Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
739
116.706.725
 
Vũ điệu tuổi mười ba
Trần Thị Ngọc Lan

Khi tôi mười ba tuổi thì Cò Con lên tám. Khi Cò Con mười ba tuổi thì tôi đã ở đâu? Tất nhiên tôi đi làm cửu vạn cho các vùng lân cận, ai thuê gì là tôi làm, không nề hà. Ngần ấy năm ăn học ở trường làng chỉ đủ cho tôi biết một chút lễ nghĩa, để không làm điều xằng bậy. Không nói tục, chửi bậy, không đầu trộm, đuôi cướp. Cũng không thể điềm nhiên cúi mặt xuống mảnh ruộng của làng, cung cúc bón phân xới cỏ, nhìn bọn trẻ trong làng sinh ra lớn lên, chạy vù qua mặt. Có một cái gì khác lắm, không thể sống như xưa, không vô tư, không vồn vã. Mẹ tôi nghĩ, tôi là thân cây xà cừ hay cao su, sống thế nào chả được. Không đáng lo. Mà tôi cũng tin  thế. Có đến mấy hôm, tôi nhìn mãi khu vườn khô khốc rễ tre, sột soạt bờ mương và líu ríu những hàng cau nứt nẻ quanh nhà, cái chum đựng nước rêu mọc xanh lè mà suy nghĩ lung lắm. Làm thế nào, tôi phải làm thế nào, đó là một điều quá đỗi khó khăn. Mắt tôi đỏ kè, tôi đã sụt sịt một mình mà không có Cò Con. Lúc ấy, tôi biết, Cò Con đang nằm co ro trong cái tổ tí xíu, cố quên đi vũ điệu của mình. Cò Con là người vui nhộn nhất trong cái làng nhỏ bé của chúng tôi.

 

Từ lúc sinh ra Cò Con đã không biết nói, người thì bé tí như cái kẹo. Không được đến trường, Cò Con suốt ngày thơ thẩn quanh gốc cây, đám cỏ. Có lần, Cò Con còn trốn bố mẹ ra chơi ngoài bờ sông. Thấy thế, bố mẹ Cò Con giận lắm, la mắng ầm ĩ, cấm Cò Con bước chân ra khỏi nhà. Bà mẹ trẻ cầm một sợi roi mây quất túi bụi vào thân mình gầy guộc của Cò. Cò Con không khóc, ngồi im lìm như một gốc cây. Tôi đã đến. Mười tám tuổi. Thất học. Lêu lổng. Vô công rồi nghề, ăn hại đái nát! Chính tôi đã lôi kéo Cò Con của bà ra bờ sông, để rồi buổi chiều nào nó cũng lăm le ra đó, không nhớ đường về. Hay không muốn về? Thằng Cò mà làm sao ở quãng sông ấy thì bà lột da mày nhé! Bà đã quát mắng tôi như vậy, ồn ĩ, giận dữ, chả nể gì tôi là thằng tú tài! Chẳng thèm biết đến những niềm vui bé nhỏ tội nghiệp tôi đã đem đến cho Cò Con.

 

Bên dòng sông, chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi đã nhảy múa. Còn gì vui tươi hơn là nhảy múa? Nhảy múa trong nỗi cô đơn, trong niềm luyến tiếc. Con diều ai chăn, trôi lửng lơ xa xa bên dòng sông. Có những lúc, tưởng như nó đã đuối sức, nhưng rồi làn gió đã nâng nó lên, cho nó bay mải miết trước mắt chúng tôi. Cò Con thích lắm, cười tít mắt. Vài chú trâu đủng đỉnh đi ngang qua chúng tôi, chúng tôi mải miết nhìn theo, còn chúng thì không hề ngoái lại. Xa xa là một cánh đồng trải rộng, lúa ngô xanh tốt bốn mùa. Thấp thoáng bóng người cặm cụi gặt lúa làm cỏ và tiếng hát trong veo cất lên từ phía ấy. Anh bày cho em nhé, tôi thì thầm, nếu muốn nhìn thấy bầu trời xanh và những vì sao, em hãy nằm xuống bãi cỏ này. Em sẽ đưa mắt từ tây sang đông, từ đông rồi lại sang tây. Lòng chảo màu xanh ấy soi thấu chúng ta dưới này đấy! Em có thể sẽ thấy sao băng. Mỗi con người là một vì sao, em hiểu không? Cò Con ơi, không sao đâu, anh đã đọc sách rồi, con người còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. Càng nói với Cò Con những điều vời vợi ấy, lòng tôi càng rũ rượi vì buồn. Đồ ăn hại đái nát, đồ bị thịt, đồ giá áo túi cơm, mỗi lời nói như mũi kim đâm vào xương tủy. Mấy ai đã sống nhiều, sống u buồn và trong sạch như Cò Con tội nghiệp? Những cánh cò lại bất chợt trở về trên cánh đồng rực đỏ. Trông thấy đàn cò trở về, Cò Con thích lắm, y như đã tìm thấy bạn, tìm thấy anh em của mình. Cò Con đứng bật dậy và bắt đầu nhảy múa. Em xoay tròn trên đôi chân của mình, nhảy tung tăng, chạy một vòng tròn quanh tôi, và đột nhiên em dừng lại, nhoẻn miệng cười và lại nhảy múa. Dường như em sinh ra để nhảy múa, vũ điệu cô đơn của tuổi mười ba, tôi nhìn thấy sự cô đơn trong đó! Em là một thiên thần cô độc. Em nhảy múa thay tôi, biểu diễn thay tôi, nói thay tôi. Nhờ điệu nhảy mà tôi giao cảm được cùng em, thiên thần bé nhỏ. Vũ điệu nghẹn ngào ấy là tất cả những gì em muốn nói và có thể nói với tôi. Khuôn mặt khả ái của em sáng bừng lên, lấm tấm những giọt mồ hôi. Sáng bừng lên bài ca của đất, hy vọng của đất, những hứa hẹn và tình yêu nơi mặt đất, mặt đất quá đỗi đáng yêu và quá đỗi khốn cùng. Cò Con nhảy đến mệt lử, và tôi hiểu đó là món quà duy nhất mà em dành tặng tôi. Qua điệu nhảy kiêu hãnh của Cò Con, tôi nhận ra thân thế của mình trên mặt đất.

 

Hồi đó, nhảy múa còn là điều quá đỗi xa lạ với người dân làng tôi. Người ta chẳng thể biết tới nghĩa của từ khiêu vũ, cũng chẳng thể biết tới một vũ điệu nào. Người nhảy múa như em không là điên thì cũng dở hơi, chứ chẳng thể là gì khác! Cứ làm như người ta chỉ sống được bằng nhảy múa! Hệt như nhảy múa là một lời khước từ, chối bỏ, lời chế giễu đối với dân làng. Nhảy múa là bay tung tăng trên đất, là khúc hoan ca, là nỗi buồn của mặt đất, là linh hồn đau đớn mà tươi vui của mặt đất làng tôi. Em đã diễn tả được hết, chỉ bằng một cú xoay tròn tuyệt hảo, vô tư lự, em đã trút hết tấm lòng vào đó, đến nỗi khi em đứng lại nhìn tôi, thì tôi thấy em thẫn thờ như nhìn thấy một điều vô nghĩa, mặc dù em vẫn tiếp tục cười. Tôi mơ màng trong điệu nhảy của em, và chợt buồn như một triết gia. Đến khi sực tỉnh, giật mình nhìn lại, thì tôi bâng khuâng như mình đã trôi quá xa mặt đất. Hoàng hôn đã buông tím bờ sông. Tôi vội vã nắm lấy tay em. Chúng ta về thôi, Cò Con ạ!

           

Ôi Cò Con thân yêu của tôi! Em đi bên tôi hiền lành, ngơ ngác. Cả đời em có buôn bán gì đâu, mà người ta nỡ gọi em là Cò. Con cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về, cò về thăm quán cùng quê, thăm cha thăm mẹ cò về thăm em! Tôi đã đọc cho Cò Con như thế, một bài thơ trong sách học trò. Lại nữa, con cò con vạc con nông, ba con cùng béo, vặt lông con nào? Lại nữa, công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò lớn, cò dò lên cây! Cò Con lặng im nghe. Cò Con thà là không nói, thà là im lặng suốt đời, chứ không muốn cất giọng ú ớ nài xin! Tôi kéo em đi nhanh. Cò Con giật tay tôi đứng lại. Tôi sững sờ, đã có điều gì mà tôi chạy nhanh đến thế! Đúng rồi, phải đổi thay, phải lột xác, phải vội vã, không thể khác! Tôi phải đưa em về, tươi tắn, vẹn nguyên, trả em về căn nhà đã sinh ra em, và từ ngày mai tôi lại sống với một cuộc đời khác! Ngày mai, mỗi ngày của em trôi qua sẽ không có bóng tôi, không có bờ sông và những cánh diều. Mà tại sao tôi lại phải chịu trách nhiệm về điều đó? Tôi không muốn bị chửi là đồ bị thịt, đồ điên. Tôi đi nhanh như chạy, làm Cò con cuống cuồng vấp ngã và òa khóc! 

           

Đêm đó, tôi ngồi bó gối bên bếp lửa. Tươi vui, tươi vui, thử hỏi tôi còn có thể tươi vui làm sao được? Tôi chưa đủ trình độ để tươi vui. Hiện về trong trí óc tôi là điệu nhảy của Cò Con. Náo nức, xoay tròn, tươi vui, nhảy nhót trong bếp lửa. Vũ điệu kỳ lạ nhất mà tôi được biết. Từng ánh lửa soi lên bức vách võ vàng. Bồ hóng bám đầy gác bếp. Đã hai năm rồi, tôi một đứa có thể bẻ gẫy sừng trâu mà cũng chẳng thể làm gì để xua đuổi đám bồ hóng ấy! Thật là đáng ghét. Đám bạn quanh tôi chân thành, cục mịch, nói cười nhăn nhở. Cứ mở miệng là bay, tao, mi, choa, mô tê răng rứa. Cái gì cũng ăn vào miệng, cái gì cũng nói ra. Dường như chẳng bao giờ có khái niệm về ước mơ, hoài bão, chẳng khát khao một vũ điệu nào! Chán chết. Đôi lần, tôi thoáng thấy có mấy đứa con gái trong xóm cứ nhìn tôi đăm đắm, bộ dạng e dè thẽ thọt, nhìn tôi cắp cặp đi qua. Tôi mười tám tuổi, trên mét bảy, phẳng phiu, lịch lãm, không phải đồ cục súc nhé! Bây giờ, tôi đành cởi bộ cánh học trò và gấp lại vĩnh viễn, bó chặt như cái bánh tét, trèo lên xà nhà và để lại trên đó. Bù lại, tôi mặc chiếc áo ba lỗ và cái quần cộc chẳng ra hình thù gì. Tôi cúi mặt xuống cuốc đất, cuốc đến đâu thì chữ nghĩa và các công thức toán lý hóa rơi lả tả đến đấy. Có lẽ chúng làm béo tốt thêm mảnh đất nhà tôi. Mẹ tôi khen tôi mát tay, trồng rau rau tốt, nuôi lợn lợn béo, cứ thế là khỏi chết đói con ạ! Bố tôi đay nghiến: “Đàn ông có ba việc lớn: tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, mày chỉ có cái xác khô thì làm sao cáng đáng nổi ba việc đó?” Không, bố nói thiếu, còn những giấc mơ, còn vũ điệu? Bất giác, tôi bật cười khùng khục trong miệng. Cả làng này nhìn tôi và Cò Con như người xa lạ. Cứ thấy chúng tôi vui đùa, nhảy múa ngoài cánh đồng là mọi người lại lùi dần, kinh hãi. Bố mẹ tôi không sao, vì họ vẫn nghe tôi nói phô bình thường, nhưng bố mẹ Cò Con thì sợ hết hồn. Họ lập bàn thờ, cúng lễ, gọi hồn, khấn khứa lầm rầm trong một thời gian dài. Dân làng đồn rằng Cò Con bị ma ám, ông chú chết trẻ, bà cô chết già đã cướp mất của nó mất hai vía. Cho nên bây giờ nó chỉ còn lại bảy vía, ẻo lả như đàn bà! Họ lại đồn rằng, tôi là đàn ông mà suốt ngày quấn quýt với nó, thế có chết không! Rồi thì cuộc đời cũng chẳng ra gì, không dật dờ thì cũng dở hơi. Lúc đầu tôi cười ngất, sau cơn cười là cái sự lo, không phải lo cho tôi mà lo cho Cò. Cò Con tội nghiệp. Chỉ qua đêm nay thôi, tôi sẽ quyết định mọi điều, ngày mai cứ thế mà làm! Chao ôi, đêm nay, chưa bao giờ đời tôi khó khăn như vậy! Giã biệt tuổi thơ, giã biệt thời học trò và những trang sách hiếm hoi quý báu, giã biệt Cò Con và cả cánh đồng thơ ấu. Chả lẽ, mỗi con người cứ đeo đẳng mãi sự ngây thơ sao? Cò Con lại rúc vào trong ổ, cái ổ đơn sơ, tùy hứng, thế nào cũng được, nó thật xấu xí, tồi tàn, không giống ổ của con người. Nó đầy những mụn vải vụn, lá khô và cỏ khô, cả những sợi rơm của cái chổi quét nhà, cả những sợi cỏ gà không được rũ sạch đất. Nhưng nó rất đáng yêu, và Cò Con yêu cái tổ của mình như một loài chim lạc loài xa tổ. Tôi đã nhiều lần đứng ngắm cái tổ của Cò Con. Cái tổ chói lọi làm cho tôi nhức mắt. Tôi đưa tay dụi dụi, vẫn chưa hết bàng hoàng. Rồi tôi ngồi xuống, nằm xuống, duỗi thẳng đơ, khoan khoái, nhìn Cò Con rúc vào nách tôi và cười như nắc nẻ. Những năm tháng sau này, tôi cố lục lọi, cố tái hiện, thậm chí đi tìm vẫn không sao thấy được giây phút đó. Là khi tôi đã già và cò con thì xa tổ. Lúc này giá có Cò Con ở bên thì hay biết mấy! Em sẽ cho nổ tung một vũ điệu để cổ vũ tôi. Ngày mai sẽ đi làm thuê rất xa. Cò Con sẽ không hiểu vì sao tôi lặn mất, sẽ không có ai nói đâu, mà Cò Con cũng không bao giờ hỏi. à còn mẹ tôi, mẹ tôi sẽ nói về tôi.

           

Rồi tôi sẽ trở thành một chàng trai thực sự, mạnh mẽ, chứ không sướt mướt, nửa mùa. Một tên lực điền, cục súc cũng được, có hề gì! Điều duy nhất làm tôi day dứt là tôi sẽ không bao giờ cứu được Cò Con. Em đã cho tôi một tuổi thơ êm đềm trong suốt, nhiệt cuồng, không giống ai. Vậy mà tôi đành để lại em nơi ổ rơm của em mà ra đi không một lời từ biệt. Em sẽ oán trách tôi nhiều lắm, đúng không? Tôi không viết thư cho em, và rất tiếc tôi đã không thực hiện được dự định dạy em học chữ. Tôi đi, lăn lóc trong rừng rú, trong đám cà phê, thuốc lá bụi mù để không bị mang tiếng là đồ ăn hại nữa. Tôi làm để kiếm lấy miếng ăn, và sau đó tất nhiên sẽ tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Tôi còn dự định, nếu có tiền tôi sẽ mua tặng Cò Con một cây đàn ghi-ta nữa. Em sẽ nhận ra con người em là một dòng âm thanh bừng sáng, rộn ràng, xiết bao tươi tắn và êm ái. Em sẽ bất ngờ và vui sướng biết bao. Cò Con sẽ nhảy múa trước mặt tôi thêm một lần nữa, mà đó là điều mà tôi mong muốn nhất! 

           

Nhưng tôi không đi một mình, tôi đem theo vũ điệu của Cò Con. Những chiều mưa ngun ngút trên cao nguyên, khi những dòng mưa xiên ngang mặt đất, tôi ngồi bó gối nhớ về em. Tôi còn nhớ, nhiều lần em nhảy múa trong mưa. Em xoay tròn, reo mừng kinh ngạc. Những dòng mưa phải chạy theo em, dòng sông trong vắt dạt dào tung tóe. Những giọt mưa lóng lánh, huy hoàng chảy xuống từ mái tóc, từ nụ cười của em. Chúng chảy say sưa, miệt mài, như nụ cười em chưa bao giờ mệt mỏi, chưa bao giờ lụi tắt, như điệu vũ của em, quay cuồng, say đắm, phát khởi từ tình yêu mặt đất của em mà tôi đã cảm nhận được. Em yêu dòng nước chảy, tôi biết. Tôi đã thấy em nghịch nước, em lặng lẽ nhìn ao hồ, sông suối, em uống từng giọt mưa, tắm trong mưa, nhảy nhót dưới mưa. Nước và mưa đem đến cho em niềm an ủi lớn. Em sẽ yêu biển, tôi nghĩ thế, tôi hứa với em, sẽ một lần tôi đưa em đến biển. Lúc ấy, em nhìn tôi ngạc nhiên, như không tin mình sẽ một lần được thế. Em cúi xuống ổ rơm tồi tàn và òa khóc. Tôi còn biết, khi nghe mưa là cò con thẫn thờ, nhất là mưa trong đêm. Mưa gợi về một dĩ vãng u hoài và một niềm luyến tiếc xa xôi mà tôi và em chưa một lần biết được. Tôi và Cò Con từ lâu giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ lạ, với một tình bạn vong niên kỳ dị nhất trong làng. Tôi sẽ không sao, sẽ làm tất cả mọi việc trước mắt mọi người, để mọi người nghĩ rằng chúng tôi đúng. Chúng tôi đã phải sống thế, bộc trực, chân thành, không thể khác. Tôi và Cò Con. Đúng vậy. Cứ mỗi lần nhìn mưa lòng tôi lại ngồi ngậm ngùi. Tôi nhớ nhà, nhớ Cò Con, nhớ những tháng ngày ngây thơ tội nghiệp mà dẫu có cố gắng kiếm tìm, tôi cũng không bao giờ gặp lại.  

           

Ngày sinh nhật Cò Con, một ngày tháng tư đầy nắng, những cơn mưa đầu mùa hạ mang theo ánh sáng lạ còn sót lại của mùa xuân. Những tia chớp, những tiếng sấm đầu mùa cũng mang âm điệu trong trẻo, kỳ vĩ của nó. Tôi về, xách cây đàn ngang qua vườn cũ, tôi đi tìm em. Bao thời gian đã trôi qua, sự đời đổi thay trong chớp mắt, rất có thể em không còn ở đó?  Em vẫn còn ở đó, ồ, cảm ơn, em vẫn còn ở đó! Em nằm trong ổ rơm, xơ xác, héo hon, đôi tay gầy guộc như hai ống đu đủ, như cái hom sắn sót lại trong vườn. Chỉ đôi mắt là vẫn long lanh sáng, vẻ tươi vui, hồn nhiên không bao giờ lụi tắt. Tôi ứa nước mắt nhìn em, người bạn tri âm tri kỉ của tôi. Cò Con ơi, không sao đâu, anh đã đọc sách rồi, em còn nhớ không, con người thì quý giá hơn muôn vàn chim sẻ! Trông thấy tôi, Cò Con linh hoạt hẳn lên, em ngồi phắt dậy! Cò Con ơi, hãy nhìn xem anh đem tới cho em cái gì đây, một cây đàn mới tinh nhé! Tôi đặt bàn tay gầy của em lên phím đàn và bắt đầu gẩy bập bung. Lúc đầu tôi còn hướng dẫn ngón tay em, nhưng sau tôi để lỏng cho em điều khiển cây đàn. Mắt em sáng ngời, và em bắt đầu gẩy đàn, những giai điệu bật bung, náo loạn, cuồng điên; tôi nhận ra một dòng âm thanh phẫn nộ đang đổ xuống. Nó giết chết những tháng ngày buồn tủi, cô đơn của chúng tôi. Hai đứa làm gì vậy, người mẹ ngạc nhiên hỏi. Bà đã nhìn thấy cây đàn và sắc mặt bà tươi lại. Thôi đừng, điếc tai, bà nói. Nào có ích gì, nào có thay đổi được gì. Tôi nhấc cây đàn, trao cho người đàn bà và nói: cháu tặng thằng Cò cây đàn này, nhân ngày sinh nhật nó! Bà mẹ của Cò Con mở tròn mắt nhìn tôi kinh ngạc. Bà nghĩ người đứng trước mặt bà đang cố tình giễu cợt bà. Nhìn lại ổ rơm, bà thấy đứa con đen đúa, đã khô quắt bao ngày. Nhìn lại tôi, mét tám nhìn xuống bà, vừa lạnh lùng vừa dễ dãi, bà vừa sợ vừa cảm động. ừ ừ, bà lắp bắp, được rồi, cô xin, cô xin! Đến lượt cháu đưa thằng Cò đi chơi, được chứ? Tôi dắt Cò Con ra khỏi cái ổ khươm mươi niên của em. Cò Con xoè hai bàn tay đòi lại chiếc đàn từ tay bà mẹ. Chúng tôi cứ mải miết đi theo hướng bờ sông.

           

Dòng sông vẫn trong như xưa, chúng tôi vẫn thế, đã không thể đổi thay, chỉ khác chăng là giờ đây có thêm một cây đàn. Tôi dành phần chơi đàn còn Cò Con sẽ nhảy. Lần này, tôi nhận ra cơn thịnh nộ của đất ở nơi em. Tôi nhìn thấy Cò Con khóc, vừa khóc vừa nhảy. Khi tiếng đàn đã tắt em vẫn còn xoay tròn. Biết làm sao khác được, Cò Con ơi, thì hãy sống như một sự đã rồi. Cái vũ khúc điên khùng ấy, bài ca truy điệu ấy đã vang lên một lần nữa trong tôi. Cò Con vô tội. Cò Con rất yêu thương cỏ hoa và đất. Thôi mà Cò ơi, em đừng khóc nữa. Mà này, trăng đã sắp lên cao rồi đấy!

           

Tôi không ngờ đó là lần sau cuối tôi được ở bên Cò. Khi mặt trời mọc, người đàn bà chạy đến tìm tôi. Tôi không biết Cò Con đi đâu cả. Mà Cò Con có thể đi đâu ngoài bờ sông ấy? Dân làng đổ xô đi tìm Cò. Nửa chạy vào làng, nửa chạy ra phía khu rừng. Còn tôi, tôi đến với bờ sông. Chẳng có gì, tôi ngồi bó gối, nhìn cỏ dại đang mọc. Chẳng có một vũ điệu cũng chẳng có nổi một cây đàn. Tôi biết làm gì với buổi chiều này, ngoài việc sẽ tiếp tục nhảy múa? Hay là tôi sẽ nhảy bằng một vũ điệu khác, vũ điệu của loài thú, vũ điệu của loài bò sát? Chẳng hề gì, Cò Con như nói, miễn là nhảy, nhảy như một sự đã rồi, sống như một sự đã rồi. Không phải thế ư? Ngày mai họ sẽ đắp mộ cho Cò. Từ nay, trong tất cả những cuộc tiệc tùng, sum họp, trong lễ lạt của xứ này, trong mọi nỗi buồn, niềm vui và chia cắt của họ, sẽ không có mặt của Cò. Vậy khi ấy Cò đã ở đâu?…/.

           

 

Trần Thị Ngọc Lan
Số lần đọc: 1957
Ngày đăng: 08.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bông Cỏ Giêng - Nguyễn Hiệp
Thuốc đắng-1 - Hư Thân
Thuốc đắng-2 - Hư Thân
Trự lập - ManTran
Xôn xao nắng chiều - Đổ Thị Hồng Vân
Bảy sắc cầu vồng - Trần Văn Bạn
Trái tim con rồng đá - Trần Trung Sáng
Hà Chính - Vũ Ngọc Tiến
Song nguyệt - Trần Lệ Thường
Bắt chồng - Đỗ Trọng Phụng