Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
751
116.736.467
 
Dân chơi cầu Ba Cẳng
Trương Đạm Thủy

Ở vùng Quận 6 Chợ lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt có hình dạng rất lạ có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào Như  cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng.

 

Ngày ngày dân bụi đời ưa tụ tập ở đó để cờ bạc, đá gà, ăn nhậu gây mất trật tự và vẻ khó coi cho khu Chợ lớn mới. Đêm đêm dân chơi đi…”bắt bò lạc” là mấy em gái ăn sương cũng thường coi cầu Ba Cẳng là điểm hẹn để tìm một đêm vui. Vì thế mà cái tên  cầu Ba Cẳng lần hồi đã trở nên nổi tiếng. Và đi xa hơn loại dân chơi nào bị coi là chơi không đẹp, chơi nhếch nhác, chơi thiếu… mỹ quan bèn bị thiên hạ gán cho cái tên:”Dân chơi Cầu Ba Cẳng”.

 

TỪ CHUYỆN CÁ MƯA CÁ NẮNG

 

Có nhiều chuyện chơi mà với con mắt của nhiều người bị coi là trò chơi khó ưa, chơi thô thiển, chơi kém phong nhả, chơi tào lao…cũng đều bị ghép vào cho trò chơi của “Dân chơi Cầu Ba Cẳng”.

           

Nói phải tội, có những chuyện dẫu chẳng dính dáng chi đến cầu Ba Cẳng mà cây cầu nầy vẩn bị tiếng oan. Cũng là chuyện cách đây mấy mươi năm tự nhiên ở đâu không biết xuất hiện một số “dân chơi” đoán mưa đoán nắng để ăn tiền trên cầu Nhị Thiên Đường..

           

Đang giữa trưa tháng 7 tháng 8 tự nhiên có cả chục tay vô công rỗi nghề xuất hiện đang ở giữa cầu nơi mép lề dành cho người đi bộ. Rồi một ông anh tóc tai bờm xờm ngước mắt lên trời theo dõi mấy đám mây, mũi phập phồng ngửi gió. Đây là “nhà thời tiết khí tượng học kiêm tiên tri” ra sức tiên đoán xem sẽ có mưa hay không? Nếu có mưa thì mấy giờ có mưa và mưa bao nhiêu phút rồi tạnh?

Sau khi thấy lều phều một tảng mây ở đâu xa lắc đang trôi tới và ngửi thấy có mùi hơi nước trong gió, “nhà khí tượng học” kiêm nhà cá độ mưa nắng hô lên:

-   Một giờ nữa có mưa, ai cá hông?

-   Một cánh tay đưa lên

Tui cá là không mưa. Mười ăn bảy chơi không? Đây bắt. Nhờ Tư lé làm giùm trọng tài đi. Đây tui giao trước mười đồng, thắng sẽ rinh bảy đồng của Ba Nam Vang đi nhậu chơi.

 

Từ ngày có Ba Nam Vang xuất hiện trên cầu Nhị Thiên Đường kéo theo đám cá mưa cá nắng suốt ngày ngóng mưa ngóng gió mà chẳng chịu làm ăn gì hết bà con chung quanh xầm xì dè bĩu:

“ Đúng là dân chơi Cầu Ba Cẳng!”. ( Mà mắc gì không nói là dân chơi cầu Nhị Thiên Đường? ) Oan cho anh cầu Ba Cẳng quá!

 

Cũng quanh chuyện cá mưa cá nắng kéo dài thêm cái đuôi có nhiều chuyện bi hài.

Chuyện kể có lần cha Ba Nam Vang chẳng biết có phải do Long Vương thương tình bảo kê cho chả hay sao mà đang giữa trưa nắng rát mà chỉ có chút mây như râu ông già trôi lều bều ở chân trời vậy mà chả dám cá trong một giờ 35 phút nữa thì có mưa to. Đám cá độ bắt ào ào, ai cũng tin rằng hôm nay sẽ cho “banh xác” cha Ba Nam Vang.

 

Tư lé trọng tài gôm giữ tiền, ai nấy mặt tươi như hoa chờ quá một giờ 36 phút mà chẳng có giọt mưa nào rơi xuống là sẽ ôm sòng của cha Ba Nam Vang

 

Nhưng cha mẹ ơi, một giờ sau mây tụ, ba mươi phút tiếp theo mưa xối xả. Bất ngờ một tay cá độ chộp bọc tiền trên tay Tư lé rồi nhảy xuống sông lặn mất khiến cả bọn điên tiết thề bắt được thằng “ Dân chơi cầu Ba Cẳng ” sẽ “ xé xác ” nó.

 

Vậy đó, từ cuộc sống hằng ngày mà cụm từ “ Dân chơi cầu Ba Cẳng ” lan rộng trong cõi dân gian xuyên suốt qua các cuộc chơi mà phàm kẻ chơi chơi xấu, chơi láo cá, chơi quỷnh chơi bần đều được dán nhản là “ Dân chơi cầu Ba Cẳng”

 

ĐẾN CHUYỆN ĐÀO CHÙA KÉP MIỄU

 

Cái món gì ai xài cũng được mà còn được miễn phí, xài xã láng, xài vô tư thì được bàn dân thiên hạ gọi là…”của chùa”. Thí dụ như ở cơ quan nhà nước nhiều chủ vị công chức thay vì sử dụng cái “mô - bai” của mình để nói chuyện riêng tư thì lại è vào cái điện thoại công mà rỉ rả chuyện năm non bảy núi hàng giờ. Cái điện thoại ấy bị gọi là”điện thoại chùa”. Trong chuyện ăn nhậu mà khách “biên đình” ngại nhất là đang bửa nhậu “ tửu phùng tri kỷ “bổng dưng xuất hiện một  khách không mời tự nhiên cười cười nói nói sà vô bàn bưng ly rót rót nhẩm tửu vô tư như người… Sao Hỏa. Cái món bia bọt mà vị khách “người Sao Hỏa” kia uống bị gọi là Bia chùa. Hay như gói thuốc mới “khui tem” chưa kịp đốt tự dưng có một bàn tay ở đâu trên trời rơi xuống chộp lấy rồi rút ra một điếu điềm nhiên gắn vào mép bật quẹt và nhả khói với đôi mắt đăm chiêu tư lự như đang thả hồn tìm ý cho một bài thơ. Không chỉ một điếu mà ngồi hoài, hết điếu này sang điếu khác… Cái kiểu hút thuốc hồn nhiên vô tội vạ nầy được gọi là hút “thuốc chùa”. Của dân chơi cầu Ba Cẳng

 

Ở đây nói “dài dòng văn tự ” vậy để dễ đi vào chuyện “đào chùa” là một từ ghép bí hiểm mà chỉ có dân “chát – chát – xình” mới hiểu nó là gì?.

 

Thông thường trong giới đi vũ trường có hai loại: một là có người đi nhảy có đôi có cặp gọi là đi chơi đủ đào đủ kép, hai là đi cu – ky một mình rồi mời mấy em vũ nữ (cave) cùng “nhót” với nhau. Mấy em vũ nữ nầy là “đào” còn ông anh nhảy chung được gọi là “kép”. Nhưng đào cave – vũ nữ là đào có nhận tiền ticket mà khách nhảy phải trả.

 

Vậy “đào chùa” là đào gì? Xin đọc hồi sau sẽ rõ!.

 

THÂN EM NHƯ TẤM LỤA ĐÀO PHẤT PHƠ GIỮA CHỢ…

 

Nói gì nói muốn được từ giả “sư phụ” vũ sư đã xông xáo vào mấy vũ trường mở cửa ban ngày được gọi là “Matinée” thì các môn đệ ít ra cũng phải chịu khổ luyện ở lò của thầy cả năm trời. Từ khi học đếm từng bước, nhớ từng nhịp như trẻ em tập đi cho đến lúc được dìu nhau ra sàn piste lã lướt như cánh bướm giữa mùa xuân giới mê “xình- chát- chát” cũng… bát ngát mồ hôi, đôi khi còn có cả nước mắt chứ đâu phải chơi. Bởi đa số các thầy bà Huấn luyện viên đều rất dể quạu do dạy trước các học viên già đã quên sau, dạy “phăng – tây – si nầy lại lộn qua “phăng – tây – si  khác. Điên lên các ông thầy bà thầy quát nạt, thế là đệ tử già bức xúc lả chả lệ tuông.

 

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận Huấn luyện viên khiêu vũ nào khi cho môn sinh “xuống núi hành hiệp nhảy đầm” đều muốn học trò mình nhảy giỏi nhảy đẹp hơn các “lò nhảy” khác. Vì vậy sau mỗi khóa nâng cao hoàn thiện? chính các ông thầy bà thầy sẽ trực tiếp dẫn quân đi làm quen các vũ trường có suất ban ngày.

 

Dân đi nhảy sành điệu ở các vũ trường nầy chỉ cần nhìn cách nhảy, các “chiêu độc” mà hảo thủ thi  triển thì biết đây môn sinh của lò nào, do thầy bà nào huấn luyện.

 

Sau vài buổi nhảy có “Sư phụ” đi kèm để giúp học viên làm quen và tự tin, thế là từ đây có thể tự do bắt cặp hẹn hò để lả lướt trên sàn nhảy nào mà họ thích. Nhưng hiếm hoi lắm mới có một cặp keo sơn gắn bó “góp tiền chơi chung”, hầu như lớp học nhảy đầm nào cũng có tình trạng “âm thịnh dương suy”, tức nam thiếu nữ thừa. Vì thế quí bà sau khi đạt được…”hỏa hầu” xuống núi thường vào vũ trường với các suất “Matinée” với nhứt nhơn nhứt mã tự làm Độc Cô Cầu Bại, có nghĩa là chỉ đi một mình. Mà nhảy đầm là loại hình “múa đôi”, đâu có tự nhảy một mình  được?.

 

Nói phải tội, nhìn thấy các bà sữa soạn chưng diện như ngày đi cưới chồng, vậy mà vào vũ trường họ phải đi sớm để ngồi đồng ở dãy bàn sát sàn piste. Cứ vào bất cứ sân chơi khiêu vũ suất Matinée (sáng 9g – 11g 30 – chiều 3g – 5g 30) đều có thể nhìn thấy một hàng dài các bà các chị ngồi với ly nước trước mặt. Bất cứ dân nhảy đàn ông nào cũng có thể hồn nhiên đến mời nhảy liên tù tì ba tăng các bà các chị cũng không một lời ta thán mà biết đâu còn được “âu yếm” mời dùng bia hoặc nước ngọt miễn phí.

 

Đấy, hàng dãy các tiên nữ giáng trần ngồi chờ đợi để mong được đôi mắt xanh nào đó chiếu cố chính là các nàng… Đào chùa, ai muốn nhảy cứ mời, càng nhảy lâu các nàng còn xem đó như là danh dự, chứng tỏ mình nhảy đẹp, hấp dẫn nên bạn nhảy không chịu chia tay sớm.

 

Ngọc D. dù tóc bà đã nhuộm đen tuyền, nhưng cứ xem những dấu chân chim nơi khóe mắt cũng có thể đoán bà trên  50. Theo lời bà kể với bè bạn thì bà có chồng. Hồi đó bà bỏ tiền ra cho ổng vượt biên nhưng sang đến Cali rồi sau vài năm còn thư  từ qua lại rồi ổng biệt luôn. Nghe bạn bè báo tin là ổng có vợ mới và đã bỏ Cali đi ở đâu đó không còn ai gặp mặt, bà chị hận chồng nên mới đi học nhảy chơi cho bỏ ghét. “Sao chị, 10 năm vẫn làm đào chùa hoài sao, mắc gì chẳng kiếm mấy đấng mày râu để họ nâng khăn sửa túi cho bà chị?”. Nghe hỏi bà D nhún vai như đầm:”Bộ chú em tưởng bà chị không thử rồi hả? Ban đầu họ là bạn partenaire, sau tình cãm nhích lên một chút mấy ổng đòi làm bồ. Được làm bồ rồi đòi đồng hồ, xe Đờ – rim, đi ăn nhậu họ bắt mình trả tiền. Họ nâng khăn tới mức cái áo không còn, sửa túi hoài nên tiền trong ngân hàng gần cạn. Vậy nên cứ làm đào chùa, ai mời nhảy chơi, không thì ngồi đồng, cóc cần con ma nào nâng khăn sửa túi cả”.

 

Có kinh nghiệm thương đau trong cuộc chơi rồi nên chị Ngọc D bỏ luôn vai “đào lẳng” chuyển sang vai “đào độc” tức là cũng vào vũ trường ngồi lặng lẽ không bắt chuyện với cánh mày râu, luôn giữ dáng lạnh lùng như nàng Tô Thị thờ ơ ngồi nhìn người ta chát- xình trước mặt. Cánh vũ nam nói lén, gọi bà Ngọc D là bà “Tủ lạnh”. Và hệ quả là Ngọc D thường xuyên bị ngồi đồng vì chẳng có con ma nào mời nhảy.

 

Trong khi bà chị Ngọc D giống như “thế giới bị lãng quên” thì người đẹp U.60 Phú ‘đồng bóng” lại năng nổ tuyển lựa bạn nhảy. Để dễ câu những “con cá” lòng tong lượn lờ chung quanh, mỗi lần vào vũ trường mỗi tay chị chàng đeo hàng chục vòng xi- men; mười ngón tay chỉ trừ hai ngón cái, còn lại bao nhiêu đều được trang hoàng mỗi ngón một chiếc cà rá chiếu chiếu chớp chớp. Có vài lời xiên xỏ cho rằng cái kiểu ăn bận lòe loẹt lố lăng của Phú “đồng bóng” chứng tỏ bà nầy chẵng hề biết mỹ thuật là gì ngoài chuyện đi dụ mấy con nai tơ.

 

NAM: NHỮNG CON NAI TƠ ĐẦU CÓ SẠN

 

Ơ vũ trường thuộc Câu lạc bộ X, bên cạnh những ông xồn xồn còn có lác đác mươi anh con trai tuổi chừng hăm mốt hăm lăm lượn lờ. Giới nhảy nhót gọi mấy chú nhóc nầy là: “vũ nam”, đây là mấy em sẳn sàng phục vụ mấy bà chị cô đơn đi nhảy một mình nếu có yêu cầu. Tất nhiên sau khi tàn cuộc mấy bà phải kín đáo dúi vào túi mấy “vũ nam” nầy một tờ giấy bạc coi như  trả tiền ticket.

 

Cà phê cà pháo mãi, tôi mới được “vũ nam” tên Trung “mắt lồi” tự sự về những điều bí mật của giới “vũ nam”. Trung “mắt lồi” lý giải:“Chữ vũ nam chẳng biết do ai đặt, nghe không ổn lắm. Nhưng bên nghề nhảy cánh nữ có vũ nữ cave thì bên phía nam hành nghề nầy thì đành xài chữ vũ nam chứ còn biết gọi là gì nữa?”.

 

Trung “mắt lồi” quê ở NT anh chàng vào Sàigòn học đại học KHTN, Năm đầu chân ướt chân ráo nên học tạm khá nhưng qua năm thứ hai do ngồi quán cà phê nhiều hơn ở giãng đường nên phải ở lại lớp. Trong số bạn thường ngồi đồng ở quán cà phê có một tay sống bằng nghề vũ nam rủ Trung ‘mắt lồi” cùng đi hành nghề. Và gã sinh viên thường học ở quán cà phê hơn chuyện dùi mài kinh sử nầy là ‘Sư phụ” đã truyền cho Trung “mắt lồi” mấy món Rumba, Cha- cha – cha, Tango, Boston… để đi kiếm cơm. Không ngờ Trung “mắt lồi”  sáng dạ, học nhảy đầm mau tiến bộ hơn học các môn Toán – Hóa – Sinh. Trung bật mí: Để làm nghề nầy trước hết là phải có ngoại hình, tất nhiên là phải nhảy giỏi mới…”chuyên trị” được mấy bà. Nhưng đó chỉ là bước đầu thôi. Muốn trở thành một vũ nam ra trò còn phải làm sao cho ít nhất phải có một bà nào đó yêu mình đến nổi chỉ cần mình vừa vắng mặt một buổi nhảy là họ phải chạy đôn chạy đáo hú tìm, rồi còn nghi ngờ ghen tuông nữa chớ. Thế là cá đã cắn câu. Từ đó anh sẽ có quần áo, xe cộ và rũng rỉnh tiền trong túi và tất nhiên anh phải cõng thêm một người tình già. Lúc đó anh mới được người trong giới xem là một vũ nam có…”số má”.

 

ĐÀO CHÙA VÀ NHỮNG TRÁI TIM THƯỜNG SAI NHỊP

 

Ngoài dạng đào chùa do trời sinh ra dưới một vì sao xấu: hơi bị lớn tuổi, không có ngoại hình và nhan sắc đành đến vũ trường ngồi vật vờ chờ ai mời thì nhảy, còn có một dạng đào chùa khác họ đến đó để ngồi…câu.

 

Đây là dạng đào chùa U.40, có chút nhan sắc, ngoại hình tương đối đủ lôi kéo một anh già trốn vợ sẵn sàng chi địa. Em Bông ‘cô đơn” là dạng đào chùa “cao cấp” nầy. Cũng cần mở một ngoặt đơn là dân chát – xình luôn xài “ngoại hiệu” để xưng hô với nhau thôi, còn tên thật của họ là gì ít ai chịu tiết lộ. Bông “cô đơn” là một thí dụ.

 

Nước da trắng trẻo,tóc cắt kiễu “tém Nhựt” luôn chơi bộ đầm dây màu đen. Do có ai đó tiết lộ rằng cô ta hồi trước là thợ chuyên xâu chuỗi hạt cườm để cung cấp cho nhà làm vòng hoa cườm để phúng điếu ma chay. Và vì thế mà có cái tên Bông “cô đơn” ra lò ở cái CLB khiêu vũ nầy.

 

Bông “cô đơn” cũng đi chơi một mình và nhập vào hàng ngủ đào chùa nhưng không phải đụng ai mời cũng nhảy. Còn với mấy gã vũ nam chuyên chờ tiền boa thì đừng hòng Bông “cô đơn” lý tới. Bông “cô đơn” chỉ chuyên nhảy với các ông tóc hoa râm trở lên. Khi mới nhảy lần đầu với cha già trốn vợ đi ăn mãnh nào đó, cô nàng luôn giữ vẻ lạnh lùng như thể trái tim cô nàng đã chôn từ lâu lắm dưới những tảng băng lạnh giáđể làm màu.

 

Nếu như phát hiện “partenaire” của mình chỉ là một cha già đa mỗi ngày vợ chỉ cho dằn túi năm bảy chục ngàn thì lập tức không có lần sau nữa đâu anh ơi. Chàng có ân cần mời nhảy nàng cũng một mực lắc đầu “Hôm nay em mệt quá, xin lỗi”. Tuy vừa mới từ chối đó nhưng nếu như có một khách “biên đình” nào đó có dáng dấp như một Việt Kiều thì cô nàng tức tốc nhào đến tấn công chớp nhoáng ngay. Có lần Bông “cô đơn” mở lời khuyên một bà chị giàđương thất tình với một gã vũ nam. Bông “lên lớp” rằng:”Bà hơi đâu mà vật vã với mấy thằng ấy. Xem em nè, đi nhảy phải chọn mấy lão ấm túi, chịu chi. Nó nhảy đẹp xấu bất cần. Có nhiều cha điệu gì cũng chỉ biết lắc lắc “xì – lô”. Mặc kệ, miễn sao sau khi nhảy nó dắt mình đi ăn, nó còn dám rủ mình đi Shopping mua sắm là được. Kể như mình ít ra cũng câu được một con cá. Sau nầy nếu gặp một con bự hơn thì vất con trước đi là xong lám gì phải lụy nó”.

 

“Thợ câu” Bông “cô đơn” ngồi ở CLB khiêu vũ X được mấy năm nghe nói sau cùng câu được một con cá bề thế lắm. Gã nầy to cao, đầu đinh đúng điệu, đi chiếc A còng bá cố, đeo sợi dây chuyền to như  dây xích chó. Hắn ta bảo đã ở nước ngoài 20 năm rồi, nay về đây định kinh doanh ngành bất động sản. Vậy thì kể như  Bông vô mánh. Vì thế mấy suất nhảy có gã Việt Kiều đầu đinh nầy là cô nàng cười cười nói nói đeo dính nhảy ưỡn ẹo gợi tình như các vũ công chính hiệu. Ai nấy đều tin rằng chị Bông lần nầy đã câu dính một con cá Nhà Táng rồi vì thấy cô nàng luôn có những bộ đầm mới, đồng hồ, lắc tay cũng đều mới. Thế là lọt vào hủ nếp, ấm cật; coi như vô lô độc đắc.

 

Đùng một cái, một bữa kia chàng và nàng đang nhảy ngon lành thì bất ngờ xuất hiện bốn năm con “chằn tinh gấu ngựa” vây chặt và “uýnh hợp đồng” Bông một trận tê tái. Chẳng những vậy nó còn lột sạch dây chuyền, lắc, cà rá, đồng hồ túi xách của cô em. Kẽ chỉ huy trận đánh tự xưng là vợ của gã đầu đinh dám lấy tiền nhà đi nuôi đào nên nay “của bà thì phải trả cho bà”.

 

Dù bị thương tích đầy mình nhưng Bông “cô đơn” vẩn không quên được người tình đầu đinh. Cô nàng bấm điện thoại suốt mấy ngày chỉ nghe đầu kia tít – tít - í – óe thôi.

 

Nỗi nhớ nhung và đau khổ của Bông “cô đơn” sẽ còn kéo dài đến tận… thiên thu nếu như cô ta không được một đào chùa khác phát hiện ra anh chàng đầu đinh hồi nầy đang chơi ở một vũ trường khác với một đào khác. Nhưng trước khi rút lui bỏ rơi gã đã dàn cảnh cho người lấy lại mấy món mà gã đã “thương quí tặng em”. Hận đời đen bạc, thù đứa lừa tình Bông “cô đơn” thề gặp gã ở đâu thì…”sắt” liền tại chổ.

 

ĐÀO CHÙA KÉP MIỂU

CHUYỆN SẦU CƯỜI KHÔNG NỔI

 

Loại kép trời thần như gã đầu đinh nêu trên được coi như dạng Kép nhưng không phải Kép đẹp, Kép mùi mà là Kép miểu chuyên đi dụ khị  những người phụ nữ ưa tiền mà lại cả tin như cô nàng Bông “cô đơn” tội nghiệp nêu trên.

 

Nhưng nói gì nói, những người có tâm sự riêng muốn đi chát – chát – xình để giải sầu hoặc nói tránh đi là đi tập môn thể dục siêu dưỡng sinh cho đở lòng áy náy thì mỗi ngày họ đều có mặt ở các suất Matinéc nơi các CLB nhảy đầm.

 

Vui vẻ tung cánh bướm mong kiếm chút mùa xuân còn sót lại chuyện cũng phải thôi nhưng bên cạnh chuyện nhảy đầm còn biết bao điều  hĩ – nộ – ái – ố bên trong. Nếu đi chơi mà không tỉnh táo thì rất dể bị sa đà vào chuyện tình – tiền và hờn tủi. Và cũng còn những chuyện lắc léo hỗng giống ai muốn cười cũng cười không nỗi bởi những chuyện bí ẩn quái chiêu trong tiếng nhạc và dưới ánh đèn màu.

 

Tóm lại, các dạng dân chơi chuyên lừa đão để kiến tình, kiếm tiền, dụ khị đàn ông, lừa bịp đàn bà phụ nữ theo các dạng bát nháo trên đều có thể liệt vào hạng “ Dân chơi cầu Ba Cẳng ”

Trương Đạm Thủy
Số lần đọc: 2790
Ngày đăng: 14.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đùa với chúa sơn lâm - Đặng Huỳnh Lộc
Nơi đầu ghềnh cuối bãi - Đặng Huỳnh Lộc
Miếng ngon nhớ lâu - 1 - Lê Xuân Quang
Nổi đau - Trịnh Băng Tâm
Chuyện Tam Nông ở đất Phù Chẩn - Vũ Ngọc Tiến
Dế mèn phiêu lưu …sự - Nguyễn Đức Thiện
Chồng trước chồng sau - Võ Ðắc Danh
Nhân kỷ niệm 100 ngày mất của nhạc sĩ La Hữu Vang 28.12-06.3.2008 : Tản mạn đôi điều về anh. - Mang Viên Long
Anh Võ Đình Cường -Thử Hòa Điệu Sống trong Ánh Đạo Vàng. - Trần Kiêm Ðoàn
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -1 - Lê Xuân Quang