Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.410 tác phẩm
2.747 tác giả
468
116.849.904
 
Bóng tối là đỉnh cao
Đỗ Quý Dân

 


Mở:

Trích Đông Chu Liệt Quốc:

“Sư Khoáng, tên tự là Tử Giã, là một học giả thông minh bậc nhất ở nước Tấn, lúc bé học âm luật, thường bực mình về nỗi không được chuyên, mới phàn nàn rằng: - Nghề không tinh là tại lòng không chuyên nhất, lòng không chuyên nhất là tại con mắt hay nhìn. Liền lấy lá ngải đốt mù mắt đi, để chuyên tâm về nghệ thuật, bởi vậy tinh thông âm luật lắm, có thể biết khí hậu biến hóa, âm dương lên xuống, sự lành dữ trong việc trời việc người, trong tiếng chim tiếng gió. Bấy giờ Sư Khoáng làm quan thái sư ở nước Tấn, coi về việc nhạc. Tấn Bình Công tin yêu lắm, hành quân ở đâu cũng đem đi theo…”

Tôi đọc cho nàng nghe. Nàng bảo tôi:

- Cái ông này đúng là cực đoan, việc gì phải tự làm mù mắt mình như thế? Muốn chuyên tâm không cần phải tự đâm mù mắt…

Tôi biện hộ cho Sư Khoáng: - Đây là người ta hy sinh vì nghệ thuật, cho nghệ thuật, chứ không phải là cực đoan.

Nàng tức giận: - Thế thì sao không tự nhốt mình vào phòng tối đi, chẳng còn bị chuyện gì làm cho phân tâm nữa? Đúng là suy nghĩ lệch lạc.

Nàng tiếp: - Con người ta nhiều khi có thể nhìn thấy âm thanh. Chữ Quan Âm hay Quán Âm bắt đầu từ đó. Mắt mù làm sao còn quán âm, quán nhạc được nữa?

Nhiều khi loài người thích tranh cãi những chuyện chẳng đáng để tranh cãi. Phải chăng tranh cãi là nhu cầu của cuộc sống?

Có điều từ chuyện tranh cãi này, người viết bỗng chợt có cảm hứng viết.

Và câu chuyện dưới đây là kết quả của một cuộc tranh cãi không đáng để tranh cãi.


1. Huy hoàng của biển

Sư Khoáng thở hắt ra. Hắn vừa soạn xong khúc nhạc lấy tựa đề “Huy hoàng của Biển”. Ngày mai hắn sẽ bắt đầu soạn một nhạc phẩm mới. Có lẽ hắn sẽ viết về núi. Uy nghi của Núi. Đúng. Đã viết về Biển thì phải viết về Núi. Nhạc của hắn thật mênh mông. Niềm kiêu hãnh trỗi dâng trong người hắn như thuỷ triều ở tuần trăng mới. Hắn cũng cảm thấy được an ủi. Sự hy sinh của hắn đã không bị lãng phí.

Một ngọn sóng bâng khuâng bỗng từ đâu len nhẹ vào tâm tư hắn. Hắn chợt nhận thức là không còn nhớ được màu xanh của biển. Từ ngày hắn xông khói ngải để tự hủy hoại đôi mắt, hắn vẫn thường có những phút giây băn khoăn như thế. Hắn tự làm mù để không bị những hình ảnh chung quanh làm chia trí, để có thể tập trung tinh thần vào việc soạn nhạc và nghe nhạc. Thế nhưng có lúc hắn tự hỏi không biết mình có sai lầm không? Những lúc ấy hắn nhớ lại thuở chưa mù, đi ven bờ biển ngắm sóng, ngắm trời, để mắt nhìn theo những cánh hải âu bay trên cao rồi mơ tưởng đến những cuộc phiêu lưu mà hắn đã nghe kể hoặc đọc trong tiểu thuyết. Hắn bị mù đã năm năm, cái thời gian đủ dài đề làm phai mờ màu sắc trong ký ức, để làm quên những gì đã nghe được, đã đọc được. Lẽ ra tâm của hắn phải tịnh hơn. Nhưng càng ngày, cái xôn xao trong người càng mạnh. Tinh thần của hắn như bị giao động bởi sự giới hạn và bất lực của trí nhớ. Hắn thèm có khả năng hình dung được biển, thèm nhớ được màu xanh của biển.

Hôm nay, hắn biết là mình đã mất hẳn màu xanh của biển.

Biển đã mất màu. Làm sao biển có thể huy hoàng được?

2. Đi tìm đỉnh cao

Vương Duy đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng. Cặp mắt hắn đang theo dõi một đôi tình nhân ngồi dưới bóng mát của một tàng cây ở chân đồi. Nhìn hai bờ vai nam nữ kề sát nhau, Duy như nghe được những lời thì thầm tình tự của đôi tình nhân. Hắn nhớ có lần nói với thầy của hắn tại Nhạc Viện. “Thưa thầy, tôi NHÌN ra được lời thì thầm của những kẻ yêu nhau.”

Một lạch nước trong vắt chảy lặng lờ quanh chân đồi, giữa thảm cỏ xanh ngát. Màu xanh mát mắt của cỏ làm Duy rùng mình liên tưởng đến những học viên ở Nhạc Viện. Họ âm trầm, cái âm trầm của những kẻ có chuyện bận tâm lâu ngày không giải quyết được. Họ đang tìm bóng tối. Mâu thuẫn hơn, họ tìm bóng tối để thấy được ánh sáng. Họ đang kiệt sức trong cuộc tìm kiếm vô vọng đó.

Thầy của Duy, Sư Khoáng, là người sáng lập Nhạc Viện. Khoáng là tác giả của bản giao hưởng “Sắc màu của bóng tối”, một công trình âm nhạc được thế giới nghệ thuật ca tụng. Muốn soạn xong tác phẩm, Khoáng đã phải hủy hoại đôi mắt của mình để tập trung vào âm nhạc. Nghệ thuật đòi hỏi hy sinh, Khoáng bảo thế. Và Khoáng đã sáng lập Nhạc Viện để dạy cho loài người cách hy sinh cho âm nhạc.

Khoáng đã cười khinh khỉnh, bảo Duy: “Ngươi nhìn thấy âm thanh chứ không nhìn thấy âm nhạc. Âm thanh mà ngươi nhìn thấy là âm thanh của dục vọng, không có chỗ đứng trong âm nhạc chân chính.”

Duy vốn xuất thân từ nghề vẽ. Hắn thường bỏ cả buổi lang thang mọi nơi để tìm đề tài. Hắn tìm đề tài nơi sông núi, nhưng không vẽ sông núi. Hắn tìm đề tài nơi người ta sinh hoạt, nhưng không vẽ con người. Hắn chỉ nhìn người, nhìn cảnh vật rồi liên tưởng đến một cảm giác nào đó đã ngủ kỹ trong đầu, trong tâm thức mà thị giác hắn vừa đánh thức. Hắn vẽ không cần người xem tranh phải hiểu. Khi hắn vẽ xong, cái cảm giác kia biến mất. Vì thế, khi hắn nhìn lại tranh của mình, hắn không nhớ và không biết là hắn đã vẽ gì.

Chỉ biết người xem tranh khen tranh của hắn… hay.

Khi nghe một người bạn kể chuyện Nhạc Viện, chuyện Khoáng hy sinh đôi mắt để đạt được đỉnh cao của âm nhạc, Duy cảm thấy vô cùng hứng thú. Hắn nghĩ ngay đến chuyện tìm đề tài ở Nhạc Viện. Nếu hành trình theo đuổi đỉnh cao âm nhạc có thể đánh thức được một cảm giác nghệ thuật trong con người hắn, cảm giác đó sẽ đúng là cảm giác hắn đã đi tìm từ bấy lâu nay. Đó là thứ cảm giác có thể giúp hắn vượt qua được cái tầm thường của hội hoạ, đưa hắn về với thần linh, với tuyệt đối. Hắn phải đi tìm cảm giác đó. Hắn phải trở thành một học viên của Nhạc Viện.

Duy đã tưởng vào Nhạc Viện là phải tự huỷ ngay đôi mắt. Nhưng thực tế không phải thế. Mù đã trở thành một mục đích của sự tu luyện ở Nhạc Viện. Sư Khoáng buộc học viên phải nhắm mắt để quên đi màu sắc, quên đi mọi hình ảnh quen thuộc trong lúc phân biệt các loại âm thanh Khoáng cho các huấn luyện viên ở Nhạc Viện tạo ra để học viên nghe. Dần dà học viên tranh đua nhau để được mù và bắt đầu cảm thấy mù cũng quan trọng chẳng khác đỉnh cao của âm nhạc. Được mù là đạt được đỉnh cao. Lên được đến đỉnh cao thì những chuyện khác chẳng cần thiết nữa.

Kể cả âm nhạc.

3. Núi khuất trong sương

Sư Khoáng rùng mình. Một luồng gió luồn qua cửa sổ đập vào lưng hắn. Lẽ ra ngọn gió không đủ lạnh để làm hắn phải bận tâm. Nhưng hắn vừa bị mồ hôi toát ra lưng, tạo ra một môi giới để chất lạnh thấm vào người, đưa đến cái phản ứng rùng mình tự nhiên đó. Hắn thường toát mồ hôi lưng như thế từ hôm hắn nhận thức đã đánh mất màu xanh của biển.

Sáng nay hắn đã cố gắng tìm giai điệu cho bản giao hưởng “Uy nghi của Núi” mà hắn dự định cho ra mắt cùng lúc với tác phẩm “Huy hoàng của Biển”. Thế nhưng hắn ngồi nửa ngày mà vẫn không tìm được âm giai nào. Khoảng không chung quanh hắn hình như đã hoàn toàn im lặng, không còn chút âm thanh nào nữa. Hắn không còn nghe được âm nhạc. Nếu Núi có âm thanh thì tai của hắn đã bị điếc, không nghe được, không cảm được nữa.

Hắn cảm thấy sợ hãi. Nếu hắn không còn nghe được nhạc, thì cuộc đời còn có gì đáng kể.

Hắn bỗng chợt nhớ đến gã học viên hắn nhận vào Nhạc Viện vài tháng trước. Hình như gã tên là Vương Duy gì đó. Gã này có những đặc điểm mà hắn không thấy ở các học viên khác, nhưng đặc điểm gì thì hắn không biết rõ. Hắn chỉ có một khái niệm mơ hồ về cái gã học viên này. Cái khái niệm đó đến từ những cuộc đối thoại giữa gã và hắn.

"Thưa thầy, con người ta có thể nhìn thấy được âm nhạc không?"

Vương Duy không hề có ý chọc giận Khoáng khi hỏi như thế. Nhưng Khoáng không tránh được hiểu lầm. Hắn đã tự hủy mắt thì dĩ nhiên không tin là con người có thể nhìn thấy âm nhạc. Dù bực tức, hắn cũng khen thầm gã học viên mới đã có đủ can đảm đặt câu hỏi đó. Và hắn đã trả lời:

"Nếu con người có thể nhìn được đỉnh cao của âm nhạc, ta đã không mù."

Khoáng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nhìn thấy âm nhạc. Tác phẩm đưa hắn lên đài danh vọng được hắn khởi soạn dưới một tên khác trước khi hắn tự huỷ đôi mắt: “Hào Quang Âm Nhạc”. Mặc dù hắn đặt tên như thế, hắn không hề nghĩ âm nhạc có hào quang cho người ta nhìn thấy. Vật vã năm năm trời không hoàn thành tác phẩm, hắn cho rằng những sinh hoạt của thế giới chung quanh mà mắt hắn phải chứng kiến đã làm cho hắn không tập trung được tinh thần vào công việc. Và rồi hắn đi đến quyết định tự làm mù để không còn bị phân tâm nữa.

Hắn còn nhớ rõ cái cảm giác của một kẻ chán đời có ý định tự tử lúc đi nhờ thầy lang chỉ cho phương cách tự làm mù. Cái cảm giác nhu nhược kia trở thành một niềm tự hào khi hắn bừng tỉnh từ cơn đau của đôi mắt, thấy mình đứng giữa một vùng sương mù xám đặc, các sinh hoạt của thế giới chung quanh không còn là những hình ảnh làm rối mắt, mà chỉ còn là những âm thanh mơ hồ không ý nghĩa.

Lúc ấy, Khoáng tự hào vì hắn đã dám làm việc không tưởng. Mấy ai dám hy sinh vì âm nhạc, vì nghệ thuật, như hắn? Hắn tự cảm thấy mình phi thường, và tự gán cho mình sứ mạng tìm đến đỉnh cao âm nhạc. Hắn quả quyết rằng bóng tối của mù loà chính là con đường đến chân lý. Hắn đã tìm thấy “Hào quang của âm nhạc” trong vùng bóng tối. Và nhạc phẩm dở dang của hắn đã có tên mới: “Sắc màu của bóng tối”. Và Bóng Tối đã đưa hắn lên đài danh vọng. Bóng tối đã đưa hắn đến đỉnh cao của âm nhạc.

Nhưng hôm nay Bóng Tối chỉ còn là bóng tối.

Hắn chợt nhớ đã từng liên tưởng đến màu sắc khi soạn nhạc trong bóng tối. Dù mù loà, hắn vẩn có những khái niệm rõ ràng về màu sắc. Hắn không rõ những khái niệm này từ đâu đến. Từ miền quá khứ? Từ vùng trí nhớ? Hắn không đặt câu hỏi. Cho đến ngày hôm nay …

Hôm nay, hắn không còn khả năng liên tưởng.

Hắn đã đưa biển vào âm nhạc. Hắn đang định đưa núi vào âm nhạc. Nhưng ngọn núi uy nghi kia bỗng nhiên xa vời quá. Ngọn núi đã bị chìm khuất sau một màn sương xám đục. Cái xám đục phủ kín không gian ngày đó. Ngày khói độc xông lên hủy đôi mắt hắn.

Biển. Núi. Những hình ảnh hắn từng coi là tầm thường. Giờ đây hắn đã đánh mất. Có một âm thanh quái dị vang lên đâu đó trong hư không, trong tâm thức hắn. Không phải là âm nhạc. Không phải là âm thanh hắn đã ghi lại trong ký ức. Và có lẽ cũng chẳng phải là âm thanh như hắn tưởng.

Ừ,

Ừ, đúng thế.

Không.

Không phải vậy.

Không phải âm thanh. Chỉ là một dấu hiệu dẫn dắt hắn tìm về ngọn núi đã bị che khuất sau màn sương màu xám đục. Một dấu hiệu cần thiết.

Để giúp hắn tìm ra ngọn núi trong màn sương.

4. Âm thanh của hình ảnh

Cặp vợ chồng mới dìu nhau ra sàn nhảy để mở đầu phần khiêu vũ trong dạ tiệc cưới đêm nay. Khách dự tiệc la ó, vỗ tay khuyến khích. Nhạc trỗi lên, hai thân hình quyện vào nhau, chuyển động theo điệu nhạc. Một bản luân vũ.

Vương Duy ngồi ở một bàn gần sân khấu. Hắn nhắm mắt lắng tai nghe điệu nhạc. Ban nhạc chơi không lấy gì xuất sắc lắm. Hắn mở mắt ra, ngắm cặp vợ chồng mới cưới. Chỉ thoáng nhìn hắn cũng biết họ đang yêu nhau. Vòng tay ôm, những nhịp bước, những ánh mắt. Tất cả vương vào nhau, rơi vào nhau. Trong thoáng lát, hắn thấy được từng nốt nhạc di chuyển theo tình yêu của hai con người trước mặt hắn. Hắn thấy được cái bẽn lẽn của điệu nhạc chuyển qua niềm hạnh phúc trong tiếng ngân khi nhìn vào những biến chuyển trên khuôn mặt cô dâu. Hắn nghe được cái mạnh bạo của điệu nhạc hứa hẹn khả năng bảo vệ cho người yêu, cho tình yêu, khi quan sát chú rể. Hắn thực sự thấy được âm nhạc. Không còn là chỉ thấy âm thanh.

Ít ra, hắn cũng có thể đưa ra một kết luận: một khúc nhạc tình sẽ hay hơn nếu trỗi lên khi con người chứng kiến được tình yêu.

Và hắn cũng liên tưởng đến những khúc quân hành tấu lên trong những cuộc diễn binh, những điệu kèn bi ai thổi lên để tiễn người quá cố, những bài ca gợi lên những hình ảnh ghi vào trong ký ức … Không có những hình ảnh đó, những bài nhạc, điệu kèn, khúc ca sẽ trở nên vô hồn, trống rỗng.

À, hóa ra những hình ảnh đó là linh hồn của âm nhạc.

5. Bóng tối là đỉnh cao

Lại ba học viên nữa vừa hủy mắt tại Nhạc Viện.

Qua cơn bàng hoàng, đau đớn vì mất đi thị giác, ba “nhạc sĩ” kia như đã biến thành những con người mới. Giờ đây họ tự hào lắm. Tự hào vì dám hy sinh cho âm nhạc, vì âm nhạc. Mặc dù họ có chút ngập ngừng, họ vẫn khẳng định là họ mở được một cánh cửa mới trên tiến trình tu luyện để trở thành những nhạc sư chân chính.

Bạn bè ngưỡng mộ họ. Đột nhiên âm nhạc không còn là cái chính yếu trong đời nữa. Âm nhạc chỉ còn đó để giữ vai trò xác định giá trị của họ, của cái mù của họ. Hình như cái mù đã chiếm một vị trí cao hơn âm nhạc đối với họ. Cái mù trở thành đỉnh cao của âm nhạc. Âm nhạc không còn ý nghĩa, giá trị gì nữa bên ngoài bóng tối mù lòa.

“Ta đã bảo, đó không phải là âm nhạc. Không phải là đỉnh cao của âm nhạc. Chỉ là âm thanh của loài cá mắc cạn, vẫy vùng chờ cái chết.” Sư Khoáng trả lời câu hỏi của Vương Duy, giọng hắn cho thấy hắn đã mất kiên nhẫn với gã học viên mới này.

Thế nhưng Khoáng thấy lòng xao xuyến lạ. Có thể nào tên Vương Duy này nói đúng? Có thể nào?

Mấy ngày nay hắn không còn vận dụng được óc, được tim để hình dung ra núi, ra biển, hoặc bất cứ một hình ảnh nào trong trí nhớ của hắn. Hình như trí nhớ của hắn giờ đây là một mặt phằng màu “xám”, có lốm đốm những mảng “đen”, và đôi khi một mảng “trắng”. Thật ra, hắn cũng chẳng còn biết thế nào là xám, đen, trắng.

Phải chăng là cái si cuồng, cái tự hào của hắn lúc hắn vừa tự hủy thị giác, kèm với bộ nhớ (với những hình ảnh) còn sống động thuở đó đã giúp hắn sáng tác được những nhạc phẩm mà giờ đây người đời ca tụng? Phải chăng âm nhạc (của hắn) vẫn tùy thuộc vào hình ảnh? Những hình ảnh hắn đã coi thường, vì không quan tâm hoặc vì không hiểu giá trị của chúng, lúc hắn còn chưa mù? Khoáng chợt cảm thấy bâng khuâng. Và hắn phân vân.

“Thế thày khuyên tôi có nên tự hủy mắt không?” Duy hỏi.

Một tiếng gào thầm vang lên trong đầu Khoáng. Không, ta không thể sai được. Ta đã đạt được địa vị này, ta đã thành công trong âm nhạc đến mức này, ta không thể sai được! Và ta cũng không chấp nhận cho cái gã kia đúng được!

Đỉnh cao của âm nhạc không phải là cái mà người thường hiểu được, cảm được, đạt được, ngươi biết không? Ngươi đã lên được lưng chừng ngọn núi rồi, nhưng chưa lên được đến đỉnh. Ngươi không đủ sức để lên đến đỉnh đâu! Người phải quẳng đi mọi thứ, kể cả công sức leo núi từ trước đến nay, mới có thể lên đến đỉnh được. Bên cạnh chỗ ngươi đứng có một vực sâu không đáy, ngươi phải nhảy xuống đó mới đáp chân lên đỉnh được. Nghe thì mâu thuẫn đấy, nhưng không mâu thuẫn như thế, kẻ nào mà chẳng lên được đỉnh cao? Vấn đề ở đây là có đủ niềm tin hay không? Ngươi hãy quên đi mọi luận lý thông thường, vứt hết những kiến thức ngươi đã tích tụ được, rồi nhảy xuống vực sâu kia. Tự hủy mắt chính là nhảy vào vực sâu đó. Ngươi sẽ tìm được hào quang mới trong cõi mù đen tối. Rồi từ hào quang đó ngươi sẽ tìm ra đỉnh cao âm nhạc. Ngươi hãy nhảy xuống vực sâu. Ngươi hãy vào cõi mù. Ngươi hãy vào bóng tối. Vì bóng tối là đỉnh cao.

Lên đỉnh cao là phải nhảy xuống vực.

Vương Duy chợt thấy mình chênh vênh không điểm tựa. Tiếng của Sư Khoáng đều đặn thúc giục, hắn nghe mà không còn thấy Khoáng ở đâu nữa. Phải chăng gã viện trưởng kia đang đứng ở một đỉnh mà hắn không thấy, không với tới.

Hay là Sư Khoáng đang dần dần chìm sâu xuống đáy vực, để rồi sẽ hóa thành bóng tối?

Kết

Đọc xong câu chuyện tôi viết, nàng hỏi: “Thế Vương Duy có tự hủy mắt không?”

Tôi không biết trả lời thế nào. Nói đúng hơn, tôi không biết trả lời thế nào cho nàng vừa lòng.

Con người ta khi tin vào một lý tưởng nào đó, sẽ không còn thấy được cái cực đoan của lý tưởng đó. Có thể tôi không cực đoan, nhưng đặt ra một câu chuyện có nhân vật cực đoan, phải chăng tôi cũng đang muốn nhảy vào một hố sâu nào đó để tìm ra sự thật?

Nhưng thôi. Đây chỉ là một câu chuyện tưởng tượng, không đáng để trở thành một vấn đề cho tôi và nàng tranh cãi. Và nếu đã biết đây là một vấn đề không đáng để tranh cãi, sao lại còn đặt vấn đề?

Nếu chân lý của âm nhạc không đáng để phải hủy mắt, tại sao kết thúc của một chuyện tưởng tượng lại đáng để tranh cãi?


 

 

Đỗ Quý Dân
Số lần đọc: 774
Ngày đăng: 14.10.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thương sao vườn chậu! - Trang Thùy
Cho đời vui - Bùi Thanh Xuân
“Cú lừa” thế kỷ và ước nguyện thiêng liêng của người mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Cánh diều xanh - Vĩnh Thông
Cánh tay đã mất - Lê Hứa Huyền Trân
Trốn chạy - Lê Hứa Huyền Trân
Cái gương hỏng - Đỗ Quý Dân
Nỗi buồn mẹ bên sông Đà - Nguyễn Anh Tuấn
Ngõ nhỏ ngày xưa - Vinh Anh
Bên kia hàng cây chưa thay lá - Nguyễn Thị Kim Lan