Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
661
116.696.334
 
Quê hương
Trần Thị Ngọc Lan

Đã lâu lắm Thanh mới lại về thăm nhà. Hơn nửa năm rồi chứ ít đâu. Bây giờ là mùa hè, những cây phượng ven đường đã nở. Chuyến xe chật ních người về, mặc dù Thanh ra bến rất sớm. Lúc Thanh lên xe, Cảnh nắm tay cô thật chặt, đầy bịn rịn. “Em cứ về đi, Cảnh nói, anh sẽ về vào lần sau!”. Thanh thở phào nhẹ nhõm. Được đi xa thành phố chật chội, bụi bặm ít ngày, tạm gác những lo âu, bức xúc để về quê, cô thấy thoải mái biết bao! Hình ảnh Cảnh dắt chiếc xe ra cổng bến, trông nặng nề, mệt mỏi, khiến Thanh có ý nghĩ là anh rất khô khan. Dân xây dựng mà, suốt ngày tiếp xúc với gạnh ngói, sắt thép, đêm nằm ngủ một mình nơi công trường còn dang dở, mùi vôi vữa xông lên nồng nặc trong cái im lặng tịch mịch của đêm. Chẳng hiểu sao, suốt dọc đường Thanh cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh Cảnh. Quần áo anh ít khi phẳng phiu, nụ cười ít khi tươi tắn, không ga-lăng, không biết chiều phụ nữ, không hay quan tâm tới những điều lặt vặt. Nghe Thanh bảo: “Mai em về nhà”, Cảnh chỉ “ừ”. Tối qua anh ra về sớm và sáng hôm nay, sát giờ hẹn mới áp xe tới chờ Thanh trước cổng. Vậy mà Thanh đã yêu Cảnh từ khi nào. Đồng nghiệp mà! Có khi anh lặn mất cả tháng với những bản đồ án, thiết kế to đùng, Thanh cũng mặc. Tới bây giờ, nhìn lại thì đã được hai năm.

 

Gần một tiếng đồng hồ sau, Thanh mới hướng tâm trí về quê nhà. Cô bỗng thấy ruột gan cồn cào, giằng xé, chỉ muốn chạy về nhà ngay. Tuy đi xa đã nhiều năm và đã có bao lần cô về thăm quê, nhưng không lần nào trong cô mất đi cái cảm giác đó. Trong chuỗi ngày bôn ba, kiếm sống, nỗi nhớ quê nhà luôn thường trực, giục giã trong lòng Thanh. Khi xe về tới đầu làng, Thanh cuống quýt, rối rít gọi bác tài cho xuống. Đi bộ một đoạn khá xa thì về đến nhà, Thanh thong thả vừa đi vừa nghĩ ngợi. Mọi lần, gặp xe máy của người làng thì cô đi nhờ... Cô về tới nhà lúc mười giờ, đồng hồ treo tường đã điểm. Nhà không có ai, các em chắc đã đi học hoặc ra đồng, mẹ chắc còn ở dưới vườn. Thanh đặt túi xuống tràng kỉ, rồi nhẹ nhàng bước vào phía buồng trong. Cha cô nằm đó, mắt nhắm hờ, chăn đắp ngang ngực, hai tay trần để hở. Dù mùa hè hay mùa đông ông cũng đắp chăn. Một viên đạn của chiến tranh găm vào trán đã làm ông ngày càng đau yếu, kiệt quệ, về già ông mắc chứng thần kinh nằm liệt giường, đã ba năm. Đôi lúc ông cũng có được những phút tỉnh táo, nhận biết những người đến thăm, chỉ có điều ông không nói được. Mẹ Thanh luôn kề cận chăm sóc, phục vụ chồng, tuy nhiên, có những hôm ông ngủ, bà lại tranh thủ làm vườn như hôm nay. Thanh đứng lặng vài giây mà lòng buồn rười rượi. Cô khẽ gọi: “Bố ơi, bố tỉnh lại đi, con về rồi đây!” nhưng ông cụ vẫn nhắm nghiền đôi mắt. Lòng Thanh buồn khôn tả xiết, cô đứng nhìn trân trối, rồi khẽ khàng giém lại chăn cho bố, nâng bàn tay ông lên ủ ấm trong đôi tay của mình. Bố cô khẽ rên gì đó không rõ. Thanh đi ra. Mẹ cô đã về tới sân. Vai bà ghánh đôi rổ sảo có đựng gì đó, chân bà bước có vẻ vội. Bà vừa đặt ghánh ở giữa sân, ngước lên đã thấy Thanh đi ra, cô mỉm cười chạy lại:

 

Mẹ ơi, chúng con đã khánh thành chung cư mười lăm tầng, được nghỉ vài ngày trước khi chuyển đi công trình mới, nên con tranh thủ về thăm nhà.

Bà mẹ quệt mồ hôi trên trán, vội hỏi:

Thế à? Thế mà mẹ cứ tưởng mày đi các địa phương. Thế về từ lúc mấy giờ?

Thanh cất nhấc giúp mẹ đôi quang ghánh, hai mẹ con cùng đi vào trong bếp. Mẹ lại hỏi:

Sau này có phải đi xây ở xa không con?

Thanh bảo mẹ:  

-   Cũng còn tuỳ mẹ ạ, nhưng có lẽ sau công trình này, con phải đi theo đơn vị thi công vào tận khu Công nghiệp Bình Dương đấy!

Bà mẹ cúi xuống cố nén tiếng thở dài. Bà thương con gái bà yếu liễu đào tơ là thế mà phải bôn ba gánh vác công việc như đàn ông. Bà nhìn lại gương mặt con. Thanh có gầy đi nhiều, mắt hơi trũng, da trắng xanh. Mới đó mà đã hai mươi sáu tuổi đầu rồi đấy. Hồi nó đậu đại học xây dựng, cả nhà lo, vì nhà nghèo thế, cha lại đau nặng, hai em còn nhỏ, lấy gì mà ăn học. Không ngờ Thanh rất quyết tâm, vừa học vừa đi gia sư, đi tiếp thị cho công ty bảo hiểm lấy tiền ăn học. Đến khi tốt nghiệp, thì làm hồ sơ xin việc khắp nơi, may mà công ty xây dựng người ta nhận làm hợp đồng. Bây giờ thì vất vả mấy nó cũng lao vào, chẳng nề hà khó khăn, gian khổ. Con bé thế mà siêng năng, chịu khó. Nhưng bà vẫn muốn nó xin về công ty xây dựng trong tỉnh trong huyện, gần nhà cho có mẹ có con, bà đỡ tủi... Bà Thu vội quay vào trong bếp, không muốn cho con thấy nước mắt bà rơm rớm. Thanh nấu món cháo đường cho bố, có bỏ ít hạt sen cô đem từ Hà Nội về. Hai em của Thanh, đứa đi học, đứa đi kiếm củi trên đồi cũng đã về. Chúng ngồi quanh Thanh ríu rít hỏi chuyện. Con Thắm chải tóc cho Thanh. Thằng Thành thì cứ thích chuyện sau này lớn lên ra Hà Nội học. Bỗng mẹ nói:

- Thanh ạ, bao năm rồi mà, cái thằng gì bạn mày, à thằng Kiên ấy, nó vẫn đến thăm bố mày thường xuyên đấy.

Thanh ngỡ ngàng:

- Ơ mẹ ơi, Kiên đến à...

Chưa nói hết câu, mặt Thanh đã đỏ bừng. Nhưng cô không chạy đi mà chỉ hơi cúi xuống, lòng thấy buồn vô hạn. Lúc cả nhà ăn cơm xong, mẹ sang nhà hàng xóm có chút việc, các em lại đi học chiều, Thanh ngồi bên giường nhìn bố nằm bất động. Khi nãy, ông có tỉnh dậy và húp được mấy thìa cháo, ông chỉ nhìn Thanh mà không nói gì. Chẳng lẽ bệnh của ông đã nặng đến thế rồi sao, Thanh lo quá. Trước đây, có lẽ ngót mười năm, khi vừa rời quân ngũ, bệnh đang nhẹ, ông có thể đi lại, ra vườn sáo cỏ, vào bếp nấu cơm, nhưng giờ đây thì ông không đi lại được nữa. Thanh nhớ, hồi Thanh còn ở nhà, ông thường dậy sớm, hút thuốc là sòng sọc, tang tảng sáng ông đi ra vườn chơi với đàn bồ câu, vãi thóc cho chúng ăn, gù theo tiếng gù của chúng. Có lúc ông cười sặc sụa vì tâm đắc với chúng, có lúc ông bật khóc vì đột nhiên nhớ ra một kỉ niệm gì sâu sắc lắm trong cõi lòng miên man chộn rộn của ông. Bây giờ, đàn bồ câu của nhà Thanh đã thưa hơn, chỉ còn vài con gầy guộc. Mẹ Thanh vẫn nuôi chó và mèo, bà nói để cho vui cửa vui nhà, và trong chuồng luôn có thêm đôi lợn. Lúc nào chúng cũng ngoác mồm ra kêu inh ỏi! Thanh khuyên mẹ đừng nuôi lợn, vì nuôi chúng rất vất vả, tốn kém mà lãi suất không được là bao, mẹ yếu rồi, chỉ nên làm việc nhẹ nhàng thôi. Những lúc ấy mẹ chỉ cười. Một đời chân lấm tay bùn, mẹ chịu vất vả quen rồi. Lên ba mẹ đã mồ côi cha, lên tám mẹ phải ở cùng dượng. Dượng thấy mẹ đẹp nên mấy lần ức hiếp. Mẹ khổ quá, cắn răng mà chịu đựng. Đến năm hai mươi tuổi thì mẹ lấy chồng, bố đi bộ đội đến hồi giải phóng miền Nam mới về, sau đó mấy năm bố mẹ mới sinh được Thanh. Cuộc đời của mẹ chứa chan cực khổ. Được miếng ngon thì dành hết cho chồng cho con. Thức khuya dậy sớm là chuyện thường. Mẹ tần tảo nuôi ba con ăn học và chăm sóc chồng bị bạo bệnh như thế, còn bản thân mẹ chỉ dựa vào nghề nhà nông và làm thuê cuốc mướn, chứ mẹ có lương hưu trí đâu. Tóc mẹ sớm chớm bạc, và hàm răng cứ mất dần theo năm tháng. Để đến hôm nay Thanh lớn khôn lại đi làm ăn xa gia đình. Nhưng đó cũng là điều tất yếu. ở quê mình, đất chật người đông, thiếu việc làm, lấy gì để sống? Mẹ cứ khuyên Thanh xin chuyển về gần nhà, Thanh biết việc thiên chuyển là vô cùng khó khăn. Để rồi Thanh xem có vận dụng được anh em, bầu bạn mà chuyển về quê không?... Thanh ngồi bần thần quên cả thời gian. Nước mắt cô ứa ra từ lúc nào cô cũng để mặc. Cho đến lúc có tiếng xe máy ngoài sân, cô mới ngẩng trông ra. Bỗng cô giật mình: Kiên đến! Cô đi ra cửa và đứng lặng nhìn Kiên, Kiên cũng ngạc nhiên rồi anh cất giọng vui mừng:

- Ơ kìa, Thanh về khi nào thế?

 

Thanh đứng sát bên Kiên, cạnh chiếc giường của bố. Bao giờ cũng vậy, cô luôn có cảm giác rất lạ khi ở gần Kiên. Mười năm rồi, Thanh không sao cắt nghĩa nổi, lại càng không quên được. Hồi ấy, Thanh và Kiên cùng học chung một lớp suốt ba năm thời trung học. Họ là đôi bạn rất tốt với nhau, thấu hiểu và san sẻ với nhau trong học tập. Chẳng hiểu sao, mặc dù thân thiết, họ cũng ít nói chuyện với nhau, khiến một số bạn bè cảm thấy lạ lùng. Lúc đó Thanh làm sao mà hiểu nổi có một cái gì đó đã xảy ra giữa hai người. Thanh mười sáu và Kiên mười bảy. Lại nhút nhát, lạnh lùng, thầm lặng như nhau. Thanh chỉ nhớ có một lần, Thanh nhìn sang bàn của Kiên, bắt gặp ánh mắt rất lạ của Kiên, đã mười năm rồi mà Thanh không quên được ánh mắt ấy. ánh mắt yêu thương, trìu mến, nó dịu dàng, e lệ và trong một khoảnh khắc đã bừng sáng, đã rạng rỡ, để lại dấu ấn dịu ngọt trong tâm hồn đa cảm của Thanh. Sau này Thanh ước ao tìm được cái cảm giác ấy, phút giây nồng nàn và chứa chan hạnh phúc, giây phút khám phá được một bí mật của tâm hồn, giây phút loé sáng của mối tình đầu câm lặng mà thuần khiết của Kiên và Thanh. Ngày chia tay nhau giã từ thời học trò, Thanh trèo lên hái một chùm hoa trạng nguyên đỏ chói trước sân nhà mình để đem tới tặng Kiên. Kiên đón nhận, môi mím chặt, mắt đỏ hoe, im lặng, lạnh lùng. Hôm ấy, người khóc nhiều nhất vẫn là Thanh. Bạn bè lại ngạc nhiên, thì thầm: “Cái Thanh bị sao đấy? Tại sao lại khóc dữ thế, nó chả biết cái gì ngoài chuyện khóc! Nhìn kìa!” Mười tám tuổi, Thanh và Kiên xa nhau, trong cõi lòng chẳng hiểu sao chỉ còn lại sự ân hận và sám hối. Có lẽ vì họ chưa làm gì được cho nhau, từ đây mỗi đứa lại đi về một con đường, con đường sẽ đưa hai đứa đi xa mãi mãi... Từ đấy hai người chẳng thư từ gì cho nhau cả. Khi gặp lại thì đã ngót mười năm, chuyện xưa không ai đành lòng nhắc lại, nhưng nó nặng trĩu, nó làm Thanh rơi nước mắt, trong những đêm mùa thu, mùa đông, rơi ở quê nhà, rơi ở quê người... Có những điều chính Thanh không cắt nghĩa nổi. Rồi Thanh lại nghĩ có lẽ Thanh đã yêu Kiên nhiều hơn Kiên nghĩ. Nhiều đêm, nằm trong chiếc lán của công trường đầy vôi vữa, Thanh đã mơ thấy Kiên, thấy nụ hôn ngọt ngào của Kiên trong mơ không chịu tan đi dù khi Thanh đã tỉnh dậy. Giờ đây, qua bao ngày lưu lạc, Thanh ao ước được gần Kiên biết bao, gần Kiên cô mới hiểu rõ chính mình, mơ ước của mình, tình cảm của mình. Bao nhiêu năm, Kiên đã vụt lớn, đẹp đẽ và trang nghiêm, đầy bản lĩnh, và đặc biệt đôi mắt của Kiên, đôi mắt dịu dàng, trong sáng và đượm buồn, nó làm Thanh xúc động, chao đảo, nhớ thương vô tận. Kiên học cao đẳng Bưu chính viễn thông và bây giờ Kiên làm nhân viên bưu điện ở huyện. Một nghề bình lặng, ổn định biết bao, chứ không như Thanh... Họ không gặp nhau tại Hà Nội, vì Thanh thi mấy năm mới đỗ đại học. Những năm Thanh chưa đi học, gia đình Thanh gặp bao điều phiền muộn. Cha mẹ Thanh ốm đau thường xuyên, thu nhập thấp, lại bị cháy nhà, các em có lúc đã tưởng phải bỏ học. Thanh nghĩ có lẽ Kiên đã quên Thanh, không bao giờ lui tới thăm gia đình Thanh nữa. Nhưng gần đây Thanh mới nghe mẹ kể, khi Thanh đi vắng, Kiên thường xuyên đến chơi, nhất là từ khi bố Thanh bị ốm nặng. Có lúc Kiên còn cơm cháo, giặt giũ cho ông như con cháu trong nhà, không nề hà gì. Bố Thanh mới xẵng giọng hỏi: “Mày là thằng nào!” Kiên mỉm cười và bảo: “Con là bạn của Thanh”, đôi lúc cu cậu nổi hứng bèn nói: “Con là con rể của bố đây!” ấy là Thanh nghe mẹ kể lại, Thanh bật cười, nhưng từ đấy Thanh lại càng trân trọng và mến thương Kiên, có lúc Thanh đã mơ ước cho thời gian quay gần lại, để Thanh được trở về mà yêu Kiên cho trọn vẹn, không làm Kiên phải đau khổ điều gì! Thanh cầu xin, Thanh luôn luôn cầu xin điều đó! Ngước nhìn Kiên, bất giác đôi má Thanh nóng bừng vì ý nghĩ thầm kín ấy. Bị

 

Kiên nhìn thấy nên Thanh càng ngượng ngùng hơn.

Hai người ra tràng kỉ uống nước, Kiên khẽ hỏi:

- Thanh về được lâu không?

- Được ba ngày, - Thanh trả lời, rồi đột nhiên cô vui vẻ hẳn lên - Dạo này, xem nào... ái chà, đẹp trai nhỉ? Công việc của Kiên thế nào, có thuận lợi không? Hôm nào rủ thêm mấy tên Phong xù, Tiến móm, cái Lệ, cái Nga ta cùng đi chơi nhé! Mà khai đi, yêu cô nào rồi, để đây còn về ăn cỗ chứ? Nhất định thế! Hứa danh dự đấy. Kể chuyện đi, ôi sướng quá, bao nhiêu chuyện đáng nhớ! Nhỉ? Thế mà đã tròn mười năm...

 

Có một cái gì đó cứ kéo Thanh, làm Thanh vô tình lái câu chuyện sang hướng trời ơi đất hỡi. Bên cạnh Kiên lúc này cô đã bị nhiễu sóng, nói cười liên hồi mà tự cô cũng không hiểu làm thế để làm gì. Thao thao bất tuyệt một hồi, cô bỗng thấy trong lòng mệt mỏi và buồn vô hạn. Không bao giờ tìm lại được ngày xưa. Trên con đường đời nhiều trắc nhở, ta đổi khác mà người cũng đổi thay mất rồi! Kiên ngồi yên lặng lắng nghe. Vẫn là sự câm lặng, thanh tú, thư sinh của ngày xưa và ánh dịu hiền trong đôi mắt. Vẫn là cái tính dịu dàng, lệ thuộc của trẻ con ngày xưa đã làm cô tê tái vì đợi chờ và buồn nản. Ngày xanh đâu còn. Thanh nhìn lên, thấy Kiên xa lạ và ảo vọng biết bao. Anh không biết đem hạnh phúc đến cho người con gái mà anh trân trọng. Hai người còn nói chuyện nhiều, nói với tốc độ nhanh để cố che giấu đi những khoảnh khắc yếu mềm, xao động. Mặt Thanh cứ tỉnh queo, chẳng tỏ vẻ e lệ tý nào! Chuyện đang nổ như ngô rang thì mẹ Thanh về. Bà mẹ nở nụ cười bổ bã với Kiên, nắm lấy tay anh, kéo ngồi gần lại bên mình. Thanh hơi ngượng, vội đi pha nước. Lại đến lượt mẹ Thanh nói rất nhiều chuyện, ân cần hỏi han và dặn dò Kiên rất nhiều. Bà xăm xắn rót thêm nước, lục ra nảy chuối mời Kiên ăn. Bà cũng nói chuyện tình trạng sức khoẻ của bố Thanh từ đầu chí cuối, Thanh chỉ biết ngồi im nghe. Đã đến lúc Kiên phải ra về, anh gửi lời chào bố Thanh và các em rồi tạm biệt cô trước ngõ. Mẹ Thanh hái những quả ổi trái mùa bỏ vào giỏ xe cho anh. Trước lúc lên xe, Kiên nói:

- Mai mình đến đèo Thanh đi thăm thầy cô giáo cũ được không?

Chẳng hiểu sao Thanh từ chối:

- Để lần sau Kiên ạ. Lần này mình vội đi quá...

Khi Thanh lên xe rồ máy phóng đi, Thanh quay trở vào nhà với nỗi buồn trĩu nặng. Cứ như vừa hụt hẫng, mất mát một điều gì. Cuộc đời và tâm hồn con người ta qua tháng năm có phải là đơn giản đâu. Thanh đi vào quét dọn sân nhà. Buổi chiều cô tranh thủ giặt giũ, phơi phóng áo quần, chăn màn cho mẹ. Sau khi đã tắm rửa cho cha, cô vực ông ra ngồi trên tràng kỉ, nhìn xuống con đường đông vui phía trước. Buổi tối, Thanh đi chơi mấy nhà láng giềng thân cận. Về nhà chưa được một ngày mà cô thấy sao dài thế, đến nỗi cô không hiểu mình phải làm cách gì để vượt qua ngày hôm ấy.

 

Sáng hôm sau, Cảnh có điện về bên nhà hàng xóm nhưng không gặp được Thanh, vì Thanh bận đi chợ. Cô đi bộ. Gặp ai cô cũng hỏi cũng chào nhưng sao lòng miên man nghĩ ngợi tận đâu đâu. Phong cảnh thân thuộc của quê hương hầu như không đổi thay là mấy. Con đường đất nhỏ dẫn đến khu trung tâm và bãi bóng, những hàng cây xanh ven lộ, những bụi cỏ chưa kịp dọn đi, mía đã bắt đầu ủ mật. Những ngôi nhà to nhỏ đã bắt đầu mọc ra ven phố lớn, những con đường vẫn còn thồi thụt khó đi. Chẳng hiểu sao, Thanh tần ngần trước bưu điện mất một lúc, rõ ràng cô định gọi điện cho ai đó, nhưng rồi lại thôi, lại cắm đầu bước đi. Cô tiếc, tại sao mình không đi xe đạp có phải nhanh hơn không! Mua xong hàng, nào rau cỏ, thịt cá và một số đồ dùng, cô bỏ vào làn và quyết định về ngay, mặc dù cô có một số bạn học hồi cấp hai đang làm ăn trong chợ. Ra đến cổng chợ, rất may, cô gặp được chị Xuân cùng làng, chị cho ngồi nhờ xe máy về. Trong tiếng xe máy rộn ràng, chị nói:

-   Chị nghe mẹ em nói chị thấy em cũng ổn rồi. Bây giờ có công việc ổn định là tốt nhất em ạ. Đất lành chim đậu, em cứ yên tâm ở nhà, các cụ cũng có con cháu ba bề bốn bên chứ không buồn đâu. Có chuyện gì là bọn chị sang với ông bà ngay. Gớm, quanh năm mẹ cứ mong ngóng em lắm... Em cố gắng giữ gìn sức khoẻ mà làm ăn tấn tới nghe. à mà sao vẫn chưa đem người yêu về, chị thấy em lo dần chuyện ấy đi là được rồi đấy!   

 

Nghe chị Xuân hỏi han nhắn nhủ thân tình, Thanh chỉ biết “dạ”. Cô mời chị Xuân vào nhà mình chơi, nhưng chị phải về vì có con nhỏ đang phải gửi cho bà cụ hàng xóm.

 

Buổi chiều, Thanh xin phép mẹ xuôi về phố huyện thăm thầy chủ nhiệm thời trung học của mình. Cô hơi tiếc vì hôm qua tại sao cô lại không nhận lời để Kiên đón, nên đến bây giờ phải đạp xe lóc cóc đi mười cây số đường làng thế này đây. Thầy Lượng có ở nhà, thầy ân cần ra đón Thanh. Thầy Lượng năm nay đã sáu mươi, tóc thầy đã bạc gần hết, hai bàn tay run run nắm lấy tay cô học trò bé bỏng. Có một chiếc xe máy Drem II dựng trước cửa nhà thầy, cô hơi ngờ ngợ... Cô vui sướng bước vào nhà thầy. Thật bất ngờ, cô thấy Kiên đang ngồi lật giở những an-bom ảnh của thầy. Ngỡ ngàng mất vài giây, Thanh cất giọng vui vẻ:

-    Chào Kiên! Kiên đến thăm thầy lâu chưa?...  

 

Thanh ríu rít hỏi thăm tình hình đời sống gia đình thầy, tiện thể cô hỏi thăm một số thầy cô giáo cũ và bạn bè ngày xưa. Rồi cô kể cho thầy nghe những chuyện vui buồn của mình trên con đường lập nghiệp. Sau đó, Thanh chúi đầu xem ảnh với Kiên, đôi lúc phải hỏi thầy Lượng đây là ai, bây giờ ở đâu cho rõ. Thầy có nhiều bức ảnh rất quý. Thanh còn xin thầy một bức ảnh chụp thầy đang dự hội nghị chiến sĩ thi đua toàn nghành. Một giờ sau, Thanh và Kiên xin phép thầy ra về. ánh mắt thầy vui vẻ, hy vọng nhìn theo hai trò, Thanh còn nhớ mãi trong tâm khảm suốt những năm tháng sau này.  

 

Kiên đi xe chậm chậm theo sau Thanh. Thanh bảo:

- Mình đâu có định gặp Kiên hôm nay. Nhưng chẳng biết... có duyên gì... mà lại thế? - Cô cười khúc khích - Hay là Kiên theo dõi mình đấy hả?

Kiên cười:

- Cuối cùng cũng bắt được rồi nhé! Chịu chưa? – Rồi Kiên đề nghị – Chúng mình rẽ xuống bến sông chơi đi!

Thanh lại run lên mất cả tự tin. Một nỗi buồn sâu kín tự trong tim cứ len lỏi qua bờ mi, làm cô cô gắng lắm mới không bật khóc, không hét vào Kiên một điều gì đó. Cô cứ lầm lũi đi theo chỉ dẫn của Kiên. Hai người dựng xe trên bờ cát, rồi lội chân trần ra bãi cát. Cát vàng óng lung linh trong nắng. Bãi cát này, hai đứa đã từng ngồi im lặng bên nhau trong những tháng năm đầu gặp gỡ. Hồi ấy, Thanh hái những cành phượng đỏ chói bỏ vào nón rồi ngồi ngắm không chán mắt. Giờ đây, ngồi bên Kiên, Thanh cảm thấy sao mà đáng yêu, sao mà ngang trái... Dòng sông vẫn chảy trong chiều, bờ bãi vắng hoe. Bên kia sông, chỉ cần lên một chuyến đò là đến một ngôi chùa nhỏ, mà lớp Thanh đã từng đi dã ngoại ở đó. Xa xa, trước mặt hai người, về phía tả ngạn sông, có một cây đa to nằm lẻ loi đơn độc. Từng ấy thứ rất thân thuộc đối với thời học trò của Thanh và Kiên. Nơi này chỉ cách trường trung học có hai cây số, nên cứ mỗi buổi chiều rãnh rỗi là nhóm bạn lại tụ tập ở bờ sông. Tuổi học trò trôi đi trong chớp mắt. Thanh nhìn lại Kiên, tự dưng cô chẳng biết nói gì, những điều định nói chúng biến đi đâu hết. Thanh không dám nhìn vào mắt Kiên, cô chỉ cúi đầu nghe anh nói.

Kiên thì thầm:

- Thanh ơi, nghe mình nói này. Nghe nhé?

...

- Mình nói đây này!

...

- Mình nói... là... mình yêu Thanh đã rất nhiều năm!

Thanh nhìn lên Kiên mà như nhìn đi đâu khác, cô đang lắng nghe câu nói của Kiên trong chính tâm hồn nhiều khao khát của mình. Mắt cô mở to, không chớp, cô không nói được một lời nào mà mắt như nhoà đi trước hình bóng Kiên trở nên lộng lẫy. Tình yêu của Thanh, ước mơ của Thanh... Kiên ghì chặt gương mặt yêu dấu của người con gái, đặt lên đó một nụ hôn dài, nóng bỏng và cuồng dại mà anh chưa từng dành cho ai khác. Thanh chìm đi trong niềm hạnh phúc ngắn ngủi bất ngờ. Họ hôn nhau đắm say và vô tận, như để níu kéo những tháng ngày đã mất, như muốn gìn giữ tuổi trẻ đang trôi qua. Khi Kiên dừng lại, ngẩng lên thì hai khuôn mặt đều đẫm nước mắt. Họ buông nhau ra, loạng choạng đứng lên, nhìn về phía dòng sông đang chảy xiết, rồi lại nhìn vào mắt nhau. Thanh sợ hãi khi ngắm gương mặt người cô yêu mến, mối tình đầu của cô, vì cô sợ ngày mai có thể họ không còn trong nhau nữa. Kiên khẽ bảo:

- Thanh trở về với tôi nhé!

Thanh nhìn lại Kiên một lần nữa rồi cô từ tốn lắc đầu. Cô bước lại phía chiếc xe, dắt đi bình thản. Số phận đã không chiều cho ý muốn con người, Thanh của mười năm sau làm sao có thể sống như mười năm trước... Thanh không nhìn lại vẫn biết Kiên chạy chậm xe theo sau. Và thực tế Thanh đã nức nở khóc trên đường về nhà. ở trước cổng nhà Thanh, hai con người đều nức nở khóc, không nỡ quay lưng bước đi... 

Có một người đã trông thấy hết cảnh đó, chính là Cảnh! Anh từ Hà Nội theo xe của xếp đi công tác, ghé vào nhà Thanh lúc chiều. Khi quay mặt lại, Thanh như chết đứng bởi cái nhìn của Cảnh. Anh xẵng giọng: “Thằng nào đấy?” làm Thanh đột nhiên như bị rớt xuống vực sâu. Cô lặng lẽ đi vào. Cô nhận ra mình không thực sự yêu Cảnh, mà chỉ là lí trí của mình cảm kích trước một người đồng nghiệp trẻ trung hay kề cận ở bên. Sự việc hôm nay chắc sẽ gây rắc rối cho cô ngày sau đây. Nhưng Thanh cứ trơ ra, bởi ruột gan cô cũng đang rối bời. Buổi tối Cảnh ở lại nhà Thanh, hai người đã làm lành nhưng cũng rất lạnh nhạt, nghi kị nhau. Mẹ và các em Thanh không hiểu được nguyên do. Bà Thu cũng không ưa anh chàng này, vì vậy bà đi ngủ sớm. Cảnh nói:

-    Mai giám đốc ghé vào đón anh và em...

Anh đi trước đi, - Thanh cao giọng - Em còn muốn ở nhà thêm vài ngày nữa!

- Thì cô cứ việc ở nhà đến bao giờ cũng được! - Cảnh tuyên bố.

Lúc ấy, bố Thanh húng hắng ho rất khó nhọc. Thanh vội vào với bố, để lại Cảnh ngồi một mình. Phía trước là con đường thôn đầy bóng đêm, tĩnh lặng, thỉnh thoảng mới có ánh đèn xe của người đi lại. Cảnh ngồi lặng phắc. Anh hối hận đã đột ngột về đây mà không báo trước với Thanh. Sáng nay, anh có điện về nhưng không gặp Thanh nên anh quyết định cứ lên đường. Nhưng có về thế này, anh mới tình cờ phát hiện ra bấy lâu mình đã bị phụ tình, bị lừa dối!... Gia cảnh nhà Thanh lại nghèo nàn và đau buồn quá. Được mỗi ông bố thì tật bệnh, mấy đứa nhỏ thì còn nheo nhóc, thật bất tiện. Đồng ý rằng mình yêu Thanh là yêu chính con người cô ấy, nhưng gia đình, nơi cái nôi sinh ra người phụ nữ cũng rất quan trọng. Tuy mình đã nghe Thanh kể về gia đình rồi nhưng sao giờ đây nhìn thấy hoàn cảnh này sao mình khó nghĩ thế. Cảnh ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Mình có liên quan gì đến họ cơ chứ, chẳng lẽ mình phải suốt đời gắn bó và chịu đựng những con người này? Thanh cũng không phải là con người ăn ở hai lòng, chắc có ẩn ức chi đây, chỉ có điều giờ đây mình không muốn dây dưa với họ nữa!... Cảnh nghĩ vậy, tự dưng anh cứ nhấp nhổm mong trời sáng! Anh bức bối, khó chịu, muốn thoát ra, muốn làm lại theo con đường khác! Phía trong, Thanh đang bỏ màn cho bố. Cô cũng đang nghĩ tới những điều có thể xảy ra giữa cô và Cảnh. Nhưng cô không thấy hối tiếc và bất ngờ vì mọi chuyện nữa! Cô nghĩ người con gái chỉ thật sự thương tổn khi không có được người mình yêu. Tự dưng lại nhớ đến Kiên và quang cảnh chiều nay trên bờ sông thân thuộc, mà Thanh lại mủi lòng. Là một con người thông minh, nhạy cảm, Thanh làm sao cầm lòng được. Thế là cô cứ ngồi bên bố, nhìn bố ngủ, cũng chẳng buồn ra ngoài. Khi cô thấy phòng ngoài quá im ắng, Thanh bước ra thì thấy Cảnh đã nằm duỗi dài nơi trường kỉ, đầu gối vào hai tay, hơi thở rất mạnh, hai mắt nhắm hờ. Cô đứng nhìn Cảnh một lúc, bỗng thấy thương anh, thương công việc bây giờ của hai đứa vất vả. Trong tâm can có điều giằng xé, cô ngồi xuống bên cạnh Cảnh, khẽ gọi:

- Anh Cảnh, anh vào giường trong ngủ đi!

Cảnh ngồi dậy. Hai người lặng nhìn nhau trong đêm. Họ không nói gì. Tính Cảnh là thế, rất ít phô bày, đặc biệt là lúc có điều gì suy nghĩ trong đầu. Cảnh cứ để nguyên bộ đồ, trèo vào giường ngủ ngay. Đêm đó, Thanh không sao ngủ được.

 

Sáng hôm sau, nhân chuyện thủ trưởng ghé lại đón, Cảnh đã về Hà Nội mà không dặn dò, hứa hẹn gì với Thanh cả!

 

Lại một ngày ở lại quê hương. Rặt những việc vặt không tên của người phụ nữ trong gia đình. Thế mới biết, mẹ cha Thanh đã vất vả thế nào, mấy chục năm qua đã làm lụng, nuôi ba con khôn lớn. Cây hoa trạng nguyên vẫn còn trước cửa nhà, nở những chùm hoa đỏ ối, lâu tàn, và đối với riêng Thanh, chúng chẳng bao giờ tàn cả. Bóng hoa rợp kín cả một khoảng sân rộng. Thanh thường ngước lên cây hoa trạng nguyên vào mùa hoa nở, mà căn dặn hai em rằng: “Các em hãy nhìn lên cây hoa này, hoa trạng nguyên đấy, rồi cố gắng mà học nhé! Chị đi vắng thì hàng ngày phải tưới tắm cho nó nghe chưa!” Tuổi thơ ở làng quê, cuộc sống của người dân có niềm vui gì to lớn đâu. Hàng ngày chỉ nhìn thấy cây cỏ, vườn tược, nóc nhà và con trâu cái cày của riêng mình rồi lấy đó làm vui. Ngày này qua ngày khác đều như thế. Khoảng vài năm hoạ may mới có một thay đổi. Đứa trẻ nào có cho riêng mình một cây hoa, lại là hoa trạng nguyên hẳn hoi, đó là điều vô cùng hạnh phúc. Thanh đã đi qua tuổi thơ nghèo cực, lấm lem, Thanh biết! Khi còn nhỏ tý thì hái hoa bắt bướm ngoài đồng nội, chăn trâu cắt cỏ, đi bộ tới trường, làm đủ trò quái quỷ nghịch ngợm của lũ học trò bình dân. Lớn lên, may mắn lắm thì được xuống huyện học trung học. Học đại học là cả một niềm mơ ước lớn lao của một gia đình có con theo đòi chữ nghĩa. Đơn cử ở cái xóm này, chỉ có cái Bông đậu đại học sư phạm, thêm Thanh nữa là cả làng có hai đứa đi đại học. Thanh học khoá trước Bông ở trường huyện. Nhưng Bông lại đậu đại học trước Thanh, ra đi làm đã được mấy năm. Hai đứa vẫn qua lại thăm nhau. Có lẽ, hôm nay lúc nào rỗi, Thanh cũng đáo qua nhà thăm nó một chút.

Mẹ Thanh kể:

-    Mày cứ đi biền biệt, mày có biết gì đâu! Bác Tình đâu còn nữa, bác ấy bị xơ gan mất cách đây hai tháng. Cũng vừa đây thôi cô Hạnh nhà bà Hiển thì bị xe chở mía nó đâm vào, đưa đi bệnh viện nhưng không qua khỏi. Thằng Đạt nhà chú Thành phát bệnh tâm thần rồi, thế có khổ không chứ. Còn bà Tân thì bị ung thư dạ dày chỉ còn chờ ngày thôi... Nghĩ đến cái bất toàn của cuộc sống bây giờ, mà tao đau đầu lắm. Bố mày thì nằm đấy, có hy vọng gì đâu. Tội nghiệp, con ạ. Con nên ra mộ thắp hương cho bác Tĩnh, và đi loanh quanh thăm mấy nhà có chuyện buồn. Mình là con cháu sinh sau đẻ muộn nhưng mình phải biết giữ cái lễ nghĩa con ạ!

 

Thanh lặng im nghe mẹ kể, cô gật đầu, thở ra nhè nhẹ. Chỉ một xóm nhỏ mà có bao điều phiền muộn. Có những điều không thể tin được, nhưng vẫn được mọi người truyền miệng lẫn nhau từ năm này qua năm khác. Họ đồn rằng, ngôi làng được dựng trên nền chùa đã bị phá vỡ khi xưa, nên cuộc sống của dân làng không mấy yên lành. Thanh nghe thế chỉ cười, càng ngày đời sống của con người càng bất trắc. Nhưng cô là những người trẻ tuổi, có học thức, cô biết phải làm sao để vượt lên những điều đau khổ đó. Biết đón đợi, chế ngự những rủi may nơi cuộc sống. Mỗi lần về quê, Thanh như thấy mình lớn thêm, hiểu biết và dạn dày hơn. Những lời khuyên bảo của người già rất quý báu đối với thế hệ cô. Thế nhưng, có những nỗi buồn vẫn len lỏi ở đâu đó trong tâm hồn cô. Nhìn thấy cảnh quê vừa u hoài vừa lộn xộn làm cô thấy buồn. Nhà cửa nhiều nơi cứ mọc tứ tung ra, con người cứ dần lạnh nhạt với nhau vì cán cân của nả. Xe máy của những thanh niên choai choai cứ phóng vun vút trên đường, sẵn sàng đâm vào bất cứ đâu làm cô phát sợ. Thỉnh thoảng, trên đoạn đường hình chữ S trước nhà Thanh, lại có một chiếc ôtô chở hành khách bất ngờ lao xuống ao, làm mọi người rất lo lắng. Cuộc sống ở nơi này đã mất đi trật tự cũ, trong khi trật tự mới chưa hoàn thiện. Chân bước trên con đường đất, lòng Thanh đau nhói vì thương quê. Cô phải làm gì, cô phải làm sao để đền đáp cho quê hương, cho người thân đây? Cô phải làm thế nào để trả được món nợ lớn lao đang cánh cánh bên lòng đối với quê hương yêu dấu? Chẳng lẽ khi đứa con học hành, khôn lớn, là chỉ để kiếm đủ miếng ăn và loay hoay với một vài mối tình lãng mạn? Rồi suốt ngày bận bịu, lo toan với những chuyện hơn thua, được mất? Trời ơi, Thanh không muốn thế! Thanh muốn làm một cái gì vượt ra khỏi những thứ đó kia. Những người thân, ngay cả bố mẹ và các em cô cũng chưa chắc thấu được những mối bòng bong trong lòng cô. Ai sẽ hiểu cho cô? Kiên chăng? Cảnh chăng?... Dù sao, cô cũng tin sẽ tìm thấy người yêu thương cô và nâng đỡ cô trong ước muốn này... Những khi xây dựng những ngôi nhà cao tầng cho công ty, Thanh thường nghĩ đến một ngày cô cùng bạn bè đồng đội sẽ về xây dựng quê hương cô. Họ sẽ xây lên những ngôi nhà hai tầng, ba tầng nhỏ xinh, gọn ghẽ, hợp với ý gia chủ, giá thành vừa phải để phục vụ bà con. Họ xây hết nhà này đến nhà khác. Rồi họ sẽ còn xây nhà trường, bệnh viện và bưu điện rực rỡ cho vùng đất này.Nếu như được tính toán chi li và trung thực về nguyên vật liệu, thì vấn đề giá thành cho một công trình không phải là chuyện quá khó. Nhưng mơ ước của Thanh biết đến bao giờ mà thực hiện được. Thanh đột ngột ngẩng lên nhìn mẹ mỉm cười, gương mặt trẻ trung xinh tươi của cô bừng sáng bởi một niềm vui và niềm tin mới. Cô lại nghĩ đến ngày mai, cô sẽ chẳng nề hà khó khăn, cô sẽ đi theo các công trình những miền xa xôi, cách trở của đất nước, xây dựng những công trình nhà xưởng, dù to dù nhỏ, cho các cơ quan, cho bà con mình. Trong cơ quan, có cô và mấy chị em là gái lo phần điện nước, quản lý kim quỹ cho những công trình. Ai cũng lo lắng, nhiệt tình vì công việc. Và cũng lạ lùng sao, ngần ấy năm rồi mà chưa ai theo chồng để yên bề gia thất. Các chị em được cánh đàn ông rất quý mến và chiều chuộng. Con gái mà làm nghề xây dựng làm sao tránh khỏi điều tiếng cực nhọc. Nếu không có niềm tin và nghị lực, thì làm sao họ đủ sức để vượt qua ngần ấy khó khăn? Nghĩ vậy Thanh thấy vui vui và phấn khởi trong lòng. Lại nhớ, thứ sáu tuần vừa rồi, anh Thắng thợ nề bị ngã từ trên giàn giáo xuống, gãy mất chân phải, đang còn nằm ở bệnh viện Đống Đa. Cùng hôm đó, anh Ngân bên kĩ thuật bị cần cẩu làm giập một bên tay. Lúc ấy, Thanh đang ở tầng hầm của công trình, vội chui ra, theo xe tới bệnh viện với người bị nạn... Khi những xáo trộn qua đi, ai nấy lại trở về với công việc của mình. Căn nhà cứ cao lên, cao dần mãi lên theo ngày tháng. Qua thời gian, Thanh đã thấy yêu mến và gắn bó với công việc của mình, công việc lạ lẫm và nặng nhọc mà cô đã tưởng chẳng bao giờ yêu được. Cảnh có thể không yêu cô,  không gắn bó với cô nữa, nhưng cô vẫn còn nhiều bầu bạn, còn mọi người! Ông giám đốc công ty, một người lịch lãm và có tài; tuy Thanh ít được gặp gỡ ông, nhưng Thanh cũng rất quý mến ông vì ông luôn có những quyết định sáng suốt và đặc biệt quan tâm đến chị em phụ nữ trong nghành. Việc ông đi công tác, ghé qua nhà Thanh, dẫu là chỉ để đón Cảnh, làm Thanh cũng cảm thấy vui vui, cảm động. Ông đã vào thăm hỏi gia đình và biếu bố Thanh một ít thuốc bổ. Thanh vui lắm, cô cứ nghĩ, ông thủ trưởng phải có tâm, bặt thiệp lắm thì mới quán xuyến được những việc đời thường như thế. Thanh sẽ đem quà quê ra cho mọi người, cho ông giám đốc nữa. Nem chua xứ Thanh là ngon phải biết...

Buổi tối, mẹ Thanh bóc ít lạc mẹ trồng được ở vườn để mai Thanh đem ra Hà Nội làm quà cho mọi người. Thanh lượm củi để luộc khoai. Một bếp than hồng rực toả ánh sáng ấm áp vào màn đêm. Tiếng giun dế ếch nhái ở cánh đồng bên cạnh ri rỉ cất tiếng. Mẹ không biết Thanh đang nghĩ gì. Mẹ đều tay bóc lạc, có ý chờ Thanh nói trước. Thanh đang bận vớt soi đèn vớt khoai trong nồi nước sôi, khoai rất nóng nên Thanh không ngớt suýt xoa. Khi cả nồi khoai được vớt ra, nước chảy xuống bếp tro, rổ khoai ráo nước bốc khói thơm phức, Thanh quay lại kêu lên:

-    Ngon quá mẹ ạ! Thắm ơi, Thành ơi, khoai chín rồi đây này!

 

Cô chọn ra hai củ ngon nhất để dành cho bố. Các em cô chẳng rõ từ đâu đã chạy vụt tới vây lấy rổ khoai. Lát sau, khi chỉ còn hai người, mẹ bỗng hỏi:

Con mời cái nhà anh Cảnh về nhà ta chơi à?

Thanh lúng túng:

- Chúng con là bạn tốt của nhau. Về chơi cũng được...

-    Con nhớ phải coi trọng danh dự của một người con gái chưa chồng. ở quê mình mọi suy nghĩ còn nặng nề lắm! Mà mẹ thấy thằng cu Kiên cũng được trai đấy chứ. Nó tốt lắm con ạ! Vì đâu nó lại quan tâm đến bố mẹ như vậy, có phải là nó có tình cảm với con không?

Thế Kiên có nói gì về chuyện đó không mẹ? - Thanh hỏi

Ai hỏi mà nó nói? Nó bảo nó là bạn cũ của con thôi!

-   Đúng như thế đó mẹ ạ! Con và Kiên bây giờ thì còn làm được gì cho nhau nữa?

Mẹ Thanh nghe thấy thế, bà rất buồn. Bà không hỏi gì thêm nữa. Riêng Thanh, cô tránh nhìn vào ánh mắt của người mẹ già. Cha mẹ cô là những người hiểu đời, nhưng cũng có những điều của con trẻ mà ông bà không ngờ tới. Tình yêu của lớp trẻ bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Tình yêu muôn màu muôn vẻ, nhiều cung bậc, làm sao lường trước được. Cha mẹ chứng kiến đời sống vật lộn, chụp giật nơi phố phường nên bố mẹ không biết được con người giờ đây đang biến đổi thế nào. Mọi ý thức, tình cảm, mơ ước của con người theo đó mà biến đổi... Nhiều đêm Thanh không ngủ được, mắt thâm quầng. Kiên và Thanh mãi mãi yêu nhau mà không bao giờ có được nhau, mãi nuối tiếc và day dứt... Như thế tình yêu còn cao quý và có ý nghĩa hơn đối với cả hai người. Ngày mai rồi sẽ đến... Làm sao đủ sức để yêu mình yêu người, thương mình thương đời? Làm sao để giữ vững được cuộc đời trong sạch và lương thiện, không bị vấy bẩn bởi đồng tiền và vật chất?... Làm sao tập hợp được quanh mình những bạn bè tốt đẹp, những gương mặt khả kính? Mẹ ơi, cha mẹ đừng làm sao nhé, con sẽ trở về. Con sẽ trở về với quê hương yêu dấu! Nhưng chưa phải bây giờ... 

-  Thế là ngày mai con đi thật à? - Mẹ hỏi.

- Vâng! - Thanh đáp.

 

Mẹ mỉm cười, giờ đây mẹ mỉm cười nhìn Thanh thật âu yếm. Mẹ ơi, con hứa sẽ tìm cho mẹ một chàng rể thật hiền, thơm thảo, ít nhất anh ta cũng phải biết vác gạch, đẽo gỗ xây nhà cho cha mẹ. Mùa mưa sắp đến rồi, nhà mình lại sắp dột đây! Mà mình năm nay đã hai mươi sáu tuổi rồi, đừng kén chọn nữa. Đã bao lần trong mơ, con vui sướng thấy người đã đến, con thấy đúng là người đã đến! Những giấc mơ đỏ thắm màu hoa trạng nguyên, con thấy con bước gần hơn tới mặt trời, theo sự lớn vụt của những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy. Thanh chợt nghĩ đến Cảnh, cô thấy chẳng có rạn nứt gì nghiêm trọng cả, khi con người ta vươn lên để hiểu biết và cảm thông lẫn nhau. Cô sẽ nói chuyện rõ ràng cùng Cảnh, biết đâu... Ngày mai, mọi sự sẽ lại bắt đầu và có thể đổi thay trong chớp mắt, nhưng Thanh vẫn là Thanh mà thôi! Không thể khác... Chợt Thanh giật mình khi nghe tiếng mẹ:

- Thôi khuya rồi, đi ngủ đi con! Mai còn đi chuyến xe sớm.

Thanh “vâng!”. Mới mười giờ, nhưng con gà trong chuồng mê ngủ thấy ánh lửa tưởng trời đã sáng, cất tiếng gáy te te./.  
Trần Thị Ngọc Lan
Số lần đọc: 2142
Ngày đăng: 28.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Niềm Hạnh Phúc Nhỏ Bé - Nguyễn Nguyên An
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 1 - Trương Hoàng Minh
Cánh bèo trôi ngược nước - phần 2 - Trương Hoàng Minh
Những giấc mơ không thành - Lê Nguyệt Minh
Tình yêu của đá - Trần Thị Ngọc Lan
Kẻ mất bóng - Đào Bá Đoàn
Miệt Mài Sông Trôi - Nguyễn Một *
Gánh xiếc chó - Lê Xuân Quang
Tri kỷ - Lương Minh Vũ
Mùa chim ngói - Đặng Thị Thúy