Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
685
116.733.743
 
Ký sự miền Đông Bắc (3)
Ban Mai

 

6. Âm khí

 

Bạn có bao giờ đứng trên đỉnh núi lộng gió, xung quanh sương mù bao phủ, cùng bạn bè nắm tay nhau hát vang giữa bạt ngàn rừng núi?

Tôi may mắn đã nhiều lần trãi nghiệm như vậy suốt con đường cái quan từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi lên đến miền ngược.

Nhưng có lẽ, chưa bao giờ chúng tôi cảm xúc như hôm nay, khi đứng trên điểm cao Vị Xuyên Hà Giang, phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xung quanh là những cung đường uốn lượn, với núi rừng trùng điệp,ca vang bài“Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn.

“…Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền

Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh”

Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh. Vòng Tử sinh, những từ này không đâu chính xác hơn nơi tôi đang đứng. Dưới chân tôi nơi đây đã từng thấm đẫm máu bao người.

Trung Quốc sau cuộc chiến tranh biên giới 1979 thất bại, một lần nữa Đặng Tiểu Bình quyết dạy cho Viêt Nam một bài học, chiến tranh biên giới lần thứ 2 xảy ra từ 1984 -1989. Lần này Trung Quốc không đánh từ Lạng Sơn, Cao Bằng mà bất ngờ tràn qua các dãy núi đánh úp vào biên giới Hà Giang. Sáng ngày 28/4/1984 quân Trung Quốc xua quân ồ ạt, kiểu đánh lấy thịt đè người, lính Việt Nam  quyết chiến bảo vệ vành đai biên giới, nên rút lêncác đỉnh núi ở Vị Xuyên  Hà Giang. Cuộc chiến khốc liệt này đã khiến 600 người lính Việt Nam tử trận chỉ trong 1 ngày 12/7/1984 thuộc sư đoàn 356, hầu hết là những chàng trai còn rất trẻ 17,18 lần đầu nhập ngũ, đang học phổ thông xung phong ra chiến trường. Các cao điểm này một thời được nhắc đến như là “cối xay thịt” hay còn gọi “đồi thịt băm” để thấy rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Linh hồn những người lính trẻ có lẽ đã siêu thoát, nhưng nỗi đau của những người mẹ vẫn bàng hoàng cho đến ngày nay.

 

Người lính Trần Trung Thực nhập ngũ năm 1980 sau khi vừa học xong cấp 3, thuộc Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 và hy sinh năm 1985. Đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sỹ Thực. Trong thư gửi mẹ anh viết : "Mẹ yêu quý của con, con tạm biệt mẹ. Các em con còn bé nhỏ quá không làm gì được đỡ đần cho mẹ. Các em đừng khóc, đừng quấy mẹ nữa, anh về sẽ mua kẹo cho các em". Nó viết thư về, các em nó cứ khóc nức nở. Đến bây giờ người mẹ ấy vẫn không tin, vẫn mong ngóng chờ con. (1)

 

Tôi đứng trên đỉnh Vị Xuyên lộng gió, xung quanh mây là mây, với những dãi sương mù bàng bạc trên các ngọn núi thấy khí lạnh đầy người, tôi nghiệm ra rằng nơi đâu có nhiều âm khí, nơi đó sương mù dằng dặc. Nhớ lần đứng trên đỉnh Măng Đen Kon Tum dưới chân tượng Đức Mẹ Sầu Bi xung quanh là rừng thông mờ sương, nơi ngày xưa là nơi tập trung xác lính Cộng Hòa để đức cha rửa tội, tôi cũng có cảm giác như vậy. Và không thể không nhớ đến buổi sáng trên đỉnh núi Sơn Trà Đà Nẵng, sân bay dã chiến trên đỉnh Sơn Trà cũng là nơi chở xác lính Việt Nam Cộng Hòa tập trung để trực thăng bốc đi. Buổi sáng đó, chúng tôi không thấy đường đi, xung quanh âm khí dày đặc sương giăng mờ mịt, cách nhau một cánh tay là không thấy nhau rồi.

Trên đất nước này, đi đến nơi đâu cùng thấy “Đất Mẹ” đầy thương tích. Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, đôi khi tôi nghĩ khi sinh ra là người Việt Nam đã là định mệnh rồi.

Trịnh Công Sơn đã từng viết:

Mẹ ngồi ru con

đong đưa võng buồn

đong đưa phận mình

Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh

Tiếng khóc của mẹ  Việt Nam sẽ còn lênh đênh đến bao giờ?

 

7. Cao Bằng

 

Từ phố cổ Đồng VănHà Giang qua quốc lộ 4C, chúng tôi đến Cao Bằng một thành phố nằm giáp ranh biên giới Quảng Tây (Trung Quốc).Đường xa hun hút, với đoạn đường đèo 198km mà chúng tôi phải vật vã đến thành phố lúc chiều buông. Khách sạn Hương Sen nằm sau con phố đi bộ, trước mặt là dòng sông chảy lững lờ, tôi không biết sông Bằng, hay sông Hiến, tôi chỉ thấy dòng nước đục dưới ánh chiều tà.

Cao Bằng là thành phố miền Đông Bắc sầm uất, văn minh hơn những nơi khác. Tôi ngạc nhiên khi dạo phố đêm nơi này, nó không giống như những thành phố du lịch mà tôi đã từng đến. Nơi đây họdành nguyên con đường đi bộ để tổ chức các trò chơi dân gian cho người dân giao lưu cùng nhau vào tối cuối tuần thứ 6 và thứ 7. Bạn có thể nhìn thấy trò chơi trẻ con ngày nhỏ bạn đã từng chơi như nhảy lò cò, chơi  ô quan, chơi đánh cờ cá ngựa, chơi đánh nẻ, chơi nhảy dây, chơi kéo co, đi cà kheo, chơi xếp ô chữ… Một góc đầu đường còn có loại hình giải trí mới cho các em  học sinh cấp 2, cấp 3 với những điệu nhảy hip hop sinh động. Khuya hơn một chút sẽ mở nhạc khiêu vũ cho lứa tuổi thanh niên và trung niên. Bạn dễ dàng mời một bạn nhảy không quen trong điệu chachacha vui nhộn.

Thành phố về đêm mát lạnh, mọi người dân đều túa ra đường.

Tôi cũng sà vào chơi nẻ với mấy cô bé, lâu rồi cầm hòn đá thảy lên để bắt những thanh đũa tay tôi lóng ngóng, tụi nhỏ nhìn tôi cười giòn, cô gái người nước ngoài cũng châù rìa xin chơi ké, bên cạnh bà mẹ trẻ cùng cô con gái đang chơi ô quan, hai bé trai đánh cờ cá ngựa với một ông già, hàng đàn trẻ nít chơi nhảy dây, chơi kéo co, và tất cả được tổ chức trật tự có kỷ luật. Có lẽ đây là phố đi bộ nơi vui chơi cộng đồng lành mạnh nhất, hiệu quả nhất mà tôi từng thấy. Tôi hỏi một người mẹ trẻ, các trò chơi trên phố đi bộ này tổ chức bao lâu rồi. Cô nói mới làm từ đầu tháng 10 năm nay thôi chị, được 2 tháng rồi, tụi trẻ con thích lắm, cứ cuối tuần là mọi người dẫn con ra ngoài này chơi.

Tôi ngồi trên vỉa hè ăn chén chè trôi nước còn bốc khói, xuýt xoa vì gió lạnh, ngắm những người dân đang vui chơi mà ao ước giá như thành phố nào cũng có được một người quản lý văn hóa có tầm nhìn nhân văn như vậy thì hay biết bao. Thay gì dành phố đi bộ chỉ để kinh doanh buôn bán đặc sản, và những thức ăn vặt, người ta đã chú ý hơn đến đời sống tinh thần, tạo một sân chơi lành mạnh vào cuối tuần.

Buổi sáng Cao Bằng nắng nhẹ nhưng ra ngoài tôi phải choàng một khăn len mỏng, sáng thứ 7 người ta dậy muộn vì cuối tuần ngủ nướng, đường phố vẫn còn thưa thớt. Nghecô chủ khách sạn giới thiệu món bánh cuốn đặc sản vùng núi chúng tôi tìm đến. Bánh cuốn ở nơi này giống như bánh ướt ở miền Nam, nhưng bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người miền xuôi, chấm bánh vào nước mắm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi.Nước canh ninh từ xương heo từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa. Có nơi tráng bánh cuốn  cho thêm lòng đỏ trứng gà, khi ăn còn thêm một cây chả và măng chua làm kim chi nữa. Món này lạ, ăn để biết nhưng có lẽ không hợp lắm với khẩu vị tôi.

 

8. Thác Bản Giốc.

 

Anh Nguyên Minh chủ biên tạp chí Quán Văn, sau một tuần ngồi xe vượt đèo đã thấm mệt, nhìn anh yếu sức chúng tôi lo lắng, khuyên anh hôm sau ở lại thành phố nghỉ ngơi đừng đi Bản Giốc. Xe anh gồm vợ chồng họa sĩ Lê Ký Thương, người được cả đoàn lo nhất vì họa sĩ Cóc đã một lần cấp cứu trong đợt đi Miền TâyNam Bộ nhưng kỳ này anh lại ung dung tự tại, chị Kim Cúc đột quỵ nằm viện một tháng mới ra viện cũng hăng hái đi, vì vậy chị Mỹ Lệ nữ tướng Quán Văn, vợ chồng anh Sông Ba, anh Đặng Châu Long biệt phái đixe này để lo chu toàn cho các yếu nhân.

Nhưng sáng nay, tôi ngạc nhiên khi thấy anh Nguyên Minh tươi tỉnh ngồi ăn sáng từ sớm, anh không chịu ở lại nghỉ ngơi, anh nói chuyến đi này thác Bản Giốc là địa điểm quan trọng nhất anh không thể bỏ qua, không gì riêng anh, mọi người cùng đều suy nghĩ như vậy.

Anh Đặng Châu Long chưa đến đã buồn và lòng thì nao nao, anh viết: “buồn và nao nao nghĩ đến ngày mai, mai đã sang Cao Bằng ngùi thăm Bản Giốc, Trùng Khánh vốn xa lạ ngày nào bỗng trở nên thân thiết bởi bi tráng sự đời.”


Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh sát biên giới Trung Hoa là một thác nước cao hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam gồm có hai phần, phần thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam, phần thác chính nằm giữa biên giới Việt – Trung, được phân chia ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn chảy phía dưới; Phần thác chính rộng khoảng 100 mét, cao 70 mét và sâu 60 mét, nhìn từ xa thác đổ xuống trắng xóa nguyên sơ, như dải lụa trắng vắt ngang núi rừng, tạo nên một nét quyến rũ.

Chúng tôi đến thác Bản Giốc lúc giữa trưa, ngay từ xa đã nghe thấy tiếng thác nước réo. Du khách có thể ngồi trên những vạt cỏ xanh mát dưới tán cây ngắm dòng thác đỗ xuống từ trên cao tung bọt trắng xóa, bên cạnh là túi hạt dẻ Trùng Khánh dẻo thơm còn bốc khói. Địa điểm này là nơi chúng tôi chờ đợi, mỗi người đều có một tâm trạng khi nhìn ngọn thác hùng vĩ của mình bị cắt đi một phần lãnh thổ so với cột mốc Pháp – Thanh ký công ước từ năm 1887. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác Bản Giốc, phần thác phụ bên trái 1 tầng hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam, phần thác chính bên phải gồm 3 tầng,  nửa phía tây thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủyhuyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Thác nước này cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208 km. Theo trang Wikipedia, thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil-Argentina, thác Victoria giữa Zambia-Zimbabwe và thác Niagara giữa Canada-Mỹ).

Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Hai bên bờ là những thảm cỏ, vạt rừng xanh ngắt. Mặt sông Quây Sơn này hai bên Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng, cùng khai thác du lịch chung.Cùng một bước chân, nhưng khi tôi đứng giữa hai đường biên, thân tôi ai xẻ làm đôi.

Hầu như chúng tôi đều chỉ muốn đứng bên thác phụ nằm trên lãnh thổ của mình, chụp hình và thư giản, không ai bảo ai đều không muốn sang thuyền để qua thác chính  vì không muốn cứa vào nỗi đau. Anh Đặng Châu Long thì “Tôi cứ chụp, chụp nhưng không chụp thác lớn, tôi không muốn lòng đau thêm. Không thể buông, vì sẽ không còn níu lại. Chiếc vũng nhỏ của thác nhỏ, cái hồ đầy của thác lớn cứ phô ra đấy lòng nào còn vui. Tôi chợt nhớ câu hát của ai đó vẳng trong tôi: “Lòng sầu thiếu phụ ngậm ngùi ải quan”. Bây giờ không thấy ải quan đâu.

Tịnh Thy thì kêu gọi mọi người “Hãy uống một ngụm nước đầu nguồn thiêng liêng của tổ quốc”.

Trúc Hạ thì chia xẻ: “Nước mát trên tay, ngọt trên miệng mà sao chúng tôi lại cùng cảm nhận được vị đắng trong lòng của nước?!...”

Tôi ngồi trên vạt cỏ ngắm dòng thác hùng vĩ tung bọt trắng xóa từ xa, mà nghĩ đến hàng ngàn năm trước, triệu năm trước khi dòng thác này được tạo dựng, đã có bao thể chế đến rồi đi, đã có bao dân tộc sở hữu được chúng. Và rồi cũng là hư vô. Ranh giới của một đất nước đôi khi nằm nhiều ở chính lòng người.

Tiếng hát của Thái Thanh trong bài “Tình ca” của Phạm Duy réo rắt suốt đường về mà lòng tôi trống rổng:

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

… Tôi yêu biết bao người

Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa

Những anh hùng của thời xa xưa

Những anh hùng của một ngày mai…”

Nghe bài hát mà thấy lòng xót xa, hùng khí của tiền nhân nay biết tìmnơi đâu.

 

17/01/2020

Tham Khảo:

http://trian.vn/tin-tuc/chien-truong-xua-3571/cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-dong-doi-khong-quen-ngay-gio-tran-vi-xuyen-469109

https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1c_B%E1%BA%A3n_Gi%E1%BB%91c

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



 

 

 

Ban Mai
Số lần đọc: 427
Ngày đăng: 08.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký sự miền Đông Bắc (2) - Ban Mai
Dọc đường văn nghệ (Phần 65) Huỳnh Văn Dung, tác giả bài thơ rất Huế - Trần Dzạ Lữ
Ký sự miền Đông Bắc(1) - Ban Mai
Dọc đường văn nghệ (Phần 63) Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần: thả nỗi nhớ, niềm thương vào sắc màu hội họa - Trần Dzạ Lữ
Hiu hắt đời người - Ngữ Yên
Dọc đường văn nghệ (Phần 60) Ngô Đình Hải, nhà văn rất Sài Gòn - Trần Dzạ Lữ
Dầu Tiếng – ký ức miền thơ ấu - Phan Văn Thạnh
Dọc đường văn nghệ (Phần 61) Chàng Pilot gãy cánh đêm xưa… - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 62) Hoàng Thị Bích Hà, nhà bình luận văn học của xứ thần kinh - Trần Dzạ Lữ
Ba tôi - Nguyễn Đại Duẫn
Cùng một tác giả
Thời gian (tạp văn)