Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
840
116.682.695
 
Nhuế Dương ơi
Vân Anh

- Anh về trước lo việc mẹ. Em ở lại, mai đưa con đi học xong rồi hẵng về.

- Nhưng em thấy cứ áy náy làm sao ấy. Khi sống, mẹ đã không hoà nhập được với cuộc sống nhà chồng…

- Em buồn cười thật, người sống em còn chẳng sợ làm họ buồn, giờ lại lo cho người đã mất. Mà thôi, việc này dâu con như em đừng có ý kiến gì hết, kẻo các cụ lại phật lòng.

            Mai là ngày mọi người đưa thi hài mẹ từ nơi mẹ đã sống những ngày ấu thơ ở đó để về quê chồng, nơi ghi nguyên quán trong giấy khai sinh đứa con thân yêu của mẹ. Những người đang sống không cần biết mẹ có đồng ý không, nhưng người ta làm điều đó như bổn phận, như một trách nhiệm và cả một uy quyền siêu nhiên nào đó.

*

- Em thắp hương cho mẹ đi ! Đây là hai ngôi mộ tổ. Còn hàng dưới là mộ các cụ, xong đến mộ các ông, các bà. Mãi đến năm vừa rồi, dòng họ nhà mình hô hào đóng góp mới mua được đất để qui tụ cả về đây. Em thấy chưa, tất cả đều ngăn nắp, thứ tự. Mà các ngôi đều phải xây y chang nhau, chứ không ông nào chơi trội được…- Hải vừa nói vừa đưa vợ nắm hương, có điều gì như đắc thắng, mãn nguyện lắm mặc dù giọng nói vẫn đều đều như mọi khi, không lẫn đi đâu được…Tôi nhìn lên và nhẩm tính. à, mai sau mình sẽ nằm đây. Hàng thứ  sáu…

 

Ngày tôi về làm dâu, mẹ đã không còn nữa. Nghe mọi người kể lại, mẹ là người đàn bà đẹp, quê mãi tận Phú Thọ. Chẳng hiểu vì sao mà hai người quen biết nhau. Khi lấy bố, mẹ theo chồng về Nhuế Dương ở. Nhưng là con gái miền đồi núi làm nương, làm rẫy quen rồi, giờ về miền xuôi cấy cây lúa, trồng ngọn khoai sao lóng ngóng thế. Bà tôi lại là người mẹ chồng đảm đang và cay nghiệt. Sống cùng bà được một  thời gian thì mẹ trở về nơi mình đã sinh ra. Còn bố, đi lại như con thoi giữa hai người đàn bà.

*

Nhà tôi và nhà Huy ở gần nhau, lại học cùng lớp. Hằng ngày Huy vẫn sang chở tôi đi học. Trường giáp đê, nên hôm nào ngồi sau xe Huy tôi cũng được ngắm thoả thích những bông hoa đay cánh màu vàng mỏng manh như cánh bướm, điểm ở giữa là nhuỵ hoa màu nâu đen huyền bí và hít hà mùi hương hoa nhãn suốt dọc đường đi. Vào mùa thu hoạch đay, mặt đê dường như chật hẹp hơn. Mọi người làm việc nhộn nhịp đông vui như ngày xưa rủ nhau đi làm hợp tác xã. Đàn ông thì dóc lá, tuốt đay. Những thân đay trắng nõn nà cứ lộ dần ra sau lớp vỏ áo xanh nhìn trông thật thích mắt. Còn đàn bà thì bó những bó vỏ đay vừa được tuốt thành từng búi, từng búi để chuẩn bị đem ngâm. Khi chiều xuống, ánh nắng chỉ còn le lói qua những bụi tre thì những đứa trẻ con cũng lũn cũn sau chiếc xe ba-gác giúp bố mẹ đẩy đay về nhà. Những ngày đó, bao giờ tôi và Huy cũng phải đi học sớm hơn, về muộn hơn vì phải dắt bộ xe qua những quãng đường ngổn ngang chưa kịp dọn.

 

Vào lúc cái nóng đổ xuống hầm hập, mọi người thường xuyên lắng nghe, theo dõi tin về những cơn bão. Lúc chúng tôi đươc nghỉ hè, không còn phải đến trường nữa thì những người đàn bà với bộ quần áo xỉn màu đem đay ra giặt. Tôi và Huy ngồi trên triền đê ngắm nhìn dòng sông Hồng mỗi ngày một duềnh lên, xoá đi những cánh đồng mới chỉ một hai hôm trước thôi vẫn còn trơ những gốc đay, gốc rạ và mơ ước những chuyện xa xôi…

 

Tôi bước vào trường đại học với hoài bão một ngày nào đó sẽ sáng chế ra qui trình giặt đay khép kín, giúp những người phụ nữ vùng đồng bãi quê tôi không còn phải ngập mình trong dòng nước đen màu đay ngâm nữa. Còn Huy muốn mang những giống cây hiệu quả kinh tế cao về mảnh đất thân yêu này, anh bảo “đất quê mình phù sa màu mỡ, chỉ cấy lúa và trồng đay thì phí lắm”.

 

Đến năm cuối đại học thì bà tôi mất, căn nhà và mảnh vườn nhỏ nơi hai bà cháu sớm tối có nhau, giờ trở nên lạnh lẽo vì thiếu bóng người. Tốt nghiệp đại học. Tôi cầm tấm bằng cử nhân loại giỏi trở về quê, háo hức được làm một cái gì đó cống hiến cho quê hương. Sau hơn bốn tháng đi khắp các cơ quan trong tỉnh tôi đều nhận được câu trả lời: “Với tấm bằng kỹ sư chế tạo máy, cháu nên xin vào các công ty có lẽ phù hợp hơn”. Thế mới hiểu, muốn có cơ hội đem sức mình ra để làm một điều gì đó có ích, cũng không phải dễ. Huy cũng thế, nhiều nơi hứa hẹn nhưng chờ mãi vẫn chưa có quyết định tiếp nhận ở đâu cả. ở trong hoàn cảnh của tôi, có lẽ Huy mới hiểu và thông cảm. Họ hàng thân thích  không nhờ cậy được ai, số tiền ít ỏi mà tôi dành dụm được do đi làm gia sư khi còn là sinh viên giờ cũng hết rồi…Trong lúc này có bảo Huy cưới tôi. Và anh sẽ như những người đàn ông kia, cày thưả ruộng để giúp tôi gieo những hạt đay trên đó, thì có lẽ gia đình anh cũng không đồng ý… Đúng lúc đó thì tôi quen Hải. Hải học cùng trường đại học với tôi, nhà ở Hà Nội. Chúng tôi chóng vánh lấy nhau sau một hai tháng tìm hiểu.Và chỉ một năm sau thì tôi sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Phần vì bận chăm sóc con cái, phần vì Hải không đồng ý nên cái ước mơ ngày nào của tôi cũng dần lịm tắt cùng năm tháng. Anh bảo tôi “Cô từ bỏ ngay cái ước mơ hão huyền của cô đi. ừ, cứ cho là cô giỏi về kỹ thuật, nhưng về kinh tế thì cô còn phải học nhiều. Cô thử tính xem để cho ra đời cái công nghệ đó tốn ít cũng phải vài chục tỷ đồng.Vậy cả tỉnh cô phải trồng đay mất bao nhiêu năm mới thu lại được ?”. Hải là thế, với anh cái gì thực sự có lợi cho mình mới làm, không thì đố ai nhờ anh được việc gì. Mặc dù anh là ngưòi chồng tốt và anh làm như thế cũng chỉ để cho cuộc sống hai mẹ con tôi được đầy đủ hơn. Nhưng đôi khi tôi thấy mình lạc lõng, cô đơn trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi đó. Làm bất cứ điều gì tôi cũng phải xin phép anh, kể cả việc cho ai đó số điện thoại. Những người bạn học cũng ít đến nhà tôi hơn.

 

Cuộc sống dù tẻ nhạt nhưng yên ổn vẫn lặng lẽ trôi qua, quyển đồ án điểm mười với ước mơ được cống hiến cho quê hương sẽ trôi vào quên lãng nếu không có một ngày Huy xuất hiện trước mặt tôi: thành đạt và giàu có. Huy kể cho tôi nghe gần chục năm qua anh đã cố quên tôi, lao vào nghiên cứu tìm ra giống cam mới. Bây giờ về quê, tôi sẽ không còn nhận ra mảnh đất nghèo ngày xưa nữa. Nhà nào cũng hai ba tầng cùng những vườn cam mọng đỏ trĩu cành. Còn anh đã thành lập một công ty trên Hà Nội và vẫn chờ tôi…

 

Tôi không hiểu mình đến với Huy vì lẽ gì. Chỉ biết mỗi khi gặp anh, tôi lại thấy như được trở về nơi đã nuôi dưỡng tôi suốt thời thơ ấu: Đôi chân trần chạy trên bờ đê tràn ngập nắng, những cánh đồng đay xanh ngút ngát, xa xa là dòng sông Mẹ đang chậm chạp trôi. Có cơn gió thổi qua làm vẫn vít những ngọn tre: kẽo kẹt, kẽo kẹt như tiếng võng bà đưa năm nào. Và, người đàn bà giặt đay với bộ quần áo màu cỏ úa… Tất cả cứ hiển diện trước mặt tôi, như một phần cuộc sống mà tôi không dễ dàng vứt bỏ.

 

Sau này, rất nhiều lần Huy trách tôi ” Em tham lam lắm, cái gì em cũng muốn. Em vừa muốn là một người vợ đảm đang, mẫu mực, có một gia đình hạnh phúc trong mắt mọi người. Em lại muốn cống hiến hết mình cho khoa học…Đó là điều không thể tồn tại trong một con người, mà đó lại là phụ nữ. Vậy em hãy chấp nhận những gì em đã chọn lựa”. Tôi chợt nhớ đến loài hoa cánh màu vàng mỏng manh như cánh bướm,  ở giữa điểm nhuỵ màu nâu đen huyền bí. Đã có lần tôi đòi Huy xuống hái. Bông hoa đẹp là thế nhưng khi Huy vừa kịp đưa cho tôi cánh đã héo rũ ra. Loài hoa đó chỉ tươi tốt khi nó còn ở trên cây. Tôi đã từng ao ước, giá như nó nở hoa trên một cái cây thấp nhỏ có thể bày làm cảnh trong nhà chứ không phải cao lều nghều như cây đay kia, hoặc chí ít cũng tươi tỉnh khi đã ngắt khỏi cây, thì có lẽ mang bán sẽ đắt giá lắm, vì  tôi cho rằng nó còn đẹp hơn hoa lan rất nhiều. Nhưng đó là sự sắp xếp của tạo hoá, làm sao cưỡng lại được. Còn tôi cũng chỉ như bông hoa đay kia, mảnh dẻ và yếu ớt …

 

Quả thật, đã có những lúc tôi muốn bứt phá khỏi cuộc sống tẻ nhạt để làm một điều gì đó có ích hơn là hằng ngày tám tiếng ngồi cơ quan, làm những công việc không đúng chuyên môn của mình, chiều về lại chợ búa, bếp núc. Và để thực hiện cái ước mơ đã bị mài mòn trong cuộc sống thường nhật đó, chỉ chờ Hải mắc một lỗi nào dù to hay nhỏ là tôi thổi phồng lên, làm nó trở nên quan trọng đến mức cả tôi và anh đều không thể tiếp tục chịu đựng nhau thêm một ngày nào nữa. Có những lúc, dường như cũng quá mệt mỏi khi phải sống với một người vợ “nhiều tâm trạng” như tôi. Hải gầm lên :”Cô tưởng cô là cái gì đó to tát lắm hả ? Cô thử nghĩ xem, cô đã đóng góp được những gì cho ngôi nhà mà cô đang ở ? Cô viết đơn đi, tôi sẵn sàng ly dị cô ngay !” Khi cái ranh giới để tôi có Huy mãi mãi và ước mơ thời tuổi trẻ sắp trở thành hiện thực thì tôi lại nghĩ đến khuôn mặt đẹp đẽ đầy nước mắt của con trai tôi. Ngày xưa bố mất sớm, mẹ bỏ đi xa làm ăn tôi còn có bà ở bên chăm sóc, nuôi dạy. Bây giờ, bà mất rồi ai sẽ chăm sóc con đây ? Câu hỏi đó cứ ám ảnh mãi mãi trong cuộc đời không sao tôi giải được.

*

Huy báo tin “ Mai là ngày cưới của anh ”. Nghe xong, tôi lặng người đi. Không phải tôi tiếc ngôi biệt thự ngay trong thành phố, hay chiếc xe trị giá hàng chục nghìn đô kia. Mà tôi như vừa đánh mất một điều gì đó, lớn lao lắm… Mãi mãi, ngay cả khi tôi không còn trên cõi đời này nữa tôi cũng sẽ không còn được trở lại nơi tôi đã sinh ra. Tôi còn mắc nợ với quê nhiều lắm: Nhuế Dương ơi ! …Trước mắt tôi lại hiện ra những ngôi mộ được sắp xếp ngăn nắp theo hàng, cùng giống nhau từ kiểu dáng đến kích thước với một màu trắng nhờ lạnh lẽo.và chỗ tôi nằm : Hàng thứ sáu.

 

* Nhuế Dương là một xã thuộc huyện Khoái Châu.

Vân Anh
Số lần đọc: 1964
Ngày đăng: 27.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hối muộn - Nguyễn Văn Ninh
Bồng bềnh thiên sứ - Bích Ngân
Anh cũng sẽ về - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hoang đường - Nguyễn Ngọc Tư
Những chiếc lá rách - Ngọc Thủy
Tình cuối - Trần Huyền Trang
Tứ Bình - Cổ Ngư
Người của một thời - Hồ Tĩnh Tâm
Nàng Đae Chang Kim - Nguyễn Hồ
Người tốt - La Thị Ánh Hường
Cùng một tác giả
Nhuế Dương ơi (truyện ngắn)