói chuyện về văn chương.

 

Cũng như lúc này tôi và anh Trần Thiệp Hiệp thao thao bất tuyệt về thơ văn trong nước cũng như ở hải ngoại. Chị Lệ Hiền, vợ anh Trần Thiện Hiệp, theo lời yêu cầu của tôi, chị hát lại bài "Thành phố nầy" thơ của chồng mình, Nhật Ngân phổ nhạc. Lời ca tiếng hát đó làm tôi xúc động. Bỗng dưng tôi nhớ da diết đến anh chị Trần Dạ Từ và Nhã Ca. Hay tôi nhớ ai mà tôi chưa nhận ra, nhưng cũng đủ làm nước mắt tôi muốn  chảy.

 

Hình như anh Trần Thiện Hiệp nhận ra sự xúc động của tôi, anh nói qua chuyện khác. Anh kể về chuyến ra Phan Thiết. Và chị Hiền đưa cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp chung với Từ Thế Mộng trước ngày anh mất chỉ một tuần. Anh nói sau bao nhiêu năm gặp lại bạn xưa, bây giờ nhìn thấy Từ Thế Mộng ốm như que tăm, nước da vàng nghệ, anh nghĩ là TTM không qua nổi trong năm. Còn tôi khi đến thăm anh ở nhà người em ruột của anh ở Sài Gòn tôi đã nhận ra ngay, cái chết cận kề sẽ đến với anh sớm hơn. Lúc ấy, Anh vẫn tiễn đưa tôi và Lê Ký Thương đến tận ngõ. Anh cười không còn tươi, và nhắc nhủ: Ông giữ gìn sức khoẻ, chúc ông sống lâu để làm văn chương. Tôi cầm bàn tay khô cằn nhưng lạnh giá của anh, khẽ nói: Câu chúc đó tôi nhường lại cho anh.

 

Trên đường về tôi hối thúc Lê Ký Thương bằng mọi cách phải in cho kịp tập thơ TỪ THẾ MỘNG mà anh đã nhờ LKT trông nom. Tôi hỏi: Một tuần xong không? LKT cười: "Tôi phải hối nhà xuất bản Văn Nghệ biên tập và cấp giấy phép, đưa qua nhà in đêm ngày tôi phải túc trực mới hy vọng được." Tôi nghĩ: nếu tập thơ in trễ, đến khi Từ Thế Mộng vào bệnh viện nằm mê man, quằn quại trong cơn đau thì ích lợi gì!

 

Tôi hiểu nỗi ê chề, đớn đau. mê sảng trong những cơn sốt cực độ. Vì tôi mới trải qua. Ba tháng nằm liệt ở bệnh viện. Vợ tôi, các con tôi có lúc cũng nghĩ là tôi không qua khỏi cơn đau và sẽ từ giã cõi đời này. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, mở mắt lim dim tôi nhận ra Lê Ký Thương và Kim Quy (vợ của LKT) đứng bên giường bệnh. Câu hỏi đầu tiên của tôi với Kim Quy: "Quy có mang bản Photo Y Thức số 21 không?" Kim Quy cười và đưa tập báo cho tôi cầm. Hình như tôi nở nụ cười tươi, như cơn bệnh đã lùi xa. Bao nhiêu năm rồi, ba mươi năm qua tôi mới tìm ra đứa con tinh thần thứ 21 bị thất lạc trong 24 số báo. Tình cờ khi Lê Ký Thương xin tôi photo lại mấy truyện ngắn của Thế Vũ đăng trong tạp chí Ý Thức xuất bản trước năm 1975, để nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành trong tập "Những trang văn để lại" của Thế Vũ. Anh vừa mới mất sau cơn bệnh nghiệt ngã. LKT cho biết một người bạn của Thế Vũ còn giữ được duy nhất số Ý Thức 21 mà tôi ước ao tìm được. Tôi lật từng trang một. Mừng vô cùng. Nhất là thấy được vở kịch "Nhân vật phụ" mà Lữ Kiều không còn bản thảo. Trước khi tôi vào bệnh viện, Trần Hoài Thư email về cho tôi biết trong lần lái xe mất cả mười tiếng đồng hồ đến thư viện ở Mỹ để tìm những tờ báo văn học của miền Nam trước năm 1975 để sưu tập lại những bài thơ, văn của Vũ Hữu Định, anh thấy ở đó có đủ cả các số báo Ý Thức. Tôi định nhờ bạn tôi chịu khó một lần nữa đến thư viện đó photo lại toàn bộ Ý Thức số 21. Bây giờ tôi nhờ LKT e mail lại cho THT là tôi đã có được rồi. Tôi vui hẳn lên còn hẹn với LKT chuẩn bị làm Ý Thức mới.

 

Có phải niềm say mê với văn chương của tôi mà Từ Thế Mộng viết tặng tôi ở trang đầu tập thơ anh vừa mới xuất bản: "Mình và Minh có vẻ gì đó rất giống nhau. Vừa tội tội, vừa tài hoa! Cũng đáng yêu lắm phải không Minh?  Ngoài ra, không biết tôi và anh còn giống nhau chỗ nào? Tôi tự hỏi và mỉm cười khi bất chợt nhận ra điểm gặp nhau giữa hai chúng tôi. Tôi nói ngay với Trần Thiện Hiệp, Hồ Thanh Ngạn và Đoàn Văn Khánh ý nghĩ đó. Giữa Nguyên Minh và Từ Thế Mộng có chữ "gái" nằm lòng. Từ Thế Mộng "mê gái". Thấy gái đẹp là đôi mắt sáng rực. Ngay trong tiểu sử của anh nơi trang bìa tập thơ anh cũng viết như thế. Còn tôi, bạn bè trong nhóm Ý Thức ngoài nước cũng như trong nước đều bảo tôi là thằng "Dại gái". Tôi hỏi vợ tôi: "Phải vậy không?" Vợ tôi cười: "Dại gái của anh đồng nghĩa với dại tình."

 

Trong cơn sốt cực độ, nằm trên giường bệnh, tôi mơ thấy mình chao đảo, bay bổng trên không, chìm ngập dưới biển cả. Tay quờ quạng níu lấy một cánh tay ai đó bên bờ vực thẳm để vươn lên. Khuôn mặt người con gái nào ngây thơ chờn vờn phía trước. Đôi mắt nàng nhìn thẳng vào đôi mắt tôi mà rớm lệ. Đôi môi nào mộng ướt mở nụ cười duyên dáng. Sao quen quá. Như từ kiếp nào. Rồi người con gái đó bỗng tan biến vào hư không. Tôi gọi lên tên T. Có ai đó nắm chặt lấy tay tôi. Mở mắt thấy vợ mình đứng bên cạnh với đôi mắt rớm lệ, ngỡ ngàng. Chắc nhìn vào đôi mắt tôi như đang mong mỏi ai đó. Vợ tôi đáp ngay: Anh yên tâm. Em có e mail báo tin cho chị T. rồi. Không biết chị ấy có về kịp không?

 

Tôi cũng kể lại chuyện này trước sự ngạc nhiên của chị Lệ Hiền và chị Dung (vợ của Đoàn Văn Khánh) về thái độ của vợ tôi. Tôi cười và nói nhờ vậy mà tôi mới viết được mấy truyện ngắn trong tập "Tưởng Chừng Đã quên". Hầu hết nhân vật trong truyện mang dáng dấp của T. người tình muôn thuở của tôi.

 

Trần Thiện Hiệp bảo: "Nguyên Minh suốt đời chỉ "dại gái" mà dại chỉ một người. Còn Từ Thế Mộng thấy cô gái nào đẹp, cầm lòng không được thì làm vài câu thơ, rồi thôi. Đó là sự khác biệt giữa hai ông rồi."

 

Sau đó anh Trần Thiện Hiệp kể về cái chết của Từ Thế Mộng. Anh đã tự kết liễu đời mình bằng cách cắt đứt mạch máu ở gân tay. Thấy máu không chảy nhiều anh lại rạch lấy cái bụng vàng ỏng và đang cương sình lên. Đám tang Từ Thế Mộng có anh chị Trần Thiện Hiệp tham dự, chính anh đã báo cho Hồ Thanh Ngạn hay tin, rồi Hồ Thanh Ngạn điện thoại cho tôi biết. Tôi e mail cho Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn hay tin.  Trên bàn thờ anh vẫn còn đặt một chồng tập thơ vừa in xong chưa kịp gởi tặng hết những bạn bè thân hữu.

 

Cuối cùng anh Trần Thiện Hiệp nhìn chị Lệ Hiền nói nhỏ: Còn Trần Thiện Hiệp chỉ biết nịnh vợ nhất trần đời. Anh nịnh vợ là phải, nếu không lấy ai ngâm thơ của anh, lấy ai hát những bản nhạc phổ thơ anh với tất cả tấm lòng, chị  đã là nguồn cảm hứng cho anh làm thơ. Vợ tôi không biết gì về văn chương nhưng cũng góp công vào con đường tôi đang đi, nàng tảo tần nuôi con, chăm lo việc nhà. Tôi cũng nịnh vợ như anh Trần Thiện Hiệp.Và tôi nhận thấy Từ Thế Mộng cũng vậy.

 

Những bạn bè tôi lần lượt ra đi. Ngy Hữu, Phan Nhự Thức, Hoàng Ngọc Tuấn, Vô Thường, Thái Ngọc San, Thế Vũ, Từ Thế Mộng, Nguyễn Phan Thịnh. Tôi tưởng mình cũng chết rồi sau ba lần mổ liên tiếp trong khoảng thời gian 10 ngày. Cắt một phần gan. Liệng đi cái túi mật đầy sỏi cứng. Lữ Kiều nhìn vẻ tiều tụy của tôi. Nỗi đau đớn thân xác dày vò tôi. Với nghề nghiệp bác sĩ, anh không tin chắc là tôi qua khỏi cơn nghiệt ngã này. Anh báo cho bạn bè kéo nhau vào thăm tôi. Đỗ Hồng Ngọc nhìn tôi rồi vội vàng tìm Giám đốc bệnh viện (một học trò Y khoa của anh) hỏi han và gởi gắm. Trong những người đến thăm tôi có một cặp vợ chồng mà tôi hoàn toàn không quen biết làm tôi cảm động nhất. Họ từ Mỹ trở về thăm quê hương. Họ xin địa chỉ của tôi qua Trần Hoài Thư. Họ gọi điện về nhà mới biết là tôi đang nằm bệnh viện. Rồi họ tìm đến nơi. Họ phải năn nỉ bác sĩ cho họ vào thăm tôi trong phòng hồi sức vào thời gian không để bất kỳ ai đến. Cô cán sự điều dưỡng hỏi họ là gì với bệnh nhân. Họ trả lời là độc giả. Và nhờ cô điều dưỡng dẫn đến giường bệnh của tôi vì họ chưa biết mặt tôi. Cô điều dưỡng hỏi tên tôi. Họ chỉ biết bút hiệu là Nguyên Minh. Cô ta cười lắc đầu, thôi may rủi vậy, ở đây từ phòng giải phẩu chuyển qua có một người tên Minh. Đôi vợ chồng tuổi khoảng gần 50. Họ cho tôi biết, ở Mỹ họ là độc giả của tạp chí văn học Thư Quán. Họ thích những truyện ngắn của tôi. Họ xin phép và nhờ bác sĩ chụp vài tấm ảnh để làm kỷ niệm ngày gặp gỡ giữa hai vợ chồng họ với tôi trong áo quần bệnh nhân và tóc tai bù xù. Sau đó, cả hai vợ chồng đều nhắc đến những nhân vật nữ trong tất cả các truyện ngắn của tôi. Họ nhắc đến T. Họ nhắc tên L.(vợ tôi) với lòng mến mộ.

 

Tôi như từ cõi chết trở lại với cuộc đời này, nên tôi quý từng khoảng thời gian còn lại. Sức khoẻ tôi từ từ ổn định, tôi bắt đầu làm việc. Buổi sáng dậy sớm, ngồi trước bàn vi tính gỏ vài trang chữ. Tôi tiếp tục sáng tác. Viết như trả nợ đời, trả nợ những người đã đến với đời tôi. Tôi cám ơn đời đã cho tôi rất nhiều hạnh phúc cùng biết bao niềm khổ đau.

 

Trong hai năm vắng bóng, bây giờ tôi mới tiếp tục cho Ý Thức Bản Thảo số 9 ra đời. Dù muộn còn hơn không. Tuy nhiên trong thời này tôi cũng hoàn thành nhiều tác phẩm cho anh em trong nhóm. Tuyển tập truyện ngắn của nhiều tác giả trước năm 1975: "Một thời Ý Thức", Tập truyện "Trên Đồi là Lô Cốt", Tập Thử Bút "Chàng nho sinh dưới gốc Tùng" của Lữ Kiều, Tập truyện "Đời đầy chuyện ngạc nhiên" của Trần Hoài Thư, "Màu Thời Gian" của Phạm Văn Nhàn, Tập thơ "Hương Sắc Mong Manh" của Hoài Khanh, Tập thơ "Sương Khói Trăm Năm" của Võ Tấn Khanh và Tập thơ "Hoa thời gian" của Hồ Thanh Ngạn. Tập thơ "Tìm Trâu" của Thân Thị Ngọc Quế

 

Quỹ thời gian của chúng tôi không còn bao lâu, nên làm được gì cho anh em bằng hữu thì không đắn đo, suy tính. Điều này tôi nói với Lữ Kiều, và anh cũng đồng ý với tôi. Trong năm vừa qua anh đã gặp phải một mất mát quá lớn. Con trai đầu của anh đã chết vì một căn bệnh quá ngặt nghèo mặc dầu anh đã toàn tâm toàn sức cứu chữa cho cháu. Đáng lẽ ra anh phải đau buồn vì tôi, người bạn văn thân nhất của anh. May sao tôi còn sống, thì anh lại mất đi đứa con yêu dấu. Tôi muốn làm điều gì đó để an ủi anh. Tôi sưu tập lại những bài văn anh đăng trong Ý Thức ngày xưa cũng như những trang bản thảo viết rải rác nơi những tập vở mà chị Thanh Hằng chép lại để in tập Thử Bút. Trong nỗi đau đớn đó anh cũng viết được vài ba bài xuôi dòng mở đầu và kết thúc cho tập văn này. Điều đó làm tôi cảm động.

Biến những ước mơ thành sự thật, phải không các bạn.

 

Lẽ ra tôi ngừng bút nơi đây nếu không có tin họa sĩ Lưu Công Nhân vừa mới vĩnh biệt cõi đời. Tôi mới lần đầu được gặp mặt anh Lưu Công Nhân, từ lâu tôi cũng mê tranh của anh. Không ngờ đó cũng là lần cuối. Lữ Kiều dẫn tôi đến thăm anh tại ngôi nhà mà cũng là phòng tranh của anh tại Đà Lạt. Anh nằm liệt trên giường bệnh trong căn phòng nhỏ bày la liệt những chồng sách. Anh cầm lấy tay Lữ Kiều, với giọng khôi hài, hỏi là bác sĩ anh đã từng chứng kiến những cái chết của bệnh nhân vì bệnh ung thư, bệnh lao... có khi nào anh thấy người ta chết vì bệnh parkinson chưa? Rồi thôi, anh nói rất nhỏ bảo vợ anh đưa cho anh cây viết, anh run rẩy viết vài dòng chữ trên tờ bìa cuốn sách hội họa của anh đang in ở Sài Gòn. Con gái đầu của anh cho chúng tôi hay mặc dầu con trai anh tích cực trực ở nhà in hối họ in cho xong trước khi anh từ giả cõi đời, nhưng không kịp. Con trai anh chỉ gởi về trước cái bìa cho anh xem. Và bây giờ anh tặng lại cho Lữ Kiều. Anh hỏi tôi là ai? Lữ Kiều cho anh biết tôi là nhà văn, anh chỉ tay về căn phòng phía sau. Con gái đầu anh nói lại là "Ba tôi mời ông vào thăm phòng tranh." Tôi chỉ chờ dịp đó là vào ngay. Căn phòng chất đầy tranh. Và trên tường cũng treo đầy tranh. Tôi đưa máy ảnh bấm lia lịa.

Về lại Sài Gòn, tôi và Lữ Kiều chọn một bức để làm bìa cho Ý Thức số 9, hy vọng kịp để tặng anh. Lữ Kiều với tư cách là bác sĩ chữa bệnh cho anh nói với tôi: Tụi mình cố gắng in cho sớm nếu để chừng nửa tháng sau thì anh Lưu Công Nhân thành người thiên cổ. Cũng như tập thơ của Từ Thế Mộng trong trường hợp như thế. Trước khi chết Từ Thế Mộng còn thấy được đứa con tinh thần của mình. Còn anh Lưu Công Nhân chỉ thấy được tấm bìa. Thôi, tôi cũng thắp một nén nhang trong tâm tưởng để tiễn đưa anh về nơi vĩnh hằng. Một đời làm họa sĩ. Như anh đã viết vài dòng nơi trang đầu tập sách in tranh của anh năm 1994, đề tặng Lữ Kiều:

Một đời ...yêu!

Một đời... vẽ!

Rồi cũng hết.../.

 

Nguồn TQBT

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1805
Ngày đăng: 26.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Còn thương rau đắng… - Huỳnh Thúy Kiều
Mai Châu – Bản Lác xuân này . - Lý Viễn Giao
Duy Thanh, người họa sĩ cuối đời chỉ …nguệch ngoạc! - Du Tử Lê
Bạn Xa Xứ - Nguyễn Thị Hậu
Mẹ ngồi vá áo thềm xưa - Huỳnh Thúy Kiều
Ghi Chép Buổi Sáng - Hamvas Béla
Hớt tóc ngày tất niên - Huỳnh Như Phương
Những ngày ở Vĩnh Điện - Trần Trung Đạo
Nắng vàng trong rừng khô - Trương Vũ
Trên Mạng Người Ta Có Cô Đơn…? - Nguyễn Thị Hậu