Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
845
116.690.535
 
Châu Đốc xứ Hành Hương
Vĩnh Thông

 

 

 

 

Thành phố Châu Đốc (An Giang) nằm cạnh biên giới Việt Nam - Campuchia, là vùng đất có bề dày lịch sử, mang đậm dấu ấn văn hóa phương Nam thời mở cõi. Năm 2013, Châu Đốc được nâng cấp từ thị xã lên thành phố và là thành phố đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long không phải là tỉnh lỵ. Hiện nay, Châu Đốc là một đô thị du lịch - lễ hội hấp dẫn du khách với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng bên ngã ba sông, cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh và khu vực.  

Vào thành phố, du khách sẽ gặp tượng đài cá basa cao 12m của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong được dựng lên ở công viên bờ sông Châu Đốc. Đây là loài đã gắn bó với người An Giang gần 100 năm, giúp hàng vạn hộ dân An Giang trở nên giàu có. Tượng đài không chỉ mang hàm nghĩa “tri ân” loài cá nầy mà còn tôn vinh người làm nghề nuôi cá.

Một điểm đặc biệt khi nói đến Châu Đốc là… xe lôi. Đây là dạng xe “tự chế” thường thấy ở miền Tây, hiện nay phương tiện hiện đại đã thay thế xe lôi ở nhiều nơi, trừ Châu Đốc. Dường như xe lôi đã trở thành một nét thân thương của thành phố. Báo chí gọi xe lôi là “xe vua” Châu Đốc, người dân thì gọi vui là “xe dân biểu” tức là dân biểu (kêu/bảo) đi đâu thì đi đó!

Bước vào trung tâm thành phố Châu Đốc, du khách sẽ bắt gặp một kiến trúc cổ uy nghiêm giữa lòng đô thị, đó là đình thần Châu Phú. Đình Châu Phú là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, một trong những ngôi đình lớn và đẹp nhứt miền Tây, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Đình có kiến trúc mang hình chữ “tam” bề thế, cổ kính, thể hiện được những tinh hoa trong phong cách kiến trúc cung đình, mang đậm dấu ấn nghệ thuật truyền thống dân tộc thời Nguyễn. Bên trong còn lưu giữ nhiều đỉnh đồng, khánh thờ, hoành phi, liễn đối, sơn son thếp vàng, chạm trổ lộng lẫy với các hình bát tiên, tứ linh, chim thú… Các chi tiết nghệ thuật trong đình tạo cho du khách cảm giác như đang lạc vào một xứ sở huyền thoại thời cổ xưa, đặc biệt là nhiều sắc phong của vua Minh Mạng, Tự Đức… và một bức tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh uy nghi, phúc hậu, được làm bằng gỗ, chạm khắc và sơn phết sống động.

Đến Châu Đốc, không đi thăm làng bè là một thiếu sót. Làng bè là một cụm nhà bè nổi trên sông, dùng để nuôi cá basa và các loại cá da trơn khác. Hàng ngàn bè cá tập trung quanh khu vực ngã ba sông Châu Đốc như một bức tranh độc đáo, đậm chất văn hóa sông nước và tạo hứng thú cho du khách đến tham quan. Nghề nuôi cá bè có lẽ bắt nguồn từ Biển Hồ Tonlé Sap (Campuchia), vào khoảng thập niên 1950 người Việt bắt đầu tiếp thu và mang về nước. Ban đầu làng bè chỉ tập trung ở Châu Đốc, sau đó lan rộng ra toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Du khách muốn tham quan làng bè phải đi bằng xuồng, ghe hoặc tàu cao tốc của các công ty du lịch. Với khí hậu mát mẻ, phong cảnh tươi đẹp, làng bè được nhiều du khách tới thăm quanh năm, đặc biệt có dịch vụ nghỉ đêm ở làng bè khá thú vị!

Gần đến khu du lịch núi Sam, du khách nhìn sang hai bên đường sẽ thấy công viên rộng lớn, trưng bày những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo của hàng trăm nhà điêu khắc đến từ khắp các nước. Đó là vườn tượng điêu khắc đá quốc tế Dấu ấn An Giang. Vườn tượng trưng bày hàng trăm tác phẩm điêu khắc đá thể hiện sinh động, phong phú các nền văn hóa. Mỗi bức tượng là một thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn. Đặc biệt là những tác phẩm mang chủ đề An Giang của những điêu khắc gia nước ngoài nhưng lại thể hiện rất sống động, đậm nét về đất và người An Giang. Dường như quê hương An Giang đã tạo nên nguồn cảm hứng làm rung động trái tim những người khách lạ. Vườn tượng là một địa chỉ nghệ thuật, điểm hẹn mà du khách không nên bỏ qua.

Dừng chân ở núi Sam, điểm đầu tiên bạn bắt gặp sẽ là ngôi chùa Tây An đồ sộ, cổ kính, lạ mắt nằm tại ngã ba. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và được xác lập Kỷ lục Việt Nam là ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam. Chùa Tây An nằm trên nền cao, thoáng rộng, tựa lưng vào núi Sam vững chãi phía sau, là một công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao, xung quanh có nhiều cây cảnh, hoa kiểng tạo cảnh sắc hài hòa. Chùa có khoảng hơn 200 pho tượng gỗ, chạm trổ sắc nét theo nghệ thuật tạo hình thế kỷ 19.

Nằm chếch góc với chùa Tây An là một ngôi miếu khang trang, có tên chữ là Chúa Xứ Thánh miếu, thường gọi là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Miếu được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và xác lập nhiều kỷ lục như: ngôi miếu lớn nhứt, tượng đá sa thạch cổ nhứt và lớn nhứt, có áo phụng cúng nhiều nhứt… Miếu Bà và tượng Bà gắn liền với nhiều truyền thuyết huyền bí, hấp dẫn, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là một điểm du lịch văn hóa tâm linh lý thú.

Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trên nền cao tựa lưng vào núi Sam, đối diện với Miếu Bà Chúa Xứ, là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nơi an nghỉ của Tổng trấn Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại và nhị vị phu nhân. Hiện dân gian còn câu ca dao: “Đi ngang qua cảnh núi Sam / Thấy Lăng Ông lớn hai hàng lụy rơi / Ông ngồi vì nước vì đời / Hy sinh tài sản không rời nước non”. Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc đặc sắc, cổ kính, với một tổng thể hài hòa mang phong cách lăng tẩm triều Nguyễn. Nơi nầy từ lâu đã trở thành địa chỉ đón nhiều du khách.

Núi Sam cao 284m nằm giữa một vùng đồng ruộng bát ngát, án ngữ cửa ngõ vào Thất Sơn. Núi có ba phần chính là ngọn Đầu Bờ ở phía Đông, ngọn cao nhứt là đỉnh và ngọn Đá Chẹt ở phía Tây. Có thể lên núi bằng hai con đường. Đường tráng nhựa phía sau núi, ô tô và xe máy có thể đi dễ dàng. Trên đường, du khách có thể nghỉ chân tại Vườn Tao Ngộ, viếng chùa Long Sơn, biệt thự của bác sĩ Nu… Gần đến đỉnh núi có một ngôi miếu nhỏ thờ chí sĩ Trương Gia Mô - nhà nho yêu nước từ quan và gieo mình từ đỉnh núi Sam tuẫn tiết.

Một đường sau Lăng Thoại Ngọc Hầu, ngắn nhưng dốc, có nhiều chùa miếu và hàng quán để du khách dừng chân. Từ đoạn đường nầy bạn có thể vòng qua sườn núi phía Bắc để đến ngoạn cảnh đồi Bạch Vân. Đồi có khí hậu trong trẻo, mát mẻ, với nhiều nhiều tảng đá lớn, hang động thú vị… là một điểm tuyệt vời để ngắm cảnh, vui chơi.

Đỉnh của núi Sam có tên gọi là Pháo Đài vì năm 1896 Chủ tỉnh Châu Đốc Doceuil đã cho xây dựng một ngôi nhà nghỉ mát trên đỉnh núi, tầng trên cùng có hình trôn ốc nên người dân gọi là Pháo Đài. Trong thời kỳ chiến tranh, Pháo Đài cũng là căn cứ quân sự chiến lược, tuy nhiên hiện nay đã không còn. Lên đến đỉnh núi, du khách sẽ thấy một bệ đá trầm tích màu xanh đen, hình vuông, tương truyền đây là nơi đặt tượng Bà Chúa Xứ trước khi được đem về miếu.

Ngoài những điểm đến lý thú, Châu Đốc còn có văn hóa ẩm thực độc đáo với sự hòa trộn của các tộc người Khmer, Hoa, Chăm. Đến Châu Đốc, du khách đừng quên thưởng thức cá basa, bò vò viên, bún nước kèn, khô, mắm và các món liên quan đến mắm… để hiểu thêm về một vùng đất mang nhiều nét đẹp văn hóa. 

 

 

Vĩnh Thông
Số lần đọc: 1130
Ngày đăng: 24.08.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm nhận sau khi đọc tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của tác giả Trương Văn Dân - Nguyễn Thiện Luân
Feb 08, 2015 : Nhà Văn Nhật Chiêu phát biểu và giới thiệu về tập truyện “ Một phút tự do” của nhà văn Elena Pucillo Trương - Nhật Chiêu
Chữ Bậu trong hò, ca dao và lục bát - Nguyên Lạc
Bước thời gian (*).Chặng đường thơ mới của Tùng Bách - Yến Nhi
Tản mạn với CAFE - Phan Văn Thạnh
Người xưa không cho như thế là “Đạo văn” - Thiếu Khanh
Linh hồn của một cá thể - Võ Công Liêm
Nghe tin Tô Thùy Yên từ giã cõi trần, đọc rời thơ ông - Phan Trang Hy
Vậy mà tôi đã bỏ đó mà đi! - Trương Văn Dân
Siddhartha Tất – Đạt - Đa - Võ Công Liêm