Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
664
116.539.762
 
Nguyệt Thực
Lê Vũ

Tiếng đàn chảy tràn giữa bát ngát trăng xanh, chậm dần rồi ngưng bặt. Đám thanh niên ngồi quanh vẫn lặng yên rồi như bừng tỉnh, vỗ tay reo hò. Anh đứng dậy, trăng ngời ngời khuôn mặt gầy hao, lung linh nụ cười hạnh phúc. Thế đó, NGUYỆT THỰC của tôi, tuổi gần năm mươi, vẫn đủ sức chinh phục lũ trẻ bằng cây đàn guitare của mình. Tôi gọi anh - NGUYỆT THỰC - khi bắt gặp anh trong bài thơ của Đặng Huy Giang như một hiện hữu máu thịt.

 

Lơ lửng mà có

Lơ lửng mà không

Tròn khuyết vẫn minh

Lặng im nguyệt thực.

 

Bên ngoài, anh như lặng im, lơ lửng, mơ mộng nhưng nhiệt huyết sôi sục đủ hâm nóng một bầu rượu lạnh. Từ những ngày về đây, anh đã tha nắng tha mưa một đời như kiến, kéo ngôi trường nhỏ vùng quê tôi tiến lên dành lấy ngọn cờ đầu tiên tiến của huyện, kéo đám thanh niên nhốn nháo vào lễ hội múa hát, kéo cả lớp  lớn tuổi sinh hoạt văn thơ… thư giản lại gom nhặt vui buồn… hái những mặt trời cho lũ học trò nghèo. Con gái tôi rũ rĩ “Thầy lạ lắm. Ở trên lớp, thầy không còn vẻ gầy yếu. Mắt sáng, giọng sang sảng, thầy say sưa giảng…”. Ông hàng xóm làm ra điều bí mật “Nửa đêm thức giấc, nghe văng vẳng từ nhà ông thầy tiếng đàn… ma”. Mấy hộ nghèo xem anh là ông già NOEL bốn mùa phúc lộc khi mang đến nhà họ kí gạo, cây bút, quyển vở, nhưng một số lại cho anh vớ vẫn, chạm dây, thân lo chưa xong mà lu bu chuyện áo cơm của người; còn mấy chị đương xuân thì khe khẽ vào tai nhau “Ông thế nào ấy… Chừng đó tuổi không lấy được vợ”. Vui miệng, tôi kể anh nghe mấy chuyện linh tinh, lại nói về bài thơ Nguyệt Thực, anh mỉm cười ngâm ngợi.

 

Ngoài khi xuất thần: ta chẳng giống ai

Ngoài chẳng giống ai: giống mình hơn cả

Ta nổi như chim

Ta chìm như cá.

rồi gật gù bảo tôi. “Đời người nổi chìm chìm nổi, hư thực thị phi. Hãy cứ mà nghe nhưng dù ai nói ngả nói nghiêng, mình cuối cùng vẫn là mình, nào có thể giống ai…”.

 

Quả thật, anh chỉ giống mình hơn cả. Thời buổi kinh tế thị trường, người ta đua đòi chạy theo của cải vật chất, tìm kiếm những mốt thời thượng, anh vẫn cái xe đạp cọc cạch, không ti vi, không điện thoại… Bao nhiêu tiền dành dụm, anh đem mua… sách và… hỗ trợ học sinh nghèo. Căn nhà nhỏ ván gỗ đơn sơ, sửa đi sửa lại mấy lần vẫn xám xịt, mốc thếch dần dà biến thành thư viện nho nhỏ phục vụ… miễn phí, cũng là nơi tụ họp sinh hoạt văn nghệ, đôi khi đông vui như hội. Không phải anh không có thời nổi như chim. Hiệu Trưởng, Hiệu Phó, Trưởng bộ phận chuyên môn Phòng Giáo Dục Huyện…. anh đã từng làm. Còn bây giờ, là anh tự nguyện lìm chìm như cá. Phòng Giáo dục mấy lần đề bạt anh làm cán bộ quản lý, điều về Thị trấn nhưng anh từ chối. Lý do đơn giản, anh biết mình không thích hợp làm cán bộ, chỉ có khả năng đứng lớp. Chỉ ở đây, trên bục giảng, anh mới sáng mắt sáng lòng, bùng cháy những cảm xúc thầm thì đôi khi xuất thần đến độ… cháy  cả giáo án. Tôi không biết học trò choáng ngợp như thế nào khi anh bình thơ trên lớp nhưng trong buổi tàn canh tịch mịch, anh ngồi đó, đầu cúi xuống trên cây guitare, gieo giữa lặng im đất trời tiếng đàn dịu dàng đầy huyễn hoặc… thì tôi, không biết tự bao giờ trở thành con nghiện những khúc nhạc cổ điển của anh, những phức điệu hòa âm đầm ấm sâu lắng. Tháng năm xanh ai đốt, tàn tro bay trắng đầu.  Loáng thoáng, biển dâu đổi dời nhưng anh vẫn ngày ngày bộn bề trường lớp, hoạt động xã hội để đêm về, một mình quạnh quẻ. Khi tôi thỉnh thoảng nhắc chừng, anh nheo mắt, bàn tay với những ngón thon dài vỗ vỗ thùng đàn - Tôi đã có  người bạn để sống đời - Tôi đành lắc đầu cười trừ nhưng biết rất rõ ở đây, không hề là số phận…

 

Chiều nay, trong nhà anh đầy hoa, hoa của ngày Hiến chương nhà giáo… Những cánh thủy tiên trắng muốt, mỏng mảnh tươi cười. Những giò phong lan cánh màu xanh ngọc đan kết với nhau ve vẫy những cái đuôi chồn mềm mại. Bông hoa Tu-líp đỏ tròn tròn vành ly uống rượu duyên dáng khoe sắc. Tôi kịp dừng lại lời chúc mừng ngày lễ khi nhìn thấy anh đăm chiêu, nụ cười chào tôi có chút méo mó. “Anh thử nhìn xem, xưa nay, trong ngày lễ trọng đại nầy, tôi chỉ nhận hoa, còn hôm nay…”. Anh đưa tay chỉ về phía góc nhà. Ở đó, trên cái bàn nhỏ là một gói quà to, bao bọc xanh đỏ diêm dúa. Mở ra, những xấp vải đắt tiền. Tôi nhìn anh. Mắt anh như có lửa. “Nguời ta muốn trang trí cái vẻ ngoài cho tôi, lại cũng muốn mua cái Tâm nhà giáo của tôi bằng như thế. Ôi chao, sao lại có thể giống cá tôm ngoài chợ để cò ke mặc cả !”. Giọng ngùi ngùi, anh kể tóm tắt chuyện vợ chồng ông chủ cửa hàng vật liệu xây dựng X đến thăm. Ông vốn là Hội viên danh dự của Hội Phụ Huynh Học Sinh, nhà tài trợ cho các phong trào Văn-Thể nhà trường, vị phụ huynh đóng góp rất nhiều khoản lớn để xây dựng cơ sở vật chất nhưng đứa con trai của ông, cái đầu quá nhỏ chỉ đủ chỗ cho những trò hoang nghịch, phá tán. Ông khéo léo tìm cách kết thân với trường bằng nhiều cách khác nhau, và hôm nay, đến lượt tôi, giáo viên chủ nhiệm. Cuộc viếng thăm tưởng thêm mối thân tình lại biến thành tranh luận gay cấn. Vợ chồng ông giận dữ ra về bỏ mặc gói quà ở lại.Tôi thật không biết gì để nói, chỉ thầm thương anh khi nhìn anh cúi đầu, tư lự. Đời đã sẵn đa đoan, anh lại chất cho mình thêm những phiền muộn…

 

Anh lốc thốc chạy theo đoàn người đi về phía biển. Giữa trưa, nắng tháng tư rát mặt. Đâu đó, đạn pháo vẫn ì ầm kêu vang chen vào những tiếng súng rời rạc. Trên đường anh không phải nhảy qua xác người như ngày nào ở quê nhà. Thời điểm nầy, anh mới mười bốn tuổi nhưng chiến tranh ám ảnh anh từ đó, nhoi nhói những miền đau. Bố anh bảo trái tim anh đa cảm, không nên dính vào chính trị, đi làm thầy giáo là tốt. Anh đã chọn nghề, đơn giản vì lời khuyên của bố. Ra trường chưa tròn hai năm, hôm nay, lửa đạn lại cháy đến chân. “Thầy phải đi thôi. Họ ghê gớm lắm. Không thể ở lại”. “ Nhưng còn mẹ và hai em nhỏ”. -“Thầy không thể ở lại”. -Người phụ huynh tốt bụng đã kéo tay anh vào cuộc trốn chạy. Lưỡng lự, mơ hồ, anh cõng trên vai mươi ký gạo, mang theo trong lòng giọt nước mắt của mẹ và đi… Bờ biển. Lấn xô hỗn độn. Ầm ào nháo nhác gọi nhau. Những chiếc ghe tanh nồng tôm cá chất đống già trẻ lớn bé phành phạch ra khơi. Hối hả. Lòng anh cũng ngỗn ngang chiến trường: Mẹ, em hay những mặt người xa lạ ; quê hương núm ruột hay miền đất hứa lận đận áo cơm… Những tiếng réo gọi, giục giã. Anh phân vân, chần chừ… Một bước chân quyết định được mất, sống còn. Cuối cùng, anh đã vẫy tay chào và quay lưng…

 

-Anh định giải quyết của nợ nầy như thế nào? Tôi hỏi khi thấy anh hồn vía ở đâu đâu. Anh nhìn lên, giọng đã bình thường “Nước mắt mẹ ngày xưa giữ chân tôi lại với quê nhà; còn hôm nay, mắt sáng em thơ giữ tôi cho tròn khí tiết nhà giáo. Rồi sẽ có cách thôi”. Vâng, tôi yêu mến anh, trước hết, vì hai chữ khí tiết. Anh đã bị chuyển đi nhiều trường, lên rừng xuống biển, có khi phải làm công tác văn thư, có khi hạ bậc làm giáo viên tiểu học chỉ vì quá trong sáng, quá trung thực. Một hôm, thăm lớp dự giờ, anh nghiêm túc ghi nhận mấy sai sót của thầy hiệu phó chuyên môn (lúc bấy giờ là cán bộ miền Bắc điều vào tăng cường) và trong buổi họp tổ, chân thành góp ý. Ai hay thầy đập bàn đập ghế, bảo anh chuyên môn yếu, không bám sách giáo khoa, dám mạo phạm thượng cấp khi mình chỉ là anh lưu dung. Ôi chao, hôm nhận thông báo kê khai lý lịch, anh và mấy đồng nghiêp miền Nam đã nhìn nhau băn khoăn. Hình như cô văn thư đã đánh máy nhầm? Phải là lưu dụng mới đúng. Nhưng không, đúng là lưu dung (khoan hồng giữ lại). Cách phân loại, cũng là cách gọi đó từng ám ảnh anh nhiều ngày tháng, để anh ngờ ngợ mơ hồ về giai cấp, về thân phận, về quyền lợi, về cả nghĩa vụ…

 

Lại một lần khác, thầy Hiệu trưởng già tình cờ đến chơi nhà, nghe anh ê a hát một đoạn nhạc tiền chiến; thế là trong buổi họp hội đồng, sau khi tuyên dương thành tích của anh trong phong trào Văn - Thể,  kịch liệt phê phán anh là nghệ sĩ ngụy. Anh đã tái xanh tái xám, nắm chặt hai nắm đấm nhưng cuối cùng chỉ để rơi trong im lặng. Kết quả, anh chàng lưu dung nghệ sĩ ngụy đành khăn gói lên núi làm giáo viên xóa mù….  Ngay ở chỗ khỉ ho cò gáy này, anh cũng không thể yên thân vì không chịu làm báo cáo ma, không chấp nhận bố trí lớp học giả đánh lừa đoàn kiểm tra của Sở nên buớc chân lại phải xuôi về đảo xa…

 

Tôi xoa dịu chuyện rắc rối của anh bằng việc chúc mừng ngày lễ, uống với anh chung trà và ra về, bỏ anh lại với những bó hoa và nỗi đau đáu của người đưa đò. Buổi đến chơi đầu tiên không có tiếng đàn của anh…

 

*

Anh nằm thiêm thiếp, mơ màng… Ngày đầu tiên chất đầy ám ảnh và sợ hãi. Buổi sáng trình diện Ủy Ban Quân Quản. Súng và ống. Những mặt người cao, gầy ốm. Những huấn thị. “Các anh đã phục vụ ngụy quyền, đầu độc cả một thế hệ trẻ. Tội các anh còn lớn hơn bọn ngụy quân vạn lần. Phải ra sức phục vụ cho Cách mạng để chuộc tội”. Anh ư? Anh đã vào ngành giáo dục, tránh né binh nghiệp, biết đâu lại tội lớn đến thế! Đầu óc anh bỗng hoang mang, lẫn lộn thị phi thiện ác. Người anh gai gai lạnh. Câu nói ông phụ huynh chợt văng vẳng bên tai. “Thầy phải đi thôi. Không thể ở lại”. Với mặc cảm tội lỗi, anh nhận nhiêm vụ Cách mạng, quần quật lo toan, không phút ngơi nghỉ. Nào là tổ chức lại trường lớp, nào kêu gọi đồng nghiệp tham gia, nào sinh hoạt văn nghệ xây dựng đội đoàn… Vất vả nhất là khâu giáo án. Dòng Văn học Cách mạng lạ lẫm với Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Anh Đức… xưa nay anh chưa hề tiếp cận. Thức khuya mắt mỏi, bụng đói, người anh gầy rộc đi. Mẹ lo, đôi lời khuyên nhặt nhưng anh động viên mẹ bằng tấm bằng khen giáo viên dạy giỏi cấp huỵện của mình. Tháng năm thật sự khó khăn, cả nhà mẹ và em chia nhau chút gạo mắm anh mang về, tưởng chừng cũng qua buổi ngô khoai. Đùng đùng mẹ, sau những vật vã vì cơn đau  tim choáng ngộp từng hồi, đã bỏ anh lại đi về phía cuối trời mây trắng. Anh như người mộng du, nợ nần chồng chất, gánh nặng hai em. Anh đã muốn bỏ cuộc để lao vào cuộc bán mua chợ đời nhưng chính trong giờ phút bấp bênh trên miệng vực, anh nhận ra tấm chân tình của tất cả: nhà trường cho anh mượn trước một ít ngân sách trừ dần vào lương,  đồng nghiệp kẻ cho mắm, người cho đường; có cô giáo lại dám hy sinh phiếu vải tặng em gái anh. Của ít lòng nhiều nhưng đồng nghiệp đã vực anh đứng lên. Cảm động nhất là những người phụ huynh khốn khổ và lũ học trò nhỏ xíu. Gia đình anh đã sống nhờ tấm lòng vàng của họ. Đành nhủ lòng trả nợ mùa sau, trả cho em thơ mai ngày bằng những gì mình có. Không còn tự ti mặc cảm, không băn khoăn về tương lai, anh nhận ra cuộc sống tươi đẹp, chợt hiểu thế nào là mình vì mọi người và mọi nguời vì mình. Lá thư của thầy anh và của người đồng nghiệp năm xưa vun đầy niềm tin trong anh. Họ đã được cấp trên tin yêu, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.Với quyết tâm, anh đã nghiễm nhiên trở thành ông giáo tận tụy với rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm …

 

Một ngày mùa thu của tuổi tam thập nhi lâp… Quỳnh Như đến, tươi mát, thơm hương mùa hoa mở hội. Em chào anh, nhỏ nhẹ bằng tiếng dạ thưa ngọt ngào của Huế mà lâu lắm rồi anh không được nghe. Lòng anh bỗng hóa mấy miền lao xao. Con sóng mắt em dờn dợn, con sóng xa khơi ngoài kia êm ả, còn sóng lòng anh bồi hồi… nhập lại thành khúc hòa ca ngọt ngào. Em dạy văn, là tổ viên của anh. Sợi dây đông nghiệp vô hình mà trói buộc những yêu thương. Đến buổi chuẩn bị văn nghệ chào mừng 20/11, em và anh lại nhận ra nhau có chung một điểm tâm cảm. Giọng nữ trung của em mềm ngọt đén mê người, tiếng đàn anh hòa vào thêm sắc thêm hương. Mấy bạn đồng nghiệp ghẹo trời sinh một cặp. Em thoáng đỏ mặt, thẹn thùng; còn anh, một trời mơ mộng. Em theo anh học nhạc, chơi đàn. Căn nhà nhỏ của anh bỗng ấm nồng những khi chụm đầu soạn giáo án chung, cũng rộn ràng tiếng đàn em bước đầu gập ghềnh, vang vang tiêng cười em reo vui. Từ dó, em là mơ để đất trời một thuở xanh hơn, để giọng đàn anh nghiêng xuống nắng trưa hoa gầy. Nhưng trời không chìu người. Em đã giã từ trường lớp, giã từ anh, giã từ mối tình mật ngọt để ra đi xuất cảnh với gia đình. “Em phải nghe lệnh mẹ cha nhưng em nhất định sẽ về, sẽ về…”. Ôi những giọt nước mắt em còn mặn môi anh biết đến bao giờ! Lặng lẽ, anh gật đầu. Con chim đã bay đi, xa lắm. Mơ hồ, anh nghe tim mình kêu rêu - Biệt ly, nhớ nhung từ đây…

 

Anh nhìn vào mắt thầy Hiệu trưởng chờ đợi.“Đứa con trai ông ta thực quá tồi tệ nhưng chúng ta là thầy giáo, không thể bỏ mặc”. “Tôi cam đoan với Hội đông nhà trường sẽ hết lòng chỉ là không cần thương lượng, không cần cân đo đong đếm”. Xiết chặt tay anh, thầy hiệu trưởng phấn khởi. “Tôi sẽ giải thích với ông ta. Không phải mặc cả, không cần điều kiện”. Anh cũng mỉm cuời. Không phải như em ngày nào, mặc cả với anh. Lòng anh chùng xuống…Em đã trở về bất chợt tưởng chừng anh đang mơ, những giấc mơ hằng dêm. Nhưng không, giọt nước mắt em, bàn tay nhỏ nhắn quen thuộc, giọng nói ngọt mềm… “Chào cô giáo xinh đẹp của anh”. “Em không thể giảng dạy nữa rồi. Em đã tốt nghiệp nhạc viện và chỗ đứng của em bây giờ là sàn diễn”. “Chúc mừng sự nghiệp của em”. Giọng anh có chút chua xót mà anh không kịp hiểu vì sao. Mắt em cũng thoáng ngậm ngùi. “Mỗi người đều có một con đường và chỉ một để lựa chọn. Con đường của chúng ta- Em nhìn vào mắt anh -… Kết hôn- Anh chưa kịp vui sướng- và chúng ta… ra đi”. Ra đi?.. Không. Toàn thân anh run rẩy- Làm sao anh có thể. “Em có bao giờ mơ về những ngày đứng lớp không? Em có còn nhớ…”.Câu hỏi của anh nửa chừng dừng lại khi nhận ra em đang lên cơn sốt, xám xanh… “Em không thể từ bỏ sự nghiệp của em”.  Giọng nói em đanh lại, pha chút đau đớn, nửa giận dỗi, nửa lạnh lùng. Anh nhớ mình đã ôm lấy em rất chặt, sợ rằng em tan thành mây khói, thì thầm nhắc lại ngày xưa. Anh đã nợ đời, nợ người, nợ quê hương, và với nghề nghiệp. Không thể ra đi… Em nghe và khóc, nước mắt ướt áo anh. Anh chờ đợi, hy vọng nhưng em đã bỏ đi. Im lìm. Cánh cửa trơ vơ và lòng anh chơ vơ …

 

*

Mùa đông. Trời trở rét. Gió bấc ào ạt. Mưa như xối xả. Buổi trưa, anh chợt đến nhà tôi, ướt sũng nhưng mắt anh ngập tràn phấn khích. Chưa kịp uống chén trà ấm bụng, anh đã vội khoe. “Lần này là tôi trúng đậm. Hai sáng kiến kinh nghiệm về đề tài xây dựng tâm thế văn học và phương pháp hỏi đáp của tôi được giải thưởng; Sở đã gởi về Bộ dự thi. À, anh còn nhớ ông phụ huynh đặc biệt quấy rầy tôi năm ngoái không? Ông ta mới đến thăm tôi, không mang theo quà, cám ơn thầy chủ nhiệm đã vực dậy con trai lêu lổng của ông thành học sinh tiên tiến - Thực chất đấy, ông bạn ạ”. Và anh cười, ngô nghê, trẻ trung so với cái tuổi tri thiên mệnh của anh. Còn một tin nữa. Hãy chúc mừng cho tôi. Anh ra vẻ bí mật, móc túi  đưa tôi mảnh giấy nhỏ. -Mùa xuân. Em sẽ về với anh. -Tôi choàng lấy vai anh, cười mà rưng rưng nước mắt. Cuối cùng, anh không còn phải ôm đàn đêm sâu thương nhớ, không phải đợi chờ và tôi… không còn phải chạnh lòng…

 

Ba hôm sau, tôi bỗng chết đứng khi nhận được tin anh mất vì nhảy xổ vào cơn lũ để cứu một học sinh bị lũ cuốn. Đó là con trai một người  đồng nghiệp có rất nhiều mâu thuẫn với anh trong chuyện trường lớp. Nghe là thầy ấy sẽ xin lỗi anh trước linh sàng nhưng để làm gì đâu. Mùa xuân. Em sẽ về với anh. Tháng năm dằng dặc chia xa rồi sẽ vật vã Em đến  thế nào khi Nguyệt Thực của Em không đợi nổi đến mùa xuân, một mùa xuân đã rất gần. Tôi ôm lấy đầu đau khổ. Anh ấy đã đi xa nhưng mãi hoài tròn khuyết vẫn minh…

*Những chữ  in nghiêng là thơ trích Nguyệt thực của Đặng Huy Giang

Lê Vũ
Số lần đọc: 2210
Ngày đăng: 08.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vai diễn của hai người cô đơn - Đỗ Mai Quyên
Một trường hợp - Mang Viên Long
Hai lần bác sĩ - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm cỏ tuyết - Kiệt Tấn
Chuỗi hạt trân châu - William Somerset Maugham
Vườn mê 1 - Nguyễn Anh Thế
Lộc rừng - Phùng Phương Quý
Một người Mỹ trên đất Pháp - Francis Steegmuller
Con ngựa ô - Khôi Vũ
Truyện ngắn ngắn – 22 - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)