Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
722
116.714.155
 
Câu chuyện dưới hầm
Từ Nguyên Thạch

 

Tiếng mưa rả rích trên miệng hầm. Nước mưa men theo khe vách nhỏ xuống chỗ Phú nằm. Anh nằm nghiêng, co hai chân vào bụng để tránh cái thứ chất lỏng làm anh khó chịu. Thỉnh thoảng bụng anh lại sôi lên sùng sục. Những cơn co thắc trong bụng làm Phú đau đớn. Có lẽ anh mắc phải chứng loét bao tử do ăn uống thất thường, có gì ăn đó, từ thú rừng đến các thứ rau, củ rừng.

 

Đang vào tháng bảy, cao điểm mùa mưa. Mưa dầm dề suốt ngày. Những con đường giao liên trong rừng trở nên trơn trợt, khó đi. Thừa lúc này địch tăng cường đi càn, bố ráp, cắt đứt các con đường tiếp tế lương thực. Nếu có việc phải đi ra ngoài cần hết sức thận trọng, vì chỉ một chút sơ sẩy lũ chó săn đánh hơi được là coi như… giã từ vũ khí.

 

Đã một tuần trong hầm, chẳng còn gì ăn. Hai cánh tay Phú, chỗ từ bờ vai ra, mỏi đến nỗi không nhấc lên được. Hai mí mắt như có đeo đá, lúc nào cũng muốn sụp xuống. Phú nằm trên tấm ni lông trải trên mặt đất của căn hầm, mệt mỏi. Anh mới ngoài hai mươi tuổi nhưng cơ ngực giờ đây lép xẹp, da mốc xám, mặt lại bệu ra, triệu chứng của người phù thủng vì suy dinh dưỡng.

 

Năm 1972, chiến tranh lan ra khắp miền Nam, vào tận những thôn làng lâu nay vốn bình yên. Mọi con đường tiếp tế lương thực, thuốc men qua vùng Củ Chi từ Bến Cát qua, Tây Ninh xuống đều gần như tê liệt. Phú được tổ chức phân công xuống vùng giáp ranh Củ Chi nắm tình hinh hành quân, kế hoạch bình định  của địch. Trên cung đường dài chưa mười cây số đã hai lần lọt ổ phục kích. Tổ có ba người hy sinh mất hai. Phú may mắn nhờ kịp trốn vào căn hầm này.

 

Giờ đây, trong căn hầm, Phú như cá mắc cạn. Lương thực không, thuốc men không.

 

Phú chợt thấy nhồn nhột ở bắp đùi. Anh ngó xuống. Trời, một con cóc. Sao lại lọt xuống đây? Có lẽ nó tránh mưa. Phú ngồi dậy, cúi xuống nhìn nó kỹ hơn . Con cóc lớn cỡ gần nắm tay. Tự nhiên Phú cảm thấy đói dữ dội. Anh nuốt nước bọt. Đó là thứ bản năng sinh tồn của mọi sinh vật. Phú luống cuống lục bồng lấy ra con dao găm. Dù sao cũng phải nói lời biết ơn đến mày. Anh chụp con cóc không mấy khó khăn vì trong căn hầm chật nó không thể nhảy xa được.

 

Phú nhớ hồi nhỏ đi soi ếch đồng. Cũng tầm tháng này ruộng xăm xắp nước, ếch sinh sôi thành đàn. Chỉ mới đầu hôm, Phú đã có thể đem về xâu ếch nặng cả ký. Ếch làm sạch ruột, để nguyên da nướng lửa rơm thơm phát sợ.

 

Phú hơ con cóc đã làm sạch ruột trên ngọn lửa đèn dầu. Trên lớp da ám khói dầu, mỡ bắt đầu tươm ra bốc mùi thơm phức. Khi thịt cóc đã chín đều, anh bắt đầu nhai từng miếng nhỏ, chậm rãi. Thịt cóc ngọt lừ, cả đời anh chưa từng biết đến.

 

Ăn xong Phú ngủ một giấc dài. Khi tỉnh dậy chung quanh anh phủ một màu đen. Có lẽ đã quá nửa đêm. Phú ngồi dậy. Anh biết giờ này anh không thể ngủ lại. Những miếng thịt cóc hồi chiều giúp anh tỉnh táo lạ thường. Anh ý thức thời gian đang trôi, còn anh thì bất động. Không biết phải làm gì trong lúc này, anh thấy mình thừa thãi đến khủng khiếp.

 

Tiếng mưa rơi ban đêm nghe đồm độp, đồm độp như giọt thẳng vào tim. Lòng anh chợt đầy lên tâm sự. Hình ảnh Liên hiện về, lúc mờ mờ lúc rõ nét. Nàng mặc áo bà ba màu lam. Màu anh rất thích, không biết tại sao. Có lẽ vì nó giản dị, gần gũi như màu khói đốt đồng quê anh. Anh quen Liên dễ chừng đã năm năm, từ những ngày hai đứa học trung học trên huyện lỵ. Anh làm sao quên được những buổi chiều chở Liên về trên chiếc xe đạp cà tàng. Vậy mà nó đã có công đưa hai trái tim lại gần nhau, hai cõi tâm hồn hòa thành một. Sau Tết Mậu Thân, ngôi trường bị bom Mỹ đánh sập. Phú trốn gia đình thoát ly. Ai ngờ, tại đêm liên hoan đưa tiễn Liên cũng có tên trong những thanh niên lên đường. Phú được đưa về tổ đặc công, còn Liên làm giao liên xã. Họ cùng sống và chiến đấu trên mãnh đất quê hương của mình. Mơ một ngày hòa bình được chung sống bên nhau…    

 

 

Mưa vẫn rơi, có phần nhẹ hạt hơn. Phú tính ngủ lại. Nằm chưa nóng chỗ, chợt anh nghe đau vùng bụng dưới và muốn đi ngoài. Phú khẽ nâng miệng hầm, đưa mắt nhìn khắp lượt chung quanh. Một lát, mắt anh quen dần với bóng tối. Trong làn mưa, anh thấy từng sợi cỏ rung rung lấp lánh phát ra một thứ ánh sáng xanh mờ, bàng bạc. Đứng một lúc lâu không nghe động tĩnh bên ngoài, Phú nhoài mình lên khỏi miệng hầm. Anh nghe những giọt mưa rơi trên người, mang đến sự thân thuộc. Phú đi xa miệng hầm, mất hút trong mưa đêm.

 

Chợp mắt được một lát, Phú giật mình bởi tiếng chân, tiếng người lao xao trên miệng hầm. Địch đi lùng. Anh chụp lấy quả lựu đạn treo trên vách hầm, rút chốt an toàn. Nơi miêng hầm đã được đóng kín, xuyên qua một tia sáng yếu ớt. Tia sáng không giúp thấy gì nhưng cũng cho biết là trời rạng sáng.

 

“Thưa thiếu úy, vừa phát hiện bãi phân người. Có việt cộng trốn đâu đây”. “Tăng cường lục soát mọi gốc cây, ụ mối”. “Tuân lệnh”. Rồi Phú nghe tiếng la hét, tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch trên đầu anh. Phú lùi sâu vào góc căn hầm, ép người trên mặt đất, như thể muốn tan biến trong cái không gian chật hẹp này. Anh thở khẽ. Trái tim đập càng lúc càng lớn, như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

 

Trên đầu Phú, tiếng lưỡi lê thọc sâu vào đất nghe rất rõ. Địch đang xăm đất tìm hầm bí mật. Nghe âm thanh truyền đi trong đất, Phú đoán bọn địch đứng cách chỗ anh ngồi chừng vài mét. Từng tiếng, từng tiếng dội xuống như xuyên qua đầu Phú. Anh dặn lòng phải trấn tĩnh. Nếu chúng xăm đến từ từ thì thế nào cũng phát hiện ra hầm. Phú bóp chặc trái lựu đạn đã tháo chốt. Anh sẵn sàng quăng lên nếu miệng hầm bị khui ra, rồi vọt lên lia hết băng đạn khẩu AK đeo sẵn bên hông. Tình huống xấu nhất, anh sẽ bình thản đón nhận cái chết hiên ngang của một người lính.

 

Nhưng tiếng lưỡi lê xăm đất nghe xa dần. Tiếng đập trong lồng ngực Phú cũng nhỏ dần. Thân xác anh bây giờ mềm ra như cọng bún. Anh cho tay tra lại chốt an toàn của trái lựu đạn. Rồi nhắm mắt. Nghe trong ngực anh tiếng bùng bục, rồi vỡ òa thành tiếng nức nở của trái tim. Anh vừa bước đi trên cây cầu mà ở dưới là dòng sông chết. Phú nghe hai mắt ươn ướt. Không, mình không khóc đâu nào, không khóc đâu nào. Nhưng nước mắt cứ trào ra.

 

Thời gian nặng nề trôi. Phú vẫn ngồi bất động. Mối hiểm nguy đã qua nhưng vẫn còn đâu đó sự rình rập. Anh căng tai nghe những âm thanh từ thế giới bên ngoài đưa xuống căn hầm. Cả tiếng lá rơi nhẹ trên mặt đất tai Phú cũng không bỏ sót. Anh lắng nghe hồi lâu. Không còn tiếng chân người. Phú nhích về phía cửa hầm, khẽ nâng miệng hầm qua bên.

 

Trong luồng ánh sáng tràn vào cửa hầm có một họng súng đen ngòm chỉa xuống.

 

Phú lùi nhanh vào cuối hầm. Anh thấy tay anh bình tĩnh rút chốt an toàn trái lựu đạn. Đầu óc anh thật bình yên. Như thể đây là trò chơi tập trận hồi nhỏ. Anh tin chắc thằng địch sẽ không ném lựu đạn xuống hầm vì sợ sẽ bị ném ngược lên. Còn nếu dùng súng thì để bắn trúng anh, kẻ địch phải bước xuống hầm. Lúc đó quả lựu đạn trong tay anh sẽ nổ. Hoặc nếu kẻ địch kịp bắn trước thì cuối cùng rồi lựu đạn cũng phát nổ. Phú bình thản chờ đợi từng phút giây đang tới.

 

“Dang hết ra, để tôi xuống xem có ai không”. “Thiếu úy, đừng! Nguy hiểm lắm!”. “Ở đây tôi là chỉ huy. Các anh nghe tôi”.

 

Họng súng rút lên. Đôi chân mang bốt-đờ-sô bước xuống. Bộ quần áo rằn ri hiện ra. Nơi ngực trái có gắn chữ VINH trên nền vải trắng. Rồi viền cổ áo xuất hiện với một bông mai. Và cuối cùng là một khuôn mặt rám nắng, để ria mép, bên trên là đôi mắt hình chiếc lá lấp lánh ánh nắng. Trong tư thế khom người, viên thiếu úy đứng chỉ cách Phú cái vói tay, khẩu súng lục lăm lăm hướng về phía trước.

 

Bốn ánh mắt chạm nhau không chớp. Họ đọc được trong mắt nhau không có sự giận dữ, không thù oán, không sợ sệt. Những ánh mắt hút lấy nhau, như những sinh vật bình thường vẫn làm khi nhận ra là đồng loại của nhau, đồng bào của nhau.

 

“Sao rồi thiếu úy? Có ai dưới không?”. “Cái hầm không. Không có ai hết”. Khẩu súng trên tay hạ xuống, viên thiếu úy đi lùi, bước lên miệng hầm. “Thiếu úy làm gì dưới đó lâu vậy?”. “Cũng phải xem kỹ có bỏ sót gì không chứ”. “Thiếu úy gan thiệt!”. Có người đề nghị tung vài quả lựu đạn xuống hầm, nhưng tiếng thiếu úy Vinh ngăn, bảo để dụ cán binh Việt cộng đến để lập công. Vài tiếng cười. “Tất cả chuẩn bị, rút!”. Rất nhanh, tiếng những bước chân nhỏ dần, nhỏ dần.   

 

*

“Sao hồi đó anh không giết tôi?”- Phú hỏi thiếu úy Vinh đang ngồi trước mặt anh.

 

“Tôi cũng không biết tại sao nữa…”- giọng thiếu úy Vinh xúc động- “Nhưng tôi nghĩ rằng mình cùng là con người, không thù không oán, ai nỡ giết nhau.”

 

“Sau 1975, tôi đến các trại lính Việt Nam Cộng Hòa trong vùng tìm anh, đến giờ mới gặp.”

 

“Thời gian đó tôi đi học tập cải tạo… Mà anh kiếm tôi để làm gì?”

 

“Thì để cám ơn anh đã không bắn tôi.”

 

“Tôi đã nói rồi mà. Chúng ta đều người da vàng mũi tẹt, thương yêu không hết nữa là…”

 

“Nhưng dù sao anh đã cho tôi cơ hội được sống đến ngày hôm nay. Hiện tôi đã có vợ và hai con. Nhiều khi tôi cứ nghĩ đây có phải là một giấc mơ?”

 

“Ừ, cuộc đời thật kỳ diệu. Giống như cái buổi sáng hôm ấy trong căn hầm, tôi đứng cách anh chỉ cánh tay nhưng thốt lên không có ai trong hầm hết, để bây giờ gặp nhau.”

 

“Anh biết không, đến nay là hơn mười năm giải phóng rồi, vậy mà tôi và Liên vợ tôi vẫn tin sẽ có ngày hôm nay.”

 

Thiếu úy Vinh định nói câu gì đó nhưng thôi. Ông đưa mắt nhìn quanh. Căn phòng nơi hai người đàn ông đang ngồi hình như không có trần nhà hay trần quá cao không nhìn thấy. Cũng chẳng có vách tường vì gió ở đâu cứ thông thống thổi vào mát lạnh. Và cả mây nữa, chúng huyền ảo trôi qua chỗ hai người.

“Suýt nữa quên. Để tôi gọi vợ và hai cháu lại chào anh”- Phú nói.

 

Liên và hai đứa trẻ, một trai một gái khoảng lên mười, xuất hiện trong phòng. Phú quay lại. Thiếu úy Vinh không còn trước mặt anh. Căn phòng phủ đầy sương khói. Rồi trước mắt anh hiện lên căn hầm ngày xưa.

 

*

Phú ú ớ giật mình. Thì ra đó là một giấc mơ. Anh thấy mình đang nằm trên ghế dài, tờ báo rơi xuống ngực. Trên bàn, điếu thuốc để lại vệt tàn dài đã tắt từ lúc nào. Chết thật, ban ngày mà anh cũng nằm mơ. Ngay dưới chân Phú, hai con anh đang say sưa bên đống truyện tranh. Dưới bếp, Liên đang chuẩn bị món ăn trưa.

 

Phú bước xuống bếp, ôm vai Liên, thì thầm:

 

“Anh vừa có một giấc mơ kỳ lạ.”

 

“Giấc mơ gì vậy anh?”

 

“Gặp lại ân nhân mà anh kể cho em nhiều lần rồi đó.”

 

Liên ngừng tay nhìn chồng. Chị thấy trong mắt chồng niềm vui của giấc mơ còn sót lại. Câu chuyện dưới căn hầm ám ảnh anh. Chị biết nó sẽ tiếp tục ám ảnh anh đến chừng nào anh chưa gặp lại ân nhân của mình.

 

“Hay là anh thử viết lại câu chuyện, nhờ đăng lên báo, biết đâu anh ấy sẽ đọc.”

 

“Nhưng mà…”

 

“Ý anh muốn hỏi liệu anh ấy còn sống không chứ gì? Em tin những người tốt như anh ấy còn sống mãi.”

 

“Không, ý anh muốn nói là anh phải viết như thế nào đây? Em biết rồi, đã từ lâu tay anh không quen cầm bút.”

 

“Hãy viết ra những gì chân thật nhất, như những gì anh thường kể với em.”

 

Phú chợt thấy Liên trước mặt anh bây giờ là cô nữ sinh áo trắng của ngày xưa, rồi thoắt cái biến thành cô giao liên trong bộ bà ba màu xám. Những năm tháng bi hùng của cuộc chiến tranh sống lại trong anh. Trái tim anh nặng trĩu buồn vui. Phải rồi, phải ghi chép lại. Dù là một nhà văn bất đắc dĩ. Và Phú ngồi vào bàn viết./.

 

3-2012

 

Từ Nguyên Thạch
Số lần đọc: 1627
Ngày đăng: 03.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Kể Trong Đêm Trung Thu - Nguyễn Anh Tuấn
Hết Mê - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Nước Mắt “Lay-Off” - Trần Yên Hòa
Thương Nhớ Bambi - Phạm Nga
Những Đêm Mất Ngủ Của Hắc Trân Châu - Võ Anh Cương
Mẹ Chồng Tôi - Hòa Văn
Thăm Viếng - Âu thị Phục An
Một Mảnh Thiên Đường - Minh Diện
Ga Xép - Quế Hương
Những Ngày Không Định Trước - Âu thị Phục An