Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
786
116.515.681
 
Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa dưới những góc nhìn đa diện
Nguyên Cẩn

 

   ( Tiểu thuyết của Trương Văn Dân, Nxb Hội Nhà văn, 2011)

                                                     

Lời người viết: Đã có nhiều người viết về tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” (BTNDM) của Trương Văn Dân dưới nhiều góc cạnh: văn chương triết luận, tiểu thuyết và cả dục tính nữa. Bài viết này chỉ có một mục đích khiêm tốn là đặt tác phẩm và hai nhân vật chính dước lăng kính “thân phận”, như một lát cắt ngang qua mạch truyện và  những tư duy “nặng lòng” tác giả.

                                                

 

 Thân phận người phụ nữ

            Có ai đó đã gọi hạnh phúc là những con chim xấu hổ, khi ta tìm kiếm nó, nó sẽ vụt bay đi. Và suốt đời người ta cứ trăn trở loay hoay với cái bóng hạnh phúc ẩn hiện chập chờn, có đó rồi mất đó. Cô Gấm của BTNDM vào đời với nhiều lo toan, phiền muộn: Ba đi cải tạo hơn mười năm từ miền Bắc trở về, thể xác lẫn tinh thần tan tác. Chẳng bao lâu qua đời. Má bỏ rơi  đám con dại, đi lấy chồng giàu để thụ hưởng một mình. Nàng đành phải ăn nhờ  ở đậu bà con, chịu bao nhục nhằn cay đắng. Và câu chuyện trong  “Bàn tay nhỏ dưới mưa” được viết dưới dạng  nhật ký của nàng. Qua những trang đời kể lại ấy, ta thấy Gấm trải qua hai lần yêu, và cả hai lần đều  dang dở. Với người chồng  đầu tiên, Gấm đã ghi lại những ngày tháng bên nhau như hai dòng sông lờ đờ chảy, chẳng thể nào quyện vào nhau được, dù cùng phải trôi ra biển: “ Chúng tôi là hai người gá nghĩa sống với nhau vì bổn phận, vì... vai trò làm chồng của anh sau một thời gian rất ngắn đã nằm ngoài cánh cửa trái tim tôi. Dù có lần tôi tự thuyết phục mình cam chịu, cố gắng yêu thương để cảm nhận được cái cho và cái nhận của một người vợ... nhưng đành bất lực.” Không có  gì bi kịch hơn một cuộc hôn nhân không tình yêu !

Cuộc hôn nhân thứ hai cũng hoàn toàn thất bại. Tệ hơn khi nàng cảm thấy mình như  “Rồng vàng tắm nước ao tù...” để rồi  đêm về, những cuộc ái ân trở thành những  cuộc tra tấn, bạo hành “Trận làm tình, không, phải nói là trận cưỡng bức, diễn ra nhanh chóng và kết thúc cũng nhanh chóng... Tôi đã quá kinh tởm sự chung đụng với hắn... cuối cùng trong câm lặng, tôi đã quên, hay cố tình quên mình là đàn bà”. Trách sao Gấm không cảm thấy “Rồi tôi già đi. tâm hồn cằn cỗi. Tôi trở thành một người đàn bà lạnh lùng, lãnh cảm... Qua hai đời chồng mà tôi chưa hề tham gia tích cực trong quan hệ ái ân. Tôi chưa bao giờ trở thành  kẻ đồng lõa trong trò chơi mê cuồng, hoan lạc… thân thể tôi sau nhiều năm ngủ yên, bản năng tắt  lịm như con thú ngủ đông tưởng chẳng bao giờ thức dậy.”

Ta liên tưởng đến  những câu thơ  của Nhã Ca :

 

 Đời sống ôi buồn như cỏ khô

 Này anh, em cũng tựa sương mù

 Khi về tay nhỏ che trời rét

 Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ...

 

Bàn tay người  phụ nữ yếu đuối biết bao, sao che nổi một trời mưa bão, sao chống lại được với những éo le bi kịch xảy ra dồn dập cho mình. Ta nhớ Vương Thúy Kiều với tiếng than “Đau đớn thay, phận đàn bà /Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Để rồi nàng như cành hoa rụng “Sợi  tơ mành theo gió đưa đi / Cành hoa rụng chọn gì đất sạch ?” ( Chu Mạnh Trinh). Còn có thể lựa chọn sao? Gấm không biết khúc quanh nào trên con đường định mệnh cho mình thoát ra khỏi phận “hồng nhan” lắm truân chuyên ấy? Còn biết chọn ai, nàng tưởng chừng không còn  có thể yêu ai được trong cuộc đời này! May sao đoạn cuối hành trình  tình yêu nàng lại gặp tri âm, chính là anh nhà văn, có thể là tác giả hay cũng là một người giống như tác giả, hệt như Kiều gặp Từ  Hải, “Rằng Từ là đấng anh hùng...” Ở  đây, khi gặp chàng, Gấm nhận ra ngay: “Sau một hồi chuyện trò, chúng tôi khám phá cả hai đều có nhận thức giống nhau về cuộc đời và nghệ thuật / Kiến thức anh uyên bác, giọng anh sang sảng / Anh vô tư và tự nhiên / Một tình cảm nảy nở trong tôi từ sau vài lần gặp gỡ người đàn ông mới quen. Tôi chưa biết nhiều về anh. Chỉ biết anh là cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ ” Thế đấy, họ chia sẻ nhau về  quan điểm sống, về cuộc đời, về xã hội, về những vấn nạn mà con người thời đại này đang phải đối phó, và sau cùng về tình yêu và bắc cầu tri ngộ.

Như ánh nắng lóe lên sau những bão giông, Gấm ngập chìm trong hạnh phúc. “Anh ơi anh có  biết là em hạnh phúc lắm không? Lòng em hân hoan, tim em rộn ràng, đường em đi ngập tràn ánh nắng. Cảm ơn định mệnh đã cho em gặp anh, dẫu muộn màng, cũng đủ cho cuộc đời này không  còn gì hối tiếc... / Tôi linh cảm một mùi hương nồng ấm của niềm tin ở cuộc đời đã mất từ lâu lắm giờ đang thoang thoảng...”

Tình yêu dù ở tuổi nào khi gặp tri kỷ đều thức dậy mãnh liệt. Nàng đã nhận ra “Anh đang trở thành  lẽ sống của đời em. Đã gần 40 nhưng em như mới yêu lần đầu. Yêu say đắm, si mê, cuồng nhiệt như chưa yêu lần nào, vì từ trước đến nay hạt giống tình yêu trong em chưa kịp nảy mầm đã thối rữa vì thuốc độc của đời... và cả cuộc đời em luôn ao ước tình yêu này là có thật... Anh đã thấy phần chìm trong khi mọi người chỉ nhìn bề nổi.Và nhất là cái tâm trong ngôn ngữ của anh./ Nó chiếm lĩnh tâm hồn tôi, thu phục và khiến tôi ngưỡng mộ... Lúc yêu và được anh yêu những tế bào từ trong sâu thẳm bỗng dưng chuyển động, nhựa rạo rực trong thân, lá đâm chồi, nẩy lộc, rồi những cánh nhỏ như từ một thế giới vô hình nào đó lặng lẽ đơm hoa: Nó thầm lặng mà hương thơm ngào ngạt tỏa khắp đất trời”.

Họ đắm chìm trong những cơn mưa hoan lạc và “Hạnh phúc lắm những buổi sáng tinh mơ vừa thức giấc, tôi và anh hôn nhau đắm đuối... Anh biết chiếu vào đời em những tia nắng mùa xuân ấm áp làm thảm cỏ tâm hồn em xanh mướt, những đóa hoa trong lòng em nở rộ...” Và họ đã tận hiến cho nhau toàn bộ thời gian, tâm hồn và sức lực.”

“365 ngày trong năm / Ngày nào không là ngày tình nhân?/Ngày nào không bồn chồn thương nhớ?” Nói theo ngôn ngữ truyện  Kiều: ‘Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”. Mở ra một chương nồng nàn thấm đẫm tình yêu, tưởng chừng vô tận!

Tình  yêu ấy được nuôi dưỡng bằng sự trân trọng quý mến mà không cần  hôn thú .

Nhiều bài viết đã khai  thác khá sâu về khía cạnh tình yêu trong giai đoạn này khi con người  gắn bó nhau bằng cả tâm và thân. Sự hòa  điệu từ tâm hồn đến xác thịt là hạnh phúc lớn nhất mà Gấm tận  hưởng giai đoạn này. Nhưng  rồi “bàn tay nhỏ” lại phải giương lên lần nữa mà có lẽ là lần cuối chống lại định mệnh nghiệt ngã. Gấm phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư và khi xét nghiệm sinh thiết cho cô biết cô  bị ung thư phổi. “Dường như cánh của nhân sinh vừa khép. Như nắp quan tài vừa ập xuống. Cả thế giới tối sầm...” Những đêm sau, “Cả hai ôm nhau cùng khóc. Và nỗi đau về cuộc đời, về thân phận, bật ra thành những nấc  nghẹn..” Họ khóc cho cuộc tình tuyệt vời nhưng chóng vánh, cho hạnh phúc vừa nếm đã tê cay  trên đầu lưỡi, đắng buốt  tận trong hồn, cho bao mộng đời dang dở còn dài phía trước ....

 “Thương em một đời vội vã/ Sáng chưa trả lại nợ chiều.../ Đường đời em đi ngược gió/ Anh nợ một lần dìu em .../ Bão giông cuộc đời nghiệt ngã / Nợ  ngày anh lại nợ đêm/ Nếu anh không  còn mắc nợ / Thì anh đâu còn  của em ...”

Chàng đã tự tra vấn mình hàng đêm “Không còn nỗi đau nào hành hạ trái tim tôi hơn những ngày cuối cùng. Lúc đó sống đồng nghĩa với sự tra tấn. Nhìn nỗi đau đớn của Gấm, tôi còn đau hơn cả nỗi đau của chính mình...”

            Họ đã cùng đấu tranh với chính mình từng giây từng phút để cảm nhận hết ý nghĩa của cuộc sống, của hạnh phúc, của kiếp nhân sinh mà chúng ta sẽ phân tích khi nói về thân phận con người .

 Đến đây ta nhớ “Farewell to Arms” của Hemingway: Nhân vật chính trong A Farewell to Arms chìm  trong những cơn mưa liên miên từ trang đầu tới trang cuối.  Dưới cơn mưa tầm tã, chàng Frederic Henry và nàng Catherine Barkley, bước đi và tự nhủ với nhau rằng phải tìm một nơi chốn nào đó để mà về…  Họ bơ vơ dưới mưa lạnh. Họ tha thiết muốn tìm về một mái nhà nào đó… Tác phẩm tràn ngập những cơn mưa: “Hai đứa tôi đã sống một đời tuyệt diệu. Chúng tôi sống bên nhau trọn tháng giêng và tháng hai. Mùa đông tuyệt vời quá và chúng tôi hạnh phúc vô cùng… Một đêm trời bỗng bắt đầu mưa. Trời mưa suốt buổi sáng và làm tuyết thành bùn và triền núi trở nên thê lương buồn thảm... Mây bay lênh đênh trên hồ và trên thung lũng. Mưa rơi bên đỉnh núi… Hai đứa tôi có thể nghe mưa rơi ngoài kia… Hai đứa tôi sống một cuộc đời tuyệt diệu…”

Liên tưởng lại trong  BTNDM ,“Mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Tay trái dắt con, tay phải đưa lên che đầu. Nhưng bàn tay bé nhỏ của tôi không che nổi trời, những hạt mưa vẫn tưới xuống những sợi tóc ướt, xoắn thành lọn… nước nhỏ thành giọt lạnh xuống đôi vai” Hình ảnh người đàn bà cúi đầu bước đi  dưới mưa trời, lòng nặng trĩu buồn lo. Sau lưng là cuộc hôn nhân đầu đời gãy đổ, với trái tim tan nát.

Rồi những ngày hạnh phúc với chàng nhà báo dường  như là những ngày nắng đẹp ngắn ngủi  trước khi bão giông đời kéo đến. Khi cơn bệnh đến lúc ngặt nghèo, cảm thấy sinh lực mòn rũa dần, khô héo, cạn kiệt, tóc rụng, tay gầy, nàng lại nhớ những cơn mưa, nhất là mưa trong những ngày tháng êm đềm để nàng tắm gội một chút  hạnh phúc, dù mong manh sương khói. Đành phải trích  thơ Nhã Ca (như Kiệt Tấn) :

 Tôi làm con gái

 Một lần qua đây

 Rồi không trở lại

 Ôi mùa xuân này!

 

Trong “Farewell to Arms”, cũng một đêm  mưa… Nàng đau. Chàng đưa nàng đi nhà thương để sanh hạ đứa con đầu lòng. Thế rồi nàng chết vì sanh đẻ quá khó khăn.  Chàng bỡ ngỡ ngơ ngác không hiểu gì cả.  Chàng đứng lặng người. Nàng chết. Giống như vừa chia tay một pho tượng. Trong phút giây chàng rời khỏi bệnh viện bước về khách sạn trong mưa... It was like saying goodbye to a statue. After a while I went out and left the hospital and walked back to the hotel in the rain. Rồi đến lúc Gấm phải ra đi, người ở lại cũng nhận ra: “ Nhìn nét thanh thản và mãn nguyện trên khuôn mặt Gấm, tôi hiểu là  người yêu tôi đã chết, nhưng không phải vì ung thư. Nàng chết vì ngộp thở khi bay đến đỉnh cao hạnh phúc... Gấm đã bước vào cõi vĩnh hằng... vĩnh cửu mãi mãi là chính mình trong vô tận của thời gian”. Dù  kêu lên thống thiết: “Gấm ơi, cuộc đời độc ác! tai họa đã ập xuống đời em... Nhưng hãy ngủ yên trong lòng anh. Em nhé !...” vì chàng cũng hiểu: “... tôi ý thức về  những mất mát của mình, về người đàn bà bằng xương bằng  thịt đã không còn mà chỉ còn lại hình bóng nàng trong tâm tưởng... Gấm đã đi... nhưng những gì tinh anh vẫn bồng bềnh đâu đó.” Dù hệ lụy có lúc chàng vẫn thấy nặng nề: “ ... tôi biết rằng từ nay không ai có đủ tình yêu để chăm sóc và an ủi mình trong những phiền muộn chập chùng của cuộc đời.”

Những người phụ nữ đáng yêu đã ra khỏi cuộc đời oan nghiệt này theo những cách buồn bã như vậy đó! Như những hạt mưa rơi !          

Thân phận người trí thức

Một  số bài viết cho rằng tác giả đã viết  loại tiểu thuyết  mang “hơi hướm “luận đề, khi ôm đồm nhiều đề tài vào trong tác phẩm của mình. Kiệt Tấn cho rằng làm mất đi cái dòng chảy trơn tru của mạch văn hay khiến người đọc khó theo dõi cốt truyện về cuộc đời của Gấm. Nhưng sở dĩ Gấm được yêu và yêu nhiều đến thế vì nàng cùng chung nhân sinh quan hay thế giới quan với chàng nhà báo. Khi đọc những bài viết của chàng, nàng thấy đau đáu những phản biện sắc sảo nhưng sau đó là những nỗi bức xúc, những trăn trở, những ưu tư về chuyện thế giới, chuyện trong nước. Những nan đề mà khó có ai giải quyết được trong một sớm một chiều nhất là khi họ cũng không muốn giải quyết! Bức tranh chung của nhân loại khá u ám với những gam màu tối, những mảng tối lớn là biến đổi  khí hậu, toàn cầu hóa, và gần ta hơn là thực phẩm biến đổi gien, gần hơn nữa là tình trạng bất công xã hội, là sự thoái hóa  biến chất của tầng lớp giàu có .Hãy nghe tác giả  trình bày: “Chẳng bao lâu thế giới này sẽ biến mất như Amazon. Mỗi ngày mỗi tháng hàng nghìn hecta cỏ xanh biến thành những khối bê tông. Những cánh đồng xanh không còn là nơi trồng trọt mà biến thành  những phi vụ mang lại lợi lộc kếch xù.... bê tông không ăn được nhưng có rất nhiều người đang ăn nhờ bê tông. Đó là  những kẻ đầu cơ, bọn tham nhũng, những nhà quản lý địa phương... và bọn rửa tiền cho mafia....” hay “Những dòng sông đang chết không phải do ngẫu nhiên mà chúng chết. Chúng  bị con người giết. Rừng đầu nguồn bị đốn. Chất  thải công nghiệp độc hại không ngừng đổ xuống dòng chảy và mặt đất. Và cùng chung số phận là biển, là không khí, là môi trường sống của chính con người... Lũ đang tàn phá đồng bằng. Phá hại  mùa màng. Cuốn trôi nhà cửa và hệ lụy sau lũ là nguy cơ hạn hán...” 

Xót xa thay tấm lòng của một trí thức trước bao dâu biển, cả thiên tai và nhân tai! Nhưng người trí thức làm được gì hay chỉ là “cuồng sĩ” mắng nhiếc vu vơ khi quyền lực không nằm trong tay họ: “Các người đã bán rừng . Bán đất. Hết bán trên mặt đất, các người đào xới dưới sâu để bán. Các người đang bán tất cả những gì  có thể. Bán tất tần tật. Kẻ bán  thể xác, kẻ bán linh hồn, bán mãi đến khi không  còn gì để bán. Và thế giới này đang bị hủy hoại từ vật chất lẫn tinh thần... Nên khi   khi các người chết đi và để lại cho thế hệ kế tiếp là chúng tôi và con cháu một tương lai đầy rác rưởi, đau khổ... Thế giới đang bị tha hóa trầm trọng...”

            Đến bữa ăn của chúng  ta  cũng chiụ tác động, phải thay  đổi: “Kỹ thuật biến đổi gien có  nguy cơ làm tê liệt các nhà trồng trọt nhỏ, giết chết hình thức gieo trồng truyền thống và khiến họ hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà sản xuất  hạt giống. Nguy cơ gây ra nạn đói do lệ thuộc các công ty đa quốc gia...”

            Tác giả nhìn nhận  tình trạng “toàn cầu hóa” dưới lăng kính bi quan vì “...xu thế toàn cầu hóa cưỡng bức mọi nền văn hóa phải mở cửa và không  ai còn cơ hội sống biệt lập. Hiện nay giới tài phiệt đang tìm nô lệ giá rẻ, giá nhân công thấp nhất ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà sự bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền lợi người lao động chưa có.” Còn trong nước, núp dưới chiêu bài “đầu tư”, những kẻ trục lợi đã nhìn ra kẽ hở trong quản lý của chúng ta: “Đầu tư nhà máy ở Việt Nam  là bèo, chỉ cần mang dây chuyền cũ, công nghệ lạc hậu cũ, không  biết bán cho ai, qua VN, hợp tác liên doanh là làm giàu đủ rồi, định giá công nghiệp  cũ cao, công nhân rẻ, quảng bá thương hiệu, không  giàu to à ?” Rồi trong quá trình “thế giới phẳng” ấy lại kéo theo hệ lụy “mua bán” phụ nữ,  thân phận phụ nữ ở những nước nghèo cũng đang cần báo động “Nhiều  phụ nữ  Indonesia, Phillippines, Campuchia, Việt Nam phải ngoan ngoãn sắp hàng và gần như bị lột truồng trước các ông bà mối và những kẻ mua vợ với giá bèo.”

 Kẻ trí thức lại  mang sứ mệnh của người cầm bút là phải nói lên những sự thật ấy. “Tôi nghĩ phải trải qua đau khổ, tận cùng đau khổ, thì người cầm bút mới hiểu được kiếp nhân sinh và thật lòng thương lấy con người....” Tác giả ôm đồm mọi lãnh vực của đời sống khi thấy sự chông chênh trong văn hóa ứng xử của bọn “trọc phú” thời đại mới. Tác giả viết  “ …Xã hội này có quá nhiều bất công và mâu thuẫn. Nếu sống mà thiếu văn hóa thì tâm hồn rỗng tuếch. Em hãy nhìn xem có  cái gì to lớn và nghiêm trang ở phần đông những trọc phú không? Cuộc đời của một kẻ quyền thế, nếu chỉ có phúc mà không có đức cũng chẳng lấy gì làm sung sướng. Làm việc bất chánh thì  cuộc sống bất an... Kinh tế có phát triển nhưng nếp sống vẫn là  tiểu nông trì trệ. Người ta xây nhà bê tông bằng tư duy của người làm  nhà tranh tre nứa lá và đi ô tô, xe máy theo kiểu đi xe đạp tức là cũng luồn lách, đánh võng tạt ngang  tạt dọc... xã hội vận hành bằng tư duy cũ, cái mới chỉ là lớp sơn bề ngoài...

Trương Văn Dân  nặng lòng với những bức xúc thời đại. Học tại nước ngoài, thấm nhuần văn hóa Tây phương, hiểu rộng về khoa học, không thể không phát biểu những băn khoăn, dằn vặt trong tâm người trí thức. Có ai đó  từng phát biểu trí thức khoa bảng đến đâu đi nữa mà thiếu cái nhìn về xã hội, về những trăn trở thời đại thì cũng chỉ là hàng trí ... “ngủ”. Chúng ta chia sẻ với “chàng” những nhận định mà nhiều khi quanh bàn café chúng ta cũng hay bàn luận. Nhưng thật lòng, trí thức hôm nay cũng là  những kẻ cô đơn  vì anh biết nhiều, hiểu nhiều nhưng lại phản biện có khi là trễ quá hoặc sớm quá. Hamvas Béla, nhà văn Hungary,  từng viết “ ...có một dạng cô đơn mà đặc điểm của nó là con người sống trong sự cô đơn ấy tự chứng minh mình đứng ngoài xã hội... Các nhà tiên tri Thánh Kinh trong lịch sử  hay các tấm gương của thi nhân trong thời hiện đại đều chỉ ra ý nghĩa bên trong của sự cô đơn anh hùng này. Điều quan trọng  nhất, ở đây kẻ chọn sự cô đơn anh hùng không phải  vì quyền lợi của mình, mà chính là chống lại quyền lợi của mình để vì quyền lợi cộng đồng “Cách nào đó  thì   chàng nhà văn này hay chính chúng ta đây cũng đang gánh chịu nỗi cô đơn ấy vì chỉ “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” ( Nguyễn Công Trứ ) thôi! Phải chăng đó cũng là “thân phận”!

  Thân phận con người

Nói  theo Phạm Công Thiện  trong “Ý Thức  mới trong văn nghệ và triết học” Hemingway dựng lên hình ảnh của Mưa… và dưới cơn mưa ấy, Hemingway dựng thêm hình ảnh của con người: con người đi dưới mưa. Con người bi đát (L’homme tragique) bỗng nhiên cảm thấy sững sờ kinh ngạc. Trước cuộc đời, từ đây Frederic Henry mở đôi mắt bỡ ngỡ, ngơ ngác, sửng sốt, kinh ngạc… Surprise éternelle (Clément Rosset). Chàng ăn nói làm sao đây trong niềm kinh ngạc vô biên kia? Phản ứng của chàng? Từ đây, lòng chàng đã xao xuyến, chàng biết chắc không bao giờ quên được bao nhiêu hình ảnh chua xót kia. Từ đây, trước cuộc đời miên man kia, lòng chàng không còn được gió thổi vi vu như dạo nào. Chàng không thể giải hoà với cuộc đời này nữa. Irréconciliable… Ý niệm Irréconciliable là đặc tính siêu hình đầu tiên của Bi đát. Thế nào là Irréconciliable? ...Ba giai đoạn dẫn đến ý niệm Irréconciliable. Đầu tiên, ta thấy tính chất “không vượt nổi” (insurmontable), nghĩa là đứng trước nghịch cảnh, lần đầu tiên, ta tự cảm thấy không thể nào giải quyết được, không thể nào thắng được nghịch cảnh sừng sững ấy, lần đầu tiên, ta phải dừng chân lại, không thể nào bước đi nữa, lần đầu tiên, ta phải nhìn lại, xét lại quãng đường. Chiến tranh, dù chàng có quên đi nữa, trận mưa phũ phàng kia vẫn liên miên theo đuổi hình bóng chàng.

Từ tính chất “không thể vượt nổi” (insurmontable), ta đi đến tính chất “không chữa được” (irrémédiable). Ta đã sa bẫy, chẳng những ta không thể vượt nổi nghịch cảnh, ta lại còn thấy không còn đường lối nào để đi nữa. Ta bó tay bó gối vì không thể động đậy gì được cả. Ta đã bị hãm vào đường cụt một chiều duy nhất. Lúc trước, đứng trước nghịch cảnh không thể vượt nổi, ta tưởng là rồi đây sẽ còn có lối khác, nào ngờ bây giờ hết phương rồi, parce qu’il nexiste pas de remède à ce que nous prenions tout d ‘abord pour une insuffisance passagère. (Clément Rosset-Philosophie tragique).

Giai đoạn thứ ba và cuối cùng là sự khám phá ra ý niệm “irréconciliable” (không thể hoà được). Sau lần thất bại, ta đã biết rằng không thể vượt nổi (insurmontable), và không thể chữa nổi (irrémédiable) nhưng bây giờ ta lại rõ thêm rằng sự thất bại “không thể vượt nổi” và “không thể chữa nổi” kia lại cũng là sự thất bại phổ quát và toàn bộ 

 Thế nhưng cô Gấm của TVD đã không rơi vào tình trạng “không vượt được” hay  “không chữa được”, nghĩa là nhân vật TVD  không rơi vào cái tragique của con người phương Tây. Ta nghe Gấm nhận ra gì khi nàng đang chữa trị căn bệnh ung thư: “Trong giây phút đó, mọi việc sáng tỏ hơn bao giờ hết. Tôi dụi mắt nhìn dòng sông, cái nhìn mở rộng đến những hàng cây dọc hai bên bờ, những mái nhà lô nhô cạnh những con lạch uốn quanh gần đó và những tia khói màu xám trên những mái nhà, tôi còn nghe tiếng gà táo tác đùa với con trong ổ. Tất cả, tất cả đều vươn lên một sức sống kỳ diệu / Chỉ trong giây lát mọi nỗi đau khổ bỗng nhẹ nhàng hơn / Tôi lấy lại bình tĩnh. Và cười khan. Ừ, bệnh. Ung thư thì đã sao?

Dù hiểu như nhạc sĩ họ Trịnh rằng: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” nhưng Gấm vẫn ý thức rõ  “...lòng tôi tràn ngập cảm giác rằng  mọi nghiệp chướng tiền oan trên phần số con người sắp sửa trả  xong... Và bất ngờ tôi bỗng thấy mình thực sự là áng mây trôi.., tôi không còn là một thực thể đơn lẻ mà đã hòa với vũ trụ làm một... Lúc đó  tôi thấy mình tan trong một biển ánh sáng diệu kỳ. Con người có đến có đi nhưng trước sau không sinh không tử. Mọi góc cạnh chỉ là cái nhìn, như hai mặt thực ảo trong gương. Không có khổ đau, hạnh phúc sẽ thật tầm thường. Không có cái chết, sự sống sẽ chẳng còn  ý nghĩa.

Vì sao Gấm không  rơi vào cái vũng xoáy của u uất chán chường, của hoang mang tuyệt vọng vì nàng là một tín đồ, một Phật tử, hiểu và tin vào triết lý nhà Phật. Thiền Sư Nhất Hạnh trong một lần trả lời phỏng vấn  đã giảng: “Khi bạn nhìn vào ai đó, bạn sẽ thấy ngũ uẩn, hay các yếu tố tạo thành con người: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Không có linh hồn, thể xác nào bên ngoài 5 yếu tố này. Vì thế khi 5 yếu tố này tan rã, thì nhân quả hay các hành động mà bạn đã thực hiện trong cuộc sống chính là sự tiếp nối của bạn. Những gì bạn đã làm và suy nghĩ vẫn sẽ còn đó như một dạng năng lượng. Bạn không cần một linh hồn hoặc một thể xác, để tiếp nối. Chuyện giống như một đám mây vậy. Ngay cả khi đám mây không có ở đó, trời vẫn tiếp tục mưa hay có tuyết. Đám mây không cần phải có một linh hồn để nối tiếp. Không có sự khởi đầu và cũng chẳng có kết thúc. Bạn không phải chờ cho tới khi thân xác này tan thành cát bụi mới có thể tiếp nối. Thực ra bạn đã tiếp nối trong từng khoảnh khắc. Giả dụ như tôi đã truyền năng lượng tới hàng trăm người, họ sẽ tiếp nối tôi. Nếu nhìn vào họ và bạn thấy (hình bóng) tôi hiện ra thì thực sự bạn đang trông thấy tôi đó. Nếu bạn nghĩ rằng tôi chỉ là thể xác này (ngài chỉ tay vào mình) thì bạn vẫn chưa trông thấy tôi đâu.”

Và Gấm đã hiểu rõ ý nghĩa của kiếp nhân sinh hữu hạn trong vòng sinh lão bệnh tử là lẽ thường. Nàng hiểu “Căn bệnh này là dấu mốc để mình nhìn lại mọi việc. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa cuộc đời... Hãy chấp nhân cả cái được, cái mất, và trân trọng những gì mình hiện có. Vì dù cuộc đời có nghiệt ngã đến đâu, chỉ cần hai kẻ yêu nhau cũng đủ làm nên kỳ diệu. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí. Ý nghĩ đó làm tôi chợt nhận ra cuộc đời còn rất đẹp.”

Nói như Hermann Hesse “Dù bị đau  đớn quắn quại, tôi vẫn tha thiết yêu trần gian điên dại này.”

Cái cõi trần mà  Bùi Giáng từng nguyện “Trần gian ơi, cánh bướm cánh chuồn chuồn/ Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn ...” vì “ Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn  / Hết tâm hồn và hết cả da xương” Hay như André Malraux trong  “Thân phận con người “ ( La Condition Humane): “Cái gì đè nén trên tôi? Ấy là thân phận làm người của tôi: tôi già, tôi héo, cái thời gian khốc hại phát triển  trong tôi y như một cái nhọt, một ung thư gớm ghiếc... Lưới Từ Thần do thời gian vây bủa... Con người bé bỏng bèn mím môi, mím lưỡi thu chặt bàn tay “ Đành rằng cuộc đời vô nghĩa, nhưng có cái gì có nghĩa hơn cuộc đời đâu ?” ) La vie est trop brève pour être insignifiante. Une vie ne vaut rien, mais rien ne vaut une vie “Còn Gấm và chàng nhà  văn của mình  cũng cùng chung giòng chảy trong tư duy ấy: “Vì chúng  tôi chẳng hoài chi tới cõi thiên đường. Có lẽ bởi chúng tôi đã từng là con người, đã từng hội đủ tâm hồn, si mê và trí tuệ, tham lam cùng sân hận, nên vẫn còn say mê trần gian, còn tha thiết  làm người. Ví như trong cuộc tồn sinh đó, kiếp người có đủ hương vị của sầu muộn, khổ đau, nhưng cũng có cả yêu thương và hạnh phúc”. Hạnh phúc chính là sự vắng mặt của khổ đau. Tất cả chúng ta đều mong muốn tránh  khổ đau và  cội nguồn của khổ đau chính là sự ích kỷ. Vì vậy chúng ta phải từ bỏ nó. Tất cả chúng ta theo nhà Phật cần yêu thương người khác và cội nguồn của hạnh phúc là quan tâm đến người khác... đó chính là ý tưởng  chăm lo cho mọi người, là tâm bồ đề vị tha. Rồi nếu như phải chia lìa  thì Gấm của TVD đã không quá hoảng hốt, bi lụy trước cái chết. Sau những hoảng loạn ban đầu, nàng trấn tĩnh lại, vì nàng thấm nhuần triết lý nhà Phật. “Cái chết đáng sợ, nhưng nghĩ cho cùng thì bản thân cái chết không đáng sợ bằng nỗi ám ảnh của nó. Và có lẽ sự sợ hãi sẽ mất đi khi ý niệm về bản ngã không còn. Hiểu được tấm thân tứ đại “còn duyên thì hợp, hết duyên sẽ lìa” thì cái chết là một điều tất yếu”. Hiểu như thế nên với  Gấm,  “…sống chết gần như không có lằn ranh rõ rệt. Trạng thái “Bất sinh, bất diệt”, không sinh ra cũng không chết đi. Từ cái sống nẩy mầm cái chết. Từ cái chết xuất hiện tái sinh. Một dòng liên tục, không khởi đầu, không chấm dứt, trong đó chỉ có sự biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác.”  Nhà Phật dạy nhân duyên tụ hội gọi là sinh, nhân duyên ly tán, gọi là diệt. Lớn như một tinh cầu, một thiên thể cho đến cả thế giới vũ trụ, nhỏ như một sợi cỏ, một hạt bụi, một nguyên tử… không có một sự vật nào là không do nội nhân, ngoại duyên hội tụ mà tồn tại. Nếu loại bỏ nhân và duyên ra, không có một sự vật nào có thể tồn tại được. Vì vậy, nếu xét trên căn bản, thì không có một sự vật nào hết. Về vấn đề này, các nhà khoa học vật lý và hóa học, có thể cung cấp cho chúng ta câu trả lời chính xác và chính diện. Hiểu lý nhân -duyên, nên Gấm rất thanh thản  lúc ra đi  “.... những lúc tưởng mình sắp bị xóa đi, tôi ngắm nhìn phong thái tự tại, dáng ngồi ung dung của đức Di Lặc, cảm nhận sự tĩnh lặng từ nụ cười an lạc của ngài tỏa ra. Nụ cười ấy phủ lấp mọi lo toan... tâm hồn tôi phẳng lặng như mặt hồ không gợn sóng, chỉ có cảm giác bình an đang đến. Mọi sự vướng mắc vào buồn lo, đau khổ ... như không còn nữa; những hệ lụy phiền toái như chuyển thành  hơi nước  hóa thành mây bay về một nơi nào đó xa xôi... Tất cả chỉ cỏn là khoảng không. Vô tận và mờ ảo. Bản ngã vô ngã sắp hòa vào đại ngã.” Phải chăng  Gấm lên tiếng nói thay cho những suy tưởng của chàng nhà văn hay chính tác giả. Dù là ai đi nữa thì đó cũng sẽ là chân lý. TVD đã viết như một lời  kết  “... nhớ rằng đời sống không phải là một cuộc chạy đua. Nó là một cuộc hành trình mà chúng ta cần biết sống cho hiện tại, tận hưởng và khám phá. Điều quan trọng là suốt cuộc hành trình là chúng ta luôn có hạnh phúc.”

Vâng, hạnh phúc nằm ở cuộc hành trình, Niết Bàn ở dưới chân chúng ta trên con đường đi tới chứ không nằm nơi đích đến. Cuộc viễn du của Gấm đã kết thúc nhưng mở ra nhiều chương mới trong lòng người đọc. Ở đó , người ta phải tập nâng niu và trân trọng hạnh phúc như những hạt mưa, long lanh và dễ vỡ !

 

 

 SG 5-2017

 (Tựa cũ : Đọc lại BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA - Suy ngẫm về những thân phận)

 Nguồn : https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1692880714351927&id=100008900445952

 

 

Nguyên Cẩn
Số lần đọc: 1164
Ngày đăng: 04.07.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một sắc hoa ban – Đa sắc tâm hồn - Phạm Đình Ân
Nhớ Phạm Ngọc Lư - Nguyễn Lệ Uyên
Vài lời tản mạn về "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại" - Đặng Xuân Xuyến
Đến với thơ Đương Đại (*) - một góc nhìn mới về Thơ hôm nay - Yến Nhi
Mảnh vụn ký ức - Phan Văn Thạnh
Nhà thơ Nguyễn Giúp: MỘT DÒNG SÔNG THƠ - Phan Nam
Vài cảm xúc với bài thơ "Men đắng"* - Nguyễn Thành
Trần Mạnh Hảo, mình anh trong một thế giới - Nguyễn Đức Tùng
Thơ bay trên phận con người - Bùi Công Thuấn
Cung trầm tưởng, sự thăng hoa - Nguyễn Đức Tùng