Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
671
116.674.351
 
Việt Nam và thế giới Trung Hoa
Trương Thái Du

Trương Thái Du có một cách nhìn tổng hợp về đề tài rộng lớn này ,VCV cũng không đồng ý hòan tòan với ý kiến anh đưa ra .Rất mong các ý kiến hồi đáp của các nhà nghiên cứu .VCV

 

Trung Hoa hơn hai ngàn năm qua, sau khi Tần Thủy Hoàng nhất thống Trung Nguyên, chưa bao giờ đơn giản mang thực nghĩa một quốc gia. Nó là cả một thế giới bởi qui mô đồ sộ từ lãnh thổ, dân số, văn hóa, kinh tế đến ảnh hưởng ra bên ngoài. Từ trước đến nay phương Tây luôn hành xử với Trung Hoa trên nhận thức này.

 

Do đó khi xét đến quan hệ Việt – Trung, giới hạn Trung Hoa trong khuôn khổ một quốc gia là khá bất cập. Vào những ngày tháng đầu tiên vận động Đông Du ở ngưỡng cửa thế kỷ 20, Nguyễn Tiểu La đã tâm sự với Phan Bội Châu: “Tôi tưởng tình thế liệt cường bây giờ, nếu không phải nước đồng chủng đồng văn, tất không ai chịu giúp ta: nước Tàu đã chịu nhượng nước Việt Nam cho Pháp, huống gì hiện nay quốc tế suy hèn, cứu mình không xong mà cứu được ai? Duy Nhật Bản là nước tân tiến trong nòi giống da vàng, vừa mới đánh được Nga, dã tâm đương hăng hái lắm; qua tới đó đem lợi hại bày tỏ, tất có hiệu quả, dầu họ không xuât binh mã, mà mượn tư lương mua khí giới tất có thể dễ dàng”[1]. Đoạn tô đậm gần như đã xác định Việt Nam thuộc về “thế giới Trung Hoa”, trước khi người Pháp can thiệp vào Đông Dương.

 

Xung đột Việt – Hoa rất nhiều lần được hiểu là sự xâm lăng từ phương bắc. Phức tạp hơn thế nhiều, nó còn gánh vác “xứ mệnh” mở rộng “thế giới Trung Hoa” nữa. Nhà Nguyên luôn ghép Đại Việt và Chiêm Thành vào một chiến dịch. Nhà Minh vừa bình định Đại Việt vừa gửi Trịnh Hòa thám hiểm những vùng biển mới. Khi nền chính trị Đại Việt qui thuận hoàn toàn Nho giáo dưới triều Lê, Chiêm Thành bị diệt vong. Tuy thế, nền tảng văn hóa bản địa phi Trung Hoa của mảnh đất Trung bộ đã trở thành “chiến khu” đắc địa cho họ Nguyễn đối kháng với chúa Trịnh. Gần ba trăm năm Trịnh – Nguyễn phân tranh cũng là thời gian thực thi đồng hóa bởi “thế giới Trung Hoa” với mảnh đất viễn nam của nó. Gia Long thống nhất Việt Nam và lên ngôi, đánh dấu chiến thắng bề ngoài của vùng đất mới. Song thiết chế văn hóa – chính trị trùm phủ lên Yên kinh thu nhỏ tại Huế, lại nói lên thâm nghĩa của cuộc dâu bể.

 

Ở vào khu vực biên viễn của “thế giới Trung Hoa”, không ít lần người Việt đã có những toan tính và cơ hội vượt thoát. Đầu thế kỷ 19 vua Gia Long đôi lúc nhìn về phương Tây một cách thiện cảm, chẳng hạn như phong quan tước cho những người châu Âu có công. Tuy nhiên đến Minh Mạng thì con thuyền Việt Nam lại quay đầu bế quan tỏa cảng, tuyệt giao với thế giới ngoài Trung Hoa.

 

Một trăm năm tiếp theo, dã tâm ăn cướp dưới chiêu bài khai hóa của thực dân Pháp đã cộng hưởng mãnh liệt với cảm thức “về nguồn” hủ lậu, khiến dân tộc Việt Nam thành kẻ lỡ đường, thành tâm điểm xung đột giữa thế giới Tây dương và Trung Hoa.

 

Từ 1945, mâu thuẫn vốn có lại kết hợp nhuần nhuyễn với màu sắc ý thức hệ, làm cho mảnh đất Việt Nam trở thành chiến trường thử vũ khí nóng rực suốt ba mươi năm.

 

Sau năm 1975 Việt Nam đứng trước đến ba thế giới: Khối XHCN với Liên Xô lãnh đạo, thế giới tư bản phương Tây và thế giới Á đông lục địa (một định vị làm rõ nghĩa của “thế giới Trung Hoa”). Chủ nghĩa dân tộc cốt lõi ở thời điểm 1945, một lần nữa đứng ở ngã ba đường. Người Mỹ nuốt lời hứa bồi thường chiến tranh và quẳng ra bánh vẽ của “nhà hàng” World Bank và IMF. “Thế giới Trung Hoa” gia nhiệt Khơ Me Maoist làm sức ép ở biên giới Tây nam. Người Việt đành đoạn bước vào con đường “viễn giao” XHCN và hoàn toàn không ngờ nó sẽ chóng vánh sụp đổ ngay năm 1991 trước mắt.

 

Chiến tranh lạnh hạ màn. Nhân loại hỗn mang. Tôi nhớ mãi bản tin đặc biệt của đài truyền hình Việt Nam tháng tám năm 1991, sau khi Gennady Yanayev tuyên bố thành lập “Ủy ban khẩn cấp nhà nước” tại Moscow. Ngôn ngữ ở đây xác nhận chính trị gia Hà Nội đang nín thở dò đường, run rẩy trước tương lai bất định. Liên bang Xô Viết không thể gượng dậy, một lần nữa “thế giới Trung Hoa” lại kênh kiệu đón về mảnh đất hình chữ S.

 

*

 

Phải công nhận ở trong “thế giới Trung Hoa” gần hai mươi năm nay, Việt Nam đã tiến những bước dài và phát triển vượt bậc. Song, sự phát triển ấy có tương thích với tiềm năng đất nước hay không, có đủ bảo vệ quyền lợi dân tộc Việt trước con rồng dữ Trung Hoa hay không?

 

Thách thức, rủi ro bao giờ cũng đem theo cơ hội. Cần phải khẳng định rõ ràng rằng một dân tộc đơn lẻ không bao giờ có thể bình đẳng với cả một thế giới văn hóa – chính trị. Mâu thuẫn quyền lợi Việt – Hoa trên biển Đông đã, đang và sẽ giúp người Việt nhìn nhận lại chính mình, suy tư đến “thế giới” mà mình thuộc về.

 

Khi nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết những dòng chữ: “Có lẽ ông tổ anh từng là vua chúa vương giả Trung Hoa gặp nạn nên chạy loạn sang đây. Tôi thấy Thụ thật ngây thơ nhưng không dám nói. Dòng họ nào ở miền bắc này mà không chạy loạn hay đội trên đầu xứ Trung Hoa?”, không biết cô có ý thức được mình đã chạm vào đáy sâu tâm can của cả một dân tộc.

 

John Barrow (1764-1848) một quí tộc lớn của hải quân Anh đã viết về hoàng đế Gia Long như sau[2]: “Giống như một hậu duệ Trung Hoa thực sự, như Ngài từng tuyên xưng, của một vương gia nhà Minh, Ngài luôn luôn dùng bữa một mình, không cho phép vợ Ngài hay bất kỳ người nào khác trong gia đình được ngồi ăn cùng mâm với Ngài”.

 

Hoặc giả ít người Việt Nam có thể tưởng tượng được: “Theo số liệu thống kê của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, 5 năm sau ngày 30-4-1975, đã có hơn 675.000 người gốc Hoa trong tổng số 900.000 người Việt rời khỏi Việt Nam[3]”.

 

Tôi đoan chắc rằng phức cảm huyết thống/cội nguồn là một ẩn số vô cùng to lớn, giúp người Việt Nam luôn cảm thấy an toàn khi ở trong “thế giới Trung Hoa”. Mỗi khi nhắc đến từ “Trung Quốc”, cho dù ở giữa một câu miệt thị, hàng loạt hiệu ứng tinh thần đối chọi sẽ xuất hiện trong tâm hồn mọi đám đông Việt Nam, kích thích họ không thua gì ma túy hoặc những khẩu hiệu cách mạng. Chính phức cảm này đã trói chân trói tay nhà Nguyễn đầu thế kỷ 19, khiến họ không thể thoát khỏi “thế giới Trung Hoa” hủ lậu khép kín thời ấy. Nó biến sự so sánh Việt Nam và Phù Tang luôn luôn không tưởng, vì cơ bản dân tộc Nhật khá đồng chủng và không bị pha trộn huyết thống Hoa Hạ.

 

Ở giữa “thế giới văn hóa Đông Nam Á”, trường hợp Thái Lan chẳng hạn, các lãnh tụ chính trị gốc Hoa của họ ít khi nào giấu giếm xuất thân và cơ bản xã hội cũng bàng quang với thông tin ấy. Trái lại, tại Việt Nam, câu chuyện tương tự thường là kín đáo. Cựu thủ tướng quá cố Võ Văn Kiệt dành nhiều thời gian phản biện nghi án “bán nước” của tổ tiên mình. Nhưng ngay cả khi ông đã mất, không nguồn tin chính thống nào dám xác nhận Võ Văn Kiệt là cháu của đại thần Minh hương Phan Thanh Giản. Câu trả lời ở đây là: Một phần huyết thống Hán của dân tộc Kinh bị đè nén, bị xuyên tạc bởi những sử gia Marxist, bị dồn ép giữa con bài quyền lợi hai dân tộc Việt – Hoa. Vô hình chung nó trở thành "dục vọng" ngầm, nó sẽ lèo lái đất nước Việt Nam như đã từng lèo lái: càng độc lập lãnh thổ thì càng Hán hóa về phương diện chính trị và văn hóa! Đó là sai lầm của sử học cận đại khi bó buộc lịch sử Việt Nam trong thuyết bản địa, của kiểu tư duy thuần ý chí và hơn hết là của sự kém tự tin đến giả dối, của tầm nhìn làng quê trong vấn đề chủng tộc.

 

Điểm mù nhận thức kia, luôn được hà hơi tiếp sức thêm bằng niềm tin lỗi thời và những quan điểm truyền thống lạc lõng của cả một nền văn hóa chính trị, bắt đầu bằng tục xưng thần của Triệu Đà và tiếp nữa bằng việc "nhận họ" của Hồ Quý Ly. Mặc dù khi truy nguyên mình là hậu duệ Đường Ngu, chủ tâm Hồ Quý Ly muốn ngang hàng với Minh triều, muốn độc lập lãnh thổ với Minh triều, muốn chấm dứt triều cống.

 

*

 

Thế kỷ 21, các đường biên văn hóa đang nhạt nhòa. Nhân loại dần bước đến thời kỳ đại đồng, bắt đầu bằng mũi nhọn thương mại. Do những đặc thù lịch sử, ngoài giá trị mang dấu ấn “thế giới Trung Hoa”, kho tàng của dân tộc Việt Nam đã và đang dung chứa các giá trị tốt đẹp khác của “thế giới Đông Nam Á” và văn minh phương Tây. Một mô hình phát triển khôn khéo cho nước Việt hôm nay, phải chăng là kiểu hòa hợp các tích cực tương đồng và giảm thiểu nhiều khuyết điểm đối chọi phủ nhận lẫn nhau? Đặc biệt nên hết sức cẩn thận trước các con đường hoàn toàn thiên lệch về bất cứ chiều hướng nào.

 

Cơ may thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam dường như rất cần một tiến trình "phi hán hóa" tỉnh táo và đừng lẩm cẩm như trào lưu "trong sáng tiếng Việt" cách đây không lâu. Hẳn nhiên người Việt đang sẵn lợi thế hơn bao giờ hết, để dứt bỏ phụ thuộc vào “thế giới Trung Hoa” hàng ngàn năm qua. Bước khỏi bóng râm định mệnh, chúng ta mới dễ dàng bảo vệ một cách hữu hiệu nhất quyền lợi của chính mình trên mọi phương diện, trong đó có chủ quyền biển Đông.

 

Thảo Điền- 12.2008

 



[1] Phan Bội Châu – Tự phán – NXB VH-TT 2000, trang 45-46.

[2] http://www.gio-o.com/NgoBacVuaGiaLong.html

[3] Người Hoa tại Việt Nam, Nguyễn Văn Huy – nguồn Thongluan.org.

Trương Thái Du
Số lần đọc: 2824
Ngày đăng: 24.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Max Planck – Từ lý thuyết lượng tử đến nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại-1 - Nguyễn Đức Hiệp
Max Planck – Từ lý thuyết lượng tử đến nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại-2 - Nguyễn Đức Hiệp
Ý nghĩa của triết học-1 - Nguyễn Ước
Ý nghĩa của triết học-2 - Nguyễn Ước
Bản lĩnh của sự lựa chọn - Hoàng Vũ Thuật
Bảy lời của Đức Maria & đời sống linh mục -1 - Vũ Duy Thống
Bảy lời của Đức Maria & đời sống linh mục -2 - Vũ Duy Thống
Không gian văn học Miền đông nam bộ và hiện thực đời sống hay tâm trạng đời sống. - Nguyễn Một *
Đi tìm ứng viên giải Nobel cho văn chương Việt Nam - Đông La
Viết về công nhân thời kỳ mới : không ngại cũng không vội ! - Khôi Vũ
Cùng một tác giả
Con rồng chữ (truyện ngắn)
Cuộc cờ (truyện ngắn)
Dạ khúc ven rừng (truyện ngắn)
Hồn phố (truyện ngắn)
Khúc hời ru (truyện ngắn)
Giữa mùa mưa (truyện ngắn)
Đêm thị dân (truyện ngắn)
Triệu Vũ Đế (truyện ngắn)
Sa mạc (thơ)
Nguyễn Ức Trai (truyện ngắn)
Chúng tôi là chó (truyện ngắn)
Á đại gia (truyện ngắn)
Phan và Nguyễn (truyện ngắn)
Vàng ảnh vàng anh (truyện ngắn)
Dương cầm (truyện ngắn)
Lỗi văn hóa (truyện ngắn)
Bức tranh hoa đào (truyện ngắn)
Cành hoa đào lửa (truyện dài)
Hòm thư ảo mị (truyện ngắn)
Đông chí (truyện ngắn)
Man đảo (truyện ngắn)