Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
493
116.856.055
 
Một mối tình ngụ cư
Phan Huy Đường
Chương 4

4

 

Cũng may tôi có quyển sách này phải sửa. Khi nhà xuất bản đồng ý đăng, tôi mừng điên người. Căn bệnh di truyền, nỗi khát khao thấy tên mình in trên gáy sách. Tôi vừa được thăng chức giám độc. Tôi sắp đăng quyển sách về phương pháp phân tích của tôi. Thành công mỹ mãn. Tôi hài lòng với đời tôi. Tôi có dự kiến đầy đầu. Tôi hạnh phúc. Bây giờ tôi bất cần mọi chuyện. Tôi chỉ còn chuyện này phải làm thôi, sửa quyển sách. Chán ngán quá. Nhưng tại sao không ? Cũng là hành động như mọi hành động khác. Ta cũng trút vào đó chút thực thể của chính mình. Cũng là cách đốt thời gian. Tôi đã quyết định làm việc đó mỗi ngày từ bảy đến chín giờ. Hơn hai tháng nay, mỗi sáng, tôi tới văn phòng hoang vắng này để sửa sách. Tôi mang theo máy ghi âm nhỏ và băng cát xét, tặng cho mình chút nhạc nền. Quả là dễ chịu. Cuối cùng tôi đâm yêu những hành lang bức tường hiu quạnh này.

Tôi đã làm việc hai giờ trên máy vi tính. Mắt tôi ê ẩm. Nỗi dịu dàng ngọt lợm bò trong tôi. Cảm giác khoan khoái nhớp nháp. Nhạc đã lặng câm. Tôi quyết định ngừng một lúc, hưởng bầu không khí im áng thấm đậm các văn phòng, hành lang. Tôi nhìn ra cửa sổ, và tôi rùng mình.

Nắng tháng năm rọi sáng những mái nhà. Niềm vui hung bạo, tàn nhẫn sô đẩy toàn thân tôi. Ra thế đây là thế giới, thế giới thực. Chưa bao giờ tôi từng nhìn thấy nó rõ nét như thế này. Cao ốc là cao ốc, tường bê tông là tường bê tông, thế thôi. Mái nhà bên cạnh là mái nhà không gợn chút bóng tối, chút bí mật. Mỗi viên ngói là viên ngói đỏ không sắc thái, không bí ẩn. Mỗi đỉnh ngói hiện lên rõ nét, không nhòe nhoẹt, trên bầu trời đơn điệu xám. Ánh sáng trong veo, không chút e thẹn, không chút nể nang. Sao tôi thèm thuộc thế giới ấy quá, chỉ là thế giới ấy thôi.

Thuở nhỏ, tôi thiếu trí tưởng tượng. Tôi chưa hề biết nhìn đồ vật với ánh nhìn huyền diệu của tuổi thơ mà thi sĩ hay nói tới. Với tôi, hòn đá cuội là hòn đá cuội, chỉ là hòn đá cuội. Tôi chưa hề tưởng tượng nó có thể là gì khác. Tôi lãnh đạm với phong cảnh. Tôi bịa chuyện đến mấy khi nhìn chúng, cố gắng cảm xúc đến mấy, cũng vô ích. Thực tình tôi vẫn biết, cây là cây, có rễ, có thân, có lá, thế thôi.

Thế mà sáng nay tôi đờ người trước vẻ đẹp cục súc của sự vật. Tôi thấy thế giới thật cảm động. Vì nó rõ nét. Vì nó dửng dưng. Phải chai cứng mình, phải đọng mình trong nó. Chỉ là ánh nắng không màu sắc này, một viên ngói trong muôn viên ngói. Có lẽ lối thoát là đây. Nhìn chính mình như tôi nhìn mái nhà các cao ốc. Nhìn chính mình với cặp mắt người giải phẫu, chăm chú, chính xác. Nhìn đời tôi như nó mô tả cơ thể bệnh hoạn cho học trò, không chút thẹn thùng, không chút kiêng nể.

Nó bỗng bật cười vang. Lại mưu mẹo khốn khổ vô ích : cái chết. Sự cám dỗ tự sát, nó nhận ra liền như tình bạn lâu năm, bền bỉ, đã ám ảnh tuổi thơ, tuổi trẻ của nó. Khắp nơi, mãi mãi, nó dư thừa. Nó luôn luôn biết điều ấy.

Thuở ấy nó lên ba. Nó bị nhốt trong một cái chum cùng với anh nó. Nóng hỏa ngục. Chung quanh, làng bốc cháy. Tiếng súng, tiếng hét xé không gian. Một trận càn quét. Lính thực dân bất thình lình tràn ngập vào làng. Cả làng tan rã như tổ ong bị thương. Anh nó và nó quá bé. Làm quẩn chân. Người ta bỏ chúng vào một chum đất lớn. Người ta bảo chúng đừng khóc. Người ta úp vung lên chum. Và địa ngục bắt đầu. Nó đột ngột rơi tõm vào bóng đêm nóng bỏng, khắc khoải, ngộp thở, đè nén. Nỗi kinh hoàng thắt họng nó. Nó cuống quít ôm chặt anh nó trong vòng tay. Người anh nó cũng nhớp nháp mồ hôi, tê cứng. Nó không bao giờ biết tra tấn bất động ấy đã kéo dài bao lâu. Đột nhiên, vung bật tung. Ánh sáng xoẹt cưa ý thức nó thành muôn mảnh. Mắt loà ánh mặt trời và nước mắt, nó thấy dựng đứng một khổng lồ da đen. Nó không thấy rõ nét mặt, nhưng nó nhớ đời màu trắng rực rỡ của lòng mắt, hàm răng. Người ấy nhìn chúng nó một lúc, rồi đậy vung trên chum.

Hôm ấy, một lần nữa, một người lại cho không tôi cuộc sống. Tôi sẽ không bao giờ quên.

Nó sáu tuổi, một chiều, khi nó quyết định bỏ nhà đi. Nó lang thang trong phố phường Hà Nội tới xế chiều. Mặt trời tàn nắng. Nó lần theo đại lộ dài đưa tới Hồ Tây, với ý định lao mình xuống nước. Người ta tìm ra nó, ban đêm, dưới gốc cây đa bên vỉa đường, lạnh ngắt nước mua, nức nở khóc.

Đêm hôm ấy, trong thành phố đen ẩm, một lần cho tất cả, tôi trút cạn nước mắt tuổi thơ.

Từ ấy, cho tới tuổi hai mươi, tôi lang thang sống ở đời, óc luôn luôn bị khao khát tự sát ám ảnh, nhào nặn. Tôi không thể nhìn giếng mà không khẩn thiết thèm lao mình vào đó. Tôi không thể nhìn đường phố từ cửa sổ một cao ốc mà không khắc khoải, ngộp thở thèm dìm mình trong khoảng trống thăm thẳm khoét mắt tôi. Tôi không thể cầm dao cạo râu mà không ngột ngạt thèm cứa cổ mình.

Rất lâu, tôi tưởng nỗi ám ảnh đó do không khí khép kín, tuyệt vọng của thế giới thuộc địa. Có lẽ nó đã giúp tôi phát hiện nhanh nhu cầu tự hủy âm ỉ đó trong hình thái tàn bạo nhất. Nhưng nó cũng chỉ giúp tôi phát hiện thôi. Tôi lờ mờ hiểu điều ấy khi tôi qua Pháp. Tôi từ biệt nước tôi, gia đình tôi nhừ rời bỏ phòng khách sạn này để đi tới phòng khách sạn khác. Tôi sống lang thang qua những cảnh vật, những thành phố, những đất nước. Đâu đâu tôi cũng chỉ gặp cỏ cây sỏi đá, những bức tượng, những lời cầu nguyện. Và nỗi cô đơn trôi giạt của tôi. Và luôn luôn, trong những năm tháng lêu lổng ấy, nỗi đam mê tự sát bám sát tôi. Ở Roma, trên đỉnh nhà thờ Thánh Petro, trên núi Mont Blanc, trước vực trống sáng loáng, dọc đường núi bên bờ vực thẳm, trên bờ hồ Loch Ness, ban đêm.

Chỉ lâu sau khi tôi dấn thân đấu tranh giải phóng đất nước, nó mới từ từ phai mờ biến mất. Sau này, mỗi lần nhớ tới, tôi tưởng tôi đã thoát bệnh điên của tuổi thanh niên. Tôi gán khả năng chữa bệnh ấy cho sự dấn thân, lựa chọn, ý chí khẳng định chỗ đứng của mình trong cuộc đấu tranh của nhân loại. Chỉ là một cách suy diễn.

Vì sáng nay, xuyên qua cơn chóng mặt đột ngột xâm chiếm nó, nó liền nhận diện lại căn bệnh đó dưới dạng thuần khiết triệt để. Thực ra bệnh ấy chưa hề buông nó suốt những năm tháng tràn đầy tin tưởng. Nó chỉ bôi phấn thoa son đổi diện cải biến cho phù hợp với tâm trạng nó lúc đó. Bây giờ nó mới hiểu nỗi say mê thầm kín thỉnh thoảng làm nó tan mình trong cảnh tượng cuộc sống. Có những buổi chiều viễn du, trước ngọn lửa trại, nỗi ám ảnh ấy lén lút bò vào nó, khiến mắt nó hoá đá, giác quán nó tê cứng, hoà tan lý trí của nó trong cảm giác yên ả ngọt ngào hão. Cảm giác lạ lùng mình chỉ còn là ngọn lửa đang nhảy múa, giọng hát, điệu ghita, cảm tưởng say sưa rung động hết mình cùng với mọi chuyển động, âm thanh, màu sắc, cảm giác vừa trọn vẹn vừa thờ ơ, chỉ là bệnh xưa.

Chính bệnh ấy mê hoặc nó, những ban trưa hè trên bãi biển chói chang nắng. Mềm người nằm dài trên cát, lạc lõng trong nhịp sóng biển đơn điệu, đờ nắng, nó lặng lẽ buông mình trong hơi nóng hè, trong thờ ơ của sỏi đá. Nó thả mình trong vòng tay nàng, hòn sỏi ấm chết đuối trong bãi biển hè ấm áp. Nỗi âu yếm bình thản, vô cớ ấy, chính là nàng, nỗi đam mê tự huỷ.

Nó lại bật cười. Cặp mắt phi ký ức, không có thật ở đời.

 

Chương : 1    2    3    4   5    6    7    8    9    10    11    12    13    12   
Phan Huy Đường
Số lần đọc: 1448
Ngày đăng: 28.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện
Cành hoa đào lửa - Trương Thái Du
Mùa xa nhà - Nguyễn Thành Nhân