Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.410 tác phẩm
2.747 tác giả
535
116.850.567
 
Một mối tình ngụ cư
Phan Huy Đường
Chương 11

11

 

Họ hẹn gặp lại nhau thứ tư tuần sau. Nó đã tính kỹ ngày hẹn. Nó phải dự một semina về kỹ thuật bán hàng, thứ hai, ba và tư. Semina kết thúc lúc mười bảy giờ. Nó sẽ trở về đón nàng ở nhà nàng. Nó sẽ báo trước cho vợ rằng nó sẽ không về nhà trước thứ năm. Hai người sẽ có thể đi khuya và ở với nhau suốt đêm. Cuộc đời bỗng khát khao bồn chồn mong đợi, phấn khởi. Đẹp, hưng phấn tột độ.

Semina diễn ra trong một cư xá bên bờ sông Loire, đâu đó gần tỉnh Blois. Cư xá vụt đứng trong công viên lớn có hồ bơi, sân giải trí. Người tham dự ở nhà sàn rải rác trong rừng. Kiến trúc thảm thê, hiện đại hão. Kim tự tháp gỗ dựng trên cọc, nép mình trong cây lá, nối với đường đi bằng đường mòn bùn lầy. Bên trong, tiện nghi khả nghi. Ruột của xa hoa phô trương mặt ngoài tội nghiệp. Nhà sang rẻ tiền, nó tự nhủ, bĩu môi khoan khoái.

Người hướng dẫn semina là chuyên gia quan hệ giữa người với người, lão luyện trong lĩnh vực kỹ thuật bán hàng. Lần đầu nó gặp mẫu người này. Người ấy cao lớn, béo, vững sườn. Trán rộng, nhợt nhạt, bẹt, bẹt gí hình chữ nhật. Dưới hình chữ nhật ấy, bỗng lún sâu hai lỗ. Từ đáy lỗ hai tròng mắt tròn, bất động, xanh thắm, chăm chú nhìn nó. Không có sống mũi. Kỳ lạ kinh hoàng. Nó đang hân hoan. Nó định bắt chuyện. Hoài công. Người ấy chòng chọc nhìn nó, trả lời nhát gừng, không ác cảm, không mặn nồng. Nó nhìn người ấy tiếp tục trò ấy với người mới tới. Thái độ xa cách, ăn nói nhát gừng, ánh mắt bí ẩn. Khi người ấy đưa mắt trở lại nhìn nó, nó suýt cười bò. Đồ ngu. Nếu mày muốn điều kiện hoá tao, trở lại lần sau nhé. Trò chơi hèn mọn này, tao biết không thua gì mày. Tao không còn thích thú nữa. Nếu mày tưởng khiến được tao bối rối, mày sẽ chẳng thoát đi đâu được cả. Này tao nhìn ngược lại nhé. Tao có thể nhìn mày không chớp mắt bao nhiêu lâu cũng được. Tao còn tặng mày thoáng diễu cợt làm mắm muối. Tao chỉ có thể thắng. Mày bắt buộc phải ngoảnh đi để lo tới người khác và món nộm sứa của mày. Đầu mày nghĩ gì, tao không biết, tao không cần biết, chẳng bao lâu nữa tao sẽ biết thôi. Còn hiện giờ, mày tự lừa nếu mày nghĩ có thể chi phối tao với cặp mắt cóc của mày. Mắt mày nhạt nhẽo, nhạt tới mức tao nhìn thấy màu của chúng. Đằng sau, chẳng có gì cả ngoài một kịch bản, và tao biết điều ấy. Mày thấy khống, chính mày phải quay đi, hết dám nhìn tao.

Semina diễn biến thô bạo ủ ê. Suốt ngày đóng kịch. Tóm cổ một thằng, cắm nó dưới ánh đèn chiếu, dưới ánh nhìn của cử tọa, rọi máy quay phim vào nó. Nó phải đóng vai thằng đi rao hàng. Thằng khác đóng vai khách hàng. Cuộc đối thoại phải kết thúc bằng ký hợp đồng. Trong bối cảnh siêu thực ấy, bị ánh đèn trắng trợn làm bối rối, luôn luôn bị nhìn xét, mọi thằng đều khó chịu tận da thịt, không biết tống tay đi đâu cả, cứng họng tìm ý, tìm lời. Ai tưởng tượng được rằng triết lý của Sartre có thể tìm ra đất dụng võ lý tưởng trong kỹ thuật bán hàng ! Tuỳ hứng của thằng đóng vai khách hàng, "ăn tiền hay không", và kết quả siêu thực ấy là tiêu chuẩn cuối cùng của sự thật ! Nếu ăn khách thì mình giỏi. Nếu không thì mình dở. Sau nửa giờ, người điều hành hoãn trò đóng kịch, khiến khán giả phát biểu ý kiến, từng người một, thỉnh thoảng gật gù. Thỉnh thoảng nó trịnh trọng phán một ý tưởng sáo loại : "Phải thẳng người mới có thể thở bình thường, hãy hít hơi thở dài, anh sẽ bớt co quắp…" Ngoài ra, nó ung dung mặc xét xử của đa số đưa đẩy nó lên. Chẳng bao giờ nó dám một lời giải thích, phân tích, nhận định riêng. Rồi nó cho chiếu lại phim vở kịch. Mọi người đều thấy ngay mình tức cười đến thế nào. Màn đóng kịch đầu kéo dài một giờ. Người hướng dẫn hầu như không nói một lời, chỉ lướt cặp mắt cóc chết từ người tham dự này qua người khác.

Tám giờ tối, mọi người mệt lử, căng thẳng đúng mức. Sau bữa cơm tối, người ta nhốt họ xem phim. Lại những màn kịch bán hàng, do kịch sĩ chuyên nghiệp đóng, mắm muối với khẩu hiệu giáo dục : khách hàng là vua, nó thích người ta quan tâm tới vấn đề của chính nó, khiến nó yên tâm, v. v.

Hết phim, mỗi người lại phải phát biểu ý riêng. Khoảng mười một giờ đêm, người nọ đưa họ tới phòng khách, đãi ly rượu. Phút xả hơi… bắt buộc. Có lẽ để làm thiên hạ kiệt sức và gặp lại họ thật chín mùi sáng hôm sau. Khoảng một giờ đêm, thiếu ngủ khờ người, nó trở về nhà sàn với cảm giác khó chịu có đôi mắt cóc xanh ghim vào lưng nó. Cuối cùng, mỗi người thoát y trước mặt mọi người, và mọi người xét xử mỗi người. Chỉ thằng ấy không nói gì, không làm gì phải đảm nhận. Nó chỉ dựng sân khấu và đứng nhìn thiên hạ giãy giụa trong lưới.

Hôm sau, kịch bản cũ tái diễn. Chuyên gia quan hệ giữa người với người, lão luyện trong lĩnh vực kỹ thuật rao hàng, vẫn có đôi mắt cóc chết. Nhưng nó có vẻ không yên tâm lắm. Từ mười năm qua, nó tổ chức semina này, nhưng đây là lần đầu có vài chuyên viên kỹ thuật tham dự cùng với chuyên viên rao bán. Rõ ràng, "không ăn tiền". Một đứa giậm chân sốt ruột. Một đứa khác ngáp. Một đứa thứ ba cười ruồi.

Nó nhìn người nọ, mỉa mai, tự trầm mình trong nỗi bâng khuâng tởm lợm. Ghê tởm nhớp nháp ứa ra từ mắt, tai, luồn xuống bao tử nó. Ra thế, khoa học về quan hệ giữa người với người, kỹ thuật khoa học bán hàng là thế này. Luân lý Ky Tô Giáo dưới phong bì kinh doanh. Cuối ngày, nó nổ tung :

– Đã hai ngày rồi, chúng ta cứ đóng kịch, đóng đi đóng lại cùng vở. Tôi xin nói thực, tôi không thấy gì rõ ràng hơn trước cả. Tại sao người này bán giỏi, người kia bán dở ? Ông nói với chúng tôi : "Ăn tiền hay không". Nếu sự thật chỉ tùy hứng của người đóng vai khách hàng, chúng ta có thể đồng ý với nhau ngay tức khắc và mọi người sẽ ký hợp đồng. Chúng ta cũng có thể quyết đập nhau và chẳng ai ký được gì cả.

– Mỗi người, trên nguyên tắc, phải chơi thật tình.

– Chơi trò gì ? Thật tình nào ? Ở đây không có ai có gì để bán. Cũng chẳng ai có nhu cầu mua bất cứ gì. Chúng tôi cũng không học nghề kịch sĩ.

– Đóng kịch chỉ là phương tiện, nội dung vở kịch không quan trọng gì cả. Điều quan trong là cử chỉ, là kỹ thuật. Ông đừng quên đây là semina về kỹ thuật bán hàng.

– Vậy hãy giải thích cho tôi vì sao người này giỏi kỹ thuật và người kia dở và đừng lải nhải : "nếu ăn tiền thì giỏi, nếu không ăn tiền thì dở".

– Ta không nên lẫn lộn semina này với lớp học môn tâm lý hay cuộc điều trị bệnh tâm thần. Ở đây, chúng ta vận dụng kỹ thuật, kỹ thuật bán hàng, thế thôi. Không, không. Xin lỗi ông, ông lạm dụng chiếm lời. Hãy để người khác nói, ở đây ai cũng có quyền phát biểu ý mình, đúng không ? Tôi muốn biết ý kiến các người tham dự khác.

Những người tham dự khác cũng thấy chuyện bắt đầu nhàm, nặng nề.

Người nọ đề nghị đi ăn tối. Qua ánh mắt người ấy, nó hiểu nó vừa tự tạo kẻ thù, chẳng để làm gì cả.

"Ôi, quả thực ta không còn là ta nữa. Ta can thiệp vào trò khỉ này làm gì ? Ta đã thay đổi đến thế này từ bao giờ ?" Nó tự hỏi, và nó thấy lâng lâng, yêu đời. "Ngày mai, em sẽ trong vòng tay ta".

Sáng hôm sau, chuyên gia quan hệ giữa người với người, lão luyện trong ngành kỹ thuật bán hàng, tuyên bố thay đổi chương trình ban đầu. Cuối cùng, nó đành quyết định nói.

"Đáp lời yêu cầu của các bạn, hôm nay chúng ta bắt đầu bằng thuyết trình. Vì mỗi người bắt buộc phải đóng một màn kịch, chiều nay, chúng ta sẽ kết thúc muộn hơn. Ai muốn ăn cơm tối và ngủ tại trận hãy cho ban tiếp tân biết trong giờ giải lao ăn trưa."

Đây là kết quả cụ thể duy nhất của hành xự của ta hôm qua. Nó có thể khiến ta hụt cuộc hẹn hò. Em sẽ đợi ta chăng ?

Người đó lao mình thuyết trình lờ mờ, tạp nham, thuyết lý về cách ứng xử của người đời. Nó vẽ một kim tự tháp ngoạn mục biểu hiện động cơ của nhân loại :

 

(Xem hình 1 kèm theo )

Người ấy vấp váp từng chữ, lạng quạng từng câu. Có lúc, cụt trí nhớ, nó lao mình diễn văn phi thường về cá tính học. Nó mô tả những típ người, những đặc tính cơ bản của nhân loại, những điều không do văn hoá mà có, thuộc nhân phẩm bẩm sinh của con người. Nó vèo đột nhập một cách lạ lùng vào môn di truyền học, chứng minh sự ngu dốt di truyền của nó. Nó kêu cả đống chuyên gia Mỹ, nhà bác học lừng danh, trí giả được kính trọng hỗ trợ nó. Rõ ràng, nó hụt cẳng. Một đống rã rời chữ nghĩa chưa tiêu hoá bì bõm trong quan điểm máy móc, công cụ về con người.

Tội nghiệp mày, thằng đần độn. Bây giờ thì khốn kiếp nhé. Đáng lẽ mày không nên sủa, đáng lẽ mày đừng xa rời kỹ thuật của mày. Như thế dễ quá, phải không ? Lột truồng chúng tao dưới con mắt quay phim của mày dễ hơn khiến chúng tao tin vào kiến thức khoa học của mày. Trời đất, nó sẽ làm ta hụt hẹn. Nó buông mình mộng tưởng. Chán ngán, tởm lợm, nó hết nhu cầu tranh luận.

Nhưng đê đã nứt. Cặp mắt cóc đã mất khả năng chi phối. Diễn thuyết của chuyên gia quan hệ giữa người với người đã diệt gọn ánh mắt của đạo diễn. Người người tứ tung phê bình.

Phê bình bạo liệt đến mức nó ngạc nhiên. Xét cho cùng, mọi người như nhau. Ta chẳng có gì của thằng phản kháng lật đổ cả. Ta chỉ bán ngòi pháo thôi, thằng ngu xuẩn này đã hí hửng châm lửa. Nó hững hờ nghe đồng nghiệp. Cảm giác thân thiện mơ hồ liếm ý thức nó. Nhiều đứa ở đây sẽ chẳng bao giờ thành sếp. Sếp đích thực tạo quyền lực, trút đời mình nuôi nó. Sếp con thừa dụng những mẩu vụn quyền lực ấy qua gia tài hay thừa hành, trong mọi trường hợp qua sự thuần phục. Thế là đủ mãn nguyện ảo vọng bé tí của chúng. Tương lai chúng, chính là quá khứ của người khác và quá khứ của chúng, chính là tương lai của sếp nhỏ khác, cứ thế liên miên theo chuỗi xiềng xích dài kết thúc với con người tự do đang quỵ xuống. Phải thực sự đam mế mới biến mình thành sếp được. Để nặn sếp bé con, chỉ dạy bảo tốt là xong. Mấy đứa này còn đang đứng trước ngã ba đường. Chúng muốn chỉ huy, nhưng cưỡng lời chỉ bảo. Trời đất, cứ thế này, nó sẽ khiến ta hụt hẹn.

Khi nó rời semina, đêm đen mực lạnh ngắt. Mưa tia mỏng, đặc, âm thầm rơi. Ánh đèn pha xe nó chói mắt nó. Nó lạc rất lâu trong rừng đường quê trước khi tìm ra đường về Blois. Ôi, bảng chỉ đường. Chẳng bảo giờ ở nơi ta cần chúng, và khi thấy chúng, dường như người ta cắm chúng để khiến thiên hạ lạc đường.

Nó lao vào xa lộ về Paris. Nó xém toi mạng trong khúc cong gắt. Tim nó điên loạn. Mặt đường đâm mắt nó, rung động xuyên suốt mình nó. Cảm giác lạ lùng. Có những lúc như thế, sự vật cứ như tan hoà trong máu thịt ta, rung động ở ta. Đêm nay, đó là con đường đang sượt trên mình nó, đưa nó trở về Paris, con đường ngăn cách nó với nàng.

Nó lao mình tới cửa nhà nàng, gõ. Chẳng ai trả lời. Tim nó đập loạn. Nó gõ cửa nữa. Im lìm. Em không có ở đây. Đợi chán, em đã đi chơi. Nó ngồi trên bực cầu thang, hít hơi thở sâu, vỗ yên tim. Hãy bình tĩnh. Xem xem em có thể ở đâu. Ôi, có phong bì dưới cửa. Chắc là thông điệp cho ta. Cứt. Một lá thư. Như thế, em chưa về nhà. Em đã hẹn hão ta. Không, không thể nào, em không ứng xử như thế. Có lẽ em đã quên. Không. Em đã ghi trong sổ hẹn. Có lẽ hiểu nhầm. Em đã hiểu rằng ta đón em ở sở. Em đã đợi ta ở đó. Khi sở đóng cửa, thất vọng, em đi coi xi-nê. Không, không thể nào, ta đã nói ta đến tìm em ở đây.

Cửa đại sảnh kèn kẹt. Nó vụt đứng dậy. Một người đàn bà bước vào, liếc nhìn nó lạ lạ, leo lên cầu thang.

Ngờ vực giằn vặt, nó từ từ đi về xe. Tốt nhất là ta về nhà ngáo. Ngày mai, chuyện này tự nó sáng tỏ. Và nó bắt đầu chờ.

Hai mươi năm. Hai mươi năm rồi tôi không biết chờ nữa. Lần cuối tôi chờ là khi nào, chờ ai ? Tôi không nhớ. Hai mươi năm. Đêm bỗng im áng, phố bỗng hoang vắng, làn mưa bỗng se lòng này, hai hình hài ôm nhau phía xa xa, ở đầu phố, dưới ánh đèn đường, khiến tôi rùng mình. Ừ, chờ đợi là thế. Trời ơi, có lẽ là em với một ai…

Mười một giờ, mười một giờ mười lăm phút… Mười hai giờ. Điên thật, về thôi. Và nó lại chờ đợi.

Tim nó nhảy thót khi xe nàng băng qua. Nàng một mình. Mình nó tan lỏng, đầu gối run run. Nàng ga xe ở đầu phố. Nó ra khỏi xe nó, nép mình trong bóng tối một khung cửa, nhìn nàng lững thững đi về trong mưa. Một niềm âu yếm mênh mông thấm màn đêm. Nó nhào tới nàng, mở rộng vòng tay.

"Ủa, gió tốt nào đưa anh tới đây ?"

Nó chựng lại, ngây ngô. Nó máy móc bắt bàn tay nàng chìa ra phía nó. Thế là hết.

Cảm giác thờ ơ kỳ lạ tràn ngập nó khi nó buông mình trên tràng kỷ.

– Có hiểu nhầm. Em đã bãi cuộc hẹn. Anh đợi lâu không ?

– Anh đã phóng như điên trên xa lộ. Anh không biết anh đã đợi em từ bao giờ. Chẳng quan trọng gì nữa.

– Trơi ơi, anh muốn gì ở em ? Em yêu một người khác. Em không thể cho anh hơn tình bạn.

– Em giữ lấy tình bạn ấy. Đúng là hiểu nhầm. Bây giờ sự đã rồi, mọi chuyện đều đã quá muộn.

Tội nghiệp thằng ngốc. Nàng đã nhí nhảnh tí ti, và tự mày đã quyến rũ chính mình, trong xó xỉnh của mày, như khi mày thủ dâm. Cái mặt nạ sặc nước hoa, cặp vú lờ mờ nặng trĩu, cái bụng bầu bĩnh này, mày chưa hề thèm muốn. Bây giờ mày sẽ miên man mơ tới. Bây giờ mày sẽ nhỏ dãi thèm khát. Chúng sẽ lùa qua mắt mày, sẽ ăn mòn mày tận xương tủy. Chúng sẽ ám ảnh mày ngay tận giấc ngủ, và sẽ không chỉ là ảo mộng hay dự kiến. Đó, đã đóng kịch với chính mình thì thế đó. Cuối cùng, chính mình khiến mình mủi lòng. Cuối cùng, luôn luôn bị bẫy. Cho thiên hạ cười. Họ có lý. Họ thấy, chính họ thấy.

Suốt đêm nó không khép mắt được. Tinh sương, nó dậy, cả thân mình mệt rã, tứ chi bại hoại, run rẩy. Có cái hố lạ lùng gặm mòn lồng ngực nó. Nó nhìn bộ mặt tả tơi trong gương, và mỉm cười. Thôi, ta sẽ qua khỏi. Không phải lần đầu. Coi như bài học.

Bài học không bao giờ thành hình. Đã quá muộn. Áo giáp đã nứt. Một con thú đã lao vào trong, gặm hút máu thịt nó. Nó hiểu điều ấy một ban mai khi bừng tỉnh. Thân mình nó mềm nhũn, run rẩy. Tiếng chim sẻ lạ lẫm vang lên từ dưới vườn. Nó hết can đảm đối diện một ngày địa ngục nữa và nằm lại trong giường. Khoảng chín giờ rưỡi, nó điện thoại cho nàng :

Alô, em đấy hả, Hôm nay anh sẽ không tới sở.

– Anh bệnh à ? Anh bị gì thế ?

– Một cái hố trong lồng ngực. Em đã từng biết qua, phải không ? Sáng nay, cái hố lớn quá sức. Anh sẽ không tới sở.

– Anh ráng nghỉ ngơi. Anh là bạn em. Em cần tình bạn của anh.

Sáng hôm sau, nàng theo nó ra càphê. Nàng nắm tay nó :

– Anh biết không, hôm qua em muốn điện thoại cho anh. Em cố lắm mới nén mình được. Em không dám. Em sợ làm phiền anh. Em muốn nói với anh… không, em sẽ không nói… em biết điều ấy không thoả mãn anh.

– Không cần nữa. Bây giờ chỉ còn là chuyện của anh với anh thôi.

 

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11   12    13    12   
Phan Huy Đường
Số lần đọc: 1351
Ngày đăng: 28.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân