Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
517
116.800.844
 
Milano Sài Gòn đang về hay sang, ngỡ ngàng dõi theo dòng sông chảy
Đặng Châu Long

 Nhà xuất bản: Tổng Hợp TP HCM 08 / 2018

 

 

Milano Sài Gòn đang về hay sang? – có dấu chấm hỏi biểu thị một sự phân vân. Tôi muốn nhấn mạnh dấu hỏi này bởi tôi nhìn thấy sự dứt khoát và mạnh mẽ từ phía Elena hơn là tác giả

“Khi bước vào xe, đột ngột Elena bảo: Mình về và bắt đầu dọn nhà là vừa. Phải chuẩn bị nhà trống để cho thuê và có thể lần tới quay về Ý mình không còn được ở căn nhà này nữa.

Tôi bàng hoàng. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước khi về lại Ý trong chuyến đi này... nhưng tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ.

Thế là bắt đầu một cuộc ném đồ đạc. Băng cassette. Video phim ảnh. Báo chí.Tài liệu. Các vật dụng... mỗi lần vứt bỏ là một nhát dao cắt vào da thịt.” (TVD, MSĐVHS)

 

Và tôi hiểu dấu chấm hỏi đó. Chỉ vì ba chữ KHÔNG ĐÀNH LÒNG. Nói như Khalil Gibran “Hằng hà mảnh hồn ta đã tan tác trong các đường phố này. Hằng hà những đứa con của khát vọng ta, trần truồng đi trong những ngọn đồi này, và ta chẳng thể dứt bỏ nhẹ nhàng được” (Kẻ tiên tri).Bốn mươi năm sống trên mảnh đất này đã như một đời người, đành lòng sao?

“Tôi chợt nghĩ đến nhưng người tôi đã mang ơn. Nhiều lắm. Những bạn sinh viên Franco, Guido, Giuseppe... lúc nào cũng sẵn lòng chia sẻ cùng những lời khích lệ lúc ngã lòng. Những đồng nghiệp chí tình Umberto, Loris, Marco, Enrica, Anna, Sandra... những vị thầy đáng kính và tận tâm Berti, Villa, Trabucchi.” (TVD, MSĐVHS)

 

Và lớn hơn, bao trùm trên tất cả là tình yêu. Bốn mươi năm cuộc tình quí giá trong mong manh đời, từ thuở thư sinh đến lúc viên mãn sự nghiệp. Elena, người con gái Ý mà tôi có duyên gặp gỡ qua nhiều trạng thái trong đời, tôi đã nhìn ra nét đông phương trong Elena và sự dứt khoát trong quyết định mình. Nàng vui vẻ về quê chồng là một lẽ yêu, nhưng chịu khó học tiếng Việt để hiểu đất nước chồng, quy y phật pháp, học thuộc kinh kệ chữ Phạn, chữ Hán, để cùng mẹ chồng sánh đôi lên chùa tụng niệm, cởi mở, vồn vả với từng con người dù chỉ gặp thoáng qua, đã thấy Elena sẵn sàng cho một chuyến hành hương về quê chồng một cách toàn tâm.“Mười ba năm quen nhau mà chưa dám làm đám cưới... thế mà Elena vẫn chờ cho đến lúc gánh nặng trên vai tôi nhẹ bớt” (TVD), đành lòng sao.

 

 “Nợ tình yêu của Elena, người con gái bốn mươi năm trước đã quen và yêu tôi hơn mọi thứ quý giá nhất trên đời. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng, vô vụ lợi, không toan tính nhỏ nhen. Nàng chấp nhận đến với tôi từ khi còn là một “công tử” ngu ngơ du học, đến những năm tháng khó khăn, sau 75, ở căn nhà không lò sưởi, mùa đông bên trong nhà còn lạnh hơn bên ngoài; Nàng chẳng rời tôi thời không tiền ăn sáng... nhịn đói ôm sách ra thư viện để được ấm thân, vừa học vừa mong đến giờ ăn ở quán cơm sinh viên (TVD, MSĐVHS)

 

Trương văn Dân là người cả lo. Sắp xếp không chỉ chuyến đi về, mà còn phân vân nhiều vấn đề phát sinh khác. Anh tính đến chuyện nếu chẳng may anh ra đi trước, nếu ngược lại... anh chuẩn bị cho hai người đủ đầy giải pháp an toàn. Dù thâm tâm anh biết: “Niềm vui của Elena là cho đi chứ không phải nhận lại... Và cô ta đang sẵn lòng “trả nợ”(TVD)”. Tôi dư biết Elena đã sẵn sàng, và đã là một người Việt nam, như anh, như tôi. Anh lo lắng gì. Thật sự anh chỉ lo mình chưa trọn vẹn với tấm tình của Elena và quê hương yêu dấu của cô vốn đã cưu mang Trương Văn Dân suốt 40 năm dài.

 

“Thăng trầm, vinh nhục... tất cả đều đã trải, đều đã vô thường, thay đổi, và chỉ có hằng số Elena là còn ở lại. Nàng luôn ở bên tôi. Lúc nào cũng ở bên tôi. Dù có khi chúng tôi cách xa nhau hơn 10.000 km. (TVD, MSĐVHS)”.

Tôi hiểu trong thâm tâm anh đã không còn dấu hỏi. Milano hay Việt Nam đều một chữ về, dù về Việt Nam là trở trăn dai dẵng cùa anh, anh đã viết: “ Đau khổ thì trên mặt đất nơi nào cũng có. Nhưng đau khổ ngay trên chính quê hương mình thì dù sao cũng vẫn hơn. Vì đau khổ thế nào thì mình cũng chịu được. Nhưng cô đơn lạc lỏng về tâm hồn nơi xứ người thì buồn và tủi lắm” (TVD, Trò Chuyện Với Thiên Thần).

@

Khi nhắc đến Trương văn Dân, tôi nhìn thấy ngay hai điều. Thân phận con người và những người bạn quanh ta. Trong hai mươi chín truyện ngắn và tùy bút trong quyển Milano Sài Gòn đang về hay sang? Trong đó, ngoài bài viết Milano Sài Gòn đang về hay sang?, bốn bài viết về các lần gặp gỡ văn hữu đáng nhớ, sáu bài cảm nhận văn học, có mười tám bài viết về con người  đang sống quanh ta. Những hiểm họa tiềm ần, những bất hạnh của gia đình, những mảnh đời nghiệt ngã, những a dua thời thượng, những phân cách giàu nghèo, những nỗi cô đơn giữa đám đông, và những tấm lòng vô vị lợi.

 

“Dường như lớp trẻ đang học hỏi không chọn lọc, nhiễm quá nhiều văn hoá Tây Phương và tiếp thu mờ nhạt tinh thần cao đẹp của phương Đông. Anh nhận thấy  bề ngoài thì họ có vẻ huênh hoang tự đắc mà hình như bên trong luôn mang trong lòng cái mặc cảm tự ti, tưởng rằng cái gì mình cũng kém người, mù quáng bắt chước… và không dám có ý kiến của riêng mình, một quan điểm của mình, một hướng đi cho mình.”(TVD, Biết đâu nguồn cội)

 

Dấu ấn nhân sinh dường như là nỗi niềm cánh cánh theo từng bước đời anh. Mọi tham vọng về tiền tài chỉ là phù phiếm, chỉ còn trong ta lắng lại một  cõi lòng, cộng đồng ta sống cùng, là tâm điểm tất cả mọi đắn đo suy tính.

Em không biết là quyền lực, giàu có chỉ là một gánh nặng trên vai? Trèo lên thì nặng nề, mà đi xuống thì rất dễ mất thăng bằng! Tranh quyền đoạt lợi, nắm tiền muôn bạc triệu có khác gì bắt được tù binh: buông thì tiếc, giữ thì vướng víu. Đôi khi còn mang hoạ vào thân.” (TVD, Bắt được tù binh)

Anh nói đến những điều ít người dám nói, vấn đề ẩn tàng trong quan hệ huyết thống

“Quan hệ huyết thống là cái mà chúng ta tự có ngay từ lúc mới sinh, không phải do chọn lựa. Ràng buộc đó chúng ta phải gánh chịu suốt đời mà không thể từ bỏ. Đau đớn cũng chẳng dám dứt ra”. “Con người suốt đời bị cầm tù trong cái bẫy gia đình... Kẻ nào có trách nhiệm sẽ bị biến thành nạn nhân. Hãy nhìn những đứa cháu lúc cần không bao giờ thấy mặt và chỉ xuất hiện khi có quyền lợi nhằm xác nhận ràng buộc họ hàng”(TVD, Đỏ đen giọt máu)

 

Anh đắng cay nói:”Gia đình chính là nơi làm chúng ta đau đớn nhất”(TVD, Đỏ đen giọt máu)

Nhịp sống hiện đại hoàn toàn không hoàn hảo như mọi người nghĩ, càng hiện đại, con người càng xa lìa nhau. Họ chuyển từ thế giới thực tại bước vào ảo mộng. Cuộc hội nhập với smart phone là một minh chứng

“Sao thành phố có nhiều người bị tâm thần thế?” “Tại sao?” “Cậu thấy có quá nhiều người bị “chạm dây”, lảm nhảm một mình.” “Đâu?” Tôi chỉ gã thanh niên đang đứng trước toà cao ốc. Thằng cháu cười ngất, tiếng cười  lớn quá, làm tay lái chao qua chao lại. “ Không phải đâu! Họ nói chuyện bằng điện thoại đó!”. “Bậy nào. Cậu thấy hai tay họ có cầm gì đâu. Đấy, tay không múa máy kia kìa”. Tiếng cười của thằng cháu to hơn “Tại họ gắn bluetooth  đó”.       “Bluetooth là cái quái gì ?” “Là cái tai nghe không dây hiện đại. Đó là một dụng cụ áp vào tai để nghe, tránh sóng điện từ có thể làm hại não” “ Nguy hiểm thế sao không cấm? Và sao lại có người dùng?” “Thị trường mà cậu! Có cung có cầu. Thời đại này không thể sống mà không dùng điện thoại di động.”

À, À… Phương tiện liên lạc chỉ dùng để kết nối những người ở xa. (TVD, Lỗi kết nối)

Anh lạ lẫm nhìn cách thô thiển của giới trẻ muốn khẳng định mình, bằng vẻ bề ngoài và họ không hề muốn hoặc rất ít quan tâm những nét đẹp bền vững của tâm hồn. Phải chăng anh đang dần xa lạ với từng hành vi, nếp sống của con người quanh anh?.

 Như thế nào thì được gọi là văn minh? là gợi cảm? Chắc mỗi người có một quan điểm khác nhau về điều này, riêng với tôi thì việc ăn mặc hở hang cũng là cái nhu cầu để thể hiện cái “tôi” cô đơn của lớp trẻ. Thời đại vùn vụt, con người vật vã hòa nhập vào cỗ máy, cảm giác bị đè bẹp trong nhịp sống quay cuồng. Họ muốn được chú ý. Tôi đây! Tôi đây! Nhưng cái khổ là họ thiếu kiến thức nên không biết ranh giới gia “mốt” và thô tục.. (TVD, Xác ướp Ai Cập và câu chuyện ở quán cà phê)”

Ta đang đứng dưới cơn mưa đời, và đôi tay ta quá nhỏ để che hết cơn mưa. Có thể đúng là thế, nhưng từng bàn tay nhỏ, từng bàn tay nhỏ sẽ ủ ấm nhau giữa cơn mưa vô tình đó. Hãy xem sức nóng lan tỏa tình người đó qua những người bạn mà anh xem như những hạnh ngộ trong đời trong các tạp ghi Paris ngày trở lại, Cuộc hội ngộ của những trái tim, Từ Sông Seine Parisđến kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn,  Lời tình buồn và nén nhang không khói.CTNM.

Có lẽ những ước mơ của ta đang đi bên lề khác trong cuộc biến hình của thế giới hiện sinh, nhưng đó là những giấc mơ đẹp. Những ý nghĩ cảm thông nhân tình đều đáng trân trọng và thế giới này đang cần nhiều cách nghĩ chung như thế để dịu đi khoảng cách lạnh lùng, vô tâm, vô cảm đầy rẫy hiện nay.

@

Tôi đọc xong, gấp sách lắng lòng suy nghĩ. Một đối thoại nhỏ của Elena vẫn mãi làm tôi hoài vương vấn,

“Ở mọi nơi trên thế giới, sự tàn ác đều như nhau. Lòng tốt có giới hạn. Mà cái ác thì không cùng.” Tôi đắng họng. Không biết bình phẩm ra sao. Mãi sau Elena mới nói: “Cuộc đời này là gì? Chẳng qua chỉ là một hơi thở! Tại sao chúng ta không sống cho cái Tâm mình đẹp? Chỉ vì Tham mà người ta ganh ghét và chém giết nhau. Thế mới biết Phật giáo thật thâm diệu:  Ai biết xem thường danh lợi thì đời sẽ bình an và lúc nào cũng cũng có thể mở lòng chào đón mọi người, với tình thân ái.”

 

          Cám ơn những người bình thường có cõi tim không giới hạn.

 

 

 

14-10-2017

  

 

 

Đặng Châu Long
Số lần đọc: 361
Ngày đăng: 11.09.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ Lê Chí và những niềm khắc khoải nhân sinh… - Trần Hoài Anh
Baudelaire « nhà thơ của tâm trạng » - Võ Công Liêm
Trò chuyện với thiên thần: sự mới lạ của một cây bút quen - Vũ Ngọc Tiến
Nhật Nguyệt chờ… iêu - Trương Văn Dân
Thương nhớ một người anh - Võ Quê
Thần khúc thời bốn chấm không - Chu Mộng Long
Một cuộc “Phật sự” - Nguyễn Anh Tuấn
Covid 19 và phương pháp đào tạo từ xa - Elena Pucillo Truong
"Trò Chuyện Với Thiên Thần" Tác phẩm một đời của tác giả để người đọc một đời. - Nguyễn Văn Sâm
Một nhà thơ “làm thơ” bằng màu sắc và hình khối - Nguyễn Anh Tuấn