Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
711
116.719.188
 
Đặng Thân: Viết
Đặng Thân

PV: Việc xuất bản MA NET có ý nghĩa như thế nào đối với Nhà văn?

 

Đặng Thân: Việc các tác phẩm được in thành sách có ý nghĩa rất lớn đối với những người làm văn, làm thơ. Trước đây, những tác phẩm của tôi cũng đã có mặt trên các báo văn học và báo mạng internet nên có lẽ cũng đã có nhiều bạn trẻ được đọc rồi. Tuy nhiên, việc in thành sách sẽ đưa tác phẩm của tôi đến với nhiều người hơn, nhất là với những người ít có điều kiện tiếp xúc, làm việc với internet. Còn với tôi, cầm trên tay cuốn sách do chính tay mình viết ra thực sự rất thiêng liêng, rất xúc động.

 

PV: Theo lời nhận xét của Nhà phê bình Phạm Lưu Vũ  thì tác giả  MA NET có “lối viết của một gã có trạng thái tư duy bất bình thường” và là kẻ có “nội công lông bông thâm hậu”. Nhà văn thấy thế nào?

 

Đặng Thân: Tất nhiên, thông thường những người sáng tác không ít thì nhiều  đều có trạng thái suy nghĩ không giống những người bình thường khi họ viết. Họ phải có tâm trạng sáng tác. Mà đã là tâm trạng sáng tác đôi khi người ta phải để những trạng thái của cảm xúc và những suy nghĩ, suy tư nó lôi mình đi. Với người làm sáng tác thực sự luôn có tâm trạng riêng nên cái bất bình thường này có lẽ là cái chung của giới nghệ sĩ. Trong đó, anh Phạm Lưu Vũ cũng muốn nói rằng cách nghĩ và cách thể hiện của tôi khác với những người sáng tác khác nên lại càng gọi là bất bình thường. Câu “nội công lông bông thâm hậu” tôi nghĩ là rất hay. Lông bông chỉ kẻ rong chơi, mà lông bông đến mức mà có nội công thâm hậu thì ắt rong chơi đến bậc cao nhất của rong chơi. Đó là một lời khen rất đáng quý. Khi mà ta “rong chơi” đến đỉnh điểm trong văn, trong đời thì cũng có được những tác phẩm mà theo như anh Phạm Lưu Vũ đánh giá là cao.

 

PV: Được biết, trước đó những tác phẩm trong tập MA NET của anh đã có trên internet, trên báo chí. Và cũng đã có nhiều  ý kiến phản hồi, khen, chê. Nhà văn đã nhận được những phản hồi như thế nào từ bạn đọc?

 

Đặng Thân: Thực sự nói về phản hồi khen chê thì đó do các cư dân mạng post lên các trang diễn đàn, còn khi tôi gửi lên các trang báo thì cũng không có phản hồi gì nhiều, chỉ có vài câu trao đổi rất ngắn của các biên tập viên tờ báo đó. Tôi cũng ít có điều kiện để tham gia các diễn đàn. Những bài viết của tôi có thể là do những người quen biết tôi hoặc thích tác phẩm của tôi đưa lên. Và thực sự tôi cũng ít có dịp để xem các phản hồi đó.

 

PV: Hiện nay có nhiều nhà văn trẻ viết truyện ngắn không có cốt truyện, theo Nhà văn thì đó là một xu hướng phá cách mới của văn học trẻ hiện nay hay chỉ vì nhà văn “lười” nghĩ ra cốt truyện?

 

Đặng Thân: Đây cũng là một câu hỏi thú vị. Với tôi, có cốt truyện hay không đều không nằm trong ý đồ sáng tác. Khi các ý tưởng của tôi ra đời chúng tự tìm ra nhân vật, dường như các nhân vật lại tự tìm ra hướng giải quyết, có khi có cốt truyện nhưng cũng có khi hoàn toàn không có cốt truyện. Những truyện ngắn tôi viết có cốt truyện cũng được rất  nhiều người đọc theo lối cổ điển thích thú (ví dụ như GS. Hoàng Ngọc Hiến đánh giá cao truyện “ma nhòa” về cơ bản là do nó có cốt truyện, có “tuyến tính”, nên dễ theo dõi), nhưng tôi nghĩ cốt truyện là do cái tâm thế khi sáng tác, khi viết sinh ra chứ không phải mình cố tình muốn có hay không. Nó có thành xu thế hay không thì tôi không dám nói nhưng ở phương Tây hình thức không có cốt truyện được rất nhiều nhà văn sử dụng. Theo tôi nghĩ thì làm sáng tác nó có tính tự nhiên thôi chứ không phải sự áp đặt với con chữ, bố cục của bài viết. Với tôi là hoàn toàn tự nhiên khi ý tưởng, các nhân vật tự tìm một hình thức biểu hiện sự tồn tại và phát triển của nó.

 

PV: MA NET là tập truyện ngắn gồm nhiều truyện như “ma net”, “ma nhoà”, “Yêu”, “Hiếp”, “Người thầy của em”, nhưng truyện ngắn “ma net” lại được ưu ái lấy làm tên cho cả tập. Phải chăng đây là tác phẩm nhà văn tâm đắc nhất?

 

Đặng Thân: Tất cả đều là truyện do tôi sáng tác nên tôi ưu ái mỗi tác phẩm theo một cách riêng. “ma net” là một trong những truyện ngắn được đánh giá cao và cũng khá quen thuộc với nhiều người. Vì lý do đó, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đã gợi ý tôi nên dùng “ma net” làm tên cho toàn bộ tập truyện chứ bản thân tôi không có sự phân biệt tác phẩm nào trội hơn tác phẩm nào. Bởi mỗi tác phẩm đều có những nét riêng của nó. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng “ma net” được đánh giá cao vì đọc nó người ta có thể nhận ra văn phong, tư tưởng và cái chất riêng của tôi ở trong đó.

 

PV: Được biết, trong tập MA NET có tác phẩm “Đã 20 mùa thu người Hà Nội” đã được tặng thưởng của Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội. Nhà văn có thể chia sẻ đôi chút về giải thưởng này?

 

Đặng Thân: Cuộc thi truyện ngắn và thơ “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” do Hội Liên Hiệp VHNT Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm hai sự kiện lớn: 20 năm ngày thành lập báo Người Hà Nội và kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thủ đô (1954 – 2004). Tên cuộc thi đã khiến tôi nghĩ ngay tới nhan đề và nội dung của truyện ngắn sẽ là ký ức về Hà Nội cách đó 20 năm. “Đã 20 mùa thu người Hà Nội” ra đời trong hoàn cảnh đó. Có lẽ thành công của truyện là đã gợi lại trong chúng ta những suy nghĩ xa xưa rất trong sáng về một Hà Nội cách đây hơn 20 năm. Vì thế mà khi đọc tác phẩm của tôi nhiều người đã không giấu được sự xúc động mạnh. Cũng vì giá trị đó mà truyện được Ban tổ chức đánh giá cao. Ngay khi được đăng, báo Người Hà Nội đã khẳng định truyện sẽ lọt vào vòng Chung khảo.

 

PV: Vừa là một nhà văn lại là nhà thơ, việc kết hợp giữa thơ vào trong văn xuôi có phải là thế mạnh của Đặng Thân?

 

Đặng Thân: Không phải riêng tôi mà có nhiều nhà văn đưa thơ vào trong sáng tác văn xuôi của mình. Một trong những người khá nổi tiếng ở Việt Nam trong việc kết hợp giữa thơ và văn xuôi là Nguyễn Huy Thiệp. Theo tôi, anh Thiệp cố ý đưa thơ vào văn xuôi hình như là để lôi độc giả ra khỏi trạng thái của cái đọc, cái lý sự trong văn xuôi. Còn thơ của tôi thì hết sức tự nhiên, phụ thuộc vào tâm trạng, tâm thế sáng tác của tôi. Khi cảm xúc lên quá dồi dào mà văn xuôi không thể diễn đạt được hết thì ắt phải bật ra thơ.

 

PV: Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện thú vị này!

Tiến Lâm thực hiện

Đặng Thân
Số lần đọc: 2390
Ngày đăng: 15.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một bài thơ - hai cách hiểu: Vấn đề là ở trình độ đọc - Trần Quang Đạo
Võ Đắc Danh viết để khơi dậy lòng nhân ái - Võ Ðắc Danh
Về hội thảo chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, GS Phan Huy Lê:Một nhu cầu lịch sử cấp thiết và chính đáng - Phan Huy Lê
Hoàng Như Mai & những nhân vật văn hoá Việt Nam - Hoàng Như Mai
Vũ điệu salsa và một Phan Ý Ly khác - Phan Ý Ly
Nhà văn Lý Lan: “TÔI TỰ CÂN BẰNG MÌNH” - Huỳnh Kim
Bá Nha - Tử Kỳ ! : Trò chuyện với Thái Doãn Hiểu tác giả thi nhân việt nam hiện đại - Thái Doãn Hiểu
Đạo diễn Việt Linh: TÔI MUỐN MÌNH GIỐNG… CÂY DỪA - Huỳnh Kim
Hát opera bằng... pop! - Hương Lan
Hồ Hữu Thủ : Ý tưởng là rác. Sáng tạo phải như đoá hoa đang nở! - Phan Hoàng
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)