Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
614
116.480.621
 
Đón Ba Về
Vĩnh Thông

Ngôi nhà sàn sỗ màu xanh đối diện bến sông thường ngày vắng lặng, hôm nay lại có cái gì đó khang khác. Trong nhà rất đông người, tốp đứng tốp ngồi, tốp đi vô tốp đi ra, ai cũng có vẻ lóng ngóng. Phía trước, hai ba người đàn ông đang tháo bộ cửa gỗ ra khỏi ngôi nhà một cách chậm rãi, sau đó vài người phụ nữ đến lau dọn tỉ mỉ chiếc giường đặt giữa nhà. Không có tiếng cười nói, tuyệt nhiên yên tĩnh - yên tĩnh đến lạ thường, họa chăng chỉ có tiếng lạch cạnh của những nhát búa đang tách dần hai vạt cửa hay tiếng xoạt xoẹt rất nhỏ phát ra từ cây chổi hầu như lúc nào cũng di chuyển trên nền nhà. Người ta nhìn nhau bằng đôi mắt ngơ ngác, thất thần, không buồn cũng không vui, nhưng mông lung lắm. Họ cùng đau nhưng lại không thể cùng chia sẻ, chỉ biết nhìn, và lặng lẽ quay đi.

 

Trong đám đông ấy có hai người phụ nữ xê xích nhau cỡ chừng dăm bảy tuổi cứ bước ra đường lóng ngóng rồi quày quả trở vô, lại bước ra dòm ngó bâng quơ như chờ cái gì đó, không thấy gì lại trở vô. Cái nhìn của họ xa xăm, một khoảng trống chừng như chưa bao giờ lấp được. Có ai biết trong lòng họ lúc nầy đang ngổn ngang nhiều điều lắm. Là tình thương, là niềm hoài vọng, là cái đạo làm người… Cũng là nỗi hận ! Người phụ nữ độ chừng ngoài bốn mươi quay sang hỏi thằng nhỏ đứng bên cạnh: “Mấy giờ rồi Hiệp ?”. “Dạ, bảy giờ rưỡi”. “Chậc ! Tối rồi sao chưa thấy về !”. Còn người phụ nữ lớn tuổi hơn cứ cầm cây chổi lên quét quét mấy cái rồi buông xuống, lát sau lại cầm chổi quét, thật ra chị chỉ muốn tìm việc gì đó làm cho khỏi phải lóng ngóng chứ nhà cũng chẳng có dơ gì.

“À ! Quên nữa, nãy giờ ai chưa ăn cơm thì vô bới ăn đi !”, người phụ nữ trẻ tuổi nói.

Người phụ nữ lớn hơn quay phắt sang, trả lời vội vã :

“Thôi ! Ai ăn uống gì vô !”.

Hai người phụ nữ ấy là hai chị em, nhà họ hôm nay không phải tiệc tùng liên hoan gì hết mà họ đang chờ người. Đó là người mà họ đã phải chờ suốt hai mươi năm qua và vừa mới hôm qua thôi họ hay tin người ấy sắp về. Hai mươi năm, họ chưa từng bao giờ chờ đợi hay trông ngóng, chưa từng thắc mắc người ấy ở đâu, vì sao người ấy không về… Chưa từng nhớ đến người ấy, hoặc có chăng cũng chỉ là những kí ức quá mờ nhạt, trống rỗng. Vậy mà giờ đây người ấy đã về.

Người ấy là ba họ.

 

Suốt cả đêm qua hai người phụ nữ hầu như không chợp mắt, mới bốn giờ sáng cả hai đã thức dậy sửa soạn vài thứ linh tinh gì đó, như là chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Mà họ có đi đâu đâu, cũng ở nhà suốt từ sáng tới giờ đó thôi. Họ tìm lục trong kí ức của mình những hình ảnh xa xăm, cố chắp nối lại thành hình thù rõ rệt, nhưng vô ích. Tất cả kí ức ấy chừng như không còn muố cho hai chị em lưu giữ nữa, nó đã theo thời gian, và theo má, trôi mất rồi, rất xa rồi… Người chị cứ cố tìm một việc gì đó để làm, hết nấu cơm rồi lặt rau, nhìn vào đống chén dơ liền đi xuống rửa, rửa xong nghiêng nghiêng ngó ngó một hồi lại không biết phải làm gì nữa, cứ ngồi thừ một góc nhà. Người em không chuẩn bị dọn hàng ra chợ bán như mọi hôm, sai thằng con tên Hiệp hết làm cái nầy lại làm cái khác, thấy nó làm không vừa ý lại chạy đến sửa. Nhà cửa được quét dọn sạch bóng, đồ đạc xếp ngay ngắn, không thấy miếng bụi nào. Hình như trong mắt họ, để đón người ấy về là phải chuẩn bị nhiều thứ lắm.

Tự dưng tới trưa nay, một cú điện thoại điện về cho hay người mà họ chờ không còn nữa. Trời ơi ! Sao vậy ? Mọi người sững sờ. Họ chuẩn bị nhà cửa để đón ba mình bây giờ lại trở thành chuẩn bị để làm… đám tang. Những gương mặt vô hồn, rầu rĩ cứ nhìn nhau, thoáng một cái gì đó mênh mang, bơ vơ. Cô em kêu thằng Hiệp gọi điện thoại cho các cậu mợ về gấp để lo đám tang ba, trong điện thoại họ ngớ người ra: “Trời ! Ba nào ?”.

 

Thì vậy, những người con trai sau nầy làm gì biết ba họ là ai, cứ ngỡ ba mình đã biệt tích đâu đó hoặc chết ở một xó xỉnh nào rồi. Vậy mà bây giờ tự dưng là có một người ba xuất hiện…

Ba má họ lấy nhau ai ở xóm nầy cũng cho là “xứng đôi vừa lứa”. Ai ngờ đâu sống với nhau gần chục năm, có với nhau được mấy đứa con, ông chồng lại trở chứng, sinh ra vợ bé vợ mọn. Rồi cuối cùng ông cũng cuốn gói ra đi theo những ả đàn bà ấy, bỏ lại mấy mẹ con sống trong mái nhà lụp xụp chật vật với từng cái áo chén cơm, cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày. Ba họ bỏ mấy má con từ hồi năm nảo năm nào, cũng không ai biết được, nghe họ hàng nói là lúc má mới có bầu thằng Út - bởi vậy sao nầy mấy đứa em trai đâu ai biết mặt ba. Từ khi ông đi ngôi nhà năm anh chị em, hai người chị gái và ba em trai sống dựa vào số tiền ít ỏi mà má làm được. Hai người chị lớn cũng tìm vài việc linh tinh để phụ má kiếm đồng vô đồng ra cho mấy đứa em, thằng con trai kế đi học, thằng kế nữa mới ba bốn tuổi suốt ngày đi chơi với đám trẻ trong xóm, còn thằng trai út thì nằm một mình khóc bù lu bù loa. Má họ có một tiệm tạp hóa lụp xụp ngoài chợ. Gọi là tiệm cho sang chứ thực ra là cái chòi bán vài món lỉnh kỉnh chẳng ra gì, nhưng ai cần mua thứ gì cũng đều được đáp ứng. Nếu người ta mua thứ gì trong tiệm có thì bán thứ ấy, nếu thứ người ta mua mà trong tiệm không có bán thì bà đi mua ở tiệm kế bên rồi về bán cho khách. Cái kiểu “tạp hóa dã chiến” (hay “tạp hóa chạy giặc” ?) nầy coi ra cũng ngộ. Lâu lâu thấy tiệm vắng khách bà chạy về nhà dòm ngó đám con mình. Hai đứa con gái lớn đứa bán bánh cam bánh còng, đứa bán sơ ri đậu phộng và thằng đi học đều khỏi lo, chỉ có hai thằng nhỏ phải tới lui coi sóc nhiều. Khi thấy thằng con đi long nhong ở mé đìa, bà í ới kêu lên coi chừng té, còn thằng út thì phải ru cho nó ngủ, khi nó khóc phải dỗ cho nín…. Tất tả chạy ra tiệm bán rồi tất tả chạy về nhà coi chừng mấy đứa con, kể ra cũng lắm chuyện phải lo. Nhưng mà, má họ muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng : “Không có đàn ông trong nhà, mẹ con tôi vẫn sống được !”.

 

Thời gian cuốn phăng, chớp mắt đã mấy chục năm, mấy đứa con càng ngày càng lớn cũng đồng nghĩa với người má càng già nua giữa cái cuộc sống lúc nào cũng trẻ trung, vội vã nầy. Mắt bà mờ dần, tóc bạc cũng nhiều thêm theo năm tháng. Không biết từ lúc nào đôi cánh tay đen nhẹm của bà trở nên ốm yếu, teo thắt lại chỉ còn da với xương. Tiệm tạp hóa của bà sang lại cho người khác từ lâu lắm rồi, con cái ra làm ăn riêng, bà khỏi phải lo cho ai nữa hết. Mấy đứa con cũng dụng vợ gả chồng gần hết, nhưng đám cưới của họ chủ hôn không bao giờ là người đàn ông, chỉ có bà, bà lo chu tất hết. Hình như họ đã quên cái tiếng “ba” từ lâu lắm rồi. Mà cũng phải, mấy chục năm rồi chứ nhiều nhỏ gì, con cái trong nhà còn có người không biết mặt cha, hàng xóm dễ gì còn được mấy người nhớ về người đàn ông ấy. Vậy mà, nay ổng đã trở về.

Hồi trưa, lúc điện thoại cho các cậu về, cậu Tư đâu có muốn rước ba mình, các dì thì lại muốn làm cái việc nhỏ cuối cùng đó, nhưng mà…

 “Thì đó, bởi người trong nhà không biết ba, vả lại ba có cần tới mình đâu, mấy chục năm sống với một người phụ nữ khác, không chừng ông ấy đã có cả bầy con rồi…”

 

Cậu Tư chưa nói xong, dì Hai đã vội chen vào:

“Nhưng mà, dù sao ổng cũng là ba mình, mình là cốt nhục của ổng mà”.

“Ổng có nuôi mình được ngày nào không? Mà nghĩ cũng ngộ thiệt chị Hai à, sao đám con của ổng với cái bà vợ đó không lo cho ổng mà kêu mình rước ổng về, mấy chục năm nay ổng lo cho cái lũ đó cả đời rồi, bây giờ tới phút cuối nó lo cho ổng không được sao ?”.

Dì Ba nãy giờ ngồi lặng thinh, nay nhìn cậu Tư nói, vẻ trầm tư:

“Thì đành là vậy, nhưng mà… Thôi, dù gì cũng hết kiếp người, ổng lo cho ai kệ ổng, người ta đối xử với ổng thế nào mình cũng đừng trách móc người ta, nhưng sự thật thì ổng vẫn là ba mình. Ổng không nuôi mình nhưng cũng đã có cái công mang tiếng “ba” thôi thì còn phút cuối nầy mình ráng làm cho trọn cái đạo hiếu. Còn mày có cần ổng hay không đó là chuyện của mày”.

Im lặng lại tràn về. Cái nhà đã chật kín người - năm người con thêm chồng vợ của họ, rồi con cháu - vậy mà không ai nói tiếng nào, muỗi bay vo ve nghe phát sợ.

Cậu Út mang cặp kiếng trắng dáng vẻ thư sinh, rít điếu thuốc, thả một vệt khói trắng bay lờ đờ trước nhà, ngồi nhìn mọi người một lúc rồi lên tiếng:

“Em không biết mặt ba, mấy anh chị còn được ba bồng ẵm, chứ em thì… Nhưng mà dầu sao ổng cũng là ba mình. Chị Ba nói phải, sự thật vẫn là sự thật, mình vẫn mang dòng máu của ổng. Em biết ở đây không ai thương yêu gì ổng hết, bởi vì có ai có ấn tượng gì với ổng đâu, nhưng mà thôi, ổng sống sao cũng được, chết rồi mình là con phải lo cho ổng có chỗ nơi an nghỉ, chuyện cũ… thôi, chấp làm gì”.

“Nói như mày vậy…” - Cậu Tư nói chưa hết câu, mợ Tư đã khều nhẹ vô vai chồng, ý chừng không muốn chồng mình cãi nữa. (Thôi thì cứ vậy !)

 

Cậu Năm nãy giờ ngồi yên lặng không nói gì, ngước nhìn lên bàn thờ má. Chắc có lẽ cậu đang nhớ về người mẹ của mình - người đã dành cả cuộc đời chăm sóc cho năm chị em khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho từng đứa, lo cho mỗi đứa có công việc đàng hoàng, chỉ một mình má lo toan. Mà cũng đúng thôi, bao năm nay người đàn ông ấy sống bên gia đình mới hạnh phúc, nào có ngó ngàng, có nhớ gì đến đám con của mình. Ông ấy đâu biết là để có được gia đình sung túc hôm nay họ đã phải đánh đổi cả tuổi thơ, đánh đuổi bằng cả nụ cười của má. Ông ấy đâu biết rằng vào cái ngày má mất - chỉ mới cách đây chưa bao lâu - con cái hi vọng ông ấy sẽ trở về dự đám tang cho trọn “nghĩa tào khang”. Ấy vậy mà ông vẫn biệt tăm. Lúc đó, ông ở đâu ? Những ngày cuối cùng của cuộc đời, căn bịnh hoành hành, đám con của vợ sau ông ấy không chăm sóc mà liền tống khứ về cho con ruột. Chúng muốn nhanh chóng đem cái lão già vô dụng ấy đi xa càng sớm càng tốt cho khuất mắt. Những điều đó, ông ấy có biết không ?

“Nhưng mà thôi, dẫu sao thì mình vẫn là con… rán làm cho tròn bổn phận mấy anh chị à !”

 

Cuối cùng thì “đa số thắng thiểu số”, họ quyết định đón ba về. Cậu Năm và cậu Út kêu một chiếc xe chuyển bệnh từ thiện rồi cùng đi. Dì Hai và dì Ba thì ở nhà lo chuyện nhà cửa, cậu Tư vốn thuộc phần “thiểu số” - không tán đồng việc nầy nên ngồi nhà không đi theo, tuy nhiên là người đàn ông duy nhứt trong nhà lúc nầy, cậu Tư lo việc mua quan tài và các thứ cần thiết trong việc ma chay. Vậy là cứ từ trưa đến giờ, những người trong nhà cứ thấp thỏm, đợi chờ, tay chân cứ như nhũng ra, không làm đâu vào đâu. Bàn thờ má được mọi người đốt nhang liên tục, như muốn van vái rằng hôm nay chúng con đón ba về… dù gì cũng mong má hãy tha thứ cho ba. Không ai nói ra, nhưng hình như ai cũng mang một tâm trạng chung như thế. Không biết ở phương nào đó, người má có nghe được lời của những đứa con nói hay không, nhưng biết chắc rằng bà sẽ tha thứ cho ông. Họ biết rằng má họ luôn là người cao thượng, suốt cả đời chỉ sống vì chồng vì con dẫu cho cái nghĩa vợ chồng người đàn ông ấy chưa từng trả được.

 

Ngoài xa kia, gió sông Tiền vẫn đánh rì rù vào bờ, dáng chiếc xe từ thiện càng gần, càng rõ hơn…

 

Những ngày cuối năm 2010

 

Vĩnh Thông
Số lần đọc: 1936
Ngày đăng: 31.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mộng trong giấc mộng - Trương Văn Dân
Những Mảnh Vỡ (30) - Nguyễn Thị Hậu
Tình Yêu Vẫn Song Hành - Lan Hương
Hai Trường Hợp, Một Cuộc Tình… - Mang Viên Long
Bác Sĩ Mụt Ruồi - Trần Minh Nguyệt
Kiều - Nguyễn Đình Bổn
Ví Dụ 1 - Đoàn Thạch Biền
Đẹp Và Ảo - Lê Văn Thiện
Chuyện mơ ngủ - Hòa Văn
Ở Một Nơi Nào - Nguyễn Đạt