Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
789
116.658.925
 
Nhạc bolero lên ngôi, dân trí đi xuống ?
Hồng Anh

 

Có người gọi dòng nhạc mà các ca sĩ Duy Khánh, Hương Lan, Tuấn Vũ, Chế Linh... hay hát là nhạc sến, số khác gọi là nhạc vàng, và số khác nữa thì gọi theo tên Tây là nhạc bolero. Gọi là nhạc vàng, có lẽ là sự lăng xê của mấy hãng băng đĩa nhạc trước 1975 cho có vẻ sang trọng, đẹp đẽ. Dần dần quần chúng quen, và gọi đó là nhạc vàng. Thế nhưng cái chữ "nhạc vàng" đã có từ thời Pháp thuộc, ví như trong bài Trương Chi của Văn Cao (Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng...), hay mấy câu thơ: "Hồn tôi nghe nhẹ bụi trần gian; Rộn rã trong tim điệu nhạc vàng, Âm hưởng tân kỳ run khoái lạc, Phải chăng điệu nhạc chốn thiên đàng?" (Đỗ Hữu Phú, Tràng An báo 21 Tháng Năm 1942), mà người ta cho là lấy từ bên Tầu sang. Những người cổ súy cho dòng "nhạc sang" hay còn gọi là "nhạc trữ tình"  đậm chất Tây trước 1975 cũng gọi nhạc đó là nhạc vàng. Và dĩ nhiên nhạc vàng được hiểu theo nghĩa tích cực. Ở miền Bắc trước 1975 và sau ngày thống nhất, thì nhạc vàng là nhạc ủy mị, tiêu cực có từ thời tiền chiến và phổ biến trong chế độ Sài Gòn cũ. Nhưng đôi khi họ cũng vơ vào cả nhiều ca khúc lạc quan, vui tươi sáng tác trong thời kỳ này. Còn nhạc sến, là do sự miệt thị của một bộ phận giới thượng lưu Sài Gòn trước đây, ám chỉ nhạc mà họ cho là thấp hèn của quần chúng lao động đậm chất dân ca, mộc mạc, và ủy mị, ướt át đi kèm. Sau này chữ sến hay bị lạm dụng, ví dụ người ta nói mấy bài như Tình xưa nghĩa cũ (Jimmii Nguyễn), Kiếp đỏ đen (Duy Mạnh) hay Vợ người ta (Phan Mạnh Quỳnh)... là cái thứ nhạc sến. Thậm trí nhạc Trịnh (Diễm xưa, Biển nhớ, Cát bụi...) hay nhiều sáng tác sau này như Phượng hồng (Vũ Hoàng),... cũng bị coi là sến. Còn "nhạc bolero" thì chỉ phổ biến mấy năm gần đây, mà có lẽ bắt nguồn từ cuộc thi trên Đài truyền hình Vĩnh Long, mà có lẽ người ta muốn tránh dùng từ nhạc vàng, hay nhạc sến để ám chỉ, cho dù rõ ràng là sử dụng từ này không chính xác. Quần chúng lao động họ hầu hết không am hiểu nhạc lý, họ hay gọi các bài mà Chế Linh, Tuấn Vũ,... hát là nhạc vàng, chứ không hiểu Bolero là gì, mặc dù thực tế các bài mà các ca sĩ đó hát có cả điệu chachacha, tango, slow rock, habanera, rhumba... Và ngay cả nhạc cách mạng, cũng một số bài có thể hát theo điệu bolero...

 


 

 

Trong bài viết này tôi chỉ bàn về nhạc bolero theo nghĩa nhạc sến đã tồn tại từ trước 1975 ở miền Nam, với tư cách là một người từng nghiền hơn là một người quản lý hay giới nghiên cứu chuyên sâu. Về đối tượng nghe, chắc chắn nông dân nhiều hơn dân đô thị, người lớn tuổi nhiều hơn giới trẻ, quần chúng bình dân nhiều hơn trí thức, người nghèo nhiều hơn người giàu. Nhưng có một thực tế, là nhạc này được nghe ở khắp mọi nơi, thậm trí tôi dám cá, có cả giới thượng lưu, nhiều chữ. Việc lên ngôi của dòng nhạc này, có nhiều nguyên nhân. 

 

Thứ nhất: áp lực của kinh tế thị trường lên đời sống con người, bon chen, căng thẳng, lối sống coi trọng đồng tiền mang tính bắt buộc, phân hóa giai cấp giàu nghèo khiến nhiều người mệt mỏi, và coi nhạc sến như một thứ an ủi, giải sầu. Bận rộn kiếm tiền và tính chuyên môn hóa trong lao động ngày càng cao cũng làm một bộ phận trở nên lười nhác trong thưởng thức văn hóa, trở nên dễ dãi với chính bản thân, họ thích những thứ ít phải động não. Thứ hai: chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, và các dòng nhạc thiên hướng về chủ nghĩa cá nhân phát triển từ thời tiền chiến, xuyên qua chế độ Sài Gòn, đến thời sau Đổi mới dễ hợp với tâm lý đại bộ phận quần chúng. Họ thích tâm sự cá nhân, hơn là thích coi mình như là một phần của tập thể. Những bài nói về cá nhân dễ đi vào lòng họ hơn là những bài nói về tập thể, xã hội, quốc gia- dân tộc, nhân loại, họ thích để mình sống theo bản năng hơn là lý trí hướng đến sự cao thượng, sạch sẽ. Thứ ba: tự do cá nhân phát triển cộng với sự phát triển của văn hóa mạng, một bộ phận lớn quần chúng thích thể hiện cái Tôi quá lớn của mình, họ cho nghe nhạc gì là quyền cá nhân, không cần định hướng (cho dù của giới trí thức). Cái này cũng giống như ở Mỹ, Anh một thời quần chúng bình dân đòi phải tôn vinh The Beatles không thua kém các nhà soạn nhạc giao hưởng bất hủ như Mozart. Nói khác đi, là giới bình dân thách thức giới tinh hoa, trong một xã hội ngày càng tự do hơn. Thư tư: cảm xúc con người bị chi phối rất nhiều của môi trường xã hội xung quanh, buồn vui lẫn lộn, và sở thích thì luôn thay đổi như lúc thì thích ăn đặc sản, khi thì thích ăn món ăn bình dân dân dã. Nhạc trẻ lên ngôi một thời (một phần là do lăng xê thái quá), dần gây ra sự bội thực. Sự lên ngôi của nhạc trẻ cũng gây sự phản ứng mãnh liệt của một bộ phận quần chúng không dễ chấp nhận thứ văn hóa "hiện đại mà không văn minh", "lai căng" "nhố nhăng", "làm băng hoại đạo đức xã hội", "rẻ tiền", và khi mà họ chưa đủ trình độ hay có tâm lý để nghe "nhạc sang", thì họ tìm đến nhạc sến như một sự phản ứng. Nói nôm na, sự cực đoan ở cực này tất yếu sẽ dẫn đến sự cực đoan ở cực khác. Quá nhiều váy cánh ngắn hở hang sẽ đưa đến "đáp trả" của áo bà ba, quần lụa đen. Thứ năm:dân Việt Nam già hóa, người lớn tuổi ngày càng nhiều, mà khi nhiều tuổi, thì hay hoài cổ, trong khi nhạc sến được rất nhiều người nghe từ trước 1975 ở miền Nam, hay cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 ở cả nước, do đó người già lẫn trung niên đều có thể nghe lại để "hoài cổ" (trừ một số người già ở miền bắc hay nghe nhạc đỏ hơn), kể cả nhiều người giàu có hay có trí thức hẳn hoi có thể vẫn nghe hoài niệm về một thời nghèo, hay một thời "trẻ trâu". Thứ sáu: sự lăng xê của những người làm thương mại. Ngay từ trước 1975, trong khi một bộ phận coi nhạc sến là "bảo vệ văn hóa dân tộc", thì số khác cho là nó bị lạm dụng để kiếm tiền, với vô số bài hát có ca từ, giai điệu na ná nhau, làm giàu cho một bộ phận nhạc sĩ và ca sĩ cho dù nó hướng đến phục vụ đối tượng nghèo khó. Sau Đổi mới, thì vấn đề coi âm nhạc như một sản phẩm thương mại đã không còn bị dị nghị (kinh tế thị trường tất yếu này sinh nhạc thị trường), do đó sự tồn tại của nhạc bolero đáp ứng thị hiếu một bộ phận quần chúng là mang tính khách quan và cởi mở. Tuy nhiên gần đây sự lăng xê thái quá của một bộ phận làm kinh tế từ âm nhạc, của một số báo lá cải viết bài ăn tiền thậm trí khoác cho nhiều bài nhạc sến là các "ca khúc bất hủ", gọi các ca sĩ hát nhạc này là "danh ca" ít nhiều tác động đến khán giả bình dân, nó cũng làm cho người nghe nhạc này thoát khỏi sự mặc cảm (sợ bị cho nghe nhạc sến là lạc hậu), thậm trí đòi hỏi phải tôn vinh nó một cách mạnh mẽ. Hòa giải dân tộc cũng là một nguyên nhân khác. 

 


 

 

Đối tượng nghe nhạc bolero thì có rất nhiều, nhưng đa số là khán giả bình dân. Người nghe nhạc sến đa số không phải là năng động, thích tìm tòi cái mới. Họ có thể là các anh chị lao công, đứa bé mồ côi hát rong, bác nông dân chất phác, đến bọn côn đồ tù tội xăm trổ đầy mình, mấy cô cave hay nói chuyện tục bậy... Đủ cả. Họ không thích nghe nhạc trẻ có thể là do nó quá hiện đại, nó quá Tây mà họ chưa thể theo kịp, hoặc họ lớn tuổi nên thích sống chậm, không thích nghe nhạc chát chúa, "nhí nhố". Họ cũng không dễ nghe nhạc đỏ, vì họ ít chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa tập thể, hoặc họ không quen lối hát bel canto của nghệ thuật opera thường là giọng cao rộng và sáng ở các ca sĩ nhạc đỏ, mà họ cho là chói tai, "không rõ chữ", hoặc lý do khác liên quan đến chính trị. Song thực tế một số vẫn nghe được nhạc đỏ, những bài có tính chất quần chúng, nhưng lại không thể nghe nổi các trường ca hay tổ khúc, ca khúc hợp xướng. Họ cũng không dễ nghe "nhạc sang" (tiền chiến, tình khúc...chất Tây) mà họ cho là khô khan, câu chữ khó hiểu, và hát bởi các giọng thính phòng mà họ cho là "khô", "khàn" vì họ quen nghe "giọng mùi" ngọt ngào.

 

Dân nghe nhạc bolero thường chia dòng nhạc họ nghe ra làm mấy loại. Nhạc lính, như Xuân này con không về, Mùa xuân lá khô, Tình anh lính chiến, Tình hậu phương, Những đóm mắt hỏa châu, Biển mặn, Tình bạn Quang Trung, Đêm tiền đồn, Bạc màu áo trận...chủ yếu tâm sự cá nhân của một người lính, đôi khi rất bản năng như trăn trở "không gái tơ làm tình" (Người nhập cuộc). Nhạc tình, chủ yếu là thất tình, thường là tâm sự của môt anh nhà nghèo khi người yêu đi lấy chồng hay thất bại của một cuộc tình, từ đó sinh ra trách oán, hoặc buông xuôi, kiểu như Phút cuối, Người yêu cô đơn, Yêu một mình, Tình đời tay trắng, Hai bàn tay trắng, Con đường mang tên em, Xót xa...Đôi khi là trăn trở của người nghèo trước cuộc sống, như Thói đời,... hay là tìm đến rượu bia, thuốc phiện, như Túy ca,... Những bài hát quê hương, kiểu như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Khúc hát ân tình, Nắng lên xóm nghèo, Chiếc áo bà ba, Hình bóng quê nhà, Thương về miền trung, Đà Lạt hoàng hôn... cũng hay được họ xếp vào nhạc vàng, dù một số bài giới chuyên môn hay xếp vào nhạc quê hương, dù giai điệu đơn giản mộc mạc, nhưng có chất "sáng" chứ không "tối", và nhiều bài được sáng tác sau 1975 được nhà nước cổ súy. Nhịp 4/4, không có nhiều note cao, nên rất dễ hát và dễ thuộc.

 

 


 

 

Nhạc lính đa số là bolero, giai điệu đơn giản, đều đều, ít trúc trắc, nhịp nhanh và mạnh hơn nhạc tình, hay được hát bởi các giọng khá dày, ngạt mũi, phong trần và hơi tối, ít vang. Nhạc tình, có thể là slow rock, ít nhiều chất Tây và ít nhiều có chất thính phòng, hay bolero đậm chất dân ca, mộc mạc, đều đều, thường hay được hát bởi các giọng từ ngạt mũi "đói ăn" thiểu não đến ngọt ngào nhờ nhợ pê đê không gọn chữ cho lắm. Lời các bài hát giống văn vần hơn là thơ (mặc dù một số ít nhiều đậm chất thơ, nhưng là "thơ cũ" chứ không phải "thơ tự do"). Các ca sĩ hát nhạc này có cả giọng dày tenor đàng hoàng như Duy Khánh đôi khi chơi cả nhạc sang, khó nghe, đến bình dân sướt mướt tối như Chế Linh, hay cách tân chút xíu, giọng mỏng mà vang như Tuấn Vũ... nhưng không khó để nhận thấy dù giọng dày hay hát bằng giọng Bắc như thế hệ trước 1975 hay giọng mỏng, nhẹ và hát bằng giọng pha như thế hệ sau thì cái "chất giọng đặc trưng bolero" (chảy, ngọt ngào pê đê ẻo lả, hay nam hoặc nữ tính ngạt mũi ốm đói) đều không được xem là sang trọng,"văn minh" . Nhưng những chất giọng này (chứ không phải là ở giọng thính phòng hay nhạc nhẹ) đều rất hợp để hát nhạc sến bolero.  

 


 

 

Có một thực tế, công cuộc Đổi mới đã đưa đất nước tiến lên rất nhiều về mặt kinh tế. Tuy nhiên tham nhũng và phân hóa giàu nghèo, lối sống thực dụng là một vấn đề đáng báo động. Thời của những năm 1980, người ta có thể say mê với kịch Lưu Quang Vũ, với cải lương Đời cô Lựu, chèo Xúy vân giả dại, tuồng Sơn Hậu, nghe nhạc đỏ thậm trí đến nhạc cổ điển cũng có chỗ đứng. Sang thập niên 1990 thì lại say mê với Kim Dung, Quỳnh Dao, nhạc sến, phim mì ăn liền...Đó là thời mà "văn hóa bình dân" hay "văn hóa thương mại" dần được chấp nhận, và sự đa nguyên văn hóa. Sự rạn vỡ của xã hội ngày càng lớn lên, đến nỗi ngay trong một gia đình, ai cũng thích thể hiện cái Tôi của mình đến nỗi bất hòa. Thôi thì "đường ai nấy đi". Nhưng nhức nhối hơn, câu chuyện âm nhạc bị nhuốm màu đồng tiền, từ đó sinh ra chiến tranh giữa các dòng nhạc, các nhạc - ca sĩ... 

 

 

Có rất nhiều ý kiến cho sự lên ngôi của nhạc sến là do dân trí ít nhất trong văn hóa của đại bộ phận đang đi xuống, và họ đổ lỗi do mặt xấu của kinh tế thị trường, của giáo dục, của tuyên truyền...Nhưng theo tôi, nhạc sến là một phần của âm nhạc dân tộc, nó có ý nghĩa ít nhiều bảo tồn văn hóa dân tộc, từ ngay cả lối hát nhạc sến (đậm chất truyền thống dân tộc dù không được xem là sang trọng như lối hát nhạc đỏ, nhạc cổ điển thính phòng), có ý nghĩa ít nhiều ngăn chặn làn sóng nhạc lai căng "kích động bạo lực, vô cảm, lối sống vật chất" tư bản bên ngoài, lẫn nhạc phong kiến "ma quái dị hợm" "mê tín" một cách thái quá. Tuy nhiên đề cao bolero thái quá, sẽ khiến một bộ phận lớn quần chúng có thói ỉ lại, lười nhác trong thưởng thức âm nhạc và cũng sẽ dẫn đến sự lười nhác trong tư duy nói chung, ngại tiếp thu, học hỏi, không có lợi cho phát triển dân trí. Về đạo đức, nghe nhạc sến có cả người tốt người xấu, không khó nhận thấy một bộ phận là dân giang hồ, tuy nhiên không có bằng chứng rõ nét cho thấy nghe nhạc sến sẽ làm cho người ta sống xấu xa. Vì thế không nên đặt nhiều về vấn đề đạo đức với nhạc này. Cũng như không nên đối lập siêu hình chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể hay chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, cái mới và cái cũ, dân tộc và quốc tế, bảo tồn và hội nhập, tả hay hữu khi đề cập đến vấn đề âm nhạc hiện nay. Tuy nhiên để nhạc chính thống của Việt Nam có sức sống, phải chấp nhận cạnh tranh và đổi mới, và phải có phương thức thích hợp để truyền đạt có hiệu quả, từ đó đẩy lùi những dòng nhạc, bài nhạc rẻ tiền có hại cho xã hội, không để văn hóa tư bản hay phong kiến trở nên không thể kiểm soát.

 

 

 

 

Hồng Anh
Số lần đọc: 1615
Ngày đăng: 08.09.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một bữa cơm chiều, - Mang Viên Long
Nguyễn Thy Phương – Thầm lặng duyên quê và lóe sáng một nỗi niềm triết lý - Mai Bá Ấn
Khuynh hướng lý luận - phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Đinh Lê Vũ và bài thơ tình già... - Phan Nam
Tính khái quát trong kịch Của tác giả Thanh Hương - Tuấn Giang
Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại - Cao Thị Hồng
Thanh Thảo, tôi chào đất nước tôi - Nguyễn Đức Tùng
Đọc bài thơ Hương Dương Cầm của Nguyễn Thanh Lâm - Đặng Xuân Xuyến
Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa dưới những góc nhìn đa diện - Nguyên Cẩn
Một sắc hoa ban – Đa sắc tâm hồn - Phạm Đình Ân
Cùng một tác giả