Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
841
116.686.736
 
Hối muộn
Nguyễn Văn Ninh

Ba năm không thi đậu vào đại học. Năm nào cũng thế, chỉ thiếu một điểm hoặc nửa điểm. Nghe bọn bạn bảo: “chỉ cần một ít tiền làm đơn phúc khảo là được, tôi thở dài ậm ừ tiền đâu ra?” Thất bại nối nhau liên tiếp. Bạn bè đứa thì vào các giảng đường đại học, đứa thì xin đi lao động ở Đài Loan, Hàn Quốc...quần áo, giày dép bóng lộn. Còn tôi sống theo vòng quay: Sáng ra đầu làng chiều cuối làng. Giá tôi kông học hết lớp 12 và lẽo đẻo mấy năm thi đại học, thì cũng như mẹ, suốt đời không ra khỏi cái làng mình. Thất bại sinh mặc cảm, chán, ghét. Bất đầu từ những cái nhỏ nhặt nhất mang dáng dấp quê mùa. Chiếc giá vo gạo đan bằng tre tôi kê dao chặt đứt đôi bắt mẹ phải mua giá nhựa. Tôi cấm mẹ vò nước chè xanh vào ấm tích, đem nó vào xó nhà, cất tiệt. Những thứ rau tập tàng nhà quê tôi cấm nốt, bằng cách đến bữa không ăn! Đến cả những chuyện ở thôn quê. Mấy ông bà già nói thì rõ nhiều, toàn là những chuyện cổ lỗ sỉ lặp đi lặp lại. Các cô gái nữa, cứ ăn mặc na ná nhau. Cả ba cô ra đường thì cả ba cô quần tím, năm cô thì cả năm cô cái áo ống tay bồng, cứ như chị em một nhà được mẹ dẫn ra chợ mua. Con trai đến nhà nhau chơi thì cứ nem nép cửa buồng, thò ra, thụt vào như rùa. Nhiều bữa gặp mẹ tôi gánh nặng, lại đỡ bà tận về nhà, tôi có nhìn họ cũng đỏ mặt vội vã quay đi...

 

             Tất cả đều làm tôi chán, chán hết!

 

            Tôi ghét ba tôi, một ông già cứ biền biệt trong quân ngũ chưa tính xin về hưu. Nếu ông về có khi tôi sẽ được ra thành phố học hành đến nơi đến chốn. Tôi bực với ông bực luôn với bà. Mẹ đang xem chương trình truyền hình quân đội, tôi quát: Nay mai ông về ông kể cho mà nghe.

 

            Mẹ buồn tắt vô tuyến. Màn hình đen ngòm. Mẹ lẽo đẽo về giường nằm. Nhiều khi tôi đổ lỗi cho ba bằng các câu nói không đâu

- Con không đậu đại học cũng do ba !

Mẹ vẫn im lặng. Im lặng đến khó hiểu ! Tôi gán cho ông đủ thứ, nào là đang phải lòng cô cấp dưỡng, đầu bếp hay gái địa phương nơi công tác. Tất nhiên trong ý nghĩ thôi, tôi giữ lại không nói ra, sợ đó là cái danh giới cuối cùng giữa tình yêu, lòng thù hận hay là sự xúc phạm quá độc ác đối với mẹ. Mẹ vẫn cứ ngày đêm lo lắng cho tôi, cho ba. Bà bảo. Ba con về mà thấy con thế này thì buồn lắm! Tâm tư bà chỉ sợ ông buồn. Nhớ lại ngày nhỏ, tôi lấy làm tự hào về ba, thích thú nghe ba kể về các trận đánh hay những mảnh đất mà ba đã đi qua. Mong thư ba như cánh én mong mùa xuân về, thích ba về  phép để kể chuyện. Rồi những khi ba con phải chia tay, lại bịn rịn. Ba ra đi để có thêm nhiều chuyện mới, chuyện của ba của đồng đội... Những câu chuyện giàu lòng nhân ái, cõi tâm hồn tôi chứa đựng có như cánh đồng chứa những mùa vàng . Bây giờ, nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi mình vì sao..., và do ai đã cướp đoạt hết những chân trời trẻ thơ đẹp đẽ đó của tôi? Giá như tôi là thằng dốt đặc lại đi một nhẽ. Tôi bằng lòng với con dao cái cuốc làm bạn với ruộng đồng. Hoặc tôi giỏi hẳn để sớm thành đạt, nhà giàu hẳn để có vốn liếng mở tiệm nọ tiệm kia. Thậm chí nhà nghèo đói đứt bữa để cho tôi chạy ngược chạy xuôi. Đằng này mọi thứ đều dở, đồ đạc dở, cái nhà ngói dở. Tất cả dở như cuộc đời tôi vậy. Tôi còn liều hơn là đem dở xuống tất cả các bức tranh của ba tên khung ảnh, ảnh ông chụp cùng bạn bè. Lấp lên đó là các ảnh lịch chụp hình các cô gái, chàng trai hiện đại... Cho kín nhà, không còn chỗ hở.

 

           Ngày tháng trôi qua, tôi sống phớt tất cả. Hai mẹ con sống trong một ngôi nhà mà luôn lánh nhau. Mẹ thì ngại tôi cáu ngắt, tôi sợ tiếng thở dài của mẹ.

Đêm nay lạ, mẹ không xem tivi như thường lệ. Mẹ ngồi khá lâu bên bàn... mãi mới nói.

-Tuấn mai con ra ga đón ba! Ba con về, lần này về hẳn. Tôi không trả lời ngay mà ậm ừ:

- Đi được thì về được!

Mẹ tôi giận quá, quát lên:

- Con không đi thì thôi, không được xúc phạm đến ba con!

Mẹ buồn lắm, buồn lây cả sang tôi... Sớm hôm sau, bà lặc quặc ra đi.

 

          Chiều đó, tôi về đến ngõ nhà, đã nghe thấy tiếng người cười nói râm ran. Tôi quay ra quán đầu làng làm xị rượu. Tôi muốn ngày đầu tiên ông bước chân về nhà ông phải đau khổ chứng kiến tôi hư hỏng. Nghĩa là ông phải đập phá chửi bới la hét. Ông phải cho tôi một bài học như với lính của ông... Đến lúc đò tôi sẽ bộc bạch những gì hằn học trong lòng cho ông rõ. Toan tính ma mảnh thế, lại một lần nữa tôi thất vọng. Ông chỉ nhìn tôi, buồn buồn ái ngại quay đi.

 

Ba bỏ hai ngày đi thăm các gia đình, đến ngày thứ ba, khi tôi ngủ dậy  mặt trời đã chiếu những tia nắng gắt đến khó chịu. Ngồi trong nhà nhìn nắng mà sợ mình khô héo. Gác đầu lên cửa sổ, nơi mà bóng mát từ xa chưa bị nắng xâm chiếm, tôi nghe tiếng cuốc bổ xuống mạnh và chắc trong vườn, trông ra là ba. Mồ hôi ướt đẫm cái áo cũ sờn, chốc chốc lại đưa cánh tay áo lên lau mồ hôi, lại cuốc tiếp.

Tôi nằm xuống giường.

– Kệ !

    Trưa hôm đó ba lục tìm khắp các gian nhà, không biết ba tìm gì. Tôi cũng không muốn hỏi, tôi luôn tránh cái nhìn thẳng của ông, tránh luôn cả những tiếp xúc. Né tránh tất cả, hờ hửng. Mẹ can.

     - Con nên bảo ba, nắng nghỉ, mát làm, giữ sức khoẻ kẻo vết thương lại tái phát. Con giúp ba cuốc hết mảnh vườn. Chả lâu đâu, chỉ vài ngày là xong.

      Tôi dè bỉu.

- Mảnh vườn đáng gì? Chiến tranh tàn khốc hơn nhiều.

- Con đừng có ăn nói thế. Nhìn ba làm!

 Để xem...

 

      Mãi một lúc lâu ba lôi ra chiếc ấm tích. Sực nhớ ra, tôi đã vứt nó ở xó nhà. Tôi quay mặt đi, dửng dưng như không. Ông lau chùi tráng rửa vò chè xanh hãm mang ra vườn cho đỡ phải mất công vào nhà. Đôi lúc mệt ba vịn tay vào nhành vải, dựa đầu vào cánh tay nhìn xa xăm buồn buồn mắt ngấn lệ. Đến ngày thứ bẩy tôi hỏi được một câu:

- Ba làm gì mà hì hục ở ngoài vườn  “kỳ vậy”? – “ kỳ vậy”! Tôi cố ý dùng cái từ này vào để chỉ các công việc nặng nhọc của ba.

 

      Ông thở dài, đăm đăm nhìn tôi. Tôi tránh cái nhìn của ông, nhìn về gòc trời cây cỏ, bóp chết tình cảm hay sự ân hận. Mãi sau, ba mới nói, hẳn đã có một cuộc giằng xé tha thứ cho tôi.

- À. Ba cũng muốn mơ ước một cuộc sống giàu sang.

  TrờI ! Mơ ước hão ! Tôi nghĩ mà không dám nói ra. Cầm cái cuốc mà cũng nghĩ đến cái chuyện làm giàu.

- Ba định trồng cây gì?

-  Cây ăn quả, trồng hoa và các cây cảnh. Ông giải thích- Thấy họ làm vườn thu hoạch cũng khá lắm con ạ.

   Tôi lặng thinh chấm hết câu chuyện, đi nằm. Từ ngày về mới được mấy phút ba con thân mật, còn là ba ngồi thì tôi đi nằm, ba nằm thì tôi ngồi. Ba về được hơn tháng rồi mà cuộc sống của hai cha con vẫn nặng nề. Ba đăm đắm buồn. Tôi lại càng sinh ra lười nhác đến mức có cơm thì ăn, không thì nhịn, ngủ chán cầm quyển sách, Quá tam ba bận, tôi muốn đi thi thêm lần nữa.

 

  Ánh nắng chói chang gắt lên lưng ba. Cái nắng hầm hập báo hiệu buổi chiều dông. Ba tôi vẫn nai lưng ra cuốc. Từng nhát cuốc dồn dập hơn, cái nắng như đuổi người vào nhà. Mẹ vẫn ngoài đồng. Tiếng cuốc vẫn cứ nhanh dần, phầm phập xuống mặt đất... Rồi tôi nghe như không phải tiếng cuốc nữa, một tiếng khô khốc đập vào đất. Âm thanh lạ lùng phập vào thinh không, đầu tôi hoảng lên, tai ù ù. Tôi lao ra vườn. Chiếc áo ba mắc trên cây, người ông chí độc một cái quần cộc, da tím tái hầm hập, những vết sẹo bầm lại rớm máu. Ông nằm bất động trên bãi đất lởm chởm. Đôi mắt tôi giần giật. Tôi cố bức cho nhanh, nhưng cảm tháy như không bước nổi. Tôi thét lên trong niềm ân hận tột độ:

Ba ơi ba tha thứ cho con!    
Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2329
Ngày đăng: 26.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bồng bềnh thiên sứ - Bích Ngân
Anh cũng sẽ về - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hoang đường - Nguyễn Ngọc Tư
Những chiếc lá rách - Ngọc Thủy
Tình cuối - Trần Huyền Trang
Tứ Bình - Cổ Ngư
Người của một thời - Hồ Tĩnh Tâm
Nàng Đae Chang Kim - Nguyễn Hồ
Người tốt - La Thị Ánh Hường
Vợ dại - Vinh Huỳnh