Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
408
116.792.670
 
Nói thêm về đàn Nam Giao - phần 2
Trương Thái Du

Quan trắc thử

 

Để kiểm chứng giả thuyết của chúng tôi về chức năng trạm quan trắc thiên văn của đàn tế tự, chúng tôi đã quan trắc 45 lần mặt trời mọc từ giữa mùa đông năm 2003 đến giữa mùa đông năm 2004.

 

Vào ngày Đông Chí 22 tháng 12 năm 2003, chúng tôi quan sát từ mép rộng 0.25m (trong) đến 0.3m (ngoài) của khe rãnh Số 2, nằm giữa trụ D9 và D10. Nó chiếu thẳng đến chỏm S8 của dãy Sùng sơn với phương vị là 130 độ 30 phút (hình 5 và 6).

Hình 5 : Quan trắc thử  

Hình 6 : Quan trắc thử

Lúc 8:17:38 am, chúng tôi thấy mặt trời mọc một nửa, chếch về phía bắc chỏm S8 (hình 7). Nó xuất hiện không phải trên đỉnh chỏm S8 mà cũng không phải giữa rãnh Số 2. Lúc 8:23:48 am, mặt trời lọt vào giữa rãnh Số 2, trên đỉnh chỏm S8 (hình 8). Như thế khoảng thời gian giữa hai thời điểm này là τ = 6 m 10 s = 1° 32′ 30″ (hình 9 và 10)[1]. 

Hình 7 : Mặt trời mọc được một nửa ngày Đông Chí 22.12.2003 

Hình 8 : Mặt trời mọc trọn vẹn ngày Đông Chí 22.12.2003

 

Phân tích

 

Theo quan trắc chúng tôi thấy khi nhô lên một nửa vào ngày Đông Chí, mặt trời gần với phía bắc của rãnh Số 2, và không nằm trong rãnh. 6 phút 10 giây sau, khi mặt trời lên đến đỉnh chỏm S8, nó mới lọt vào rãnh, tuy nhiên viền đáy của mặt trời đã tách khỏi chỏm S8. Dù vậy mặt trời mọc ngày Đông Chí ở một thời điểm nào đó trong quá khứ chắc phải nằm đúng ngay đỉnh chỏm S8 trong khi nó lọt hoàn toàn vào giữa rãnh Số 2. Như thế rãnh Số 2 ở phía đông có thể là rãnh dùng để quan sát mặt trời Đông chí thời tiền sử. Sự sai lệch vị trí này có khả năng do tác động của sự dịch chuyển hoàng đạo.

 

Niên đại thiên văn

 

Chúng ta thi thoảng cũng nghe về hiện tượng “tiến động” hay “tuế sai” trong thiên văn. Tuế là năm, sai là chệch đi, tuế sai là sự sai lệch nhỏ hằng năm trong quĩ đạo chuyển động của trái đất, mặt trời cũng như các hành tinh. Với trái đất sự sai lệch này tích tụ theo chu kỳ khoảng 25800 năm. Nghĩa là nếu hôm nay chúng ta thấy mặt trời ở phương vị X, thì đúng 25800 năm sau chúng ta mới lại thấy mặt trời ở đúng vị trí ấy, trên cùng một thời điểm (trong ngày) và vị trí quan trắc ở trái đất.

 

Dùng công thức Newcomb (tên một nhà thiên văn Mỹ, người lập ra công thức này năm 1901), ta có thể tính ra khoảng thời gian từ lúc đài quan sát thiên văn Đào Tự được xây dựng cho đến hôm nay trên cơ sở đã đo được sự chênh lệch τ = 6 m 10 s = 1° 32′ 30″ ở trên.

 

Kết quả là niên đại thiên văn của đài quan sát Đào Tự là 4026 năm, tính từ năm 2003.

 

Hình 9: Vị trí các khe rãnh và đường chuẩn thiên văn.

Hình 10: Độ dịch chuyển vị trí mặt trời Đông Chí sau 4026 năm.

 

夯土柱 (Kháng thổ trụ): cột bằng đất đầm nện chặt D9 và D10.

今冬至日出 (Kim đông chí nhật xuất): vị trí mặt trời đông chí mọc hiện nay.

古冬至日出 (Cổ đông chí nhật xuất): vị trí mặt trời đông chí mọc xưa kia.

地平线 (Địa bình tuyến) : Đường thẳng mặt đất nơi quan sát.

冬至测缝 (Đông chí trắc phùng): Đường nối hai vị trí mặt trời đông chí giữa hai thời điểm quan trắc.

崇山 (Sùng Sơn) : Dãy Sùng Sơn.

 

Kết luận

 

Niên đại thiên văn phụ thuộc vào số liệu thực hành quan trắc và một vài phỏng đoán nền tảng. Không có những phỏng đoán cần thiết, thì không thể xác định niên đại thiên văn cho các công trình khảo cổ. Phỏng đoán ở đây là rãnh Số 2 có thể đã được dùng để quan sát mặt trời mọc ngày Đông Chí. Khi mặt trời nằm lọt giữa rãnh Số 2, cư dân Đào Tự gọi đấy là ngày Đông Chí. Phỏng đoán này dựa trên những lý do sau:

 

Trước nhất, rất dễ xác định vị trí mặt trời mọc ngày Đông Chí bằng mắt thường. Đứng ở một vị trí quan sát nhất định, ta sẽ thấy điểm mặt trời mọc thay đổi theo chu kỳ: đi dần về phương nam đến Đông Chí rồi lại chuyển lên phương bắc cho đến ngày Hạ Chí. Ta có thể đánh dấu vị trí mặt trời mọc Đông Chí bằng cách liên kết với một vật chỉ thị trên mặt đất (như bóng một cây cột dựng thẳng đứng chẳng hạn). Mắt thường rất khó tìm ra thay đổi của vị trí mặt trời mọc ngày Đông Chí trong vòng 100 năm (vì thay đổi này rất nhỏ). Nhưng rất có thể người Đào Tự cổ xưa đã ghi nhận một đường thiên văn chuẩn với đài quan sát để tính toán chính xác Đông Chí (đường thiên văn chuẩn ở đây là đường thẳng nối từ tâm đàn tế tự đến đỉnh chỏm S8). Theo những văn bản cổ, có những cách khác để xác định Đông Chí: Đo bóng mặt trời ban trưa (bóng dài nhất nhằm ngày Đông Chí, ngắn nhất trong ngày Hạ Chí), ghi nhận độ dài ngày đêm (Đông Chí đêm dài nhất, Hạ Chí ngày dài nhất), theo dõi mặt trời mọc, quan sát bầu trời sao, đo độ cao các ngôi sao lúc bình minh và hoàng hôn. Những phương pháp này, dù sao đi nữa cũng phức tạp hơn nhiều so với việc áp dụng đường thiên văn chuẩn của người Đào Tự xưa. Do vậy đường thiên văn chuẩn có thể là phương pháp sớm nhất được người tiền sử dùng để quan sát bầu trời nhằm tính ra dương lịch (lịch mặt trời).

 

Thứ hai, nhiều học giả tin rằng thành Đào Tự là kinh đô của vua Nghiêu, người được truyền kể là tù trưởng vĩ đại và nổi tiếng nhất trong huyền sử Trung Quốc (trước nhà Hạ và nhà Thuơng). Theo một số sách cổ như Nghiêu Điển trong Thượng Thư, Ngũ đế bản kỷ trong Sử ký; vua Nghiêu đã sai những vị quan theo dõi các hiện tượng trên bầu trời như mặt trời mọc, mặt trời lặn, cao độ các ngôi sao để làm dương lịch và âm lịch với 366 ngày một năm, cũng như đưa ra phương án tháng nhuận. Đài thiên văn Đào Tự khớp với những ghi chép nói trên.

 

Thứ ba, dựa trên những quan trắc thử trên các khe rãnh khác, đài thiên văn Đào Tự cũng có thể theo dõi nhiều hiện tượng nữa trên bầu trời để tính ra dương lịch. Chúng tôi sẽ giới thiệu điều này ở một tài liệu tiếp theo.

 

Cuối cùng, niên đại thiên văn dựa trên số liệu quan trắc tại hiện trường đã trùng khớp với việc xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ carbon C 14 của Đào Tự giữa kỳ. Niên đại thiên văn là (4026 +/- 115) năm. Niên đại C 14 thì tròm trèm 4100 đến 4000 năm (xem bảng 1).

 

Bảng 1: Niên đại C 14 của di chỉ Đào Tự

 

Số thí nghiệm                Đơn vị địa tầng     Niên đại (đến nay)      Trước công nguyên

                                                 

 

 ZK1086                        IVT422D                   4080±95                       2130±95

 ZK1086                        IVH420                         4045±95                        2095±95

 ZK1085                        IVT423D                   4030±95                       2080±95

 ZK1102                        IVH419                         3770±130                     1820±130

 

Mặc dù chức năng của đài thiên văn Đào Tự cần nhiều nghiên cứu bổ xung nữa, nhưng những khảo cứu hiện tại cũng đã mở ra triển vọng tìm hiểu thời đại Đào Tự và sự hiện diện của những nhà nước sơ khai tại Trung Quốc.

 

Hình 11 : Đàn tế trời hiện nay ở Bắc Kinh

3. Những câu hỏi

 

Nhìn trên bản đồ tỉnh Sơn Tây, nơi có di chỉ Đào Tự, ta thấy phát tích của văn hóa Hoa Hạ nằm hoàn toàn phía bờ bắc Hoàng Hà. Các triều đại sau thời Nghiêu Thuấn đã nam tiến, vượt Hoàng Hà vào Trung Nguyên. Đất đai bị sát nhập, văn hóa bị thôn tính. Nền văn minh Thần Nông bên bờ Dương Tử trở nên nhạt nhòa trong lịch sử văn minh Trung Hoa. Trả lời được câu hỏi “Cái gì của phương Nam, cái gì của phương Bắc?” trong văn hóa Trung Quốc cũng sẽ gián tiếp trả lời câu hỏi “Cái gì là văn hóa gốc của người Việt Nam, cái gì là văn hóa giao lưu (cưỡng bức hoặc tự nguyện) giữa Việt Nam và trung Quốc”.

 

Thời Nghiêu Thuấn, đàn tế tự ba tầng, hình bán nguyệt chồng lên nhau. Muộn nhất là từ thời Chu trở đi mới xuất hiện quan niệm trời tròn – đất vuông (chẳng hạn xe thiên tử khung vuông, mái tròn). Phải chăng người Trung Quốc đã vay mượn yếu tố “đất vuông” từ phương nam? Gần đây lễ tế Nam Giao ở cố đô Huế đang dần được phục dựng lại như một nét văn hóa truyền thống Việt Nam. So hình ảnh của Thiên Đàn Bắc Kinh và Đàn Nam Giao Huế sẽ thấy sự sai khác: Đàn Việt Nam một bậc tròn, hai vuông; Đàn Trung Quốc ba bậc tròn. Như vậy cần xem lại triết lý “bánh chưng vuông” không phải của người Việt Nam, theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng[2]?

 

Có thể xác tín thuật ngữ Nam Giao có cách đây ít nhất 4000 năm. Giao = tiếp giáp, nên Nam Giao là lãnh thổ tiếp giáp phương nam của vương triều sơ khai Nghiêu – Thuấn. Đây sẽ là mốc thời gian và không gian cho thuật ngữ lân cận: “Giao Chỉ”. Như đã tiền luận trong “Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam”, Giao Chỉ là khái niệm chỉ vùng đất tiếp giáp phía nam của vương quốc Nghiêu – Thuấn (và độc lập với vuơng quốc này). Nếu Giao Chỉ đầu thời Chu nằm ở Đan Dương – Hồ Bắc, cũng là gốc tích tên gọi nước Sở vì Giao Chỉ = Cơ Chỉ = Cơ Sở, thì phải chăng Giao Chỉ cách đây 4000 năm dịch lên phía bắc rất nhiều? Nói cách khác, Giao Chỉ là một khái niệm liên tục di chuyển về phía Nam theo sự bành trướng của văn minh Hoa Hạ.

 

Truyền thống vẽ bản đồ đế quốc Trung Hoa, bao gồm cả Giao Chỉ[3] (một khái niệm biến thiên theo thời gian), của nền chính trị Trung Hoa, thống nhất và xuyên suốt 4000 năm nay. Rõ nhất phải kể đến mô tả biên giới Trung Quốc trong “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” – Sử Ký: Biên giới phía nam nước Tần đến vùng nhà cửa quay mặt về hướng bắc[4]. Truyền thống ấy hiện vẫn đang rành rành  trong lập luận sở hữu Trường Sa, Hoàng Sa và các phần phụ cận giữa Biển Đông của Bắc Kinh. Để giữ vững chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam ở thế kỷ 21, bất cứ quan điểm đàm phán và trao đổi thông tin nào giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn nên tham khảo cổ sử. Như vậy có quá đáng không nếu xuất hiện yêu cầu tái thảo luận cổ sử Việt Nam nói riêng, cổ sử vùng đất từ sông Trường Giang trở xuống nói chung, để nâng nó lên tầm lý luận mới, làm nền tảng cho văn minh Việt Nam hôm nay?

 

Đàn Nam Giao Đào Tự là bằng chứng hết sức khoa học và vững chắc để đả phá luồng giả thuyết “quá mù sa mưa”, đi từ tự ti qua tự hào khôi hài, của một số nhà khảo cứu Việt Nam gần đây: họ dựa vào các sách vở tài tử kiểu “Địa đành phương đông”, cũng như các nghiên cứu di truyền sơ khởi để an ủi nhau “Tổ tiên người Việt Nam đã di cư lên phía bắc, cụ thể là khu vực Trung Nguyên và xây dựng văn hóa Trung Hoa cổ”!!!

 

Thung lũng Đa Thiện,

Đà Lạt tháng 2.2006



[1] Trong thiên văn, đây là góc quay của trái đất giữa hai thời điểm quan trắc.

[2] Xin xem http://vietnamnet.vn/vanhoa/vandekhac/2005/01/371312/

[3] Xin lưu ý, Giao Chỉ ở đây không phải Quận Giao Chỉ mà là khái niệm Giao Chỉ.

[4] Quan điểm này dựa vào kiến thức thiên văn hạn chế của người Trung Quốc cách đây 21 thế kỷ. “Vùng nhà cửa quay mặt về hướng bắc” theo logic Sử Ký, trên cơ sở thiên văn hiện đại, phải ở nằm dưới vĩ độ 23 độ 27 phút Nam (đi qua thành phố Rockhamton Bang Queensland Australia).

Trương Thái Du
Số lần đọc: 3823
Ngày đăng: 13.12.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cam Ranh xưa và nay - Nguyễn Man Nhiên
Phan Thanh Giản - Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Kì (Phần 1) - Hùynh Công Tín
Phan Than Giản - Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam Ki (Phần 2) - Hùynh Công Tín
Một cách nhìn lịch sử hời hợt và méo mó - Hà văn Thùy
Đi tìm di tích Dinh xưa - Nguyễn Man Nhiên
Làng Lại Đà xưa và nay -8 - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -9 hết - Nguyễn Phú Sơn
Làng Lại Đà xưa và nay -7 - Nguyễn Phú Sơn
Đọc lại Truyện Hùng Vương - Hà văn Thùy
Làng Lại Đà xưa và nay -5 - Nguyễn Phú Sơn
Cùng một tác giả
Con rồng chữ (truyện ngắn)
Cuộc cờ (truyện ngắn)
Dạ khúc ven rừng (truyện ngắn)
Hồn phố (truyện ngắn)
Khúc hời ru (truyện ngắn)
Giữa mùa mưa (truyện ngắn)
Đêm thị dân (truyện ngắn)
Triệu Vũ Đế (truyện ngắn)
Sa mạc (thơ)
Nguyễn Ức Trai (truyện ngắn)
Chúng tôi là chó (truyện ngắn)
Á đại gia (truyện ngắn)
Phan và Nguyễn (truyện ngắn)
Vàng ảnh vàng anh (truyện ngắn)
Dương cầm (truyện ngắn)
Lỗi văn hóa (truyện ngắn)
Bức tranh hoa đào (truyện ngắn)
Cành hoa đào lửa (truyện dài)
Hòm thư ảo mị (truyện ngắn)
Đông chí (truyện ngắn)
Man đảo (truyện ngắn)