Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
725
116.859.796
 
Một mối tình ngụ cư
Phan Huy Đường
Chương 13

13

 

Phân tích, giải thích, hiểu, đều hão. Phải hành động.

1/ Tự tạo tương lai mới. Chẳng cần ham muốn. Chẳng cần tin tưởng. Niềm tin và sự ham muốn sẽ tới qua hành trình. Làm rồi sẽ tin. Cuộc sống vốn thế. Hiện giờ, chỉ cần tương lai ấy nuốt sống hiện tại này. Nó đã khởi hành. Vài tháng nữa tôi sẽ rời hãng. Tôi sẽ không gặp lại em nữa.

2/ Bóp nghẹt cơ thể, tát kiệt lý trí.

3/ Thay đổi bối cảnh, hình dạng, nếp sống.

Dễ nhất vẫn là bối cảnh. Con người luôn sống trong bối cảnh. Sân khấu ấy, như tờ giấy thấm, hút trọn nó. Ý thức của nó chẳng là gì hơn ký ức lờ mờ của sân khấu đã hút tiêu nó. Trò gian dối này, ta đã từng đọc ở đó đây, lâu lắm rồi. Ta vẫn còn nhớ. Chắc nó che giấu sự thực nào đó. Mỗi lần ta tìm chính mình, ta chỉ tìm thấy những sân khấu ta từng sống. Xứ sở sinh ra ta, cái làng đã thiêu đốt tuổi thơ của ta, tất cả chỉ là sân khấu. Không có chúng, ta chẳng là gì cả. Ta chỉ là sự câm lặng của những sân khấu người đời hứng tạo. Nếu có ngày ta viết tiểu sử ta, có lẽ ta sẽ nói : tôi đã là người này người nọ, tôi đã làm chuyện này, đã cảm thấy thế kia, và tất cả chỉ là lời gian dối khổng lồ. Chỉ có những sân khấu đã tiêu vong là thật thôi và ta không có khả năng cấu tạo lại chúng ngay cả chỉ trong tưởng tượng thôi. Ta vừa chui ra khỏi chúng, ta liền tái sinh vào cuộc sống khác. Tại sao hôm nay lại khác hôm qua ? Hôm nay ta chỉ là lời gian dối thầm kín của sân khấu ta đang sống. Sân khấu bê tông xám, đường phố quanh co bất tận, bàn giấy như ngõ cụt, sân khấu hy vọng, sân khấu ảo tưởng. Sân khấu hữu lý. Còn những người ta tưởng ta đã từng yêu, ta đã từng căm hận, ta không còn nhớ tới nữa. Sân khấu máu thịt, dưới hình hài hứa hẹn bất khả thi, lời thề tẩm thuốc độc, sân khấu khóc cười dưới hình dáng hạnh phúc không với tới được, tai hoạ đã qua, tình yêu không thể có. Với họ, ta cũng chỉ là một sân khấu đã phai mờ. Dĩ nhiên, ký ức là vết thương tai vạ khi xác thịt mất khả năng kết sẹo. Nhưng thân xác ấy cũng chỉ là chi tiết cỏn con trong bối cảnh dây mơ rễ má – mà ta thay đổi được.

Như sâu bọ, nó chu đáo, tỉ mỉ, đào sới thay đổi nền móng vật chất cuộc đời. Nó bắt đầu với căn phòng bé tí vợ nó dành riêng cho nó. Vỏn vẹn hai thước ba trên ba thước. Cửa sổ lớn, không màn, mở ra vườn. Tuyệt. Thế giới đêm nội tâm càng dễ nhồi đầy và thế giới bên ngoài càng có vẻ như nó là, mênh mông sáng sủa. Nó sơn tường màu đen xỉn. Đêm sẽ sâu đậm, ánh sáng bên kia cửa sổ sẽ có vẻ thật hơn. Bên trái, trong hốc tường, nó đóng giá sách, ngay trên giường ngủ. Trên giá cao nhất, hai loa phát thanh sẽ trang trí sự im lặng. Phải tìm nhạc thật dịu, đủ lè nhè chán trường nhồi kín không khí với than thở liên miên vô tận của những cặp tình nhân. Còn lại, dành cho sách. Marx, Engels, Lênin, dĩ nhiên. Xtalin, Mao, tại sao không ? Thiếu nợ bao nhiêu cũng được, ta sẽ trả hết cả chì lẫn chài, tới xu cuối cùng. Sartre, đương nhiên. Chúa Lành và Ác Quỷ giữa Những bông hoa tẩm độcIlliade bên cạnh Lão Tử, Cái chết giữa hè, Tuổi nên người và Trăm năm cô đơn, cảnh đẹp hỗn độn sản sinh từ giao cấu giữa hầm ta với quầy sách ngoài tiệm. Hình thu ngắn của sự vĩnh cửu, tóm tắt một hành tinh trên hai mươi phân giá sách, đủ vỗ an trí tuệ. Ngôn từ không có tuổi, câu kệ không có quốc tịch. Trong nhà thổ văn chương ta có quyền yêu tất cả sau khi trả giá. Hồi ký của Aron. Tay này sẽ chiếm chỗ danh dự, tuốt trên cao, cạnh ống loa. Ít nhất cũng có thằng chưa hề biết đổi sân khấu. Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn nó.

Như sâu bọ, nó chu đáo, tỉ mỉ, đào ổ. Nó mê man khắc nghiệt với từng nét cọ, từng lát gỗ ghép, từng con ốc cái đinh. Niềm vui yên ả lạ lùng loang ở nó trong khi nó cưa gỗ, đục tường, bắt vít, sắp xếp giá sách. Và khi chiều rơi, mệt nhoài, sung sướng, như đứa trẻ, nó dịu dàng buông mình vào đêm.

Xong căn phòng, nó tấn công mảnh vườn. Công việc nặng nề. Mảnh vườn bỏ hoang đã hai mươi năm. Ông già cất căn nhà này chưa bao giờ muốn làm xong. Thuở ấy, ông sống ở ngoại ô Bắc Paris. Người ta trục xuất ông ta. Người ta chuộc nhà ông ta với mảnh đất này. Ông xây căn nhà này. Vợ ông chết trước khi nó hoàn thành. Hàng xóm kể bà chết vì buồn, không chấp nhận mất nhà ở đời của mình. Người đàn ông để nguyên căn nhà lúc ấy, tường thạch cao trần truồng, cửa và cửa sổ không sơn phết và, lặng lẽ, chết mòn suốt mười tám năm. Ông lê lết sáu tháng trên giường bệnh viện. Và chết. Những người thừa kế mất thêm sáu tháng để bán căn nhà. Khi nó bước vào, một lớp bụi dày phủ tất cả, đồ đạc, tường, trần và sàn nhà. Nó mất cả tuần chùi rửa mảnh voan cô đơn, không khí hoang phế. Trong khi sơn phết tường, cửa, nó hoài công tìm mãi dấu vết, ký hiệu nói cho nó điều gì về người đã sống nơi đây. Người ấy là ai ? Nó đã chịu đựng mười tám năm cuối đời ra sao ? Nó như thế nào khi, một mình, nó ngắm những bức tường thạch cao trần truồng này ? Nó nghĩ gì khi nghe tiếng chim sẻ từ vườn vang lên ? Không gì cả. Ta chẳng có thể biết bất cứ gì về một con người ngoài chuyện nó đã từng sống, đã từng đau khổ. Như mọi người. Như không ai cả. Người ta đuổi nó khỏi nhà. Nó tới đây ở năm 1963. Vài tháng sau vợ nó chết, và nó tàn kiếp mười tám năm sau trên giường bệnh viện, vĩnh viễn khép ký ức nó ụp lên kỷ niệm của những tường thạch cao trần truồng. Thế thôi. Lại một thằng không biết thay đổi sân khấu. Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn nó.

Mảnh vườn chỉ là đống cỏ dại gai góc phủ đầy vôi gạch vụn, chai vỡ, vỏ đồ hộp quăn keo, han rỉ. Từ khi nó mua căn nhà, nó chưa hề có can đảm đụng tới. Nó phấn khởi tấn công. Nó tỉa cây, nhổ bụi, nhặt vôi gạch vụn, rác. Hai ngày liền nó cuốc đất, đào bới tận gốc mảnh vườn. Một chiêu chủ nhật, nó chồng chất tùm lum cành khô lá úa, tưới cồn, châm lửa. Khói hắc tràn ngập vườn, bào mắt, chọc thủng mũi nó. Rất lâu, nó lặng im trước ngọn lửa hừng hực, mệt khờ người. Và bỗng nhiên, nó cảm thấy giọt mồ hôi từ từ chảy trên lưng. Ừ, quả thực, ta có thể xác, quả thật ta có thực, nó tự nhủ, và ý nghĩ kỳ cục đó trải ở nó nỗi thanh thản lạ lùng.

Nó mua xe mới, thay toàn bộ tủ áo quần. Mỗi thứ bảy, nó đi khắp thành phố, bới cửa tiệm, mất hàng giờ thử quần áo, chọn cà vạt, lưỡng lự trước đôi giày. Nó, thằng thấy bị cà vạt thắt họng, thằng rình mọi dịp giải phóng mình khỏi đôi giày, lần đầu nó hưởng thú vui ăn mặc. Chắc chắn, nó cũng thích quyến rũ người đời. Nhưng phải bằng cử chỉ thanh tao, vẻ đẹp tư thế, tia mắt mê hoặc hay vực thẳm của một ngôn từ. Nó chỉ muốn quyến rũ người đời bằng cái nó gọi là chính nó, không bằng những gì nó có thể sở hữu. Chưa bao giờ nó tưởng tượng ở nó nỗi khát khao hào nhoáng bề ngoài như thế này. Nhu cầu khiến người đời chú ý, đố kỵ, làm nó ngập mặt dính cứng vào một đống thứ vặt vãnh linh tinh. Nó không thể đi khỏi văn phòng mà chưa chỉnh lại cà vạt. Nó không thể đi đái mà không trau chuốt dáng đi. Nó không còn thốt lời mà không bĩu môi hay, thỉnh thoảng, im lặng nhấn mạnh. Nó luôn luôn sống dưới ánh nhìn. Lạ thật, trò chơi nhỏ nhoi ấy khiến nó yên tâm. Có lúc nó cảm như nó đã là một cái gì, một ai. Nó sống những lúc yên ả và, thỉnh thoảng, những ngày hạnh phúc. Đồng nghiệp đùa nó về nỗi đam mê diện mới của nó. Lời đùa cợt của họ mở đường tán gẫu vô tận về thời trang. Nó rất thích những lời không đối tượng đó. Ở đó, nó thấy an ninh. Lời ba hoa vô thưởng phát là xi-măng của nhân loại. Một hôm, nàng khen nó ăn mặc thanh lịch.

– Bộ áo quần này thật hợp với anh.

– Em thích nó thật à ?

– Thật, nó rất có gu.

Nó mỉm cười, khoan khoái, nỗi thích thú đắng ngắt, buồn nôn thấm đậm cả ngày còn lại. Thằng ngu. Bối cảnh là một thể thống nhất. Không thể chỉ đổi thay nửa mùa được. Cút đi lang thang còn hơn. Và nó hết quan tâm tới rẻ rách.

Rong chơi. Ta hết rong chơi từ hồi nào ? Hai mươi năm. Hai mươi năm nay ta quên cô đơn là gì. Lúc nào ta cũng đầy đồng chí quanh mình. Ta miên man phản ứng thời cuộc. Ta luôn có người phải gặp, có điều phải học, phải giải thích, có chuyện phải làm, có lời hứa phải giữ, có nhiệm vụ phải thực hiện. Rồi có một ngày, ta lấy vợ, và ta hết biết nhớ. Cuộc hôn nhân kỳ lạ, vừa hữu tình vừa hữu lý. Ta đã làm thế nào để thực hiện sự toàn hảo quái gở ấy ? Yêu đến hãi hùng và, đồng thời, tổ chức từng cử chỉ trong cuộc sống, từng lời nói trong từng ngày. Ta tự hào ta biết yêu trong đời sống hàng ngày ! Vô thức bội phản ? Ngây thơ nguyên chất ? Ta đã giả dối ? Ta đã gian dối chính mình suốt mười năm qua ?

Dù sao nó đã hạnh phúc. Hoàn toàn ảo hay hèn hạ giả dối ? Hay chỉ là an phận, thế thôi. Nó bỗng tự nhủ, nó sẽ không bao giờ an phận nữa, trong nỗi khổ cũng như niềm vui. Khi vận hạn, rất dễ. Nó chưa hề biết van xin. Nó chưa hề biết chấp nhận. Hận thù đã giúp nó sống, hiểu và yêu. Nhưng làm sao cưỡng lại niềm hạnh phúc trọn vẹn trong mười năm qua ? Từ từ, vô ý, nó đã buông mình trong khuôn quặng ấy, và nó đã bị bóp chết. Nó đã ngây dại hạnh phúc, và hạnh phúc ấy khiến nó ngu ngốc, giết cả sắc thái của từng ngày.

 

 

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13   12   
Phan Huy Đường
Số lần đọc: 1449
Ngày đăng: 28.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân