Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
500
115.990.228
 
Tôi còn kỷ niệm…
Trương Đạm Thủy

Có lẽ cuộc đời gặp người này gặp người kia rồi quên đi, nhưng cũng có khi như duyên số chỉ gặp nhau dù chỉ một lần rồi trở thành tình bạn bè keo sơn. Tôi với Tâm Đạm – Dương Trữ La với Thiên Hà ở vào trường hợp đó.

 

Tôi ở Bến Tre đầu thập niên 60 lang thang lên Sài Gòn với mộng mơ sẽ được đi vào con đường viết văn viết báo. Mộng mơ thì mộng mơ vậy thôi chứ con đường ấy đâu phải dễ đi. Rồi như duyên “bèo bọt” vào những ngày ngao du trên đất Sài thành, một ngày nọ tôi gặp Tâm Đạm trước tòa soạn báo Tiếng Chuông. Cùng một mộng tưởng như nhau, hai đứa dắt nhau ra quán Kim Sơn trên góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực ngồi uống cà phê bàn chuyện văn chương. Có lẽ đó là một ngày đáng nhớ nhất đời tôi.

 

Thời ấy quán cà phê Kim Sơn nơi hàng hiên là… “lãnh địa” của những tay văn nghệ sĩ “nhí”. Tâm Đạm lúc này đã có thơ đăng rải rác trên các báo nên được một số người biết đến. Được ngồi cùng bàn với anh đối với tôi đó là một vinh hạnh vô biên. Từ đó quán Kim Sơn là nơi hò hẹn giữa tôi và Tâm Đạm. Cách uống cà phê của anh cũng thể hiện… “đẳng cấp” trước bọn tụi tôi. Từ bốn giờ chiều đến sáu giờ tối Tâm Đạm uống ít nhất là bốn tách cà phê đen, hút chừng hai gói Mélia vàng nên móng tay của anh lúc nào cũng đóng vàng nhựa thuốc làm anh em “nể” lắm.

 

Nhưng đó chỉ mới là khúc dạo đầu cho tình bạn giữa chúng tôi.

 

Mãi đến năm 63 trong đợt VII dự thi “Truyện ngắn báo Tiếng Chuông” chúng tôi đều đoạt giải. Rồi cũng tại đây, chúng tôi được biết thêm anh chàng Thiên Hà gốc người Cà Mau, sinh viên “Thánh Kinh Thần Học Viện” – Nha Trang, gác mộng thiên đường “nhập thế” theo nghiệp văn chương trong cõi hồn nhiên đời thường. Và từ đó bọn tôi trở thành một bộ ba. Tuy chưa là gì hết nhưng qua những giải thưởng của báo Tiếng Chuông bọn ba đứa chúng tôi cũng đã tự hào và hạnh phúc lắm, tự coi mình như con ve lột xác ấu trùng, có thể hát ca giữa mùa Hạ nồng nàn nắng ấm.

 

Sau đó ít lâu, Tâm Đạm được nhà văn Bình Nguyên Lộc ưu ái cho đứng tên chung với bút hiệu mới là Dương Trữ La viết feuilleton trên một nhật báo lớn. Lúc này tôi thì về viết truyện ngắn cho tuần báo Ngày Mới của bác Hoàng Phố, còn Thiên Hà thì vừa làm correcteur (thầy cò) sửa bài cho nhà in báo Nhân Loại, vừa làm thơ viết văn phụ trách trang văn nghệ Tân nhạc, Điện ảnh cho một vài tờ tuần báo như Kỷ Nguyên Mới, Văn Nghệ Học Sinh, Bình Dân, Phụ Nữ Diễn Đàn…. Tình bạn giữa chúng tôi ngày càng gắn bó. Đạm thuê một căn gác xóm Vườn Chuối hẻm Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), tôi ở một căn gác trên đường Hai Mươi tức Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), còn Thiên Hà thì… “sang” hơn, chuyên thuê tháng ở các phòng khách sạn, đi làm bằng xe Vespa, ngậm ống vố đeo kiếng trắng cho ra vẻ… “người lớn”. Nhưng rồi về sau chẳng hiểu nghĩ sao anh lại về khu bến xe An Đông đường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) thuê căn gác trọ ở trong một xóm rất… “bụi đời”.

 

Ba đứa ở ba nơi nhưng tôi vẫn thường như con thoi đạp xe đạp đòn dong khi tạt qua nơi Tâm Đạm, lúc ghé về chỗ Thiên Hà. Bọn tôi hay viết lách trong đêm. Còn quá trẻ nên có tiền là ăn xài đến khi cạn túi đôi khi phải ăn cơm chịu hoặc nhịn đói. Sau nhiều “kinh nghiệm đau thương” nên mỗi khi lãnh nhuận bút, tôi và Thiên Hà luôn ưu tiên mua cả chục ổ bánh mì rồi lấy giấy báo bao kỹ quăng lên nóc mùng dự trữ. Khuya hai đứa ngồi hai nơi đầu bàn mạnh ai nấy viết bài của mình. Đói thì xuống hàng quán nơi chỗ bến xe mua một ly sữa nóng về gác trọ hai đứa lấy bánh mì cũ ra chấm sữa để tạm no.

 

Tuy có những ngày “cầm hơi” kiểu đó, nhưng tính “cậu ba Hà” vẫn chẳng bao giờ thèm tích cốc phòng cơ, hễ có tiền là đèo tôi phóng xe kiếm nhà hàng nào kha khá cỡ nhà hàng Chí Tài – Thanh Thế – La Pagode… để ăn uống cho sướng miệng. Hoặc xuống bến tàu gần cột cờ Thủ Ngữ nhậu nằm trên những tấm đệm bàng ở các hàng quán cóc ổi sát bờ sông. Hà thích uống xong chai bia nào thì mua một cái bong bóng hơi cột vào cổ chai rồi thả xuống sông cho cái chai lắc lư trôi theo dòng nước. Chẳng biết có cái chai nào mang thơ trôi về một bến bờ nào đó ở bên kia biển Thái Bình Dương(?)

 

Cũng có nhiều đêm tôi và Thiên Hà ghé vào gác trọ của Tâm Đạm. Ba đứa trải chiếu trên sàn nằm bàn chuyện tương lai. Dù chưa có đủ tiền nhưng đứa nào cũng nhất định phải có tác phẩm in thành sách đặng… “để đời”. In sách là giấc mơ của ba đứa tụi tôi hồi đó. Nhưng phải nói Thiên Hà bao giờ cũng là người nhanh tay lẹ chân, lục đục mấy tháng sau đó giữa năm 1963 đã thấy sách Hà xuất bản bày bán khắp nơi. Đó là tập thơ “Tiếng Hờn” đầu đời của Hà. Và cũng do sự “kích hoạt” của chàng trai đất Cà Mau này mà rồi bọn tôi như Phan Yến Linh, Ngô Tỵ, Dương Trữ La, Phương Triều, Bùi Hoàng Thư và tôi lần lượt có tác phẩm ra mắt công chúng. Đó có thể được coi như một thời rất vui, rất năng nổ của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ chúng tôi một thời Sài Gòn thập niên 60, trẻ trung lãng mạn vậy!

 

oOo

 

Trong một tình cờ cách nay năm năm, tôi gặp lại Thiên Hà, người bạn cũ sau mấy chục năm xa vắng. Cái khoảng vắng nhau ấy cũng gần bằng khoảng thời gian hai đứa chúng tôi lang thang kiếm sống ở mảnh đất Sài Gòn trước đó rất xa. Thiên Hà vừa nghỉ hưu là anh đã vội đến Hội quán văn nghệ 81 Trần Quốc Thảo tìm tôi. Đó là cuộc hội ngộ sau gần 40 năm. Do nhiều hoàn cảnh mà rồi mỗi đứa có một cuộc sống riêng cho đến ngày gặp lại nhau thì hai đứa đã bước qua tuổi lục tuần, nhìn nhau vừa lạ vừa quen, cười vui mà cũng rưng rưng gần như muốn khóc.

 

Ngồi trước ly bia tái ngộ tôi kể cho Thiên Hà nghe về những ngày cuối đời của Tâm Đạm. Lúc Tâm Đạm ra sống ở Cần Giờ có lần tôi đạp xe qua ngã tư Phan Đình Phùng – Duy Tân (cũ) tình cờ gặp Đạm đang đứng ở đó. Mừng quá hai đứa bèn kéo nhau vào quán cóc ven đường gọi mỗi đứa một cốc cà phê. Tâm Đạm lúc bấy giờ gầy quá, anh nói mình đang đi điều trị chứng đau phổi và anh cho biết anh đã chia tay với người vợ đầu đời. Tôi nhìn Đạm cảm thương. Anh là một nhà thơ – nhà văn có tài nhưng đời cũng nhiều lận đận. Trải qua những cuộc bể dâu bấy giờ trông anh xuống sắc và trên nét mặt hiện ra một vẻ u buồn xa vắng.

 

Bẵng đi một thời gian nữa tôi nhận được thư Tâm Đạm, anh cho biết giờ thôi “phiêu lãng giang hồ” giã từ miền duyên hải Cần Giờ về sống với đứa con trai trên đường Huỳnh Văn Bánh – Phú Nhuận. Thời gian này Đạm chỉ nằm nhà không còn cùng bạn bè trà sớm rượu trưa nữa. Anh thích “trò chuyện” cùng tôi qua thư tín. Từ quận Phú Nhuận qua Bình Thạnh đâu có xa, thế mà hầu như tuần nào anh ấy cũng gởi cho tôi một phong thư trong đó nói đủ thứ chuyện trên đời. Có một lá thư Tâm Đạm buồn và nói rằng chắc mình sắp chết. Tôi đạp xe lên nhà thăm anh. Đạm ra mở cửa cho tôi nét mặt vui hẳn lên. Hai anh em bắt ghế ra sân ngồi trò chuyện. Đạm giới thiệu đây là nhà đứa con trai. Tôi khen ngôi nhà xinh quá, Đạm cười buồn: “Hồi nó còn nhỏ, mình mãi lo rong chơi bây giờ già lại về cùng với nó, tội cho con”. Thấy Đạm có vẻ băn khoăn tôi nói với Đạm là nhà con như nhà mình thôi, sống với con cho con nó vui vậy là được rồi, áy náy làm chi cho khổ tâm. Đạm chỉ cho tôi cái bàn làm việc mới tinh và chiếc máy chữ còn nguyên trong hộp, bảo : “Thằng L. , con tôi nó mới mua cho tôi đó. Hôm nào tôi sẽ khai trương cái máy chữ bằng lá thư gởi cho ông”.

 

Quả nhiên mấy hôm sau, tôi nhận được thư của Đạm. Thư đánh máy chứ không viết tay như mọi khi. Lần này nội dung lá thư diễn tả tinh thần Đạm vui hơn, ít than vãn nỗi buồn hơn. Đạm còn khoe vừa mới có đứa cháu nội xinh lắm, dễ thương lắm, mỗi khi buồn nhìn nó là vui ngay.

 

Thế nhưng đến lá thư sau Đạm lại nói với tôi là anh biết mình không còn ở xa bến bờ sinh tử là mấy. Anh viết: “Nhưng tôi vẫn chẳng sợ ngày đó, tôi còn muốn biết giây phút đó nó như thế nào. Song chắc sẽ tiếc lắm bởi khi kinh nghiệm ấy xảy ra rồi làm sao tôi còn có thể kể lại cho ông nghe…”. Rồi lúc 0 giờ ngày 20-07-2000 (tức ngày 26-06 năm Canh Thìn) anh ấy thanh thản ra đi, hưởng thọ được 63 tuổi. Vài tuần sau đám tang cha, D.K.L mang chiếc máy chữ nó mua cho ba nó, đến nhà giao cho tôi để nhớ ba nó. Đó là kỷ vật của Đạm, mỗi khi thấy nó tôi nhớ anh quá chừng.

 

oOo

 

Mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ qua rồi! Bắt đầu tập tễnh anh em bước vào làng văn làng báo cuối thập niên 50 và từ đó là những năm tháng tình bạn bè giữa Tâm Đạm – Dương Trữ La, Thiên Hà và tôi luôn gắn bó nhau dù đôi khi gián đoạn gặp gỡ nhau do thời cuộc lúc bấy giờ.

 

Dù nay Tâm Đạm đã đi xa tôi vẫn luôn nhớ đến anh ấy bởi chữ Đạm lót trong bút hiệu Trương Đạm Thủy của tôi chính là do anh ấy tặng cho từ lúc tôi mới viết được cái truyện ngắn đầu đời.

 

Cùng với Ngô Tỵ, Phan Yến Linh, Hoài Điệp Tử, Phương Triều, Dương Trữ La – Tâm Đạm nay cũng đã ra người thiên cổ. Giờ chỉ còn lại đây Thiên Hà và tôi. Hai anh em mới ngày nào còn “tung tăng tung tẩy” trên chiếc Vespa cà tàng nay Kim Sơn, mai Thanh Thế, mốt Bồng Lai… vậy mà bây giờ mái tóc mỗi đứa muối nhiều hơn tiêu. Và mỗi khi hai đứa có dịp ngồi với nhau lại nhớ đến bạn bè, nhớ đến Tâm Đạm của những ngày ba đứa viết văn viết báo kiếm cơm một cách vui vầy, cứ một đứa có nhuận bút, lãnh lương thì cả mấy đứa… đều say.

 

Thời gian như dòng sông trôi, quá khứ trôi về phương nào không giữ được nhưng có lẽ kỷ niệm giống như những vết hằn năm tháng mà mỗi khi nhớ lại, mỗi khi nghĩ đến lòng bỗng nhiên sao cứ mãi… ngậm ngùi!

 

Sài Gòn tháng 10-2009

Ảnh bìa . Tôi còn kỷ niệm…

Trương Đạm Thủy
Số lần đọc: 1910
Ngày đăng: 16.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những cánh rừng xưa - Trần Quang Vinh
Bạn giàu - Trần Quang Vinh
Tết nhứt về quê - Huỳnh Minh Tâm
Lãng du trong văn học Anh - Lương Văn Hồng
Phán xét lỗi người - Mang Viên Long
Những hồi ức buồn - Khuất Đẩu
Ô cửa sỗ Trường Chu Văn An và nẻo thơ lên miền tây - Bùi Minh Quốc
Nhân Kỷ Niêm 40 Năm Ngày Mất của Nhà Văn Y Uyên : Ngồi mà nhớ lại - Mang Viên Long
Ngày xuân đọc thơ bạn gái - Nguyễn Hồng Nhung
Khoảnh khắc - Nguyễn Một *