Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
677
116.674.865
 
Phạm Đức Mạnh – nhà báo, đời thơ (phần tiếp theo và hết)
Hoàng Thị Bích Hà

 

2.Thơ tình của Phạm Đức Mạnh

( Phần tiếp theo và hết)

 

    Mảng thơ tình chiếm vị trí quan trọng trong đời thơ của anh với những vần thơ chất chứa đủ các cung bậc của tình yêu: Tha thiết, đắm say, ngọt ngào, lãng mạn…Trong tất cả cả các tập thơ viết về đề tài quê hương, tuổi thơ, người thân…đều có đan xen trong đó những bài thơ tình. Mới đây anh vừa xuất bản riêng chỉ dành cho thơ tình đó là tập “Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa”:

“Yêu em yêu rã cả hồn

Nhớ em cháy cả hoàng hôn mỗi chiều”

(Vẫn yêu - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Đã không yêu thì thôi mà đã yêu phải yêu thiết tha, yêu hết mình, không hề toan tính:

“Anh nguyện làm con ong cần mẫn

Dù một lần say chết với em thôi”

(Lỡ vô tình - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Anh còn miêu tả cụ thể hóa nỗi nhớ trong tình yêu bằng con số cụ thể 1/1000 giây. Có nghĩa là nỗi nhớ cồn cào da diết không một phút giây nào thôi nhớ em kể cả trong mơ:

“Cứ 1/1000 giây lại nhớ em

Cồn cào cơn khát cứ đầy thêm

Bốn mùa nhớ nhớ chồng lên nhớ

Mắt ngủ vẫn cười mơ thấy em”

(Nhớ - Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

    Anh đưa vào thơ những thi liệu tuy không mới bởi vì nó đã có trong mặt thi ca từ thế kỷ trước như là “tia nắng, hương kỷ niệm, nụ hôn” nhưng khi được anh chọn lọc, gieo vần một cách hợp lý để mở ra một sắc thái cảm xúc mới, bằng ngôn ngữ bình dị trong sáng và dễ hiểu tạo nên những vần thơ thật đẹp, thật nồng nàn, lãng mạn làm lay động lòng người.

“Vườn yêu xưa ấy hẹn em

Bâng khuâng tia nắng loa kèn còn đây…

 

…Giữ hương kỷ niệm không tàn

Vườn yêu em mãi nồng nàn nụ hôn”

(Vườn yêu - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

   Diễn tả mãnh lực của tình yêu, thi nhân sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh làm cho câu thơ đầy sức biểu cảm:

“Em là ngải, là bùa mê

Hồn anh quên mất lối về tại em”

(Tại em - Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

 

“Tại em gieo gió vấn vương

Khiến anh xây xẩm lạc đường duyên tơ”

(Tại em - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Phạm Đức Mạnh đưa vào thơ lục bát những hình tượng đẹp bằng thủ pháp ẩn dụ. Si tình đến thế là cùng thi nhân ơi! Khi anh không tiếc gì với nàng thơ, tặng hết cho em những gì tươi sáng nhất, đẹp đẽ nhất của tâm hồn anh, cuộc đời anh cho em. Nếu còn thiếu anh có thể vay thêm đất trời những gì tinh túy nhất, rực rỡ nhất để tặng em.Tôi tin rằng trước lời tỏ tình này nàng thơ không thể không xiêu lòng. “Thôi đành mang tiếng đa đoan

Tặng em luôn cả nắng vàng hồn anh”

(Vay nắng - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Thi nhân cũng đưa một chút hờn ghen rất dễ thương vào thơ tình để các cung bậc yêu đương được tròn đầy như tình yêu vốn có:

“ Xin em giấu nụ cười xinh

Chỉ mình anh nhớ, chỉ mình anh thôi…

 

…Xin em mở cửa giấc mơ

Đón anh dệt nốt ý thơ đa tình”

(Xin em - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Anh sử dụng nghệ thuật ẩn dụ và hình tượng “ chết đuối trong thơ” để miêu tả nguyên nhân của nỗi nhớ. Giọng thơ đi vào chiều sâu tâm tình:

“Đêm nào trời cũng ngủ mơ

Chắc ta chết đuối trong thơ nhớ nàng”

(Trời ngủ mơ - Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

    Anh cũng thể hiện những ngọt ngào lãng mạn trong thơ tình bằng những vần thơ năm chữ rất thành công:

“Ai rót vào giấc mơ

Mật ái ân ngọt lịm

Anh về mùa trăng chín

Hương ngát đầy hồn em”

(Giấc mơ khóc cười - Tập thơ Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa)

“Chỉ cần cây viết mộng

Tôi nhốt cả bầu trời

Em ngồi oan trong ấy

Thấm ngục tù nhớ tôi”

(Nhốt trời - Tập thơ Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa)

    Thi nhân ví mình như khách lãng tử, chỉ đi “mót gió”, “lượm trăng” vậy thôi! Đôi khi không cố ý nhưng vô tình gặp em thì đột nhiên tình em như cơn lũ quét có thể cuốn phăng tâm hồn tôi qua hình ảnh ví von làm cho câu thơ tràn đầy xúc cảm:

“Tôi đi mót gió lựa trăng

Bị em lũ quét cuốn phăng mất hồn”

(Đời hoang - Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

“Cầu xin đức Phật từ bi

Người em mong đợi ước gì là…tôi”

(Uớc gì - Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

     Bằng những câu thơ mang tính ước lệ cao, anh phác họa người anh yêu dấu qua các cụm từ “má lúm đồng tiền”, “mắt lụa”…“đảo điên kẻ thèm” cũng đủ hiện ra trước mắt người đọc một giai nhân đầy quyến rũ cho anh gieo khát vọng ước ao hạnh phúc trong biển tình dấu ái:

“Che em má lúm đồng tiền

Cho tôi mắt lụa đảo điên kẻ thèm

Để còn chỉ anh với em

Mở toang niềm nhớ say men tình nồng”

(Che - Tập thơ Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa)

    Thơ Phạm Đức Mạnh phảng phất chất ca dao ở những vần thơ lục bát, bởi có lẽ thời thơ ấu được đắm mình trong những lời ru của mẹ. Những hình ảnh “trăng tròn” “trăng khuyết” và các motip đầu câu “ước gì…” “ Thôi đành…” đó cũng là cội nguồn văn hóa dân tộc mà chúng ta có sự kế thừa, ai cũng ít nhiều ảnh hưởng khi làm thơ lục bát. Anh cũng có ít nhiều ảnh hưởng phong cách nghệ thuật của các bậc tiền bối thơ tình như Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử. Thủ pháp nghệ thuật dùng câu hỏi tu từ, đưa vào thơ những hình ảnh “gió, trăng” là những thi liệu không mới, nhưng anh đã chọn đưa vào thơ một cách kế thừa và sáng tạo thành những vần thơ hay ấn tượng và cũng rất riêng. Nếu trăng của Hàn Mạc tử là: “Trăng nằm sóng sỏa trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi” còn “Gió” của Nguyễn Bính là: “Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” thì ở Phạm Đức Mạnh những thi liệu này anh sử dụng theo cách riêng bằng thể loại thơ bảy chữ tạo thành những vần thơ có thi ý ngọt ngào, lãng mạn và đắm say:

“Gió đã kề môi đêm đã say

Sao anh còn vương vấn với ngày

Tình em đã chín mùi hương mộng

Trăng khỏa thân chờ anh có hay”?

    Nói đến tình yêu, không thể không nhắc đến mối tình đầu. Có lẽ đối với nhiều người đều có mối tình đầu rất ngọt ngào những cũng lắm đắng cay vì những lý do ngoài ý muốn. Chiến tranh, xa cách và li biệt:

“Hoa gạo đầu làng vẫn đỏ trông

Duyên trăng dạ khúc dáng sông Hồng

Ngày tôi đi lính em quên đợi

Ngược dòng bỏ lại bến hư không”

(Hoài tường - Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

     Bỏ lại sau lưng những ước mơ còn dang dở, gác lại những ước mơ hoài bão, người lính ấy ra đi:

“Đêm chia tay thành phố lên đường

Ánh điện lung linh lòng em thêm nhớ

Lâu đài ước mơ xây còn dang dở

Hơi ấm đợi chờ đọng mãi trên môi”

(Đêm chia tay - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Chiến tranh là khốc liệt, điều đó anh cũng hiểu nhưng người lính ấy vẫn cảm thấy có lỗi với mối tình đầu. Tình yêu đầu trong sáng, thơ mộng không sao quên được trong bước đường viễn chinh:

“Biết rằng có lỗi với em

Bước vào chiến dịch lỡ quên tháng ngày”

(Có lỗi - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

     Thôi cũng đành chấp nhận chuyện nợ duyên chưa tròn dấu ái, xếp lại tình xưa vào ngăn kéo của ký ức với nhiều tiếc nuối. Ở đây ta thấy có sự gặp gỡ giao thoa ở tư tưởng với “mặt trời thi ca Nga”: “Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm/Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em” (Puskin) đó là sự hi sinh cao thượng trong tình yêu:

“Tôi niệm tình xưa cuối trời mưa tím

Để cho em niềm hạnh phúc nguyên đầy

Dù phải lang thang kiếp luân hồi cay đắng

Tôi chẳng dại khờ lần nữa mất em”

(Chẳng dại khờ - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Đối với người vợ tào khang - người đi cùng anh đến cuối con đường hạnh phúc, anh cũng đã dành những vần thơ thật đẹp, son sắt nghĩa “gừng cay muối mặn”. Nhờ có em tôi mới trở về nguyên vẹn bản ngã là tôi như vốn có:

“ Mặt đời thường bạc như vôi

Sao em can đảm cho tôi trọ tình

Có em tôi chính là mình

Chọn dòng đổi phận dập dình sóng êm”

(Hai lần đò - Tập thơ Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa)

     Tình yêu trong hôn nhân vẫn tròn đầy tha thiết, nồng nàn của thuở ban đầu gặp gỡ, tình đó cộng thêm cái nghĩa bền lâu để xây đắp hạnh phúc trong cuộc sống gia đình:

“Hai trái tim trong ngôi nhà mỗi tối

Vẫn bên nhau ngày tháng êm đềm…

 

…Vui đi em - còn bao điều mới lạ

Cho mình bên nhau như thuở nồng nàn”

(Vui đi em - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Em xứng đáng bởi em nhân từ, đức hạnh biết vun vén, chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái:

“Mỗi ngày trở về vườn xanh hi vọng

Em hân hoan gieo những hạt nhân từ

Mùa bội thu em hái về trĩu quả

Hạnh phúc ngọt ngào xóa hết sầu tư”

(Từ bữa ấy - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Tình nghĩa vợ chồng, luôn bên nhau chia sẻ vui buồn và anh nguyện là bờ vai vững chắc cho em để cùng nhau đi đến bến bờ hạnh phúc bên con cháu:

“Lúc buồn em tựa vào anh

Bao nhiêu cay đăng hóa thành bờ thương”

(Tựa vào anh - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

3. Thơ Phạm Đức Mạnh với song thân, chị em và mối tình đầu

 

    Trước hết anh là người con hiếu thuận. Anh đã giãi bày nỗi niềm rất đỗi chân thành trên những vần thơ dành cho song thân với tấm lòng biết ơn sâu nặng. Anh sử dụng biện pháp so sánh “ Vòng tay mẹ” là “ bầu trời” thể hiện qua những vần thơ lục bát rất ấn tượng:

“Khi con cất tiếng chào đời

Vòng tay mẹ ẵm là trời của con

Con tìm bầu sữa ngọt thơm

Con đâu hay mẹ sớm hôm nhọc nhằn”

(Lời mẹ - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Thi nhân ghi lại cảm xúc của mình với nhiều thể loại phong phú. Lục bát truyền thống, thơ tự do, thơ 5 chữ, thơ 7 chữ, thơ 8 chữ…

“Năm tháng trôi

Chân mỏi gối mòn

Mẹ vẫn dành hết cho con miếng cơm manh áo

Khi dòng đời cứ dày thêm giông bão

Mẹ gồng mình che cho con bình yên”

(Con làm mẹ khóc - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Những hi sinh mất mát của mẹ không thể đong đếm nổi khi nói về đức hi sinh, tảo tần chăm lo nuôi dạy con cái, ở khổ thơ này anh dùng động từ “vuốt” bên cạnh danh từ trìu tượng ‘thời gian” làm cho câu thơ đầy hình tượng, hàm súc và biểu cảm:

“Thương mẹ cả đời bốn mùa cặm cụi

Cố kéo dài ngày cho đủ miếng ăn

Đêm lặng lẽ vuốt thời gian phẳng lại

Để cho con êm ấm chỗ con nằm”

(Hương quê - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

“Mài tuổi xuân rũ cơn khó nhọc

Một đời tất tả vì con”

(Tấm áo thời gian - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Đối với cha, anh cũng thể hiện ơn đức cao dày khi viết về cha những vần thơ cảm động:

“Dẫu đời có bạc như vôi

Trần gian đã khác xa rồi ngày xưa

Dẫu cho tất cả dư thừa

Thiếu cha tôi sống vẫn chưa nên người”

(Cha - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Được sinh ra, lớn lên trong vòng tay cha mẹ, cho ăn học nên người là niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Nhà thơ PĐM đã nói lên điều đó là tiếng lòng của anh mà cũng là nói hộ cho tất cả những người con khi nghĩ về các bậc sinh thành nuôi dưỡng:

“Nuôi con khôn lớn đến giờ

Mẹ cha đánh đổi xác xơ cả đời

Ngoái nhìn về mẹ con ơi

Khi con đến những phương trời con mong”

(Lặng thầm - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Cha mẹ vắt sức nuôi con, nâng bước cho trưởng thành, như con chim đủ lông, đủ cánh bay xa. ít khi con đỡ đần hôm sớm để bưng tách trà dâng cha, bát canh dâng mẹ. Cũng bởi khoảng cách địa lý mà khi về cõi vĩnh hằng, không ít phận con cái cũng không kịp về đưa tiễn. Anh gửi vào trang viết những vần thơ đẫm nước mắt:

“Ngày cha đi xa - không kịp về tạ tội

Vành khăn chờ tôi côi cút giữa bàn thờ”

(Nước mắt đá -Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Người đọc chúng tôi chia sẻ với anh nỗi đau này. Nỗi đau chia cắt âm dương là nỗi đau không sao bù đắp được!:

“ Nỗi đau lớn nhất trên đời

Mất cha, mất mẹ mồ côi một mình

Dù cho phú quý hiển vinh

Vẫn không đổi được nghĩa tình mẹ cha”

(Nỗi đau lớn nhất -Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

“Mồ côi trắng ngõ tủi hờn

Ngôi nhà thiếu mẹ ngập cơn mưa đời”

(Nhớ mẹ - Tập thơ Đếm Lãi Nụ Cười)

    Chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại, lẽ ra mọi người được bên nhau nhưng nguyên nhân nào mà cảnh sum họp không đến như ý muốn:

“Chắp tay xin lạy đất trời

Chiến tranh cũng đã chết rồi từ lâu

Sao cha vẫn ở nơi đâu

Ta đi tìm mộ rách màu thời gian”

(Cha ở đâu - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Còn đâu nữa thiên đường tuổi thơ trong vòng tay của mẹ, được chăm bẵm trong mái ấm gia đình, dù nghèo mà vui. Tháng ngày ấy đã lùi xa, anh ngậm ngùi nuối tiếc thời gian một đi không trở lại:

“Bữa cơm rau ghém, dưa, cà

Giá như còn mẹ nếp nhà vẫn vui

Vịn đêm con tựa ngậm ngùi

Vầng trăng cổ tích bạc mùi thời gian”

(Giá như còn mẹ - Tập thơ Đếm Lãi Nụ Cười)

     Ở khổ thơ này anh thể hiện cách viết đầy sáng tạo. “Vịn” và “tựa” “ vớt” là những động từ được đặt bên cạnh những danh từ trìu tượng:“Vịn vào đêm”, “tựa vào nỗi ngậm ngùi” “vớt nhặt tuổi thơ”… tăng giá trị biểu đạt. Câu thơ gợi cho người đọc cũng thấy được sự chênh chao, hụt hẫng khi không còn mẹ. Dáng mẹ hao gầy, mái tóc bạc phơ vẫn in rõ nét trong ký ức của anh. Hình ảnh “mái tóc trộn mây”- mái tóc trộn màu thời gian là một hình ảnh đẹp. Anh cũng đã dành những vần thơ tỏ lòng biết ơn người chị dã hi sinh hạnh phúc riêng của mình để nuôi em ăn học:

“Chị tôi gác chuyện lấy chồng

Bao năm tối mặt gánh gồng nuôi em”

(Chị tôi -Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

     Tuổi thơ của anh trôi qua trong chiến tranh, cũng gian nan như bạn bè cùng trang lứa. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Trường Hải:“ Khi lịch sử quăng quê hương vào gió bụi/Tuổi thơ tôi cháy sém những trang đầu”. Còn với PĐM:

“Tuổi thơ tôi

Ngủ trên làn bom

Chiếc mũ rơm ngăn bầu trời rạn vỡ”

(Tuổi thơ -Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Nhà thơ Phạm Đức Mạnh lưu lại trong thơ những thiệt thòi, thiếu thốn và mạng sống mong manh của thế hệ anh - những trẻ em sinh ra trong chiến tranh:

“Tuổi thơ tôi không có mùa thu

Không có trăng rằm phá cỗ

Tôi sống giữa nỗi đau

Trắng đêm không ngủ

Hồi hộp lo âu Cái chết treo lơ lửng trên đầu”

(Tuổi thơ tôi -Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

     Tuy vậy anh vẫn rất cố gắng trên hành trình chinh phục con chữ một cách đầy khát vọng:

“Con đường tôi vẫn qua đây

Một thời thơ ấu nhặt đầy tiếng ve…

 

…Tôi yêu trang sách học trò

Trong veo ý nghĩ, ước mơ giăng đầy”

(Ước gì - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

 

 

 

4. Thơ Phạm Đức Mạnh về những chiêm nghiệm về cuộc đời và nhân tình thế thái

 

“Giật mình đi hết đời thơ

Tôi chưa hiểu hết bến bờ khổ đau…

Vì sao ánh mắt mẹ sầu

Vì sao cha mẹ xa nhau đến giờ”

(Ước gì - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Năm tháng trôi đi, hết đời lính trận mạc bên kia biên giới, anh trở về đời thường với công việc mới, cũng nếm đủ những vị đời chua chát nhưng cũng được bù đắp bằng những ngọt ngào nở hoa:

“Nghe con sóng xô hai bờ thương nhớ

Tôi giật mình đã quá tuổi bốn mươi…

 

…Khi nếm đủ biển đời cay đắng

Niềm vui e ấp mới sinh chồi”

(Tuổi bốn mươi - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Tổng kết lại những gì anh đã trải qua, thi nhân có những chiêm nghiệm về cuộc đời, nhìn đời nhẹ nhõm cũng gần với tư tưởng của cố thi sĩ Bùi Giáng “Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật/ Thế cho nên tất bật đến bây giờ”, “ Ta cứ ngỡ” hóa ra là không phải, những bon chen rồi cũng chẳng có ý nghĩa gì khi biết rõ trần ai là cõi tạm. Những câu thơ của PĐM có tính triết luận nhẹ nhàng:

“Cuộc đời là kiếp đi vay

Trăm năm phải trả tháng ngày trần gian

Giành nhau son thếp - lộc vàng

Cũng về nơi ấy - nào mang được gì”

(Tự răn - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

 

“Thôi đành tắm cuộc bể dâu

Khoáng khua sóng đắng bạc đầu khóc quê

Trong mơ lưu lạc trở về

Quỳ hôn lòng mẹ tái tê mong chờ”

(Phiêu dạt - Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

    Phiêu bạt nơi đâu cũng mơ về quê cũ nơi có bóng dáng mẹ hiền từng chờ anh bên bậc cửa.

“Có lẽ mùa thu gọi

Nắng buồn vội đi mau

Lá vàng rơi về cội

Để thời gian thay màu”

(Thu gọi - Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

 “Đời còn sót mỗi nụ cười

Nuôi hồn thơ vụng sáu mươi thu gầy

Gió đừng lúng liếng qua đây

Để tình thương mẹ vẫn đầy hương xuân”

(Với gió tuổi sáu mươi - Tập thơ Đếm Lãi Nụ Cười)

    Như đã nói ở trên ngôn ngữ báo chí khác với ngôn ngữ thơ nhưng đôi khi trong anh cũng có chút ảnh hưởng của nghề nghiệp bởi anh làm báo về tài chính nên trong thơ có từ: vốn, lãi, sinh lời…tạo nên nét hóm hỉnh trong thơ:

“Tròm trèm tuổi đã sáu mươi

Khấu hao vốn liếng còn lời tí ti

Đường đời dài ngắn sá chi

Chừng nào cụt vốn thì đi lên chùa”

(Tròm trèm -Tập thơ Đếm Lãi Nụ Cười)

 

“Trăm mùa xuân tặng em chắc đủ

Chút xuân dư anh làm vốn riêng mình

Phòng bất trắc lúc con tim mỏi mệt

Khi một mình còn chút lãi hồi sinh”

(Trái tim ngoan -Tập thơ Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa)

     Cuộc đời và những thăng trầm dâu bể, với những được mất đã trải qua có lẽ điều quan trọng để cân bằng cuộc sống là thơ. Nếu nói anh làm báo để sống và nuôi dưỡng hồn thơ cũng không sai. Anh đến với thơ để tìm phút giây yên bình trước những bộn bề của cuộc sống. Cũng nhờ thơ mà cuộc sống tinh thần trở nên phong phú để yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống hơn!:

“Giàu, nghèo đổi hết thành thơ

Tình phiêu phiêu vỗ trắng bờ sông ngân?

(Ngày xưa - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Nếu cuộc sống vật chất đôi lúc có phần eo hẹp, nhưng thơ thì lúc nào cũng sẵn có nên cuộc sống vẫn ổn, vẫn có động lực để vượt qua:

“Phiên chợ sớm mai đồng lương còm đã hết

Trong ví đời chỉ còn những vần thơ”

(Mất ngủ - Tập thơ Đếm Lãi Nụ Cười)

    Trong cuộc đời đối với đa số con người ta không chỉ có hoa hồng, mà đôi khi cũng còn nếm cả gai thì quả thật thơ đã cứu cánh, vỗ về tâm hồn thi nhân để cuộc sống có ý nghĩa hơn!:

“Cứ mỗi đêm thức dậy

Anh rửa mặt bằng thơ

Đánh răng bằng dấu cảm

Ăn sáng bằng ước mơ”

(Đầy trong thương nhớ -Tập thơ Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa)

     Tuổi xế chiều của đời người, bây giờ anh có quyền được nghỉ ngơi an dưỡng với một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống bên mái ấm gia đình cùng người thân, con cháu, thú vui điền viên, anh có cách nhìn đời nhẹ như gió thoảng:

“Về hưu!

Thoải mái nụ cười từ thiện

Thú điền viên đây đó quê nhà

Vui với trẻ quyến lòng nội ngoại

Thanh thản nhìn đời nhẹ bước đi xa”

(Về hưu - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Nghệ thuật thơ Phạm Đức Mạnh ở bút pháp hiện thực và lãng mạn, ngôn ngữ bình dị trong sáng, dễ hiểu, kết hợp với cách lập tứ, gieo vần khéo léo. Anh lựa chọn thi liệu, thi ảnh đưa vào thơ rất ấn tượng và kết hợp với các biện pháp tu từ như: ẩn dụ, hoán dụ, ví von so sánh, nhân hóa, đảo ngữ, dùng câu hỏi tu từ…Anh đã viết nên những vần thơ rất có giá trị biểu cảm, lay động lòng người. Thơ anh chưa phải bài nào cũng hay, câu nào cũng hay nhưng với số lượng sáng tác đồ sộ bạn đọc dễ tìm thấy những câu thơ tài hoa trong nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ tâm đắc cho riêng mình mỗi khi có cùng tâm trạng. Có những bài thơ mới đọc lên đã thấy hay. Nhưng cũng có những bài thơ cần đọc kỹ mới khám phá ra những tầng nghĩa và thông điệp nhắn gửi của bài thơ. Từ đó mới cảm nhận được hết vẻ đẹp từ những sáng tác của anh. Cũng có bài thơ chưa thực sự hay với người này nhưng lại hay với người khác khi người đọc tìm được tiếng nói tri âm đồng cảm và sẻ chia. Nhưng điều ai cũng có thể nhận ra là thơ trữ tình của nhà thơ Phạm Đức Mạnh như những khúc tâm tình nhẹ nhàng đi vào lòng người để rồi đọng lại là tình yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống. Thơ quả là sự giải bày là tiếng lòng của thi nhân. Chúng ta trân trọng những đóng góp của nhà thơ PĐM. Những tác phẩm của anh đã thể hiện một sự lao động nghệ thuật nghiêm túc để rút “sợi tơ lòng”, cống hiến cho độc giả những câu thơ mang nặng tình đời đầy thi vị và cũng rất sáng tạo trong cách sử dụng biến hóa ngôn từ. Đó là những vần thơ cảm hứng trữ tình biểu lộ một hồn thơ tràn đầy tình yêu quê hương, yêu người và yêu đời tha thiết.    

    Chúc anh có nhiều sức khỏe để tiếp tục có những đóng góp mới cho nghệ thuật thi ca. Bạn đọc đã và sẽ tiếp tục khám phá những tác phẩm đã xuất bản của anh và có quyền hi vọng, chờ đón những sáng tác mới của anh trong thời gian tới!

 

     Sài Gòn, ngày 05/07/2021

                                                                                                                 

 

 

 

Hoàng Thị Bích Hà
Số lần đọc: 734
Ngày đăng: 16.07.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoàng Vũ Thuật & Người câu gió - Yến Nhi
Nhà văn của tình thương - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Thị Hoàng: ý thức và bản năng nữ phận - Nguyễn Vy Khanh
Hành trình của thơ - Đỗ Quý Dân
Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố* - Trần Hoài Anh
Từ hình tượng trăng – lan man về phía Hàn Mặc Tử - Phan Văn Thạnh
Trần Nam Phong và viết chờ sen lên - Yến Nhi
Thơ thế sự của người sống trong “Mối,mọt,gián,chuột,bóng tối…” - Nguyễn Anh Tuấn
Tình yêu quê hương trong thơ Trường Hải - Hoàng Thị Bích Hà
Chân cảm một hồn thơ. - Yến Nhi
Cùng một tác giả
Chị Xíu của tôi! (truyện ngắn)
Anh tôi! (truyện ngắn)
Chủ nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Nước tràn ly (truyện ngắn)
Giận kẻ bạc tình (truyện ngắn)
Đời là thoáng chốc (truyện ngắn)
Chú Nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)