Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
846
116.687.661
 
Máu Chó
Minh Diện

Tiết thanh minh năm ngoái tôi về quê sửa sang lại phần mộ ông bà. Buổi chiều hôm ấy ra nghĩa trang miếu Mạc, bên bờ con sông Hải, thấy người các nơi đổ về tảo mộ đông như trẩy hội. Lớn bé, già trẻ, trai gái, sang hèn đủ cả, mọi người tíu tít thắp nhang, đốt vàng mã, thành kính khấn vái bên mộ người thân. Có những người ăn mặc ra dáng Việt kiều mới ở nước ngoài về, ôm lấy nấm mộ khóc rưng rức, nước mắt chứa chan nhỏ xuống cỏ xanh. Có một quân nhân đeo quân hàm cấp tướng quỳ trước ngôi mộ bằng đá hoa cương mới xây, đẹp như tranh vẽ... Nhìn cảnh thanh minh tảo mộ ấm áp tình người thật cảm động, cảm thấy huyết thống từng dòng họ đang luân lưu như dòng sông ăm ắp dưới kia...

 

Bỗng tôi thấy một nấm mồ không có cọng chân nhang nào, cỏ dại, gai góc mọc trùm một bên, một bên sạt lở, lổn nhổn vết chân trâu bò, nhìn quá xơ xác tiêu điều! Tôi hỏi thím cả Phúc đang dãy cỏ, thắp hương cho ngôi mộ gần đó:

- Mộ này của ai, thím cả?

 

Thím Phúc ngẩng lên nhìn ngôi mộ hoang, không cần nghĩ, bảo tôi:

- Mộ ông Mưu xóm Trại đấy?

- Ông Mưu bí thư đảng ủy phải không? Chết lâu chưa?

- Chết từ tám hoánh rồi!

- Sao không ai đắp điếm?

 

Thím Phúc phủi tay têm trầu, đủng đỉnh nói:

- Còn ai mà đắp điếm? Mỗi thằng con trai thì chết nghẻo năm sáu chín rồi. Đứa con dâu lấy chồng khác tận Thái Nguyên. Thằng cháu nội bỏ đi biệt tăm biệt tích...

- Thế họ hàng đâu?

- Lúc còn sống ăn ở chả ra gì, giờ không ai thèm ngó tới!

 

Thím Phúc vừa nhai trầu vừa cời đống vàng mã cho cháy đùng đùng trên ngôi mộ, mắt chăm chú nhìn đám tàn vàng cuốn theo khói nhang bay lên trời. Thím Phúc nói: “Tôi đã ghi tên người nhận vào từng tờ vàng mã, lại nhờ quan thổ thần thổ địa chứng giám, nên không sợ ma quỷ giành giật. Chỉ sợ những “người hàng xóm” xà xẻo!” Có lẽ thím cả Phúc ám chỉ ông Mưu? Cứ như cách tính toán rạch ròi của thím Phúc thì hồn ma ông Mưu chắc đói rách lắm chứ chả chơi.

Tôi mượn thím Phúc cái cuốc dẫy cỏ gai trên nấm mộ ông Mưu, đắp lại chỗ sạt lở, thắp cho ông ấy mấy nén nhang và đốt mấy tờ vàng mã. Thấp thoáng trước mắt tôi một người đàn ông mặt nhọn, mắt sâu chân đi khệnh khạng chữ bát từng một thời nổi tiếng...

 

Đó chính là ông Mưu, họ Lê ở xóm Trại. Mọi người gọi ông là “Mưu Gia Cát”. Tôi đã được nghe kể rất nhiều chuyện về mưu mẹo của ông Mưu Gia Cát.

 

Hồi còn bé, Mưu đi ở chăn trâu, lúc nào cũng thủ sẵn một bó rơm khô. Hễ gặp đám đánh khăng, đánh đáo là Mưu cột trâu vào chỗ khuất bắt nhai rơm khô. Tàn cuộc chơi, Mưu dắt trâu ra sông cho uống nước. Trâu nhai rơm khô như người ăn gạo rang, uống bao nhiêu nước cho vừa? Uống vào, bụng trương lên, căng tròn phinh phính. Chủ nhìn tưởng trâu no cỏ, nào ngờ lõng bõng toàn nước với rơm.

 

Đi bắt cá với bạn bè Mưu cũng có mẹo. Một hàng dậm hơn chục cái dàn hàng ngang, Mưu tìm cách để dậm của mình tụt xuống thấp hơn, như đơm đó, cá bị lùa thấy chỗ trũng, chạy ào ào vào dậm của Mưu...

 

Lớn lên, Mưu cầm đầu một toán thợ gặt, toàn lực điền, ăn khỏe, làm khỏe. Các toán khác đòi 7 lượm lúa một công, toán Mưu chỉ lấy 5 lượm. Chủ ruộng nào ham rẻ hớp phải là khốn! Bởi vì rước về, cho ăn no nê xong là bọn Mưu giao hẹn: “Chúng tôi ăn khỏe, làm khỏe, công rẻ, nhưng nếu xảy ra ốm đau bất trắc thì gia chủ phải lo!” Gia chủ nhìn toàn trai lực lưỡng, nghĩ họ lo xa thôi, ốm đau bất trắc sao được, nên gật đầu chấp nhận. Bọn Mưu ra đồng gặt nhanh như cướp. Khi ruộng lúa gặt gần xong thì bỗng Mưu lăn đùng ra, giãy đành đạch, sùi bọt mép, mắt trợn ngược trắng dã, nằm chết ngay đơ. Toán thợ la lối, bảo đi báo quan. Chủ nhà sợ liên lụy đành phải xin thương lượng bồi thường. Toán thợ lấy hết số lúa đã gặt được để lo ma chay cho người chết. Nhận lúa xong, khiêng “xác” Mưu đi. Ra khỏi làng tức thì Mưu sống lại, cười hềnh hệch...

 

Cũng nhờ mưu mẹo mà có lần Mưu lập được công to.

Năm ấy bộ đội về làng phối hợp với du kích đánh bốt Tràng Lũ. Hướng tập kích là một cánh đồng trống, phẳng lì, bộ đội phơi mình giữa làn đạn quét sát đất của địch. Thương vong nhiều mà không tiến lên được. Xã đội trưởng vò đầu bứt tai, kêu:

- Mưu Gia Cát đâu?

- Có Mưu đây!

- Có cách gì tránh thương vong không?

- Bom pháo mới khiếp chứ thằng trung liên thì đếch sợ!

 

Mưu nói xong, lẩn vào đống rơm húy hoáy một lúc, rồi vần ra một cái nùn rơm quấn tròn như bánh xe ô tô. Mọi người đã hiểu ra cái mẹo của Mưu. Mưu mời chỉ huy đơn vị bộ đội và xã trưởng ra ruộng mạ đầu hàng, nói:

- Tôi thách thằng nào bắn trúng!

 

Mưu vừa bò vừa đẩy cái bánh xe rơm về phía trước. Cái bánh xe rơm che kín người Mưu. Rơm bện chặt, đạn đại liên cũng khó xuyên thủng. Chỉ huy đơn vị bộ đội vỗ tay đánh bốp vào vai Mưu:

- Giỏi! Đúng là Mưu Gia Cát! Thắng trận này đồng chí sẽ được thưởng huân chương.

Sáng kiến nùn rơm của Mưu góp phần đánh thắng bốt Tràng Lũ, Mưu được thưởng huân chương, nổi tiếng cả huyện.

 

Hòa bình lập lại Mưu làm đội trưởng sản xuất rồi chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán. Ngày trước Mưu nghĩ mẹo đánh Tây, không ngờ bây giờ lại giở mẹo bày đủ trò xoay xở, cấu véo của dân. Từ lạng đường mét vải đến cái kim sợi chỉ, dân được phân phối thứ gì Mưu cấu véo thứ ấy.

Nhờ tiền ăn cắp, Mưu đúc nhà mái bằng, xây tường hoa, sân gạch, cưỡi xe đạp favorít, đeo đài Xiêng Mao... Mặt Mưu vênh lên không sợ ai, không coi ai ra gì bởi lắm mưu mẹo, lại khéo đút lót cấp trên. Cả làng cả xã phải cầu cạnh, khúm núm trước mặt chủ nhiệm HTX Mưu. Nhà nào có đám cưới, đám ma mà không lạy van Mưu thì đừng hòng được duyệt cho mua vài lạng chè, hoặc vài bao thuốc lá Trường Sơn... Những cô gái mơn mởn muốn có cái quần phíp phải nhắm mắt ngủ với Mưu vài lần.

Năm tôi mười bốn mười lăm tuổi, đã thuộc câu: “Nhất Mưu, nhì Chức, ba Tình. Chúng nó rút ruột dân mình bấy lâu!

 

Tôi nghe kể, năm 1968 xã tôi mở Đại hội bầu ban lãnh đạo mới. Mới là nhiệm kỳ mới, chứ người thì vẫn “ba đứa rút ruột dân mình bấy lâu!” Duy có Tình được hất lên huyện làm cán bộ to hơn, nhường ghế bí thư đảng ủy cho Mưu và Chức tranh nhau.

 

Thế lực Mưu, Chức một chín, một mười. Chức nhỉnh hơn vì có đứa con gái đi Thanh niên Xung phong. Mưu biết vậy nên khi chuẩn bị họp bàn nhân sự, Mưu dúi cho mỗi đảng ủy viên một bao Điện Biên, hai đảng ủy viên nữ được mỗi người một chiếc khăn bông bay. Vào cuộc họp, Mưu xăng xái cười cợt, tuyên bố: “Hôm nay ngoài cửa hàng có mấy chục ký đường cát ngoài tiêu chuẩn, đồng chí nào cần, tôi giải quyết!” Mưu lại cho giết thịt chó đãi hội nghị. Mắt các đảng ủy viên sáng lên, đổ dồn vào Mưu. Có chín vị thì sáu đã lên tiếng để cử Mưu làm bí thư. Mưu bưng chén, nâng ly cười hềnh hệch.

 

Nào ngờ, Chức đứng lên rút trong túi ra chiếc phong bì chi chít dấu bưu điện, nói:

- Cháu Duyên nhà tôi ở Tuyến lửa vừa gửi thư ra, có mấy lời thăm Ban lãnh đạo xã nhà!

Chức đọc lá thư của cô con gái T.N.X.P lời lẽ rắn rỏi, cảm động, kể những gian khổ hy sinh và tinh thần chống Mỹ cứu nước ở Tuyến  lửa. Không khí cuộc họp đang bầy hầy rượu thịt bỗng nghiêm trang trở lại. Xã đội trưởng bật dậy khoát tay:

- Cháu Duyên đã làm chúng ta sáng mắt ra! Tất cả vì Tiền Tuyến! Mọi tiêu chuẩn đều phải hướng về Tiền Tuyến!

 

Bà chủ tịch phụ nữ dúi trả Mưu cái khăn bông bay, nói:

- Tôi xin rút lại ý kiến giới thiệu đồng chí Mưu!

Cuộc họp bế mạc, không có ai ra cửa hàng mua đường. Mưu tức ứa máu, khệnh khạng đi đi lại lại chán, rồi đạp xe về nhà, hậm hực nói với vợ:

- Mả bố thằng Chức! Nó đội 1... con gái, nhảy lên đầu tao!

 

Mặt vợ Mưu xanh mét, nói lí nhí:

- Thì cứ để ông ấy làm bí thư, ăn vàng ăn giải gì?...

- Đồ ngu! Đứng đầu cả xã mà bảo không ăn vàng ăn giải gì à?

- Thì ông kém cạnh gì? Chả đang giầu gấp mấy lần ông ấy!

- Giàu mà chỉ là thằng chủ nhiệm H.T.X, thì khác gì méo rúc gầm chạn, chó ăn vụng cứt! Mở mắt ra mà nhìn thằng Tình. Nó nhảy tót lên huyện, rồi nay mai lên tỉnh... Mẹ kiếp!

 

Vợ Mưu gục đầu:

- Tôi đàn bà ngu dốt biết gì mà ông chửi?

Mưu chắp tay sau đít rảo mấy vòng trong sân, dịu giọng:

- Cũng tại mày đẻ được mỗi thằng con! Phen này phải cho thằng Mạnh vào bộ đội!

 

Vợ Mưu vùng dậy nắm vạt áo Mưu:

- Có mỗi mụn con, nó đang đi học, mới cưới vợ...

 

Mưu hất tay vợ ra:

- Mày ngu lắm! Bộ đội cũng có năm  bảy loại! Ai cho nó vào chỗ chết mà sợ! Hừm!...

Vợ Mưu như con gà mái xù lông vểnh mỏ một tí rồi cụp lại. Mưu mặc quần áo tinh tươm, ra cửa hàng lấy mấy tút thuốc lá Tam Đảo, mấy cân đường và hơn chục mét vải phíp Trung Quốc, rồi đạp xe lên tỉnh đội. Gặp lãnh đạo tỉnh đội xong, Mưu đạp xe sang trường Cao đẳng sư phạm, chỗ thằng Mạnh đang học năm thứ nhất. Thằng Mạnh đang lên lớp, Mưu kéo con về phòng trọ, hỏi:

- Tao đẻ ra mày, mày chưa trả ơn tao?

 

Thằng mạnh quen tính bố, hỏi:

- Bố cần gì cứ nói?

 

Ông Mưu cười:

- Tao muốn chức bí thư đảng ủy!

- Bố muốn gì cũng được!

 

Mưu móc túi lấy bịch máu chó đã thủ sẵn, bảo thằng Mạnh lấy bút chấm vào máu chó viết quyết tâm thư.

 

Thằng Mạnh nhìn bịch máu chó lè lưỡi khiếp sợ, hỏi Mưu:

- Sao bố lại làm thế? Quyết tâm thư là thiêng liêng!

 

Mưu cười gằn:

- Đừng lý sự! Mày nhát như cáy mà đòi làm gan anh hùng sao được?

- Nhưng máu chó...

- Máu chó cũng là máu!

 

Thằng Mạnh cắm đầu làm theo bố, lấy bút chấm máu chó viết quyết tâm thư.

Sau đó Mưu đèo con sang Tỉnh đội.

Thằng Mạnh nhập ngũ, được bổ sung vào tiểu đoàn pháo phòng không.

 

Hôm sau cái tin “đồng chí Lê Mưu, có đứa con độc nhất đang là sinh viên đại học, cắt máu viết quyết tâm thư xin ra mặt trận đánh Mỹ” đã được đăng trên trang nhất tờ báo tỉnh. Mưu trở thành gương “Người tốt việc tốt”, và đắc cử chức bí thư đảng ủy xã.

 

Mưu xin cho con làm văn thư tiểu đoàn, vừa nhàn vừa an toàn. Mưu tính khoảng hai năm, thằng Mạnh kiếm “tí” đảng viên, rồi Mưu sẽ chạy cho nó vào Đại học quân y, có tiếng lại có miếng, vứt quách cái nghề “húp cháo phổi” bất đắc dĩ.

 

Nhưng người tính không bằng trời tính! Mưu ngồi ghế bí thư chưa ấm chỗ thì thằng Mạnh lăn đùng ra chết.

Thì ra chuyện nó dùng máu chó thay máu mình viết quyết tâm thư vào bộ đội rồi chạy chọt làm “lính kiểng” cả tiểu đoàn ai cũng biết. Nhục quá! Thằng Mạnh tự sát bằng một phát súng AK. Nó chết không kịp nhìn mặt đứa con trai mới sinh.

 

Mưu vừa đau vì mất con, vừa đau vì mất mặt, chạy chọt ém chuyện con trai tự sát, tổ chức lễ truy điệu long trọng rồi làm thủ tục cấp bằng Tổ quốc ghi công và chế độ trợ cấp con liệt sĩ cho thằng Tiến con của Mạnh.

 

Vợ Lê Mưu ốm yếu, sợ chồng như cọp. Thấy chồng mưu mẹo vơ vét của dân, rồi quan hệ nhăng nhít, ăn nằm với hết người này người khác, bà ta chỉ khóc.

 

Từ khi thằng con trai duy nhất chết, bà Mưu đâm ra lẩm cẩm, suốt ngày lảm nhảm: “ Ông Mưu giết con! Ông Mưu giết thằng Mạnh rồi!”

Một hôm, bà Mưu bế cu Tiến ngoài sân chơi thì nghe lục đục trong buồng, rồi có tiếng thét của con dâu... Bà Mưu vội bỏ cu Tiến chạy vào, thấy chồng đang đè con dâu xuống giường. Cô con dâu bị xé rách quần áo đang cố chống lại bố chồng cưỡng hiếp. Bà Mưu rú lên đứt mạch máu não mà chết.

 

Mưu thở hổn hển, buông con dâu đạp xe ra trụ sở Đảng ủy.

Chôn cất mẹ chồng xong, cô con dâu sợ bố chồng làm nhục, quyết định đi lấy chồng khác. Anh này là công nhân khu gang thép Thái Nguyên. Cô muốn đưa con đi theo, nhưng bố chồng không cho. Ông Mưu chỉ tay vào mặt con dâu:

- Chồng mới hy sinh ba năm đã ngứa nghề lấy chồng khác. Mày không xứng đáng làm mẹ đứa con của liệt sĩ!

 

Nàng dâu chắp tay lạy bố chồng:

- Con đứt ruột đẻ thằng cu Tiến ra, bố cho con được chăm sóc dạy dỗ nó nên người...

- Mày không đủ tư cách dạy cháu ông! Từ nay cấm mày bén mảng về đây. Cút!

Mưu quát, rồi cầm tay con dâu kéo ra đường. Thằng Tiến khóc ôm chân mẹ, bị ông nội đá cho một nhát văng vào xó nhà. Hàng xóm nhìn cảnh đó lè lưỡi lắc đầu kinh tởm ông bí thư đảng ủy xã.

 

Lão Chức đi qua cười, hỏi Mưu:

- Cái dây nút quần con dâu ông nó chặt quá à?

- Mả mẹ mày! - Mưu chửi Chức, rồi vặn cái đài Xiêng mao hát thật to, để át tiếng thằng Tiến khóc.

 

Ông Mưu mua chiếc ghế mây buộc vào khung xe đạp cho thằng Tiến ngồi, đi đâu chở nó theo. Thằng bé mới gần ba tuổi nhớ mẹ khóc ngằn ngặt bị ông nội quát sợ im thin thít. Khi Mưu họp, thằng Tiến ngồi bên cạnh tí táy nghịch cái bật lửa, cái bút máy, chán thì lăn ra ngủ. Lúc Mưu đến cơ sở hoặc ra đồng, thằng Tiến lon ton chạy theo sau. Nó bắt chước ông nội từ dáng đi khệnh khạng đến cách quát tháo. Cán bộ cấp trên về xã, Mưu bắt tay, thằng Tiến cũng chộp lấy tay ông cán bộ nói ngọng bi bô: “Tào tồng tí”. Ông Mưu và mấy người vỗ tay khen: “Đồng chí Tiến giỏi lắm!”...

 

Một hôm đang họp thường vụ đảng ủy thì trưởng công an chạy vào báo: Sư thầy chùa Rộc bị trục xuất mấy tháng trước, giờ lại quay về chuẩn bị tổ chức lễ Phật đản. Ông Mưu đập bàn quát:

- Láo! Thằng trọc ấy láo.

 

Trưởng công an nói thêm:

- Phật tử ra chùa rất đông, đang tô tượng...

 

Mưu giải tán cuộc họp rồi nói với trưởng công an:

- Gọi xã đội theo tao!

Mưu nhảy lên xe, đạp đến chùa Rộc, tất nhiên chở thằng Tiến theo.

 

Đến nơi thấy sư thầy đang sơn lại mấy pho tượng Phật bị mối mọt Mưu chỉ mặt hỏi:

- Ai cho mày về?

- Na mô a-di-dà-phật! - Sư thầy chậm rãi - Bần tăng được Giáo hội Phật giáo...

- Giáo giáo cái con c.! - Mưu ngắt lời sư thầy, rồi ra lệnh cho trưởng công an:

- Gô cổ thằng phản động này lại!

 

Các phật tử xúm lại bênh sư thầy, làm Mưu càng tức.  Ông ta cầm búa bổ phầm phập vào đầu mấy pho tượng Phật, rồi bắt chất thành đống ở sân chùa, đốt. Thằng Tiến bắt chước ông nội, cũng lấy búa bổ đầu tượng Phật, nó thích chí cười khanh khách...

 

Tin ông bí thư đảng ủy trói sư thầy, đốt tượng Phật đến tai lãnh đạo Tỉnh. Một cán bộ ban tôn giáo về xã, thấy tượng Phật bị đốt cháy dở dang còn ở sân chùa, thấy sư thầy còn bị giam ở kho hợp tác xã, tang chứng rõ ràng.

 

Nhưng ông bí thư đảng ủy giải thích: “Tượng Phật mối mọt phải hủy, sư có bố mẹ di cư vào Nam làm tay sai cho giặc!” Rồi Mưu làm cơm rượu mời ông cán bộ Ban tôn giáo, lại biếu con gà trống thiến béo núc níc và bao gạo tám thơm, thế là êm chuyện.

 

Đất nước đang chiến tranh, đàn ông con trai dồn ra mặt trận hết, ở làng toàn ông bà già, phụ nữ, trẻ con thấp cổ bé bụng, nên chuyện to tát mấy cũng êm dưới sự dàn xếp của Mưu và mấy vị lãnh đạo xã. Họ lập hẳn một tổ, ăn điểm hợp tác chuyên làm cỗ đãi đằng các cấp lãnh đạo tỉnh huyện, ăn uống no say rồi còn có gạo thịt mang về. Vị nào nổi hứng muốn thưởng thức gái quê thì “nháy” Mưu, Mưu sẽ biến văn phòng đảng ủy xã thành “phòng hạnh phúc tạm thời” ngay. Thế là xấu biến thành tốt, ít biến thành nhiều, thành tích ma chất đống. Một kẻ dám lấy máu chó thay máu con mình viết quyết tâm thư để giành ghế bí thư như Mưu thì chả có việc tồi tệ nào mà lão không làm. Mưu tham ô, lãng phí sống buông tuồng, ăn nằm với đàn bà nhiều đến nỗi mảng quần phía trước lúc nào cũng cứng như mo cau, cái mặt choắt lại, phừng phừng hơi men, vì phải uống rượu lấy sức.

 

Thằng Tiến từ bé theo ông nội, bắt chước mãi đâm ra giống hệt tính Mưu. Đến nhà trẻ nó dành hết đồ chơi của các bạn, nó vặt đầu, bẻ tay búp bê, và trật quần đái vào mâm cơm nếu không muốn ăn. Một hôm thấy cô giáo Thu cúi xuống xếp đồ chơi, thằng tiến liền chộp tay bóp vú cô reo lên: “Vú to quá!” Cô giáo Thu vừa xấu hổ vừa bực vì đứa học trò ngỗ nghịch. Cô phạt nó quỳ. Nhưng cô vừa nói dứt lời thì thằng Tiến thụi vào mặt cô một nhát, rồi chạy về.

 

Hôm sau, Mưu đến lớp, gọi các cô giáo lại, hỏi:

- Đứa nào bắt cháu tao quỳ?

Cô giáo Thu chưa kịp nói câu nào đã bị ông Mưu giáng cho một cái tát nổ đom đóm mắt...

 

Cái tội hiếp con dâu và đánh cô giáo như giọt nước làm tràn ly tội lỗi của Mưu. Cấp trên không thể bao che mãi được. Hơn nữa bọn Chức cũng bỏ tiền ra đút lót, quyết “chơi” Mưu, nên Mưu mất chức bí thư đảng ủy.

 

Chức lên thay. Chức vốn ghét Mưu nên không bố trí cho Mưu làm gì nữa.

Không còn tí chức quyền nào, không vơ véo được gì nữa, Mưu suy sụp rất nhanh. Cái xe đạp favorít, cái đài Xiêng Mao bị đẩy ra trước tiên, rồi đến cái sân gạch cũng phải nạy lên bán. Mặt Mưu ngày một choắt lại, râu ria tua tủa, hai mắt lõm sâu, đỏ như cục máu, cái cổ rụt vào hai bả vai, cái lưng còng xuống, trông hệt như con tôm càng.

 

Không ai thèm đến nhà Mưu. Mưu ra đường không ai chào. Có lần Mưu đi họp chi bộ ngang qua ngõ nhà lão Tảo “đồ tể” chuyên giết chó thuê (nơi mấy năm trước Mưu đã xin bịch máu chó viết quyết tâm thư). Lão Tảo vừa nhìn thấy Mưu liền reo lên:

- A ông Mưu! Có lấy máu chó nữa không?

- Mả mẹ mày! - Mưu chửi.

Tảo cầm con dao cắt tiết chó dứ dứ vào mặt Mưu:

- Thằng máu chó!

 

Rồi vung tay tương thẳng bịch máu chó vào giữa mặt Mưu, máu chó tung tóe đỏ lòm... Lão Tảo và mấy đứa đang giết chó phá lên cười khơ khớ...

 

Lại có lần tổ chức truy điệu liệt sĩ, vừa thấy mặt Mưu, một người bố liệt sĩ nói: “Con tôi hy sinh vì Tổ quốc, tôi muốn vong hồn nó trong sạch, không bị vấy bẩn thứ máu chó của ông”.

 

Hết thời, bị tẩy chay khinh bỉ, Mưu lấy rượu giải khuây. Không có bạn, ông ta bắt thằng Tiến ngồi uống với mình. Thằng Tiến nhắm mắt ói ra, Mưu chửi:

- Mả mẹ mày! Làm trai không biết uống rượu thì vứt.

 

Thằng Tiến bị ông nội ép uống rượu mãi, đâm nghiện. Năm nó mười ba mười bốn tuổi thì tửu lượng đã hơn hẳn ông Mưu.

 

Cảnh nhà đã kiệt quệ, Mưu bày cách cho thằng cháu ăn cắp lấy tiền uống rượu. Tiến đi học ăn cắp sách bút của bạn, về nhà ăn cắp của xóm giềng. Nhà ai có con gà đẻ, Tiến mà biết thì đẻ quả trứng nào mất quả ấy. Nó lấy rọc mùng lùa vào ổ gà, gà tưởng rắn nằm im, thế là nhẹ nhàng cắp trứng. Nhà bên cạnh vừa mua con cá chép thả vào bể chuẩn bị cúng Táo quân, Tiến lấy dây kẽm gai làm cái chĩa có ngạnh, lẻn sang, loáng một cái đã đâm được con cá chép về rán uống rượu. Mất cá không bắt được quả tang nhà bên tức chửi: “Đứa nào ăn cá của tao khác nào ăn cứt con tao!”, thằng Tiến liền ỉa vào cái lá khoai bỏ vào bể nước nhà họ. Ao nhà nào nuôi cá mè, chỉ vài đêm là thằng Tiến bắt sạch. Nó chọn góc sâu, úp một chiếc nơm, trong nơm ghìm một quả bưởi, một bọc cám rang xuống bùn. Cá nghe mùi cám thơm chui vào nơm, rỉa cám ăn, quẫy mãi nát bùn, quả bưởi nổi lên vít chặt miệng nơm...

 

Dòng máu Mưu truyền sang thằng Tiến, truyền cho nó mưu mẹo trí trá ngang tàng. Thằng Tiến bước vào đời bằng cái “vốn” ấy. Và chính cái vốn ấy đẩy nó vào chỗ tối tăm...

Năm Tiến mười bảy tuổi, nó bị bắt vì ăn cắp và chém người. Nó vừa bước vào phòng tạm giam thì gặp “đại bàng” dạy dỗ ngay:

- Mày bị bắt vì tội gì?

- Chém người! - Thằng Tiến đáp.

- Chém mấy người?

- Nhiều!

- Giỏi!

 

Đại bàng cười, nháy mắt cho đàn em. Lập tức chúng ra đòn. Thằng Tiến bị hất sấp mặt xuống nền xi-măng, máu mồm, máu mũi tuôn ra. Thằng Tiến chưa hoàn hồn thì bị dộng ngược đầu xuống đất, bị thúc cùi trỏ vào bụng cho phọt cứt ra miệng. Hôm sau, nó vừa cầm suất cơm định ăn thì bị đá văng vào góc nhà. Đại bàng nói:

- Mày muốn ăn cơm thì phải ăn cứt đã!

Thằng Tiến quỳ xuống:

- Xin “đại ca” tha mạng!

 

Đại bàng cười:

- Được! Nhưng mày phải chăn kiến đã!

- Chăn kiến là làm sao?

- Câm mồm!

 

Chúng bắt hai chục con kiến bỏ vào cái lọ, giao cho Tiến. Mỗi buổi sáng thằng Tiến thả đàn kiến ra góc nhà ngồi canh, không được để con nào bò ra khỏi cái vòng tròn “Tề Thiên Đại Thánh”, tối bắt bỏ vào lọ. Hễ một con ăn ba bạt tay, để chết một con bốn bạt tay. Nếu để kiến lạc mất hoặc chết mà bắt kiến khác bỏ vào thay thế thì phải ăn cứt “đại bàng”...

 

Ở làng thằng Tiến học ông nội mưu mẹo lừa người, và sự ngang tàng hống hách, vào trại giam, thằng Tiến học thêm được sự tàn bạo. Nó chợt hiểu ra một điều, ông nó tàn bạo với dân làng một thì nó bị kẻ khác tàn bạo lại mười.

 

Hôm được tha về, nó xúc mấy thúng thóc đội thẳng ra chợ bán lấy tiền mua rượu thịt mời mấy đứa cùng được tha về đánh chén. Lúc ngà ngà say, thằng Tiến chỉ tay vào mặt ông nội nói với mấy đứa bạn:

- Ông máu chó!

Ông Mưu chửi:

- Đồ mất dạy!

Thằng Tiến hỏi lại:

- Ai dạy tôi? Ai làm cái thằng này mất dạy, hở?

Thằng Tiến lừ lừ bước tới trước mặt ông Mưu, hai mắt đỏ lòm như hai cục máu:

- Ông còn nhớ cái bịch máu chó không? Bố tôi chết nhục vì bịch máu chó của ông. Mẹ tôi vì ông phải bỏ đi để tôi mất dạy! Ha... ha! ... Hu...hu!...

Thằng Tiến ôm mặt khóc rống lên, nghe rờn rợn như tiếng rú của con chó điên. Đêm ấy nó bỏ làng ra đi cùng mấy đứa bạn giang hồ...

Năm nay tôi lại về quê tảo mộ.

 

Ra nghĩa trang miếu Mạc tôi để ý thấy mộ ông Mưu đã được xây, trên mộ có nhang, vàng mả. Ai đã xây mộ cho ông Mưu? Tôi đang tự hỏi thì gặp thím cả Phúc cùng mấy đứa cháu đi tảo mộ. Tôi hỏi:

- Ai xây mộ cho ông Mưu vậy thím?

- Thằng cháu nội đấy!

- Nó về rồi hả thím?

Thím cả Phúc gật:

- Về rồi! Đang tu ở chùa Rộc...

 

Thật bất ngờ! Tôi vội vàng chào thím Phúc, rồi đến thẳng chùa Rộc.

Thượng tọa chủ trì chùa Rộc là người thân quen gia đình tôi, ông chính là người đã bị lão Mưu bắt trói đuổi đi năm nào. Nay Thượng tọa đã hơn bảy mươi, da dẻ vẫn hồng hào tươi tốt, dáng đi nhanh nhẹn, thanh thản. Thượng tọa dẫn tôi đi thăm chùa và còn mời cơm chay.

 

Chùa Rộc mới được trùng tu, nhưng những pho tượng bị ông Mưu đốt cháy dở dang chưa được sửa sang như vết thương chưa lành. Tôi buồn buồn nhắc lại chuyện cũ, Thượng tọa mỉm cười, độ lượng:

- Đức Phật từ bi hỉ xả! Kinh phật dạy rằng: Dừng lại là bờ, buông giươm là Phật, đừng nhắc lại lỗi lầm của người ta nữa. Âu cũng là kiếp nạn!...

 

Một người mặc áo quần nâu thoảng ngang qua sân chùa, mặt choắt, mắt sâu dáng đi khuyềnh khoàng giống hệt ông Mưu ngày trước. Tôi hỏi Thượng tọa:

- Thưa, có phải anh Tiến cháu ông Mưu?

- Phải, anh Tiến đấy! - Thượng tọa đáp.

- Con không ngờ...

Thượng tọa mỉm cười:

- Anh ấy ở tù, mới được ân xá, phát tâm quy y cửa Phật!

 

Tôi muốn gặp Tiến thăm hỏi vài câu, nhưng đã đến giờ dâng hương buổi chiều. Sư Tiến đang quỳ dưới bức tượng Phật Bà Quan Âm bị ông nội anh ta đốt cháy dở dang.

 

Tiếng chuông chùa ngân nga. Chiều quê hây hẩy gió bấc! ./.

Minh Diện
Số lần đọc: 2534
Ngày đăng: 12.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa thu chết - Nguyễn Hồng Nhung
Chim lẻ bạn - Khôi Vũ
Những mảnh vỡ (10) - Nguyễn Thị Hậu
Chẫu chàng - Nguyễn Anh Thế
Màn trình diễn Tổng vệ sinh đường phố - Feng Jicai
Tên đao phủ trên cổ thành - Sâm Thương
Nguyệt Thực - Lê Vũ
Vai diễn của hai người cô đơn - Đỗ Mai Quyên
Một trường hợp - Mang Viên Long
Hai lần bác sĩ - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Máu Chó (truyện ngắn)
Đêm lạnh (truyện ngắn)
Kên kên (truyện ngắn)
Vết roi (truyện ngắn)
Quả tim heo (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Chiếc huy hiệu cồ (truyện ngắn)
Gã Đớp (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Máu cô gái điếm (truyện ngắn)
Cô Son (truyện ngắn)
Lão Trạch (truyện ngắn)